Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Một thời kỳ mới (ThS. Thích Tâm Ý)

TẢI FILE PDF
——————

1. Dẫn nhập

Từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng dân tộc qua những thăng trầm, biến thiêng của lịch sử. Sự hòa quyện, giao thoa và tác động qua lại giữa Phật giáo và phong tục tập quán người Việt đã tạo ra một Phật giáo Việt Nam thấm đượm bản sắc dân tộc và ngược lại, văn hóa Việt Nam cũng phảng phất tinh thần Phật giáo trong từng lĩnh vực, trong đó có kiến trúc.

Kiến trúc là một phần của văn hóa, văn hóa là bản sắc dân tộc, là bộ mặt của một đất nước, là tinh hoa, trí tuệ, tư tưởng, xã hội của một dân tộc qua các thời kỳ; kiến trúc Phật giáo cũng thế, không chỉ hạn cuộc trong chùa mà nó còn phản ánh rất nhiều những giá trị khác như tư tưởng, kinh tế, chính trị, văn hóa,… của đất nước, con người trong khu vực, thời kỳ đó. Điều đó nói lên rằng kiến trúc là một hiện tượng, biểu hiện của xã hội ở một thời kỳ, là minh chứng lịch sử trong một giai đoạn.

Việc tìm hiểu, thống nhất, kế thừa, bảo tồn và phát triển kiến trúc Phật giáo chính là lòng yêu nước, sự kính trọng dành cho các bậc tiền nhân, những người tài ba với những đôi tay và khối óc trác tuyệt đã tạo ra những tác phẩm để đời làm đẹp cuộc sống, niềm tự hào qua bao thế hệ.

Bên cạnh đó, làm mới dựa trên các nguyên tắc đã có và sáng tạo để hòa mình trong xã hội văn minh thời đại là việc làm cần thiết để đánh dấu một giai đoạn lịch sử đất nước Việt Nam “xã hội chủ nghĩa” văn minh, hòa bình và thịnh trị. Đây cũng chính là mục tiêu mà bài tham luận này hướng đến.

2. Tổng quan

Kiến trúc là khái niệm một ngành vừa khoa học vừa nghệ thuật. Khoa học chính là sự sắp xếp không gian, kết cấu đúng kỹ thuật và nghệ thuật là nét đẹp ở mỗi công trình. Khoa học và nghệ thuật luôn có những quy chuẩn, quy định chung, tuy nhiên sẽ thay đổi theo thời gian gắn liền với sự vận động của lịch sử.

Kiến trúc Việt Nam “ra đời gắn liền với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của lịch sử dân tộc”482. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng vậy, ngoài ra đời gắn liền với với sự hình thành và phát triển Phật giáo, còn là sự phản ánh chân thực bối cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế,… giai đoạn đó. Rõ nét nhất chính là lòng kính tín của tín đồ Phật giáo, văn hóa vùng miền, thơ văn, hội họa, mỹ thuật, tư tưởng của dân tộc trong giai đoạn đó.

Kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc Phật giáo Việt Nam nói riêng là một minh chứng cho lịch sử Việt Nam, chính vì vậy việc giữ gìn kiến trúc cũng chính là làm sống lại các giá trị truyền thống dân tộc, là một phần của lịch sử đất nước, con người, văn hóa và tư tưởng. Ngoài việc giữ gìn và phát triển, sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bởi ngoài việc phản ánh xã hội thực tại, còn là bản lĩnh và tư tưởng, khát khao của một thế hệ, là tình yêu, lòng tự tôn đối với văn hóa bản sắc dân tộc.

Nói đến bản sắc dân tộc, là nói đến cái gốc, sức sống bên trong của dân tộc, là ý thức dân tộc, sự kiêu hãnh, tự tôn, là sức mạnh tiềm tàng,… Tình yêu nước mãnh liệt và lòng tự tôn dân tộc chính là hai trong vô số yếu tố quan trọng bậc nhất để mỗi người con dân trên đất nước có thể giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, thiếu một trong hai yếu tố trên văn hóa dân tộc sẽ không được để tâm và dễ bị đồng hóa. Giáo dục lòng yêu nước là nhiệm vụ hàng đầu để bảo tồn văn hóa dân tộc, và chỉ khi mỗi trái tim người dân đều hướng về đất nước thì văn hóa chắc chắn sẽ không bao giờ bị mai một.

