1. Đặt vấn đề
Ngày 16/4/2023, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương. Đây là một sự kiện rất quan trọng, một mốc son đúc kết lịch sử hình thành, xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển nâng cao vai trò, vị thế của GHPGVN tỉnh Bình Dương trong thời kỳ đương đại.
Như chúng ta biết, Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên và đã trở thành một tôn giáo của dân tộc bởi những giá trị triết lý về đạo đức, mang tính nhân văn gắn liền với tâm hồn của người dân Việt. Trong dòng chảy lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành, gắn bó sắt son với dân tộc Việt Nam qua từng giai đoạn thăng trầm. So với chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam hơn 4000 năm và trên dưới 2000 năm kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta thì 40 năm là một quãng thời gian vô cùng ngắn ngủi, nhưng với lịch sử của tỉnh Sông Bé – Bình Dương, so với thời gian trụ thế của mỗi một con người, thì 40 năm là một chặng đường đầy ý nghĩa đối với tổ chức giáo hội và tăng ni, phật tử tỉnh nhà.
Thuộc miền Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương hiện nay có diện tích 2.694,42km2, dân số hơn 2,5 triệu người (trong đó 52% là người dân từ các tỉnh đến làm ăn sinh sống) phân bố ở 91 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Năm 1997, sau khi tái lập, tỉnh Bình Dương có 5 tôn giáo hoạt động (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và Hồi giáo) với 243 cơ sở thờ tự, 710 chức sắc, tu sĩ và 91.000 tín đồ trên tổng số dân khoảng 700.000, chiếm 13% dân số toàn tỉnh. Phật giáo khi đó có 175 cơ sở tự viện, 338 chức sắc, tu sĩ và khoảng 37.000 tín đồ (chiếm 5,3% dân số). Đến tháng 4/2023, trên địa bàn tỉnh có sự hiện diện của 8 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Hòa hảo, Mặc môn) với 334 cơ sở, 1.347 chức sắc, nhà tu hành và 392.647 tín đồ chiếm 14,69 % dân số. So với các tôn giáo khác trong tỉnh, Phật giáo có số lượng tín đồ đông nhất (278.347 phật tử, chiếm 10,6% % dân số) với nhiều hệ phái: Bắc tông, Khất sĩ, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer; số cơ sở thờ tự nhiều nhất (207 tự viện, 04 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung); số chức sắc, nhà tu hành cũng nhiều nhất (758 vị).
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi mong muốn khái quát được quá trình hình thành và hoạt động của GHPGVN tỉnh Bình Dương với vai trò cá nhân tiêu biểu của những người đứng đầu tổ chức GHPGVN tỉnh kể từ khi thành lập giáo hội cho đến nay. Đó là những tấm gương sáng để các thế hệ lãnh đạo giáo hội sau này ở địa phương noi theo và tiếp bước khả úy hơn. Bên cạnh đó, bài viết cũng tập trung nêu được vai trò của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trong việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến, động viên tăng ni, phật tử hiểu rõ và tuân thủ pháp luật của Nhà nước nói chung, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng theo tinh thần thượng tôn pháp luật và nghiêm trì giới luật.
2. Những cánh chim đầu đàn của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương
GHPGVN tỉnh Sông Bé – Bình Dương từ khi thành lập đến nay đã trải qua 03 đời Trưởng Ban Trị sự, từ Hòa thượng (HT) Thích Trí Tấn (1983-1995) đến HT. Thích Minh Thiện (1996-2011) và HT. Thích Huệ Thông (từ 2012 đến nay). Đây cũng là các thế hệ lãnh đạo GHPGVN tỉnh qua 03 giai đoạn để lại dấu ấn và thành tựu tốt đẹp, với những phương thức lãnh đạo khác nhau nhưng Phật giáo Bình Dương đều có chung một dòng chảy, một xu hướng là đoàn kết hòa hợp, tăng trưởng mỗi ngày một cao hơn, sâu rộng và đi vào chất lượng bền vững hơn.
2.1 Những ngày đầu thành lập giáo hội và vai trò lèo lái phát triển tổ chức của trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn
Nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thể hiện một cách đầy đủ trong hiến chương GHPGVN: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng nghìn năm của Phật giáo Việt Nam”. Mùa xuân năm 1975 miền Nam được giải phóng, đất nước được độc lập thống nhất, đây là cơ duyên đoàn kết, quy tụ các tổ chức giáo hội, tổ chức hội, hệ phái để hình thành một ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam. Nguyện vọng đó đã trở thành hiện thực trong ngày khai mạc Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo năm 1981 tại Thủ đô Hà Nội, ra đời bản Hiến chương đầu tiên của GHPGVN. Sự ra đời của GHPGVN vào ngày 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội đã thể biện rõ tâm huyết của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp thống nhất GHPGVN, đây là một tiền đề quan trọng, đưa đến sự thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố. HT Thích Trí Tấn khi tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất đang giữ chức Tổng Thư ký Viện Tăng thống thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa tăng Việt Nam, người đóng vai trò quan trọng cho Phật giáo tỉnh Sông Bé sau này, được suy cử thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN khóa I.
Một sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo tỉnh Sông Bé là trong hai ngày 8- 9/1/1983, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Sông Bé được tổ chức tại tổ đình chùa Hội Khánh. Đại hội đã quy tụ tất cả các tổ chức hệ phái, tăng ni và cư sĩ tiêu biểu trong toàn tỉnh, đánh dấu sự thành công bước đầu của Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương, đó là sự thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong tỉnh thành một tổ chức Phật giáo duy nhất với tên gọi Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé. Đại hội đã suy cử được một Ban Trị sự gồm 15 vị đại diện tiểu biểu cho các tổ chức hệ phái Phật giáo tỉnh Sông Bé, do trưởng lão HT. Thích Trí Tấn làm Trưởng ban. Những ngày đầu sau Đại hội, dưới sự lãnh đạo của HT. Thích Trí Tấn, với sự hỗ trợ của chính quyền, đã mở ra cho Phật giáo tỉnh Sông Bé một trang lịch sử mới, trang lịch sử của sự đoàn kết, hòa hợp thống nhất cao để cùng nhau xây dựng một ngôi nhà chung Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé.
Bằng uy đức của mình, HT. Thích Trí Tấn cùng Ban Trị sự Tỉnh hội đã vận động, thuyết phục, lựa chọn những tăng ni, cư sĩ có đạo đức, tâm huyết để tiến hành hiệp thương, bổ nhiệm cho ra mắt Ban Đại diện Phật giáo 04 huyện, thị phía nam tỉnh Sông Bé và tiến hành thống kê sơ bộ số lượng tăng ni, cơ sở tự viện ở khu vực này. Cụ thể, Ban Đại diện Thị xã Thủ Dầu Một ngày 28/8/1984, huyện Thuận An ngày 31/11/1984, huyện Tân Uyên ngày 03/4/1985, huyện Bến Cát ngày 24/4/1986. Đến nhiệm kỳ III, HT. Thích Trí Tấn và Ban Trị sự Tỉnh hội tiếp tục hiệp thương nhân sự và cho ra mắt Ban Đại diện Phật giáo 05 huyện khu vực phía bắc tỉnh Sông Bé (Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Đồng Phú và Bù Đăng).
Có thể nói giai đoạn (1983-1995) trong 3 nhiệm kì lãnh đạo, điều hành giáo hội, từ những ngày đầu khó khăn, HT. Thích Trí Tấn bằng đức độ, sự tinh anh và khéo léo của mình đã cùng tập thể Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đoàn kết, quy tụ tăng ni, đồng bào phật tử và hoàn thành xuất sắc việc xây dựng hệ thống tổ chức GHPGVN tỉnh ở hai cấp: Ban Trị sự Tỉnh hội và 09 Ban Đại diện Phật giáo các huyện thị trong toàn tỉnh. Đây là nền tảng kiên cố, tạo tiền đề vững chắc để thế hệ kế thừa từng bước củng cố, phát huy và mở rộng tổ chức giáo hội. Đặc biệt, trong giai đoạn này, vào ngày 16/12/1992, Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh được thành lập. Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh ra đời đã có sự gắn kết chặt chẽ, phổ biến pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức giáo hội và tăng ni tạo thuận lợi trong công tác hành chính và hoạt động phật sự theo đúng quy định của pháp luật và Hiến chương của GHPGVN.
2.2 HT. Thích Minh Thiện kế thừa, tiếp tục ổn định và củng cố tổ chức giáo hội, mở rộng phạm vi các lĩnh vực hoạt động Phật sự
Tháng 12/1995, HT Thích Trí Tấn viên tịch để lại sự nghiệp hoằng dương chính pháp cho các vị có đạo hạnh và tâm huyết kế thừa. HT Thích Minh Thiện, Phó Ban Trị sự tỉnh được suy cử quyền Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội khóa IV (từ 1996). Ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Dương được tái lập và HT Thích Minh Thiện là Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương trong 03 nhiệm kỳ V (1997-2002), VI (2002-2007), VII (2007-2012).
Giai đoạn tiếp nối của HT. Thích Minh Thiện (từ 1996), đây là giai đoạn của sự phát triển mang tính kế thừa và cũng có thể khẳng định rằng ở giai đoạn này là sự kiện mở đầu mang tính lịch sử cho Phật giáo tỉnh Bình Dương. Với vai trò lãnh đạo, HT. Thích Minh Thiện đã kế thừa sự nghiệp để tiếp tục điều hành và hoàn thành nhiều hoạt động phật sự mang tính chất trọng đại của Phật giáo Bình Dương, thành tích chung đó có sự đóng góp tích cực của TT. Thích Huệ Thông, Phó Trưởng ban Thường trực lúc bấy giờ. Những thành tựu nổi bật như tổ chức Đại Giới đàn cho hàng ngàn tăng ni thọ giới, tổ chức thành công Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011, Đại lễ Phật đản tại Khu du lịch Đại Nam, thành lập Trường cơ bản Phật học (sau đổi tên là Trường Trung cấp Phật học Bình Dương) năm 1995 và đặc biệt là công tác từ thiện, xã hội mà HT. Thích Minh Thiện và Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa là những đại diện tiêu biểu trong công tác này. HT. Thích Minh Thiện rất siêng năng trong công tác từ thiện, xã hội và là tấm gương nhiệt huyết, đầu tàu quy tụ, khích lệ tăng ni, phật tử phát huy tinh thần từ bi, cứu khổ ban vui làm đà đẩy mạnh phong trào từ thiện, xã hội tích cực trong Phật giáo Bình Dương cho đến ngày nay.
Về mặt tổ chức, HT. Thích Minh Thiện chủ trương thành lập thêm một số tiểu ban chuyên ngành trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh như: Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Nghi lễ, Tài chính, Từ thiện xã Hội và Hướng dẫn Gia đình Phật tử… Các tiểu ban này trong hoạt động đã phát huy được vai trò, chức năng của mình góp phần làm cho công tác phật sự của Phật giáo tỉnh và các địa phương ngày càng đi vào nhiều lĩnh vực phong phú, thiết thực, hiệu quả theo phương châm đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, HT. Thích Minh Thiện tiếp tục quan tâm củng cố nhân sự Ban Đại diện Phật giáo các huyện, thị đảm bảo có đức hạnh, năng lực trình độ và có tính kế thừa.
Trong giai đoạn này, Phật giáo tỉnh cũng tập trung nhiều vào việc nghiên cứu, phát triển văn hóa, nghệ thuật Phật giáo, cho ra đời nhiều đầu sách, nhiều công trình nghiên cứu công phu; việc trùng tu, xây dựng các cơ sở tự viện và các công trình văn hóa lớn như Tượng Phật nhập Niết bàn và bảo tháp chùa Hội Khánh, tôn tạo chùa núi Châu Thới, tượng Phật A Di đà chùa Đức Hòa, khởi động xây dựng chùa Hội An thành phố mới Bình Dương… Toàn tỉnh đã có 06 ngôi chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều cơ sở Phật giáo được trùng tu, tôn tạo trở thành điểm thu hút khách du lịch đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc và địa phương.
Ngày 21/10/2011, do lâm trọng bệnh HT. Thích Minh Thiện đã viên tịch trong niềm kính tiếc của tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh. Cuộc đời của Hòa thượng là tấm gương tỏa sáng của một người chân tu đối với sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc.
2.3 HT. Thích Huệ Thông kế thừa, tiếp tục đoàn kết, quy tụ tăng ni, phật tử và phát huy vai trò, vị thế của Phật giáo Bình Dương lên tầm cao mới
Giai đoạn của HT. Thích Huệ Thông (từ 2012 đến nay) đã kế thừa và phát huy một cách có hiệu quả, nâng cao vị thế của Phật giáo Bình Dương lên tầm cao mới mang tính chất hội nhập và phát triển trên tinh thần kế thừa và phát huy “ruộng phước điền” của người đi trước đã để lại. Từ Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ VIII (2012) nhất trí cao suy cử HT. Thích Huệ Thông quyền Trưởng ban khóa VII làm Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh khóa VIII (2012-2017), đến các kỳ Đại hội Phật giáo tỉnh lần thứ IX, X đều tín nhiệm cao và suy cử Hòa thượng làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
HT. Thích Huệ Thông làm việc nghiêm túc, cẩn trọng nhưng với phong cách trẻ trung, năng động, uy tín và có trình độ đã vinh dự được Trung ương Giáo hội cơ cấu vào một vai trò rất quan trọng là Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Pháp chế TƯGH nhiệm kỳ IX (2022-2027). Và chính điều này đã giúp Hòa thượng có thêm những kinh nghiệm quan trọng hơn ở Trung ương, từ đó vững vàng để điều hành hoạt động Phật giáo của tỉnh nhà theo định hướng của GHPGVN một cách vững chắc và thuận lợi trên mọi phương diện. Có thể nói ở thời kỳ này HT. Thích Huệ Thông đã hoàn thành xuất sắc rất nhiều hoạt động phật sự quan trọng một cách trọn vẹn, toàn diện từ hành chánh, tổ chức giáo hội… cho đến Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Nghi lễ, đối ngoại quốc tế và đặc biệt là từ thiện xã hội (trong nhiệm kỳ VIII công tác từ thiện của Phật giáo tỉnh là 101,419,341,000 đồng; nhiệm kỳ IX là 334,804,365,000 đồng)… Sự thành tựu của Phật giáo Bình Dương chúng tôi có thể tạm nhận xét như sau: Phật giáo Bình Dương đi đúng hướng mà TƯGH đã đề ra. Đặc biệt là phát huy tinh thần đoàn kết và hòa hợp như lời của Đức Phật: “Ngày nào mà chư tỳ kheo còn ngồi lại với nhau trong tinh thần đoàn kết, bàn thảo với nhau trong tinh thần đoàn kết, và đứng lên giải tán trong tinh thần đoàn kết, thì ngày đó Đạo Phật vẫn còn hưng thịnh”. Tăng ni và đồng bào phật tử Bình Dương dưới sự lãnh đạo của HT. Thích Huệ Thông luôn có sự hài hòa, gần gũi, gắn bó trong giáo hội và với các tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền, đồng hành cùng địa phương trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, Hòa thượng có sự gắn kết chặt chẽ với lãnh đạo địa phương trong các mặt công tác phật sự nhất là về bảo đảm an sinh xã hội, giáo dục truyền thống, giữ gìn văn hóa dân tộc và phòng chống mê tín, dị đoan.
Qua dòng chảy lịch sử của 03 giai đoạn với 03 người lãnh đạo giáo hội Phật giáo ở Bình Dương đều có sự góp mặt tích cực, sự phối hợp hỗ trợ có hiệu quả của Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh và hiện nay là Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Bình Dương.
3. Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương tích cực hướng dẫn, phối hợp với GHPGVN tỉnh triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong tăng ni và phật tử
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là tuyên truyền phổ biến pháp luật Nhà nước nói chung và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng cho các tôn giáo; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và phát huy được đường hướng hành đạo tích cực, tiến bộ của từng tôn giáo. Từ khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời năm 2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đến nay, Sở Nội vụ, Ban Tôn giáotỉnh Bình Dương đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm đưa những nội dung của Luật, nghị định, các văn bản hướng dẫn liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đến vớicác tôn giáo trong đó có Phật giáo. Trên địa bàn tỉnh, Phật giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất so với các tôn giáo khác, do vậy ngoài các nội dung, chương trình chung về tuyên truyền phổ biến pháp luật, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương còn tăng cường các hoạt động phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhằm làm cho việc tiếp thu và thực hành pháp luật được tốt hơn trong Phật giáo tại địa phương.
Điều đáng ghi nhận về những cố gắng của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh là bên cạnh việc tiếp cận, lĩnh hội những nội dung của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành phổ biến còn có sự chủ động, nhạy bén triển khai trong Giáo hội từ tỉnh đến huyện, đến các cơ sở tự viện và đến mỗi phật tử, nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng và thực hiện tốt nhất các nội dung quy định của pháp luật.
Trong 6 năm từ 2017 đến 2023, các ngành, các cấp và các địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức được 212 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 199/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ và các văn bản liên quan. Tổng số đã có trên 37.200 lượt đại biểu cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham dự, trong đó có hơn 9.760 chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo. Riêng tăng ni có gần 6.100 lượt người dự. Ngoài ra, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo (Khóa an cư kiết hạ) với 3.200 lượt tăng ni tham dự.
Kết quả các hội nghị nói trên đã góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức về công tác tín ngưỡng, tôn giáo và vận dụng các điều khoản của Luật vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thông qua tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và chấp hành tốt các quy định của pháp luật, Phật giáo Bình Dương đã động viên được tăng, ni, phật tử phát huy tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân, đồng hành cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở ngay từng địa phương. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở chú trọng tăng cường công tác vận động quần chúng trong các tôn giáo, ngăn ngừa các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo nhằm thực hiện âm mưu chiến lược “Diễn biến hòa bình”, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động tôn giáo trái pháp luật và các hoạt động lợi dụng tôn giáo. Toàn dân nêu cao cảnh giác, đấu tranh với các phần tử đội lốt tôn giáo để lôi kéo, dụ dỗ quần chúng vào các hoạt động chống phá chính quyền, chống phá chế độ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
4. Phát huy tinh thần nhập thế, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với chính quyền địa phương
Nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, dựa trên tình hình thực tiễn tại địa phương, trong 10 kỳ Đại hội phật giáo tỉnh 40 năm qua, kể từ năm 1983 đến nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương khi xây dựng chương trình công tác Phật sự trong từng nhiệm kỳ đều chú trọng hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật. Điều đó cho thấy hầu hết chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo tin tưởng vào chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, cùng góp phần đưa tình hình sinh hoạt tôn giáo đi vào ổn định. Mối quan hệ tương giao đoàn kết giữa phật tử với tín đồ các tôn giáo khác và quần chúng khôngtheo đạo được củng cố trên cơ sở hướng đến chân thiện mỹ và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể địa phương, thường xuyên động viên đồng bào có đạo hăng hái tham gia các phong trào thi đua sản xuất, tích cực xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh công tác nhân đạo từ thiện, góp phần vào thành tựu chung của toàn tỉnh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Sự đồng thuận, năng động và nhạy bén của Giáo hội Phật giáo Bình Dương trong tuyên truyền phổ biến và thực thi pháp luật thể hiện trên một số điểm như sau:
– Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, cấp huyện cử người tham dự đầy đủ, đúng thành phần các hội nghị tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các nội dung về tín ngưỡng, tôn giáo do UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo tỉnh và các ngành, các cấp, các địa phương tổ chức. Trong các hội nghị này tăng, ni đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến, trao đổi một số vấn đề liên quan đến tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó, làm cầu nối chuyển tải những nội dung tiếp thu được tại hội nghị tới tín đồ phật tử các cơ sở tự viện và địa bàn mà tăng, ni được giao phụ trách. Trong sinh hoạt tôn giáo, xu hướng tuân thủluật pháp ngày càng thể hiện rõ. Đây cũng là một kênh hoằng pháp khá quan trọng và hữu hiệu của Phật giáo Bình Dương.
– Khi bế giảng mỗi khóa đào tạo tăng ni sinh tại Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đều đề xuất Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật hoặc tham gia nói chuyện chuyên đề, trao đổi, thuyết giảng những vấn đề Phật giáo cần quan tâm cho Ban Giám hiệu, giảng sư và tăng ni sinh. Trường Trung cấp Phật học tỉnh được thành lập từ năm 1995 đến nay, mặc dù có thời gian bị gián đoạn nhưng qua 5 khóa học, có thể nói hầu như 100% tăng ni sinh trước khi tốt nghiệp ra trường (bình quân 120 người/khóa) đều được nghiên cứu những nội dung cơ bản Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo vàđược lưu ý một số vấn đề của địa phương để ứng xử phù hợp trong thực tiễn hoạt động tu tập, làm phật sự.
– Trong 3 tháng An cư kiết hạ hàng năm, cứ 2-3 năm một lần, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh lại mở khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính cho trụ trì các cơ sở tự viện. Tại khóa bồi dưỡng này, các vị trụ trì sẽ được trang bị, cập nhật những kiến thức, kỹ năng về hành chính giáo hội, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tin học thời kỳ 4.0, các thủ tục hành chính trong xin cấp quyền sử dụng đất, xây dựng, sửa chữa cơ sở tự viện, thuyên chuyển địa bàn hoạt động tôn giáo, tổ chức cuộc lễ ngoài tự viện… Các kỳ bố tát trong mỗi mùa An cư kiết hạ, ngoài chương trình thuyết pháp của Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh có lồng ghép phổ biến các văn bản liên quan tín ngưỡng, tôn giáo mới ban hành, nhắc lại các văn bản cũ khi cần thiết; lồng ghép tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh. Bình quân mỗi kỳ bố tát có khoảng 650 – 700 lượt tăng, ni phật tử được tuyên truyền về những nội dung nêu trên. Các hoạt động này của giáo hội đều có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Ban Tôn giáo và UBMTTQ tỉnh.
– Trong các phiên họp định kỳ hàng tháng hay phiên họp bất thường bàn về các sự kiện lớn như: Hội thảo khoa học, Đại giới đàn, Đại lễ Phật đản, Đại lễ cầu siêu, Đại hội Giáo hội Phật giáo, Hội nghị sơ kết, tổng kết và nhiều sự kiện khác, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đều mời Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh đến dự, vừa thêm phần long trọng, động viên khích lệ tinh thần tăng ni, vừa giúp Ban Trị sự kịp thời nắm bắt và giải đáp vướng mắc liên quan pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
– Thực tiễn hoạt động tôn giáo trên địa bàn nảy sinh một số vấn đề còn lệch lạc như: thuyên chuyển tu sĩ Phật giáo chưa theo yêu cầu Phật sự của địa phương; giáo hội chưa nắm được số lượng tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện; có hiện tượng “cải gia vi tự”, giả tu, lợi dụng Phật giáo để trục lợi; tăng, ni cư trú không đăng ký, xây dựng không phép… Ban Trị sự tỉnh đã nhận thức được và đề ra nhiều giải pháp để hạn chế từng bước, tiến tới giải quyết căn bản một số tồn tại nêu trên như: tăng cường tuyên truyền vận động trong tôn giáo, siết chặt Phật chế và Nội quy Ban Tăng sự kể cả đề xuất một số đề tài khoa học công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề của Phật giáo một cách căn cơ.
Những kết quả trong quá trình triển khai phổ biến và thực hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp đáng kể của Giáo hội Phật giáo địa phương mà đứng đầu là Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh. Gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong đó gắn bó mật thiết với địa phương và Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo là chìa khóa để Phật giáo Bình Dương gặt hái những kết quả quan trọng, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương và ngày càng làm cho pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo đi sâu vào đời sống giáo hội cũng như đời sống mọi tăng, ni, phật tử tỉnh nhà.
5. Kết luận
Những năm qua, kể từ ngày thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé (ngày 8- 9/01/1983) đến nay là GHPGVN tỉnh Bình Dương, hoạt động của Phật giáo ở tỉnh Bình Dương cơ bản luôn ổn định, hầu hết tăng, ni, phật tử chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước và Hiến chương, Nội quy của giáo hội. Những người đứng đầu tổ chức giáo hội ở địa phương luôn là những cánh chim đầu đàn, gương mẫu chân tu, có sức lan tỏa, có ảnh hưởng lớn và biết quy tụ đoàn kết tăng ni, phật tử thống nhất về tư tưởng và hành động trong mọi phật sự diễn ra tại Bình Dương. Có được những người lãnh đạo xuất sắc như HT. Thích Trí Tấn, HT. Thích Minh Thiện và HT. Thích Huệ Thông là phước duyên, là niềm tự hào của Phật giáo Bình Dương.
Trong điều kiện đất nước ta đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, việc xây dựng pháp luật và chấp hành pháp luật có ý nghĩa quyết định thành công mục dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời năm 2016, có hiệu lực từ năm 2018 là sự kiện quan trọng đối với các tín ngưỡng, tôn giáo cũng như ngành Quản lý Nhà nước về tôn giáo. Nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh, các ngành các cấp trong hệ thống chính trị quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, làm cho cán bộ và Nhân dân đặc biệt là chức sắc các tôn giáo, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo có hiểu biết đúng về những quy định của pháp luật liên quan để hạn chế những vi phạm trong đời sống nói chung và trong hoạt động, sinh hoạt tôn giáo nói riêng. Trải qua hơn 5 năm triển khai, phổ biến, thi hành Luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đem lại những kết quả bước đầu đáng được ghi nhận. Trong quá trình ấy, Phật giáo tỉnh Bình Dương đã tiếp thu, triển khai thực hiện pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo có bài bản và đạt hiệu quả cao.
Có thể nói thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của chính quyền và giáo hội, Phật giáo tỉnh Bình Dương đã động viên cao độ được thần nhập thế, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc theo tinh thần thượng tôn pháp luật và nghiêm trì giới luật của tăng, ni, phật tử tỉnh nhà trong xây dựng Giáo hội Phật giáo Bình Dương ngày càng xương minh, quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh, thắm đậm nghĩa tình.
Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN tỉnh Sông Bé – Bình Dương, xin kính chúc tăng ni và phật tử tỉnh nhà tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu phật sự quan trọng hơn, to lớn và xuất sắc hơn, nổi bật hơn, xứng đáng là những người con Phật trong thời kỳ công nghệ 4.0; góp phần xứng đáng vào việc xây dựng Bình Dương là thành phố thông minh, nghĩa tình, là điểm đến và là nơi đáng sống của mỗi người./.
_ Chú thích:
* Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương, email: ducthinh63@gmail.com