1. Mở đầu
Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ, khi truyền bá đến mỗi quốc gia với tính chất dung hoà và tinh thần tuỳ duyên bất biến, Phật giáo đã tiếp thu và hoà quyện cùng văn hoá bản địa tạo nên nét riêng của Phật giáo mỗi nước trên thế giới. Nét riêng đó được thể hiện rõ nét qua pháp phục, ngôn ngữ, nghi lễ, tranh tượng, đồ thờ, pháp khí, cho đến tư tưởng, đạo đức, lối sống và phương thức tu tập,… trong đó kiến trúc Phật giáo là một bộ phận di sản vô cùng đồ sộ trong kho tàng di sản văn hoá Phật giáo nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Trải qua gần 2000 năm lịch sử, kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, kế thừa, tiếp thu, phát triển tạo nên bản sắc riêng của văn hoá kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay, quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa cùng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều ngôi chùa, tháp đã, đang chịu những tác động do quá trình tu bổ, tôn tạo và xây mới ảnh hưởng đến “hình ảnh” kiến trúc Phật giáo. Nhiều di tích kiến trúc Phật giáo trong quá trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo có những sai lệch, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, đôi khi còn đi ngược với truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Trước thực tiễn đó, để hạn chế những biến đổi không phù hợp, đảm bảo sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng, phát triển đặc trưng, đặc sắc của văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần phát triển văn hóa dân tộc tiến tiến, hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam. Vì vậy, việc tiếp tục gìn giữ và định hướng phát triển giá trị, đặc trưng văn háo kiến trúc Phật giáo Việt Nam là hết sức cần thiết mà tác giả sẽ trình bày khái lược trong bài viết này.
2. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam
Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hình thành và phát triển cùng với sự du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Mặc dù có những ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc,… nhưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã sớm định hình với những đặc trưng và sắc thái riêng. Những đặc điểm của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất phát từ cách sử dụng vật liệu, kỹ thuật tạo dựng cũng như phong cách, ngôn ngữ diễn đạt bắt nguồn từ những quan niệm, tư tưởng của người Việt Nam. Phật giáo du nhập vào Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, tạo nên văn hóa Phật giáo Việt Nam, trong đó, kiến trúc văn hoá Phật giáo Việt Nam, cũng mang đậm dấu ấn riêng, vừa mang tinh thần Phật giáo vừa mang tinh thần dân tộc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, với các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn,… kiến trúc Phật giáo Việt Nam phát triển trong sự thống nhất của nền kiến trúc truyền thống Việt Nam, đồng thời mỗi thời kỳ lại có đặc trưng, sắc thái riêng. Từ miền núi, trung du đến đồng bằng; từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam, kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng mang những nét riêng do sự chi phối của văn hóa vùng miền cũng như đời sống xã hội của những cộng đồng cư dân là chủ nhân của vùng, miền đó. Tất cả tạo nên một hệ thống các công trình và cảnh quan kiến trúc vừa đa dạng về quy mô, loại hình (gồm danh lam cổ tự và chùa làng), vừa phong phú về vật liệu sử dụng và kỹ thuật tạo dựng và mang đậm bản sắc của đời sống xã hội cũng như đời sống văn hóa, tinh thần, sinh hoạt tôn giáo của con người Việt Nam. Hệ thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam vì thế vừa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của Phật giáo vừa tạo nên những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa sâu đậm của dân tộc.
Cùng với hệ thống kiến trúc là khối di sản đồ sộ, như hệ thống tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng, tranh thờ, hoành phi, câu đối, đồ thờ, pháp khí và những biểu tượng được trang trí tại nội viện và ngoại viện… chứa đựng những giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân văn…; nó gắn liền với hệ thống kiến trúc văn hóa Phật giáo Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Từng không gian, bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự, linh vật… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ.
