Ứng dụng công nghệ G.I.S trong quản lý và phát huy giá trị Di sản văn hoá Phật giáo (Dẫn liệu từ hệ thống di sản văn hóa Phật giáo Huế) (NCS. Lê Thọ Quốc)

TẢI FILE PDF
——————

1. Đặt vấn đề

1.1. Phật giáo là một tôn giáo có quá trình hình thành, phát triển luôn song hành, gắn liền với lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Trải qua những biến thiên, thăng trầm của thời cuộc, Phật giáo có lúc thịnh – suy, nhưng nhìn chung, di sản văn hóa Phật giáo vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho việc nghiên cứu, bảo tồn, quản lý lẫn xiễn dương những giá trị độc đáo, đặc trưng, quyện hòa trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng – tâm linh của người dân Việt. Trước xu thế phát triển của xã hội hiện đại, việc quản lý di sản văn hóa đã, đang đặt ra nhiều vấn đề cùng các giải pháp hợp lý, tương thích cho các nguồn di sản khác nhau. Vì vậy, hướng quản lý di sản văn hóa Phật giáo bằng các ứng dụng là một trong các phương thức tối ưu nhằm quản lý di sản này một các hiệu quả và thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

1.2. Bởi những ấn định của điều kiện địa lý, miền Trung Việt Nam, từ rất sớm đã là nơi diễn ra quá trình giao thoa, hội tụ của hai nền văn hóa lớn Ấn – Hoa, hình thành những tảng nền quan trọng cho việc định hình và xuất hiện các nền văn hóa lớn, mang nhiều ảnh hưởng sâu rộng về sau, mà Phật giáo là một trong số ấy. Phật giáo Huế, có thể nói mang nhiều điểm khác biệt so với những địa phương khác trong cả nước, bởi đây là nơi điển hình cho sự hội tụ của hai dòng tu chứng/hệ phái Nam, Bắc tông/Đại, Tiểu thừa, và cũng là ranh giới cuối cùng của hệ phái Nam tông trên con đường lan tỏa của văn minh Ấn.

1.3. Huế – từ vai trò là phên dậu quốc gia Đại Việt trong nhiều thời kỳ lịch sử, đột khởi thành thủ phủ của vùng miền trong mối tương quan đối trọng Đàng Trong – Ngoài/Nam – Bắc hà, kinh đô của quốc gia Đại Nam rộng lớn, phồn thịnh thời phong kiến Nguyễn. Và rồi khi ánh hào quang phong kiến cuối cùng lịm tắt, Huế lại trở về với nguyên vẹn tính chất của một tỉnh lẻ đầy nỗi niềm và thân phận. Tuy nhiên, cái còn lại của riêng Huế sau hơn ba thế kỷ lẻ đóng vai trò trung tâm lại đã và đang là tiêu điểm thu hút, hứa hẹn nhiều tiềm năng khai thác du lịch, cho dẫu nó không còn khá nguyên vẹn vì buộc phải trải qua nhiều lần biến đổi, mà ngôi chùa Huế, có thể xem là đại diện tiêu biểu nhất.

1.4. Chúng tôi lựa chọn di sản văn hóa Phật giáo Huế để đề cập trong tham luận của mình bởi có thể nói rằng, ngoài hệ thống di tích cung đình Nguyễn, số lượng mật tập của chùa chiền, tổ đình Phật giáo,… nhiều đáng kinh ngạc trên đơn vị hành chính khá khiêm tốn đã làm thành một di sản văn hóa đặc thù với nhiều biểu hiện đa dạng. Và trên thực tế, Phật giáo đã tạo một ảnh hưởng sâu đậm đến nếp sống và cách hành xử của người dân Huế.

2. Di sản văn hóa Phật giáo Huế: những nét khái quát

2.1. Phác họa chân dung Phật giáo xứ Đàng Trong

Trước khi có sự hiện diện của những người Việt đầu tiên, dải đất miền Trung hẳn đã là thánh địa của Phật giáo mang nhiều ảnh hưởng Ấn Độ. Nhiều công trình nghiên cứu về Champa đã lý giải sự xuất hiện của tôn giáo này cùng với những đoàn thương thuyền đến từ vùng Nam Ấn, trên con đường mậu dịch ven duyên.

