Phật giáo Việt Nam – Một nhân tố chủ đạo trong phát triển du lịch văn hoá và tín ngưỡng (Ths. KTS. Nguyễn Tiến Sỹ)

TẢI FILE PDF
——————

1. Khái quát về du lịch và du lịch tín ngưỡng gắn với Phật giáo

Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng, từng bước khẳng định vị trí, vai trò đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP đang tăng lên nhanh chóng, từ đạt 3,9% năm 2013 và tăng lên đến 9,2% năm 2019, góp phần tăng dần tỷ trọng các ngành thương mại – dịch vụ, đẩy mạnh mục tiêu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khách du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt giai đoạn 2016 – 2019 đã có bước bứt phá với tốc độ tăng trưởng 22,8%/năm khách quốc tế và 11,1%/năm khách nội địa, thuộc nhóm những nước có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trong 02 năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 gây ra những tác động nghiêm trọng đối với ngành du lịch trên toàn thế giới và Việt Nam. Năm 2020, giảm gần 80% đối với khách quốc tế và gần 35% đối với khách nội địa so với năm 2019518. Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế và có được những tín hiệu khả quan. Từ tháng 3/2022, Việt Nam đã bắt đầu mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch và nhận được những tín hiệu tích cực của ngành du lịch năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong xu thế phát triển chung của ngành du lịch, ở nước ta những năm gần đây, du lịch văn hóa, đặc biệt các sản phẩm du lịch tín ngưỡng gắn với Phật giáo đang phát triển mạnh mẽ với các tour hành hương, tham quan vùng văn hóa với hệ thống chùa chiền, các di sản, di tích văn hóa độc đáo, thăm viếng các cơ sở thờ tự Phật giáo, được tổ chức ngày càng nhiều. Loại hình du lịch này phát triển mạnh tại các vùng: Trung du miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc; Đông Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng của người dân, kết hợp với các nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn phong cảnh, tìm hiểu phong tục, tập quán bản địa… của du khách. Thị trường khách hướng đến phần lớn là khách nội địa với các đối tượng chính là tín đồ phật giáo, những người có đam mê khám phá văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng bản địa. Các địa điểm du lịch tín ngưỡng phật giáo nổi tiếng gắn với những ngôi chùa lớn như: Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Yên Tử (Quảng Ninh),… thu hút lượng lớn khách du lịch và đạt doanh thu khá cao từ tiền bán vé tham quan, dịch vụ vận chuyển (cáp treo, xe điện, đò/thuyền chở khách), dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, phí trông giữ xe, bán hàng lưu niệm, tiền công đức… Điển hình chùa Bái Đính cùng với quần thể danh thắng Tràng An và du lịch tỉnh Ninh Bình đã đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng vào năm 2019519; Chùa Hương (Mỹ Đức) cũng thu hút trung bình 1,5 triệu lượt khách/năm, doanh thu ước khoảng hơn 700 tỷ đồng/năm520. Có thể thấy, các hoạt động kinh doanh từ du lịch tín ngưỡng và tâm linh mang lại lợi ích kinh tế đáng kể và đang có tiềm năng rất lớn.

2. Phật giáo có thể coi như một nhân tố chủ đạo phát triển du lịch văn hóa, tín ngưỡng

Một trong những đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam đó là sự “nhập thế”, tu hành nhưng không tách rời khỏi đời sống xã hội. Chùa ở Việt Nam không đơn thuần là công trình tôn giáo, chỉ dành cho các tu sĩ, tín đồ tu tập, thực hành giáo lý nhà Phật, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa và lễ hội. Hơn thế nữa, bản thân nhiều ngôi chùa còn là những không gian, công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật cao, là tài nguyên độc đáo và có giá trị cao, góp phần quan trọng tạo nên các sản phẩm du lịch văn hóa, tín ngưỡng thu hút du khách.