3. Đặc trưng, thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam
3.1. Đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam
Theo kết quả khảo sát hơn130 ngôi chùa ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thuộc các hệ phái Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, Khất sĩ đã bước đầu nhận diện khái quát đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Theo đó:
– Về di sản kiến trúc Phật giáo bao gồm: hệ thống các công trình, vật liệu, trang trí kiến trúc chùa, tháp và hệ thống tượng thờ tự chứa đựng những giá trị tiêu biểu, đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan. Từng không gian, bộ phận, kiến trúc, trang trí trong các ngôi chùa, tháp,… trở thành kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.
– Về đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tùy từng vùng, miền, hệ phái, điều kiện vật chất và cách thức thờ phụng khác nhau nên bố cục mặt bằng tổng thể hay công năng sử dụng của các công trình kiến trúc Phật giáo rất đa dạng mà trong đó luôn chứa đựng, kế thừa những nét đẹp của kiến trúc truyền thống, tạo nên bức tranh chung với nhiều mảng màu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam, song vẫn có sự thống nhất trong từng hệ phái, vùng miền. Trong đó:
1. Kiến trúc Phật giáo Bắc tông
Ngoài một số chùa được dựng ở những điểm thắng cảnh thiên nhiên, thì hầu hết chùa đều gắn với xóm làng (chùa làng). Những ngôi chùa Bắc tông không chỉ là nơi thờ Phật, Bồ Tát, thờ Tổ mà còn phối thờ Thánh, Thần tự nhiên, Mẫu, Hậu Phật… Tùy từng vùng, miền, hệ phái mà cách thức thờ tự có sự thay đổi khác nhau dẫn đến bố cục mặt bằng tổng thể cũng có sự đa dạng phụ thuộc vào từng công năng sử dụng. Trong đó, bố cục mặt bằng các ngôi chùa Bắc tông miền Bắc phổ biến là chữ Đinh (丁), chữ Công (工), chữ Tam (三), nội công ngoại quốc (国); được thống nhất theo nguyên tắc một trục đối xứng, lần lượt từ ngoài vào là: Tam quan, sân chính điện, ở vị trí trung tâm là chính điện (Tam bảo), gác chuông (nếu có) và nhà tổ. Chùa Bắc tông miền Trung, miền Nam đặc trưng với dạng kiến trúc dân gian, cung đình, trong đó, tiêu biểu cho kiến trúc chùa Bắc tông miền Trung là kiểu kiến trúc nhà Rường (bình đồ vuông) có 1 hoặc 2 chái, chữ Khẩu, kiểu “trùng thiềm điệp ốc” (các tòa nhà chung thềm với nhau); chùa Bắc tông miền Nam đặc trưng với kiểu nhà Bát Dần (Xếp-Đọi) của người dân vùng Nam Bộ (dân gian gọi là nhà “bánh ít”, bình đồ vuông 4 mái), sau phát triển mở rộng kiểu “trùng thiềm điệp ốc”.
Theo quan niệm cổ truyền, chùa bao giờ cũng được dựng ở mảnh đất thu được khí thiêng của đất trời và hội tụ được các đặc điểm thế đất cao, mặt trước công trình quay về hướng Nam, phía trước có dòng chảy hoặc ao hồ. Ngoài chính điện, chùa hệ phái Bắc tông còn có các tháp (tháp Phật, tháp mộ), hành lang liên kết, khu vực tiếp khách, chỗ nghỉ cho khách, nơi ở và sinh hoạt của các nhà sư trụ trì; không gian còn lại là cảnh quan mặt nước, cây xanh, sân vườn và các công trình kiến trúc nhỏ như: thủy đình, cầu, núi đá,…
Về kiến trúc xây dựng công trình theo cách thức truyền thống, hệ khung chịu lực chủ yếu làm bằng gỗ với liên kết vì, kèo, xà, mộng. Bố cục Phật điện thay đổi theo thời điểm nhằm đáp ứng về sự gia tăng số lượng tượng pháp và nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng
Trang trí mỹ thuật, chạm khắc đều thể hiện dấu ấn của thời đại, đề tài trang trí, hoa văn, hình tượng truyền tải được tư tưởng, triết lý, tinh thần của Phật giáo đồng thời phản ánh chân thực quan niệm của người đương thời về nhân sinh quan, vũ trụ. Về màu sắc ngôi chùa với các màu chủ đạo là vàng, nâu, lam mang đậm nét mộc mạc, tự nhiên tạo sự linh thiêng nhưng vẫn gần gũi, thân quen.
2. Kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer
Chùa thường được xây dựng trong khuôn viên cây xanh mát, đặc trưng của vùng như cây Sao, Thốt Nốt… Ngôi chính điện là công trình quan trọng nhất của ngôi chùa Khmer, thường có từ 7 đến 9 gian, được quy hoạch trên nền đất cao với ba cấp nền, có tường rào bao quanh. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật, gồm 4 đến 5 gian, thường được bố cục theo chiều Đông – Tây, từ đó được định vị cho các công năng kiến trúc khác trong ngôi chùa Khmer. Dáng chính điện thường có 2 dạng là dạng nguyên bản (tam giác cân) không có chóp nhọn và dạng thức đương đại phát triển phần tháp nhọn. Mái chính điện thường có 2 hoặc 3 cấp (lớp), trang trí các hình rồng, thủy quái Makara,… Đỡ diềm mái là tượng nữ thần Keynor, thần Krud. Hai bên bậc tam cấp trang trí hình rắn thần Nagar, hình tượng chằn (Yeak) đứng bảo vệ Phật pháp. Hoa văn, họa tiết trang trí được sử dụng 4 nhóm gồm hoa lửa (Pha-nhi – Pha Lơn), hoa lá Teê (Pha-nhi – Teê), nhóm Angko (Angko Wath – đơn giản hóa), nhóm phối hợp (Chom – Roo); trong chính điện thường trang trí các bức tranh kể về cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Màu sắc chủ đạo của những ngôi chùa Nam tông Khmer là màu vàng, làm nổi bật công trình kiến trúc trong vườn cây xanh. Trong chính điện, ban thờ Phật nằm ở phía Tây, chỉ thờ một ngôi duy nhất là Đức Phật Thích Ca ngự trên Bồ đoàn có quy chuẩn tỷ lệ vàng (tam giác đều,).
Ngoài chính điện, còn có các công năng: tam quan/cổng chùa, nhà hội (Sa la), cột cờ, tăng xá, nhà hỏa táng, đặc biệt là hệ thống tháp gồm có 3 dạng: tháp lớn ở 4 góc chính điện dành đặt hài cốt của các vị sư có chức sắc và công lớn với chùa; tháp gia tộc gọi là tháp dòng họ (vườn tháp); tháp hội thường được xây dựng to cao, bên trong có các phần ô để hài cốt… dành cho tất cả mọi người không đủ khả năng xây tháp riêng (gọi là tháp cộng đồng hay tháp hội)…
3. Kiến trúc Phật giáo Nam tông Kinh
Phật giáo Nam Tông Kinh bắt đầu du nhập từ Campuchia vào cộng đồng người Việt vào đầu thế kỷ 20, chủ yếu phân bố ở miền Nam và một số ít rải rác ở miền Trung. Ngôi chùa đầu tiên thuộc hệ phái này được xây dựng là chùa Bửu Quang (thành phố Hồ Chí Minh) và những ngôi chùa tiêu biểu như: chùa Hộ Pháp (Bà Rịa Vũng Tàu), chùa Pháp Bảo (Tiền Giang), chùa Bửu Long (thành phố Hồ Chí Minh), thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai).