Trong hành trình đi về phương Nam, bởi những khác biệt về văn hóa, những người Việt Nam tiến đã bám víu lấy hành trang truyền thống ruộng nước của mình và những tín ngưỡng mang theo từ đất Bắc như là phương cách để chống chọi với những xung đột văn hóa trong quá trình cận cư cùng các tộc người tiền trú. Tuy thế, với cái nhìn chiến lược và quyết tâm xây dựng một xứ Đàng Trong vững mạnh trên nhiều lĩnh vực, Phật giáo đã được các vị chúa Nguyễn xiển dương và thực sự ăn sâu bám rể trong tâm thức người Việt miền Trung513. Đây cũng chính là thời kỳ có nhiều vị du tăng Trung Hoa đến Đàng Trong để hoằng dương đạo pháp theo lời thỉnh cầu của nhiều vị chân Chúa, nhiều ngôi chùa được tạo dựng như điểm khởi phát ban đầu của những tông phái (tổ đình), nhận Sắc tứ của triều đình phong kiến (quốc tự),… Đấy là cơ sở cho sự tồn tại nhiều tổ đình ở Huế hiện nay.

Nhiều tài liệu đề cập đến sự phong quang, phát triển cực thịnh của Phật giáo dưới thời phong kiến Nguyễn, khiến chính quyền phong kiến phải tìm cách kìm hãm bằng những đợt chấn chỉnh, thi tuyển với cách thức ban giới đao – độ điệp cho những vị tăng sĩ chân tu. Nhưng trong đời sống người dân, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn sâu đậm đến nỗi ở Huế xuất hiện một loại hình, có thể nói là rất đặc biệt: trường hợp “cải gia vi tự” – biến đổi ngôi nhà nhỏ cư trú thành Niệm phật đường, hay cúng dường cho chùa để trở thành một chi phái514.

Vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ XX, ở Huế diễn ra phong trào Chấn hưng Phật giáo với sự ra đời của An nam Phật học Hội, đây chính là thời điểm hệ thống kinh sách, tượng thờ, đời sống tăng sĩ,… được quy chuẩn nhằm loại bỏ bớt những ảnh hưởng của tam giáo đồng nguyên khỏi chùa Huế. Loại hình Khuôn hội Phật giáo dần được hình thành làm nơi sinh hoạt Phật sự bên cạnh chùa làng và cũng chính là tiền thân của Niệm phật đường hiện nay.

Tồn tại trong một thời kỳ dài, dẫu rằng lúc thịnh lúc suy, nhưng có thể nói rằng, Phật giáo và di sản văn hóa Phật giáo đã trở thành hành trang song hành cùng quá trình tụ cư, định cư v.v… của nhiều lớp cư dân Việt trên dải đất miền Trung và Huế nói riêng.

2.2. Di sản văn hóa Phật giáo Huế

Di sản văn hóa phật giáo Huế bao gồm tất cả những gì liên quan và thuộc về Phật giáo515, có thể hệ thống thành các mảng biểu hiện như sau:

1. Kiến trúc: lịch sử, kiến trúc chùa, cảnh quan, mộ tháp, văn bia, cấu trúc nội thất,…

2. Ẩm thực: hệ thống các món ăn chay thường nhật và trong các dịp lễ vía, những phương cách bồi dưỡng sức khỏe cơ thể bằng hệ thức ăn có nguồn gốc thực vật, những món ăn nổi tiếng đã thất truyền,…

3. Hệ thống pháp khí, lễ nhạc: Tượng thờ, chuông, khánh, trống, mõ, các bộ kinh sách, những phong cách tán tụng trong nghi lễ,…

4. Nghề thủ công: làm hương, tương, xì dầu, chao, in sớ điệp,…

Sự phong phú, đa dạng của di sản văn hóa Phật giáo có thể nhìn thấy qua sự hội tụ nhiều đặc trưng trên một điểm cụ thể, và ngược lại, nên việc khai thác thông tin cần có định hướng cụ thể với từng đối tượng cụ thể.

