Đề tài Bát Bửu trong trang trí Kiến trúc chùa Huế (PGS.TS Phan Thanh Bình)

TẢI FILE PDF
—————–

1. Khái niệm về bát bửu và bát bửu Phật giáo

Từ các tư liệu hình ảnh mỹ thuật nói riêng và tư liệu văn bản cổ nói chung cho thấy đề tài bát bửu xuất hiện đã từ lâu xuất hiện trong mỹ thuật cổ của dân tộc. Người xưa đã mỹ cảm và tâm linh hóa những đồ vật được coi là “ cổ đồ” và tạo cho chúng những ngữ nghĩa, nội dung tinh thần biểu tượng khác nhau. Đồ vật quý được gọi với những cái tên mang nội hàm biểu hiện khác nhau và rất đa nghĩa mà trước hết chúng là tạp bảo (nhiều vật quý các loại), rồi khi điển hóa gọi là bách cổ một cách ước lệ của số đếm không tuyệt đối. Khi dùng trang trí, tạo hình và chuẩn hóa kiểu thức thì gọi là cổ đồ với sự trang trí từng bộ hay độc lập. Cuối cùng khi sắp xếp, chọn lọc và dùng trong những điều kiện và hoàn cảnh, yêu cầu cụ thể mới gọi là bát bửu (bát bảo). Bát bửu cổ đồ cũng hình thành từ nhiều cách đánh giá về hình thái tồn tại, biểu cảm của mọi vật quý trong đời sống. Các nhà nghiên cứu nói về ý nghĩa bát bửu khá nhiều, có những ý kiến về việc xuất hiện bát bửu từ thời Lý trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tác giả Đinh Hồng Hải cho rằng hình tượng cụ thể của các vật trong bửu đã xuất hiện sớm trong trang trí Phật giáo từ thời Lý.: “ … biểu tượng bát bửu có niên đại sớm nhất được biết, nằm ở một kiến trúc Phật giáo (chùa Bút Tháp) chứ không phải là một kiến trúc tôn giáo khác” 457 . Cho đến thời Hậu Lê – Nguyễn, đã có một số sách viết về mỹ thuật có nói đến bát bửu, đặc biệt đến thời Nguyễn việc nói đến “cổ đồ” đã khá phổ biến. Trong Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, tác giả Nguyễn Phi Hoanh viết về đặc điểm của bát bửu trong mỹ thuật cổ dân tộc là: “Người xưa không nhất trí về tám vật này; trong những tác phẩm trang trí thường có khác nhau về một vài chi tiết” 458. Tác giả Đinh Hồng Hải trong Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam viết: “… bát bửu là một mô-típ trang trí bắt nguồn từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam trong quá trình giao lưu văn hóa”.459. Đồng thời tác giả có nêu ra một nhận định quan trọng: “Có thể nhận thấy ở các quốc gia láng giềng độc tôn Phật giáo như Thái Lan, Lào, Campuchia không có bát bửu trong trang trí. Do đó, chúng ta có thể coi biểu tượng này là một nét đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam..” 460. Tác giả Nguyễn Hữu Thông giải thích: “Bát bửu hiểu nôm na là tám món quý. Trong nghệ thuật trang trí chúng thường kết thành từng bộ. Đây là một kiểu thức phổ biến, được thể hiện từ rất nhiều chất liệu khác nhau, cũng như được trình bày một cách đa dạng và phong phú trong trang trí Huế”461.

