1. Dẫn nhập
Đạo Phật truyền vào nước ta từ rất sớm và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân dân. Theo thời gian và không gian, vị trí địa lý, nên Phật giáo Việt Nam ở mỗi vùng miền lại có phần khác biệt. Nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam vừa mang đặc điểm kiến trúc vùng miền và đặc trưng dân tộc đồng thời ảnh hưởng ít nhiều từ kiến trúc của các nước lân bang. Đó là kết quả của quá trình tiếp biến giao lưu văn hóa. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, kiến trúc và trang trí trong kiến trúc chùa luôn được kế thừa và phát triển trên nền tảng kiến trúc của thời kỳ trước để phù hợp với những nhu cầu của xã hội.
2. Những đặc trưng cơ bản trong trang trí kiến trúc chùa Bắc tông
2.1. Về vị trí và bố cục trang trí
Kiến trúc chùa thuộc hệ phái Bắc tông trải khắp ba miền. Tùy theo thời điểm xây dựng, vị trí vùng miền xây dựng mà mỗi công trình kiến trúc có những đặc trưng trang trí riêng biệt. Vì thế, hệ thống trang trí trong các chùa Bắc tông khá phong phú và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, những đề tài trang trí có sự kết hợp của Tam giáo, thể hiện tư tưởng đồng nguyên. Các đề tài nổi bật là trang trí mang triết lý và tư tưởng Phật giáo.
Qua khảo sát trên 100 ngôi chùa theo hệ phái Bắc tông có thể thấy hình thức trang trí kiến trúc xuất hiện trên hầu hết các hạng mục của công trình bao gồm: tam quan, chính điện, nhà tổ, tháp, gác chuông và các công trình phụ trợ khác. Các đề tài trang trí cũng khác nhau tùy theo vị trí và chức năng của công trình.
– Trang trí trên tam quan: Tam quan là công trình kiến trúc mặt tiền của một ngôi chùa. Ban đầu có hình thức đơn giản, sau thì được xây dựng đồ sộ với dạng nhà có mái che, nhà có hai tầng mái. Do vậy trang trí trên tam quan cũng phong phú theo từng hình thức tam quan. Với lối tam quan đơn giản chỉ có ba cổng vòm trên có mái nhỏ: Kiểu tam quan này tương đối đơn giản với ba cổng vòm, cổng giữa lớn và cổng hai bên nhỏ được tạo bởi các trụ cột vuông to đỡ hệ mái. Trang trí chủ yếu là các họa tiết theo phương dọc của cột: Gờ chỉ, họa tiết hoa văn đắp nổi, các đôi câu đối, các đề tài mỹ thuật,… Các cột này chủ yếu với xung quanh là các câu đối chữ Hán, Nôm, quốc ngữ đắp nổi, đỉnh cột trang trí chim phượng hay hoa lá. Góc mái cong với các chi tiết mây nước, rồng phượng. (xem hình 1)
Đối với tam quan dạng nhà có mái: Hình thức trang trí thường có nhấn thêm trên phần mái công trình với các đầu đao hình rồng, phượng, vân mây, bánh xe pháp luân,… và các họa tiết trang trí trên các cấu trúc gỗ để tăng tính thẩm mỹ cho công trình. (xem hình 2)
Trang trí trên công trình chính điện, nhà Tổ: Chính điện là công trình trung tâm của mỗi một ngôi chùa, đây là công trình có quy mô lớn và là điện Phật nên các hình thức trang trí thường được tập trung thể hiện với nhiều đề tài mang nhiều triết lý Phật giáo. Các đề tài trang trí cũng đa dạng tùy theo vị trí trên công trình.
Tùy theo thời gian xây dựng và quy mô công trình mà các đề tài trang trí được thể hiện với mật độ nhiều ít khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các chùa đều có chung các thành phần trang trí với cấu trúc gồm:
Phần thân công trình: Trang trí được thể hiện trên các bức tường, bức vách xung quanh công trình, trên các cột, lan can hay thậm chí là nền cấp của công trình. Đề tài trang trí có thể là các mảng chạm khắc mỹ thuật: Tứ linh, sen cách điệu, hoa lá, chữ vạn,.. Các đề tài về cuộc đời đức Phật hay các bức hoành phi câu đối trên cột, búp sen chân tảng,… Các đề tài trang trí, các họa tiết hồi văn trên các lan can.
