Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Qua sử liệu, ta có thể khẳng định Phật giáo truyền vào Việt Nam bằng hai con đường: Một là con đường biển từ phương Nam Ấn Độ trực tiếp truyền sang. Hai là con đường bộ từ phương Bắc truyền xuống. Ngay từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã hòa mình với tín ngưỡng và văn hóa bản địa, hình thành nên nền Phật giáo dân tộc, Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó với dân tộc càng sâu sắc hơn. Lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, nhưng dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì hình ảnh của Phật giáo, của các vị Thiền sư, Pháp sư, Quốc sư, Phật tử đứng ra hộ trì đất nước đã trở nên rất gần gũi, thân quen với người dân. Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của Phật giáo Việt Nam hòa mình trong dòng chảy lịch sử dân tộc và cho đến thời đại hôm nay.
Ngày nay, dù sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có phát triển đến mức độ nào đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được tận gốc rễ khổ đau của nhân loại. Trong bối cảnh đó, Phật giáo đảm nhận vai trò chuyển hóa nỗi khổ niềm đau cho chúng sanh nên luôn phải thích nghi hòa hợp với thời đại, đáp ứng trong đời sống tâm linh cho nhân loại bằng giáo lý vô ngã và ánh sáng từ bi – trí huệ của Đức Thế Tôn.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 với phương châm: “ Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội ”. Nhận định về vai trò và những đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với cách mạng và dân tộc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong buổi tiếp Đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Phủ Chủ tịch: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo, từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc”.(Trích Sự Kiện đầu tiên trong Lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam)
Phật giáo Bình Dương có một bề dày lịch sử kể từ những năm tháng khai mở vùng đất phương nam. Phật giáo được du nhập vào Bình Dương khá sớm vào cuối thế kỉ XVII, có số lượng tín đồ đông nhất tỉnh. Dọc theo hai bờ sông Đồng Nai và lan sang các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh… khu vực Đông Nam Bộ bấy giờ đã là nơi đầu tiên, là bàn đạp đưa Phật giáo từ miền Trung du nhập vào Nam Bộ. Vào năm 1741, năm Cảnh Hưng thứ hai đời vua Lê Hiển Tôn, thiền sư Đại Ngạn, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37, đã đến lập am tranh tại vùng đất Thủ Dầu Một, dựng chùa Hội Khánh. Có thể cho rằng ba ngôi chùa cổ: Chùa Núi Châu Thới, Hưng Long và Hội Khánh là ba ngôi chùa đã đặt nền móng đầu tiên cho Phật giáo có điều kiện du nhập và phát triển vào tỉnh Bình Dương.
Từ sự ra đời của các hội mang tính chất yêu nước đầu thế kỉ XX, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Phật giáo Bình Dương, trong đó có cả Tăng Ni và phật tử đã hưởng ứng, tham gia vào Hội Phật giáo Cứu Quốc (1947) ở Thủ Dầu Một với hơn 40 ngôi chùa trong tỉnh do thiền sư Minh Tịnh làm chủ tịch. Cho đến trước ngày giải phóng đất nước, Phật giáo Bình Dương tồn tại nhiều giáo phái thuộc 3 hệ phái Bắc tông, Nam Tông, Khất sĩ: Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng và Lục Hoà Phật tử; Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu Hội; Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; Thiên Thai Giáo Quán Tông; Hội Phật học Việt Nam; Phật giáo Cổ Sơn Môn; Tịnh Độ Tông Việt Nam…
Giáo Hội Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương được thành lập ngày 8/1/1983 tại Tổ Đình Hội Khánh đứng đầu là Hòa Thượng Thích Trí Tấn và nhiều vị tôn túc khác. Trải qua 40 năm hoạt động, gần kề và song đôi với thời gian hoạt động của GHPGVN, tất cả những thành tựu của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng là không tách rời nhau. Vì tất cả mọi hoạt động Phật sự của Phật Giáo Bình Dương cũng chính là một phần thành tựu Phật sự của GHPGVN.
Bốn mươi năm qua, với sự lãnh đạo của cố nhị vị đại lão Hòa Thượng: Hòa Thượng Thích Trí Tấn, Trưởng BTS tỉnh giai đoạn 1984 – 1997, Hòa Thượng Thích Minh Thiện giai đoạn 1997-2011 và đặc biệt nổi trội là giai đoạn từ năm 2012 đến nay dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Huệ Thông, Phật giáo Bình Dương đã ổn định, phát triển vươn lên tầm cao mới.
Là trụ trì đời thứ 10 của tổ đình Hội Khánh, Hòa thượng Thích Huệ Thông được bổ nhiệm làm trụ trì Tổ đình Hội Khánh từ đầu năm 1989. Gần 40 năm quản lý điều hành Hội Khánh Cổ Tự, Hòa thượng Thích Huệ Thông đóng góp vai trò lớn trong việc gìn giữ, trùng tu, xây dựng phát triển và tạo điều kiện cho sự hình thành các ngôi già lam trong tỉnh đặc biệt là việc hoằng pháp lợi sanh và hoạt động nhân đạo.
