Bàn về tính thống nhất và đa dạng của Kiến trúc Phật giáo Việt Nam (TS. Tạ Quốc Khánh)

TẢI FILE PDF
——————

1. Lời mở đầu

Phật giáo vào nước ta từ những năm đầu Công nguyên, khi đó dải đất chữ S này còn là địa bàn của ba nền văn hóa khác nhau: Văn hóa Đông Sơn (khu vực miền Bắc và Bắc trung bộ), văn hóa Sa Huỳnh (khu vực miền Trung) và văn hóa Óc Eo (khu vực miền Tây Nam bộ). Qua hơn 2000 năm hình thành và phát triển, kiến trúc Phật giáo Việt Nam nằm trong dòng chảy chung của kiến trúc dân gian truyền thống Việt. Quan trọng hơn là kiến trúc Phật giáo Việt Nam được định hình qua thời gian, đã tạo ra những dấu ấn riêng trong ngôi nhà Phật giáo thế giới, để ngôi chùa Việt là ngôi chùa do chính người Việt xây, bằng vật liệu và kỹ thuật truyền thống, vừa có sự thống nhất vừa có tính đa dạng và không lẫn với bất cứ nền kiến trúc Phật giáo nào khác.

2. Tính thống nhất

2.1. Thống nhất về cảnh quan, vị trí chọn dựng

Sách Tam tổ thực lục, mục Thiền đạo yếu học có đoạn chép “Khi đã liễu ngộ chính tông rồi thì chọn cảnh chùa mà trụ trì, tránh những nơi nước độc non thiêng. Cảnh có bốn điều: một là nước, hai là lửa, ba là lương thực, bốn là rau. Lại cũng nên biết, cảnh không gần nhân gian mà cũng không xa nhân gian, vì gần thì ồn ào mà xa thì không ai giúp đỡ cho…”470.

Về cơ bản, mỗi ngôi chùa thường được chọn dựng trên thế đất đẹp, cao ráo của làng,… Đó là những thế đất linh thiêng, không gần dân mà cũng không xa dân, bởi quá gần dân sẽ gây ồn ào, ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của chùa, còn xa thì sợ không ai giúp đỡ (tuy nhiên, sau này do sự phát triển dân số nên hầu hết các ngôi chùa đã ở lẫn với nhà dân). Ngôi chùa là công trình của cộng đồng, sinh ra phục vụ cộng đồng nên cần có những mối liên hệ cộng đồng và chính nó cũng góp phần quy định nơi dựng chùa. “Xây dựng chùa, phải chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không, hoặc có sông ngòi, ao hồ ôm bọc. Núi hổ (hay tay hổ) ở bên phải phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hình hoa sen, tràng phướn, long báu hoặc có hình rồng, phượng, quy, xà chầu bái. Đó là đất dương cơ ái hổ (nền dương có tay hổ) vậy. Nước thì nên chảy quanh sang trái. Nếu đảo ky, thì mạch nước lại vào ở phía trước. Trước mặt có minh đường hay không có đều được cả. Phía sau không nên có núi áp kề, thế là đất tốt…”471. Đôi khi người ta buộc phải làm núi, sông nhân tạo để phù hợp với cảnh chùa nhưng về cơ bản, ngôi chùa Việt thường được chọn dựng sao cho hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan xung quanh. Đó cũng là tư tưởng, triết lý “hòa” của người Việt từ xưa đến nay, chứ không chỉ riêng trong việc chọn đất dựng chùa. Công trình kiến trúc của con người luôn hòa với cảnh quan thiên nhiên chứ không vươn cao, lấn át thiên nhiên.

Trong lịch sử phát triển, kiến trúc Phật giáo Việt Nam thường chia thành 2 loại hình, tùy thuộc vào quy mô, cấp độ đầu tư, đó là:

– Công trình do nhà nước đầu tư (như những Quốc tự, Tổ đình, Sơn môn);

– Công trình do dân làng tự góp công, của xây dựng (chùa làng).

Những Quốc tự dưới thời Lý, Trần như chùa Long Đọi (Hà Nam), chùa Phật Tích, Dạm (Bắc Ninh), chùa tháp Tường Long (Hải Phòng), chùa Vĩnh Khánh với tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) cho đến những Quốc tự thời Nguyễn như chùa Thiên Mụ, chùa Thánh Duyên (Thừa Thiên – Huế) đều được chọn ở trên núi hoặc gò đồi cao, hướng ra sông, biển hoặc hoặc một khoảng trống thoáng đãng phía trước. Đặc biệt các Quốc tự thời Lý như chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Long Đọi,… khá thống nhất trong việc lựa chọn vị trí nơi núi cao, hướng ra sông và các công trình thường được tạo dựng trên ba hoặc bốn cấp nền vươn dần lên cao, dưới thấp là Tam quan, sau đến Gác chuông – Tiền đường (hoặc bảo tháp thờ Phật) – Thượng điện.

Những ngôi Quốc tự, Đại danh lam ở khu vực đồng bằng thì cũng đều được chọn với một vị trí đắc địa, có không gian rộng, dàn trải và cũng xa khu dân cư một khoảng cách vừa phải, vừa tránh xa sự ồn ào trần thế, đảm bảo tính linh thiêng lại không quá hoang vắng, khuất nẻo. Như chùa như Phổ Minh (Nam Định), chùa Bà Tấm (Hà Nội) hay chùa Hương Lãng (Hưng Yên) đều như vậy.

Cùng với Quốc tự, những Tổ đình tiêu biểu cho một sơn môn, hệ phái cũng đều được lựa chọn khá thống nhất về vị trí, cảnh quan chung, từ chùa ở Bắc bộ đến miền Trung, miền Nam. Như chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành Thiện (Nam Định), chùa Thầy (Hà Nội), chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) cho đến chùa Báo Quốc, Từ Đàm (Thừa Thiên – Huế), chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định),… Những chùa này cũng đều được xây trên mặt bằng khá rộng, dàn trải theo chiều ngang; kiến trúc công trình hòa lẫn cây xanh, mặt nước. Những Tổ đình ở khu vực trung du, miền núi thì cũng thống nhất trong cách chọn lựa vị trí nương theo sườn núi, vươn cao dần nhưng vẫn hòa với cảnh quan núi rừng. Từ những ngôi chùa ở miền Bắc, như chùa Bổ Đà (Bắc Giang), chùa Thiên Trù (Hà Nội) cho đến những chùa khu vực miền Trung, như chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi),… cũng dựa trên nguyên tắc này.

Đối với hệ thống chùa làng, mặc dù chiếm số lượng lớn nhất nhưng việc chọn đất dựng chùa vẫn theo nguyên tắc dựa vào tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên; thế đấy dựng chùa vẫn luôn được lựa chọn ở vị trí đắc địa nhất của làng. Thường những ngôi chùa này được dựng ở rìa làng, ngoài làng nhưng cũng không quá xa khu dân cư, vẫn đảm bảo sự thuận tiện cho người dân đến lễ bái.

Sự thống nhất về mặt cảnh quan, vị trí càng thấy rõ ở những ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer. Với người Khmer, ngôi chùa là ngôi nhà chung, là trung tâm văn hóa của cả cộng đồng. Quần thể ngôi chùa gồm nhiều hạng mục tọa lạc ẩn mình trong một không gian dưới tán cây xanh và đều là những loại cây bản địa, đặc trưng như sao, thốt nốt. Dù chùa dựng trong thành phố, như chùa Khleang, chùa Dơi (Sóc Trăng) hay chùa ở vùng quê như chùa Âng, chùa Cây Hẹ (Trà Vinh) đều như vậy.

