TẢI FILE PDF
—————–
1. Dẫn nhập
Việt Nam sở hữu hệ thống di sản kiến trúc phật giáo (KTPG) vô cùng lớn và đa dạng. Từ khi ban hành Luật di sản văn hóa năm 2001 đến nay, công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích KTPG đã được triển khai thực hiện trong cả nước. Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch di tích KTPG còn gặp rất nhiều bất cập, khó khăn. Điều đó dẫn đến thời gian lập quy hoạch di tích bị kéo dài, hiệu quả công tác quy hoạch di tích KTPG thấp và khó khăn trong việc huy động nguồn lực tham gia công tác bảo tồn tồn di tích. Nhìn nhận từ góc độ người tham gia lập quy hoạch, bài tham luận làm rõ nhận diện một số vấn đề di tích KTPG, từ đó có một vài đề xuất để nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch di tích KTPG.
Quy hoạch di tích KTPG là loại hình quy hoạch đặc thù riêng của lĩnh vực văn hóa. Quy hoạch di tích được lập cho các di tích KTPG từ cấp Quốc gia trở lên. Quy hoạch di tích KTPG sau khi được phê duyệt là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị KTPG. Đồ án quy hoạch di tích KTPG bắt đầu thực hiện chính thức từ khi Luật di sản văn hóa ban hành năm 2001. Đến nay, việc lập quy hoạch di tích KTPG tại Việt Nam đã thực hiện được hơn 20 năm. Trong quá trình thực hiện và quản lý quy hoạch di tích trong thực tế đã bộc lộ một số đặc trưng, cần phải nhận diện.
1. Khái niệm quy hoạch di tích và các bên tham gia thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích KTPG tại Việt Nam
– Quy hoạch di tích là việc xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích. Hồ sơ quy hoạch di tích bao gồm hồ sơ bản vẽ và thuyết minh, dự thảo tờ trình và quyết định phê duyệt. Trong đó nội dung hồ sơ quy hoạch có yêu cầu đánh giá hiện trạng, xác định giá trị, phát triển du lịch,…
– Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích Quốc gia, di tích cấp Tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.
2. Nhận diện một số vấn đề chính di sản KTPG tại Việt Nam
Đối với công tác lập quy hoạch di tích KTPG, vị trí phân bố công trình và quy mô diện tích có tính quyết định toàn bộ quá trình thực hiện quy hoạch, cụ thể như sau:
Vị trí di tích phân bố di tích KTPG không có sự đồng nhất, gắn chặt vào địa hình tự nhiên và quá trình phát triển đô thị và nông thôn.
Một di tích KTPG đứng độc lập: Hệ thống công trình chùa PG tại các làng xã truyền thống. Mỗi làng có một đến hai công trình KTPG, đại diện cho văn hóa tín ngưỡng của địa phương.
Cụm di tích KTPG có mối liên hệ với nhau
– Các công trình nằm trong một quần thể, gắn kết với nhau bởi thiên nhiên cảnh quan mặt nước.
– Các công trình bị chia cắt bởi không gian chức năng đô thị. Việc kết nối các di tích này thành một cụm di tích hay quần thể di tích là rất khó khăn. KTPG ở dạng quần thể di tích hoặc một di tích đứng độc lập. Nhưng có thể nhiều đối tượng không phải là di tích tồn tại trong khu vực bảo vệ di tích như công trình công cộng, thương mại, dân cư…
Quy mô diện tích
– KTPG có quy mô nhỏ: So với di tích khác như danh lam thắng cảnh, KTPG có di tích quy mô rất nhỏ, có công trình diện tích chỉ mấy trục mét vuông (như chùa Đồng Yên Tử), vài nghìn mét vuông như các di tích (chùa Trấn Quốc). Các công trình này có cấu trúc không gian hạng mục công trình và chức năng hạng mục công trình ổn định. Việc can thiệt giải pháp quy hoạch gần như không làm thay đổi cấu trúc không gian di tích và cảnh quan di tích. Việc lập quy hoạch cho các di tích ở quy mô này hiệu quả rất thấp, việc xây dựng hồ sơ quy hoạch ở tỉ lệ 1/2000 với quy mô này là không khả thi.
– KTPG có quy mô lớn: Chủ yếu gắn với các ngôi chùa mới được mở rộng và phát triển từ ngôi chùa đã có, hay các thiền viện trúc lâm. Chùa Tam Chúc (Hà Nam) có quy mô Việt Nam với diện tích 144 ha. Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) có quy mô diện tích khoảng 20ha. Các công trình KTPG có khu vực cảnh quan tự nhiên bao bọc, hoặc đan xen với công trình.
– KTPG có quy mô rất lớn: Là các di tích KTPG nằm trong danh lam thắng cảnh lớn. Quần thể danh lam thắng cảnh Yên Tử có diện tích 2686ha, trong đó có 1736ha rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm… Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 1700 ha, bao gồm khu chùa Bái Đính cổ, khu chùa Bái Đính mới và các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh.
3. Một vài kiến nghị cho công tác lập quy hoạch di tích KTPG
Điều chỉnh thể loại các loại hình quy hoạch di tích KTPG theo quy mô, phân bố di tích ở 03 cấp độ như sau:
1. Quy hoạch tổng mặt bằng di tích KTPG áp dụng cho di tích có quy mô nhỏ hơn 5ha. Áp dụng cho các di tích KTPG có quy mô nhỏ và có cấu trúc không gian ổn định. Có thể tích hợp công tác làm quy hoạch tổng mặt bằng trong quá trình lập dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.
2. Quy hoạch di tích áp dụng cho một di tích KTPG hay một cụm di tích KTPG có quy mô từ 5ha đến 500ha. Quy hoạch này là cơ sở pháp lý để lập dự án bảo tồn di tích. Quy hoạch di tích ở tỉ lệ 1/2000 áp dụng cho quy mô từ 100ha đến 500ha. Quy hoạch di tích ở tỉ lệ 1/500 áp dụng cho quy mô từ 5ha đến 100ha. Đối với di tích có khu vực 1 tập trung trong phạm vi nhỏ hơn 500ha, khu vực 2 là rừng núi bao quanh vẫn thực hiện quy hoạch di tích KTPG khu vực 1 và các khu vực phát huy giá trị ở tỉ lệ 1/2000.
3. Quy hoạch hệ thống di tích áp dụng cho một di tích hay một cụm di tích KTPG có quy mô lớn hơn 500ha. Quy hoạch này sẽ thực hiện song song các quy hoạch di tích hoăc tổng mặt bằng các khu vực chính (tương tự như quy hoạch làng cổ Đường Lâm đã phê duyệt năm 2014). Các nội dung quy hoạch di tích KTPG và tổng mặt bằng di tích KTPG là cơ sở pháp lý để lập dự án. Áp dụng cho quy hoạch quần thể di tích KTPG hay danh lam thắng cảnh có chứa di tích KTPG.
4. Kết luận
Di sản KTPG là tài nguyên vô cùng quý giá của Quốc gia, là giá trị của tiền nhân để lại cho thế hệ chúng ta và cho tương lai. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản KTPG là trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi cá nhân, tập thể tham gia. Qua những đồ án quy hoạch thực tế thực hiện tại Viện bảo tồn di tích KTPG, tác giả đúc rút một số những vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện quy hoạch di tích KTPG.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009-QH12 ngày 18/6/2009
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, ngày 18/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009
- Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh
- Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, ngày 25/12/2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh