Trong không khí nghiêm hòa hợp của buổi Hội thảo hôm nay với chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương, 40 năm một chặng đường hình thành và phát triển (1983 – 2023)”, dưới sự chứng minh và tham dự trầm hùng của chư Tôn thiền đức Giáo phẩm HĐCM, HĐTS, chư Tôn đức lãnh đạo các Ban, Ngành Viện Trung ương Giáo hội, các vị đại biểu khách quí đại diện các bộ, ban, ngành Chính phủ Trung ương phía Nam, các vị hiện là lãnh đạo và lãnh đạo qua các thời kỳ của tỉnh Sông Bé – Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Một và địa phương, các vị là đại diện cho nhân sĩ trí thức từ các Trường Đại học Quốc gia trong và ngoài tỉnh, lời nói đầu tiên chúng con xin thành kính gởi lời chúc trang trọng nhất, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Kính bạch/ Kính thưa……
Chào mừng 40 năm thành lập và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương, chúng con được phân công triển khai bài tham luận với chủ đề: “Những thành tựu và đóng góp của Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập trong địa bàn tỉnh vào thành tựu suốt 40 năm hình thành và phát triển của giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương ( 1983 – 2023)”.
I/ Bối cảnh
Sau năm 1954, Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập trong tỉnh Sông Bé nay là tỉnh Bình Dương chỉ có hai ngôi Tịnh xá , một là Tịnh xá Ngọc An, Dĩ An dành cho chư Tăng và Tịnh xá Ngọc Bình, Thủ Dầu Một, Bình Dương dành cho chư Ni của hệ phái.
Từ 1954 cho đến năm 1975, do nhu cầu tu tập và hành đạo, tổ chức hành chánh của Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập được chia ra như sau:
– Tăng bộ chia thành 6 Đoàn.
– Ni bộ do Ni trưởng Huỳnh Liên và một số vị Ni trưởng là đệ tử Ni lớn của Sư
Minh Đăng Quang quản lý.
– Một số vị Tăng trong hệ phái do vì nhiều nguyên nhân khách quan, nên các Ngài xin tách ra, tu tịnh tại các ngôi Tịnh xá nhỏ do các Ngài dựng lập để tịnh tu, số này dàn trải đều đặn khắp hai miền Nam và Trung Bộ.
– Chư Ni của Hệ phái Khất sĩ cũng vậy, tuy nhiên quí chư Ni của hệ phái sau khi tách ra khỏi Ni giới hệ phái thì không tu tịnh riêng lẽ, mà nương về sáu đoàn của chư Tăng.
Từ đây, nhìn về góc độ truyền thừa của hệ phái Khất sĩ của Tổ Sư Minh Đăng Quang, mô hình truyền thừa gồm có 4 thành phần rõ rệt, một là chư Tăng nằm trong danh bộ của 6 đoàn, hai là chư Ni do Ni trưởng Huỳnh Liên quản lý, ba là các vị sư Khất sĩ tách ra tu tịnh, 4 là do chư Ni của hệ phái nương trực tiếp vào hệ thống Tăng đoàn của hệ phái mà tu tập và truyền đạo.
Từ sự phân tách người viết vừa nêu, sự truyền thừa phổ hệ của Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập trong tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương được phân khúc như sau :
Từ 1954-1959: Trong tỉnh có tất cả là 3 ngôi tịnh xá :
– Tịnh xá Ngọc An, Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Tổ sư Minh Đăng Quang.
– Tịnh xá Ngọc Bình, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do Tổ sư Minh Đăng Quang.
– Tịnh xá Ngọc Lâm, Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương do Ni trưởng Huỳnh Liên. 11
Từ năm 1960 – 1970: 15 ngôi Tịnh xá được xây dựng.
Khoảng thời gian thập niên 1960, Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ do Sư Minh Đăng Quang khai lập đã có rất nhiều vị hành đạo đến mảnh đất Bình Thủ này, đặc biệt là nhận được sự hỷ cúng của quý Phật tử, nên nhiều ngôi Tịnh xá được dựng lập trong thời điểm này như :
– Tịnh xá Ngọc Thịnh, Lái Thiêu, Thuận An do Hòa thượng Giác Nhiên.
– Tịnh xá Ngọc Dương, Thủ Dầu Một do Hòa thượng Giác Nhiên.