Tóm lại, tính thống nhất trong việc lựa chọn vị trí cảnh quan với kiến trúc Phật giáo Việt Nam là luôn nương dựa vào yếu tố tự nhiên sẵn có. Công trình xây dựng của con người và cảnh quan thiên nhiên luôn hòa quyện vào nhau, không lấn át thiên nhiên.

2.2. Thống nhất về bố cục mặt bằng tổng thể

Tổng thể kiến trúc một ngôi chùa hay tịnh xá thường gồm nhiều hạng mục được sắp xếp cạnh nhau hoặc nối vào nhau trong một khuôn viên nhất định. Tùy theo cách bố trí những ngôi nhà này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau. Trên mặt bằng đó, dù chùa lớn hay bé, dù ở vùng, miền, hệ phái nào thì vị trí trung tâm, trang trọng nhất vẫn thường dành cho ngôi Chính điện hay tòa Tam bảo; các công trình phụ trợ được dựng vây quanh, tạo thế liên hoàn, khép kín. Ở những ngôi chùa có thêm cây ngôi thờ Phật, như chùa Dâu (Bắc Ninh) với tháp Hòa Phong, chùa Phổ Minh (Nam Định) với tháp Phổ Minh cho đến chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế) với tháp Phước Duyên ta thấy một điểm tương đồng trong cách chọn vị trí xây tháp, đó là vị trí nằm ở phía trước, trên trục nhất chính đạo. Ngược lại với tháp thờ Phật, những ngôi tháp mộ sư lại được chọn đặt ở hai bên hoặc phía sau chùa.

Đối với những ngôi chùa nhỏ, chùa làng thì mặt bằng Tam bảo phổ biến nhất là chữ Đinh với tòa Tiền đường phía ngoài và Thượng điện vuông góc phía sau. Kết quả khảo sát khoảng 1200 ngôi chùa ở đồng bằng Bắc bộ của Viện Bảo tồn di tích cho thấy có tới 930 ngôi chùa có Tam bảo mặt bằng chữ Đinh (chiếm 77,5%). Không chỉ đồng bằng Bắc bộ, mặt bằng Tam bảo chữ Đinh xuất hiện ở cả các ngôi chùa khu vực nông thôn, thành thị, trung du, miền núi đến khu duyên hải và trải khắp chiều dài đất nước.

Vào thế kỷ 17, với sự ủng hộ mạnh mẽ của tầng lớp quý tộc, quan lại triều đình trong việc công đức nhân tài, vật lực xây dựng, trùng tu nhiều đại danh lam nên đã xuất hiện một mô hình mặt bằng kiến trúc khác đặc sắc: Đó là mặt bằng kiểu nội công – ngoại quốc. Những ngôi chùa lớn như Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Sổ, chùa Đậu (Hà Nội), chùa Thổ Hà, Quang Phúc (Bắc Giang), chùa Giám, Trăm Gian (Hải Dương), chùa Keo Thái Bình, Keo Nam Định, v.v… dù chỉ thờ Phật hay có kết hợp thờ thần Tứ Pháp, thờ Tứ vị thánh tổ và dù có đôi chút biến thể nhưng về cơ bản vẫn theo dạng mặt bằng như vậy.

Đối với những ngôi chùa hệ phái Bắc tông thuộc khu vực miền Trung thì phổ biến hơn cả là mặt bằng ngôi chính điện với các nếp nhà nối tiếp nhau theo kiểu trùng thiềm – điệp ốc. Ta có thể thấy điều đó từ những ngôi Quốc tự như Thiên Mụ, Thánh Duyên (Thừa Thiên – Huế) đến những Tổ đình Từ Đàm, Báo Quốc (Thừa Thiên – Huế), Chúc Thánh, Viên Giác (Quảng Nam) cho đến các ngôi chùa nhỏ ở làng quê như chùa Hội Phước, Hải Tạng (Quảng Nam),… Ở khu vực miền Nam nhiều ngôi chùa dù lớn hay nhỏ thì bố cục mặt bằng kiểu nhà xếp đọi cũng được sử dụng khá phổ biến (tức các công trình gồm nhiều nếp nhà nối tiếp nhau, mỗi nếp nhà chỉ một gian – hai chái hoặc ba gian – hai chái, mang ảnh hưởng phong cách kiến trúc dân gian vùng Nam bộ). Có thể thấy rõ điều đó qua mô hình chùa Giác Lâm (thành phố Hồ Chí Minh), chùa Tôn Thạnh (Long An), chùa Long Thiền (Đồng Nai),…

Sự thống nhất về mặt bằng được thể hiện rõ rệt nhất với những Tịnh xá của hệ phái Khất sĩ hoặc những ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer. Trong khuôn viên những tự viện này, ngoài Chính điện bao giờ cũng có những công trình phụ trợ, như Sa la, cổng, khu tháp, lò thiêu (đối với những ngôi chùa Khmer), hoặc Chính điện, cổng chùa, nhà tăng/ni (với hệ phái Khất Sĩ). Chính điện ngôi chùa Khmer luôn có mặt bằng chữ nhật, đặt theo trục Đông – Tây và mở lối vào từ hai đầu hồi; Chính điện ngôi Tịnh xá luôn có hình bát giác, dù cho công trình đó được dựng ở vị trí nào.

2.3. Thống nhất về cấu trúc bộ khung chịu lực

Bộ khung chịu lực của ngôi chùa Việt đa phần được dựng từ vật liệu thảo mộc (gỗ, tre, nứa) sẵn có tại mỗi địa phương. Cấu trúc bộ khung gỗ này có sự thống nhất cao không chỉ trong kiến trúc ngôi chùa Việt mà rộng hơn là trong cả nền kiến trúc truyền thống nói chung. Những cấu kiện như cột, xà, kẻ, bẩy, câu đầu… được liên kết với nhau để tạo thành một bộ vì hoàn chỉnh. Bộ vì là yếu tố cơ bản của kết cấu khung gỗ; nó vừa là kết cấu chịu lực, nâng đỡ mái, vừa là đơn vị tổ chức không gian công trình. Theo mặt cắt ngang, một bộ vì được chia thành ba phần: Vì nóc, vì nách và hiên.

Vì nóc: là liên kết các cấu kiện ở khoảng không gian giữa hai cột cái, đỡ nóc và nửa mái phía trên. Khoảng không gian ấy có hình một tam giác cân, giới hạn bởi câu đầu là cạnh đáy và hai cạnh kia là hai chiều dốc của mái trước, sau công trình. Câu đầu là cấu kiện liên kết hai đầu một cặp cột cái trước, sau công trình, theo mặt cắt ngang. Về cơ bản chỉ có 04 kiểu vì nóc chính là vì giá chiêng, vì chồng rường, vì ván mê và kiểu vì kèo và được sử dụng xuyên suốt ở nhiều công trình (không chỉ cho kiến trúc chùa Việt). Những biến thể khác nhau, như kiểu vì giá chiêng – chồng rường, kiểu vì kèo nọc ngựa, vì kèo cọc báng, vì kèo,… cũng dựa trên 04 kiểu vì này.

Vì nách: là liên kết các cấu kiện ở khoảng không gian hình một tam giác vuông, được tạo thành giữa cột cái và cột quân. Trong kiến trúc cổ truyền của người Việt nói chung, trong kiến trúc ngôi chùa Việt truyền thống nói riêng, về cơ bản sẽ có 03 kiểu liên kết vì nách là: kiểu chồng rường, kiểu kẻ và ván mê. Thông thường trong kiến trúc cổ sẽ có 2 vì nách trước/sau đăng đối qua vì nóc.

