Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Giáo phẩm chứng minh, chủ trì Hội thảo, chư Tôn đức Tăng Ni.
Kính thưa quý vị lãnh đạo, thưa toàn thể Hội Nghị!
Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ đầu công nguyên và trở thành một tôn giáo của dân tộc. Trải qua suốt chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Theo đó, có mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, tinh thần dân tộc và đã có sự biến đổi cho phù hợp với đặc điểm đời sống tinh thần con người Việt. Phật giáo luôn đóng góp trong khối đoàn kết toàn dân tộc, trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, chung sức, đồng tâm xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời Phật giáo không chỉ khuyên con người dứt bỏ tham, sân, si, phát triển đức tính từ bi, hỷ xả, mà còn khuyên nhủ con người tránh những sai lầm có tính giáo điều,…. Đặc biệt, Phật giáo hôm nay đã có những biến đổi quan trọng theo hướng thích ứng với nhu cầu của nhân sinh, của xã hội hiện đại. Phật giáo Bình Dương ngày nay – chính là Phật giáo Sông Bé khi xưa, sau 40 năm hình thành và phát triển cũng không ngoài những giá trị trên.
Tại Tổ đình Hội Khánh linh thiêng này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo chào mừng 40 năm Thành lập Tỉnh Hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương (1983-2023), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước trước năm 1997 là một thành viên của Phật giáo Sông Bé, (Năm 1997, Tỉnh Sông Bé tách ra thành tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước), kế thừa những giá trị to lớn của Phật giáo tỉnh Sông Bé – Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước rất vinh dự được tham dự Hội thảo, xin được đóng góp bài tham luận cho Hội thảo với chủ đề: “Định hướng cho sự phát triển Phật giáo Bình Dương trong thời gian sắp tới”.
Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa quý đại biểu, thưa hội nghị.
Trải qua 40 năm hình thành, ổn định và phát triển của Phật giáo Sông Bé xưa – Nay là Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương. Kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của chư tiền bối hữu công. Những thành tựu mà Phật giáo Bình Dương qua 9 nhiệm kỳ đã để lại những giá trị to lớn đóng góp vào sự phát triển chung của GHPGVN. Bên cạnh, những thành tựu to lớn nổi bật ấy, để Phật giáo nói chung, Phật giáo Bình Dương nói riêng phát triển hơn nữa trong bối cảnh của xã hội hiện nay, trong xu thế phát triển của công nghệ 4.0, của thời đại kỷ nguyên số. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, sự giao tiếp của công chúng dường như không còn khoảng cách. Điều này nói lên sự giao thoa, tiếp nhận thông tin về văn hóa vô cùng phong phú. Nhưng mặt trái của nó là những thông tin cũ, mới nối tiếp chồng chéo, phức tạp cũng phần nào làm cho việc nhận thức trong văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam nói chung, ở Bình Dương nói riêng có khi lệch lạc do độ nhiễm của thông tin đem lại. Vì thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến nhân loại. Phật giáo cũng nằm trong dòng xoáy của truyền thông ấy. Trong “Ngũ minh pháp” của nhà Phật có nói đến công xảo minh, tức là việc sử dụng đúng những thành tựu công nghệ tiên tiến của nhân loại. Có thể nói, ngày nay trong thế kỷ XXI, cách thời Phật hơn 2.600 năm, không ngờ Tăng Ni chúng ta đang sống dưới thời đại quá nhiều “thần thông” do khoa học đem lại, trong đó internet và Mạng xã hội là một minh chứng. Nếu thiếu tỉnh thức trong việc sử dụng MXH cũng sẽ đem lại không ít chướng duyên đối với việc tu tập giải thoát và cũng là một vấn nạn thách thức lớn đối với Giáo hội các cấp trong công tác quản lý của ngành Tăng sự. Do vậy đời sống hiện nay, rất cần ứng dụng lời dạy của Đức Phật vào đời sống tu tập thường nhật, nên các cấp Giáo hội nói chung, Phật giáo Bình Dương nói riêng cần thường xuyên và tăng cường việc vận động – tuyên truyền Giáo dục ý thức đối với Tăng Ni, cách sử dụng MXH. Việc giáo dục tuyên truyền này cần được thường xuyên thực hiện từ tự viện gia giáo cho đến các buổi họp Tăng sự của Giáo hội Phật giáo cấp huyện, cấp tỉnh đến các trường Phật học từ sơ cấp, trung cấp cần đặc biệt quan tâm đào tạo việc “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý – Hoằng pháp thời đại mới”. Từ đó tạo cho các Tăng Ni có được một cái nhìn tổng thể và hiểu biết được những giá trị tích cực sử dụng mạng xã hội theo tinh thần chính niệm của người con Phật hướng đến “Tịnh Hóa công dân mạng”, góp phần xây dựng “ không gian mạng an toàn” là một nền tảng cần phải có trong việc phát triển bền vững hệ sinh thái số của nước nhà, góp phần quan trọng tích cực và hiệu quả cho việc giáo dục thanh thiếu niên, tạo nên một môi trường học tập lành mạnh, học tập mọi lúc mọi nơi thông qua chiếc điện thoại thông minh và thiết bị cầm tay.
