Một số suy nghĩ về Kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam, cùng một số vấn đề liên quan (TS. Trịnh Công Lý)

TẢI FILE PDF
——————

Phật giáo Việt Nam có lịch sử lâu đời, xuất hiện cách nay hàng ngàn năm, gắn bó mật thiết với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, có giai đoạn dài của lịch sử, Phật giáo hưng thịnh và được xem là tôn giáo chủ lưu các triều Đinh – Tiền Lê, Lý, Trần. Ngoài Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng, một trong những biểu hiện của sự xuất hỉện, tồn tại và phát triển của Phật giáo chính là các ngôi chùa lớn nhỏ khắp trong cả nước.

Quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngôi chùa luôn gắn bó với lịch sử phát triển của từng địa phương, của từng vùng và cả nước. Vì vậy, các kiểu kiến trúc ngôi chùa từ vật liệu xây dựng chánh điện đến tượng thờ, câu đối, hoành phi,… ngày càng mang dấu ấn của sự phát triển mới, nhưng luôn luôn giữ được kiểu kiến trúc riêng của chùa Phật giáo Việt Nam.

Với thực tế tại miền Tây Nam bộ và thông qua chuyến khảo sát các chùa, tháp một số tỉnh, thành điển hình của miền Bắc, tôi xin được nêu một vài nhận xét chung và đề xuất ý kiến như sau:

1. Với lịch sử lâu đời của vùng đất phía Bắc, kiến trúc của chùa miền Bắc mang đậm tính truyền thống, gắn liền với sự phát triển của dân tộc đất nước, có chùa cách nay vài trăm năm, với vật liệu xây dựng quý giá, cả về quy mô kiến trúc tổng thể của ngôi chùa cho đến các hoa văn họa tiết, nhất là các pho tượng thờ, điển hình như chùa Dâu, chùa Tây Phương, chùa Trấn Quốc,… Trong khi đó, ở miền Nam đa số các ngôi chùa đều có quá trình ra đời ngắn hơn nhiều. Ngoài một số chùa cổ cách nay trên dưới 200 năm như chùa Giác Lâm ở TP. HCM, chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), chùa Tiên Châu (Vĩnh Long) đa số chỉ trên dưới 200 năm trở lại, hoặc từ nửa cuối thế kỷ 20. Một số ngôi chùa ban đầu chỉ bằng cây, tre, lá đơn sơ, dần dần chuyển lên bán kiên cố và kiên cố. Một số chùa có gắn với quá trình kháng chiến chống ngoại xâm trong thế kỷ 19-20 của dân tộc, được công nhận là di tích cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia.

2. Khác với không gian đa số chùa miền Nam, không gian chùa miền Bắc rộng rãi, do địa thế tự nhiên nên được bố trí trên vị trí đồi núi hay đồng bằng, đa số đều thể hiện sự tương đối giống nhau về vật liệu xây dựng, cột to bằng gỗ quý, hệ thống cửa, vách, ban thờ cũng vậy. Nhìn chung các ngôi chùa, có bố cục tiền Phật, hậu Mẫu, với các kiểu xây dựng khá đa dạng như chữ Đinh, chữ Tam, Nội công ngoại quốc,… Các pho tượng Phật ở chùa miền Bắc đa số đều bằng gỗ với sự sắc sảo của nghệ nhân trong quá trình chế tác, có pho tượng rất lớn như tượng Hộ pháp, Bát bộ Kim Cương. Đây là điều hiếm có được ở các chùa miền Nam. Do điều kiện tự nhiên, gỗ quý ngày càng hiếm và giá cao, nên miền Nam đa số tượng Phật đều bằng chất liệu khác gỗ hay rất ít gỗ cao cấp. Vì vậy, một tượng Phật được tạc bằng gỗ tốt là vô cùng quý. Mặt khác, tượng Phật được thờ trên chánh điện cũng có số lượng và cách bài trí khác nhau.

3. Mái chùa miền Bắc đều có nét riêng, các hoa văn, hình tượng trên nóc mái, các diềm mái,… cũng có sự khác nhau so với chùa miền Nam. Mái chùa miền Bắc đa số còn sử dụng ngói mũi hài, ngói âm dương. Chùa miền Nam, trừ những chùa cổ cách nay khoảng 200 năm, thường chỉ có ngói âm dương có khi là tol giả ngói. Tương tự, các kèo, vi kèo, xuyên tâm, xuyên ngang của chùa miền Nam cũng sử dụng chất liệu xi măng, cốt thép,…

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tới nay, khi xây dựng mới, có chùa được xây dựng 1,2 lầu để tận dụng không gian chung. Nền đa số đều được lót gạch công nghệ mới, trong khi nền chùa xưa ở miền Bắc còn giữ nền gạch tàu. Môt số chùa ở TP. HCM, Hà Tiên (Kiên Giang, An Giang…) vẫn giữ được kiến trúc truyền thống từ tổng thể ngôi chùa đến từng công trình quan trọng khác, trong đó có gạch lót nền.

Như vậy, chùa Miền Bắc vừa mang nét truyền thống cổ xưa của dân tộc. Một số chùa cổ gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê Trung Hưng,… cùng các nhân vật lịch sử cùng thời và các ngôi chùa xây dựng các giai đoạn sau này, vừa có không gian rộng thoáng, cảnh trí hùng vĩ, gần gũi với thiên nhiên, nhất là những chùa dựa vào đồi núi, sông suối, gắn liền với lịch sử và văn hóa dân tộc. Vì vậy, rất nhiều chùa Phật giáo ở miền Bắc được công nhận là di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

4. Tuy nhiên, gần đây, việc xâm lấn, xâm hại di tích ngày càng có chiều hưởng đang lo ngại, vi phạm Luật Di sản. Có cả trường hợp thiếu sự quan tâm đúng mức của cộng đồng. Việc xây dựng mới các ngôi chùa cũng có biểu hiện xa rời truyền thống kiến trúc bản địa, do du nhập kiến trúc từ nước ngoài vào xây dựng chùa Việt Nam. Có chùa nhìn vào tổng thể sẽ thấy hết sức xa lạ, vì vậy cần có cái nhìn toàn diện về việc gìn giữ, bảo vệ kiến trúc chùa Việt truyền thống và lan tỏa để mọi người cũng được biết, có ý thức giữ gìn và phát triển, đồng thời kết hợp giữa đạo và đời, tiếp tục xây dựng loại hình du lịch tâm linh tín ngưỡng, tham gia giới thiệu du khách trong và ngoài nước về các ngôi chùa di sản của Việt Nam và các ngôi chùa tiêu biểu khác về lịch sử, vắn hóa, kiến trúc,…

Kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam là một trong những khía cạnh biểu hiện của nền văn hóa truyền thống gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cho nên, theo chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Ban Văn hóa trung ương GHPGVN đã triển khai nhiệm vụ khảo sát chùa Phật giáo ở cả 3 miền là điều hết sức cần thiết, là 1 trong 4 đề án quan trọng của GHPGVN, với mục tiêu chung là tôn trọng sự thống nhất trong đa dạng của kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam (PGVN), phù hợp với đặc thù từng vùng, miền. Từ đó, trên cơ sở đánh giá khách quan tình hình kiến trúc xây dựng, hay tu sửa một số ngôi chùa Phật giáo trong thời gian qua, có sự tổng hợp khách quan, khoa học, đề xuất với GHPGVN và các Bộ, ngành liên quan, có sự đồng thuận trình lên Chính phủ giải quyết.

