Một số nhận định cho việc xây dựng Tự viện Phật giáo trong thời đại mới (TT.TS. Thích Giải Hiền)

TẢI FILE PDF
——————

1. Dẫn nhập

Văn hóa Phật Giáo có đặc trưng riêng biệt, có giá trị to lớn, là cơ sở cho phương châm sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng lẽ tự nhiên và gìn giữ môi trường, tôn trọng con người, tôn trọng trí tuệ và tinh thần sáng tạo, có tác dụng giáo dục đối với con người Việt Nam trong xã hội ngày nay.

Các cơ sở tự viện ở hầu khắp các làng xã đều mang đậm nét kiến trúc Phật giáo dân tộc, đồng thời, mang nét riêng đặc thù của từng vùng miền, của từng môn phong. Những kiến trúc xây dựng, chạm trổ, điêu khắc, những pho tượng quý, những pháp khí thờ tự,… thực sự đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Có thể nói trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo và văn hóa Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc, là một phần tất yếu, quan trọng của văn hóa dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn và sức sống Việt Nam. Xây dựng lối ứng xử văn hóa trong quan hệ với đồng loại và với thế giới tự nhiên cho các thế hệ, góp phần tạo nên vẻ đẹp và bản sắc dân tộc.

Do vậy, xây dựng, bảo tồn và phát triển các tự viện cũng chính là một phần quan trọng trong việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới. Nhìn nhận mới trong kiến trúc xây dựng tự viện rất cần thiết cho các nhà lãnh đạo quản lý chính sách đến các vị trụ trì, các cơ sở tự viện Phật giáo để thực sự phát huy vai trò và lợi ích thiết thực của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, cũng là nội dung quan trọng trong việc xây dựng tự viện Phật giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tô bồi văn hóa, đạo đức của người Việt Nam trong thời đại mới.

2. Phải có cái nhìn chuẩn xác và thực tế cho chính sách quản lý xây dựng cơ sở tự viện Phật Giáo.

Một thực tế đáng tiếc là trong thời kỳ chiến tranh và trước đổi mới, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhiều ngôi chùa bị phá huỷ, nhiều di sản vật thể, phi vật thể của Phật giáo không được giữ gìn, bảo tồn dẫn đến bị mai một.

Sau đổi mới chính sách về tôn giáo đã có sự thay đổi, các chùa được xây dựng lại theo nhu cầu tín ngưỡng ở các địa phương, trong thời gian này, do nội lực còn yếu của Phật giáo tại một số vùng miền, nên quá trình phục dựng lại các chùa viện đã thiếu vắng sự đóng góp thực tế và chính xác từ nội thân của Phật giáo nên đã được xác lập trên những nền tảng chưa được xác thực với nhu cầu thực tế của Phật giáo, vốn là chủ thể vận hành, quản lý và sử dụng các cơ sở chùa viện.

a. Việc xây dựng, phục hồi, trùng tu thiếu kiến thức về Phật giáo, giáo lý, văn hóa Phật giáo nên đã có những pha tạp giữa tín ngưỡng dân gian vào các cơ sở tự viện làm cho hiện tượng mê tín dị đoan truyền bá trong đời sống quần chúng nhân dân từ những cơ sở chùa viện đã được phục dựng trở lại;

b. Chính quyền địa phương không vận hành cơ sở chùa viện nhưng lại là chủ thể đứng ra làm thủ tục xin công nhận di tích trên nền tảng phế tích, tàn tích, di chỉ từ đó đã tạo nên một gánh nặng cho chư Tăng ni khi về tiếp nhận trụ trì, kiến thiết, vận hành và truyền bá chánh pháp nhà Phật tại các cơ sở chùa viện này;

c. Các cơ sở được xây dựng pha tạp trên nền tảng không xuất phát từ sự am hiểu sâu sắc kiến thức Phật học, văn hóa Phật giáo và nhu cầu sử dụng thực tế trong tu học và truyền giảng chánh tín Phật giáo đã vô tình tạo thành những khó khăn hữu hình, vô hình trong trách vụ trụ trì của chư Tăng ni và tạo nên những ngộ nhận về Phật giáo và những hệ quả đối với xã hội hiện đại.