– Tịnh xá Ngọc Phước, huyện Phước Long do Ni trưởng Huỳnh Liên.
– Tịnh xá Ngọc Bình, Dĩ An do Ni trưởng số 5 Ngân Liên .
– Tịnh xá Ngọc Châu, TDM, Bình Dương do Hòa thượng Giác Chiêu.
– Tịnh xá Liên Hoa, Tân Uyên do Hòa thượng Giác Sự.
– Tịnh xá Ngọc Thành, Lái Thiêu, Thuận An do Hòa thượng Giác Chiêu.
– Tịnh xá Ngọc Bình, Bình Long do Ni trưởng Huỳnh Liên.
– Tịnh xá Ngọc Thọ, Dầu Tiếng do Hòa thượng Giác Lạc.
– Tịnh xá Ngọc Hiệp, TDM, Bình Dương do Hòa thượng Từ Huệ.
– Tịnh xá Ngọc Phú, TDM, Bình Dương do Hòa thượng Giác Chiêu.
– Tịnh xá Ngọc Định, Bến Cát do thượng tọa Giác Đính, đoàn 5 .
– Tịnh xá Ngọc Linh, Bù Đốp do Thượng tọa Giác Đính, đoàn 5.
– Tịnh xà Ngọc Ninh, Lộc Ninh do Thượng tọa Giác Đính, đoàn 5.
– Tịnh xá Ngọc Chơn, Chơn Thành do Thượng tọa Giác Đính, đoàn 5.
Từ năm 1970 – 1983: 11 ngôi Tịnh xá được xây dựng
– Tịnh xá Ngọc Khánh, Tân Uyên do Hòa thượng Giác Nhiên.
– Tịnh xá Ngọc Định, TDM, Bình Dương do Hòa thượng Giác Chiêu.
– Tịnh xá Ngọc Lâm, Thuận An do Hòa thượng Giác Nguyện.
– Tịnh xá Ngọc Hương, Hiệp An, TDM do Hòa thượng Giác Chiêu
– Tịnh xá Ngọc Thuận, Thuận An do Hòa thượng Giác Chiêu.
– Tịnh xá Ngọc Tân, Dĩ An do Sư bà Thuận Liên.
– Tịnh xá Ngọc Chánh, TDM do Sư Giác Tựu.
– Tịnh xá Ngọc An, An Phú , Thuận An do Hòa thượng Giác Chiêu.
– Tịnh xá Ngọc Minh , Thuận An do Hòa thượng Giác Chiêu.
– Tịnh xá Ngọc Viên, ngã 5 Lái Thiêu, Thuận An do Hòa thượng Giác Chiêu.
– Tịnh thất giác Minh, Dĩ An do Trưởng lão Giác Hiền.
Như vậy, cho đến trước năm 1983, phổ hệ truyền thừa của chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ trong tỉnh Sông Bé xây dựng được 28 ngôi đạo tràng Tịnh xá, tuy nhiên vì một số yếu tố khách quan, có 8 ngôi Tịnh xá dừng hẳn sinh hoạt và không được giữ nguyên vẹn cho đến ngày thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương năm 1983, những ngôi Tịnh xá đó là:
– Tịnh xá Ngọc Dương, TDM, Bình Dương.
– Tịnh xá Ngọc An, An Phú, Thuận An,
– Tịnh xá Ngọc Viên, ngã 5, Lái Thiêu, Thuận An.
– Tịnh xá Ngọc Định, Bến Cát.
– Tịnh xá Ngọc Linh, Bù Đốp.
– Tịnh xá Ngọc Ninh, Lộc Ninh.
– Tịnh xá Ngọc Chơn, Chơn Thành.
– Tịnh xá Ngọc Phước, Phước Long.