Bên cạnh đó, cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội để Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Bình Dương nói riêng nâng cao hiệu quả Hoằng pháp. Trong quá trình phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo cùng những ứng dụng của nó trong đời sống xã hội, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ và làm thay đổi sự phát triển kinh tế, xã hội của tất cả các nước trên thế giới, dù đang ở trình độ phát triển nào. Đứng trước thách thức kỷ nguyên 4.0, Phật giáo Bình Dương nên cố gắng và có những bước phát triển nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục Phật học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đây cũng là những khó khăn, thách thức của các Tăng Ni trụ trì đối với công việc Hoằng pháp online, triển khai các khóa lễ cúng online,…. Song song đó, việc sử dụng công nghệ 4.0 đối với các Tăng-Ni trụ trì cũng cần phải hết sức cẩn trọng. Theo tinh thần của Phật giáo: “Phương tiện trí tuệ huyền xảo” khi sử dụng các phương tiện truyền thông như một phương tiện Hoằng pháp các Tăng-Ni trụ trì cần phải sáng suốt, tránh đưa những thông tin sai lệch, hạn chế dùng các phương tiện không có lợi ích cho việc hoằng pháp, giữ hình ảnh bản thân nói riêng và Phật giáo Bình Dương nói chung. Luôn luôn giữ vững tinh thần hòa nhập với công cuộc đổi mới của xã hội nhưng “Hòa” mà không “Tan”.
Bên cạnh đó, Công tác lãnh đạo, hành chánh và quản lý của Phật giáo cũng cần được quan tâm, vì đây là công tác đặc biệt quan trọng. Để lãnh đạo, điều hành và quản lý bất kỳ một tổ chức nào được suôn sẻ cũng là vấn đề nhức nhối của cá nhân và tập thể. Đơn cử, một vị trụ trì một cơ sở tự viện thì đã phải đảm nhiệm tất cả các vai trò thu nhỏ của các Ban, ngành, viện TW GHPGVN (từ Giáo dục, Hoằng Pháp, Từ thiện, Nghi lễ,…), nên muốn làm được tốt chức năng và nhiệm vụ của mình là điều rất khó, phải có một sự điều chỉnh, một kế hoạch trong đó phải phác họa được nội dung, chương trình,…cụ thể. Vấn đề huấn luyện, tổ chức, bố trí và sử dụng nhân lực, tiềm năng con người là cực kỳ quan trọng, là điều kiện tiên quyết quyết định thành tựu mọi tổ chức, tập thể từ ngoài đời cho đến trong Đạo. Nên đặt niềm tin thế hệ trẻ, cho họ có cơ hội để được uốn nắn, thử nghiệm và phục vụ, phát huy khả năng của họ. Kinh nghiệm và uy đức của chư Tôn Đức cao niên phối hợp với sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình, kỹ thuật và hiện đại của thế hệ trẻ, nếu bổ sung phối hợp hài hòa với nhau sẽ mang đến hiệu quả tốt trong sinh hoạt Phật sự. Nếu không biết khai thác sử dụng thì một cách tự nhiên, họ sẽ bỏ ra đi tìm nơi khác để sinh hoạt, tôn giáo khác để nương nhờ.
Kế đến, là thay đổi tính chất và nội dung sinh hoạt trong các cơ sở thờ tự: Tất nhiên là tính chất tùy duyên bất biến rất quan trọng trong Phật giáo. Tuy nhiên, không để xảy ra trường hợp tùy duyên mà biến chất. Hãy luôn cân nhắc đối chiếu tính chất sinh hoạt của Tịnh xá ngày xưa, mô hình Tăng già thời Đức Phật để áp dụng và mở rộng vai trò của cơ sở tự viện Phật giáo và vai trò của người tu sỹ. Những công việc mê rín dị đoan không nên chiếm quá nhiều thời gian, công sức khiến quần chúng hiểu lầm vai trò tu sỹ, như vậy làm sao chuyên tâm trau giồi Giới – Định – Tuệ và Bát Chánh Đạo? Những sinh hoạt nặng nề, hình thức do ảnh hưởng phong tục dân gian nên chỉnh sửa lại để sinh hoạt thiền môn thanh thoát, nhẹ nhàng, mang chất liệu thoát tục, giải thoát. Ngôi chùa không phải là cái đình, cái miễu, cũng không phải là viện bảo tàng hay nhà quàng, nhà tang chế mà là nơi đạo tràng tu học. Không thể sa đà với thời gian, công sức và số lượng đầu tư cho những việc mang tính “phương tiện” tự nhiên dần dà trở thành cứu cánh và là công việc chính của người tu, chùa chiền,… Các tự viện chấp nhận nếp sống thiểu dục tri túc, không phải vì chiều chuộng, chạy theo thị hiếu, yêu cầu của người Phật tử mà không giữ vững lập trường, đánh mất đi chất tinh túy và bản sắc tốt đẹp của Phật giáo mà cần giải thích và hướng dẫn cho họ hiểu, tiến hành các sự việc theo nghi thức Phật giáo đúng hơn.
Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa Hội nghị.
Tỉnh Bình Dương là một tỉnh mà Phật giáo được ưu ái phát triển mạnh, nơi Tổ đình Hội Khánh đã từng được Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lưu trú và để lại những dấu ấn tốt đẹp. Tăng Ni trong tỉnh nhờ sự điều hành, vận dụng khéo léo của chư Tôn đức lãnh đạo nên luôn hòa hợp trong tinh thần lục hòa cộng trụ, tạo nên những thành tựu to lớn trong 40 năm qua. Chính vì thế, việc hoằng dương chánh pháp trong thời đại kỷ nguyên số, việc quản lý, điều hành các cơ sở tự viện, nguồn nhân lực cho Giáo hội là chuyện không phải của cá nhân bất kỳ một vị lãnh đạo nào, mà đó là chuyện của tất cả đại chúng, để Phật giáo Bình Dương mãi trường tồn, phát triển và mang đến những lợi lạc cho nhân sinh.
Trên đây là một số đóng góp thô thiển tại Hội thảo về Định hướng cho sự phát triển Phật giáo Bình Dương nói riêng, GHPGVN nói chung trong thời gian sắp tới. Tri ân chư Tôn đức và quý đại biểu đã lắng nghe.
Kính chúc Hội thảo được thành công tốt đẹp.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát Ma ha tát.