Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch: Chư Tôn Đức giáo phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, cùng Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương.
Kính thưa: Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý vị đại biểu tham dự hội thảo chào mừng 40 năm thành lập Tỉnh Hội Phật Giáo Sông Bé, Bình Dương.
Chúng tôi ngay từ lúc ban đầu, Bình Dương ( Sông Bé ) là điểm mang nhiều dầu ấn trong công tác giáo dục trồng người. Từ khi Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Sông Bé thành lập năm 1983 đến năm 1993. Chúng tôi có duyên giảng dạy một số điểm An Cư Kiết Hạ tại tỉnh Sông Bé và trong những lần tiếp kiến Chư Tôn Đức trong Ban Trị Sự lúc bấy giờ luôn mong làm sao có cơ sở để đào tạo lớp kế thừa, có năng lực đạo đức, kiến thức Phật học và thế học.
Kể từ khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ) 1983 – 2023 tròn 40 năm, sau khi tách rời thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước năm 1995, lúc bấy giờ Ngành Giáo Dục Phật Học, một trong những ngành mũi nhọn chọn nhân tài thế nào? Và những sự kiện ấy được thể hiện ra sao? Nay xin trình bày tóm tắt trong ba nội dung chính như sau:
1/ Dấu ấn Giáo dục Phật học tỉnh Bình Dương
Năm 1985, một dấu ấn khởi sắc của Phật học tỉnh Bình Dương(4). Lúc này, Hòa Thượng Ẩn Long trụ trì Chùa Hội Khánh, đứng ra triệu tập chư sơn thiền đức chứng minh cho Ngài phát tâm khắc bộ Tam Bảo ( mộc bản ) để in ấn và phát hành Kinh sách phổ biến cho các tự viện ở Thủ Dầu Một và những ngôi chùa lân cận ở tỉnh Bình Dương, tiếp theo có nhiều mộc bản ra đời, có giá trị văn hóa học thuật, tạo điều kiện cho giáo lý Phật giáo truyền bá sâu rộng trong tầng lớp Tăng sĩ, nhân dân. Hòa Thượng Ẩn Long còn mở lớp giảng dạy đạo lý tại Chùa Hội Khánh đào tạo thế hệ kế thừa.
Phật giáo ở Bình Dương, Thủ Dầu Một trong giai đoạn này đã hình thành nên nền giáo dục Phật học có tính căn bản dựa trên cơ sở thành văn. Điều này chứng minh một bước phát triển quan trọng trong giáo dục và đào tạo tầng lớp tu sĩ Phật giáo có tính khoa học.
2/ Kế thừa sự nghiệp giáo dục
Trong giai đoạn này, Hòa Thượng Ẩn Long ( 1837 – 1906 ) đã để lại nhiều giá trị còn lưu lại Chùa Hội Khánh, đặc biệt là các bậc danh Tăng có uy tín lớn trong giai đoạn phát triển Phật giáo Bình Dương ( Thủ Dầu Một ) nổi bật như Hòa Thượng Từ Văn ( 1877 – 1931 )(5) kế thừa tiếp tục sự nghiệp Thầy Tổ, khi Hòa Thượng Ẩn Long, Thiện Quới viên tịch. Năm 1906, Ngài được cung thỉnh làm trụ trì Chùa Hội Khánh và đào tạo rất nhiều đệ tử, uyên thâm Phật pháp hết lòng phụng sự cho đất nước.
Trong phong trào chấn hưng(6) Phật giáo, HT. Từ Văn là vị đầu tiên đứng ra mở các lớp dạy giáo lý, quy tụ tất cả các Tăng sĩ trong tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đến tham dự khóa học. Ngài đã khởi dậy ý thức học tập, ý chí cho giới tu sĩ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, học tập phát huy trí tuệ, chủ trương giáo dục đồng bào sống đúng đạo lý làm người, truyền bá tư tưởng yêu nước. Với hành động tâm huyết với Phật sự giáo dục Tăng Ni, những năm 1926, Hòa Thượng đã giảng dạy các trường Hạ ở Sài Gòn, Đông Tây Nam Bộ. Vào những năm 1930, Hòa Thượng đứng ra tổ chức khắc bản, in Kinh ấn tống, để có tài liệu cho Tăng Ni nghiên cứu học tập… Hòa Thượng đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng sĩ nổi danh như: Hòa Thượng Từ Tâm, Hòa Thượng Thiện Hương, Hòa Thượng Trí Tấn,…
Dấu ấn giáo dục của Hòa Thượng Ẩn Long và kế thừa sự nghiệp giáo dục của Hòa Thượng Từ Văn là hai dấu mốc quan trọng để hình thành và phát triển nền Phật học của Phật giáo Sông Bé, nay là Bình Dương sau 40 năm thành lập ( 1983 – 2023 ).