Hiên: là liên kết các cấu kiện để đỡ phần đua vươn ra ở hàng hiên, tính từ cột quân ra hết chân mái giọt gianh.

Với ba thành phần như vậy tạo nên một bộ vì hoàn chỉnh trong kiến trúc cổ truyền Việt và hai bộ vì liền sát nhau xác định 01 gian. Gian là một đơn vị tổ chức không gian mặt bằng, xác định quy mô, tầm cỡ của các kiến trúc cổ truyền bằng gỗ của người Việt. Người Việt kiêng làm nhà có số gian chẵn nên trong kiến trúc gỗ cổ truyền Việt, số lượng vì luôn là một số chẵn và số lượng gian bao giờ cũng là một số lẻ. Trong kiến trúc cổ Việt Nam, người ta kiêng làm nhà có gian chẵn vì như Thành ngữ đã có câu: “nhất gian cô độc, nhị gian bần, tam gian phú quí, tứ gian truân”. Tuy nhiên, giới hạn gian là rất thoáng, không có các vách ngăn cứng, cố định như các bức tường trong giới hạn buồng/phòng; khi cần có thể dùng các ván gỗ chia một gian thành các buồng/phòng độc lập. Chái có thể coi là một gian đặc biệt, nằm ở hai đầu hồi của kiến trúc, là khoảng không gian được giới hạn bởi 01 vì có chân các cột chống xuống chân tảng của mặt nền và 01 vì lửng (các cột trốn chân, đứng trên một xà dọc thay vì đứng trên nền nhà). Nhiều khi kích thước của chái còn lớn hơn gian. Cấu trúc bộ vì, cách phân chia gian, chái như vậy khá thống nhất trong kiến trúc truyền thống Việt nói chung, trong đó có kiến trúc ngôi chùa Việt, dù chúng được xây dựng vào các mốc niên đại khác nhau hay ở những vùng miền khác nhau.

Tiến dần vào phương Nam, cấu trúc bộ khung gỗ trong ngôi chùa Việt cũng được dựng trên những bộ vì (thuật ngữ trong đó gọi là vài). Về cơ bản có 03 kiểu vài sau được sử dụng trong cấu trúc khung gỗ tại các ngôi chùa của người Việt ở khu vực này là:

– Kiểu vài trính chồng – trụ đội (như chùa Chúc Thánh và chùa Hải Tạng (Quảng Nam),… Kết cấu của kiểu vài này gồm 1 trính (trếnh/trến) nối qua đầu hai cột hàng nhất theo hàng ngang, phần ăn mộng xuyên qua thân cột gọi là tai trính; thông thường ta có trính đoản nối hai cột hàng nhất tiền/hậu; hoặc trính trường nếu chạy suốt từ tường trước đến tường sau.

– Vài Vỏ cua (Thừa lưu): Kiểu vài này xét về cơ cấu có vẻ đơn giản, cũng gồm một trến đỡ một bức cốn hình bán nguyệt, trên chạm hình hoa lá cách điệu. Các đòn tay được đỡ bởi bức cốn và phân bố đều nhau theo hình vòm (không có đòn nóc). Kiểu vài này thường được làm trong các công trình nối tiếp giữa Tiền đường và Hậu điện nhằm mở rộng không gian nội thất và là điểm chuyển tiếp giữa mái sau công trình trước với mái trước công trình sau và trở thành nơi hứng nước mưa của hai mái công trình chính.

– Vài kèo (miền Bắc gọi là vì kẻ) là kiểu vài phổ biến nhất, được sử dụng trong nhiều loại hình kiến trúc dân gian truyền thống của cả vùng Trung Trung bộ và Nam bộ.

Như vậy, ngôi chùa Việt dù xây dựng ở vùng, miền nào thì bộ cấu trúc bộ khung gỗ cũng cơ bản dựa trên sự liên kết các kiểu vì như vậy. Một kiểu vì (như vì giá chiêng) có thể được sử dụng xuyên suốt qua nhiều thời kỳ, qua nhiều loại hình chùa và ở nhiều vùng, miền khác nhau.

Bên cạnh cấu trúc trúc khung gỗ thì những thành phần bao che xung quanh (tường bao, mái lợp) cũng là yếu tố chính cấu thành nên sự hoàn chỉnh của một công trình kiến trúc. Mái chùa có thể khác nhau giữa các vùng miền (miền Bắc – miền Trung) nhưng trong cùng một khu vực thì có sự thống nhất cao ở hình thức ở cả kỹ thuật xây dựng và hình thức trang trí. Ví dụ như ở những ngôi chùa khu vực Trung Trung bộ, trên hệ mái, các đường thuyền, cánh quyết, mũi nốc đều được làm khá thẳng, cứng nhưng được đắp vẽ trang trí nhiều chủ đề rồng, phượng, lân, hổ phù, mặt trời bằng kỹ thuật ghép mảnh…

2.4. Thống nhất về vật liệu xây dựng

Trong công trình kiến trúc cổ Việt Nam nói chung, trong kiến trúc ngôi chùa Việt nói riêng, bất luận là nhỏ bé, đơn sơ hay đồ sộ, phức tạp thì phần lớn ông cha ta đều khai thác và sử dụng những vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương. Vậy liệu chính để tạo dựng công trình là thảo mộc (gỗ, tre, nứa, lá,…); bên cạnh đó có thêm vật liệu vô cơ các, như đá, đất tự nhiên. Sau này, các nghề thủ công dần dần phát triển, cùng với các vật liệu xây dựng thiên nhiên còn có vật liệu nhân tạo, như gạch, ngói, sành, sứ,… cũng được sử dụng ngày một phổ biến và rộng khắp.

– Vật liệu tự nhiên là loại vật liệu khai thác sẵn có trong tự nhiên, không có sự tác động làm thay đổi tính chất tự nhiên của vật liệu. được sử dụng trực tiếp vào công trình chỉ thông qua các công đoạn sơ chế, chế tác, tạo hình, hầu như không có sự tác động làm thay đổi tính chất cơ, lý tự nhiên của vật liệu. Ví dụ: gỗ, đá, đất cát, nhựa cây. Vật liệu tự nhiên có thể được sử dụng theo hai dạng cơ bản: thuần chất (như gỗ, đá) và hỗn hợp (như đất – nước, nhựa cây – phụ gia). Những loại gỗ được sử dụng phổ biến trong kiến trúc ngôi chùa Việt có thể kể đến như gỗ mít, đinh, lim, sến, xoan; vật liệu đá gồm đá vôi, đá cát (sa thạch) và đá ong. Những ngôi chùa có giá trị, tồn tại đến ngày nay phần lớn sử dụng các loại gỗ quý, nhóm tứ thiết, chịu đựng được khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt qua nhiều thế kỉ. Vật liệu thảo mộc không chỉ khai thác dễ dàng, dễ dàng lắp dựng, di chuyển và đặc biệt thân thiện với môi trường. Trong điều kiện khí khậu nhiệt đới nóng, ẩm, các loại vật liệu thảo mộc càng tỏ ra hữu dụng.

– Vật liệu nhân tạo là những vật liệu do con người làm ra từ các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, thông qua các công nghệ, kỹ thuật chế tạo nhằm làm thay đổi các tính chất cơ, lý, hóa ban đầu của nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu sử dụng. Ví dụ: gạch, ngói, gốm, vôi, kim loại, giấy,… Vật liệu nhân tạo thường được chế tạo sẵn trước khi đưa vào sử dụng. Từ những thế kỉ xa xưa, ông cha ta đã dùng gạch, ngói để xây dựng các ngôi chùa. Những viên gạch từ thời Lý, có khắc niên đại 1057, 1065 phát hiện ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Tường Long (Hải Phòng) đã trở thành những hiện vậy có giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần minh chứng sự hình thành của ngôi chùa.