Không chỉ thế, du lịch tâm linh đang dần khẳng định là một xu hướng nổi bật trong phát triển du lịch hiện nay. Trong đó, Phật giáo là yếu tố cốt lõi trong hình thành và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa, tín ngưỡng. Các hoạt động du lịch gắn với Phật giáo phát triển tại các chùa và các cơ sở thờ tự Phật giáo như thiền viện, tu viện, tịnh xá, am,… Sản phẩm du lịch gắn với Phật giáo khá đa dạng như: tham quan vãn cảnh, hành hương – tâm linh, các hành trình tâm linh, theo dấu các danh nhân trong lịch sử Phật giáo Việt Nam521, sinh hoạt tín ngưỡng (cầu bình an, cầu tài, cầu lộc…), trải nghiệm các khóa tu nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ; du lịch thiền (du lịch Zen522) để thư giãn tâm hồn,…

Trong các tour, tuyến du lịch văn hóa, tín ngưỡng thì hoạt động du lịch gắn với Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng, là đối tượng chính trong hình thành sản phẩm du lịch chuyên đề hành hương, trải nghiệm tín ngưỡng tại các ngôi chùa, đặc biệt với các ngôi chùa có quy mô lớn; hình thành điểm tham quan, điểm dừng chân gắn với không gian chùa.

Tư tưởng nhập thế của Phật giáo Việt Nam tạo ra những đặc trưng về văn hóa lịch sử của dân tộc, góp phần xây dựng hệ thống đạo đức và chuẩn mực xã hội con người, hơn thế nữa là thay đổi tư duy, giá trị cốt lõi trong phát triển kinh tế. Điều này được minh chứng thông qua hoạt động du lịch văn hóa, tín ngưỡng, các chùa trở thành địa điểm du lịch – dịch vụ (thu từ các hoạt động bán hàng, vận tải, ăn uống, …), vừa là địa điểm tín ngưỡng (thu từ tiền công đức, quyên góp, tài trợ, …). Như vậy, Phật giáo có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch văn hóa tâm linh – tín ngưỡng.

Ở phía ngược lại, tác động của du lịch cũng góp phần tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo trong bối cảnh hiện nay. Điều này thể hiện qua sự hình thành hệ thống chùa chiền, các cơ sở thực hành tín ngưỡng, trong đó kết hợp với các sản phẩm du lịch và dich vụ. Theo số liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, năm 2007 cả nước có 14.755 ngôi chùa và đến năm 2020 tăng lên đến 18.491 ngôi chùa. Trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng và đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thúc đẩy mạnh mẽ ngành du lịch, điển hình chùa Hương Sơn (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Bà Đen (Tây Ninh), …

Như vậy, có thể khẳng định rằng Phật giáo trở thành nhân tố chủ đạo trong phát triển du lịch văn hóa, tín ngưỡng ở Việt Nam.

3. Một số vấn đề trong phát triển hệ thống chùa gắn với bối cảnh du lịch hiện nay

Cùng sự phát triển của du lịch hiện nay, Phật giáo ngày càng hưng thịnh ở Việt Nam, việc đầu tư vào du lịch gắn với các cơ sở thờ tự được đẩy mạnh, trở thành một xu thế phổ biến, thể hiện qua sự ra đời, phát triển nhanh của các điểm du lịch tâm linh, tín ngưỡng trên khắp cả nước. Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố tích cực, đã xuất hiện những mặt tiêu cực đáng chú ý:

– Thương mại hóa các giá trị tín ngưỡng: Sự xuất hiện thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội tại một số chùa chiền; lợi dụng thực hành tín ngưỡng để trục lợi; dâng sao giải hạn; mê tín dị đoan; kinh doanh hàng hóa không phù hợp… Các hiện tượng trên làm giảm giá trị, tính thiêng liêng của Phật giáo, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam.

– Các tiêu cực liên quan đến đời sống tín ngưỡng: Phát sinh từ hiện tượng tràn lan hòm công đức, hoạt động sản xuất nông nghiệp, quá trình đô thị hóa, sinh hoạt dân cư,… ảnh hưởng tới không gian chùa, đặc biệt đối với các di tích lịch sử văn hóa.

