Cách nay đúng 40 năm, Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc thành công mỹ mãn và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo Việt Nam, ghi đậm nét son vàng trên trang sử Phật giáo nước nhà thời hiện đại, điều này thể hiện trọn vẹn sứ mạng thống nhất các Giáo hội, các tổ chức Hội và các Hệ phái Phật giáo trong cả nước quy về một mối.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời trên tinh thần hợp nhất 092 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước thành một Giáo hội Phật giáo duy nhất, đáp ứng nguyện vọng của Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và củng cố cơ sở Giáo hội, kể từ đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới sự chứng minh của chư tôn túc giáo phẩm trong Hội đồng Chứng minh và sự lãnh đạo điều hành công tác Phật sự của chư tôn giáo phẩm trong Hội đồng Trị sự, đã lèo lái con thuyền Phật giáo Việt Nam vượt qua bao khó khăn thách thức, làm kim chỉ nam cho toàn thể Phật giáo đồ vững bước trên con đường đạo pháp, đóng góp công sức vì lợi ích dân tộc.
Tại Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 07 đến này 08 tháng 11 năm 1981 tại Thủ đô Hà Nội (Nhà văn hóa Việt – Xô), Hòa thượng Thích Trí Tấn, trụ trì Tổ đình chùa Hưng Long (Sông Bé), Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam làm Trưởng đoàn tham dự Đại hội. Ngoài cương vị là Trưởng đoàn của đoàn đại biểu Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, ngài còn đóng một vai trò rất quan trọng là bậc lãnh đạo của Phật giáo tỉnh Sông Bé từ đó cho đến ngày ngài viên tịch, đáng chú ý là lúc bấy giờ toàn tỉnh Sông Bé duy nhất chỉ có Hòa thượng Thích Trí Tấn tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, nhưng lúc đó ngài là đại diện cho hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, chứ không phải đại diện cho Phật giáo tỉnh Sông Bé, sở dĩ như vậy vì vào thời điểm này, các tỉnh thành vẫn chưa có Ban Trị sự hay Ban Đại diện chính thức.
Nói như vậy để chúng ta xác định cương vị của Hòa thượng Thích Trí Tấn tại Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc là Trưởng đoàn của đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, mà như chúng ta đã biết, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cũng là một tổ chức hệ phái hình thành và phát triển mạnh mẽ trong sinh hoạt đạo pháp trên mảnh đất Sông Bé – Bình Dương, hầu hết chư tôn đức giáo phẩm của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương từ ngày thành lập, qua 10 nhiệm kỳ trải dài trong suốt 40 năm, đều xuất thân từ hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, do đó trên tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, nhân lễ kỷ niệm “40 năm Phật giáo Sông Bé – Bình Dương” và Hội thảo Khoa học chủ đề “Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, 40 năm – một chặng đường lịch sử, hình thành, ổn định và phát triển” do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức ngày hôm nay, trước hết, cùng với việc tưởng nhớ và tôn vinh công hạnh của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn là một bậc tiền bối chân tu thạc đức và giàu lòng yêu nước, thì thiết nghĩ chúng ta không thể không ôn lại đôi nét về lịch sử ra đời của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử.
Nhìn lại bối cảnh Phật giáo tại miền Nam từ năn 1963 trở đi đến trước năm 1975 luôn tiềm ẩn nhiều sự bất ổn, thứ nhất là do nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị phân hóa thành hai khối là khối Việt Nam Quốc Tự và khối Ấn Quang, tuy khối Ấn Quang vẫn giữ nguyên tổ chức cơ cấu thành phần trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nhưng lại bất đồng quan điểm về bố trí nhân sự trong Viện Hóa Đạo, đồng thời trước sự ra đi đột ngột của Hòa thượng Thích Thiện Hoa dẫn đến việc một số tổ chức như Phật giáo Nam Tông, Phật giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Nam Việt… rút khỏi Giáo hội, sự thể này khiến cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất suy yếu và không còn khả năng lãnh đạo các phong trào đấu tranh của Phật giáo, bên cạnh đó chính quyền Sài Gòn từ sau năm 1968 trở đi tăng cường đánh phá các trung tâm Phật giáo thân kháng chiến, trước tình hình khó khăn với những diễn biến phức tạp, nhằm để tránh danh xưng Lục Hòa Tăng, một tổ chức Phật giáo yêu nước luôn bị chính quyền Sài Gòn theo dõi, nên đầu năm 1969 (Kỷ Dậu), chư tôn đức Hòa thượng Minh Đức, Huệ Thành, Thành Đạo, Bửu Ý, Trí Tấn đã tiến hành đại hội tại chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) để hợp nhất hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam với một Hiến chương hoạt động cụ thể được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ do Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn. Theo Hiến chương thời đó thì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thành lập hai viện là Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo; Viện Tăng thống Đại hội đã cung thỉnh Hòa thượng Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền) làm Tăng thống, Hòa thượng Minh Thành (chùa Long Vân) làm Phó Tăng thống và Hòa thượng Thích Trí Tấn, trụ trì Tổ đình chùa Hưng Long làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống. Và trên cương vị này, Hòa thượng Thích Trí Tấn đã đại diện cho hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam (tức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam theo tên gọi trên văn bản hành chánh) tham dự Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội vào năm 1981 với tư cách là Trưởng đoàn.
