Kiến trúc Phật giáo Bắc tông vùng Nam bộ và đề xuất bảo tôn bản sắc Văn hoá Phật giáo (TS. Trương Thu Trang)

TẢI FILE PDF
——————

Tóm tắt: Kiến trúc Phật giáo là vấn đề quan trọng cần được quan tâm nghiên cứu, xuất phát từ thực trạng mỗi vùng miền tuỳ điều kiện khác nhau thì kiến trúc sẽ có những đặc điểm riêng, do vậy nghiên cứu kiến trúc Phật giáo tại các vùng văn hoá khác nhau trong cả nước là rất cần thiết, giúp nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Tại vùng Nam Bộ, do quá trình Nam tiến đầy gian lao vất vả, điều kiện tự nhiên, xã hội, điều kiện kinh tế, tính cách người mở đất,… tất cả tạo nên sự khác biệt trong kiến trúc Phật giáo Bắc tông nơi đây. Cũng chính vì vậy mà Nam Bộ nhiều hơn là Tây Nam Bộ, kiến trúc tự viện Phật giáo Bắc tông chưa đạt được sự thống nhất, thiếu tính nhận diện đặc trưng chung. Do vậy, bài viết này tìm hiểu về những điều kiện ảnh hưởng đến kiến trúc Phật giáo và thực trạng kiến trúc Phật giáo vùng Nam Bộ, qua đó đề xuất giải pháp xây dựng và gìn giữ văn hoá kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng.

Từ khoá: Chùa, kiến trúc, Phật giáo Bắc tông.

1. Dẫn nhập

Quá trình Nam tiến, người đi mở đất đã dựng nên nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo Bắc tông, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng ngay từ những ngày đầu đến với vùng đất mới. Do điều kiện hoàn cảnh Nam Bộ rất khác so với miền Bắc, miền Trung, nên kiến trúc tự viện Phật giáo Bắc tông nơi đây, nhất là tại miền Tây Nam Bộ, tồn tại một vài vấn đề cần trao đổi. Bài viết tập trung tìm hiểu về điều kiện vùng đất Nam Bộ, qua đó hiểu về kiến trúc các tự viện Phật giáo Bắc tông nơi đây, đề xuất một số giải pháp bảo tồn bản sắc văn hoá Phật giáo Bắc tông.

2. Bối cảnh, đặc điểm vùng văn hoá Nam Bộ

Về điều kiện tự nhiên: Nam Bộ trước thế kỷ XVII “là vùng đất hoang vu, lan tràn rừng rậm, hồ ao, bưng chằm, đầy dẫy muỗi mòng, rắn rết, hùm beo, một phần diện tích – tức Miền Tây Nam Bộ sau này – thuộc nước Phù Nam; phần còn lại – tức Miền Đông – thuộc nước Bà Lịa (hay Bà Lỵ), nước Chu Nại, tiểu quốc Mạ, tiểu quốc Xương Tinh (tức Stiêng)”498. Điều kiện tự nhiên nơi đây khi xưa khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho người đi mở đất. Đây là vùng nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt độ cao, ít thay đổi trong năm; có hai mùa mưa nắng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, sông ngòi kênh rạch chằng chịt.

Về người đi mở đất: Người đi mở đất phương Nam phần nhiều là lưu dân từ miền Bắc, miền Trung hay những người nghèo khổ, ít chữ, chịu nhiều sự áp bức, tìm về vùng đất mới mong cơ hội đổi đời. “Từ xuất phát điểm hình thành dân cư, đa phần các lưu dân Việt buổi đầu là những người nghèo khổ, ít chữ hoặc bị lưu đày…, họ có sinh hoạt đời sống khá thấp, sinh hoạt lễ hội ít được chú trọng”499, do vậy tính cách họ cũng chịu sự ảnh hưởng bởi điều kiện hoàn cảnh, phóng khoáng, trọng bạn, cứng cỏi khó khuất phục, giản dị dễ gần gũi, thích bình dân hơn kiểu cách,…

Tại vùng đất mới, các định chế Nho giáo xưa nơi làng quê cũ nhường chỗ cho sự phóng khoáng, tiếp thu cái mới. “Giữa bao la của một vùng đất trời mới khai phá, trong cái cô đơn trước những thử thách của một vùng thiên nhiên hoang dã, cái Tình của người Nam Bộ sâu nặng hơn cái lễ giáo, gia phong”500. Tâm lý muốn vượt thoát những buộc ràng nặng nề cũng đã ảnh hưởng đến phong cách kiến trúc Phật giáo tại vùng Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng.