Thực tế cho thấy các biểu tượng bát bửu trong trang trí thời Nguyễn không tách bạch theo từng đạo giáo, cho dù thông thường trong Nho giáo, Phật giáo, Đạo lão đều có những vật quý mang tính biểu tượng riêng không thể nhầm lẫn như kiểu thức thanh kiếm trong Nho giáo, bánh xe pháp luân trong Phật giáo và ngư cổ trong Đạo giáo. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều bộ trang trí thể hiện sự đan xen, pha trộn của tam giáo trong hình ảnh vật biểu trưng theo bộ như tác giả Nguyễn Hữu Thông phân tích: “ … một bộ bát bửu mới có thể hình thành từ sự lắp ghép kiểu thức của cả ba hệ Nho, Phật, lão truyền thống… tất cả đều là những khoảng mềm, để người nghệ sĩ có thể chen vào trong bố cục thực hiện của mình sự được thừa nhận đôi chút quyền riêng trong sáng tạo”. 462 . và vì vậy mà: “… biểu tượng bát bửu trong nghệ thuật tạo hình có tác dụng như một trung gian chuyển tiếp các tư tưởng của Phật giáo đến với người dân” 463. Trên cơ sở xem xét bát bửu ở các chùa Việt, các nhà nghiên cứu nêu ra một số vật quý trong bát bửu Phật giáo là: hoa văn chữ Vạn, bảo bình, hoa sen, ốc tù và, cái lọng, hồ lô, lá đề, độc lư bốn chân, bánh xe luôn hồi và một số vật khác như lá sen, nút huyền bí, cái táng, đôi cá… Tương tự như vậy tác giả Bùi Minh Đức trong Từ điển tiếng Huế cũng liệt kê như trên đồng thời có so sánh với bộ bát bửu của Đạo giáo, Nho giáo với mục từ: “Bát bửu trong tam giáo” và dẫn giải chúng cũng được nhận diện với những hình ảnh biểu trưng khác nhau. Phật giáo là tôn giáo thế giới có nhiều ảnh hưởng đến đời sống văn hoá các dân tộc ở phương Đông trong đó có Việt Nam, do vậy nghiên cứu về bát bửu Phật giáo không chỉ làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử hình thành, triết lý sâu xa của đạo Phật mà còn hiểu sâu sắc hơn về văn hoá các dân tộc trong khu vực. Đồng thời cũng có thể thông qua việc khảo sát, bát bửu truy tìm nguồn gốc, ý nghĩa của các hoa văn trang trí, các biểu tượng được sử dụng trên các công trình kiến trúc như chùa, tháp hay cách thức thiết trí thờ tự ở các không gian khác nhau ở chùa Việt. Hệ thống biểu tượng trang trí chùa Huế mang trên mình ý nghĩa thuần khiết của Phật giáo, lý giải và làm phong phú hơn cho những đầy triết lý về thế giới và nhân sinh của Phật giáo. Biểu tượng trang trí chùa Huế cũng chịu sự chi phối, ảnh hưởng phong cách, nhân sinh quan của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế, mỹ thuật cung đình ở Huế nói riêng, từ đó giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về sự chi phối của ý thức hệ phong kiến đến Phật giáo.

Đề tài bát bửu được du nhập từ Trung Hoa và thâm nhập vào đời sống văn hóa tâm linh và được Việt hóa trong suốt chiều dài lịch sử cho phù hợp với tâm thức người Việt cũng như tư tưởng và thẩm mỹ của mỗi thời đại như các tác giả trong Mỹ thuật Huế ghi nhận: “Dưới thời Nguyễn, ngay ở Huế, đề tài bát bửu cũng có hai giai đoạn phát triển, giai đoạn đầu chưa được làm lớn, thường chạm vào gỗ nền, giai đoạn sau đã có hiện tượng sản xuất hàng loạt rồi gắn vào nền… đi cùng với hai giai đoạn đó thì tính linh của bộ đề tài này trong quan điểm của người Huế như nhẹ dần đi, mà cái hình thể được chú ý mạnh hơn với nhiều hình thức tỉa tót công phu”.464. Ít nhiều ta cũng nhận ra nét riêng mang tính phong cách này cũng là điều rất quen thuộc trong mỹ thuật cung đình thời Nguyễn (1802-1945), do vậy sự ảnh hưởng đề tài bát bửu cung đình vào bát bửu Phật giáo ở Huế là tất yếu.

2. Đặc trưng biểu cảm của hình tượng bát bửu ở chùa Huế

Đề tài bát bửu trong trang trí kiến trúc chùa Huế thường được trang trí theo bộ với tám vật chọn lọc hoăc từng vật rời tuỳ theo chức năng, ý nghĩa, vị trí và tầm quan trọng của mỗi công trình kiến trúc. Có khi một kiểu thức, mô típ trang trí lại được cường điệu hoá trở thành mô típ chính của một trang trí ở các cổ lâu hoặc một tiết diện trang trí nào đó. Đồng thời các vật quý cũng thường gắn liền với các nhân vật hay hình tượng khác để làm rõ hơn ý nghĩa của trang trí và phản ánh sâu sắc hơn chức năng của công trình kiến trúc như hình chữ Vạn làm nền cho tứ linh ở chùa Từ Hiếu, hồ lô ở chùa Bảo Quốc và thư bút ở chùa Quốc Ân, bánh xe pháp ở chùa Từ Đàm …