Phần mái công trình: Hình thức trang trí trên mái có phần giống nhau tại hầu hết các chùa với các vị trí cố định như đầu đao, góc mái, các đầu kìm, bờ dải hay chính trung tâm của mái. Hình thức trang trí này được sử dụng và phổ biến tại hầu hết các chùa và các hạng mục công trình có mái khác như nhà Tổ, nhà Tăng, hậu cung. Các đề tài trang trí thường thể hiện với tứ linh (Lân, Long, Quy, Phụng) trên các góc mái và lưỡng long trầu nhật, lưỡng long trầu pháp luân tại trung tâm đỉnh mái.
Một bộ phận quan trọng nữa trong kiến trúc chùa là tháp. Đa số các tháp được xây dựng ở một vị trí riêng biệt để tiện cho việc hành lễ. Các tháp thường có xu hướng phát triển theo chiều cao mà ít phát triển theo chiều ngang. Tháp có cấu trúc dưới lớn, phần trên thu nhỏ dần và nhiều tầng nên trang trí thường thấy xuất hiện xung quanh tháp. Trang trí có thể là các đề tài chạm khắc trực tiếp trên bề mặt tháp hoặc là một dạng sử dụng luôn hệ cấu trúc xây dựng vào trang trí tháp; trang trí bằng kỹ thuật xây gạch vòm, xòe rộng tạo hình. (xem hình 3, 4)
Trang trí trên các không gian phụ trợ khác: Trong tổng thể khuôn viên chùa cổ, các công trình phụ trợ khác thường là sản phẩm bổ sung thêm nhằm phục vụ nhu cầu về công năng nên thường được xây dựng một cách đơn giản và gần như trang trí cũng ít được thể hiện. Chủ yếu là trên các đầu đao, góc mái với những chi tiết hoa lá. Các thành phần trang trí khác như phù điêu đá thềm công trình, lan can thường được bố cục đăng đối hai bên hoặc kết hợp nối dài đều đặn tạo cảm giác về một thế giới vô tận mà phong phú.
2.2. Sự đa dạng trong hình thức trang trí kiến trúc
– Trong trang trí kiến trúc chùa theo hệ phái Bắc tông, các loại hình trang trí đa dạng với nhiều cách thể hiện khác nhau. Các đề tài này có khi là các đề tài Phật giáo, khi lại là đề tài Nho giáo, Lão giáo hoặc các đề tài có sự kết hợp của cả ba tôn giáo hay tín ngưỡng bản địa. Chính những yếu tố có tính chất dung hòa ấy đã hình thành nên một hệ thống trang trí kiến trúc đa dạng và phong phú thể hiện rõ đặc điểm và chức năng của từng hạng mục công trình.
– Sự đa dạng về chất liệu: Các loại hình trang trí được thể hiện trên nhiều loại chất liệu khác nhau: Chạm khắc trên gỗ, đá, những họa tiết trên gạch hay những chi tiết mái bằng gốm, xi măng, khảm sứ… và cả những bức tranh vẽ màu.
– Sự đa dạng về màu sắc: Màu sắc được thể hiện không nhiều, chủ yếu là các màu vật liệu tự nhiên. Màu vàng là màu được sử dụng phổ biến ngoài ra còn kết hợp với các màu nâu, đỏ son tạo nên một không gian tâm linh linh thiêng.
