Giải pháp bảo tồn Di sản văn hoá Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (SC. Thích Nữ Minh Hoa)

TẢI FILE PDF
———————

1. Dẫn nhập

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đất nước ta trải qua bao cuộc thịnh suy. Có những lúc tưởng chừng như nước ta bị xóa khỏi bản đồ thế giới, nhưng đâu đó vẫn sức sống âm thầm mảnh liệt, dân ta có thể mất nước nhưng không thể mất đi nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Cái gọi là văn hóa đó đã vực dậy, đã thôi thúc với những khát khao giành lại độc lập dân tộc. Vì vậy, di sản văn hóa Việt Nam chính là minh chứng cho lòng tự hào dân tộc, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.484 Trong kho tàng di sản văn hóa to lớn của dân tộc không thể không nói đến sự góp mặt của di sản văn hóa Phật giáo.

Có thể nói, Phật giáo có mặt ở nước ta trải qua hơn 2000 năm lịch sử, cùng đồng cam cộng khổ với dân tộc. Với chiều dài lịch sử đó và với sự gắn bó, hòa nhập sâu rộng với văn hóa của dân tộc, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất lẫn tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm: Hệ thống kiến trúc nghệ thuật chùa tháp, tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, pháp khí, v.v… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc, nghi lễ Phật giáo. Vì thế, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp lớn vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BRVT) cũng góp phần không nhỏ trong kho tàng văn hóa tỉnh BRVT. Lịch sử BRVT khoảng 300 năm, thì cũng ngần ấy thời gian Phật giáo có mặt và tồn tại nơi đây. Nhưng qua những di vật để lại, cho thấy Phật giáo có mặt khá sớm từ những năm đầu Công nguyên và muộn nhất cũng vào thế kỷ thứ VII. Tuy nhiên, di vật, sử liệu thật hiếm hoi và có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng là một việc làm cấp bách hơn bao giờ hết. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin  góp phần một số giải pháp thích hợp cho việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo tỉnh BRVT.

2. Nội dung

2.1. Một số khái niệm

Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rất rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt về đời sống vật chất và tinh thần của con người.485 Một cách hiểu thông thường khác: văn hóa là cách sống, ứng xử phù hợp bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và cả đức tin, tri thức được tiếp nhận… Vì thế chúng ta nói một người nào đó là văn hóa cao, có văn hóa hoặc văn hóa thấp, vô văn hóa. Văn hóa bao gồm tất cả mọi thứ vốn là một bộ phận trong đời sống con người.486 Võ Đình Cường định nghĩa một cách chung nhất “Văn hóa là một mẫu thức tập hợp kiến thức, tín ngưỡng và thái độ ứng xử của con người.”487

Như vậy, văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người.488

Qua những khái niệm trên, chúng ta thấy, theo nghĩa hẹp, văn hóa trong tiếng Việt, dùng để chỉ học thức, lối sống. Theo nghĩa rộng, thì văn hóa là một tổng thể phức hợp bao hàm các lĩnh vực tư tưởng, văn học, đức tin, pháp luật, nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống, đạo đức…489 Như vậy, có thể thấy, văn hóa là một phạm trù rất rộng bao gồm cả giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Với khái niệm trên thì Văn hóa Phật giáo là một phạm trù khá rộng, bao gồm: Kiến trúc nghệ thuật, tôn tượng, ngôn ngữ, tư tưởng, niềm tin, tập quán, luật tắc, thể chế, công cụ, kỹ thuật, nghệ thuật, nghi lễ và các thành tố liên hệ khác. Với đặc tính từ bi và dung hợp, nên đi đến đâu Phật giáo cũng dễ dàng được tiếp nhận và dung hòa với văn hóa tín ngưỡng của nơi đó nên văn hóa Phật giáo có mặt trong văn hóa dân tộc và ngược lại.

