1. Dẫn nhập
Cách đây 40 năm, vào ngày 08 – 09/01/1983, tại Tổ đình Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (Bình Dương). Tiếp nối sự kiện thống nhất Phật giáo cả nước được các bậc tiền bối, Chư Tôn Đức Tăng Ni của 9 tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái đã tiến hành Hội nghị đại biểu thành lập Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ – Thủ Đô Hà Nội ngày 07/11/1981. Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với Tăng, Ni, cư sĩ, Phật tử Sông Bé (Bình Dương) đã diễn ra. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 2000 năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer, Tăng, Ni và cư sĩ, Phật tử trong toàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng, với một quyết tâm sắt đá, thống nhất thành lập ngôi nhà chung GHPGVN.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé ra đời là sự đoàn kết hòa hợp và thống nhất tự nguyện của tất cả các tổ chức, hệ phái Phật giáo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp chung khi đất nước đã hoà bình, thống nhất. Trong 40 năm trưởng thành và phát triển, Giáo hội ngày càng lớn mạnh, trở thành ngôi nhà chung, là tổ chức duy nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Bình Dương nói riêng.
Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Sông Bé – Bình Dương vẫn không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Phật giáo chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân và luôn đóng góp, cùng xây dựng, phát triển đất nước.
Giáo hội còn tích cực xây dựng các giá trị đạo đức, hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó là lòng nhân ái, thương người như thể thương thân, giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội. Đặc biệt là các hoạt động thiện nguyện, từ thiện cộng đồng của đông đảo Tăng, Ni, Phật tử, nhất là trong bối cảnh cả đất nước đương đầu với đại dịch COVID-19.
2. Khái quát về thành tựu của ngành hoằng pháp qua 40 năm thành lập Phật giáo Sông Bé – Bình Dương
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Phật giáo Sông Bé – Bình Dương (1983 – 2023). Nhìn lại chặng đường lịch sử 40 năm qua, với quá trình hoạt động, phát triển của ngành Hoằng pháp, đứng trước một tầm cao mới cùng hòa chung với sự phát triển của đất nước, các hoạt động của Giáo hội ngày càng gắn liền với Tăng, Ni Phật tử và đất nước thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo, với khả năng làm tốt đạo đẹp đời, tính thích nghi đó đang được triệu triệu trái tim cùng hòa chung nhịp đập. Nối tiếp dòng chãy lịch sử và truyền thống vẻ vang hơn 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của PGVN, GHPGVN tỉnh Bình Dương đã đồng hành cùng nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “phụng đạo, yêu nước”, Ban Trị sự đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của đông đảo Phật tử; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử; là nguồn cổ vũ lớn lao cho Tăng Ni, Phật tử ở tỉnh Bình Dương tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.
Có thể nói, với truyền thống “Hộ quốc an dân” trong thời kỳ mới, Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Sông Bé đang từng bước đưa Phật giáo tỉnh nhà vươn lên thành một trung tâm của Phật giáo cả nước, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững trong khu vực và trên đất nước Việt Nam. Đó chính là cách làm rạng tỏ giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống nhân gian và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đưa ánh sáng của Phật pháp lan tỏa khắp thế gian mà cả cuộc đời Đức Phật đã không ngừng truyền thụ giáo lý và phương pháp tu tập giải thoát của Ngài cho nhân loại, giúp con người thoát khỏi bể khổ luân hồi, đạt đến sự giác ngộ trí tuệ. Đức Phật đã nhấn mạnh:”Phật pháp bất ly thế gian giác”. Vì vậy sau khi Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ nhất, chư tôn đức lãnh đạo giáo hội lúc bây giờ đã đưa ngành hoằng pháp là một trong các ngành mũi nhọn quan trong của giáo hội.
Ban Hoằng pháp với vai trò quan trọng, và là một ban mũi nhọn trong tổ chức của Giáo hội , Hòa thượng Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN đã khẳng định “Trong khi Ban hướng dẫn Phật tử có nhiệm vụ thu hút tín đồ Phật tử, thì Ban Hoằng pháp có nhiệm vụ tiếp nhận, giữ gìn tín đồ Phật tử bằng cách chăm sóc tinh thần, hướng dẫn tu tập, gieo mầm niềm tin Tam Bảo… Đây là ban có tính chất chuyên môn và mang tính đặc thù, vì vậy nguồn nhân sự của Ban cũng cần có chuyên môn hóa, đến nay điểm nỗi bậc nhất của Ban là kiện toàn không chỉ khung nhân sự điều hành tổ chức mà còn thiết lập các Ban chuyên môn để định hướng chương trình hoạt động hoằng pháp.