– Các tiêu cực liên quan đến du lịch: Xảy ra các hiện tượng bán hàng rong, chèo kéo, chặt chém khách du lịch, dịch vụ đổi tiền lẻ, chở khách quá quy định, mất vệ sinh an toàn thực phẩm; ý thức thiếu trách nhiệm du khách trong bảo vệ môi trường cảnh quan (xả rác bừa bãi, xâm hại cảnh quan di tích, rải tiền lẻ …)

– Sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng trong hệ thống chùa chiền, đặc biệt hệ thống di tích lịch sử -văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có niên đại lâu đời, trong đó có một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp (Bắc Ninh), chùa Thầy (Hà Nội), chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình)… Đây là những ngôi chùa có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc…, tuy nhiên việc đầu tư nâng cấp, tu bổ, tôn tạo… còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính do những quy định nghiêm ngặt đối với di tích đã gây ra những khó khăn trong việc huy động các nguồn lực cho tu bổ, tôn tạo. Bên cạnh đó một số ngôi chùa được công nhận di tích chưa được lập quy hoạch hoặc lập dự án đầu tư để có cơ sở pháp lý đầu tư tu bổ, tôn tạo.

Để khắc phục các mặt tiêu cực đã được trình bày ở trên, xin được đề xuất một số giải pháp sau:

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân, giáo dục công tác quản lý nhà nước về vấn đề tôn giáo, không để xảy các hiện tượng tôn giáo trái với thuần phong mỹ tục; thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các chùa theo quy định pháp luật của nhà nước; tăng cường sự phối hợp để phân định rõ ràng trách nhiệm các ngành khi quản lý các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn; giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm những biểu hiện thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng.

– Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các chùa, các cơ sở thờ tự Phật giáo, khuyến khích đặt hòm công đức ở vị trí thích hợp. Cần có quy định quản lý các hoạt động xung quanh ảnh hưởng đến không gian chùa. Đối với các chùa là di tích được xếp hạng, cần được quản lý nghiêm theo Luật Di sản văn hóa, tránh các hoạt động xâm hại di tích.

– Thực hiện du lịch có trách nhiệm tại các chùa chiền, cơ sở thờ tự Phật giáo. Tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm của khách du lịch, khách hành hương khi đến tham quan, chiêm bái. Bổ sung các bảng biển quy định về bảo vệ môi trường, cảnh quan chùa được đặt ở vị trí phù hợp. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần ký cam kết về niêm yết giá công khai, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vận chuyển khách du lịch, không chở người quá số quy định, có thái độ văn minh, lịch sự đối với du khách.

– Kêu gọi các tổ chức, đơn vị tài trợ, cá nhân trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống chùa chiền. Đối với các chùa là di tích cần ban hành chính sách về hỗ trợ đầu tư tu bổ di tích; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư các hạng mục phát huy giá trị di tích; cùng với đó nghiên cứu, đề xuất cơ chế, ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư các hạng mục công trình trong di tích./.

 

 

 

_Chú thích:

518. Dự thảo Báo cáo quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

519. https:// ninhbinh.gov.vn

520. Dự thảo Thuyết minh Nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

521. Một ví dụ: là sản phẩm du lịch Hành trình tâm linh – Theo dấu Phật hoàng đang được triển khai ở khu vực Yên Tử (Bắc Giang và Quảng Ninh) đang thu hút được sự quan tâm rất lớn của khách du lịch.

522. Hình thức du lịch Zen đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia có truyền thống Phật giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. Ở Việt Nam, những năm gần đây, loại hình du lịch này cũng bắt đầu được chú ý và được đánh giá là có tiềm năng để thu hút khách quốc tế. Với bề dày văn hóa Phật giáo lâu đời, hiện nay, nhiều du khách Việt Nam, đặc biệt là cư dân của các thành phố lớn cũng đã có nhu cầu tham gia vào các hoạt động du lịch mang tính thiền này (https://dulichvietnam.com.vn/du-lich-zen-du-lich-thien-de-khai-sang-tam-hon.html).

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Lý lịch di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ pháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
  2. Dự thảo Thuyết minh Nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  3. Dự tháo Báo cáo quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  4. Các tài liệu khác