3/ Tiếp nối và phát triển
Sau năm 1975, lịch sử đất nước đã sang trang. Nước Việt Nam thống nhất, mở ra một kỷ nguyên mới. Tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi. Năm 1976, Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước các tỉnh thành được thành lập trong đó có tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ). Sau thời gian vận động thành lập, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời năm 1981, tạo điều kiện cho Phật giáo các tỉnh thành thành lập.
Lúc bấy giờ về địa giới hành chánh, Bình Dương và Bình Phước là một, thuộc chung tỉnh Sông Bé. Do đó, trong nhiệm kỳ I ( 1983 – 1987 ), Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Sông Bé ra đời và đi vào hoạt động, Hòa Thượng Thích Trí Tấn làm Trưởng Ban, đây là giai đoạn chủ yếu đẩy mạnh xây dựng cơ cấu tổ chức các Ban Đại Diện cấp Huyện, Thị… về các hoạt động, các ban ngành trực thuộc Ban Trị Sự cũng trong giai đoạn xây dựng.
Về mảng giáo dục Phật học tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ) cũng vậy nhưng luôn có chủ trương và định hướng rõ ràng. Sau ngày thành lập Ban Trị Sự tỉnh Sông Bé, do chưa có đủ điều kiện và nhân lực xây dựng trường lớp các cấp dành cho Tăng Ni, nên Ban Trị Sự đã động viên tạo điều kiện giới thiệu cho Tăng Ni trẻ tham học các trường Phật học như: Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh ( Nay đổi thành Học Viện Phật Giáo Việt Nam ). Hòa Thượng Thích Minh Thiên, Hòa Thượng Thích Huệ Thông xuất thân từ trường này. Và cũng trong giai đoạn này, một số Tăng Ni trẻ tham gia học Trường Cơ Bản Phật Học Thành Phố Hồ Chí Minh ( Nay là Trung Cấp Phật Học Thành Phố Hồ Chí Minh ) như: Thượng Tọa Thích Chơn Phát, Thượng Tọa Thích Minh Vũ, Thượng Tọa Thích Minh Lực,…
Phật giáo Sông Bé ( Bình Dương ) không chỉ chú ý đến việc đào tạo đội ngũ tu sĩ Phật giáo có trình độ Phật học mà còn hướng đến phát triển học thuật có các văn bằng cao, nhằm phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, hoằng pháp sau này. Thế nên, sau khi tốt nghiệp các trường Phật học đào tạo chính quy, Ban Trị Sự Sông Bé ( Bình Dương ) tạo điều kiện du học nước ngoài như Ấn Độ, Mỹ, Đài Loan… do trong giai đoạn này Học Viện Phật Giáo Việt Nam chưa có đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Trong nhiệm kỳ II ( 1987 – 1991 ) và nhiệm kỳ III ( 1991 – 1994 ), duy trì từng bước hoàn thiện, tuyển chọn Tăng Ni trẻ có tâm huyết trong việc hoằng pháp, giáo dục. Các trường Hạ như Hội Khánh ( dành cho Chư Tăng ), Bùi Bửu và Tây Thiên ( dành cho Chư Ni ) đã phát triển, nghiên cứu trao đổi học tập các bản Kinh, Luận, thực tập diễn giảng v.v… Các lớp gia giáo cũng ra đời, Tăng Ni các nơi tập trung học tập ở Hội Khánh và Tây Thiên.
Nhiệm kỳ IV ( 1994 – 1996 ), đây là giai đoạn khởi sắc và phát triển về giáo dục Phật giáo. Ngày 03/03/1995(7), Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Sông Bé, được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Sông Bé cấp giấy phép về việc thành lập Trường Cơ Bản Phật Học tỉnh Sông Bé(8) và được sự chuẩn y của Ban Giáo Dục Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, do Hòa Thượng Thích Thiện Siêu ký. Trường được khởi công xây dựng và khai giảng khóa I vào ngày 23/09/1995, chia làm hai phân hiệu: phân hiệu Tăng học tại Chùa Hội Khánh, phân hiệu Ni học tại Chàu Tây Thiên ( Huyện Dĩ An ), Hòa Thượng Thích Minh Thiện làm hiệu trưởng, Hòa Thượng Thích Huệ Thông làm hiệu phó học vụ.
Cuối năm 1995, tỉnh Sông Bé được Thủ Tướng và Chính Phủ quyết định tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Ngày 15/01/1997, Ban Trị Sự tỉnh Bình Dương thành lập và về mặt giáo dục trường Phật học vẫn không thay đổi.
Sau 4 năm đào tạo, vào ngày 10/07/2000, được sự đồng ý cảu Sở Giáo Dục tỉnh Bình Dương, trường Cơ Bản Phật Học tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ) tổ chức thi tốt nghiệp cho 115 Tăng Ni sinh khóa I tại trường tiểu học Nguyễn Du ( Thị xã Thủ Dầu Một ), cuộc thi diễn ra trong hai ngày và môn thi là: Kinh, Luật, Luận, Văn học Việt Nam. Kết quả thi rất tốt đẹp.
Vào ngày 08/09/2000, 115 Tăng Ni sinh khóa I đã được ngành Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và ban giám hiệu trường cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ) cấp văn bằng tốt nghiệp. Cũng từ đây một chặng đường xây dựng đội ngũ kế thừa tương đối ổn định. Đội ngũ Tăng Ni tốt nghiệp khóa I trường trung cấp Phật học, là nhân tố đảm trách những công tác Phật sự trong tỉnh nhà Bình Dương, Bình Phước và có những đóng góp tích cực vào các hoạt động giáo dục Phật học và xã hội.
Một điểm đáng lưu ý, hoạt động giáo dục Phật học tỉnh Bình Dương, tạm gián đoạn 10 năm ( năm 2000 – 2010 ) về mặt trường lớp là nhắm phát triển nâng cao các Tăng Ni sinh tốt nghiệp khóa I, học tập ở các môi trường cao hơn cũng như xây dựng lại các cơ sở đáp ứng lâu dài cho việc tu học và môi trường giáo dục tốt hơn.
Ngày 20/10/2010, Trường trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương khai giảng khóa II ( 2010 – 2013 ), cho 120 Tăng Ni sinh tại các cơ sở mới ( Trung Tâm Văn Hóa, Phật Giáo tỉnh BÌnh Dương ), Hòa Thượng Thích Minh Thiện làm hiệu trưởng, Hòa Thượng Thích Huệ Thông làm hiệu phó. Đến tháng 11/2011, Hòa Thượng Thích minh Thiện viên tịch, Hòa Thượng Thích Huệ Thông tiếp nối sự nghiệp giáo dục, đảm trách hiệu trưởng.
Đến ngày 01/01/2012 ( Khóa II trường trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương ), Hòa Thượng Thích Huệ Thông là hiệu trưởng và có nhiều nhân lực Tăng Ni trẻ, xuất thân là người con đất Bình Dương, sau quá trình học tập ở các trường Phật học, nhất là phần lớn xuất phát từ Cơ Bản Phật học tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ) đã trở thành nhân tố chính trong ban giám hiệu và giảng viên bản trường như:
– Thượng Tọa Thích Chơn Phát hiệu phó học vụ.
– Thượng Tọa Thích Minh Lực hiệu phó.
– Thượng Tọa Thích Minh Vũ giảng viên.
– Đại Đức Thích Bửu Minh chánh văn phòng.
– Đại Đức Thích Minh Chí phó văn phòng.
– Đại Đức Thích Chúc Lạc phó văn phòng.
– Sư Cô An Hương thư ký văn phòng.
Khóa III ( 2013 – 2016 ), Hòa Thượng Thích Huệ Thông làm hiệu trưởng. Đến tháng 08/2014, để phù hợp trong công tác Phật sự, Ban Trị Sự tỉnh Bình Dương quyết định, Thượng Tọa Thích Chơn Phát làm hiệu trưởng.
Khóa IV ( 2017- 2019 ), Khóa V ( 2019 – 2022 ), Khóa VI ( 2022 – 2025 ), Thượng Tọa Thích Chơn Phát làm hiệu trưởng.
Kính thưa: Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý vị đại biểu tham dự hội thảo chào mừng 40 năm thành lập Tỉnh Hội Phật Giáo Sông Bé, Bình Dương. Như chúng tôi đã trình bày trong phần mở đầu, tôi có duyên giảng dạy ngay từ đầu, trước và sau khi thành lập Tỉnh Hội Phật Giáo Sông Bé ( Bình Dương ). Cũng như từ ngày thành lập Trường Cơ Bản Phật Học tỉnh Sông Bé ( Nay là Trung Cấp Phật Học tỉnh Bình Dương ) xuyên suốt tôi đều đứng lớp giảng dạy cho đến nay.
Phật giáo tỉnh Sông Bé ngoài thế mạnh về văn hóa, kiến trúc xây dựng, từ thiện xã hội v.v… Thì giáo dục học đường Phật giáo cũng là thế mạnh, đào tạo ra những Tăng Ni trẻ có học thức, hết mình cống hiến cho giáo hội và xã hội.
Tôi và thầy Huệ Thông cùng học khóa II, Cao Cấp Phật Học ( Nay là Học Viện Phật Giáo Việt Nam, cơ sở II, tại Thành phố Hồ Chí Minh ). Thầy Huệ Thông rất tâm huyết trong việc giáo dục, đào tạo Tăng tài ( Những bài viết của Thầy, bài giảng của Thầy, được phổ biến và in thành sách đã minh chứng ). Đã trên 30 năm, thuở chúng tôi khoảng 30 tuổi, chúng tôi thường gặp nhau trong nghiên cứu học tập, ý thức học, truyền trao kiến thức, Thầy Huệ Thông làm việc rất nghiêm túc. Trong công tác giáo dục, rất nhiều lần Thầy Huệ Thông nói với tôi: “Tôi tin rằng mọi người đều có khả năng hướng thượng trong nghiên cứu học tập, nếu nỗ lực trường kỳ chung cuộc sẽ đạt đến đích Chân, Thiện, Mỹ. Đạo Phật lấy con người làm đối tượng để phụng sự và đặt sự tồn tại của mình trong mối tương quan mật thiết với sự tồn tại của xã hội ”. Đúng như vậy, một tư duy, hương vị Chánh Pháp, giáo dục đạo Phật phát triển xã hội, Phật giáo Sông Bé ( Bình Dương ) đã thành tựu vững bền cho đến thời điểm này, công sức Thầy Huệ Thông thật đáng ghi nhận.
Thật ra trong quá trình phát triển ngành giáo dục Phật học tỉnh Sông Bé, giai đoạn đầu phải nói đến sự đồng thuận của nhiều cá nhân như Hòa Thượng Trí Tấn, Hòa Thượng Minh Thiện ( đã viên tịch ), Ni trưởng Pháp Như… ( là vị Ni đóng góp rất nhiều trong giai đoạn thành lập Trường Cơ Bản Phật Học tỉnh Sông Bé ). Sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài, phụng sự cho tỉnh nhà và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Thầy Huệ Thông là nhân tố, là điểm tựa trong mọi hoạt động. Với chức vụ tại nhiệm kỳ VIII Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ( 2017 – 2022 ) là Chánh Văn Phòng II Trung Ương, nhiệm kỳ IX Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ( 2022 – 2027 ) là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự, Trưởng Ban Pháp Chế Trung Ương Giáo Hội, nhưng Thầy Huệ Thông vẫn trao đổi với tôi rằng: “Tôi nghĩ rằng đạo Phật phải có vị trí quan trọng trong giáo dục, không phải chỉ lý thuyết, mà phải đem lời dạy của Phật áp dụng vào đời sống con người Việt”. Học, tu và làm việc đem lợi ích cho mọi người, đó là những gì Thầy Huệ Thông đã và đang thực hiện xuyên suốt quá trình tham gia lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Sông Bé ( Bình Dương ) cho đến nay.
Không phải chỉ mới đây mà đã từ nhiều năm qua, những xu hướng hiện đại hóa Phật giáo cả về nội dung tư tưởng và phương pháp giáo dục mà Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương đã áp dụng xậy dựng và phát triển giáo dục học đường đạt thành quả chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Tỉnh Hội Sông Bé ( Bình Dương ).
Kết luận
Kính thưa: Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý vị đại biểu tham dự hội thảo chào mừng 40 năm thành lập Tỉnh Hội Phật Giáo Sông Bé, Bình Dương.
Một chặng đường 40 năm hình thành và thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ) trong điều kiện kế thừa và phát triển. Trong đó, vấn đề giáo dục ( như chúng tôi vừa trình bày ) là một trong những nhân tố xây dựng cho Phật giáo Bình Dương ( Sông Bé ) được bền vững, lâu dài, đem đến những lợi ích thiết thực cho Đạo Pháp và dân tộc. Nền giáo dục cấu thành từ nhiều yếu tố, nhưng nơi đây yếu tố con người rất quan trọng. Kế thừa các bậc tiền bối hữu công trong sự nghiệp trồng người, đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ biết động viên, khích lệ, tạo thuận duyên học tập phát huy trí tuệ, giao nhiệm vụ uốn nắn, lèo lái trở thành nhân tố tốt cho Giáo Hội và xã hội. Và có thể nói, giáo dục Phật giáo tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ) đồng hành xuyên suốt trong 40 năm kể từ khi thành lập.
Như người xưa từng nói: “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì nước thịnh, rồi đi lên. Nguyên khí kém thì nước yếu, rồi đi xuống. Bởi vậy, các bậc thánh đề minh vương không thời nào là không chăm lo, nuôi dưỡng nhân tài, bồi đắp nguyên khí…” ( Thân Nhân Trung – Văn bia Văn Miếu, Quốc Tự Giám ). Mượn lời nói này để thấy sự phát triển các mặt của Phật giáo tỉnh Bình Dương ngày nay, luôn có sự đồng hành, đóng góp tích cực, toàn diện của ngành giáo dục, mà thực tế, nhìn vào toàn Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, đều là những vị có học vấn cao về Phật học và thế học, được đào tạo chính quy bài bản, kể từ khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé ( Bình Dương ). Về cơ sở thì Trường Trung Cấp Phật Học tỉnh Bình Dương là một minh chứng sống động cho sự nghiệp giáo dục chọn nhân tài, đến nay việc tiếp tục kiện toàn đội ngũ nhân sự có đầy đủ phẩm hạnh, trình độ sư phạm thế học và đạo học để đáp ứng được nhu cầu đào tạo thế hệ kế thừa “ Giáo dục học đường và giáo dục tự viện ”. Đấy là những việc Chư Tôn Đức lãnh đạo Phật Giáo tỉnh Bình Dương đã thực hiện, là một nét son trong nền giáo dục Phật Giáo tại Bình Dương.
_Chú thích:
(4) PGS.TS Trần Hồng Liên ( chủ biên ), Phật Giáo Ở Bình Dương Hiện Trạng Và Lịch Sử, trang 91, NXB Phương Đông, năm 2016.
(5) Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật Giáo Bình Dương, trang 51, 236, NXB Mũi Cà Mau, năm 2000.
(6) Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật Giáo Bình Dương, trang 240 – 241, NXB Mũi Cà Mau, năm 2000.
(7) PGS.TS Trần Hồng Liên ( chủ biên ), Phật Giáo Ở Bình Dương Hiện Trạng Và Lịch Sử, trang 188-189, NXB Phương Đông, năm 2016.
(8) Giấy phép số 88/GP – UB do ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ Tịch tỉnh Sông Bé, ký ngày 28/03/1995.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật Giáo Bình Dương, NXB Mũi Cà Mau, năm 2000.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Bình Dương, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Tỉnh Bình Dương Nhiệm Kỳ 2017 – 2022, lưu hành nội bộ, tháng 1 năm 2017.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Bình Dương, Ban Trị Sự Văn Kiện Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Tỉnh Bình Dương lần thứ X, Nhiệm Kỳ 2022 – 2027, lưu hành nội bộ, tháng 1 năm 2022.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Bình Dương, Trường Trung Cấp Phật Học, Báo Cáo Lễ Tốt Nghiệp Khóa V ( 2019 -2022 ) và Khai Giảng Khóa VI ( 2022 – 2025 ), lưu hành nội bộ, tháng 19/09/2022.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Bình Dương, Trường Trung Cấp Phật Học Tỉnh Bình Dương, Kỷ Yếu Một Thời Lưu Dấu ( Khóa V 2019 -2022 ) và Khai Giảng Khóa VI ( 2022 – 2025 ), lưu hành nội bộ, tháng 09/2022.
- PGS.TS. Trần Hồng Liên, Phật Giáo Ở Bình Dương Hiện Trạng Và Lịch Sử, NXB Phương Đông, năm 2016.