– Ánh sáng: Ánh sáng là yếu tố không thể thiếu được góp phần làm rõ hơn vẻ đẹp của các đề tài trang trí. Hình thức trang trí, chất liệu trang trí cùng với ánh sáng tạo nên một tổng thể hài hòa. Ánh sáng sử dụng trong chùa phần lớn là ánh sáng gián tiếp vì vậy các đề tài trang trí trước đây đa phần là các mảng chạm, phù điêu để dưới sự kết hợp với ánh sáng chúng được thể hiện rõ hơn với các mảng sáng tối. (xem hình 5,6)
3. Thực trạng trong trang trí kiến trúc chùa hiện nay
Việc phát triển ngày càng nhiều các mẫu hình trang trí, các nguồn tài liệu tham khảo phổ biến trên các ứng dụng mạng xã hội, internet cũng làm xuất hiện tràn lan các yếu tố mới trong trang trí kiến trúc chùa. Việc tham khảo và bổ sung này một phần làm đa dạng các loại hình trang trí kiến trúc, phần khác lại ảnh hưởng trực tiếp đến không gian và kiến trúc cảnh quan. Gần đây nhiều chùa cũ và cả các chùa xây mới với quy mô lớn nhưng đã bộc lộ nhiều vấn đề:
– Có sự xuất hiện thêm vào của các linh vật ngoại lai không rõ nguồn gốc. VD: Chùa Quan Thế Âm (Đà Nẵng), Chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Đà Nẵng), Chùa Viên Giác (Quảng Nam),…có thêm vào sư tử đá ngoại lai. (xem hình 7)
– Các hoa văn trang trí trên công trình có mật độ trang trí không đồng nhất, có những chùa mật độ trang trí quá dày làm công trình mất đi vẻ thanh thoát.
– Nhiều đề tài trang trí, hiện vật trang trí không phù hợp với không gian kiến trúc (bao gồm bậc thềm, tượng pháp, các mảng chạm,…) VD: Chùa Linh Quang (Lâm Đồng) các đề tài trang trí như rồng thềm bậc, tượng hộ pháp quá to làm lấn át không gian kiến trúc (xem hình 8).
– Nhiều công trình sau khi cải tạo, trùng tu đã làm biến dạng một số hình mẫu trang trí, các sản phẩm mới bổ sung không ăn nhập với kiến trúc.
– Tình trạng trang trí quá nhiều không rõ chính phụ, màu sắc không đồng nhất dẫn đến công trình bị rối.
– Các mảng trang trí, hoa văn họa tiết chưa được nghiên cứu kỹ, cóp nhặt nhiều làm kiến trúc lộn xộn.
4. Những thay đổi trong trang trí kiến trúc chùa hệ phái Bắc tông
Sự phát triển của những tiến bộ khoa học trong xây dựng và vật liệu, cùng với những thay đổi về nhận thức đã kéo theo những thay đổi về kiến trúc nói chung và kiến trúc Phật giáo nói riêng. Song hành cùng với kiến trúc, hệ thống trang trí của các ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông cũng có nhiều đổi mới.
Kỹ thuật xây dựng và vật liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc chùa. Nếu như trước đây các công trình kiến trúc Phật giáo chủ yếu được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống có sẵn trong tự nhiên như: gỗ, tre, đá, gạch,… thì ngày nay chùa đang dần chuyển sang sử dụng bê tông cốt thép, thép, tôn,…
Chính sự đổi mới về kỹ thuật xây dựng và nhu cầu về không gian chức năng làm cho không gian kiến trúc Phật giáo cũng thay đổi. Các không gian phát triển hơn về quy mô và độ phức tạp. Không gian sử dụng rộng hơn, cao hơn, cấu kiện công trình lớn hơn nên trang trí trong các không gian này cũng cần thay đổi để phù hợp.
Sự thay đổi về hình thức trang trí:
– Trang trí kiến trúc có sự chuyển dần từ việc sử dụng đa số các mảng chạm dày đặc trên kết cấu vì kèo, cửa, vách hay các bức trang trí (với công trình gỗ) và các họa tiết đắp rồng mây phức tạp trên nóc mái sang dạng thức đơn giản hơn. VD: thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt,…(xem hình 9)
– Trang trí trên công trình sử dụng nhiều các bức họa trên tường, trần các không gian lớn. (xem hình 10)
– Các cấu kiện kết cấu bằng bê tông cốt thép với chiều cao lớn cũng được trang trí đơn giản hơn.