3. Ứng dụng công nghệ GIS trong việc quản lý và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa đặc thù

Hiểu một cách đơn giản nhất, GIS (Geographical Information Systems) bao gồm các lớp thông tin về một địa điểm nhằm tăng thêm khả năng hiểu biết về địa điểm này (xem thêm: Nguyễn Văn Lịch – Đinh Lư Giang, 2008).

Với di sản văn hóa Phật giáo Huế, việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu là cần thiết và quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu, phát huy các giá trị đặc thù của nó. Để chuẩn bị cho thao tác này, chúng tôi cho rằng, việc định hướng và phân loại đối tượng cần khai thác thông tin [1]; hệ thống thông tin thu thập được [2]; và mục tiêu quản lý [3] sẽ là những bước đi căn bản để hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu. Đây cũng chính là hai trong bốn công đoạn được phân biệt trong việc quản lý và bảo vệ các di sản văn hóa thế giới của UNESCO: nghiên cứu và phân tích516.

1. Định hướng và phân loại đối tượng cần khai thác thông tin: việc định hướng và phân loại đối tượng căn cứ trên bốn mảng biểu hiện như từng đề cập, tuy nhiên, mỗi một địa điểm cụ thể, lượng thông tin thu thập không đồng nhất.

– Kiến trúc: bao gồm nhiều loại hình khác nhau (dạng kiến trúc gỗ ba gian hai chái, dạng phương đình, năm gian hai chái; hoặc được xây dựng bằng vật liệu mới, tổ hợp kiến trúc: chữ Đinh, Công, Khẩu, nội Công – ngoại Quốc,…), những khác biệt về đặc trưng kiến trúc: chùa – tịnh xá, kiến trúc dòng Nam tông – Bắc tông (Đại – Tiểu thừa),… Từ nội dung này, những điều tra về lịch sử – văn hóa, hành trạng những vị thiền sư nổi tiếng, hay cấu trúc nội thất, cảnh quan,… sẽ bổ sung nhiều thông tin, phản ánh tính đặc thù trong đời sống sinh hoạt của tăng sĩ, bên cạnh việc định vị vị trí ngôi chùa bằng GPS, chụp ảnh tổng thể và chi tiết.

– Ẩm thực: hệ thống những món ăn chủ đạo trong sinh hoạt thường nhật và trong các dịp lễ vía, những món ăn nổi tiếng đã thất truyền có thể sẽ được điều tra hồi cố qua những cây thông tin ít ỏi còn lại (những vị sư già, những bà vải,…).

– Hệ thống pháp khí, lễ nhạc: phân loại tượng thờ, những bộ tượng đặc trưng ở những ngôi chùa cụ thể, cách thức phối thờ phản ánh sự dung nạp của tín ngưỡng dân gian trong Phật giáo, những pháp khí nổi tiếng mang nhiều giá trị lịch sử. Hệ thống nghi lễ điển hình và các phong cách diễn xướng đặc trưng.

– Nghề thủ công: hệ thống các ngành nghề thủ công có mối quan hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt của lớp tăng sĩ. Ở nội dung này, nghề thủ công sẽ không phân bổ đồng đều ở các tự viện và nếu tinh ý, có thể nhìn thấy sự phân công lao động về giới gắn với ngành nghề.

