Kiến trúc – Mỹ thuật Phật giáo thành phố Hà Nội quá hiện vị lai (Thích Đạo Khôi)

TẢI FILE PDF
——————

1. Dẫn nhập

Kiến trúc là một phạm trù mang tính lịch sử, một bộ môn khoa học nghệ thuật đã được cụ thể hóa và khách thể hóa trong hoạt động và trong sản phẩm hoạt động của con người. Nếu tạm hiểu kiến trúc là như vậy thì cũng có thể suy luận ra, kiến trúc Phật giáo là các khối vật thể được tạo tác thông qua quá trình sáng tạo nghệ thuật nhằm chuyển tải tư tưởng căn bản của Phật giáo để thiết kế, xây dựng nên các ngôi chùa, tháp, tượng, cảnh trí một cách đan xen và hài hòa.

Sau khi đức Thế tôn nhập Niết bàn, kiến trúc Phật giáo bắt đầu xuất hiện ở hình thái thô sơ. Khi Phật giáo được hoằng truyền lan toả khắp các nước, cùng với sự phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng, kiến trúc Phật giáo theo đó được phát triển, mang nhiều mầu sắc đa dạng theo văn hoá, tập quán và địa lý từng vùng cũng như mang sắc thái đặc trưng của tông phái Phật giáo.

Tại Việt Nam, nơi Phật giáo du nhập từ rất sớm, cùng với sự phát triển và ảnh hưởng sâu rộng đã dần dung hoà Phật giáo với văn hoá bản địa trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân, cùng với đó là sự phát triển của kiến trúc – mỹ thuật Phật giáo. Các loại hình kiến trúc Phật giáo phát triển đa dạng cả về quy mô và hình thái nhưng tựu chung lại có ba phạm trù chính là: Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo Tiểu thừa; Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo Đại thừa; Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo Kim cương thừa. Theo thời gian, có những thời điểm ba phạm trù kiến trúc này hiển bày rõ ràng nhưng cũng có lúc ẩn hiện, hoà trộn đan xen với nhau cùng tồn tại, cùng phát triển. Nhưng dẫu phát triển dưới dạng hình thái nào thì xét về bản thể, đó là ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam. Dù kiến trúc có lớn, có nhỏ, ở nơi kinh đô phồn thịnh hay làng quê hẻo lánh, dẫu mang hình thái của Tiểu thừa, Đại thừa hay Kim cương thừa,… thì tựu chung đó đều là nơi thờ Phật, là nơi tu học, sinh hoạt của Tăng già, của tín đồ Phật tử, là nơi gửi gắm niềm tin, là chỗ dựa tinh thần của hàng triệu người dân Việt trải dài khắp mảnh đất hình chữ S, xuyên suốt chiều dài lịch sử hưng thịnh, thăng trầm cùng dân tộc. Đó chính là giá trị to lớn mà kiến trúc mỹ thuật Phật giáo đã và đang phát huy.

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã chỉ dạy tư tưởng nhất Phật thừa, mặc dù có nhất Phật thừa nhưng Ngài phương tiện thuyết Tam thừa, nghĩa là Phật dùng phương tiện Tam thừa để dẫn đến Nhất Phật thừa. Chư Tổ đã khéo léo vận dụng, chuyển tải tư tưởng kinh Pháp Hoa vào kiến trúc mỹ thuật, dẫu có chịu ảnh hưởng của văn hoá vùng miền, hay mang sắc thái tông phái Phật giáo, nhưng đều quy về Nhất Phật thừa, đều là nơi thờ Phật, phụng Tổ,… là một thể thống nhất, là ngôi nhà chung của Phật giáo. Nhờ vào tư tưởng thống nhất xuyên suốt đó mà kiến trúc mỹ thuật Phật giáo nói riêng, Phật giáo nói chung đã tồn tại, phát triển, trở thành một phần văn hoá và là điểm tựa to lớn của mỗi người dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, phát triển đất nước mà điểm nhấn có thể kể đến đó là Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong giới hạn của bài tham luận này, bước đầu tác giả tập trung vào ba nội dung chính: 1. Phác thảo chân dung các ngôi chùa thuộc địa bàn thành phố Hà Nội; 2. Khu định các loại hình kiến trúc Phật giáo của Thủ đô và 3. Bước đầu đưa ra ý kiến của tác giả về sự kế thừa nét đặc sắc truyền thống của của các ngôi chùa, đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng.