Phật giáo có mặt tại Việt Nam thông qua con đường giao lưu và tiếp biến văn hóa. Với những điểm tương đồng vốn có, Phật giáo khi vào Việt Nam, được người dân tiếp nhận một cách tự nhiên, như nước hòa với sữa, nhanh chóng bén rễ và lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Như vậy hiển nhiên, với hai ngàn năm lịch sử kể từ khi du nhập, Phật giáo đã dung hợp với tín ngưỡng bản địa cùng các tư tưởng khác, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, theo đó góp phần hình thành một nền văn hóa phong phú, sinh động, đậm đà bản sắc dân tộc. Mối tương quan giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc là rất mật thiết, hòa quyện, đến nỗi có thể nói nền văn hóa Phật giáo là nền văn hóa dân tộc. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định: “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta”.490 Vì vậy, trong các di sản văn hóa của quốc gia được công nhận trong thời gian qua có rất nhiều hạng mục là chùa chiền, tượng tháp, văn khắc kinh điển, mộc bản kinh văn Phật giáo… Đó là chưa đề cập đến kho tàng di sản phi vật thể khác ẩn trong hình thái tín ngưỡng, ngôn ngữ, tập quán, niềm tin, lối sống, văn học, nghệ thuật… chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách hợp lý.

Di sản văn hóa là di sản của các hiện vật, vật thể và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Di sản văn hóa bao gồm văn hóa vật thể (kiến trúc, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật), văn hóa phi vật thể (văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (cảnh quan có tính văn hóa và đa dạng sinh học).491

Từ khái niệm này cho thấy di sản văn hóa Phật giáo gồm các công trình kiến trúc nghệ thuật chùa tháp, kiến trúc trang trí nghệ thuật, tượng thờ, pháp khí, thậm chí niềm tin, tín ngưỡng, ngôn ngữ, nghi lễ,…

Theo Luật Di sản văn hóa, tất cả mọi tổ chức hay cá nhân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hóa, vì đó là tài sản chung của dân tộc được trao truyền qua nhiều thế hệ. Luật này quy định về các hoạt động “bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”492 Vì vậy, tất cả công dân đều có quyền và nghĩa vụ: “Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, “ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa”.

2.2. Di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Để hiểu rõ hơn về di sản văn hóa Phật giáo, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử hình thành và di sản văn hóa tỉnh BRVT. Theo các nhà nghiên cứu và từ những cuộc khảo cổ ở Long Sơn là dấu ấn lịch sử BR-VT, chứng minh vị trí của vùng đất xứ Mô Xoài xưa trong tiến trình lịch sử Nam bộ nói riêng và lịch sử nước ta nói chung.493 Xứ Mô Xoài là tên gọi xưa nhất của tỉnh BRVT ngày nay mà TP. Bà Rịa là trung tâm. Đây là địa bàn dừng chân đầu tiên của người Việt vùng Thuận – Quảng trên hành trình khai khẩn đất hoang và lập nên những xóm làng người Việt trên vùng đất Nam bộ.

Vào thế kỉ XVII, Xứ Mô Xoài được đánh giá là vùng đất có vị thế quan trọng, không gian rộng lớn và có ý nghĩa đặc biệt. Có thể trong quá trình di dân, con người đã sử dụng phương tiện lưu thông bằng ghe thuyền đi dọc ven biển và chọn nơi đây là điểm dừng chân đầu tiên, sau đó họ di chuyển về phía đồng bằng sông Cửu Long, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai để khám phá các vùng đất mới ở Nam Bộ. Hoàn cảnh lịch sử cùng tâm thức “núi – sông” của người xưa là những lý do đã biến vùng đất Mô Xoài trở thành nơi dừng chân khai phá đầu tiên ở vùng Nam Bộ.494

Trên địa bàn thị xã Bà Rịa, thị trấn Long Điền, vùng Chợ Bến (Long Thạnh) hiện vẫn còn lại rất nhiều dấu tích hội quán, thương quán của người Hoa (theo thống kê, có ít nhất là 9 hội quán vẫn còn tồn tại đến đầu thế kỷ 20). Có thông tin cho biết, một số người Hoa trước khi đến Biên Hòa, Chợ Lớn đã định cư và buôn bán ở Bà Rịa, Long Điền-Long Thạnh.495