Cùng với gạch, ngói là loại vật liệu đất nung chuyên để lợp mái chống mưa thấm dột, che nắng nóng, bảo vệ công trình kiến trúc và hoạt động đời sống con người. Ngói lợp cũng có nhiều loại, từ ngói chiếu, ngói mũi, ngói âm dương,…; thậm chí có cả những loại ngói được tráng men các màu xanh, trắng,… Nói chung, nghề thủ công sản xuất gạch ngói và làm gốm, sành sứ phục vụ xây dựng nói chung của cha ông ta đã có từ lâu đời. Quá trình phát triển và kỹ thuật chế tác sản phẩm làm từ đất nung ngày càng cao thì kỹ thuật xây dựng của người Việt càng tiến tới hoàn thiện và đồ đất nung đã trở thành một phần quan trọng trong kiến trúc Việt Nam.

Nói chung, vật liệu xây dựng trong kiến trúc cổ Việt Nam nói chung có thể chia thành hai loại là vật liệu tự nhiên và vật liệu nhân tạo; trong đó vật liệu tự nhiên chủ yếu là thảo mộc và những vật liệu có sẵn tại địa phương. Vật liệu nhân tạo ra đời cùng với sự phát triển của nghề thủ công truyền thống đã góp phần tạo nên sự bền chắc cho công trình.

2.5. Thống nhất về bài trí không gian thờ tự

Chùa vốn là nơi thờ Phật và những thiên thần Phật giáo. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo ngay từ buổi đầu đã có sự kết hợp với những tín ngưỡng, tôn giáo bản địa để cùng tồn tại. Trên Phật điện trong mỗi ngôi chùa Việt theo hệ phái Bắc tông, nhất là ở khu vực miền Bắc, ta đều thấy các loại hình tượng thờ của nhiều tôn giáo: tượng Phật của Phật giáo; tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu của Đạo giáo; tượng Tam Phủ, Tứ Phủ của đạo Mẫu; tượng Hậu ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, thờ những người có công,… Trong quá trình tồn tại, mỗi ngôi chùa đều du nhập và tiếp nhận tính đa nguyên, đa thần, khiến cho đối tượng thờ trong mỗi ngôi chùa ngày càng phong phú.

Đối với ngôi chùa Việt khu vực miền Bắc, ban thờ Phật trên Thượng điện cơ bản được chia thành 4 đến 6 lớp, tương ứng với nó là các cấp bệ thờ từ thấp đến cao.

– Lớp trên cùng thường là 3 pho Tam Thế. Đây là lớp tượng có sự thống nhất cao giữa tất cả các chùa.

– Lớp thứ 2 là hàng Tam tôn (Tam thánh), gồm tượng A Di Đà – Quan Thế Âm và Đại Thế Chí bồ tát.

– Từ lớp thứ ba trở đi, tượng thờ bày bắt đầu đa dạng hơn. Nhưng bộ tượng Thích ca Sơ sinh, Tượng Cửu Long thường đặt ở hàng dưới cùng. Tuy nhiên, về cơ bản, nguyên tắc bày tượng trong các ngôi chùa ở miền Bắc dựa trên câu truyện diễn tả cuộc đời đức Phật, từ lúc sơ sinh, tu luyện, đắc đạo, giúp đời và thành Phật… Trong các ngôi chùa này, dù chùa lớn hay nhỏ, Tổ đình Phật giáo hay chùa làng thì ở Tiền đường thường thống nhất thờ các vị Hộ pháp, Đức ông, Thánh hiền,…

Đối với những ngôi chùa vẫn theo hệ phái Bắc tông nhưng được xây dựng từ vùng Trung bộ trở vào Nam thì tượng thờ không còn được đa dạng, phong phú như ngoài Bắc nhưng vẫn có một nguyên tắc bố cục, bài trí khá thống nhất. Một trong những đặc trưng của các Tổ đình Phật giáo ở Huế là cách thờ tự được sắp xếp khá thống nhất theo lối “tiền Phật – hậu Tổ”, khác với những ngôi chùa ngoài Bắc có nhà thờ tổ riêng. Chính điện mỗi ngôi chùa được ngăn làm hai phần theo chiều dọc tại vị trí hàng cột nhất hậu, trong đó mặt trước là các ban thờ Phật, phía sau là ban thờ các sư tổ. Bàn thờ Phật cũng khá thống nhất: trước hết là bàn kinh và chuông mõ gia trì, bàn thờ chính có một pho tượng Đức Phật kiết già liên hoa tọa, phần bên trong và cao hơn là khám thờ ba pho tượng Tam thế, hai bên tả hữu thờ Văn Thù, Phổ Hiền hoặc Quán Âm và Địa Tạng.

Đằng sau, chính giữa Phật điện là bàn thờ Tổ. Chùa nào cũng có một bức họa chân dung Đạt Ma Tổ Sư, bên dưới có nhiều long vị. Với các Tổ đình, long vị nhà sư khai sơn được tôn trí ở chính giữa, hai bên là các vị kế thế trụ trì tại chùa.

Đối với các tịnh xá của hệ phái Khất sĩ, trong chính điện chỉ thờ một pho tượng Phật Thích Ca và đặt trong một tòa tháp bằng gỗ mặt bằng vuông, để trống bốn phía, mái tháp được chia thành 13 tầng nhỏ dần khi lên cao.

Cũng như hệ phái Khất sĩ, các ngôi chùa theo hệ phái Nam tông của người Khmer chỉ tôn thờ đức Phật Thích Ca. Trong các ngôi chùa của người Khmer, ban thờ chính cũng thường được bố trí ở cuối Chính điện. Chính điện có mặt bằng chữ nhật, thông thường được bố cục theo chiều Đông – Tây và trong trường hợp đó ban thờ Phật sẽ nằm ở phía Tây với quan niệm đức Phật luôn ở phương Tây, nhìn về phương Đông mà ban phúc lộc,…

Như vậy, về bài trí không gian thờ tự trong mỗi ngôi chùa Việt tuy có khác nhau giữa các hệ phái, vùng miền nhưng ở mỗi hệ phái lại có một sự thống nhất, quy chuẩn riêng. Sự thống nhất cao trong cách bài trí không gian thờ tự có thể thấy rõ nhất ở các tịnh xá của hệ phái Khất sĩ và các ngôi chùa thuộc hệ pháio Nam tông Khmer.