Đồng thời ở đây chúng ta cũng nên biết là khi nói đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, chúng ta cũng có thể hiểu Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam chính là hậu thân của Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ (1947) và có nguồn gốc sâu xa từ Hội Lục Hòa Liên Xã (1922), chính từ sự kế thừa này mà hành trạng của Hòa thượng Thích Trí Tấn luôn mang đậm dấu ấn của một bậc chân tu giàu lòng yêu nước, được thể hiện rất cụ thể bằng những đóng góp to lớn qua nhiều thời kỳ khác nhau trong suốt chặng đường dài mà ngài đã cống hiến thật trọn vẹn cho đạo pháp và dân tộc.
Nói về những đóng góp của Hòa thượng Thích Trí Tấn cho dân tộc, ở đây chúng tôi chỉ trình bày vắn tắc về một số sự kiện nổi bậc, điển hình như vào năm 1945, Hòa thượngThích Trí Tấn là Tổng Thư ký Phật giáo cứu quốc miền Đông Nam bộ, ngài đã động viên 04 Tăng sĩ trong chùa Hưng Long tham gia kháng chiến chống Pháp và đều đã hy sinh năm 1947; năm 1946, Hòa thượng tham gia treo cờ cách mạng tại chùa Long Thắng chào mừng sự kiện Hồ Chủ Tịch ký Hiệp ước tại Paris ngày 14 tháng 09 năm 1946; đến năm 1947 Hòa thượng đã thiêu hủy chùa Hưng Long nhằm hưởng ứng phong trào tiêu thổ kháng chiến làm chậm đà tiến quân và làm mất chỗ dựa của thực dân Pháp trên đà xâm chiếm nước ta. Từ năm 1975 đến năm 1983, Hòa thượng là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Uyên; từ năm 1983 đến năm 1995, Hòa thượng là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé…
Nói về những đóng góp của Hòa thượng Thích Trí Tấn cho đạo pháp một cách tổng quát thì vào năm 1981, Hòa thượng Trí Tấn được Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng suy cử làm Trưởng phái đoàn, đi tham dự Hôi nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội, cũng trong đại hội lần này Hòa thượng được suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1983, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ nhất, Hòa thượng được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé, đặc biệt là suốt trong bốn nhiệm kỳ, từ năm 1983 đến năm 1994, Hòa thượng đều được chư tôn đức giáo phẩm và Tăng Ni Phật tử tín nhiệm suy cử ngài làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội, trong khoảng thời gian này, Hòa thượng đã tổ chức được ba Đại giới đàn và ngài làm Hòa thượng đàn đầu để tiếp dẫn hậu lai, dìu dắt Tăng Ni giữ gìn giềng mối Phật pháp và tiến tu đạo nghiệp. Đặc biệt, trong kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 3 diễn ra vào tháng 11 năm 1992, Hòa thượng vinh dự được chư tôn đức giáo phẩm trong hai Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự suy cử làm Chủ tọa cho phiên họp để bầu Ban Thường trực của cả hai hội đồng.
Nay xin nói rõ một chi tiết hơn về sự đóng góp của Hòa thượng Thích Trí Tấn cho Phật giáo Sông Bé – Bình Dương qua 4 nhiệm kỳ ngài làm Trưởng Ban Trị sự như sau:
– Cống hiến của Hòa thượng Thích Trí Tấn cho Phật giáo Sông Bé – Nhiệm kỳ I (1983 – 1987): Trong giai đoạn đầu này, Ban Trị sự Tỉnh hội đưới sự lãnh đạo điều hành sáng suốt của Hòa thượng Trí Tấn, ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối Giáo hội với chính quyền nhằm giải quyết một số nhiệm vụ cấp thời đem lại nguyện vọng chánh đáng cho Tăng Ni và tự viện, ngài đã chỉ đạo các thành viên trong Ban Thường trực thống kê cơ sở tự viện và Tăng Ni trong tỉnh, hiệp thương nhân sự thành lập các Ban Đại diện Phật giáo huyện, thị ở phía Nam địa bàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ này, Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Sông Bé dưới sự điều hành của Hòa thượng Trí Tấn tiếp tục triển khai thành lập các Ban Đại diện cấp Huyện, cụ thể vào ngày 03 tháng 4 năm 1985, Ban Đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên làm lễ ra mắt tại chùa Long Ân; đến tháng 10 năm 1985, một hội nghị được tổ chức tại văn phòng Mặt trận Tổ quốc huyện Tân Uyên, Tăng Ni trong huyện đã biểu quyết bổ sung Đại đức Thích Huệ Thông làm Thư ký trong Ban Đại diện.