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2023 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến lời của Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, và “văn hóa làm nên hồn cốt dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc”483. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam là một phần kiến trúc Việt Nam, một phần của văn hóa đất Việt. Qua đây để thấy rằng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa kiến trúc Phật giáo Việt Nam vô cùng quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc. Đóng góp cho ngôi nhà văn hóa Việt Nam một gia tài đồ sộ và có một vị trí đặc biệt trong nền văn hóa kiến trúc Viêt Nam với hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo.

3. Kiến trúc Phật giáo thống nhất trong đa dạng

Thống nhất ý chí: Trong Phật giáo, về luật có Yết ma, về pháp có Lục hòa, hay nói đúng hơn Phật giáo lấy thanh tịnh và hòa hợp để giữ mạng mạch Phật pháp. Thống nhất ý chí là một trong những điều kiện tiên quyết cho một gia đình, tập thể, một tổ chức hay một đất nước thịnh vượng và phát triển. Hồ Chí Minh đã từng nói “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. thành công, thành công, đại thành công” để khẳng định giá trị của sự đoàn kết, đồng lòng, sự quyết tâm cao độ, đồng nhất của tập thể để đem lại sự thành công.

Trong giai đoạn hiện đại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã 42 hình thành và phát triển (1981-2023) và đã thống nhất trên mọi phương diện, đã có những bước tiến vược bậc để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Hiện nay, GHPGVN có đầy đủ các ban, ngành,… phụ trách từng mảng công việc. Từ bi vẫn là cái nền của Phật giáo, là phương diện dễ nhận thấy khi bước đến cửa chùa, pháp và luật Phật giáo dựa trên tinh thần tự nguyện, xử lí mọi vấn đề trong Phật giáo cũng dựa trên tinh thần từ bi, hiểu biết, nên những chính sách Giáo hội khi triển khai cũng dựa trên tinh thần vận động, tự nguyện, nên thiếu tính kiên quyết và mạnh mẽ. Do đó, có tình trạng chưa đồng bộ khi thực hiện. Để có thể vận hành một bộ máy, nếu thiếu “thống nhất ý chí” của tất cả các thành viên thì rất khó thành công như mong đợi.

Điều quan tâm nhất ở đây chính là làm sao để “thống nhất ý chí”? Đây tưởng chừng như dễ, bởi phần lớn lãnh đạo Giáo hội đều là người tu, đồng nghĩa với việc những vấn đề nghe có vẻ thế tục sẽ không mấy quan trọng đến mục đích người tu, nhưng thực tế lại rất khó. Có nhiều lý do để nói về vấn đề tại sao khó, nhưng điều muốn nói ở đây chính là làm thế nào để giải quyết các vấn đề này, để chúng ta có thể “thống nhất ý chí” và có thể bắt đầu triển khai các vấn đề mà chúng ta muốn thống nhất như phương châm đã đề ra trên bốn phương diện: pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc, di sản và còn nhiều vấn đề khác. Liệu rằng chúng ta có cần nghiêm túc xem vấn đề này là một thực trạng, một vấn đề quan trọng để xem xét và giải quyết một cách tối ưu và nhanh nhất hay không?

Thống nhất các loại hình kiến trúc cơ bản: Trên phương diện hệ phái chúng ta có kiến trúc Phật giáo Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, Phật giáo Khất sĩ, trong đó kiến trúc Phật giáo Bắc tông là lâu đời và đa dạng nhất; trên phương diện đặc trưng vùng miền có miền Bắc, miền Trung và miền Nam; về thời gian có Phật giáo thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ, thời Lê trung hưng, thời Nguyễn; về bố cục cơ bản có chữ đinh, chữ công, chữ khẩu và nội công ngoại quốc; cho đến vị trí cảnh quang, phù điêu, chạm khắc, kết cấu, hoa văn,… chúng ta phải thống nhất cơ bản trên từng phương diện. Phải có quy chuẩn chung và có những nguyên tắc chung cho các công trình tu sửa và làm mới trong tương lai.