Trong ảnh hưởng của tam giáo Nho – Phật – Lão, trang trí bát bửu ở nhiều công trình kiến trúc cũng có những bộ đề tài tương ứng, tuy nhiên giữa chúng có sự pha trộn rất tinh tế, hài hoà và đan xen, giao thoa lẫn nhau. Đó cũng là một trong những phẩm chất đặc biệt trong ý thức trang trí của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn và có những chuyển hóa phù hợp trong trang trí bát bửu ở chùa Huế. Lý giải về sự có mặt ngày càng nhiều của các mô típ bát bửu Phật giáo và những hình tượng khác trong dòng chảy Nho giáo, trong bài Kinh thành Huế, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng:“Nho giáo ngày tàn đã chi phối chặt chẽ tư tưởng Việt Nam thế kỷ XIX. Nhưng bánh xe luân hồi vẫn quay đã dựng nên tấm màn hư vô vĩnh viễn mà tinh thần duy lý Nho giáo không bao giờ cắt nghĩa được…” 465. Đó là một hiện tượng văn hoá thẩm mỹ khá thú vị ở sự nhận cảm đời thường nhưng rất huyền ảo, linh diệu ở ý niệm tâm linh Phật giáo trong những ngôi chùa xứ Huế.

Trong trang trí kiến trúc chùa Huế, có những vật chiếm vị trí hàng đầu, chúng có mặt khắp nơi như bởi những ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, rộng lớn và đầy triết lý của đạo Phật như hồ lô là một trong những hình tượng trang trí phổ biến và được hiểu như tác giả Nguyễn Hữu Thông viết: “Việc sử dụng hình tượng hồ lô trên một số đỉnh nóc của kiến trúc Huế, được nhấn mạnh như điểm trung tâm của bố cục lớn cũng bởi ý nghĩa biểu tượng mà nó được thể hiện, là cội nguồn sinh sản nòi giống, nơi chứa đựng thuốc trường sinh, cải lão hoàn đồng, nơi đem lại may mắn, diệt trừ yêu tà,…” 466. Trong khi đó , cũng là “trái bầu thắt” ở cung đình phải dược hiểu theo những ý tứ khác như bài Ý nghĩa Hồng lô trong nghệ thuật trang trí cung điện ở Huế, tác giả Liễu Thượng Văn viết: “Trên đỉnh nóc của khá nhiều kiến trúc trong Đại Nội như Ngọ Môn, tiền doanh Thái Hòa điện, Thế Miếu, Hưng Miếu… thường được trang trí bằng một chiếc bầu… nói chính xác là chiếc Hồng lô trên đầu hoàng đế, là ý niệm Bầu vũ trụ, thu tóm cả Trời Đất vào trong đó. 467