2. Phác thảo chân dung các ngôi chùa ở Hà Nội

Thành phố Hà Nội có số lượng các ngôi chùa lớn nhất toàn quốc, với 2012 ngôi chùa (theo số liệu kiểm kê của Ban Văn hoá – Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội năm 2022). Như vậy, có thể thấy rằng, số lượng các ngôi chùa chiếm số lượng rất lớn trong bức tranh tổng thể di tích của Thủ đô; hiện nay còn bảo tồn được nhiều trung tâm Phật giáo lớn của đất nước nằm trên địa bàn các quận, huyện, thị xã như chùa Đào Xuyên (Gia Lâm), chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Láng (Đống Đa), chùa Hương (Mỹ Đức).

Nhiều di vật, hiện vật tại các ngôi chùa được công nhận là bảo vật quốc gia như Bộ tượng Tam thế chùa Thầy (Quốc Oai), bộ tượng Thập bát La Hán chùa Tây Phương (Thạch Thất). Như vậy, trong tổng thể bức tranh di tích của Thủ đô, loại hình chùa chiếm số lượng lớn nhất trong tổng thể các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác. Qua đó ta thấy, đạo Phật có sức mạnh lan tỏa rất lớn trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam nói chung và người dân Thủ đô nói riêng.

Có thể nói, các ngôi chùa ở Hà Nội có quá trình hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Các ngôi chùa nổi tiếng có niên đại khởi dựng từ rất sớm và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân, gắn với sự hình thành và phát triển của Phật giáo Thủ đô. Có thể chia các ngôi chùa ở Hà Nội thành ba loại hình chính: Đại danh lam, Trung danh lam và tiểu danh lam.

Các ngôi chùa được xếp vào loại đại danh lam là các ngôi chùa của triều đình bao gồm của vua, hoàng hậu và có thể của cả đại quan vào loại này. Những ngôi chùa của vua chủ yếu nằm ở các ở địa phương, phần nhiều thường kiêm tư cách hành cung. Phật giáo thời Lý, người ta thường nói đến tính quy mô của nó. Chùa Một Cột xưa (xây năm 1049) được dựng trên cột đá cao hàng vài chục mét, vươn lên giữa hai hồ Linh Chiểu và Bích Trí, như hình bông sen nở ngàn cánh, trong chùa có tượng mình vàng. Ðặc biệt chùa có quả chuông lớn, chuông Quy Ðiền nặng đến nỗi không thể treo được, phải đặt dưới đất

Vào thời Trần, dấu vết các loại hình di tích đã tìm được nhiều hơn. Khoảng cuối thế kỷ XIV, người đương thời đã để lại cho hậu thế nhiều chùa của làng mà một điểm tập trung là những ngôi chùa nằm ven sông Đáy với những nhang án đá hình hộp có đài sen như chùa Hương Trai (huyện Hoài Đức), chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Bối Khê, chùa Ngọc Đình (huyện Thanh Oai), chùa Thanh Sam, chùa Trần Đăng (huyện Ứng Hòa), chùa Đại Bi (huyện Mỹ Đức) và nhiều ngôi chùa khác.

Thời Lê Sơ (thế kỷ XV), chỉ có một số chùa liên quan được xác nhận qua bia ký như chùa Kim Liên (Quận Tây Hồ), Chùa Cao (Quốc Oai). Còn lại, chỉ xác nhận được chủ yếu qua nghệ thuật, chứ không có những niên đại cụ thể ghi trên hiện vật. Vào thế kỷ XVI, những loại hình kiến trúc của các ngôi chùa được hưng công vào thời gian trước vẫn được tồn tại, đặc biệt là các ngôi chùa làng. Ở thời kỳ này, ngoài chùa là minh chứng xác nhận được sự ổn định của đình làng dưới tư cách là một thực thể văn hóa của làng xã.

Các ngôi chùa được xếp vào loại trung danh lam là các ngôi chùa của các ông Hoàng bà chúa, những nhân vật có vị thế trong xã hội phong kiến thời xưa. Họ chủ yếu dựa vào thế lực của mình để xây dựng lên các ngôi chùa để phục vụ cho việc du lãm, tâm linh của tầng lớp này.

Các ngôi chùa được xếp vào loại tiểu danh lam là các ngôi chùa dân dã, nằm ở các ngôi làng tại các địa phương. Quy mô nhỏ, bài trí không bài bản, không mang tính minh kinh bác học nhưng chính những ngôi chùa này là nơi lưu giữ hồn cốt dân tộc.

Có thể tạm chia các ngôi chùa thuộc địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

* Niên đại khởi dựng

– Loại 1: Những ngôi chùa có niên đại khởi dựng từ 1945 trở về trước;

– Loại 2: Những ngôi chùa được khởi dựng từ năm 1946 đến năm 2000;

– Loại 3: Những ngôi chùa có niên đại khởi dựng từ năm 2001 đến nay.