– Có những tạo hình sáng tạo hơn so với các thời đại trước và góp phần làm hài hòa giữa kiến trúc, trang trí và công năng công trình.
– Trên các bức hoành phi câu đối phổ biến tại các chùa mới xây gần đây, loại hình trang trí với nội dung là chữ Việt đang dần thay thế cho chữ Hán, Nôm.
– Các họa tiết trang trí được sử dụng với chất liệu và màu sắc đa dạng hơn.
– Ánh sáng được chú trọng nhằm tôn lên vẻ đẹp của ngôi chùa về đêm.
5. Đề xuất, định hướng đối với trang trí kiến trúc chùa hệ phái Bắc tông
Kiến trúc của mỗi thời kỳ cần được mang theo những đặc điểm của giai đoạn mà chúng được dựng nên. Vì vậy sẽ trở thành lạc hậu nếu như cứ giữ nguyên kiến trúc và các hình thức trang trí kiến trúc theo những motip cũ mà không có sự cách tân phù hợp. Một số đề xuất, định hướng trong trang trí kiến trúc chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Đối với các công trình trùng tu, bảo tồn:
– Cần đánh giá rõ tính chất và loại hình trang trí, cái nào cần giữ lại để bảo tồn, cái nào cần đổi mới để phù hợp mà vẫn kế thừa những giá trị truyền thống.
– Khi đưa các yếu tố mới vào không gian chùa cần lưu ý đến vị trí, kích thước và màu sắc sao cho phù hợp tránh việc tiếp nhận tràn lan.
– Loại bỏ các thành phần trang trí không rõ nguồn gốc trong các chùa hiện nay.
Với công trình xây mới:
– Cần có sự tư vấn của các cơ quan có chuyên môn. Cần tham khảo và đưa vào các đề tài trang trí đã được giáo hội Phật giáo định hướng sử dụng.
– Cần ưu tiên sử dụng các hình thức trang trí kiến trúc mang tư tưởng Phật giáo
– Cần ưu tiên sử dụng các vật liệu truyền thống đồng thời ứng dụng các vật liệu mới trong trang trí góp phần làm đa dạng hóa hình thức trang trí kiến trúc và tăng tính hiện đại cho công trình.
– Hình thức trang trí nên hướng đến tính giản dị và cô đọng không quá phức tạp rườm rà, cần nhất quán với kiến trúc chung.
– Màu sắc trang trí phù hợp với tổng thể công trình.
– Kết hợp sử dụng chiếu sáng tạo điểm nhấn trong trang trí kiến trúc.
6. Kết luận
Ngoài ý nghĩa truyền tải tư tưởng, nghệ thuật trang trí còn góp phần tôn thêm vẻ đẹp của công trình kiến trúc, là thành phần không thể thiếu trong kiến trúc chùa Việt Nam. Trang trí trong kiến trúc chùa còn là nơi tập trung tinh hoa và phản ánh xu hướng của nghệ thuật đương thời. Trang trí trong kiến trúc chùa thuộc hệ phái Bắc tông rất đặc sắc và thay đổi theo từng vùng. Các giá trị về điêu khắc, trang trí đó là tài sản vô giá của dân tộc cần được bảo vệ và phát huy.
Trang trí trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật phát triển cùng với nền kiến trúc trong bối cảnh đất nước ngày một đổi mới. Do đó việc xuất hiện thêm các hình thức trang trí và chất liệu trang trí mới là điều tất yếu. Khi trùng tu, cải tạo hay xây dựng công trình mới, các kiến trúc sư thiết kế cần xác định rõ các yếu tố cốt lõi trong nghệ thuật trang trí chùa truyền thống, đồng thời tiếp nhận những thay đổi mới để tạo hình phù hợp với hình thức kiến trúc.
Tài liệu tham khảo:
- KTS. Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Vạn Hạnh
- Marcel Bernanose, Nghệ thuật trang trí ở Bắc Kỳ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
- KTS. Vũ Tam Lang (2015), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb. Xây dựng, Hà Nội