Trên là những diễn tiến của sự truyền thừa, thuộc Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập trên mảnh đất Sông Bé – Bình Dương lấy mốc lịch sử từ 1954 đến năm 1983, tổng cộng có tất cả 29 ngôi Tịnh xá được kiến tạo xây dựng trong thời điểm này. Chư Tăng Ni Khất sĩ luôn hành đạo với mô hình mỗi ngôi Tịnh xá đều có một ngôi Đại hùng Bửu điện hình bát giác, ở giữa thờ tháp Phật, phía dưới tòa sen thờ Phật có chân đế 3 tầng gọi là tam cấp, biểu tượng cho Tam bảo, phía trên Đức Phật có bảo tháp gồm 13 tầng, biểu tượng từ cảnh giới thấp nhất là địa ngục đến cuối cùng là cảnh giới của Phật, sau tháp thờ Phật là bàn thờ Tổ sư Minh Đăng Quang, chư Tăng Ni thường mỗi buổi sáng đều trì bình, khất thực, sinh hoạt thọ trì có hai thời kinh tụng mỗi ngày đều tụng theo cách chuyển thể những lời kinh trong Kinh Nhật Tụng thành kinh văn Tiếng Việt, mãi cho đến tháng 01 năm 1983, sự thống nhất 9 hệ phái trên địa bàn tỉnh tiến tới Đại hội lần thứ nhất thành lập Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Sông Bé – Bình Dương cho đến ngày hôm nay.
II/ Những thành tựu của chư Tăng, Ni Hệ phái Khất sĩ (Minh Đăng Quang) trên địa bàn tỉnh Sông Bé – Bình Dương chặng đường 40 năm thành lập GHPGVN tỉnh Sông Bé – Bình Dương
Một sự kiện trọng đại trong lịch sử vàng son của Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương, đó là vào ngày 8,9 tháng 01 năm 1983, tại Tổ đình Chùa Hội Khánh, Đại hội thống nhất 9 hệ phái Phật giáo trong tỉnh thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương, sự kiện này đã đưa đến sự hòa hợp đoàn kết tất cả các tổ chức hệ phái Phật giáo trên địa bàn tỉnh thành một tổ chức Phật gáo duy nhất trong tỉnh trực thuộc dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trung ương đã được thống nhất thành lập tháng 11 năm 1981. Đây là điều kiện rất thuận lợi để ổn định nội hàm tăng đoàn, phát huy mạnh mẽ tinh thần “Lục hòa cộng trụ” như lời Đức Phật dạy “Như vậy này các Tỳ kheo, ngày nào mà chư Tỳ kheo còn ngồi lại trong tinh thần đoàn kết, bàn luận trong tinh thần đoàn kết, và đứng lên giải tán trong tinh thần đoàn kết thì ngày ấy chánh pháp của Như Lai còn hưng thịnh”(1), và chỉ có sức mạnh này, mới có thể đủ sức xiển dương Phật pháp, cứu khổ ban vui!
Những ngày này, các cơ sở, tự viện thuộc 9 tổ chức hệ phái đều lần lượt đăng ký vào danh sách tăng bộ của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé, thời gian này các ngôi Tịnh xá thuộc Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang thuộc tỉnh Sông Bé đã đăng ký vào sinh hoạt trong tổ chức Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé được 21 ngôi Tịnh xá cụ thể như sau:
Thị xã Thủ Dầu Một
– Tịnh xá Ngọc Bình , phường Chánh Nghĩa.
– Tịnh xá Ngọc Châu, phường Hiệp Thành.
– Tịnh xá Ngọc Chánh, phường Hiệp Thành.
– Tịnh xá Định, phường Định Hòa.
– Tịnh xá Ngọc Hiệp, phường Tương Bình Hiệp.
– Tịnh xá Ngọc Hương, phường Tương Bình Hiệp.
– Tịnh xá Ngọc Phú, phường Phú Thọ.
Thị xã Tân Uyên
– Tịnh xá Liên Hoa, xã Bạch Đằng.
– Tịnh xá Ngọc Khánh, phường Tân Phước Khánh.
Thị xã Thuận An
– Tịnh xá Ngọc Thịnh, phường Lái Thiêu.
– Tịnh xá Ngọc Thành, phường Lái Thiêu.
– Tịnh xá Ngọc Minh, phường Vĩnh Phú.
– Tịnh xá Ngọc Lâm, phường Bình Chuẩn.
– Tịnh xá Ngọc Thuận, phường Thuận Giao.
Huyện Dầu Tiếng
– Tịnh xá Ngọc Thọ, thị trấn Dầu Tiếng.
– Tịnh xá Ngọc Lâm, thị trấn Dầu Tiếng.
Huyện Dĩ An
– Tịnh xá Ngọc An, phường Dĩ An.
– Tịnh xá Ngọc Bình, phường Dĩ An.
– Tịnh xá Ngọc Tân, phường Tân Đông Hiệp.