Về giao thoa văn hoá: Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết: “Gia Định là cõi phía Nam nước Việt, khi mới khai thác thì có lưu dân nước ta cùng người Đường (người Trung Quốc), người Tây dương (các nước phương Tây như Phú Lang Sa, Hồng Mao, Ma Cao…), người Cao Miên, người Đồ Bà (Java) đến kiều ngụ đông đảo chung lộn, mà y phục khí dụng đều theo tục từng nước”501.

Do quá trình cộng cư, vùng đất mới nhiều thành phần dân tộc, nhiều cư dân tứ xứ đổ về, mỗi người mang theo mình những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá khác nhau. Để có thể sống chung, người mở đất cùng giao lưu văn hoá, dễ dàng chấp nhận văn hoá của nhau, điều này hình thành đặc trưng văn hoá Nam Bộ, trên tất cả các khía cạnh, từ ăn mặc, nhà ở, phương tiện di chuyển, kiến trúc, đến tôn giáo tín ngưỡng,… Sự giao thoa trong văn hoá kiến trúc đáng lưu ý dần về sau có sự tích hợp đặc biệt với phong cách phương Tây, không chỉ trong kiến trúc nhà hàng, khách sạn, nhà thờ, mà cả kiến trúc chùa theo Phật giáo Bắc tông.

Về tín ngưỡng tôn giáo: “Qua đặc điểm hình thành cộng đồng dân cư Nam Bộ cho thấy, các yếu tố tín ngưỡng tôn giáo mà các lưu dân Việt mang theo đã được “bình dân hoá” (…). Ban đầu, các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh, cầu sự bình yên hơn là tu học” 502. Đặc tính này về sau ảnh hưởng đến kiến trúc cũng như các sinh hoạt đạo tràng tại các cơ sở tự viện Phật giáo Bắc tông.

Người dân Nam Bộ thường không quá quan trọng về hình thức, chùa với họ là nơi tìm về để nương tựa tâm linh. Trong điều kiện còn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, có được cơ sở thờ tự, có hình tượng Đức Phật, Bồ Tát để họ chiêm bái, nguyện cầu bình an, đã là điều rất tốt, vì vậy kiến trúc có đồng bộ hay không, có cầu kỳ nghệ thuật hay không,… với họ, chưa trở thành mối quan tâm lớn.

3. Kiến trúc Phật giáo Bắc tông vùng Nam Bộ

Đặc trưng vùng đất Nam Bộ như một phần thân thể của đất nước Việt Nam, được nối liền kể từ thành công của quá trình khai hoang mở cõi. Kiến trúc chùa Nam Bộ không nặng nề, thấp, chắc như vùng Bắc Bộ, vì điều kiện thiên nhiên nơi đây ít mưa bão, ít khắc nghiệt, chùa thường giản đơn, cao, thoáng, do địa cơ quá yếu và kỹ thuật thô sơ trong thời gian đầu.

Từ những đặc điểm vừa nêu, đã dẫn đến kiến trúc chùa phương Nam thường nhỏ hẹp, ít công trình đồ sộ, kết cấu tự nhiên, ít trau chuốt, chỉ đủ để phục vụ nhu cầu tâm linh, thắp hương, lễ Phật cầu an.

Với các điều kiện như thế, để đáp ứng nhu cầu lễ Phật, trong khi kinh tế khó khăn, cuộc sống còn nhiều bấp bênh dời đổi, thì việc một số gia đình thuận duyên cải gia thành tự, lập cơ sở tự viện Phật giáo là một trong những phương cách hữu hiệu để đồng bào Phật tử có nơi tìm về lễ bái, chư Tăng Ni có nơi tu tập.

Bên cạnh đó với các chùa hình thành từ việc cải gia thành tự, có những ngôi có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc, được chăm sóc cẩn thận bởi gia chủ, do vậy cũng thuận lợi trong bảo quản, duy tu, tôn tạo. Tác giả Phạm Anh Dũng nhận xét về chùa miền Nam giai đoạn 1954 – 1975: “Kiến trúc chùa tiếp tục được tập trung và phát triển mạnh tại các đô thị đông dân và thành phố lớn, nhất là tại Sài Gòn. Đa phần trang trí nội, ngoại thất đã sử dụng hầu hết các mô típ nghệ thuật phương Tây cải biến và hệ kết cấu tiên tiến đương đại. Công trình được thiết kế trước khi xây dựng và có hoạ đồ do các kiến trúc sư lập. Nhờ vậy, kiến trúc đa phần khúc chiết hơn trước đây. Trừ một số chùa nhỏ do “tư nhân” lập nên theo kiểu “cải gia vi tự” (sửa nhà làm chùa) và một số lớn các chùa dạng tịnh thất, còn lại đều có giá trị cao về mặt nghệ thuật theo phong cách đương đại.”503.

