Đánh giá giá trị và đề xuất quản lý, khai thác, phát triển đối với công tác tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình Kiến trúc Phật giáo (TS.KTS. Nguyễn Đình Toàn)

TẢI FILE PDF
—————–

Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã để lại những giá trị không chỉ trong phạm vi một công trình, một ngôi nhà, hay nhiều nếp nhà mà là một quần thể kiến trúc bao gồm cảnh quan thiên nhiên, nhân tạo, tạo lập lên một không gian của một ngôi chùa truyền thống.

Chùa chiền, cùng các công trình tôn giáo tín ngưỡng, dân gian khác được khởi dựng, xây cất. trùng tu, tôn tạo qua nhiều thập kỷ trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế, lịch sử,… Với trên 18.000 ngôi chùa hiện có trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thì 2/3 số chùa trong số đó tập chung chủ yếu ở các tỉnh thành khu vực Bắc bộ.

Kiến trúc các ngôi chùa được dựng trên nền tảng kỹ thuật xây dựng dân gian bằng các vật liệu chủ đạo là kết cấu gỗ và gần đây nhiều chùa đã sử dụng đến vật liệu bê tông cốt thép, vật liệu lợp mái sử dụng ngói sản xuất từ đất nung, vật liệu bao che thì sử dụng gạch xây, một số ít dùng gỗ, đá, tường đất.

Gỗ lim là vật liệu chủ đạo tạo lập lên bộ khung kết cấu công trình. Đối với một số nơi điều kiện còn hạn chế thì sử dụng gỗ mít, gỗ xoan,…

Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu được công bố về sự liên kết các kết cấu gỗ được dùng phổ biến đối với các bộ vì, hệ thống kẻ chuyền, cột trốn, ván tầu, diềm mái,… Đó là đúc kết dân gian với những dụng cụ thô sơ của những người thợ, những nghệ nhân được truyền từ dời này qua đời khác, để lại cho nhân gian những công trình kiến trúc Phật giáo hiện tồn cho đến nay.

Việc đánh giá giá trị kiến trúc của một ngôi chùa xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nổi trội là các yếu tố về tính lịch sử, tính tiêu biểu, tính duy nhất cho một giai đoạn,…

Đối với các chùa làng – chiếm đại đa số trong quý di sản kiến trúc chùa Việt Nam thì việc lựa chọn vị trí từ khi khởi dựng luôn được chú trọng các yếu tố phong thủy của người xưa (hướng công trình, vị trí xây dựng đối với mỗi làng, cốt cao độ công trình). Việc thiết kế tổng mặt bằng hay gọi nôm na là sắp xếp các hạng mục được tính đến trước tiên.

Xung quanh các công trình đều có cảnh quan: mặt nước, sân vườn, lối vào chính, phụ. Những thành phần cảnh quan trên kết hợp với công trình kiến trúc tạo nên hiệu quả về nhiều mặt.

Tuy vậy, kiến trúc chùa từ khi khởi dựng chưa tính đến việc xây dựng phát triển mở rộng sau này nên cũng không ít Chùa lúc xây dựng ban đầu có cảnh quan, có đất sân vườn rộng rãi, hợp lý; Nay đã xây xen vào các hạng mục ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc, che khuất tâm nhìn của công trình, giảm thiểu diện tích đất cây xanh cảnh quan đối với quần thể của công trình.

Hầu hết các công trình kiến trúc chùa hiện nay chúng ta tiếp cận được xây dựng hay tôn tạo lại chủ yếu vào thời Nguyễn. Tỷ lệ ngang, dọc, chiều cao dựa trên cơ sở là cây thước “tầm” để xác định. Tuy vậy, tỷ lệ các thành phần kiến trúc như mái, bước gian, chiều cao nhà được coi là “thuận mắt”, phù hợp với tỷ lệ của người Việt đối với công trình kiến trúc chùa hay kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng và dân gian nói chung.

Một đặc điểm nổi trội đối với kiến trúc chùa và kiến trúc dân gian Việt Nam là sử dụng vật liệu gỗ kết hợp uyển chuyển linh hoạt giữa kết cấu chịu lực của công trình với trang trí mỹ thuật

Trang trí mỹ thuật trong công trình là sử dụng vật liệu gỗ với các kỹ thuật chạm khắc nổi, chạm lộng, với các hoa văn trang trí đa dạng các đề tài từ cuộc sống dân gian sinh hoạt hàng ngày của người dân cho đến văn hóa cung đình, các đề tài được lấy từ thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, chim thú…

Việc đưa mỹ thuật vào công trình tôn giáo được cho là khá phổ biến, làm mềm mại, tăng sức hấp dẫn và giá trị của kiến trúc.