Về công tác hoằng pháp, nét nổi bật trong giai đoạn này, đó là Ban Hoằng pháp Tỉnh đã nâng cao trình độ chuyên môn của Tăng Ni bằng cách động viên Tăng Ni tham gia các lớp đào tạo Cao – Trung cấp Giảng sư. Đã đào tạo được số lượng lớn Tăng, Ni có trình độ Cao cấp và Trung cấp Giảng sư. Từ đó các hoạt động của đoàn Giảng sư tỉnh Bình Dương mang lại nhiều hiệu quả trong công tác Phật sự.
Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011 tại sân vận động tỉnh Bình Dương và 7 địa điểm Hội thảo nhóm trong tỉnh Bình Dương: Nhà hát Thành Lễ, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, chùa Phước An, chùa Bửu Nghiêm, chùa Phật Học, chùa Phổ Thiện Hòa với chủ đề “Phật giáo với dân tộc” có trên 1.500 vị Tăng, Ni là giảng sư và gần 40.000 Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài tỉnh Bình Dương tham dự;
Bên cạnh đó, Ban Hoằng pháp tỉnh cũng đã phối hợp với Ban Hoằng pháp Trung Ương tổ chức thành công nhiều khóa bồi dưỡng, hội thảo và tập huấn Hoằng pháp viên tại một số địa điểm như: Chùa Hội An trung tâm thành phố mới Bình Dương vào 2014 có trên 3.000 Phật tử tham dự; Cử đoàn đại biểu Ban hoằng pháp tham dự hội thảo hoằng pháp tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng vào năm 2014; tại khu du lịch Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên vào năm 2014 ….
Cũng trong giai đoạn này, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức 4 khóa bồi dưỡng, hội thảo và tập huấn Hoằng pháp viên tại chùa Bằng (TP.Hà Nội) cho Tăng, Ni và Giảng sư các Tỉnh, Thành hội Phật giáo phía Bắc; tại Trụ sở văn phòng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng cho 430 Tăng, Ni thuộc Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành và hơn 620 cư sĩ Phật tử tại TP.Đà Nẵng và TP.Hà Nội tham gia tập huấn Hoằng pháp viên; tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Tiệp (TP.Hải Phòng) cho 400 Tăng, Ni các tỉnh, thành phía Bắc và đại diện 8 tỉnh, thành phía Nam tham dự, Ban hoằng pháp tỉnh Bình Dương đều cử đoàn đại biểu tham dự đầy đủ các chương trình này.
Ban Hoằng Pháp tỉnh Bình Dương cũng đã cử đoàn đại biểu Chư Tôn Đức Tăng Ni thành viên Ban Hoằng pháp tham dư đầy đủ các buổi Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc được Ban Hoằng pháp Trung ương phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo một số địa phương tổ chức như Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Công viên Văn hóa An Hòa và chùa Phật Quang (tỉnh Kiên Giang) với chủ đề “Hoằng pháp với truyền thống hộ quốc an dân”. Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2015 tổ chức tại chùa Vạn Phật Quang (Đại Tòng Lâm – Bà Rịa Vũng Tàu) với chủ đề “Sứ mệnh hoằng pháp – Hội nhập và phát triển” có hơn 1.200 đại biểu Tăng, Ni thuộc Ban Hoằng pháp các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước, cùng với trên 1.000 Hoằng pháp viên và Phật tử về tham dự…
Việc hình thành các khóa tu chính là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành hoằng pháp, do đó trên cả tỉnh đã hình thành trên 200 đạo tràng với sự tham gia thường xuyên của 292.983 Phật tử sinh hoạt, tu học. Trong đó có 100 Đạo tràng Bát Quan Trai với khoảng 1.265 Phật tử tham dự, 5 Đạo tràng tu Thiền có 750 Phật tử tham dự; 80 Đạo tràng Niệm Phật và Phật thất có 1.165 Phật tử tham dự; 10 Đạo tràng Pháp Hoa có 580 Phật tử tham dự; 5 Đạo tràng Dược Sư có 280 Phật tử tham dự; 10 Đạo tràng Đại Bi có 602 Phật tử tham dự; 5 Khóa tu Một ngày An lạc có 300 Phật tử tham dự; Bên cạnh đó, cả tỉnh có 5 lớp giáo lý với sự tham gia của 2.250 Phật tử theo học; về sinh hoạt giảng đường có 9 đơn vị với khoảng 2.950 Phật tử tham dự.