3. Tính đa dạng

3.1. Đa dạng về cảnh quan, vị trí chọn dựng

Trong triết lý hòa với tự nhiên, nhưng ngôi chùa trên đất Việt lại cho thấy một sự đa dạng về cảnh quan và vị trí chọn dựng. Đất nước ta trải dài qua 15 vĩ tuyến với nhiều dạng địa hình đồng bằng, trung du, miền núi, duyên hải và hải đảo. Chính điều đó đã tạo nên sự đa dạng trong việc tạo lập cảnh quan cho ngôi chùa. Cũng là chùa theo hệ phái Bắc tông nhưng ở khu vực trung du, miền núi thì chùa thường được chọn dựng trên đồi, núi cao, có tầm nhìn bao quát, như chùa Thiên Quang trong khu di tích đền Hùng (Phú Thọ), chùa Đọi Sơn (Hà Nam), chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi),… Chùa khu vực đồng bằng lại chọn ở vị trí thấp, gần sông, hồ, như chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) gần ngã ba sông Lục Nam, chùa Dâu (Bắc Ninh) gần sông Dâu, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) gần sông Đuống), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế) gần sông Hương. Nhiều chùa khu vực duyên hải được chọn dựng gần sát biển, lấy đại dương mênh mông làm minh đường, như chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), chùa Đức Lâm (Quảng Ngãi),… Có chùa được dựng giữa khung cảnh làng quê, có chùa được dựng ở nơi phố thị và cũng có chùa dựng ở nơi hải đảo…

Phật giáo đã hình thành và phát triển ở nước ta được hơn 2000 năm, ban đầu ngôi chùa được hình thành ở những khu vực đông dân cư, gần kinh thành và thuận tiện về giao thông. Những trung tâm Phật giáo lớn thời kỳ đầu ở khu vực Băc bộ có thể kể đến như vùng Dâu (Luy Lâu) gần thành Luy Lâu, khu Tây Thiên (Tam Đảo – Vĩnh Phúc) gần kinh đô Văn Lang, khu vực kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình); miền Trung là khu Đồng Dương (kinh đô Indrapura của vương quốc ChamPa xưa, nay thuộc Quảng Nam); miền Nam là khu vực Óc Eo (An Giang),… Qua thời gian, sự xuất hiện của các ngôi chùa ngày càng nhiều.

Riêng về ngôi chùa của người Việt, nếu trước thế kỷ 10 ta mới chỉ thấy dấu vết ở quanh Cố đô Hoa Lư hoặc khu vực đồng bằng Bắc bộ thì sang thế kỷ 11 ngôi chùa Việt đã có mặt ở khu vực vùng núi Tuyên Quang, hay vào miền trong tới bờ bắc sông Mã (Thanh Hóa); sang đến thời Trần ngôi chùa Việt đã có mặt ở vùng biên viễn Hà Giang (chùa Nậm Dầu); đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 – 20) thì ngôi chùa Việt đã có mặt ở khắc cả nước, thậm chí lên cả Tây Nguyên (chùa Khải Đoan – Đắc Lắc, chùa Linh Sơn – Lâm Đồng)… Địa bàn ngôi chùa Việt được mở rộng không chỉ minh chứng sự phong phú, đa dạng trong việc lựa chọn vị trí mà còn góp phần khẳng định bước tiến vững chắc của người Việt trong việc làm chủ những vùng đất mới.

Nếu như các ngôi chùa theo hệ phái Nam tông Khmer khá thống nhất về việc lựa chọn hướng Chính điện, theo chiều Đông – Tây thì những ngồi chùa theo hệ phái Bắc tông lại rất đa dạng, phong phú trong việc lựa chọn hướng ngôi Tam bảo. Hướng phổ biến của các ngôi chùa khu vực miền Bắc là Nam, Đông Nam, Tây, Tây Nam, nhưng cũng có nhiều chùa được chọn dựng quay các hướng Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc… Nói chung, ngôi chùa Việt ở khu vực Bắc bộ được chọn dựng quay đủ các phương, hướng.

3.2. Đa dạng về bố cục mặt bằng tổng thể

Kết quả khảo sát chưa đầy đủ của Viện Bảo tồn di tích cho thấy hiện nay có ít nhất là 14 dạng mặt bằng tổng thể trong chùa Việt theo hệ phái Bắc tông, bao gồm: chữ Đinh, chữ Nhất, chữ Nhị, chữ Tam, chữ Công, chữ Khẩu (kiểu tứ thủy quy đường), chữ Sơn, chữ Vương, tiền Nhất – hậu Đinh, tiền Nhất – hậu Công, nội Đinh – ngoại Quốc, nội Công – ngoại Quốc, nội Vương – ngoại Quốc và tiền Nhị – hậu đinh. Tuy nhiên, phổ biến hơn cả vẫn là mặt bằng chữ Đinh, tiếp đến là mặt bằng chữ Nhất, chữ nhị, chữ Công, và Tiền nhất – hậu đinh.

Dạng mặt bằng kiểu nội Công ngoại Quốc đa số tập trung ở những ngôi chùa lớn (Danh lam) và đều là những ngôi chùa có giá trị cao về kiến trúc, nghệ thuật như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Thầy (Hà Nội); chùa Thổ Hà (Bắc Giang), chùa Giám (Hải Dương), chùa Đại Bi (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo (Nam Định),… Nhiều ngôi chùa thuộc hàng danh lam đều có lịch sử ra đời từ khá sớm nhưng những công trình được hoàn chỉnh dần qua thời gian và đến thế kỷ 17 thì hoàn chỉnh một mặt bằng nội Công – ngoại Quốc. Ngay trong kiểu mặt bằng nội Công – ngoại Quốc cũng rất đa dạng trong cách bố trí các hạng mục công trình. Có chùa thì tòa Tam bảo mặt bằng chữ Công nằm tách rời khỏi các dãy hành lang với gác chuông phía trước; có chùa tòa Tiền đường bắt mái liên hoàn với hai hãy hành lang, như chùa Bối Khê, chùa Thầy (Hà Nội); có chùa lại theo kiểu nội công kép, tức có hai công trình hạng mặt bằng chữ công bên trong các thành phần phụ trợ vây bên ngoài như chùa Keo Nam Định (Xuân Trường – Nam Định) và chùa Keo Thái Bình (Vũ Thư – Thái Bình).

Mặt bằng kiểu nội Vương – ngoại Quốc chỉ thấy ở chùa Pháp Vân (Hà Nội). Mặt bằng chữ vương như chùa Xá (Hưng Yên). Mặt bằng kiểu tiền Nhị – hậu Đinh chùa Cầu Tu (Thái Bình). Mặt bằng tổng thể kiểu tiền Công – hậu Nhất như chùa Đông Ba (Hà Nội). Mặt bằng chữ sơn có ở chùa Ngôi Nội –Bắc Ninh), chùa Ngọc Động (Hà Nội), chùa Phúc Chỉ (Nam Định). Mặt bằng chữ tiêu biểu nhất ở miền Bắc phải kể đến như chùa Tây Phương và chùa Kim Liên (Hà Nội)…. Mặt bằng kiểu tiền Nhất – hậu Công có ở chùa Cầu Bầu (Hà Nội), chùa Hải Ninh (Nam Định), chùa Cổ Trung (Nam Định),…

Dạng mặt bằng chữ Khẩu (Tứ thủy quy đường) thấy có ở chùa Thượng Đồng (Bắc Ninh), chùa Dư Xá Thượng (Hà Nội), chùa Do Nghĩa (Phú Thọ); chùa Phương Lai (Phú Thọ),… Mặt bằng tổng thể kiểu chữ Khẩu được sử dụng khá phổ biến trong các ngôi chùa ở khu vực Trung trung bộ, nhất là xứ Huế, tiêu biểu như chùa Báo Quốc (Thừa Thiên – Huế), như vào tới Nam bộ, mô hình mặt bằng này cũng được sử dụng, như ở chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang).