Trong nhận xét này có hai ý cơ bản. Ý thứ nhất về việc các chùa Nam Bộ phong cách kiến trúc ảnh hưởng nghệ thuật phương Tây, các công trình được kiến trúc sư thiết kế thì chuyên nghiệp, khúc chiết. Ý thứ hai nói về việc các chùa dạng “cải gia vi tự” và một số lớn các chùa dạng tịnh thất thì không được quy mô, không có giá trị nghệ thuật cao, chuyên nghiệp như các công trình được thiết kế chuyên dụng khác.

Cải gia thành tự là cụm từ quen thuộc nói về một số tự viện được hình thành từ chính ngôi nhà của gia chủ đang sinh sống. Nguyên nhân hình thành các ngôi tự viện này cũng rất đa dạng, nhưng tựu chung là do gia chủ mong muốn có nơi thờ chư Phật, chư Bồ tát, trở thành cơ sở thờ tự Phật giáo, vì vậy trên cơ sở ngôi nhà của gia đình, gia chủ sẽ tuỳ điều kiện để sửa đổi, bài trí tượng thờ, hình thành diện mạo ngôi chùa.

Với các trường hợp cải gia thành tự cũng phải hội tụ đầy đủ các điều kiện thì mới được vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chịu sự quản lý trực tiếp của Phật giáo và chính quyền tại địa phương.

Với các tự viện dạng cải gia thành tự to nhỏ khác nhau, có nơi tận dụng những ngôi nhà cấp 4, chòi lá để làm những tịnh thất, niệm Phật đường, thảo am,… phong cách đa dạng tuỳ điều kiện gia chủ.

Như trên đã nói, người Nam Bộ không quá câu nệ hình thức chùa chiền, phong cách kiến trúc, quy mô cơ sở tự viện, mà quan trọng có nơi để tín ngưỡng, do vậy chùa được hình thành từ ngôi nhà riêng vẫn được trân trọng, từ đó mà kiến trúc Phật giáo ít được chú ý, nét đặc trưng văn hoá kiến trúc Phật giáo cũng vì vậy chưa được chú ý xây dựng và gìn giữ.

Khi đời sống người dân Nam Bộ chưa ổn định, kiến trúc chùa vì thế cũng thô sơ, “ít có công trình kiến trúc đình, chùa nào được hưng công xây dựng với quy lớn và có người chuyên môn kỹ thuật giỏi phụ trách. Đa số sử dụng “nông nhàn”, ít chuyên môn, dưới hình thức “công quả” để xây dựng, các chi tiết kiến trúc ít được trau chuốt”504.

Nhìn chung từ những ngôi “am tranh” mang kiểu mặt bằng “chữ nhất” sử dụng cho nhu cầu tín ngưỡng ban đầu, chuyển sang tổ hợp mặt bằng “chữ nhị” sử dụng kết hợp thêm chức năng hoạt động tôn giáo (làm giảng đường, trai đường,…) và không lâu sau đó biến sang tổ hợp mặt bằng “chữ tam”, “phức hợp” và gần đây (giữa thế kỷ XX) xuất hiện dạng “lầu” nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các chức năng hoạt động ngày càng đa dạng của các tự viện.

4. Đề xuất xây dựng và gìn giữ đặc trưng văn hoá kiến trúc Phật giáo Nam Bộ

4.1. Thống nhất trong đa dạng và đảm bảo tính kế thừa truyền thống

Như trên đã nói, do đặc điểm lịch sử của quá trình Nam tiến nên nhiều tự viện Phật giáo Bắc tông tại Nam Bộ, mà nhiều hơn là ở vùng Tây Nam Bộ, kiến trúc rất đa dạng, nhiều tự viện cải gia thành tự, khó tìm thấy đặc trưng của kiến trúc Phật giáo nơi đây. Vì vậy cần nhìn nhận lại để có sự đặc trưng trong văn hoá kiến trúc.

Tuy nhiên để có được sự thống nhất thì cần sự hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự các tỉnh thành, quy định cụ thể, xây dựng những đặc trưng kiến trúc, những kết cấu, biểu tượng,… để dễ dàng nhận diện đó là tự viện Phật giáo Bắc tông.

Vấn đề cần được lưu ý khi thực hiện đó là quan tâm đến sự thống nhất trong đa dạng và đảm bảo tính kế thừa truyền thống. Trong số những kiến trúc Phật giáo đã có tại Nam Bộ, nhiều công trình kiến trúc đặc biệt, thu hút Phật tử, du khách tham quan chiêm bái. Những công trình như vậy có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử, cần được gìn giữ, được định hướng phát triển.

Bên cạnh đó là nhiều tự viện kiến trúc thô sơ, từ am tranh, vách lá, đến các khung nhà tiền chế, nhà cấp 4, màu sắc như nhà dân dụng. Những tự viện này lại càng cần được định hướng để khi xây cất mới sẽ thực hiện đúng quy cách.