* Kiến trúc – nghệ thuật

– Loại 1: Những ngôi chùa có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam (nguyên vẹn về công trình và tổng thể, có tính tiêu biểu, tính độc đáo);

– Loại 2: Những ngôi chùa có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam;

– Loại 3: Những ngôi chùa có giá trị trong phạm vi thành phố;

– Loại 4: Những ngôi chùa có giá trị trong phạm vi địa phương

– Loại 5: Những ngôi chùa là những công trình mới được phục hồi từ năm 2000 đến nay không có giá trị về Kiến trúc – Nghệ thuật;

– Loại 6: Những ngôi chùa đã bị biến dạng, hoặc chỉ còn một vài bộ phận kiến trúc cũ của di tích và cũng không gắn với nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

* Giá trị văn hóa, khoa học

– Loại 1: Những ngôi chùa gắn với văn hóa tiêu biểu của quốc gia (có giá trị lịch sử văn hoá đại diện của nhân loại và quốc gia đặc biệt);

– Loại 2: Những ngôi chùa gắn với văn hóa của quốc gia (mang giá trị văn hoá – lịch sử tầm quốc gia);

– Loại 3: Những ngôi chùa gắn với văn hóa tiêu biểu của Thành phố;

– Loại 4: Di tích gắn với văn hóa tiêu biểu của địa phương; có giá trị văn hóa phi vật thể đối với nhân dân địa phương;

– Loại 5: Những ngôi chùa gắn với văn hóa của địa phương.

* Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

– Loại 1: Hiện vật tại những ngôi chùa có niên đại Thế kỷ XVI trở về trước; Hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặt biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học;

– Loại 2: Hiện vật tại những ngôi chùa có niên đại được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học; có niên đại thế kỷ XVII-XVIII;

– Loại 3: Hiện vật tại những ngôi chùa có niên đại được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học có ít nhất 100 năm tuổi trở lên;

– Loại 4: Hiện vật tại những ngôi chùa có niên đại được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học;

– Loại 5: Hiện vật tại những ngôi chùa có niên đại, có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ;

– Loại 6: Hiện vật tại những ngôi chùa có nhưng không mang giá trị của những loại hình trên.

* Cảnh quan, địa hình

– Loại 1: Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng của những ngôi chùa có hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới;

– Loại 2: Cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù;

– Loại 3: Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi của địa phương;

– Loại 4: Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình có giá trị lịch sử – văn hóa trong phạm vi của địa phương;

– Loại 5: Địa điểm không có không gian cảnh quan; có công trình nhưng không có giá trị kiến trúc, lịch sử;

– Loại 6: Địa điểm bị ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến kiến trúc của công trình.

Với sự phác thảo trên có thể thấy rằng, bức tranh toàn cảnh về những ngôi chùa thuộc địa bàn Thủ đô rất đa dạng phong phú, có đại danh lam, kiến trúc – nghệ thuật nổi danh với những sắc thái và đặc thù riêng biệt…

3. Các loại hình kiến trúc Phật giáo của Thủ đô

Ở nước ta hiện nay chưa có bộ quy chuẩn nào quy định để phân loại các công trình tôn giáo, tín ngưỡng theo từng mức độ khác nhau. Các ngôi chùa trên địa bàn Thành phố rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, tác giả có thể tựu trung lại, khu định vào các loại hình cơ bản như sau:

* Loại thứ nhất

Các ngôi chùa có quy mô lớn, không gian cảnh quan mang tính nổi bật, thường kết cấu kiểu nội công ngoại quốc với nhiều hạng mục công trình, cách bài trí tinh xảo cùng với hệ thống tượng và các di vật phong phú. Bên cạnh quy mô của những công trình cần nhắc đến kết cấu, tính cân đối mà ở đó nổi bật là dạng kết cấu mặt bằng hình vuông hướng vào trung tâm là nơi thờ Phật như chùa Một Cột (quận Ba Đình), hoặc kết cấu tầng, lớp đấu củng như chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai).

Ngoài ra nói đến các ngôi chùa dạng này thường đi liền với cảnh quan không gian, thiên nhiên kỳ thú gắn với phong cảnh hữu tình, hòa hợp giữa con người và trời đất như chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Trang trí cho các công trình này là những tác phẩm hội họa, điêu khắc, với hình ảnh rồng, phượng, mây, sóng, hoa sen, hoa cúc, nhạc công, tiên nữ… làm cho công trình trở nên bay bổng, tạo ra chốn tiên cảnh ở trần gian vừa như thực lại vừa như mơ. Đây là loại hình nổi bật trong loại hình và lịch sử kiến trúc Việt Nam.