2. Hệ thống thông tin thu thập: Từ những số liệu có được, hệ thống thành các bảng phân loại theo từng nội dung cụ thể. Ví dụ: phân loại chùa Huế: ni viện, quốc tự, khuôn hội,…; số lượng ngôi chùa có lối cấu trúc chữ Công, Đinh, Khẩu,… trên tổng số 127 chùa Huế hiện nay517; những ngôi chùa có nghề làm tương, chao, hương, in sớ điệp,..; những thông tin về lịch sử: thời điểm xây dựng, quá trình phát triển, hệ phái, những vị sư nổi tiếng,…

Từ nguồn tư liệu này, có thể xây dựng thành các lớp thông tin cho một địa điểm cụ thể (xem phụ lục 2 – bảng 1), hoặc từng lớp thông tin cho toàn bộ các chùa Huế (phụ lục 2 – bảng 2, 3, 4). Tất nhiên, mỗi phương pháp hệ thống sẽ cho những kết quả thông tin khác nhau và sự chọn lựa tùy thuộc vào mục tiêu quản lý.

3. Mục tiêu quản lý: Có thể nói rằng, sau khi thực hiện những bước trên, chúng ta đã có bộ hồ sơ tư liệu đầy đủ và khá toàn diện về di sản văn hóa Phật giáo. Những ngôi chùa Huế sẽ được đặt vào tọa độ nhất định trong một hệ thống thống nhất, và việc nhận diện hay quản lý chúng sẽ rất dễ dàng. Việc quản lý thông tin sẽ được tiến hành trên từng cấp độ khác nhau và cho phép người truy cập khai thác lượng thông tin cần thiết theo các lớp cụ thể.

4. Những hiệu quả hứa hẹn

Quản lý di sản văn hóa Phật giáo bằng hệ thống GIS sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nhiều đối tượng quan tâm đến chùa Huế và những vấn đề liên quan. Có thể thấy rõ hệ thống này sẽ rất hữu ích cho du khách có khoảng thời gian khá hạn hẹp khi đến Huế, những thông tin về một ngôi chùa cụ thể sẽ giúp họ tìm đúng cái họ cần và dễ dàng sắp xếp thời gian để thăm viếng qua thông tin về khoảng cách so với trung tâm thành phố, hay nói cách khác, đấy là độ dài đoạn đường họ cần phải đi.

Từng lớp thông tin khác nhau và sự phối kết giữa chúng sẽ cho kết quả chuyên sâu hơn, phục vụ nhiều đối tượng, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Với những đối tượng tìm hiểu về lịch sử chùa Huế, giới hạn năm của từ khóa sẽ cho thấy biểu đồ về số lượng chùa Huế được xây dựng trong những thời kỳ lịch sử khác nhau. Những nghiên cứu về mỹ thuật trang trí sẽ dễ dàng tìm thấy nguồn tư liệu quý giá ở những kiến trúc cổ truyền hay hệ thống pháp khí đa dạng. Họ sẽ dễ dàng nhận diện và tập trung được nguồn tư liệu qua lớp thông tin về những ấn phẩm nghiên cứu liên quan đến chùa Huế. Tiện ích sẽ được phát huy tối đa với nguồn thông tin về địa chỉ, số điện thoại liên hệ và tên vị trú trì hiện tại,…

Tuy vậy, trên cơ sở nguồn thông tin thu thập, cần thiết thực hiện việc phân loại và hạn chế những thông tin nhạy cảm, bởi chúng tôi cho rằng, việc cung cấp những dạng thông tin như thế sẽ đi ngược lại tác dụng của GIS, ví dụ như vấn đề về các bảo vật quốc gia hiện lưu giữ tại các chùa, hay những vấn đề khác liên quan đến tôn giáo,…

5. Thay lời kết

5.1. Phật giáo và những giá trị thuộc về Phật giáo là một trong những di sản văn hóa đáng được lưu ý trong việc khơi mở và khai thác tiềm năng du lịch của khu vực miền Trung và Huế nói riêng. Ứng dụng công nghệ GIS sẽ là định hướng quan trọng, mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc quản lý và phát huy các giá trị của loại hình di sản văn hóa này, bên cạnh việc hệ thống hóa thông tin hiện có một cách đầy đủ và hoàn chỉnh.