Đặc biệt nhất là mô hình kết hợp hoằng pháp với từ thiện của đạo tràng Phật tử khiếm thị chùa Thiên Quang. Số lượng mở đầu: 50 vị vào năm 2013. Sau 10 năm đạo tràng khiếm thị đã phát triển trên 1000 người và tu học định kỳ hàng tháng. Người khiếm thị về tu học được quy y, nghe pháp và được quan tâm đến đời sống qua các phần quà yêu thương. 50% người khiếm thị được tụng đọc kinh bằng chữ Braille (chữ nổi). Sinh hoạt tu học đều đặn với phương châm “Mắt mù mà tâm không mù”. Và Đạo tràng Bát quan trai tại chùa Thiên Quang cũng thu hút được quý Phật tử và đặc biệt là giới trẻ (sinh viên và công nhân viên chức trẻ tuổi) tu học định kỳ.
Có thể nói rằng, đây là sự phát triển mạnh mẽ trong sinh hoạt tu học của tín đồ Phật giáo trong giai đoạn Phật giáo nước nhà thật sự ổn định và đang từng bước phát triển bền vững.
Kính thưa Hội nghị!
Chúng ta tin tưởng rằng, Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã trải qua 9 nhiệm kỳ, chuẩn bị bước vào hành trình mới – nhiệm kỳ X, với những thuận lợi và khó khăn khác nhau, nhưng GHPGVN tỉnh Bình Dương chúng ta với truyền thống và kinh nghiệm, với sự lãnh đạo sáng suốt đầy tình thần trách nhiệm của tập thể Ban Trị sự, sự hổ trợ nhiệt tình của Ban Tôn giáo, Chính quyền, Mặt Trận và đoàn thể các cấp nhất định GHPGVN tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Tăng Ni, tín đồ Phật tử.
Phật giáo Bình Dương hôm nay là thành quả tất yếu của lịch sử, là công lao to lớn của những bậc tiền bối đi trước đã dày công xây dựng và vun đấp, là sự kế thừa và phát huy của Chư Tôn đức Tăng Ni qua các thời kỳ. Sự hy sinh của Chư Vị tiền bối tiền nhiệm như Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn, HT. Thích Thiện Tràng, HT. Thích Quảng Viên, HT. Thích Nguyên Thành, HT. Thích Minh Thiện, Ni sư Chơn Định, Ni sự Diệu Nghĩa ….. Và Chư Tôn túc đương nhiệm như HT. Thích Huệ Thông, HT Thích Thiện Duyên, NT. TN Pháp Như v.v….. luôn là động lực, là sức mạnh để mọi người chúng ta cùng nhau viết lên những trang sử vẻ vang cho Phật giáo tỉnh nhà, làm cho Phật giáo Bình Dương phát triển bền vững ngang tầm thời đại, góp phần khẳng định vị thế, tầm vóc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3. Một số ý kiến đề xuất
Nhằm định hướng cho sự phát triển của Phật giáo Bình Dương nói chung và ngành Hoằng Pháp nói riêng trong thời gian tới. Nhân buổi hội thảo hôm nay chúng con xin đề xuất một số ý kiến:
Phật giáo Bình Dương sau 40 năm thành lập đang có tiềm lực và uy tín ngày càng cao trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình chung, bên cạnh những thuận lợi thời cơ, cũng đặt ra nhiều thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới nặng nề, phúc tạp hơn. Trước tình hình đó, với truyền thống yêu nước, đồng hảnh cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bình Dương không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội. Trong nhiệm kỳ X (2022 – 2027) Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương nỗ lực phấn đấu theo định hướng: Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển.