Chính điện thường quay hướng Đông, phương cách này ảnh hưởng Phật giáo Campuchia. Trong chính điện chỉ thờ tượng Phật Thích Ca, trang trí các bức tranh kể về cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Kiến trúc Phật giáo Nam tông Kinh đến nay chưa tạo được đặc trưng riêng mà khá đa dạng về phong cách kiến trúc, nhưng điểm chung nhận diện đó là chúng luôn nổi bật với ngọn tháp lớn, vươn lên cao. Ngôi tháp có mặt bằng hình tròn hoặc hình vuông như những tòa tháp của Myanmar, Thái Lan…
4. Kiến trúc Phật giáo Khất sĩ
Nơi thờ tự, tu trì của các nhà tu hành thuộc hệ phái Khất sĩ gọi là Tịnh xá, Tịnh thất hay pháp viện. Về kiến trúc, chính điện tịnh xá có mặt bằng nền hình bát giác, 02 tầng mái (tầng trên 4 mặt mái, tầng dưới có 8 mặt mái). Bộ khung cấu trúc được đỡ bởi 04 cột cái lớn ở chính giữa và 08 cột quân xung quanh. Chính điện hình bát giác do vị Tổ sư Minh Đăng Quang sáng chế với ý nghĩa hình bát giác tượng trưng cho Bát Chính Đạo; cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ Diệu Đế; bốn cột lớn trong lòng chính điện tượng trưng cho Tứ Chúng (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cư sĩ nam và Cư sĩ nữ) cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp. Trên đỉnh chính điện là hình hoa sen hoặc ngọn đèn Chân lý biểu trưng cho sự thanh tịnh hoặc ánh sáng chân lý soi sáng cho muôn loài chúng sinh. Bên trong chính giữa chính điện đặt một tòa tháp bằng gỗ thờ tượng Phật bản Sư Thích Ca. Mái tòa tháp được tạo bởi 13 cấp tượng trưng cho 13 nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sinh hữu tình từ lục phàm lên tứ thánh và tam tôn. Về màu sắc ngôi tịnh xá với màu chủ đạo là vàng hoại sắc thống nhất với màu pháp phục của hệ phái Khất sĩ.
Ngoài chính điện, tịnh xá còn có các công năng: cổng, tháp, trai đường, giảng đường, thiền đường, tịnh cốc…
3.2. Thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam
3.2.1. Cải tạo, mở rộng công năng công trình cũ
Trong quá trình phát triển, đặc biệt là thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, sự du nhập của các yếu tố văn hóa bên ngoài diễn ra mạnh mẽ cùng với sự thay đổi, nhu cầu tu tập, tín ngưỡng Phật giáo thu hút tín đồ Phật tử ngày càng tăng, sự thay đổi công năng của những công trình kiến trúc Phật giáo cũng diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh những công trình kiến trúc Phật giáo được cải tạo mở rộng công năng hay xây dựng mới đã có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, quy hoạch bài bản, kế thừa những đặc trưng kiến trúc truyền thống, chắt lọc tiếp thu những yếu tố mới một cách hài hòa đã tạo nên một hệ thống công trình kiến trúc Phật giáo phù hợp vừa giữ gìn được đặc trưng kiến trúc, bản sắc văn hóa dân tộc vừa có đủ công năng đáp ứng nhu cầu sử dụng trong điều kiện, bối cảnh hiện tại của các tự viện. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, cũng còn nhiều công trình kiến trúc Phật giáo khi cải tạo, tu bổ mở rộng công năng sử dụng đã gây xung đột, cưỡng bức công trình cũ/di tích, không phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian, cảnh quan chung dẫn đến làm giảm/mất giá trị kiến trúc truyền thống, thậm chí là phản cảm đồng thời làm giảm tính tôn nghiêm, linh thiêng của công trình tôn giáo (Phật giáo); hoặc cũng còn có nhiều công trình kiến trúc Phật giáo xây dựng mới lại được tư duy theo ý thích cá nhân hoặc tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại lai một cách cứng nhắc, sao chép hoặc không ít ngôi tự viện được cải tạo với cách thức lắp ráp, bổ sung công trình tạm thời bằng khung sắt, mái tôn hoặc xây dựng bổ sung công năng mới vào những phần diện tích đất còn trống… nên đã tạo nên sự xa vời, lạ lẫm với văn hóa truyền thống, mất bản sắc văn hóa dân tộc, không gần gũi với người dân, giảm sự ấn tượng, thu hút đối với Phật tử, công chúng quốc tế.
3.2.2. Xây dựng công trình tự viện mới
Công trình xây mới thì có xu hướng phát triển bề thế, quy mô rộng lớn, vật liệu xây dựng nhân tạo, hiện đại và có nhiều ưu việt, bền vững, kiên cố đáp ứng được nhu cầu mở rộng không gian. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhiều ngôi chùa được xây mới đã và đang có sự du nhập mạnh mẽ của kiến trúc, trang trí, văn hóa nước ngoài.