Trên cương vị Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương kể từ nhiệm kỳ VIII (2012 – 2017) đến nay IX (2017 – 2022), Hòa Thượng Thích Huệ Thông đã điều hành thông suốt công tác Phật sự của tỉnh, hoàn thành công việc của Trung ương Giáo hội. Hòa thượng luôn vận động các Tăng, Ni, Phật tử trong tỉnh thực hiện tốt tinh thần hòa hợp, đoàn kết các tổ chức hệ phái; thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần ổn định và phát triển tổ chức giáo hội tỉnh nhà.
Là người đứng đầu Phật giáo tỉnh Bình Dương, không chỉ truyền giảng Phật pháp cho các lớp tăng, ni kế cận, vận động Phật tử, người dân sống theo pháp luật, trách nhiệm với gia đình và xã hội, Hòa thượng còn luôn tâm huyết với những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, giúp cho những hoàn cảnh khó khăn vươn lên, vượt qua những nỗi đau, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn bằng tình yêu thương của con người với giáo lý từ bi của Đạo Phật.
Với phương châm Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, vì lợi lạc của quần sinh, Tổ đình Hội Khánh nói riêng cũng như Phật giáo Bình Dương nói chung dưới sự điều hành, dẫn dắt của Hòa thượng Thích Huệ Thông ngày càng lớn mạnh với những công trình Phật giáo, cơ sở Phật tự trang nghiêm, thanh tịnh đạo tràng… Những đóng góp của Tổ đình Hội Khánh mà trong đó có một phần công lao của Hòa thượng Thích Huệ Thông thật đáng trân trọng cho sự phát triển của Phật giáo, vì sự ổn định và phát triển của tỉnh nhà.
Giáo Hội Phật giáo tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã có những thành tựu tốt đẹp nhờ tập thể Tăng Ni trong toàn tỉnh với đầy đủ phẩm hạnh và năng lực để lãnh đạo xây dựng Phật giáo tỉnh Bình Dương phát triển đúng tầm và nhiều triển vọng trong tương lai. Việc trang nghiêm giáo hội, thừa hành Phật sự, thống nhất và đoàn kết là những yếu tố cơ bản để Phật giáo phát triển và hưng thạnh từ huyện thị thành phố đến cấp tỉnh và trung ương giáo hội. Vị lãnh đạo tài ba xuất chúng là điều kiện cần nhưng các đơn vị cấp cơ sở không đồng lòng thống nhất hòa hợp chấp hành để xây dựng các cấp giáo hội lớn mạnh thì việc lãnh đạo cũng khó đi đến thành công. Ghi nhận lời phát biểu của Hòa Thượng Huệ Thông trong đợt tổng kết Phật sự nhiệm kỳ 2017 – 2022, Hòa Thượng đã nói: “Tôi luôn luôn tri ân các Tăng Ni của các huyện thị trong toàn tỉnh Bình Dương đã đáp lại lời hiệu triệu, hưởng ứng các lời kêu gọi, thực hiện các phong trào, các chương trình để đưa đến đoàn kết hôm nay. Nếu các cấp cơ sở không hòa hợp đoàn kết thực hiện tốt các chương trình hoạt động Phật sự trên các lĩnh vực tu học, xây dựng đạo tràng, giáo dục, văn hóa, hoằng pháp, từ thiện xã hội… thì cũng không thể đưa đến thành tựu của Phật giáo tỉnh Bình Dương”.
Thành phố Dĩ An là một thành phố có số lượng chùa và Tăng, Ni khá đông. Theo lời kể lại của các vị tiền bối, thì ngôi chùa đầu tiên, đón nhận và đặt nền móng cho Phật giáo phát triển tại Tỉnh Bình Dương là chùa Núi Châu Thới, trên đất Dĩ An, xưa có tên là chùa Hội Sơn. Đại lão Hoà thượng Thích Huệ Thông, nguyên trụ trì chùa Núi Châu Thới kể lại rằng vào khoảng năm 1612 thiền sư Khánh Long, trên đường vân du hoằng đạo của mình, đã dừng chân trên sườn núi, dựng lên một thảo am nhỏ, sau này là chùa Hội Sơn và nay là chùa Núi Châu Thới. Phật giáo Dĩ An đi qua các vị lãnh đạo của Hòa Thượng Minh Thiện, Hòa Thượng Pháp Tảo, Thượng tọa Nhất Chí và hiện nay là Thượng tọa Thích Thiện Tánh (2017 – 2022) và nhiệm kỳ hiện tại (2022 – 2027).