Ở bên ngoài nhà thì yếu tố mỹ thuật được thể hiện bằng các vật liệu vôi giấy trộn với mật chịu được nắng mưa được gọi là các hình tượng nề – ngõa: các con giống ở trên nóc nhà; hoặc bằng đá ở thềm bậc cửa.

Cây xanh trong các khuôn viên trong ngoài chùa cũng là một nhân tố được chú trọng, chọn lựa để trồng trước, sau hay xung quanh vườn chùa.

Trong khoảng thời gian 30 năm gần đây, tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam thu hút ngày càng nhiều hơn các tín đồ Phật tử. Nhiều người quan tâm đến việc đi lễ chùa: các công trình kiến trúc Phật giáo nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ về tài chính từ các nguồn: ngân sách, xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo và xây mới.

Cho đến nay chưa có số liệu cụ thể chính thức về số lượng các chùa được tôn tạo, xây mới nhưng chúng ta đều dễ dàng cảm nhận thấy. Các chùa đã tu bổ, xây mới tam quan, dựng thêm nhà tổ, nhà tăng, mở rộng các hạng mục.

Nhiều công trình được thiết kế thẩm tra, thẩm định đúng theo quy định, đội ngũ thi công có kinh nghiệm, nhà chùa quản lý tốt nên đã có những công trình có chất lượng.

Bên cạnh đó cũng có nhiều những công trình Phật giáo tôn tạo xây dựng mới chưa đảm bảo chất lượng về kiến trúc mỹ quan, cụ thể những điềm chính chưa đạt ở đây là: tỷ lệ sai lệch (như mái cao quá hay thấp quá, cột – tường trang trí mỹ thuật không tương quan tỷ lệ với các thành phần kiến trúc khác ở trong một công trình). Chắp vá các chi tiết lấy ở nơi này, nơi khác như: kiến trúc của tam quan chùa Láng, chùa Tây phương, chùa Kim liên được sao chép dựng lại ở các chùa khác đặt vào bối cảnh không phù hợp.

Tình trạng làm sai lệch di tích gốc hay biến dạng về tỷ lệ công trình, sử dụng vật liệu trang trí mỹ thuật không phù hợp còn phổ biến.

Có những công trình chùa xây mới thiếu cơ sở khoa học để định hình về kiến trúc dẫn đến việc tùy tiện khi tôn tạo, phục chế kiến trúc Phật giáo.

Trong những năm tới sẽ còn tiếp tục xây dựng sửa chữa, tôn tạo, trùng tu các công trình kiến trúc chùa chiền ở nhiều nơi khác.

Do vậy đã đến thời điểm cần thiết phải tiến hành nghiên cứu để ban hành rộng rãi “Hướng dẫn về việc tôn tạo xây dựng mới các công trình kiến trúc Phật giáo”. Tiến tới xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn làm công cụ để quản lý công tác tu bổ tôn tạo, xây dựng kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Cơ quan Trị sự Phật giáo tại các địa phương chịu trách nhiệm quản lý và ban hành “quy chế quản lý đối với các nhà chùa”. Ban văn hóa Trung ương giáo Hội Phật giáo Việt Nam thay mặt Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam theo dõi kiểm tra việc thực hiện.

Nội dung hướng dẫn bao gồm:

– Quy hoạch tổng thể khuôn viên mỗi chùa trong (quy định về mật độ xây dựng, chiều cao, cây xanh, mặt nước, khoảng lùi,…)

– Kiến trúc các công trình (tổng quan tỷ lệ giữa các thành phần kiến trúc của mỗi công trình).

– Về mỹ thuật trang trí, sử dụng mầu sắc.

– Hướng dẫn về xây dựng các công trình tạm (dưới 6 tháng) hiện nay nhiều nơi xây dựng nhà mái tôn sắp lễ trước mặt hay bên cạnh chùa.

– Sử dụng vật liệu

Trên đây là đề xuất mang tính phục dựng, tôn tạo, tu bổ đối với kiến trúc Phật giáo mà trong các quy định quản lý hiện tại chưa được quy định cụ thể ở Luật di sản, Luật kiến trúc và các văn bản hướng dẫn dưới luật (Nghị định, Thông tư).