3.2.3. Nhận diện đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam
Trên cơ sở khảo sát, tổng hợp tư liệu bước đầu cho thấy: sự đa dạng về kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở mỗi hệ phái, vùng miền cũng như trong từng hệ phái, vùng miền đó được dễ dàng nhận biết; sự thống nhất trong kiến trúc Phật giáo với những đặc trưng chung cho mỗi hệ phái, vùng miền cũng được bước đầu nhận diện như đã nêu trên. Tuy nhiên, chưa có sự nhận diện chung nào cho tổng thể kiến trúc Phật giáo Việt Nam (cho tất cả các hệ phái, vùng miền), nhất là sự nhận diện thông qua biểu tượng mà các tôn giáo khác thường sử dụng.
Biểu tượng Phật giáo (Buddhist symbolism) là việc sử dụng các biểu tượng như một phương pháp nghệ thuật thể hiện các phương diện triết lý Phật giáo. Trong đó, một số biểu tượng Phật giáo ban đầu (khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên) vẫn còn quan trọng cho đến ngày nay như: bánh xe chuyển pháp luân, hoa sen, tam bảo, cội Bồ đề. Trong giai đoạn Phật giáo Đại thừa xuất hiện vào thế kỷ I trước Công nguyên thì các biểu tượng như chữ Vạn, chày kim cương, bát cát tường và các biểu tượng khác lần lượt ra đời như các đồ pháp khí, tế lễ, bình bát khất thực, các biểu tượng nhân hình Phật giáo (Buddhist anthropomorphic symbolism)…
Trải qua hơn 2500 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo đã được lan tỏa rộng khắp và trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Sức lan tỏa tư tưởng, tinh thần Phật giáo tới rộng rãi Phật tử, công chúng không chỉ qua hệ thống kinh sách mà qua hệ thống biểu tượng Phật giáo chiếm vai trò chủ đạo bởi người dân đến chùa, tiếp cận với kinh sách rất ít mà chủ yếu và trước hết là với các biểu tượng Phật giáo. Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, tuy có lúc thăng trầm, nhưng không khi nào biểu tượng Phật giáo mất đi vai trò của mình. Để những tư tưởng, tinh thần Phật giáo thông qua các biểu tượng Phật giáo đến được với người dân là cả một quá trình chuyển tải phong phú về dạng thức, chất liệu, loại hình và không chỉ chứa đựng thuần túy là tinh thần Phật giáo mà còn là trí tuệ, sự thiện tâm, giác ngộ, mến mộ của những tư tưởng, bàn tay, khối óc của tất cả những người sáng tạo, xây dựng nên những biểu tượng ấy. Vì vậy, theo thời gian và sự lan tỏa Phật giáo ra thế giới, các biểu tượng của Phật giáo không chỉ được tăng thêm về số lượng, mà đến mỗi quốc gia, vùng miền, các biểu tượng tiếp tục được sáng tạo và được hệ thống hóa theo những hệ thống khác nhau.
Ở Việt Nam, trong lịch sử, đã có những thời kỳ Phật giáo phát triển hưng thịnh như thời Lý, Trần (thế kỷ 11 – 14), khi mà “đâu đâu cũng có chùa” thì các biểu tượng Phật giáo cũng được nghiên cứu, thể hiện vô cùng phong phú và phát huy vai trò một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Khối di sản Phật giáo Lý, Trần, đặc biệt là các biểu tượng Phật giáo để lại cho chúng ta ngày nay thật đáng ngưỡng mộ và đóng vai trò quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, nhất là trong thực tiễn hiện nay, những biểu tượng Phật giáo dần vắng bóng hoặc rất ít xuất hiện, nhất là ở những nơi sản xuất (nguồn cung) vật liệu, trang trí kiến trúc, do đó, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là từ Đài Loan, Trung Quốc rất phổ biến. Như vậy, vô hình chung, chúng ta không chỉ là nhân tố tích cực truyền bá văn hóa nước ngoài mà còn làm mất cơ hội cho nỗ lực kế thừa, phát huy văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hệ quả đó, song một trong những nguyên nhân cơ bản đó là chúng ta còn chưa chủ động, tích cực trong nghiên cứu, sáng tạo, xây dựng những biểu tượng Phật giáo chuẩn mực, đảm bảo ý nghĩa, tinh thần Phật giáo. Mặc dù biểu tượng Phật giáo là vô cùng phong phú, đa dạng có ý nghĩa sâu sắc về nội dung, mỹ thuật theo các hệ phái, vùng miền nhưng cho đến nay, trong các cơ sở tự viện hay kiến trúc Phật giáo Việt Nam chưa có sự thống nhất về biểu tượng chung nhận diện mà vẫn sử dụng các biểu tượng chung của Phật giáo thế giới (phổ biến là biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân) hoặc biểu tượng riêng của hệ phái Phật giáo (hoa sen ngọn đèn chơn lý của Hệ phái Khất sĩ) hoặc biểu tượng rồng chầu mặt trời… Trong khi đó, các công trình kiến trúc, cơ sở tôn giáo khác như Công giáo, Islam giáo hay Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài đều có biểu tượng chung dễ dàng nhận diện. Vì vậy, Phật giáo là một tôn giáo lớn và là một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam đồng thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất không chỉ về tổ chức mà còn về tư tưởng, quản lý, hành động… nên việc xây dựng biểu tượng chung nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam, góp phần tạo sự thống nhất, tôn nghiêm, khẳng định vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam.
Những nhận diện bước đầu về đặc trưng kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng miền, xu hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam, những bất cập trong cải tạo, mở rộng công năng cũng như thực trạng bảo tồn, phát huy di sản kiến trúc tại các cơ sở tự viện… cho thấy sự cần thiết và phải tiến hành xây dựng bộ hướng dẫn, quy chuẩn và biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam, cơ sở quan trọng định hướng cho cơ sở tự viện của các hệ phái Phật giáo Việt Nam kế thừa, sáng tạo trong việc cải tạo, trùng tu, xây dựng mới công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam đảm bảo thống nhất trong đa dạng, tính triết lý và tinh thần của Phật giáo và kế hoạch, phương án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Kết quả khảo sát, tọa đàm, hội thảo đồng thời là những tư liệu, cơ sở khoa học quan trọng để đảm bảo cho việc xây dựng đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đảm bảo khoa học, chất lượng, hiệu quả và khả thi trong ứng dụng thực tiễn.
4. Định hướng và giải pháp phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.
Để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nhu cầu và thực tiễn thì rất cần sự định hướng đúng đắn, giải pháp khoa học, phù hợp, khả thi thì mới mang lại hiệu quả cao, thấm sâu, lan tỏa rộng trong cộng đồng. Với tinh thần nhập thế của Phật giáo, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã xây dựng và được Giáo hội PGVN phê duyệt, cho phép tổ chức triển khai thực hiện đề án Định hướng đặc trưng sắc phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam từ năm 2015. Trong khuôn khổ đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã phối hợp các đơn vị: Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích và Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức hội thảo khoa học Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng.
4.1. Định hướng
Trong giai đoạn hiện nay, với sự gia tăng không ngừng của các mối giao lưu quốc tế, đang đặt ra cho chúng ta vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Thực tế đó đã đưa văn hóa trở thành nhân tố hàng đầu trong sự hiện diện dân tộc. UNESCO đã báo động về tình trạng đồng phục văn hóa. Nó không chỉ đưa đến hậu quả về sự vong bản ở những nước chậm phát triển, mà còn làm nghèo đi di sản văn hóa của toàn nhân loại.
Giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam là một trong những loại hình di sản quan trọng và là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo giá trị mới và giao lưu, hội nhập quốc tế về di sản văn hoá kiến trúc. Vì vậy, giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị kiến trúc văn hóa dân tộc với tiếp thu là giải pháp cần được chú trọng.