Dưới ảnh hưởng của tư tưởng tam giáo mà Phật giáo là chủ đạo, đề tài trang trí thời bát bửu luôn hiện ra theo những cách tạo hình mang nguyên tắc biểu tượng về đạo Phật, đặc biệt là đối với một số công trình kiến trúc quan trọng. Tính triết lý tượng trưng với những nguyên tắc tạo hình chặt chẽ được thể hiện qua các bộ đề tài, trong đó bộ bát bửu có những chuyển đổi tạo hình và sự phối hợp tượng trưng với nhiều hình tượng hoa văn khác nhau. Trong nhiều hình vật bát bửu trang trí khảm sành sứ trên nhiều chùa Huế có những đồ vật mang những ý nghĩa sâu xa hơn về sự cầu mong kín đáo như thư bút trang trí trong các ô hộc ơt cổ lâu, hồi mái chùa thực sự là các vật gắn bó mật thiết với các nhà sư- nhà thư họa. Hay mô- típ chữ Vạn thuộc bát bửu Phật giáo tuy nhiên hình tượng chữ Vạn mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Chữ Vạn là một trong những chữ sử dụng trong trang trí bát bửu nhiều với ý nghĩa biểu tượng cho sự tốt lành (Cát tường). Chữ Vạn còn đồng âm với số hàng vạn (10000) với nghĩa là vô số, vì lẽ đó chúng không chỉ được dùng trong các ngôi chùa Phật giáo mà còn có mặt ở trang trí cung đình. Đây là một hinh thể trang trí được “ mô -típ hóa” chặt chẽ đến mức không thể cách điệu quá xa, càng không thể thêm bớt tùy tiện vì sự nhạy cảm của ý nghĩa tượng trưng, biểu hiện, phản ánh tư tưởng cốt lõi của đạo Phật trong suốt chặng đường dài của lịch sử dân tộc. Trong Phật giáo, chữ Vạn thường xuất hiện trên ngực Đức Phật, được cho là biểu tượng đầu tiên của một trong các tướng tốt trên dấu chân Phật hay dấu ấn tâm Phật (Phật tâm ấn), chính vì vậy, chữ Vạn cũng biểu tượng cho tinh thần Đức Phật. Tại một số chùa ở Huế, trang trí ô cửa thông gió hoặc trang trí xen ô hộc là hình cái khánh và nhiều khi có những hình lá lật, hoa dây tô điểm làm nền. Cái khánh với thực thể là vật thường làm bằng đá, đồng, ngọc…với dáng hoa văn tai và đỉnh hình nấm linh chi cùng âm thanh vang vọng hùng khí do được đúc bằng đồng thanh khiết nên được cho là rất linh thiêng, thần diệu. Khánh còn là pháp khí để trừ tà và bảo vệ Phật pháp vì vậy trong Phật giáo khánh là vật báu, là pháp khí hàm chứa nhiều ý nghĩa về sự thanh tịnh, siêu thoát. Một số chùa Huế có treo khánh đồng như ở chùa Linh Mụ hay cất giữ khánh do vua ban như khánh đồng chùa Quốc Ân do vua Minh Mạng ban. Với đại chúng, nghe tiếng khánh chuông còn là sự may mắn, sự đánh thức tâm trí tỉnh táo vượt qua mọi u tối, nhọc nhằn và buông bỏ được mọi phiền ưu.

Trên cơ sở tư liệu lịch sử và khảo sát thực trạng trang trí bát bửu ở các chùa Huế chúng ta thấy rõ là có một giai đoạn nghệ thuật dân gian và cung đình có sự xâm nhập vào trang trí kiến trúc chùa Huế và tạo ra những đột biến trong xử lý và sử dụng chất liệu trang trí. Điều này khá rõ ở những bộ trang trí bát bửu ở các chùa tại Huế, bất cứ ở đâu cũng dễ dàng nhận ra nét bình dân, dung dị của phong cách trang trí bát bửu trên các chất liệu những tổ hợp trang trí, dù đó là đồ gỗ tinh nhã với sơn son thếp vàng, đồ pháp lam sang trọng hay gồ ghề thô nhám ở những trang trí bát bửu đắp nổi nề vữa trên mái chùa, tam quan… Nhiều chùa ở Huế có mật độ trang trí và nhu cầu trang trí bát bửu khá lớn, trở thành đề tài tao nhã không thể thiếu trong trang trí kiến trúc của ngôi chùa. Ở chất liệu khảm sành sứ, bên cạnh hoa lá quả cành có những hình tượng bát bửu đan xen tinh tế, như hình trang trí nút huyền bí là một hình thức tạo hình trang trí đặc sắc của mỹ thuật Phật giáo và rất phổ biến trong trang trí kiến trúc Phật giáo ở Huế. Đây là một mô típ trong đề tài trang trí tượng trưng cho sự trường tồn bởi cấu trúc tạo hình của nó dường như không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Vì vậy dù rất bình dị và đôi lúc ẩn khuất nhưng nút huyền bí lại là một trong những mô -típ trang trí bát bửu thể hiện sâu sắc nguyên lý vận động, quan niệm vũ trụ nhân sinh và mang đậm tính ẩn dụ về triết lý luân hồi của đạo Phật.