5.2. Ứng dụng công nghệ GIS trong việc quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo sẽ không chỉ bó hẹp trong đối tượng du khách và phục vụ chiến lược phát triển du lịch. Cơ sở dữ liệu mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cập nhật, bổ sung nhiều lớp thông tin hữu ích về sau. Chúng tôi vẫn cho rằng, trong trường hợp này, yếu tố con người và sự phối hợp liên ngành khi tiến hành thực hiện sẽ đóng vai trò quan trọng, hứa hẹn nhiều kết quả khả quan.

 

 

 

_Chú thích:

513 .Có thể nói rằng, bởi chủ trương của các Chúa Nguyễn dùng Phật giáo như “liệu pháp tinh thần” vỗ yên dân chúng xứ Đàng Trong, song song với việc sử dụng khuôn phép Nho gia để trị quốc, Phật giáo thực sự đạt đến đỉnh điểm thịnh trị. Rất nhiều vị danh tăng Trung Quốc: Hoán Bích (Nguyên Thiều), Khắc Huyền, Thạch Liêm, Hưng Liên, Tử Dung v.v… được mời về đăng đàn thuyết pháp, và không ít trong số họ đã mở ra nhiều tông phái, xây dựng nhiều tổ đình ở đất Đàng Trong.

Rất nhiều thư tịch đề cập đến các vị du tăng Trung Hoa đến hành đạo ở đàng Trong và Huế nói riêng. Năm 1665, Hoán Bích thiền sư đến phủ Quy Ninh dựng chùa Thập Tháp Di Đà, sau đó ra Huế dựng chùa Hà Trung, Quốc Ân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thái. Trong thời gian này, sư Nguyên Thiều tuân lệnh Chúa trở lại Quảng Đông (Trung Quốc) mời nhiều vị cao tăng sung vào “ban thập sư truyền giới” tại giới đàn Thiên Mụ và cung thỉnh pháp khí (tiêu biểu là tượng Quán Thế Âm chùa Hà Trung). Nguyên Thiều cũng chính là vị tổ sư khai sáng thiền phái Lâm Tế ở Huế và đàng Trong nói chung, như chúng tôi từng đề cập.

Sau sư Nguyên Thiều, sư Minh Hoàng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông (Từ Đàm). Đệ tử của ngài, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Hoằng Định Nhiên kế tục trú trì chùa Quốc Ân, Minh Lượng Nguyệt Ân khai sơn chùa Phổ Báo, Minh Vật Nhất Tri khai sơn chùa Kim Cang (Nguyễn Hữu Thông Trần Đại Vinh, Lê Văn Sách, 1993: 22).

Cùng thời với sư Nguyên Thiều, một vị hoà thượng khác là Khắc Huyền khai sáng thiền phái Tào Động ở Đàng Trong, khai sơn chùa Thiền Lâm, ngôi chùa mà về sau, sư Hưng Liên Quả Hoằng kế tục trú trì. Chính vị sư này đã giới thiệu hoà thượng Thạch Liêm, vị bổn sư của mình cho chúa Nguyễn, để sau đó, chúa Nguyễn đã ân cần cung thỉnh vị danh sư này sang Thuận Hoá v.v…

Hoà thượng Thạch Liêm đến Huế năm 1695, lưu trú ở chùa Thiền Lâm và tổ chức ở đây rất nhiều giới đàn. Sau khi về lại Trung Quốc, một trong số đệ tử của ngài đã khai sơn chùa Khánh Vân ở Huế.

“Các du tăng Trung Hoa như Hoán Bích, Khắc Huyền, Thạch Liêm, Hưng Liên, Tử Dung đã làm nảy nở hệ phái thiền Lâm Tế và Tào Động trên mảnh đất này dưới thời các chúa Nguyễn Phước Thái, Nguyễn Phước Châu. Đồng thời một số hoà thượng khác như Từ Lâm lão hoà thượng khai sơn chùa Từ Lâm, Giác Phong lão tổ khai sơn chùa Hàm Long Thiên Thọ, Bích Phong Việt lão trùng kiến chùa Kim Tiên,…” (Nguyễn Hữu Thông, Trần Đại Vinh, Lê Văn Sách, 1993: 22).