* Loại thứ hai

Các ngôi chùa có kết cấu quy mô trung bình và nhỏ, tiếp biến theo địa văn hóa vùng miền. Kết cấu kiến trúc đa dạng, phong phú, tùy vào đặc điểm địa hình của từng địa phương, làng quê để xây dựng. Các ngôi chùa này chủ yếu mang tính tôn giáo, đặc biệt các ngôi chùa nhỏ không có họa tiết hoa văn trang trí, vật liệu không được tạo tác công phu. Đây chính là điểm đặc sắc của các ngôi chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, dù các ngôi chùa được xây dựng ở thời điểm nào thì các công trình kiến trúc cơ bản mang tính truyền thống, hướng về sự linh thiêng, là nơi ghi dấu giá trị văn hóa dân tộc.

* Đặc điểm kiến trúc tiêu biểu

Các ngôi chùa thường không phải là một công trình mà là một quần thể kiến trúc gồm những hạng mục kiến trúc sắp xếp cạnh nhau hoặc nối theo nhau. Tùy theo cách sắp xếp, bố trí những hạng mục này mà người ta chia thành những kiểu thức khác nhau. Có thể phân định các ngôi chùa theo mô típ kiến trúc truyền thống như sau:

Thứ nhất, các ngôi chùa kết cấu theo kiểu chữ Đinh, có chính điện hay còn gọi là thượng điện, là hạng mục đặt các bàn thờ Phật, được nối thẳng góc với tiền đường ở phía trước như chùa Hà (quận Cầu Giấy), chùa Bộc (quận Đống Đa).

Thứ hai, các ngôi chùa chữ kết cấu theo kiểu chữ Công. Những ngôi chùa này có hạng mục chính điện và tiền đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi chư Tăng làm lễ (có nơi gọi gian nhà nối nhà bái đường với Phật điện này là ống muống).

Thứ ba, các ngôi chùa kết cấu theo kiểu chữ Tam, nghĩa là kiểu ngôi chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng như chùa Kim Liên (quận Tây Hồ), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất).

Thứ tư, các ngôi chùa kết cấu theo kiểu nội công ngoại quốc, có hai hành lang dài nối liền tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà Tổ hoặc nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công, phía ngoài có khung bao quanh. Đây là các dạng bố cục của các công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, trong chùa còn có những hạng mục khác như nhà Tổ, một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan, sân vườn và các hạng mục phụ trợ khác.

4. Kế thừa nét đặc sắc truyền thống của của các ngôi chùa trên địa bàn Thủ đô, đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều ngôi chùa lớn, có giá trị, có niên đại khởi dựng từ thời Lý, Trần, Lê; đặc biệt là thời Nguyễn và một số ngôi chùa mới được phục hồi, xây dựng trong thời gian gần đây. Để tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác bảo tồn, kế thừa, đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng cần phải xác định được một số yêu cầu như sau:

Một là, các ngôi chùa thường có niên đại lâu, phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của thời tiết, chiến tranh và sự hủy hoại của con người. Do đó, nhiều ngôi chùa đã và đang ngày càng xuống cấp hoặc đã trở thành phế tích. Vì vậy, cần phải có phương pháp bảo tồn dưới góc nhìn của tôn giáo – Phật giáo, bao gồm các nội dung: (a) Đối với các ngôi chùa có giá trị về kiến trúc – nghệ thuật, có niên đại khởi dựng lâu thì trong quá trình tu bổ cần phải bảo tồn như thế nào về kiểu thức, sắc thái, về chất liệu, về cấu kiện, về yếu tố gốc cấu thành. (b) Sử dụng vật liệu như thế nào để thay thế vật liệu truyền thống nay không còn để thay thế. (c) Phục hồi các cấu kiện cũ thay thế các cấu kiện đã bị thời gian xâm thực bằng chất liệu gì nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vừa đảm bảo nét đặc sắc truyền thống nhưng vẫn đảm bảo tính hiện đại.

Hai là, đối với các ngôi chùa cần phải phục hồi, xây dựng mới phải xác định được tính cấp thiết của việc phục hồi và xây mới. Trong quá trình xây dựng cần sử dụng vật liệu đương đại cho phù hợp với địa chất, địa mạo của từng công trình, đảm bảo ngôi chùa truyền thống của dân tộc Việt, và đáp ứng được nhu cầu tu tập, sinh hoạt tôn giáo của tín đồ trong điều kiện dân số phát triển như hiện nay.

Ba là, Trong một khả năng nhất định, Giáo hội chúng ta cần xây dựng bộ quy chuẩn hướng dẫn về việc bảo tồn, tu bổ, xây mới, phục hồi các ngôi chùa trên địa bàn Thành phố; làm cơ sở cho việc định hình, quản lý cả về vật thể và phi vật thể theo một mô hình chung; tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” về kiến trúc. Như vậy, ngõ hầu sẽ phần nào đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng về kiến trúc Phật giáo của Thủ đô hòa chung với kiến trúc Phật giáo cả nước, hội nhập, tiếp biến và tỏa sáng ./.