Trong suốt chiều dài lịch sử, BRVT luôn là vùng đất tiếp giáp, cũng là “khu đệm” của các nền văn hóa, văn minh, từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Óc Eo; văn hóa Phù Nam với văn hóa Chămpa và văn hóa Chân Lạp (Khơme). Dưới thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn về sau, BRVT cũng là dấu nối, là “vùng chuyển tiếp” của văn hóa miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ở vào vị trí thuận lợi, BRVT đã có một vị thế nhất định trong suốt các quá trình lịch sử. Và tất nhiên, trong lòng đất, trong đời sống văn hóa xã hội của cư dân BRVT trước đây còn lưu giữ những dấu vết, những di tích của các nền văn hóa nói trên. Qua nhiều cuộc khảo cố, bảo tàng lịch sử lưu giữ vô số những hiện vật. Tính riêng hai cuộc khai quật năm 2003, 2005 tại Long Sơn, các nhà khảo cổ đã thu được 2.310 hiện vật (đồ trang sức bằng gốm, thủy tinh, đá quý, kim loại). Những di tích, di vật phát hiện cho thấy chúng có niên đại cách nay khoảng 2.000-3.000 năm.496

Chúng ta có thể thấy qua thực tế, trong các di sản văn hóa của quốc gia, di sản văn hóa tại tỉnh BRVT khá nhiều và trong đó không thể nào không nói đến nhiều hạng mục là chùa tháp, tượng thờ, pháp khí, văn khắc kinh điển, mộc bản kinh văn Phật giáo… Khi tìm hiểu về di sản văn hóa Phật giáo tỉnh BRVT, chúng ta tìm hiểu về di sản kiến trúc nghệ thuật, tượng thờ và pháp khí một số các cơ sở tiêu biểu.

Long Bàn Cổ Tự: còn gọi là chùa Làng Long Điền, xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) do Hòa thượng Hải Chánh – Bảo Thanh (1752- 1859) trụ trì đầu tiên. Chùa tọa lạc tại thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. Chùa được khởi lập từ giữa thế kỷ 19, nhưng đến nay vẫn giữ được những đặc trưng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc cổ xưa rất tinh xảo mang đậm nét truyền thống dân tộc.

Chùa xây theo kiểu chữ tam, nhưng mặt tiền có lầu chuông và lầu trống đăng đối vượt cao trên mái hiên. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nguyên trạng cấu trúc xưa, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo hình rồng, mây, hoa thiêng cỏ quý. Các tượng Phật đều cao lớn, điêu khắc mỹ thuật sinh động. Khánh thờ và các hoành phi, câu đối chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Quả thật xứng danh là một trong những chùa cổ của Miền Đông Nam Bộ và là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 680 VH/QĐ ngày 19/4/1991.

Tổ đình Thiên Thai: còn gọi là Thiên Thai cổ tự, nằm ở phía Bắc chân núi Dinh Cố thuộc ấp 3, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tổ đình Thiên Thai do Hòa thượng Huệ Đăng (1873 – 1953) là Tổ thứ 41 thuộc thiền phái Lâm Tế, chi phái Liễu Quán thành lập chùa Thiên Thai vào khoảng năm 1920. Nơi đây từng là trụ sở của “Thiên Thai Thiền Giáo Tông” và là nơi xuất bản tạp chí “Bát Nhã âm”.

Các công trình tổ đình Thiên Thai, nổi bật là tòa chính điện hình tứ giác vuông, mặt tiền của toà chính điện gồm 5 gian xây theo lối cuốn vòm, tạo nên vẻ thanh thoát nhẹ nhàng. Điện thờ Phật được thiết kế ở trung tâm với những đặc điểm rất độc đáo, 4 trụ đá ở bốn góc, giữa là một trụ đá nâng đỡ toàn điện thờ, tạo thành chữ “Ngũ”. Phần trang trí kiến trúc được chạm trổ, công phu những hình trang trí truyền thống như: Hổ phù, Lửa tam muội, hai bên là hình Rồng cách điệu, tạo nên nét uyển chuyển, sinh động. Mái nhà theo kiểu kiến trúc chồng diêm xuôi về bốn góc – một lối kiến trúc đặc trưng truyền thồng của miền Nam.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ một số có các hoành phi, các cặp liễn sơn son thếp vàng và văn bia viết bằng Hán rất cổ kính. Với lối kiến trúc cổ kính, tổ đình Thiên Thai trở thành Di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2008.