Vấn đề ở đây một là “quy chuẩn” và hai là “định hướng”, không thể bắt buộc khi không có quy chuẩn cụ thể và ngược lại có quy chuẩn nhưng không bắt buộc thì cũng bằng thừa. Chính vì vậy đề án của Giáo hội rất rõ ràng là “thống nhất trong đa dạng” nghĩa là chấp nhận sự đa dạng nhưng phải thống nhất. Vậy điều không thể khác là, thống nhất trên cơ sở những quy định chuẩn mực để tạo nên một nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong tương lai.

Trong bối cảnh hiện đại, phần đông các công trình xây dựng kết cấu chính chủ yếu bằng bê tông cốt thép, một phần nhỏ trang trí còn lại như phù điêu, chạm khắc,… là bằng các vật liệu bằng đồng, đá, gỗ và một số vật liệu mới hiện nay như composite, rất ít các công trình lớn còn sử dụng gỗ làm kết cấu chính bởi lý do giá thành và nhiều lý do khác. Trên phương diện thay đổi này cho chúng ta vài suy nghĩ về hai phương diện văn hóa: Một là tính nghệ thuật và hai là tính trường tồn của kiến trúc. Có một sự thật rằng sở dĩ ngày hôm nay chúng ta biết được các kiến trúc từ các thời đại trước phần lớn là qua những hiện vật còn sót lại, các hiện vật này có một điểm chung là có tuổi thọ dài, ít bị phân hủy bởi thời gian. Vậy nếu ngày nay chúng ta sử dụng các vật liệu không bền vững như bê tông để xây dựng thì liệu vài trăm năm sau chúng ta còn có thể biết được một nền văn hóa kiến trúc hiện nay không? Bên cạnh đó là dùng bê tông để đắp hoa văn, phù điêu, câu đối,… thì chúng ta lấy gì để sau này có thể bảo quản thành di sản? Có một thực tế là ngày nay có rất nhiều chùa khi xây dựng mới đã đập bỏ hoàn toàn các bức phù điêu, câu đối,… đơn giản vì nó “không có giá trị vật chất”.

Về phương diện mỹ thuật: Chắc chắn chúng ta không thể bắt buộc các chùa phải dùng các vật liệu tốt, chất lượng, giá trị và bền vững để làm các tác phẩm trang trí, nhưng sẽ như thế nào nếu một tác phẩm đẹp, xuất sắc được làm bằng các vật liệu tầm thường, dễ hư, dễ mục và không bảo quản được, không có giá trị theo thời gian! Đây là một bài toán khó và sự lựa chọn, tìm ra cách làm đúng đắn là ở cách vận động và nhận thức của những vị trụ trì và những người có trách nhiệm.

Một điều dễ nhận thấy khác là không gian và diện tích khi xây dựng đã khác xưa rất nhiều mà nguyên nhân chính là do diện tích xây dựng ngày càng hẹp nhất là các ngôi chùa ở thành thị. Vậy thì việc nhận diện một ngôi chùa dễ nhận thấy nhất chính là ‘mặt tiền bên ngoài’ của một ngôi chùa như: Mái, nóc, phù điêu, ngói, màu sắc, cổng tam quan,… Có những ngôi chùa rất nhỏ, chưa có điều kiện để xây dựng, mặc dù chỉ lợp tôn, không có cổng tam quan, mới nhìn không khác gì một ngôi nhà, nhưng khi nhìn kỹ thì thấy lợp tôn nhưng tôn màu đỏ, có sóng, có khi tôn giả ngói, dù là mái tôn nhưng cũng cong ở đầu mái, dùng sắt bẻ vài nét làm hoa văn ở trên nóc và đầu mái, hàng rào thì bằng sắt đơn sơ nhưng lại sơn màu vàng, có vài chữ vạn trang trí, cổng tam quan chỉ có hai cây sắt treo vừa đủ cái bảng nhỏ nhưng trên bảng có thêm hai hoa sen hay chữ Vạn,… Để thấy rằng, để nhận diện đôi khi không phải là cái gì đó to lớn mà chính là những chi tiết rất nhỏ và bình thường như vậy. Từ đặc điểm này, việc chúng ta có những quy chuẩn cơ bản như hoa văn, mái, nóc, màu sắc,… sẽ là đặc điểm phân biệt tốt nhất cho các công trình chùa đối với nhà và quan trọng nhất là chùa Việt Nam so với chùa người Hoa hay chùa các nước khác.