Cho dù là trùng tu tôn tạo hay xây dựng mới thì vẫn phải thống nhất trong đa dạng, đảm bảo nét riêng, đặc biệt của từng chùa, tránh sự sao chép. Nếu sự sao chép mà có sự thống nhất mà mang đặc trưng riêng,mô típ họa tiết hoa văn trong xây dựng chùa cảnh Bắc Tông vẫn nên có sự sao chép được, nhưng nhìn vào sẽ ngay lập tức nhận biết kiến trúc Phật giáo Bắc tông, giống như đặc trưng của các ngôi chùa Khmer, hay tịnh xá hệ phái Khất sĩ.

4.2. Tôn tạo các cơ sở cải gia thành tự theo định hướng chung và gìn giữ dấu ấn riêng đặc sắc

Điều 7 của Hiến chương Venice: “Di tích không thể tách rời khỏi lịch sử mà nó là nhân chứng và không thể tách rời khỏi khung cảnh mà nó ra đời”505. Một số tự viện cải gia thành tự có đặc điểm riêng cần được giữ gìn, đó cũng sẽ là một câu chuyện lịch sử sống động hiện hữu qua không gian kiến trúc của tự viện.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển, để đảm bảo đặc trưng kiến trúc Phật giáo Bắc tông, các tự viện này cần tôn tạo, bài trí đúng theo quy định; tuân thủ các gam màu chủ đạo trong Phật giáo, tránh việc đáp ứng nhu cầu của du khách trong du lịch tâm linh mà cải biên ngôi chùa thành nhiều màu sắc khác nhau, xa rời kiến trúc chùa cũ, cũng không thể hiện đặc điểm chung của kiến trúc Phật giáo.

4.3. Triển khai thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương

Mỗi vùng Bắc – Trung – Nam, tuỳ điều kiện sẽ có nét riêng trong văn hoá kiến trúc Phật giáo, nhưng cái riêng đó không làm ảnh hưởng đến kiến trúc Phật giáo nói chung. Muốn đạt được như vậy thì phải có sự thống nhất và triển khai thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Mỗi địa phương nên có phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành trực thuộc Giáo hội để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới kiến trúc chùa.

5. Kết luận

Nhìn chung kiến trúc Phật giáo Bắc tông tại miền Nam Việt Nam từ thuở sơ khai đến nay vô cùng đa dạng, đặc điểm kết cấu lẫn tạo tác tranh vẽ, đắp nổi, điêu khắc,… có nhiều điểm khác biệt so với kiến trúc Phật giáo Bắc tông tại miền Bắc, miền Trung. Nhiều cơ sở cải gia thành tự kiến trúc lại càng xa lạ với văn hoá kiến trúc truyền thống; nhiều kiến trúc thô sơ chưa đạt tính tôn nghiêm, chưa có nét riêng nhận diện Phật giáo Bắc tông ngoài hệ thống tượng thờ. Do vậy để các cơ sở tự viện tại Nam bộ phát triển đúng hướng, thời gian tới Trung ương Giáo hội cần có sự thống nhất về kiến trúc, mỹ thuật, vật liệu, màu sắc, biểu tượng,… triển khai đồng bộ trong cả nước để mỗi vùng miền tuỳ điều kiện ứng dụng, đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng, giữ gìn bản sắc văn hoá Phật giáo Bắc tông tại Việt Nam.

 

 

 

_Chú thích:

498. Nguyễn Đình Đầu (1999), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, Nxb. Trẻ, TP.HCM, tr.17-48.

499. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội. Tr.73.

500. Nhiều tác giả (2000), Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc Gia, TP.HCM, tr.99-126.

501. Dẫn theo Trần Văn Giàu (1987), Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh – lịch sử, Nxb TP.HCM, tr.29-38.

502. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb Xây dựng, Hà Nội, tr.71.

503. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội. tr. 40-41.

504. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, tr. 78 .

505. Hoàng Đạo Kính (2002), Bảo tồn và trùng tu di sản văn hoá vật thể, Đại học Kiến trúc TP.HCM. TP.HCM, tr. 1-24.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb. Hà Nội.
  2. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội.
  3. Nguyễn Đình Đầu (1999), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, Nxb. Trẻ, TP.HCM.
  4. Trần Văn Giàu (1987), Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh – lịch sử, Nxb. TP.HCM.
  5. Nguyễn Xuân Hồng (2020), Quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hoá, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội
  6. Hoàng Đạo Kính (2002), Bảo tồn và trùng tu di sản văn hoá vật thể, Đại học Kiến trúc TP.HCM.
  7. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (1993), ChùaViệt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  8. Nhiều tác giả (2000), Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, Nxb. Đại học Quốc Gia, TP.HCM.