Bảo tháp Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng: Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng (1818- 1872) là một vị cao tăng triều Nguyễn. Sư thuộc thiền phái Lâm Tế, chi phái Liễu Quán, đời pháp thứ 40. Ngài xuất thân từ tổ đình Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên) và là đệ tử của Tăng cang Tánh Thông Giác Ngộ (1774-1842). Sau thời gian học pháp với thầy Tổ và tham phương học đạo với các vị đại sư đương thời, Ngài phát tâm vân du hóa đạo, từng dừng chân ở nhiều chùa tại các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận và vào cả tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Thiền sư đến BRVT, đặc biệt là vùng Long Điền, Đất Đỏ hoằng pháp lợi sanh và thành lập nhiều ngôi chùa như: Châu Viên Sơn, Ngọc Tuyền, Long An, chùa Bửu An, Long Hưng, Long Hòa,… Thiền sư viên tịch vào ngày 25-5 năm Nhâm Thân (1872) tại chùa Ngọc Tuyền, chúng đệ tử phụng lập Bảo Tháp của thiền sư trong khuôn viên chùa. Hiện là khuôn viên đền thờ liệt sĩ ở núi Minh Đạm, khu di tích lịch sử Quốc Gia, thuộc khu phố Hải Sơn, Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh BRVT.

Nói về Bảo tháp của Tổ sư, kiến trúc xây dựng bảo tháp khá cổ xưa, theo kiểu lục giác, gồm có 3 tầng. Tháp được xây dựng bằng đá xanh kết hợp với các nguyên liệu cổ truyền như mật mía, vôi, tạo nên sự bền chắc của kiến trúc. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài không được bảo quản tốt, phần bị tác động bởi vài yếu tố khách quan nên nay bị xuống cấp và hư hại nhiều.

Ngoài ra, một số chùa có những công trình kiến trúc nghệ thuật khá đặc sắc và cần được quan tâm như: chùa Long Hòa, Thích Ca Phật đài, Niết Bàn Tịnh xá, Tổ đình Đại Tòng Lâm, chùa Phước Lâm, Linh Sơn cổ tự, Linh Sơn Bửu Thiền tự, v.v…

Về di sản văn hóa đối với tượng thờ và pháp khí: hiện tại có khá nhiều những di sản quý giá nằm rải rác trong một số các chùa như:

Linh Sơn Cổ Tự là ngôi chùa mang bề dày giá trị về văn hóa lịch sử, tọa lạc tại số 104, đường Hoàng Hoa Thám, Phường 2, Thành phố Vũng Tàu. Về di sản tượng thờ, đặc biệt là Chùa còn lưu giữ Tượng Phật Thích Ca bằng đá Sa Thạch màu xám có niên đại từ thế kỷ 7. Bên cạnh đó, chùa còn có một số di vật khác. Với những di sản đó, chùa được nhà nước công nhận Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Kiến Trúc Nghệ Thuật (Quyết định số: 1371/VH-QĐ ngày 03/08/1991).

Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc Phật giáo độc đáo có quy mô lớn nằm hướng Đông Bắc của Núi Lớn (Núi Tương Kỳ), tọa lạc tại 608 đường Trần Phú, Phường 5, Tp, được chính thức xây dựng vào năm 1961 với kiến trúc Phật giáo đặc thù của Phật giáo Nam Tông. Ngoài những di sản văn hóa kiến trúc Phật giáo như: Bảo tháp thờ 13 viên xá lợi Phật, Đài và Tượng Phật Thích Ca Ngồi với diện rất đẹp… Nơi đây lưu giữ một số di sản nỗi bật như: các bia kinh khảm óc xà cừ bài kinh “Chuyển Pháp Luân”, Kinh viết trên lá bối ngôn ngữ Khmer cổ niên đại thế kỷ 17, Tượng Phật xưa bằng đá xanh theo phong cách Óc Eo, xá lợi Phật, v.v…

