1. Dẫn nhập
Trong lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam, có lẽ chưa có một di sản văn hóa nào lại có giá trị lịch sử, nghệ thuật phong phú như Chùa. Một loại hình kiến trúc thuần Việt, đậm đà bản sắc và có giá trị nghệ thuật độc đáo đến vậy. Chùa là một biểu tượng văn hóa làng, cùng với cây đa bến nước, đã đi vào tâm thức dân gian của nhiều thế hệ -người Việt Nam.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa luôn đồng hành cùng đời sống văn hoá và tâm linh của cộng đồng cư dân người Việt Nam. Chùa từ lâu đã trở thành nơi để người dân gặp gỡ, để sinh hoạt tín ngưỡng Tôn giáo… Lịch sử và hiện tại đã chứng minh rằng, vị trí của những ngôi chùa đối với các vùng cộng đồng cư dân thật là thiêng liêng và gần gũi. Cũng bởi vậy, không chỉ từ xưa kia, hiện tại mà cả ở tương lai, ngôi chùa vẫn luôn là yếu tố quan trọng và cần thiết đối với đời sống tinh thần, tình cảm Tôn giáo của người dân các vùng miền của đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, tư duy nóng vội đã khiến nhiều giá trị văn hóa, di sản văn hóa mai một, xuống cấp, đặc biệt là có sự mai một và thiếu thống nhất trong đặc trưng kiến trúc chùa Việt Nam. Không gian kiến trúc chùa vì đó cũng bị lai tạp, biến đổi.
Việc đi tìm sự thống nhất chung trong bức tranh đa dạng về văn hóa vùng miền, hệ phái của kiến trúc chùa Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, nó giúp chúng ta hệ thống lại hệ thống giá trị văn hóa cũng như ghi nhận những đóng góp xứng đáng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của dân tộc. Đồng thời, làm cơ sở cho việc hình thành dữ liệu để chúng ta có thể đi đến việc thống nhất mẫu chung cho kiến trúc chùa Việt Nam trong đa dạng hiện nay. Qua đó, có thể phổ biến cho các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu, nắm bắt rõ hơn các giá trị văn hóa, giá trị kiến trúc chùa Việt Nam, đồng thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp để bảo tồn, gìn giữ nhằm phát huy tốt nhất các giá trị đặc trưng của kiến trúc chùa Việt Nam.
2. Thực trạng phát triển kiến trúc chùa thiếu định hướng
Trong thời gian qua, bên cạnh một số ngôi chùa cổ bị xâm hại nghiêm trọng, còn có sự xuất hiện của xu hướng xây dựng chùa mới đập phá đi chùa cũ có kiến trúc lâu đời với muôn hình vạn trạng.
Một số ngôi chùa, nhất là chùa làng, được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa cũng đã làm loãng đi các giá trị truyền thống. Ngoài kiến trúc không phù hợp, một số chùa chưa chú ý đến việc tiếp nhận, bài trí hiện vật không phù hợp với không gian di tích cũng như đối tượng thờ tự.
Thực tế vừa qua, có nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích. Nguyên nhân chủ yếu là buông lỏng quản lý, do ý muốn chủ quan của người quản lý, của người công đức tu bổ, tôn tạo, thiếu sự định hướng về mặt kiến trúc, quy hoạch xây dựng.
Có lẽ việc thiếu đi sự thống nhất về mặt quản lý cũng như sự buông lỏng trong công tác quản lý và thực thi nhiêm vụ bảo tồn đã khiến cho việc trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc bị lệch lạc, thậm chí “xóa sổ” cả một di tích. Vì vậy, điều cần thiết là phải thể chế hóa chủ trương, tăng cường hơn nữa năng lực về công tác quản lý cũng như nâng cao kiến thức về công tác bảo tồn, nhất là về mặt kiến trúc cho các chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).
Với quan điểm là chấp nhận sự phát triển về kiến trúc. Phát triển không có nghĩa là tạo ra sự khác biệt, dị biệt, mà phát triển trên cơ sở kế thừa truyền thống, tạo sự hài hòa với cảnh quan, phù hợp với nhu cầu sử dụng, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đông bào có tín ngưỡng Phật giáo.
Do đó, các cơ quan liên quan, đặc biệt là Trung ương GHPGVN nên xây dựng và đưa ra các nguyên tắc chung, nguyên tắc mang tính định hướng để các công trình được tu bổ, tôn tạo hoặc xây mới đúng với tinh thần Phật giáo Việt Nam, vừa bảo đảm tính kế thừa, vừa phát huy được giá trị của công trình kiến trúc, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng về mặt bản sắc của từng hệ phái, vùng miền trong cả nước.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Để thực hiện chủ trương, sự nhất quán về mặt quản lý cũng như nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thực thi, HĐTS trung ương GHPGVN cần xây dựng và hoàn thiện Đề án “Kiến trúc phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng” để trình các cấp quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong buổi tiếp các đại biểu của Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, khẳng định: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo mà từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình đã biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc”. Điều đó càng được chứng minh rõ nét hơn khi các giá trị văn hóa phật giáo liên tục được tiếp biến qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, song ở thời kỳ nào các giá trị văn hóa Phật giáo cũng quyện hòa bền chặt với văn hóa dân tộc.