– Cống hiến của Hòa thượng Thích Trí Tấn cho Phật giáo Sông Bé – Nhiệm kỳ II (1987 – 1991): Nhờ sự chỉ đạo và quan tâm đến hàng hậu hậu trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, trong nhiệm kỳ này, Hòa thượng Thích Trí Tấn đã tổ chức được hai giới đàn, giới đàn phương trượng thứ 1 được tổ chức vào ngày 12 tháng 07 âm lịch (tức ngày 23 tháng 08 năm 1988) tại Tổ đình Hội Khánh, do ngài làm Hòa thượng Đàn đầu. Và Giới đàn lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng 07 âm lịch (1990) tại Tổ đình Hội Khánh, cũng do ngài làm Hòa thượng đàn đầu. Đặc biệt cũng trong nhiệm kỳ này Hòa thượng Thích Trí Tấn đã đồng ý cho mở trường hạ an cư cấm túc, từ sự chỉ đạo của Hòa thượng nên khóa an cư cấm túc đầu tiên của Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé được tổ chức tại Tổ đình Hội Khánh có 18 vị Tăng tham gia nhập hạ cấm túc và 20 vị Ni an cư cấm túc tại chùa Giác Nguyên, như vậy kể từ ngày thành lập Giáo hội, thì đây là mùa kiết hạ cấm túc đầu tiên của Phật giáo Sông Bé (Bình Dương) dưới sự chỉ đạo chung của Hòa thượng Thích Trí Tấn và sự thừa hành Phật sự rất năng nỗ của Đại đức Thích Huệ Thông trong thời kỳ an cư cấm túc đầu tiên này của Tỉnh hội.
– Cống hiến của Hòa thượng Thích Trí Tấn cho Phật giáo Sông Bé – Nhiệm kỳ III (1991 – 1994): Trong nhiệm kỳ này, Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé dưới sự lãnh đạo và quan hệ rất tốt của ngài với chính quyền địa phương, đã can thiệp xin lại hai ngôi chùa mà sau ngày giải phóng chính quyền địa phương trưng dụng, đó là chùa Phước Lâm (Tân Uyên) và chùa Hưng Long (Chơn Thành – Bình Long)…
– Cống hiến của Hòa thượng Thích Trí Tấn cho Phật giáo Sông Bé – Nhiệm kỳ IV (1994 – 1997): Trong khoảng thời gian này, Hòa thượng Thích Trí Tấn bệnh yếu nên ngài chỉ đạo tổng quát để cho chư tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội thay mặt điều hành, trong khoảng thời gian này, luôn có sự đóng góp công sức rất lớn của nhị vị giáo phẩm là Hòa thượng Thích Minh Thiện và Hòa thượng Thích Huệ Thông đã làm cho Phật giáo Sông Bé – Bình Dương ngày càng thêm khởi sắc…
Nay công tâm mà nói thì kể từ sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào năm 1981 và Đại hội Phật giáo tỉnh Sông Bé Nhiệm kỳ I với sự ra đời của Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé vào năm 1983, Hòa thượng Thích Trí Tấn đã trải qua 4 nhiệm kỳ liên tục làm Trưởng Ban Trị sự, điều này nói lên sự tin tưởng của chính quyền tỉnh đối với nền tảng đạo đức và năng lực lãnh đạo điều hành Tỉnh hội của Hòa thượng Thích Trí Tấn, đồng thời cũng nói lên đức hạnh và uy tín của ngài đối với toàn thể Tăng Ni Phật tử trong tỉnh, nhất là vai trò lãnh đạo và sự đóng góp công sức rất lớn của Hòa thượng Thích Trí Tấn đối với Phật giáo Sông Bé – Bình Dương trong suốt quảng thời gian trải dài trên hai thập kỷ cho đến ngày ngài viên tịch… Ngày nay ôn lại 40 năm hình thành, ổn định và phát triển của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, chúng ta sẽ thấy trong giai đoạn đầu từ Nhiệm kỳ I (1983-1987) đến Nhiệm kỳ IV (1994- 1997), trên cương vị Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội, Hòa thượng Thích Trí Tấn đã góp phần to lớn trong việc hình thành cơ cấu nhân sự tạo thế ổn định cho sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử trong tỉnh, có thể nói đây là nền tảng rất cơ bản và vô cùng quý giá để thế hệ kế thừa tiếp tục phát huy, đóng góp cho sự xương minh của Phật giáo tỉnh nhà. Qua đó có thể khẳng định thành tựu 40 năm của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương bên cạnh sự đồng tâm hiệp lực, tinh tấn tu tập của Tăng Ni và sự đồng thuận của tín đồ Phật giáo, thì còn có sự chỉ đạo sâu sắc của chư tôn đức giáo phẩm trong Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé giai đoạn đầu và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn sau này, đặc biệt là sự dưới sự lãnh đạo điều hành của Hòa thượng Thích Trí Tấn trong suốt 4 nhiệm kỳ đầu mà ngài làm Trưởng Ban Trị sự, có thể nói đây chính là tài sản vô hình nhưng rất thiêng liêng quý giá mà Hòa thượng Thích Trí Tấn đã để lại cho Phật giáo Bình Dương trong muôn một./.
_Chú thích:
1. Uỷ viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương
2. Giáo hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc yêu nước Phật giáo TP.HCM, Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Thiên Thai Giáo Quán Tông và Hội Phật học Nam Việt.