Niết Bàn Tịnh Xá: còn được gọi là chùa Phật Nằm, được hòa thượng Thích Thiện Huệ xây dựng vào năm 1969 trên triền núi Nhỏ, ở trung tâm Bãi Dứa. Bên cạnh những kiến trúc nghệ thuật, chùa còn có chiếc lư đồng Tứ Linh “Long, Ly, Quy, Phụng” có kích thước lớn, được trang trí khéo léo, công phu, tinh xảo và là báu vật của chùa. Nổi bật nhất ở nơi đây là lầu chuông, bốn mái uốn cong, đầu đao có đắp nổi hình rồng rất khéo léo, bên trong có đặt một quả chuông lớn cao 2,8m, chu vi 3,8m, nặng 3500kg, có tiếng chuông vang xa nhất trong các ngôi chùa hiện có.

Chùa Phước Lâm khởi dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX dưới chân Núi Lớn, thuộc khóm Bình Sơn. Năm 1886, chùa di dời về vị trí hiện nay (65, Nguyễn Bảo, phường Thắng Nhì). Phước Lâm cổ tự là nơi lưu giữ nhiều bức tượng và một số bàn thờ bằng gỗ mun có niên đại thế kỷ XIX đặt trong chánh điện. Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến pho tượng Vishnu quý hiếm bằng đá sa thạch có niên đại từ thế kỷ thứ VII. Vishnu là vị thần bảo hộ tối cao của Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo ở Ấn Độ và một số nước trong khu vực Nam Á.

Với lối kiến trúc dạng tứ trụ của chùa cổ Nam Bộ, có ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Ấn Độ, với những pho tượng cổ và nhiều bảo vật quý hiếm của nhà Phật, năm 1992, chùa Phước Lâm đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Nhìn chung, hầu hết lịch sử hình thành các ngôi chùa cổ, một số di vật còn lưu giữ tại cơ sở thờ tự thông lời kể của các vị trụ trì qua nhiều thế hệ, những người trông coi chùa… Vì vậy, những tư liệu về lịch sử hình thành, phát triển của các ngôi chùa chưa được quan tâm nhiều, các di tích cổ vật còn hạn chế do bị thất thoát.

Về không gian, kết cấu kiến trúc các chùa vẫn kế thừa nét truyền thống văn hóa kiến trúc PGVN. Cùng với hệ thống kiến trúc chùa, còn có kiến trúc tháp, đa số là tháp tầng mang phong cách kiến trúc tháp cổ xưa như quần thể tháp tại Tổ đình Thiên Thai, Tháp Thiền sư Bảo Tạng…

Về Trang trí kiến trúc: đa số chùa Phật giáo Bắc tông, cách trang trí đều có sự kế thừa theo lối truyền thống (rồng, phượng, tứ linh, tứ quý, linh thú, bánh xe luân hồi), đặc biệt trên nóc chùa phổ biến cách trang trí lưỡng long chầu nguyệt, đầu đao hình rồng cách điệu, cùng với hệ thống tượng thờ là các hoành phi, câu đối…

2.3. Thực trạng bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo tỉnh BRVT

Với những di sản văn hóa Phật giáo tỉnh BRVT vừa kể trên, chúng ta thấy số lượng di sản văn hóa Phật giáo góp phần khá lớn trong di sản văn hóa của tỉnh nhà. Tuy nhiên, thực trạng của việc bảo tồn di sản đó thì như thế nào? Các chùa đã phát huy hết giá trị của nó hay chỉ là thành tích với “bảng xếp hạng di tích”?