Cũng từ miền Trung trở vào, đa phần các ngôi chùa có chính điện kiểu trùng thiềm – điệp ốc, tức có hai hoặc ba nếp nhà trên cùng một cấp nền; nhà trước và nhà sau được nối với nhau bởi hệ cột liên hoàn và hệ thống trần – vòm kiểu vỏ cua; nhìn bên ngoài thì là hai công trình liền kề nhưng đi bên trong thì vẫn cảm giác như đi trong một công trình. Những ngôi chùa kiểu trùng thiềm – điệp ốc có thể kể đến như chùa Từ Đàm (Thừa Thiên – Huế), chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), chùa Viên Giác (Thành phố Hồ Chí Minh). Thậm chí ngay ở miền Bắc cũng có thể gặp kiểu kiến trúc này, như ở chùa Liên Phái (Hà Nội),…

Như vậy, có thể thấy, mặt bằng tổng thể những ngôi chùa theo hệ phái Bắc tông rất đa dạng, phong phú. Mặc dù có nhiều dạng mặt bằng tổng thể như vậy qua khảo sát, trong các giai đoạn thời Lý, Trần, Mạc ngôi chùa chỉ có một mặt bằng chữ nhất. Các hạng mục công trình như Tam quan, nhà Tổ, nhà Mẫu, hành lang, điện Thánh… không phải ra đời cùng một lúc mà chúng được bổ sung dần trong quá trình tồn tại của một ngôi chùa và cũng không ngạc nhiên khi mỗi một thành phần kiến trúc lại mang một niên đại khác nhau.

 3.3. Đa dạng về cấu trúc bộ khung chịu lực

Như phần trên đã nói, bộ khung gỗ trong các ngôi chùa ở miền Bắc cơ bản được kết cấu với 04 kiểu vì nóc, nhưng bản thân nó cũng có nhiều biến thể. Cùng kiểu vì giá chiêng nhưng như chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bối Khê, Hương Trai (Hà Nội) chùa Giám (Hải Dương), trong lòng giá chiêng lại có lồng ván lá đề chạm khắc trang trí. Cũng là vì chồng rường nhưng có chùa bên trên câu đầu chỉ có hai con rường suốt chồng lên nhau (chùa Keo – Hành Thiện) có chùa lại kết hợp giữa rường suốt và rường cụt (như Thượng điện chùa Thầy – Hà Nội),… Cùng là liên kết đỡ tàu mái nhưng có chùa dùng kẻ đỡ, có chùa dùng bẩy chéo và cũng có chùa dùng bẩy ngang, như chùa Kim Liên (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình).

Đối với khu vực miền Trung và miền Nam, như phần trên đã nói, cơ bản có 03 kiểu liên kết nhưng trong mỗi kiểu lại có những biến thể để tạo nên sự đa dạng. Đơn cử như kiểu vài trính chồng – trụ đội nhưng cũng có những biến thể sang kiểu vài giả thủ… Kiểu vài kèo có hai biến thể chính là:

– Kiểu vài chồng: còn gọi là vài trùng lương, hay thượng lương kép. Nhìn từ trên xuống, bộ vài được hình thành bởi các bộ phận cột, kèo, trến, trụ tiêu, ấp quả, liên kết với nhau bởi các chốt mộng khít khao… Trụ tiêu là một thân gỗ tròn, một đầu tỳ lực lên lưng đấu tôm, đầu kia đỡ ấp quả. Ấp quả được làm dạng đôi cánh chim dang ra đỡ dạ cặp kèo trên cùng (kèo hàng nhất tiền và hậu).

– Kiểu vài luôn: Hơi khác kiểu vài chồng là ở kiểu vài luôn này, trên cật trến không có đấu tôm – trụ tiêu và ấp quả. Thực ra kiểu vài này phổ biến trong các kiến trúc nhà ở dân gian với hệ thống rầm thượng che khuất phần trên bộ vài nên việc xử lý kết cấu có phần đơn giản hơn, không cần nhiều chạm khắc, trang trí. Tuy không phổ biến nhưng có chùa vẫn làm kiểu vài luôn, như chùa Tây Thiên Di Đà (Thừa Thiên – Huế). Ngược lại, một số ngôi chùa (như chùa Diệu Hỷ, chùa Thánh Duyên – Thừa Thiên, Huế) có rầm thượng mặc dù bên trên đó là kiểu vài chồng.

Tóm lại, cấu trúc bộ khung gỗ trong ngôi chùa Việt vẫn dựa trên các kiểu liên kết vì cơ bản là giá chiêng, chồng rường, vì kèo và ván mê nhưng lại có nhiều biến thể khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng. Cùng là kiểu vì chồng rường nhưng đã có những biến tấu thành rường suốt, rường cụt, liên kết hai rường, ba rường; cùng kiểu vì giá chiêng nhưng có khi trong lòng có lồng ván lá đề hoặc để trống; cùng là kiểu vài kèo nhưng khi vào miền Trung đã biến tấu thành các hình thức khác nhau, như kèo luôn, kèo trính chồng – trụ đội… Sự đa dạng đó được hình thành trên cơ tầng thống nhất về việc sử dụng bộ khung gỗ chịu lực với các kỹ thuật liên kết ghép mộng.

3.4. Đa dạng về vật liệu xây dựng

Như đã nói ở trên, có hai loại vật liệu cơ bản tạo nên kiến trúc công trình là vật liệu tự nhiên và vật liệu nhân tạo.

Vật liệu tự nhiên được khai thác quanh môi trường sống của chúng ta, trong đó gỗ và các loại thảo mộc khác được chọn dùng nhiều hơn cả, sau đó là đá. Dù cùng thống nhất trên một cơ tầng nhưng vật liệu xây dựng lại có sự đa dạng mang tính vùng, miền. Cùng là gỗ nhưng miền Bắc hay sử dụng các loại gỗ thuộc nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) hoặc mít, xoan, mỗi cây gỗ có đường kính khá lớn, nhưng miền Trung và miền Nam lại hay sử dụng gỗ Căm xe… Cùng đá vật liệu đá giai đoạn đầu, thời Lý – Trần đá cát được dùng nhiều hơn cả, đến giai đoạn sau lại chuyên dùng đá vôi… Hay cũng là loại vật liệu tự nhiên nhưng ở khu vực xứ Đoài người dân còn biết khai thác đá ong để làm vật liệu xây gạch. Loại vật liệu đá ong đã được người Chăm ở khu vực miền Trung sử dụng từ khá sớm nhưng ở ngoài Bắc, dấu vết công trình sử dụng đá ong cơ bản mới thấy từ thế kỷ 18. Một số ngôi chùa ở ngoài Bắc có dùng đá ong như chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Bàn Giản (Vĩnh Phúc),…

Vật liệu nhân tạo ban đầu được hình thành qua quá trình phát triển của nghề thủ công. Các loại vật liệu phục vụ cho xây dựng công trình có thể kể đến như gạch nung để xây tường, lát nền, ngói lợp mái, vôi vữa để trát, sơn, keo để gắn chắp các cấu kiện. Đến thời hiện đại, có thêm các loại vật liệu khác như sắt, thép, xi măng, bê tông. Ngay như gạch cũng có rất nhiều loại khác nhau không chỉ dựa trên kích thước, kiểu dáng mà cả độ nung nữa. Có gạch dùng lát nền, gạch xây tường, xây bờ mái. Có loại gạch chỉ nung rồi đem xây và cũng có cả gạch được chạm khắc hoa văn trang trí rồi mới nung. Ngói cũng có nhiều loại từ ngói bản, ngói mũi, ngói lòng máng. Có loại ngói để mộc và cũng có cả ngói tráng men, ngói gắn các lá đề để trang trí,… Các loại gạch, ngói được liên kết với nhau bởi vật liệu vữa. Vữa dùng trong xây dựng cũng khá đa dạng, từ vôi, giấy bản, mật mía, vôi hàu, cho đến loại vật liệu hiện đại như xi măng…

Một loại vật liệu nhân tạo nữa hay sử dụng trong xây dựng phải kể đến là kim loại được tạo ra qua kỹ thuật luyện kim đã đạt đến trình độ nhất định. Khảo cổ học đã tìm ra những chiếc đinh bằng đồng dài tới hớn 10cm dùng để chốt giữa ngói với rui trên mái (như ở chùa Bảo Ninh – Tuyên Quang), hay như các chốt mộng bằng chì được nung rồi đổ vào để khớp nối hai viên gạch xây tháp thời Trần (như ở chùa Kim Tôn – Vĩnh Phúc),…

Nói chung, các loại vật liệu nhân tạo dùng trong xây dựng cũng rất đa dạng, phong phú và chính nó đã đóng góp đáng kể tạo nên sự bền vững, ổn định cho công trình.