Thời gian qua, Phật Giáo TP Dĩ An cũng như Phật giáo các huyện thị của tỉnh Bình Dương đều có những nỗ lực trong việc xây dựng đời sống đạo đức an lành hạnh phúc cho người dân trong tỉnh. Tập thể Ban Trị Sự GHPG Dĩ An luôn tích cực hoàn thành các nhiệm vụ trong tinh thần “Đoàn kết – Hòa Hợp – Trưởng dưỡng đạo tâm – Trang nghiêm Giáo Hội”. Ban trị sự các huyện thị đã tổ chức nhiều đạo tràng tu học Phật pháp các tự viện trên địa bàn thành phố, tổ chức khóa an cư kiết hạ để Tăng Ni trau dồi tam vô lậu học, các lễ bố tát tụng giới ở các tự viện, lễ quy y Tam Bảo cho hàng ngàn phật tử, các lễ hội văn hóa Phật giáo như lễ Phật dản, lễ Vu lan, Tết Nguyên Đán, các ngày tu an lạc, khóa tu Bát Quan trai, tổ chức các chương trình từ thiện hỗ trợ đời sống người dân nhiều khó khăn trong tỉnh và ngoài tỉnh góp phần xây dựng xã hội ổn định, an lạc và hưng thịnh.
Thừa kế và phát huy các thành tựu của Phật giáo Bình Dương 40 năm qua trải qua nhiều nhiệm kỳ, Tăng Ni Phật giáo Dĩ An tiếp tục kế thừa và phát huy những yếu tố nền tảng xây dựng tăng đoàn vững mạnh như sau:
1. Đoàn kết hòa hợp duy trì mạng mạch Phật Pháp, thống nhất thừa hành Phật sự của lãnh đạo Phật giáo tỉnh Bình Dương nhằm trang nghiêm Giáo Hội.
2. Đẩy mạnh các hoạt động hoằng pháp. Mở thêm nhiều khóa tu cho Phật tử có nhu cầu tu học Phật Pháp.
3. Phát huy vai trò của người cư sĩ tại gia chân chính bằng tinh thần hộ trì chánh Pháp trước những thế lực chống phá Phật giáo.
4. Quan tâm đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ qua các lớp học giáo lý, nâng cao trình độ Phật học nhằm giúp tăng ni trẻ đi vào đời sống người dân bằng những công hạnh tốt đẹp.
5. Kết hợp công tác hoằng pháp gắn với từ thiện xã hội.
6. Kiểm tra chặt chẽ các hoạt động của tự viện, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi mượn danh Phật giáo để hoạt động mê tín dị đoan, qua đó bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của Đạo Phật trong lòng quần chúng.
7. Ứng dụng công nghệ 4.0 để đẩy mạnh truyền thông Phật giáo, thực hiện hoằng pháp trên các hình thức mạng truyền thông online.
8. Mặt trái giữa thời đại công nghệ 4.0, kẻ xấu lợi dụng uy tín của các nhà sư Phật giáo mạo danh để trục lợi cá nhân ( giả mạo, kêu gọi từ thiện,..) .
Kết luận: Thanh tịnh và hòa hợp là hai điều kiện hết sức quan trọng và tương quan mật thiết với nhau. Nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì bản thể Tăng già nhất định không thành tựu. Chính sự thanh tịnh và hòa hợp này mà Đại vương Pasenadi nhiều lần chứng kiến lối sinh hoạt của Tăng đoàn phải thốt lên lời kính phục: “…Bạch đức Thế Tôn vua chúa thường tranh chấp với vua chúa, Sát Đế Lợi thường cãi lộn với Sát Đế Lợi, bạn bè thường hơn thua với bạn bè. Còn ở đây con thấy các thầy Tỳ Kheo sống với nhau rất thuận hòa thân hữu, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính, Bạch đức Thế Tôn ngoài ra con không thấy một phạm hạnh nào khác viên mãn hòa hợp, thanh tịnh như thế ” (Kinh Trung Bộ, Kinh Pháp Trang Nghiêm – bài Kinh số 89)
Giáo pháp của đức Phật đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân và đó là nét đẹp trang nghiêm cho đoàn thể. Mỗi Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni sống đúng như Pháp như luật là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh của Tăng già. Sự đoàn kết hòa hợp thanh tịnh của tăng già là nguyên nhân đưa đến sự an lạc và hưng thịnh của đoàn thể tăng già mà điển hình chính là sự lớn mạnh của Phật giáo tỉnh Bình Dương trên cơ sở hòa hợp đoàn kết của các cấp giáo hội cơ sở.
Trong tinh thần đó, Tăng Ni Phật Giáo Bình Dương nói chung, thành phố Dĩ An nói riêng sẽ nghiêm túc thực hiện các công tác Phật sự trong tinh thần đoàn kết, thừa hành Phật sự, trang nghiêm, hòa hợp, thống nhất nhằm xây dựng Phật giáo Bình Dương ngày thêm phát triển và hưng thịnh.