Trước tiên, chúng ta nói đến việc bảo tồn di tích kiến trúc nghệ thuật ở các chùa tháp. Hiện nay, vấn đề bảo tồn một số công trình kiến trúc là di tích lịch sử hay di tích văn hóa còn nhiều hạn chế. Các công trình này đang bị bào mòn bởi thời gian và khí hậu khắc nghiệt, một số các công trình bị xuống cấp trầm trọng như: Tổ đình Thiên Thai, chùa Long Bàn, chùa Long Hòa, tháp Thiền sư Bảo Tạng, v.v… Đặc biệt trong đó phải kể đến là tháp của thiền sư Bảo Tạng đã bị hư mục và xuống cấp trầm trọng. Các vách bị hư mục, có nhiều chỗ bị lõm vào và các góc cạnh không còn nguyên vẹn nữa.

Kế đến, phải nói đến một số công việc trùng tu, sửa chữa thuộc di tích vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và chưa có ghi chép một cách bài bản để lưu truyền đến thế hệ sau. Đây là vấn đề căn bản để những người chuyên trách trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích phải quan tâm.

Bên cạnh đó, hiện tượng hiện đại hóa các công trình kiến trúc thiếu chú ý đến những di tích, di vật có giá trị truyền thống khiến cho những di tích kiến trúc nghệ thuật cổ xưa không còn nữa mà thay vào đó là một kiểu kiến trúc hoàn toàn mới. Hoặc có nơi đất chùa bị xâm lấn, thu hẹp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, gìn giữ các di tích của cơ sở tôn giáo.

Việc bảo tồn các di tích như tượng thờ, pháp khí là một thực trạng đáng buồn khi số lượng bị thất thoát. Công tác gìn giữ bảo vật Phật giáo còn đơn giản và lỏng lẻo chủ yếu dựa vào sự quản lý của nhà chùa. Điều đó cũng dễ hiểu là do sự hạn chế nhận thức của Tăng, Ni trụ trì các cơ sở tự viện về giá trị di sản, vai trò, trách nhiệm và các quy định trong công tác bảo tồn, phát huy di sản Phật giáo. Có nhiều vị còn chưa thực sự nhận biết được giá trị di sản Phật giáo nơi mình đang trụ trì, trông giữ, nên dẫn tới chưa quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản đó.

Hơn nữa, sự phối hợp giữa vị trụ trì với cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa còn chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, đôi khi còn chồng chéo hoặc còn khoảng trống đã gây ra những khó khăn, nhất là trong hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng các công năng phục vụ sinh hoạt của cơ sở tự viện. Ví dụ có những trường hợp các vị trụ trì báo cáo và xin sửa chữa, xong thời gian chờ giấy phép tu sửa quá lâu dẫn đến di sản bị hư hại. Đây cũng là vấn đề mà nhiều năm nay Giáo hội PGVN cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa tháo gỡ, giải quyết triệt để. Mặc khác, chính các cơ quan chức năng và ngay cả Phật giáo cũng chưa xây dựng một tiêu chuẩn nhất định trong việc đánh giá, định hướng gìn giữ các hiện vật qúy của Phật giáo trước sự tàn phá của thời gian và môi trường nóng ẩm ở khu vực miền Đông Nam Bộ.

2.4. Định hướng và giải pháp bảo tồn

Việc bảo tồn di tích, di sản văn hóa nói chung và di tích, di sản văn hóa Phật giáo nói riêng đều dựa trên nguyên tắc cơ bản của luật bảo tồn di sản497. Mục đích cơ bản của công tác bảo tồn là phải đảm bảo tôn trọng sự thật, tôn trọng tính nguyên bản của nó và phát huy hiệu quả giá trị của di sản đó. Để việc bảo tồn đạt được kết quả trên đòi hỏi người bảo tồn phải thực hiện một số các nguyên tắc sau:

Trước tiên, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo cần phải dựa trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển bền vững; chỉ bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp, phù hợp, đồng thời là loại bỏ những yếu tố phản văn hóa, lệch chuẩn, không đúng với giá trị vốn có của văn hóa PGVN.

Kế đến, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa PGVN phải tiến hành đồng thời với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hóa mới phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Tiếp theo, Nhà nước (Bộ Văn hóa) nói chung và PGVN nói riêng cần phải xây dựng những giá trị định hướng, cốt lõi của văn hóa PGVN phát triển, hiện đại.

Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo tại tỉnh nhà theo định hướng trên, ở đây chúng tôi xin nêu lên một số những giải pháp như sau:

1. Trước tiên, đối với Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện thuộc di tích, di sản văn hóa Phật giáo trên địa bàn tỉnh BRVT cần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo tại cơ sở tự viện của mình quản lý.

2. Đối với Giáo hội PGVN tỉnh BRVT cần có công văn hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng tới Tăng Ni trụ trì về những giá trị đặc trưng văn hóa PGVN và vai trò của những giá trị đó đối với đời sống cũng như trong phát triển Phật giáo để họ nhận thức sâu sắc và có ý thức tự bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

3. Giáo hội PGVN nói chung và GHPGVN tỉnh BRVT nói riêng cần sớm lập kế hoạch, chương trình, đề án nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, tư liệu lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam tại tỉnh nhà. Từ đó, biên tập về lịch sử hình thành, phát triển của các ngôi chùa làm cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu những đặc trưng, giá trị văn hóa Phật giáo và định hướng phát huy những giá trị đó ở tầm cao hơn trong việc quản lý, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo tỉnh BRVT.

4. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa Phật giáo không chỉ qua các phương tiện truyền thông, ấn phẩm văn hóa tâm linh như: Gắn biển tên, lời giới thiệu, chú thích, tờ rơi… giới thiệu về ngôi chùa (di tích) và giá trị các hiện vật (đồ thờ, tượng thờ, pháp khí, cây di sản…) cho đến tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng có nội dung giới thiệu về giá trị di sản tại cơ sở thờ tự; thành lập các cơ sở cung cấp văn hóa phẩm Phật giáo, các dịch vụ chứa đựng các giá trị văn hóa ăn chay, văn hóa lễ chùa…

5. Lập kế hoạch, thực hiện gìn giữ và có biện pháp bảo vệ, phương pháp bảo quản khoa học các tài liệu lịch sử, di sản văn hóa Phật giáo: kinh tụng, tượng thờ, pháp khí, phương thức tu tập, tập tục, nghi lễ… đã ổn định, phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu tu tập của Tăng Ni Phật tử.

6. Giáo hội PGVN tỉnh BRVT và cơ quan chức năng cần tổ chức thăm hỏi, khảo sát thực địa, động viên Tăng Ni, Phật tử, để kịp thời điều chính, hướng dẫn cơ sở tự viện bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo.

7. Mở rộng, tuyên truyền kết quả của Đề án Ban Văn hóa Trung Ương ban hành, đồng thời vận động cộng đồng cùng chung tay thực hiện nhằm đảm bảo kết quả được lan tỏa rộng rãi hơn.

Để đảm bảo hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa PGVN tỉnh BRVT, các giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ và có thể liên kết, kết hợp thực hiện các giải pháp tạo thành chuỗi vấn đề. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo sát sao của Giáo hội PGVN nói chung, Giáo hội PGVN tỉnh BRVT nói riêng và các ban, viện liên quan.

3. Kết luận

Di sản văn hóa là sự phản ánh của tinh hoa và bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền. Cũng vậy, di sản văn hóa Phật giáo tỉnh BRVT nói riêng và di sản văn hóa nói chung, nó phản ánh được những giá trị, tinh hoa của tỉnh nhà. Vì vậy, việc lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng là bổn phận, nhiệm vụ hết sức cần thiết, là sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân.

So với chiều dài lịch sử của dân tộc thì lịch sử tỉnh BRVT có phần mới mẻ, nhưng qua các cuộc khảo cổ học đã khẳng định, BRVT là vùng đất phồn thịnh nhất trong quá trình Nam tiến và để lại vô số những di sản văn hóa. So với khối lượng di sản này thì di sản văn hóa Phật giáo tại tỉnh nhà có phần khiêm tốn (cũng có thể là chưa được khai quật hoặc bị thất thoát theo thời gian). Vì vậy, mỗi một vị Tăng, Ni trước hết là một công dân Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Đặc biệt các Tăng, Ni là người trụ trì ở những ngôi chùa, chùa di tích thì hơn ai hết, họ lại càng đóng vai trò quan trọng, trực tiếp trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản đó.

Bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc gắn với di sản văn hóa Phật giáo cũng là góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Nên việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo tỉnh BRVT cần được đặt trong mối quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh và trong cả nước. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy cùng chung chung tay làm sáng rõ nhiều giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của vùng đất BRVT. Hãy biến những kết quả nghiên cứu của các cuộc hội thảo, các tọa đàm, những hiện vật thông qua các cuộc khảo cổ trở nên sống động nơi vùng đất này mà nó đã từng có được.

 

 

 

_Chú thích:

484. Luật Di sản văn hóa, http://dsvh.gov.vn/luat-di-san-van-hoa-1644

485. Lương Văn Kế, Thế giới đa chiều (2007), Nhà xuất bản Thế giới, tr. 319-320

486. Macionis, J. Jonhn, Xã hội học (1987) – Nhà xuất bản Thống kê, tr.82

487. Vài ý kiến về Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Phật giáo Việt Nam, tạp chí Văn hóa Phật giáo số 1, (2005)

488. https://vi.wikipedia.org/wiki/Văn_hóa

489. Thích Hạnh Tuệ & Thích Thanh Quế, Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Vấn đề và suy nghĩ, https://phatgiao.org.vn/van-hoa-phat-giao-viet-nam-van-de-va-suy-nghi-d51300.html

490. Trần Văn Giàu, “Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam”, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng của dân tộc, Viện Triết học, Hà Nội, 1998, tr. 15.

491. Nguyễn Thị Huyền, Di sản Văn hóa là gì? https://luathoangphi.vn/di-san-van-hoa-la-gi/

492. Điều 2, Luật Di sản Văn hóa, http://dsvh.gov.vn/luat-di-san-van-hoa-1644

493. https://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201912/di-chi-khao-co-long-son-dau-an-cua-cu-dan-co

494. baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/13387/xu-mo-xoai-manh-djat-djau-tien-djuoc-khai-pha-trong-tien-trinh

495. https://thanhphobaria.com/nhung-van-de-trong-nghien-cuu-lich-su-ba-ria-vung-tau/

496. https://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201912/di-chi-khao-co-long-son-dau-an-cua-cu-dan-co-vung

497. Tham khảo Luật Di sản văn hóa, gồm 7 chương, 74 điều, http://dsvh.gov.vn/luat-di-san-van-hoa-1644

 

Tài liệu tham khảo:

  1. http://dsvh.gov.vn/luat-di-san-van-hoa-1644
  2. Macionis, J. Jonhn, Xã hội học (1987), Nxb. Thống kê, Hà Nội
  3. Vài ý kiến về Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Phật giáo Việt Nam, tạp chí Văn hóa Phật giáo số 1, (2005)
  4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Văn_hóa
  5. https://phatgiao.org.vn/van-hoa-phat-giao-viet-nam-van-de-va-suy-nghi
  6. Trần Văn Giàu (1998), Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng của dân tộc, Viện Triết học, Hà Nội
  7. https://luathoangphi.vn/di-san-van-hoa-la-gi
  8. Lương Văn Kế, Thế giới đa chiều (2007), Nhà xuất bản Thế giới, tr. 319-320
  9. https://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201912/di-chi-khao-co-long-son-dau-an
  10. https://thanhphobaria.com/nhung-van-de-trong-nghien-cuu-lich-su-ba-\
  11. UBND huyện Long Điền (2017), Sổ tay Di tích lịch sử – Văn hóa và Danh lam thắng cảnh huyện Long Điền, tỉnh BRVT
  12. Đinh Hữu Chí, “Xứ Mô Xoài – vùng đất đầu tiên người Việt khai phá ở Nam Bộ”, kỷ yếu hội thảo Từ xứ Mô Xoài xưa đến Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay.
  13. 13.https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/13387/xu-mo-xoai-manh