5. Kiến trúc chùa PGVN cần được sự trao đổi chung để mọi người đều hoan hỷ đón nhận trên tinh thần chung là nhìn vào tổng thể kiến trúc ngôi chùa thì ai ai đều biết đó là chùa Phật giáo Việt Nam, không lẫn lộn với ngôi chùa của một quốc gia nào khác. Trong thời kỳ hội nhập, sẽ có thể châp nhận một số biến tấu về kiến trúc nhưng không phải là những công trình chính của ngôi chùa. Chúng ta có thể tiếp nhận, văn hóa kiến trúc Phật giáo từ các nước bạn, nhưng phải bảo đảm toàn cảnh kiến trúc chung mang đậm nét sắc thái kiến trúc chùa của Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng và là nền tảng cần được tôn trọng nghiêm ngặt trong quá trình xây dựng. Thiết nghĩ, GHPGVN cùng các ngành liên quan có sự trao đổi nghiên cứu đi đến thông nhất trong đa dạng đối với những tiêu chí mới về kiến trúc các ngôi chùa xây dựng mới từ nay về sau, vừa bảo đảm tính kế thừa truyền thống, vừa có sự tiếp biến kiến trúc với chùa Phật giáo các nước, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và sự hội nhập quốc tế. Sự thống nhất này với kiến trúc tổng quát và các hạng mục chính của ngôi chùa, các tượng, tranh, hoa văn, hoành phi, câu đối,… Việt hóa các bức hoành phi, câu đối,… trong các ngôi chùa Việt Nam xây dựng mới là phù hợp với yêu cầu mới, thể hiện sự độc lập và phát huy ngôn ngữ Việt tren mọi lĩnh vực.

Ngoài ra, mặt tiền của ngôi chùa cần được chú trọng trong phối trí hài hòa các hạng mục, có không gian cây xanh, thông thoáng, thuận tiện cho tổ chức các nghi lễ, sinh hoạt của Phật tử,… tránh tình trạng buôn bán, chèo kéo ngoài mặt tiền và trong khuôn viên ngôi chùa. Một số ít ngôi chùa, còn tồn tại các ngôi mộ ở một phàn phía trước của sân chùa, nên cũng ảnh hưởng cảnh quan chung. Đặc biệt, cột chuyển Pháp luân cần có sự thống nhất chung về vị trí, kích thước, phù hợp với tổng thế của ngôi chùa.

6. Công tác bảo vệ các hiện vật quý của từng ngôi chùa cần được quan tâm ngày càng nhiều hơn nữa của quý chư tăng, chư ni và Phật tử, của cộng đồng, có sự hỗ trợ của nhất là Chính quyền và nhân dân. Một số ngôi chùa có được những di sản quý, đó là giá trị di sản: những pho tượng, chiêng trống, kinh sách xưa,… Các ngành chức năng có thể nghiên cứu, đưa vào nhiệm vụ của cộng đồng dân cư xóm ấp, xã nông thôn mới, khu phố đô thị văn minh, tiêu chi bảo vệ, chăm sóc các nơi thờ tự, nhất là các cơ sở được công nhận di tích cấp tỉnh hay cấp quốc gia,… Hiện nay, trong bối cảnh chung, ngoài ưu thế được thiên nhiên ban tặng và tầm nhìn của các vị sư sáng lập ngôi chùa, sự hỗ trợ của quý Mạnh thương quân và Phật tử nên ngôi chùa có giá trị cao. Ngoài các công trình chính, khá nhiều ngôi chùa hoàn chỉnh hệ thống hàng rào nên tăng thêm vẽ nghiêm trang, góp phần cho công tác bảo vệ được tốt hơn. Trong khi đó, vẫn có chùa, dù đã được công nhận di tich lịch sử văn hóa hay kiến trúc cấp tỉnh hay cấp quốc gia, nhưng chưa được đầu tư tương xứng như chưa có tường xây chung quanh chùa, cổng chùa chưa được xử lý hài hòa với khong gian chung do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, thiết nghĩ, các cơ sở thờ tự nói chung, ngôi chùa Phật giáo Việt Nam nói riêng, đã được công nhận di tích cấp tỉnh hay cấp quốc gia, cần được sự quan tâm đàu tư nhiều hơn nữa của Đảng, Chinh quyền, ban ngành các cấp và nhân dân địa phương, ngoài vai trò nòng cốt của chư Tăng, ni và Phật tử.