– Tịnh thất Giác Minh, phường Tân Đông Hiệp
Huyện Bình Long
– Tịnh xá Ngọc Bình, Bình Long.
Với tất cả là 21 ngôi Tịnh xá và gần 20 vị Tăng Ni hệ phái trên tổng số lần thống kê cơ sở tự viện và số lượng Tăng Ni nhiệm kỳ thứ nhất của tỉnh Sông Bé là 132 cơ sở tự viện và 183 số lượng Tăng Ni. Từ đó đến nay, trải qua chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương đã có một bước dài phát triển rực rỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho chư Tăng Ni trong địa bàn tỉnh phát huy triệt để sức mạnh tích cực này mà xây dựng và phát triển cơ sở tự viện và chât lượng tu tập trong đời sống của Tăng Ni và tín đồ Phật tử trong tỉnh. Riêng về Tăng Ni của Hệ phái Khất sĩ (Minh Đăng Quang), trong 40 năm qua cũng đã có những thành tựu rất lớn, cụ thể như :
Số lượng cơ sở:
Từ 21 ngôi Tịnh xá đầu tiên đăng ký vào sinh hoạt trong danh bộ của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé, đến nay số lượng cơ sở đã tăng lên như sau:
– Tịnh xá Ngọc Phước, Dầu Tiếng năm 2013.
– Tịnh xá Ngọc Bích, Dầu Tiếng năm 2013
– Tịnh xá Ngọc Châu, Dầu Tiếng năm 2013.
– Tịnh xá Ngọc An Lạc, Bắc Tân Uyên 2013.
– Tịnh xá Ngọc Định, Bàu Bàng năm 2021.
– Tịnh xá Ngọc Phước, huyện Phước Long, năm 1996 ( trước khi tách tỉnh Sông Bé).
Như vậy cho đến nay, trên địa bàn Tỉnh Bình Dương có thêm được 5 ngôi Tịnh xá mới trở thành là cơ sở của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, tổng cộng là 25 ngôi.
Số lượng Tăng Ni, và Tăng Ni trẻ được tham dự các khóa học đào tạo Phật học
Người viết cho rằng đây là mặt phát triển tích cực nhất mà chư Tăng Ni trong Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang so với thời điểm trước năm 1983, đây là nói về sự phát triển của hệ phái trong tỉnh Sông Bé – Bình Dương, bởi lẽ trước đó chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập chỉ chuyên về hạnh du tăng, hành trì tu tập, luân chuyển định kỳ, thì không thể có điều kiện để trụ lại một trú xứ lâu dài nói gì đến chuyện tham dự một khóa học dài hạn. Thế nhưng hôm nay, hình ảnh Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang được hòa mình trong Giáo hội, Tăng Ni trẻ được tham dự các khóa đào tạo Phật học từ Cơ bản, Cao đẳng Phật học, Học viện Phật giáo, các khóa đào tạo sau Đại học… đây là cơ hội để Tăng Ni trẻ sau này gạt bỏ những khác biệt của từng hệ phái, hòa quyện cùng nhau trên tư tưởng nâng cao trình độ thế học và Phật học, trang bị đầy đủ kiến thức nội minh và ngoại minh, nâng cao phẩm hạnh đạo đức của từng cá nhân mục đích sau cùng là đầy đủ tư cách để phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc. Cho đến hiện tại, số lượng Tăng Ni trẻ của hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang trong tỉnh đã tham dự các khóa học Phật pháp trong và ngoài nước có số liệu đại khái như sau:
– Tiến sĩ Phật học: 1 vị
– Cử nhân Phật học: 5 vị
– Tốt nghiệp Trung cấp Phật học: trên dưới 10 vị.
– Tham gia Khóa đào tạo giảng sư cao cấp tại TP. HCM: 1 vị.
Trên cơ sở thống kê sơ bộ, trong địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tại số lượng Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang có gần 50 vị. Và còn rất nhiều thành quả mà chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang trong tỉnh Sông Bé – Bình Dương chúng con gặt hái được về mặt sinh hoạt tu tập và tổ chức các khóa tu Phật học, xây dựng cơ sở tại các cơ sở tự viện, từ thiện xã hội…
III/ Những đóng góp của chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ
Phần 1. Tóm lược quá trình chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang trong tỉnh tham gia Ban Trị sự trong suốt 40 năm (1983 – 2023) với 10 nhiệm kỳ hoạt động.
Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển đến nay, Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Bình Dương đã trải qua 10 nhiệm kỳ, chúng ta có thể chia thành 3 thời kỳ rõ rệt, đó là :
– Thời kỳ hình thành và ổn định 1983 – 1995, đây là thời kỳ có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Trưởng ban.
– Thời kỳ ổn định và khởi đầu phát triển 1995 – 2011, do Hòa thượng Thích Minh Thiện làm Trưởng ban.
– Thời kỳ phát triển rực rỡ 2012 – 2023, do Hòa thượng Thích Huệ Thông làm Trưởng ban.
Trong 3 thời kỳ được nêu trên, chư tăng ni hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang đã được tham gia và đóng góp công đức và sức lực của mình vào trong sự nghiệp hình thành, ổn định và phát triển trong chặng đường 40 năm của Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Sông Bé – Bình Dương cụ thể như sau:
Nhiệm kỳ I (1983 – 1987): Sư cô Thích nữ Diệu Nghĩa đã tham gia vào Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé với vai trò Ủy viên Thủ quỹ kiêm Hướng dẫn Phật tử.
Nhiệm kỳ II (1987 – 1991): Nhiệm kỳ này có 22 thành viên, Tăng Ni Khất sĩ được tham gia là 4 vị.
– Sư cô Diệu Nghĩa: Ủy viên Thủ quỹ.
– Đại đức Minh Thuấn, Đại đức Giác Nguyện, Đại đức Giác Sự đều là Ủy viên Ban Trị sự.
Nhiệm kỳ III (1991 – 1994): Tổng số Ban Trị sự có 19 vị, Tăng Ni Khất sĩ được tham gia là 5 vị
– Đại đức Minh Thuấn, Ủy viên Hướng dẫn Nam nữ Phật tử.
– Sư cô Diệu Nghĩa, Ủy viên Thủ quỹ.
– Đại đức Giác Sự, Ủy viên.
– Đại đức Giác Nguyện, Ủy viên.
– Sư cô Thành Liên, Ủy viên.
Nhiệm kỳ IV (1994 – 1997): Tổng số Ban Trị sự có 25 thành viên.
– Sư cô Diệu Nghĩa , Phó ban Trị sự kiêm Tài chánh
– Đại đức Minh Thuấn, Phó Thư ký kiêm Ủy viên Hoằng pháp.
– Sư cô Tập Liên, Ủy viên Thủ quỹ.
– Đại đức Giác Sự, Ủy viên.
– Đại đức Giác Nguyện, Ủy viên.
– Sư cô Cẩn Liên, Ủy viên.
Nhiệm kỳ V (1997 – 2002): Nhiệm kỳ này Ban Trị sự có tất cả là 21 thành viên, trong đó Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang được tham gia là 4 thành viên.
– Ni sư Diệu Nghĩa, Phó ban Trị sự kiêm Tài chánh.
– Đại đức Thích Minh Thuấn, Chánh Thư ký.
– Sư cô Tập Liên, Ủy viên Thủ quỹ.
– Đại đức Giác Sự, Ủy viên.
Nhiệm kỳ VI (2002 – 2007): Nhiệm kỳ này Ban Trị sự có tất cả 21 thành viên, chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang được tham gia là 4 vị.
– Ni sư Diệu Nghĩa, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện.
– Thượng tọa Minh Thuấn, Chánh Thư ký.
– Ni sư Tập Liên, Ủy viên Thủ quỹ.
– Thượng tọa Giác Sự, Ủy viên Kiểm soát.
Nhiệm kỳ VII (2007 – 2012): Ban Trị sự nhiệm kỳ này có gồm có 39 thành viên, Tăng Ni Khất sĩ Minh Đăng Quang được tham gia là 6 vị.
– Ni sư Diệu Nghĩa, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chánh.
– Thượng tọa Minh Thuấn, Chánh Thư ký.
– Đại đức Minh Lực, Phó Thư ký.
– Thượng tọa Giác Sự, Ủy viên Kiểm soát.
– Thượng tọa Giác Nguyện, Ủy viên.
– Ni sư Thành Liên, Ủy viên.