3. Phương thức, triết lý xây dựng tự viện trong nền tảng giáo lý Phật giáo

Nhân sinh quan của Phật giáo nhấn mạnh phúc báo và chuyển hóa nghiệp báo của tự mỗi con người trong đời sống thực tại, với tinh thần nỗ lực tinh tấn không ngừng sống tốt trong mỗi giờ khắc thực tại. Do vậy Tăng ni trụ trì xây dựng cơ sở tự viện cũng phải xuất phát từ nền tảng triết lý căn bản ấy.

a. Xây dựng chùa là kiến tạo cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu tu học, kiến lập nền tảng phúc báu vững chắc cho cuộc sống hiện tại và chuyển hóa nghiệp báo đã được tạo ra từ nhiều đời trong dòng chảy sinh tử bất tận, không đơn thuần xây dựng chùa viện cho nhu cầu phục vụ tín ngưỡng, tham quan du lịch, lễ bái cầu xin… Do vậy, xây dựng kiến thiết tự viện phải dựa trên nhu cầu tu học của tăng ni, quần chúng tín đồ Phật tử làm động cơ và mục đích kiến thiết tự viện;

b. Quá trình xây dựng các tự viện cũng đồng thời là quá trình giúp cho người dân, Phật tử địa phương và người dân chuyển hóa tâm thức và nghiệp báo của mình;

c. Không nên chỉ dùng cách thức đầu tư dự án làm phương thức duy nhất trong thủ tục xây dựng tự viện. Nên dùng thêm hình thức chỉ xin thủ tục xây dựng đơn thuần theo giai đoạn tăng trưởng của nhu cầu tu học nhằm tránh những khó khăn vì phải chạy theo tiến độ dự án đầu tư nếu không sẽ bị thu hồi dự án. Cần lưu ý tự viện xây dựng lớn nhưng nhu cầu tu học không cao, phát huy không hết được hiệu suất sử dụng của cơ sở vật chất cũng là hình thức lãng phí trong đầu tư kiến thiết công trình xã hội.

4. Cần có những tầm nhìn và quan điểm mới trong xây dựng kiến thiết cơ sở tự viện Phật giáo

Nguồn tài chính xây dựng chùa viện trong Phật giáo dù từ đâu thì bản chất của nó cũng là nguồn tài nguyên tài chính của xã hội, từ nguồn lực xã hội thông qua sự phát tâm của cá nhân và đoàn thể đóng góp cho công trình xây dựng. Do vậy, cần lưu ý làm thế nào phát huy tối đa hiệu suất sử dụng của cơ sở tự viện là điều rất cần thiết đối với việc xây dựng kiến thiết tự viện Phật giáo trong đời sống hiện tại. Nếu không phát huy được điều này thì chính là sự lãng phí nguồn lực của xã hội, của quần chúng tín đồ Phật tử.

Quy hoạch kiến thiết tự viện Phật giáo phải đưa được ý tưởng nhà chùa chính là ngôi trường học cộng đồng của xã hội phục vụ cho công cuộc kiến tạo, tô bồi bản sắc văn hóa, đạo đức truyền thống quý giá của dân tộc. Từ đó xây dựng các cơ sở như thư viện, trung tâm văn hóa, trường học cộng đồng, cơ sở sinh hoạt cộng đồng để phát huy tối đa hiệu suất sử dụng trong các cơ sở chùa viện Phật giáo.

Kiến thiết, quy hoạch xây dựng khung cảnh chùa viện hướng đến kiến tạo công viên xanh cộng đồng, thân thiện môi trường, xây dựng xanh, hạn chế tình trạng phá núi, vỡ đồi để xây dựng tự viện, tránh lạm dụng việc sử dụng nguyên liệu gỗ trong xây dựng có như vậy chùa cảnh mới phát huy được vai trò là ngôi trường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sống, duy trì trái đất xanh và tinh thần từ bi yên vui khắp muôn loài của đạo Phật.

5. Thay đổi cản bản từ tư duy hiểu biết của người làm công tác quản lý văn hóa, quản lý di tích và quản lý di tích văn hóa Phật giáo.

Cần nâng cao nhận thức của đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, văn hoá, bảo tồn di tích,… Điều này cho chúng ta thấy việc bồi dưỡng cho người làm công tác quản lý về văn hóa bảo tồn di tích hiểu rõ về căn bản giáo lý Phật giáo, về thực trạng và chủ trương khôi phục phế tích, di chỉ chùa viện Phật giáo chứ không phải là bảo tồn di tích, vì không còn di tích thì không phải là bảo tồn áp dụng luật bảo tồn vào các phế tích tàn tích và di chỉ sẽ tạo nên những chồng chéo, lắm quy định mà phải là luật khuyến khích, trợ giúp khôi phục phế tích di tích chùa viện Phật giáo. Phải hiểu rõ quy luật, giáo lý chính pháp và đường lối tu tập Phật giáo thì khi phê duyệt các quy hoạch xây dựng mới tránh được từ đầu việc pha trộn các kiến trúc không phải là Phật giáo chánh tín và cơ sở cần thiết cho nhu cầu tu học và thực chất lợi ích của đạo Phật.