7. Vừa qua, thông qua các chuyến khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, đã có khá nhiêu ngôi chùa hoàn thành biên soạn lịch sử hình thành và phát triển, danh sách các vị sư đầu tiên khai phá, xây dựng chùa và những vị sư nối tiếp sau này. Điều này, vừa giúp cho Tăng, ni, Phật tử biết rõ hơn và tự hào về ngôi chùa, vừa là những thông tin quý báu giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Xin được đề nghị Ban văn hóa trung ương GHPGVN tiếp tục hướng dẫn đén các cơ sở Phật giáo còn lại tiép tục phối hợp với các ban ngành liên quan và địa phương, đầu tư suu tầm, nghiên cứu, biên soạn quá trình lịch sử hình thành và phát triển của ngôi chùa, công đức của các vị sư trụ trì ban đầu và nối tiếp cho đến hiện nay. Song song với việc biên soạn này là việc tiếp tục phát hiện, tiến hành làm hồ sơ thủ tục đề nghị ngành văn hóa, thể thao, du lịch hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục xin công nhận di tích cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia nếu đủ tiêu chí theo quy định. Đây cũng là công việc rất quan trọng và cần thiết, góp phần giới thiệu với du khách gần, xa các điểm tham quan mới, để trải nghiệm và khám phá. Nhà chùa có thể có hướng dẫn viên tại chỗ (như tuyển chọn trong số Phật tử hay Ban Quản trị chùa có đièu kiện, đáp ứng tiêu chuẩn chung) được đào tạo chuyên môn của ngành VHTTDL để thực hiện nhiệm vụ giới thiệu hướng dẫn các đoàn khách tham quan ngôi chùa.

8. Gần đây, cùng với sự phát triển của các ngôi chùa, nhu cầu khách quan cần có các vị chư Tăng, ni đến trụ trì từng cơ sở thờ tự thuộc GHPGVN. Theo thống kê, sự đào tạo các vị sư, ni sư vừa uyên thâm Phật pháp và thực hành nghi lễ, vừa có nền tảng khoa học, học vị ngày một tăng khắp cả 3 miền. Nhưng điều đáng lo ngại là sự kế thừa đang có khuynh hướng giảm. Điều này đưa đến có một số vi hòa thượng, thượng tọa, đại đức phải trụ trì từ 2 đến 3 ngôi chùa. Có ngôi chùa, số lượng chư tăng, chư ni rất ít. Vì vậy, cần thiết phải có chiến lược lâu dài đào tạo nguồn nhân lực cho các chùa, hệ thống chuyên môn của Giáo hội PG VN và các cấp cơ sở. Cho nên, cần phải có cơ chế chính sách phù hợp cùng giải pháp thực hiện hiệu quả để đáp ứng nguồn nhân lực lâu dài cho sự phát triển, đảm bẩo sự đồng hành xuyên suốt của GHPGVN trong tiến trình phát triển chung của đất nước và cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam luôn là nền tảng, là một trong số hình thức, nội dung biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, sự thống nhất trong đa dạng của nội hàm kiến trúc chùa Việt Nam hiện nay và sắp tới cần được sự nhất trí cao trong hệ thống GHPGVN, sự tư vấn hỗ trợ của các ngành, các cấp liên quan và định hướng chỉ đạo của Chính phủ..

Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe. Xin cảm ơn GHPGVN và Ban Văn hóa trung ương GHPGVN đã tạo các điều kiện hết sức thuận lợi để tôi được tham gia tham luận. Xin kính chúc quý lãnh đạo, quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức, quý chư tăng, ni, quý đại biểu dự hội thảo lời chúc vui khỏe, an lành, thành công viên mãn./.