Nhiệm kỳ VIII (2012 – 2017): Ban Trị sự nhiệm kỳ này có tất cả 52 thành viên (trong đó có 5 vị dự khuyết), chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ được tham gia là 7 vị gồm:
– Thượng tọa Minh Thuấn, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp.
– Ni trưởng Tập Liên, Phó ban Trị sự.
– Đại đức Minh Lực, Chánh Thư ký.
– Thượng tọa Giác Sự, Ủy viên.
– Thượng tọa Giác Nguyện, Ủy viên
– Ni trưởng Nhã Liên, Ủy viên.
– Sư cô Cam Liên, Ủy viên.
Nhiệm kỳ IX (2017 – 2022): Ban Trị sự nhiệm kỳ 9 có tất cả là 57 thành viên, trong đó chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ được tham gia vào Ban Trị sự có 4 vị:
– Thượng tọa Minh Lực, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông.
– Đại đức Minh Duy, Ủy viên
– Sư cô Cam Liên Ủy, viên.
– Sư cô Liên An, Ủy viên.
– Trong nhiệm kỳ này, Ban Trị sự cung thinh Hòa thượng Giác Sự và Hòa thượng Giác Nguyện lên hàng Chứng minh.
Nhiệm kỳ X ( 2022 – 2027): Nhiệm kỳ này Ban Trị sự có tất cả là 68 thành viên, trong đó chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ được tham dự là 4 vị:
– Thượng tọa Minh Lực, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế.
– Sư cô Liên An, Ủy viên Thường trực.
– Đại đức Minh Duy, Ủy viên.
– Sư cô Cam Liên, Ủy viên.
Đại hội lần này suy tôn 9 vị Hòa thượng trong tỉnh lên hàng Chứng minh Ban Trị sự, trong đó Hệ phái Khất sĩ có 2 vị đó là Hòa thượng Giác Sự và Hòa thượng Giác Nguyện.
Phần 2. Chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang trong tỉnh tham gia vào công tác quan trọng của Giáo hội.
Tăng sự.
Tăng sự là một Ban, Ngành hết sức quan trọng trong Giáo hội để làm cho tổ chức Giáo hội được vững mạnh và phát triển, đặc biệt là việc mở Đại Giới đàn để truyền trao giới pháp cho thế hệ kế thừa đắc giới tu học, trải qua 40 năm qua, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương đã tổ chức được 11 Đại Giới đàn, trong đó Ban Thập sư Tăng và Thập sư Ni đều có hình bóng của chư Tôn đức trong Hệ phái Khất sĩ như: Hòa thượng Giác Sự, Hòa thượng Giác Nguyện, Hòa thượng Minh Thuấn, Cố Ni trưởng Diệu Nghĩa, Tập Liên, Nhã Liên, Thuận Liên, Thành Liên…
Giáo dục.
Ngành Giáo dục như lời Bác Hồ nói là công việc “Trồng người”, khi Trường Cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé được hình thành năm 1995, thì hoàn cảnh lúc này trong cả tỉnh rất khó khăn, kể cả về tài chánh, vật chất, nhân sự …, thế nhưng ngôi trường vẫn vững vàng thành công đào tạo hết Khóa 1 rồi khóa 2, 3, 4…. ! Đây là một thành quả rất đáng tự hào, và cho đến giờ phút này đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, đối với hàng hậu học Tăng Ni trẻ trong tỉnh Bình Dương mà xưa là Sông Bé và đối với tất cả đây là thành quả rất đáng được trân trọng ghi nhớ nhất vì từ ngôi trường đơn sơ mộc mạc này hàng ngàn Tăng Ni trẻ đã trưởng thành đã, đang và sẽ trở thành những nhân vật phụng sự tốt cho việc phụng sự và trang nghiêm Giáo hội.
Điểm lại Phật sự này, chúng ta thấy rằng người có công đức lớn nhất trong công việc giáo dục và đào tạo thế hệ kế thừa tại tỉnh Bình Dương trong thời gian từ lúc ngôi trường Cơ bản Phật học tại tỉnh Bình Dương cho đến bây giờ đó là Hòa thượng Thích Huệ Thông, vị Trưởng ban Trị sự hiện giờ của tỉnh Bình Dương chúng ta, ngay từ thuở ban đầu 1995, Ngài đã trực tiếp đứng ra xin phép xây dựng trường học, trực tiếp chiêu sinh, điều hành, giảng dạy và nuôi dưỡng Tăng Ni sinh và chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo Tăng Ni sinh của trường, đối với Trung ương Giáo hội, đối với Ban Giáo dục Trung ương Giáo hội và đặc biệt là đối với lãnh đạo tỉnh nhà!