Để có thể tiến hành , trước mắt hướng dẫn như các nội dung nêu trên, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam giao cho Ban Văn hóa Trung ương giáo Hội Phật giáo Việt nam chủ trì, tổ chức phối hợp với các đơn vị cá nhân, các nhà khoa học, các nghệ nhân dân gian,… để sưu tầm, chọn lọc các công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu mang nhiều yếu tố của di tích gốc. Lập đề cương nghiên cứu cụ thể.

Hiện nay với công nghệ, thiết bị hiện đại có thể đưa và sử dụng trong việc đo vẽ, tính toán, sưu tập, hệ thống hóa từ tổng thể công trình cho đến các thành phần kiến trúc, chi tiết mỹ thuật để lập nên những bộ hồ sơ di tích đạt đến độ chính xác cao nhất.

Một đề xuất khác trong tham luận tại hội thảo lần này đối vơi Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam là nghiên cứu xây dựng công trình kiến trúc Phật giáo theo kiến trúc mới không lặp lại toàn bộ cấu trúc của kiến trúc cũ; trước mắt có thể nghiên cứu và lập các mô hình lập sa bàn, lấy ý kiến rộng rãi trước khi đi vào áp dụng thí điểm ở một số công trình cụ thể đối với các vùng miền có điều kiện địa lý, khí hậu, văn hóa khác nhau

Ở mỗi thời đại đều có sự tiến bộ kỹ thuật. Việc xây dựng thi công công trình không nằm ngoài sự phát triển chung của xã hội loài người.

Đối với các công trình kiến trúc Phật giáo cũng cần tiếp cận với công nghệ, giải pháp thi công hiện đại. Hiện tại với sự xâm nhập của phát triển nền tảng số cũng đã đang ảnh hưởng tích cực đến phong tục tập quán, lối sống và văn hóa.

Kiến trúc luôn luôn phản ánh sự phát triển của mỗi thời đại đối với các công trình kiến trúc cổ, cũ. Chúng ta trân trọng bảo tồn khai thác phát huy. Nhưng đối với công trình mới thì cần mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học mới, nhưng vẫn đảm bảo chức năng của một công trình tôn giáo mang tính tâm linh được số đông chấp nhận. Kiến trúc chùa cũng là một công trình văn hóa có sức hút đối với đông đảo công chúng.

Từ đầu thế kỷ XX tức là đã hơn 100 năm nay, các công trình tôn giáo ở Châu Âu cũng đã từ bỏ kiến trúc La Mã- Gô Tích được duy trì nhiều trăm năm. Họ đã tận dụng ưu thế của kỹ thuật mới như: bê tông, thép, kính để tạo dựng ra các công trình kiến trúc tôn giáo có sức sống mới lan tỏa, lôi cuốn đông đảo các tín đồ, các vật liệu mới đã làm thay đổi về giải pháp kiến trúc tạo sức hấp dẫn, được sử dụng rộng rãi đối với các công trình TGTN ở khắp nơi trên thế giơi.

Nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng xây mới ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ đã trở thành di sản văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận, là điểm tham quan du lịch của hàng triệu du khách/mỗi năm.

Ở nước ta, càng ngày nguồn khai thác gỗ lim càng khó. Giá thành gỗ lim cao đã có nhiều công trình kiến trúc Phật giáo áp dụng kết cấu bê tông cốt thép, nhưng xây dựng kết cấu bê tông cốt thép theo kiến trúc cổ truyền đã cho thấy sự khiên cưỡng, chưa cho thấy sự phù hợp với ngôn ngữ của kiến trúc cũ, kiến trúc chuyền thống.

Mong rằng ở Việt nam chúng ta sớm tổ chức các nghiên cứu để các kiến trúc sư tham gia sáng tạo ra kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng mới trên cơ sở của nên văn hóa truyền thống dân tộc. Không gian văn hóa đang được hòa nhập với quốc tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vật liệu mới làm đa dạng hơn loại hình kiến trúc Phật giáo.

Từ đó chúng ta có những công trình kiến trúc Phật giáo mang nét đặc sắc: hiện đại, truyền thống, phản ánh đúng thời đại chúng ta đang sống là thế kỷ XXI, một nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam giầu bản sắc.

Trong tương lai con cháu chúng ta có thể tiếp cận với những công trình kiến trúc mới tiếp nối di sản của ông cha chúng ta, các thế hệ sau này không bị nhầm lẫn giữa kiến trúc Phật giáo xây dựng ở thế kỷ XXI với những kiến trúc của các thời kỳ phong kiến trước đây.