3. Lời kết

Với những giá trị nghệ thuật đã được khẳng định và lắng đọng, giao hòa thẩm mỹ trong mỗi ngôi chùa xứ Huế, hình tượng bát bửu không những góp phần nhấn mạnh và tạo ra những giá trị nghệ thuật đích thực của mỹ thuật Phật giáo ở Huế, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc mỹ thuật truyền thống Việt. Từ những đặc điểm ngôn ngữ tạo hình và hiệu quả nghệ thuật của đề tài bát bửu trang trí ở chùa xứ Huế đã cho thấy những hình tượng mỹ thuật đặc sắc hình thành trên nhiều loại thể kỹ thuật chất liệu trang trí như đúc đồng, chạm khắc đá, chạm gỗ, pháp lam, đồ sánh sứ, nề đắp nổi, nề họa, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng,… Sự ra đời, xuất hiện và tạo dựng được ngôn ngữ riêng của đề tài bát bửu đã góp phần làm cho mỹ thuật ở chùa Huế có được những giá trị độc đáo, trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc tâm linh và sự chi phối bởi tư tưởng tôn giáo chặt chẽ. Mặt khác, từ đề tài bát bửu cũng phán ánh tính khác biệt của những dấu ấn Phật giáo trong tạo hình trang trí kiến trúc chùa Huế. Những đường diềm về hoa dây nối các vật trong bát bửu, cột bông sen, hoa văn biến thể từ chữ Vạn, cấu trúc chính điện tĩnh lặng, hồ lô, chữ Vạn đắp ở các ô hộc điểm xuyết sành sứ …là sự biểu lộ những ý niệm tâm linh, thẩm mỹ Phật giáo sâu đậm. Các nghệ nhân tài hoa xứ Huế, với tâm thức hướng về Phật và lòng mộ đạo, đã tạo nên một bình diện đề tài bát bửu riêng hàm chứa ý nghĩa tâm linh, làm lay động lòng người. Các giá trị tạo hình của đề tài bát bửu ở chùa Huế không chỉ là sự phản ánh mỹ thuật Phật giáo mà còn là sự khẳng định phong cách và bản sắc mỹ thuật của một vùng đất. Nghiên cứu, đánh giá, phân tích được những giá trị của đề tài bát bửu trong mỹ thuật ở chùa Huế không chỉ nhằm làm sáng tỏ một trong nhiều giá trị của mỹ thuật Phật giáo, mà còn góp phần đem lại những nhận thức sâu sắc, rộng mở hơn về văn hóa truyền thống của xứ Huế trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

 

 

 

_Chú thích:

457. Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Tri Thức, Hà Nội, tr162

458. Nguyễn Phi Hoanh (1970), Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, tr231

459. Đinh Hồng Hải(2012), tr158

460. Đinh Hồng Hải (2012), Sđd, tr162

461. Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế – Nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr124

462. Nguyễn Hữu Thông (2001), sdd, tr 160

463. Đinh Hồng Hải ( 2012), sdd, tr 163

464. Nguyễn Tiến Cảnh (cb) (1992) Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật-TTBTDT Cố đô Huế, tr 73

465. Phan Cẩm Thượng( 1988), “Kinh thành Huế”,Tạp chí Mỹ thuật , số 2, tr 17.

466. Nguyễn Hữu Thông (2001), Sđd, tr 67

467. Liễu Thượng Văn (2003), “Ý nghĩa Hồng lô trong nghệ thuật trang trí cung điện ở Huế”, Sông Hương dòng chảy văn hoá, Nxb VHTT, Hà Nội, tr 171-175.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Tiến Cảnh chủ biên, (1992), Mỹ thuật Huế, Viện Nghiên cứu Mỹ thuật, Trung tâm BTDT Cố đô Huế, Huế.
  2. Bùi Minh Đức (2001), Từ điển tiếng Huế, Nxb Tầm An, Hoa Kỳ
  3. Phan Hồng Giang (2007). Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật. Nxb VHTT, Hà Nội
  4. Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam – tập 1, Các bộ trang trí điển hình, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
  5. Nguyễn Phi Hoanh (1984), Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, Nxb TP HCM, Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  7. Phan Cẩm Thượng (1988), “Kinh thành Huế”,Tạp chí Mỹ thuật, số 2
  8. Phạm Đăng Trí (2003), “Qua những tà áo, thử tìm hiểu thị hiếu về màu sắc của người Huế thuở trước”, Sông Hương dòng chảy văn hóa, Nxb VHTT, Hà Nội
  9. Liễu Thượng Văn (2003), “Ý nghĩa Hồng lô trong nghệ thuật trang trí cung điện ở Huế”, Sông Hương dòng chảy văn hoá, Nxb VHTT, Hà Nội.