Để vượt qua vô vàng khó khăn trong công tác đào tạo, bên cạnh Hòa thượng Huệ Thông, toàn thể Tăng Ni trẻ chúng con không thể quên công ơn của Cố Ni trưởng Diệu Nghĩa, Hòa thượng Minh Thuấn, Hòa thượng Minh Nghĩa, Ni trưởng Pháp Như …, những người cùng đồng hành với Hòa thượng Huệ Thông trong công tác giáo dục và đào tạo qua các thời kỳ tại tỉnh nhà cùng chư Tôn đức Tăng Ni nhị bộ, các nhà hảo tâm của trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương, lãnh đạo chánh quyền tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan qua các thời kỳ, và ở đây, điều mà chúng con muốn nói là Cố Ni trưởng Diệu Nghĩa, Hòa thượng Minh Thuấn đều là các bậc tôn túc trong Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang tại mảnh đất Sông Bé – Bình Dương này.
Còn rất nhiều Phật sự lan tỏa trong 12 ban, ngành của Ban Trị sự trong suốt chặng đường 40 thành lập Giáo hội, đây đó đều có những công đức đóng góp của chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang trong tỉnh Sông Bé Bình Dương xuyên suốt 10 nhiệm kỳ (1983 – 2023).
IV/ Kết Luận
Kính thưa toàn thể Hội thảo.
Chào mừng kỷ niệm 40 năm hình thành và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, trước không khí uy nghiêm của buổi Hội thảo, chúng con mạo muội sơ lượt lại những thành tựu và đóng góp của chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ Minh Đăng Quang cho sự nghiệp hình thành, ổn định và phát triển của Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương, qua đó bày tỏ lòng thành kính tri ơn sâu sắc đối với các bậc kỳ túc, Trưởng lão đã có nhiều tâm huyết, đóng góp tích cực cho sự nghiệp thống nhất 9 tổ chức Hệ phái qui về một mối đó là “GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM” Trung ương diễn ra năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ Đô Hà Nội. Đây là tiền đề để tỉnh Sông Bé – Bình Dương tiến tới thống nhất 9 tổ chức hệ phái trên địa bàn cả tỉnh, để từ đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương ra đời, trải qua những trang sử thăng trầm trong suốt 40 năm với 10 nhiệm kỳ gian khổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương đã từng bước ổn định, trưởng thành và vươn lên phát triển rực rỡ! Nhờ đó nên ngày nay hàng Tăng Ni hậu học chúng con trong tỉnh Bình Dương cảm thấy rất sung sướng và tự hào thọ hưởng được những thành quả vô vàng quý giá ấy. Qua đó, chúng con xin chân thành bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các bậc Trưởng lão Hòa thượng lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sông Bé – Bình Dương qua các thời kỳ suốt chặng đường 40 năm hình thành, ổn định và phát triển, xin thành kính tri ân Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn, Hòa thượng Thích Minh Thiện, Hòa thượng Thích Huệ Thông vì các Ngài là những bậc kỳ túc tiêu biểu cho ba thế hệ hình thành, ổn định và phát triển kết nối nhau tạo thành một dòng chảy xuyên suốt 40 năm, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương từ thuở bình minh năm 1983 đơn sơ, bình dị cho đến kỷ nguyên của sự hưng thịnh, phát triển!
Chúng con xin thành tâm cầu nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, kính chúc quý đại biểu trong buổi Hội thảo sức khỏe và an lạc.
Trân trọng!
Tài liệu tham khảo:
1. Sơ thảo Phật giáo Bình Dương, Hòa thượng Thích Huệ Thông, NXB Mũi Cà Mau, xuất bản năm 2000
2. Lịch sử Phật giáo Bình Dương của Hòa thượng Thích Huệ Thông, Nhà xuất bản Văn hóa Văn Nghệ TP. HCM năm 2015.
3. Các bản Báo cáo qua các Nhiệm kỳ cùng những tập kỷ yếu Đại hội nhiệm kỳ 8,9,10 của Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Bình Dương.