Chính vì thế việc thống nhất, đưa ra các tiêu chuẩn cơ bản cho từng hạng mục là vô cùng quan trọng, cần thiết và bắt buộc để từ đó có những bước triển khai cụ thể đến từng tỉnh thành, từng thành viên trong Giáo hội.

4. Kiến trúc phật giáo Việt Nam – kế thừa và sáng tạo

Khi đã thống nhất chọn ra những kiến trúc cơ bản, theo từng hạng mục, chi tiết. Trên những quy chuẩn đó có hai hướng ứng dụng: Một là giữ quy cách truyền thống và hai là làm mới dựa trên những kiến trúc đã có.

Về làm mới kiến trúc. Một vài chi tiết có thể kể đến như các linh vật khi được trang trí như tứ linh, long sinh cửu tử, hay tranh tứ quý, hoa sen, chim muôn hoa lá,… Không chỉ riêng kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà kiến trúc Việt Nam cũng khá quen thuộc với những hình tượng này. Câu hỏi đặc ra là chúng ta có cần làm mới không? Theo suy nghĩ cá nhân tôi cho là cần thiết bởi hai lý do sau:

– Đơn cử như hình tượng con rồng, chỉ riêng ở Việt Nam ở mỗi thời kỳ đã có hình tượng khác nhau, vậy hình tượng con rồng ở thời kỳ này là gì? Cho đến các linh vật như: Si Vẫn trên mái, Bồ Lao trên chuông, Toan Nghê trước cổng,…

– Trong mỗi đường nét điêu khắc, chạm trỗ,… là biểu hiện của tư tưởng, mỹ thuật, khát vọng,… vậy lẽ nào giai đoạn hiện đại này chúng ta không có sao? Hay chỉ đơn thuần là cố gắng hoài niệm với những kiến trúc truyền thống bởi văn hóa kiến trúc ngoại lai quá nhiều và chưa kiệp sáng tạo, không cần thiết sáng tạo!

Đất nước Việt Nam đang trong một thời kỳ hoà bình và độc lập, Phật giáo Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và hòa nhập với Phật giáo toàn cầu, thế giới đang trong xu thế tự do và toàn cầu hóa. Cho nên việc làm mới, sáng tạo là tính tất yếu trong bối cảnh hiện nay, không còn một lý do nào để chúng ta không chịu thay đổi, bởi tư duy nhút nhát và thiếu khát vọng dẫn đầu.

Về sáng tạo những kiến trúc mới trong giai đoạn hiện tại: Chỉ riêng về vật liệu, hiện nay thế giới đang hướng đến những vật liệu thân thiện với môi trường và Việt Nam cũng không ngoại lệ, nên vật liệu dùng để xây dựng công trình chùa trong tương lai chắc chắn có sự thay đổi. Sự thay đổi này là tất yếu, và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các hạng mục. Bên cạnh đó là yếu tố xã hội sẽ ảnh hưởng đến không gian kiến trúc chùa trong tương lai, nơi thành thị thì đất hẹp người đông, tổ chức các khóa tu nhiều, số lượng tham gia đông,… ngược lại ở vùng quê thì dân cư ít, các hoạt động tâm linh cũng không nhiều, số lượng tham gia cùng một lúc không đông,… Từ đó, không gian chức năng sẽ khác hơn so với trước.

Tư duy dẫn đầu và lòng tự tôn dân tộc: Việt nam đang sống trong một giai đoạn độc lập, tư do và hạnh phúc. Lịch sử dân tộc chúng ta đã trải qua quá nhiều nỗi đau thương bởi xâm lược nhưng kết quả chúng ta vẫn kiên cường để giành độc lập. Chúng ta đã trải qua thời gian dài bị nhồi nhét bởi những chính sách đồng hóa dân tộc, phải chăng chúng ta đã bị bắt “quen” dần với việc tiêu thụ và tôn vinh văn hóa ngoại lai, để rồi chúng ta nhầm tưởng ‘tiếp nhận có chọn lọc’ đã là hay, là tiến bộ, bắt kiệp thời đại; kỳ thực phải chăng chúng ta chỉ biết học theo rồi cải biên mà không có cái gì là sáng tạo độc lập và không dám sáng tạo. Đã đến lúc chúng ta cần sáng tạo để tạo dấu ấn cho riêng mình, để tự hào, giới thiệu với bạn bè thế giới.