3.5. Đa dạng về bài trí không gian thờ tự

Đối tượng thờ đa dạng nhất phải kể để những ngôi chùa theo hệ phái Bắc tông. Vào một ngôi chùa ở miền Bắc ta thấy có hàng chục, thậm chí hàng trăm pho tượng khác nhau. Như chùa Mía (Hà Nội) có tới 287 pho tượng các loại. Có chùa thờ tới hai pho Đức Ông (chùa Thầy – Hà Nội). Có chùa, như chùa Bổ Đà (Bắc Giang) thờ cả tượng Lão Tử, tượng sư tổ, tượng Phật… Không chỉ vậy, ngoài Bắc có nhiều chùa vốn là quán Đạo giáo chuyển sang (như chùa Sổ, chùa Linh Tiên, chùa Lâm Dương, chùa Mui – Hà Nội) nên ở đó còn thờ các vị thần chủ của đạo giáo (Thái Thanh – Ngọc Thanh – Thượng Thanh,…). Có chùa chỉ thờ Phật, nhưng cũng có chùa kết hợp thờ Thần với Phật tạo nên mô hình kiến trúc kiểu tiền Thần – hậu Phật (chùa Dâu – Bắc Ninh, chùa Đậu – Hà Nội). Có chùa kết hợp thờ Phật với thờ Thánh, như chùa Thầy (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình), chùa Đại Bi (Nam Định)… Tóm lại, sự đa dạng về đối tượng thờ đã ảnh hưởng lớn đến sự đa dạng trong cách bài trí không gian thờ tự. Không chỉ vậy, dù cùng là tượng thờ bày trên Tam bảo với các hàng, lớp thứ bậc thì giữa các chùa cũng có sự sắp đặt không giống nhau. Trên Tam bảo, sự khác biệt thể hiện rõ nhất bắt đầu từ lớp tượng thứ 3 trở xuống.

– Lớp thứ 3 có thể bày tượng Quan Âm nhiều tay (hoặc Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm tọa sơn…); tượng Thích Ca niêm hoa; tượng Thích Ca, hoặc bộ tượng Ngọc Hoàng với Nam Tào – Bắc Đẩu, hay bộ Ngọc Hoàng – A Nan – Ca Diếp. Có chùa, ở lớp thứ 3 lại bày đủ cả bộ Ngọc Hoàng, Nam Tào – Bắc Đẩu – Phạm Thiên – Đế Thích… Lớp thứ ba có chùa bày bộ tượng Thích Ca – Văn Thù – Phổ Hiền…

– Lớp thứ 4 có chùa bày tượng Thích Ca hoặc tượng Ngọc Hoàng (đôi khi là cả 3 bộ Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu); có chùa bày tượng Di Lặc và Thích Ca sơ sinh.

– Lớp thứ 5: có chùa bày tượng Thích Ca Cửu Long hoặc Thích Ca sơ sinh; có chùa bày thêm cả bộ Phạm Thiên – Đế Thích ở hai bên.

Tiến về phương Nam, ngôi chùa Việt ngôi chùa Việt đã có sự dung hội với tín ngưỡng của người Chăm, Khmer hay người Hoa. Khu vực miền Trung nhiều chùa còn thờ cả Thiên Y A Na, như chùa Kim Quang (Thừa Thiên – Huế) có Tiên nữ cung là một điện riêng để thờ Thánh Mẫu, chùa Viên Thông (Thừa Thiên – Huế) có Linh Tiêu điện thờ Thánh Mẫu, chùa Quy Thiện (Thừa Thiên – Huế) có Huệ Ứng điện để thờ Tam vị thánh mẫu Vân Hương, nhị vị Tôn ông, Tứ phủ công đồng và có biển của vua ban đề  “Thượng đẳng tối linh thần”. Nhiều ngôi chùa ở cả miền Trung và miền Nam thờ cả bộ ba Quan Văn Trường – Châu Xương – Quan Bình.

Trong bài trí không gian thờ tự cũng có sự đa dạng giữa các vùng, miền. Nếu Phật điện trong các ngôi chùa miền Bắc kết cấu theo trục dọc với ban Tam bảo ở chính giữa, các tượng thờ được bố trí theo các lớp thứ tự từ cao xuống thấp, các tượng Hộ Pháp, Đức Ông, Thánh Hiền được đặt tại các gian bên ở Tiền đường, tượng La Hán bày ở hai dãy hành lang, tượng tổ bày ở nhà Tổ,… Ngược lại ở khu vực miền Trung và miền Nam nhìn chung số lượng tượng thờ trong một ngôi chùa vẫn ít hơn miền Bắc; mặt trước chính điện là nơi tượng Phật và Bồ Tát được bày đều cả ba gian (bố cục theo trục ngang), ban thờ Tổ cũng đặt ở chính điện nhưng được bố trí sát phía sau Phật điện và quay hướng ngược lại theo lối tiền Phật – hậu Tổ, các đối tượng thờ khác được bày ở gian nhà riêng.

Tóm lại, cùng là hệ phái Bắc tông nhưng số lượng tượng thờ trong các ngôi chùa cũng không thống nhất, có chùa thờ nhiều tượng, có chùa thờ ít tượng; hay như cùng thờ Phật như ở ngoài Bắc thì bài trí theo trục dọc nhưng ở miền Trung và miền Nam lại bài trí theo chiều ngang… Tất cả đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong cách bài trí không gian thờ tự cho các ngôi chùa Việt, đặc biệt là những ngôi chùa theo hệ phái Bắc tông.

4. Vài gợi ý cho việc xây dựng một nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng

Với mong muốn có một bản sắc riêng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, chúng tôi xin gợi ý mấy vấn đề sau:

1. Tôn trọng triết lý “hòa” của kiến trúc truyền thống Việt

Trong kiến trúc chùa Việt, những ngôi tháp cao tầng thời Trần hiện còn thì độ cao cũng chưa tới 20m và thực tế cho thấy ngôi chùa Việt luôn chú trọng dàn trải theo chiều ngang chứ không vươn cao như kiến trúc của các tôn giáo khác. Các công trình kiến trúc truyền thống ở nước ta nói chung, kiến trúc Phật giáo nói riêng từ xa xưa đã luôn được xây dựng trong tinh thần hòa nhập với thiên nhiên. Các yếu tố tự nhiên như cây xanh, mặt nước được tôn trọng và tận dụng triệt để trong việc tạo cảnh quan. Những ngôi chùa truyền thống dù lớn hay nhỏ, dù quốc tự hay chùa làng thì công trình kiến trúc cũng không lấn át thiên nhiên bao quanh; khối xây và cây xanh luôn hòa quyện với nhau. Đây là yếu tố cơ bản mà khi xây mới công trình, người thiết kế và xây dựng cần tuân thủ.

2. Tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ kiến trúc vùng, miền

Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam với nhiều vĩ độ, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Thực tế cho thấy phong cách kiến trúc miền Bắc khác phong cách kiến trúc Trung, miền Nam. Sự khác biệt đó thậm chí có thể nhận ra ngay từ bên ngoài, ví dụ như ngoài Bắc, mái chùa với những đầu đao vút cong còn miền Trung trở vào thì các đường bờ nóc, bờ quyết lại thẳng, dốc. Ngôi chùa ngoài Bắc chú trọng nhiều đến chạm khắc, trang trí bên trong, trên cấu kiện gỗ còn ở miền Trung và miền Nam lại chú trọng đến những đắp vẽ bên ngoài. Ngôi chùa miền Bắc gồm nhiều hạng mục liên hoàn, ngôi chùa miền Trung, miền Nam thiên về bố cục theo lối trùng thiềm – điệp ốc, ngôi chùa miền Nam bố cục theo kiểu xếp đọi… Những sự khác biệt đó đòi hỏi nhà thiết kế hay người xây dựng phải am hiểu ngôn ngữ kiến trúc vùng miền để tư vấn và thiết kế cho chuẩn. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi những người trụ trì cũng cần am hiểu và tôn trọng ngôn ngữ kiến trúc đó, tránh tình trạng ép buộc người thiết kế làm theo ý mình…

3. Tôn trọng những hình mẫu kiến trúc truyền thống, có giá trị đã được định hình trong lịch sử

Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã có bề dày lịch sử hình thành, phát triển hơn 2000 năm và đã tạo nên dấu ấn riêng. Ngôi chùa miền Bắc với những bố cục mặt bằng cơ bản chữ Nhất, chữ Nhị, chữ Tam, chữ Công, chữ Đinh cho đến chữ Khẩu, hay nội Công – ngoại Quốc,… Cùng với mặt bằng như vậy, ngôi chùa Việt không chú trọng đến việc vươn cao, nhiều tầng; chùa thường chỉ một hoặc hai tầng. Gác chuông cao như chùa Keo (Thái Bình) cũng chỉ có 3 tầng,… Chính vì vậy, với ngôi chùa Bắc tông chúng ta không khuyến khích, cổ vũ cho việc xây nhiều tầng. Trong trường hợp vạn bất đắc dĩ phải xây cao tầng để phù hợp với công năng, mục đích sử dụng thì cần thiết kế sao cho phù hợp với cảnh quan xung quanh và phải đảm bảo mầu sắc, thẩm mỹ hài hòa và bắt buộc phải mời những đơn vị tư vấn có sự am hiểu ngôn ngữ kiến trúc Phật giáo Việt Nam để thiết kế công trình.

Đặc biệt chính điện những tịnh xá của hệ phái Khất sĩ, chính điện của hệ phái Nam tông Khmer đã hình thành và ổn định thì cần bảo tồn, phát huy, không nên thay đổi sang kiểu dáng khác không phù hợp. Những ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer. Khuyến nghị những ngôi chùa mới xây tôn trọng và sử dụng hình mẫu kiến trúc truyền thống, có giá trị.

4. Khuyến khích sử dụng vật liệu truyền thống, vật liệu địa phương trong xây dựng

Qua thời gian, vật liệu xây dựng ngôi chùa ngày càng được bổ sung phong phú hơn phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử và nhu cầu mở rộng công trình. Việc sử dụng vật liệu mới, hiện đại đáp ứng tốt hơn nhu cầu xây dựng là một xu thế tất yếu. Ngay trong các hiến chương của UNESCO hay trong các văn bản như luật Di sản, thông tư, nghị định hướng dẫn của nước ta cũng có những điều khoản hướng dẫn cho việc sử dụng những vật liệu mới, hiện đại khi xây dựng các công trình, di tích lịch sử.

Mặc dù vậy, vật liệu truyền thống, vật liệu mang tính địa phương, vùng miền vẫn luôn là lựa chọn tốt trong việc xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo ở nước ta. Cha ông ta từ xa xưa đã dùng gỗ làm bộ khung chịu lực chính khi xây dựng công trình.

Thực tế sử dụng gỗ mới là góp phần bảo vệ môi trường vì gỗ có thể tái sinh, khai thác gỗ xong ta có thể trồng rừng để bổ sung nguồn nguyên liệu; còn khi đã khai thác đá, đất để xây dựng tài nguyên đó cũng sẽ bị mất đi, không tái tạo lại được. Vấn đề là phải có chương trình khai thác gỗ hợp lý, có kế hoạch tái canh tác để bổ sung nguồn gỗ cho xây dựng. Khai thác gỗ hợp lý hoàn toàn khác với việc phá rừng lấy gỗ.

Vật liệu địa phương sẵn có được khuyến khích sử dụng khi xây mới các công trình, tránh nhập tràn lan những nguồn nguyên, vật liệu từ bên ngoài vừa xa lạ, vừa lãng phí. Bên cạnh đó, việc tô vẽ lên kiến trúc, sơn, quét lên tượng, đồ thờ cần phải lưu tâm sử dụng vật liệu sơn truyền thống, không dùng sơn, phẩm màu công nghiệp.

5. Xây dựng ngân hàng dữ liệu về kiến trúc và điêu khắc trang trí truyền thống

Đây là nhiệm vụ quan trọng vừa góp phần bảo tồn tinh hoa kiến trúc truyền thống, vừa góp phần cung cấp thông tin, dữ liệu cho việc thiết kế, xây dựng các công trình kiến trúc mới. Để làm được điều này, trước hết cần:

– Thực hiện những cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm những kiểu dáng, phong cách kiến trúc truyền thống, những hoa văn trang trí truyền thống hay, đặc sắc của mỗi vùng miền, mỗi thời kỳ lịch sử. Thành phần các cuộc điều tra nên có đủ cả các chuyên gia am tường trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật trang trí và cả những nhà khảo cổ học, nhiếp ảnh. Mỗi cuộc điều tra khảo sát cần lên kế hoạch, lập mẫu phiếu, ghi chép, vẽ ghi, chụp ảnh đầy đủ công trình để tiện cho việc lưu trữ sau này. Khi chưa có điều kiện điều tra diện rộng thì cần xây dựng kế hoạch khoanh vùng, lựa chọn nhóm, đối tượng điều tra với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng.

– Số hóa các dữ liệu điều tra, lập ngân hàng dữ liệu để đưa các thông tin điều tra thu thập được để phục vụ khai thác và sử dụng khi xây mới các công trình. Trong kho lưu trữ đó cũng cần phân chia các nhóm theo từng hệ phái công trình, từng loại hình mẫu hoa văn trang trí bên trong, bên ngoài, hoa văn từng thời kỳ,… Việc chia dữ liệu càng cụ thể, rõ ràng càng thuận tiện cho người sử dụng.

– Khi đã điều tra và có nguồn dữ liệu ổn định thì việc xây mới các công trình nên khuyến khích sử dụng các mẫu mã hoa văn truyền thống đó. Điều này vừa góp phần gìn giữ tinh hoa, giá trị truyền thống, vừa tạo nên nét riêng trong kiến trúc ngôi chùa Việt.

 

 

 

_Chú thích:

470. Dẫn theo Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2010), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới, tr 3
471. Dẫn: Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2010), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr 2,3

 

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Ngô Huy Quỳnh (2008), Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, Nxb. Xây Dựng, Hà Nội
  2. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2010), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội
  3. Viện Nghiên cứu kiến trúc (1999), Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam, Nxb. Xây dựng, Hà Nội
  4. Viện Bảo tồn di tích (2017), Kiến trúc chùa Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội
  5. Viện Bảo tồn di tích (2019), Kiến trúc chùa Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.