Cần lưu ý, các tự viện là ngôi trường dành cho tăng ni, tín đồ Phật tử tu tập, thực hành chánh pháp vun bồi phước báu, chuyển hóa nghiệp quả đúng theo tinh thần “xây dựng và cải tạo không ngừng” để thành Phật chứ không đơn thuần là cơ sở phục vụ việc lễ lạy, cúng bái, khấn vái, cầu xin,…

6. Niềm mong đợi thay cho lời kết

Để Phật giáo thực sự có chỗ đứng vững chắc trong lòng xã hội Việt Nam hiện đại, có tiếng nói và tầm ảnh hưởng tích cực đối với tầng lớp tri thức, tầng lớp trẻ trong xã hội, đã đến lúc phải tích cực vận động, trình bày, thuyết phục và có việc làm thực tế cho việc thay đổi và hoàn thiện hệ thống pháp lý trong việc quản lý và xây dựng các tự viện Phật giáo thực sự hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các tự viện. Xin đề xuất những mong đợi từ thực tiễn của Tăng ni đang trụ trì và điều hành các cơ sở tự viện phải mang bằng di tích tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và thị thành trong cả nước từ nơi hội thảo này, để góp phần đánh nên tiếng chuông vang vọng lòng mong đợi về sự đổi thay cho chiều hướng tích cực trong tương lai.

a. Cần phải tổ chức các buổi đối thoại để lắng nghe và tìm sự thông hiểu từ các cấp chính quyền địa phương, thôn xã đến tỉnh thành và Trương ương, nhằm mục đích để các nhà quản lý của chính quyền có cơ hội thực sự lắng nghe và thấu hiểu được những bất cập trong việc áp dụng hệ thống pháp lý về quản lý di tích vào những thực thể chùa viện được phục dựng từ trên nền tảng là các phế tích, tàn tích và di chỉ mà thôi;

b. Các nhà quản lý, lãnh đạo của Phật giáo cùng các vị phụ trách chuyên ngành văn hóa Phật giáo cần phải phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền, xem xét để bổ sung, chỉnh sửa chính sách, pháp luật những quy định chưa phù hợp trong thực tiễn hiện nay;

c. Phật giáo phải tích cực giúp cho các cơ quan có thẩm quyền thật sự hiểu được tự viện Phật giáo bản chất và nhu cầu thực tế trong đời sống hiện tại không đơn thuần chỉ là cơ sở phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, cúng vái, cầu xin,… Vì có thực sự được tầm ảnh hưởng và bản chất của tự viện Phật giáo phải là ngôi trường học đa phương diện thì mới có được chính sách và việc quản lý đúng với thực tế nhu cầu của tự viện, qua đó mới phát huy được vai trò, ý nghĩa, công năng và hiệu quả của các tự viện;

d. Phật giáo đang góp phần tích cực giúp sức cùng với nhà nước phục dựng lại các tàn tích, phế tích đã bị phá bỏ, đây cũng chính là giúp sức với nhà nước để chỉnh lý và khắc phục hậu quả nhằm khôi phục lại nền tảng văn hóa, đạo đức đời sống tinh thần tín ngưỡng tâm linh cho con người Việt Nam trong đời sống hiện tại, giữ vững được truyền thống đạo đức đời sống văn hóa tinh thần, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng để mở cửa và bước ra với thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa và hòa nhập vào đời sống cộng đồng thế giới mà không bị hòa tan nên đáng ra việc dấn thân của hàng ngũ Tăng Ni về đảm nhận chức vụ Trụ trì tại các cơ sở tự viện vốn là các tàn tích, phế tích là di chỉ phải được đón nhận chính sách khuyến khích và giúp đỡ từ nhà nước;

e. Trong các Ban ngành viện chuyên môn của hệ thống tổ chức GHPGVN cần mở rộng Ban văn hóa Phật giáo thành Ban văn hóa kiến thiết Phật giáo để quản lý và phê duyệt những bản vẽ, hồ sơ kiến trúc của các chùa viện ngay từ bước đầu nhằm loại bỏ những công trình kiến trúc pha tạp, không phù hợp với Phật giáo và với kiến trúc Phật giáo Việt Nam.