Để không đi lệch với bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này phải nghiên cứu và liên kết chặt chẽ với văn hóa kiến trúc Việt Nam; lấy văn hóa Việt Nam làm chất liệu sáng tạo, lấy con người, lối sống, suy nghĩ, tình cảm của người Việt Nam để sáng tạo; dù phải lấy một cái cây, một con vật, một loài hoa,… thì cây đó, con vật đó, bông hoa đó cũng phải là của Việt Nam như: Cây tre Việt Nam có thể thay cây trúc không? Con trâu, chim lạc có thể thay sư tử, phượng hoàng không?… nếu có sao chúng ta không chọn, không tạo ra? Điều này phải nghiêm túc xem xét thật kỹ.

5. Đề xuất

Thành lập phân ban Kiến trúc Phật giáo nhằm:

– Hỗ trợ đơn vị quản lý nhà nước trong việc lập hồ sơ kiến trúc khoa học các ngôi chùa cổ, tham gia giám sát các công trình này khi tu bổ, tôn tạo;

– Tham gia với các đơn vị hướng dẫn, giám sát các công trình xây mới: Ngoài hồ sơ xây dựng theo pháp luật, cần có hồ sơ theo quy định Phật giáo, trong đó có ý nghĩa chi tiết từng hạng mục, phù điêu, câu đối,…. những sáng tạo nếu có cần phải được diễn giải một cách rõ ràng và có căn cứ.

Để tạo hiệu ứng tích cực cho đề án cần thực hiện:

– Các công trình như trụ sở Ban trị sự, các chùa chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội nên thực hiện đầu tiên.

– Các ngôi chùa xây lớn, những ngôi chùa có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, những ngôi chùa xây chất liệu tốt, có giá trị, những chất liệu có thể tồn tại hàng trăm năm, khi xây dựng bắt buộc phải tuân theo những quy định của pháp luật và những đề xuất từ Giáo hội.

6. Kết luận

Đề án “Kiến trúc Phật giáo thống nhất trong đa dạng” là một hành động cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Việc đó sẽ không dễ dàng nếu không hành động quyết tâm và chung sức. Chính vì thế, cần thống nhất ý chí, phá vỡ những rào cảng cá nhân để đi đến thống nhất trên tinh thần hòa hợp, tôn kính Phật và tình yêu quê hương đất nước.

Những quy định cụ thể trong kiến trúc sẽ giúp các tự viện, tăng ni và Phật tử dễ dàng chọn lựa trong công tác giữ gìn và xây mới các tự viện. Đồng thời khuyến khích sáng tạo trong khuôn khổ cũng là cơ hội cho những tác phẩm mới ra đời đặc sắc, mới lạ và độc đáo.

Sự đồng hành của Giáo hội qua việc hướng dẫn và giám sát sẽ giúp cho kiến trúc Phật giáo nhìn chung trong tương lai sẽ có một diện mạo mới đúng với tên đề án “thống nhất và đa dạng” và đánh dấu một cột mốc quan trọng, tạo nên một diện mạo mới cho “kiến trúc Phật giáo Việt Nam một thời kỳ mới” bước lên một tầm cao mới đóng góp vào nền kiến trúc Việt Nam.

 

 

 

_Chú thích:

482. TS. KTS. Nguyễn Đình Toàn, (2022), Kiến trúc Việt Nam qua các thời đại, Nxb. Xây dựng, Hà Nội

483. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa còn là dân tộc còn – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) truy cập ngày 13/3/2023.

 

Tài liệu tham khảo chính:

  1. TS. KTS. Nguyễn Đình Toàn (2022), Kiến trúc Việt Nam qua các thời đại, Nxb. Xây dựng, Hà Nội
  2. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Văn hóa còn là dân tộc còn”, Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn), truy cập ngày 13/3/2023.