Bối cảnh đổi mới, lấy sự thống nhất trong quản lý để nhằm tránh sự mai một các giá trị văn hóa Phật giáo, đặc biệt là đối với kiến trúc càng cho thấy chủ trương nhất quán về đường lối trong việc phát huy các giá trị văn hóa và kiến trúc của Phật giáo Việt Nam. Việc cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt Đề án này càng giúp cho hiệu lực, hiệu quả quản lý của Giáo hội trở nên thuận lợi hơn. Ngược lại, điều đó cũng giúp cho công tác quản lý Nhà nước liên quan đến vấn đề này cũng thuận lợi và hiệu quả.
Sau khi Đề án “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng” được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, Trung ương GHPGVN cần quan tâm ưu tiên một số vấn đề sau:
– Có Nghị quyết để quyết định việc thống nhất quản lý, thúc đẩy phát triển kiến trúc Phật giáo theo đúng định hướng “Thống nhất trong đa dạng”.
Nghị quyết của HĐTS phải khẳng định được tính nhất quán về công tác quản lý, thể hiện rõ sự kế thừa và phát huy tốt nhất các giá trị kiến trúc và không gian kiến trúc Phật giáo.
Nghị quyết phải quán triệt, thống nhất, nâng cao nhận thức cho các thành viên của Giáo hội cũng như Chư Tôn đức Tăng, Ni đối với việc thống nhất về mẫu kiến trúc chung trong bức tranh đa dạng của kiến trúc Phật giáo. Đồng thời, Nghị quyết cũng cần nêu bật được những điểm đặc trưng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, vấn đề quy hoạch xây dựng phải được thực hiện nghiêm túc theo đúng chủ trương, định hướng về xây dựng để bảo đảm sự nhất quán trong toàn bộ hệ thống các cơ sở Phật giáo Việt Nam.
Nghị quyết của HĐTS cũng cần yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Trung ương GHPGVN, Ban trị sự các tỉnh, thành, quận, huyện hoàn thiện các chủ trương, định hướng và hướng dẫn các cơ sở thành viên thực hiện nghiêm túc vấn đề này.
– Xây dựng Thông tư hướng dẫn việc thực hiện:Mục đích, yêu cầu việc đưa vấn đề kiến trúc, quy hoạch xây dựng chùa, công trình của Phật giáo Việt nam vào một Thông tư riêng của Giáo hội, nhằm:
+ Khắc phục tình trạng manh mún, tự phát, không thống nhất trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng chùa, cơ sở tự viện, công trình Phật giáo Việt Nam;
+ Đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý về kiến trúc, quy hoạch xây dựng của Phật giáo, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tính đa dạng trong kiến trúc của các cơ sở tại các vùng miền, hệ phái trong tình hình mới hiện nay.
+ Để đáp ứng chủ trương “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng”, thể hiện rõ tư duy và tầm nhìn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về chủ trương nhất quán trong công tác quản lý. Bảo đảm tính kế thừa, tiếp nối các giá trị kiến trúc và di sản kiến trúc trong dòng chảy đời sống văn hóa dân tộc.
– Đề nghị thành lập các ban chuyên trách Hội đồng trị sự (HĐTS) Trung ương GHPGVN, ban trị sự tỉnh, quận, huyện về kiến trúc và quy hoạch xây dựng, tạo thống nhất trong quản lý nhưng cũng tạo thuận lợi và tôn trọng bản sắc riêng của các hệ phái, vùng miền Chấp nhận dị biệt để tìm đến sự tương đồng:Thực trạng vừa qua cho thấy, tại nhiều địa phương do chưa có quy hoạch và định hướng nên việc xây dựng, bảo tồn các công trình kiến trúc Phật giáo thiếu đi sự đồng bộ và thống nhất.
Tại một số chùa, cơ sở tự viện mới ở nước ta ngày càng xa rời bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với đặc trưng, bản sắc kiến trúc Phật giáo Việt Nam nói chung và của kiến trúc ở các hệ phái nói riêng. Các giá trị kiến trúc truyền thống Phật giáo chưa chú trọng đến tính kế thừa và phát triển. Kiến trúc công trình phân tán không phù hợp với quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý… dẫn đến sự mai một và mất dần bản sắc ở một số nơi, một số cơ sở.
Để nâng cao công tác quản lý, phù hợp với tình hình hiện nay cũng như đáp ứng yêu cầu về chủ trương phát triển của kiến trúc Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần thành lập Ban chuyên trách, đặc trách về kiến trúc và quy hoạch xây dựng.
Ban chuyên trách này sẽ thực hiện tham mưu cho Giáo hội về nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng theo hướng thống nhất về mặt quản lý, song cũng tạo được sự thuận lợi và tôn trọng bản sắc riêng của từng hệ phái, vùng miền trong hệ thống tổ chức của Giáo hội.
Bộ phận này là chuyên trách chịu trách nhiệm trước Giáo hội trong việc hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các chủ trương, định hướng về kiến trúc, quy hoạch xây dựng.
4. Kết luận
Thời gian trôi đi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn khốc của chiến tranh và cả sự thờ ơ, thậm chí cả sự cố chấp của con người đã làm cho nhiều ngôi chùa không còn tồn tại như vốn có. Đặc điểm và giá trị kiến trúc chùa Việt Nam cả 3 miền Bắc – Trung – Nam rất đặc sắc, biến đổi theo từng vùng, song các giá trị kiến trúc, nghệ thuật… đều là tài sản vô giá của Phật giáo, của dân tộc cần được bảo vệ, phát huy giá trị và lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Từ chủ trương và những quyết sách đúng đắn, tin rằng việc thực hiện thống nhất trong quản lý của hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với vấn đề kiến trúc nhất định thành công, góp phần tạo sự ổn định và phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa, di sản văn hóa và kiến trúc Phật giáo Việt Nam.