514 .“Cải gia vi tự” là cụm từ khá quen thuộc với người dân Huế. Có thể nói rằng, mỗi gian thờ trong kiến trúc nhà người Huế vốn đã là một “phật đường thu nhỏ”, ở đấy, họ thiết trí thờ tự với đầy đủ kinh sách, tượng Tam bảo, lư hương, chuông mỏ v.v… và bài vị tổ tiên. Vào một số thời điểm nhất định thường nhật, gia chủ trở thành “vị sư nơi trần thế” trì tụng kinh kệ, dâng hoa cúng dường v.v… Dần về sau, trước những biến cố lịch sử (loạn lạc, ly tán, không người thừa tự,…) hay tâm ý của gia chủ (cầu phúc),… ngôi nhà được cúng dường cho chùa làm thành cơ sở thờ tự. Đây là tiền thân của rất nhiều ngôi chùa Huế.

515. Trong trường hợp này chúng tôi vẫn không loại trừ những di sản văn hóa Phật giáo đã mai một hoặc biến mất, bởi thông tin cụ thể về nó vẫn còn trong sử liệu và ký ức. Vấn đề thu thập thông tin sẽ được tiến hành trên phương pháp hồi cố và sau khi tiến hành công tác tổng hợp, phân loại dữ liệu, việc tích hợp nó vào ứng dụng công nghệ GIS trên mức độ nào sẽ tùy thuộc vào mục tiêu cụ thể, tất nhiên vẫn không ngoài định hướng đa dạng thông tin.

516. UNESCO phân biệt 4 công đoạn trong việc quản lý và bảo vệ các di sản văn hoá thế giới:

(1) Nghiên cứu: tập hợp tư liệu lịch sử và tư liệu mô tả các địa danh di sản;

(2) Phân tích: kết luận về tình trạng vật chất của di sản văn hóa, ý nghĩa về mặt văn hóa, môi trường xã hội và chính trị tại khu vực có di sản;

(3) Đối phó: chuẩn bị trùng tu và các chiến lược quản lý;

(4) Thực hiện: thực hiện, thẩm định, đánh giá các chính sách quản lý di sản văn hóa. UNESCO cũng thành lập các tổ chức GIS theo từng khu vực, các trung tâm đào tạo GIS, và cộng tác với các chính phủ nhằm nâng cao khả năng quản lý thông qua GIS (Nguyễn Văn Lịch – Đinh Lư Giang, 2008).

517 .Số liệu chúng tôi sử dụng từ bảng thống kê chùa Huế, tháng 6/2006 (Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, 2008: 835 – 844), xem thêm thông tin ở phục lục 1. Từ bảng hệ thống này, có thể xác định rõ thuộc tính của từng ngôi chùa trên tổng số chùa hiện tại. Ví dụ: số lượng Tịnh xá, Quốc tự,… trên tổng số chùa; số lượng chùa tăng, chùa ni trên tổng số chùa,… Tuy nhiên, số lượng chùa làng vẫn cần quá trình thống kê bởi sự biến động đa dạng của chúng.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Hà Xuân Liêm (1999), Chùa Thiên Mụ, Huế: Nxb. Thuận Hóa, Huế
  2. Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, Huế: Nxb. Thuận Hóa, Huế
  3. Li Tana [Nguyễn Nghị dịch] (1999), Xứ Ðàng trong: lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb. Trẻ
  4. Nguyễn Hữu Thông, Trần Đại Vinh, Lê Văn Sách (1993), Danh lam xứ Huế, Nxb. Hội Nhà văn
  5. http://www.hcmussh.edu.vn, ngày 10/03/2008.
  6. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2008), Lịch sử Phật giáo xứ Huế (tái bản lần thứ 3), Nxb. Văn hóa Sài Gòn. TP. Hồ Chí Minh
  7. Trần Kỳ Phương (2002), “Góp phần tìm hiểu về nền văn minh của vương quốc cổ Champa tại miền Trung Việt Nam”, trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học Công Nghệ & Môi trường Thừa Thiên Huế, số 4 (38).