Ban Hoằng pháp tỉnh Bình Dương phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của Đức Phật vào mọi mặt đời sống xã hội. Đổi mới sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử. Hướng dẫn các pháp môn thực hành của Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội. Đồng thời cố gắng thực hiện các mục tiêu, phương hướng sau đây:
1. Ban Hoằng pháp tiếp nhận các Tăng Ni trẻ đã tốt nghiệp các khóa đào tạo giảng sư của Ban Hoằng pháp trung ương, có trình độ cũng như khả năng chuyên môn thuyết giảng cho thanh thiếu niên, soạn ra một số kinh sách, chương trình tu học hàng năm hàng tháng và khóa tu mùa hè. Chuyển tải những nguyên lý Phật học vốn đã có mặt sẵn trong đời sống theo một cách nhìn mới, một lối diễn giảng mới phù hợp với nhận thức mới của thanh thiếu niên, có tri thức. Điều này cần đến một sự thay đổi, sự cách tân đổi mới trong cách trình bày, diễn giảng, tuy đổi mới nhưng không làm mất đi cái tinh hoa của Phật giáo.
2. Giảng sư của Ban Hoằng pháp tỉnh Bình Dương phải có kiến thức Phật học thật chuyên sâu, một nền tảng kiến thức được trải nghiệm bằng sự tu tập, nghiên cứu kinh điển Phật học. Giảng sư không đơn thuần là người thầy giảng đạo mà còn phải hóa thân mình vào thời đại dưới hình thức một tu sĩ được xây dựng đời sống tinh thần và vật chất, giữa bản thân và những người xung quanh. Biết yêu thương, thực hành “Vô ngã – Vị tha” để gắn kết tình thân giữa con người với con người gần nhau hơn
3. Thường xuyên vận động các vị trụ trì, đặc biệt là các tăng ni trẻ nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong sự nghiệp “hoằng pháp lợi sinh”, đáp ứng nhu cầu tu học Phật pháp của tín đồ Phật tử và quần chúng nhân dân trong thời đại mới.
4. Thông qua các khóa tu khuyến khích giới trẻ, đồng bào Phật tử tinh thần từ bi, tương thân tương ái, quan tâm và phụng sự cộng đồng, sống và làm việc theo pháp luật, xa rời các tệ nạn xã hội góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại khu dân cư cùng nhau làm đẹp nền đạo đức xã hội.
5. Bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị tu tập truyền thống của Phật giáo Việt Nam; tiếp thu có lựa chọn những pháp môn tu tập ngoại lai sao cho phù hợp với truyền thống văn hoá Phật giáo Việt Nam; hạn chế tình trạng “hướng ngoại, bài nội” một cách thái quá.
6. Định hướng pháp môn tu tập cho các đạo tràng Phật tử một cách xuyên suốt và có hệ thống, tránh tình trạng cùng là đệ tử Phật nhưng lại công kích, chê bai lẫn nhau về pháp môn tu.
7. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào phương pháp truyền bá, hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử
8. Nhiều năm qua, các Tự viện tại Bình Dương tổ chức nhiều khóa tu mùa hè, hội trại của Phật giáo đã chứng tỏ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương và ghi nhận sự ủng hộ đồng thuận của phụ huynh, các nhà quản lý xã hội. Đây là thắng lợi đầu tiên của công tác tổ chức hoằng pháp cho đối tượng thanh thiếu niên rất cần tiếp tục phát huy, củng cố và sáng tạo mới. Nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội và sự quan tâm của gia đình mà các khóa tu, hội trại Phật giáo thành công rất nhiều, giúp cho các chùa yên tâm tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, xã hội có niềm tin vững chắc vào các khóa tu, giúp thanh thiếu niên có sân chơi chuẩn mực đạo đức, không vi phạm pháp luật, không sa đọa vào tệ nạn xã hội, trở thành con người có lòng vị tha và nhân ái. Vì vậy, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa, định hướng cho con em mình tới khóa tu và hội trại Phật giáo để tu tập, học hỏi giáo lý, rèn luyện đạo đức, giữ gìn bản sắc dân tộc tốt đẹp, xây dựng đời sống đạo đức bền vững, lợi ích cho nhân dân. Các cấp chính quyền địa phương nên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động Phật giáo mang lợi ích cho đời sống tinh thần và đạo đức người dân, để trở thành những con người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng văn minh.
Trên đây là một số phương hướng góp phần phát triển Phật giáo tỉnh Bình Dương trong thời đại mới, là tham luận mà Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Dương xin trình bày trong Hội thảo chào mừng 40 năm thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương
Kính chúc chư Tôn thiền đức Tăng Ni pháp thể khinh an, tuệ đăng viễn chiếu, và thành tựu các Phật sự;
Kính chúc chư vị Đại biểu khách quý: sức khỏe, hạnh phúc và thành công Chúc hội thảo thành công viên mãn.