Xét dưới góc độ kiến trúc Phật giáo là một phần quan trọng của văn hóa Phật giáo nói riêng, của văn hóa Việt Nam nói chung, vấn đề phát triển kiến trúc văn hóa Phật giáo Việt Nam được định hướng như sau:
Bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam gắn với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa; đảm bảo đặc trưng của văn hoá kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng và mang dấu ấn thời đại mới; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ nhất, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay phải trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị có ý nghĩa định hướng cho phát triển bền vững; chỉ bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp, phù hợp, đồng thời và song hành là loại bỏ những yếu tố phản văn hóa, không đúng, lệch chuẩn, không tạo nên giá trị văn hóa, thậm chí là làm giảm giá trị vốn có của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Thứ hai, bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt Nam phải đồng thời với sáng tạo những giá trị văn hóa mới.
Thứ ba, bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam phải tiến hành đồng thời với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Cùng với việc giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam là việc phải xây dựng những giá trị định hướng, cốt lõi của kiến trúc Phật giáo Việt Nam phát triển, hiện đại. Trong quá trình tồn tại, phát triển, ở mỗi vùng miền, địa phương đã tạo nên kiến trúc Phật giáo Việt Nam phong phú, đa dạng đồng thời tiếp tục phải tiếp thu những giá trị văn hóa nhân loại trong thời đại mới , đó cũng là yêu cầu khách quan hiện nay.
4.2. Một số giải pháp, nhiệm vụ
Trên cơ sở nhận diện những giá trị, đặc trưng, đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam và định hướng trên, xin nêu một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể sau:
Tiếp tục tập trung nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) và tổng hợp sức mạnh đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của toàn Giáo hội và huy động tối đa các nguồn lực ngoài Giáo hội, đặc biệt là những chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, mạnh thường quân,… các lĩnh vực liên quan tham gia thực hiện thành công Đề án “Định hướng đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam”. Theo đó,
– Ban Văn hóa Trung ương chủ trì phối hợp với các Ban, Viện trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành, các hệ phái Phật giáo xây dựng kế hoạch phối hợp tiếp tục khảo sát, thu thập tư liệu, đánh giá xác thực thực trạng kiến trúc, nguyên nhân, nhu cầu (mở rộng công năng tự viện, tiếp thu những yếu tố mới, bên ngoài…), những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, sự phối hợp giữa các sư trụ trì với cơ quan quản lý trong việc quản lý, cải tạo, tu bổ và xây dựng mới công trình kiến trúc Phật giáo và nguyên nhân nhằm bổ sung tư liệu, căn cứ thực tiễn để thực hiện Đề án hiệu quả, khả thi, phù hợp yêu cầu thực tiễn.
– Tập trung nghiên cứu, thu thập tư liệu bổ sung căn cứ khoa học, tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý liên quan để làm rõ đặc trưng (hoặc xây dựng bộ nhận diện đặc trưng) về kiến trúc Phật giáo Việt Nam một cách khoa học, xác thực.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu, xây dựng bộ hướng dẫn, quy chuẩn và biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đây là bộ công cụ quan trọng để quản lý, hướng dẫn thực hiện hiệu quả, góp phần định hướng xây dựng đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
– Tập huấn, hướng dẫn cho các Tăng Ni nhận diện, hiểu biết đúng đắn và từng bước triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc văn hóa Phật giáo từ cơ sở tự viện, địa phương của mình.
– Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình quản lý tự viện (kiểm kê, phân loại, đánh giá tự viện trên địa bàn toàn quốc) và các hình thức, cấp độ tôn vinh, ghi nhận những đóng góp cho Tăng Ni trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy kiến trúc văn hóa Phật giáo trong phạm vi Giáo hội. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện quản lý, bảo tồn, phát huy kiến trúc văn hóa Phật giáo đảm bảo hiệu quả hơn.
– Hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng tới Tăng Ni, Phật tử, cộng đồng về những giá trị đặc trưng kiến trúc văn hóa Phật giáo Việt Nam và vai trò của những giá trị đó đối với đời sống cộng đồng cũng như trong phát triển Phật giáo Việt Nam để họ nhận thức sâu sắc và có ý thức tự bảo tồn và phát huy những giá trị ấy trong cộng đồng.