Tóm tắt:
Năm 1983, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé ra đời trên cơ sở Ban liên lạc Phật giáo yêu nước tỉnh Sông Bé được thành lập trong năm đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1997, tỉnh Sông Bé chia tách thành hai tỉnh là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước thì ở mỗi tỉnh có Ban trị sự Giáo hội Phật giáo riêng. Tính đến năm 2023, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương có lịch sử 26 năm hình thành và phát triển. Nếu tính luôn thời gian còn chung tỉnh Sông Bé thì Phật giáo Bình Dương tròn 40 tuổi.
Trong đạo Phật có đề cập đến lý duyên sinh, trong đó thể hiện vận mệnh Phật tử nói riêng cũng như vận mệnh của người dân nói chung không thể tồn tại độc lập với môi trường xã hội, mà phải nương nhờ vào vận mệnh chung của xã hội, của cả quốc gia, dân tộc. Xét theo khía cạnh này, Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé tiếp đó là Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương trong 40 năm qua thể hiện rõ tinh thần nhập thế, phát triển đồng điệu với sự phát triển của kinh tế – xã hội địa phương, phát huy mạnh mẽ truyền thống “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”. Bằng phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu kết hợp phương pháp lịch sử và logic, bài viết khái quát quá trình 40 năm phát triển của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương trong đó có tỉnh Bình Phước (trước 1997) nhằm làm rõ sự phát triển vững chắc của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương cũng như những đóng góp của Phật giáo địa phương cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Từ khóa: Bình Dương, đóng góp, Giáo hội Phật giáo, phát triển
1. Dẫn nhập
Được Nhân dân cả nước đánh giá là tỉnh phát triển năng động, hơn hai thập niên qua Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế khá ấn tượng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thu nộp ngân sách thuộc tốp 5 tỉnh thành đứng đầu cả nước. Bên cạnh sự năng động về kinh tế, Bình Dương còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đậm chất Nam Bộ, đồng thời là tỉnh có nhiều tôn giáo với số lượng tín đồ đông đảo và hệ thống cơ sở tôn giáo khá phong phú.
Phật giáo xuất hiện trên vùng đất ngày nay là tỉnh Bình Dương vào thời kỳ đầu các chúa Nguyễn khai mở vùng đất phía Nam của xứ Đàng Trong (thế kỷ XVI-XVIII). Từ một vài tự viện tạm bợ đáp ứng nhu cầu tôn giáo của một bộ phận cư dân sống thưa thớt trên địa bàn tổng Bình An (thế kỉ XVII) như: Chùa núi Châu Thới, chùa Hưng Long, chùa Hội Khánh và một vài chùa khác, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 200 tự viện được xây dựng khang trang nhưng không giảm đi sự tôn nghiêm, cổ kính.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một số vị hòa thượng, thượng tọa và tăng, ni uy tín ở Thủ Dầu Một vận động thành lập Ban liên lạc Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Thủ (2-1976)16. Đến tháng 7-1976, Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất quyết định thành lập tỉnh Sông Bé và Ban liên lạc Phật giáo yêu nước tỉnh Sông Bé có tên từ đó. Ngày 7-11-1981, Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất họp tại Thủ đô Hà Nội đánh dấu sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam. Nhờ hoạt động tích cực của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước tỉnh, liên hệ chặt chẽ với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kì I, mùa xuân 1983 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé ra đời và bốn Ban đại diện Phật giáo cấp huyện, thị xã (Thủ Dầu Một, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát). Từ năm 1992 đến năm 1995, tỉnh Sông Bé thành lập thêm 5 ban đại diện Giáo hội Phật giáo tại các huyện phía bắc tỉnh, ngày nay thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước, cụ thể: Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long (1992), Đồng Phú (1994) và Bù Đăng (1995) nâng tổng số ban đại diện Phật giáo trực thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé lên 9 đầu mối. Tháng 11-1996, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 ra Nghị quyết chia tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Theo đó tỉnh Bình Dương còn lại bốn đơn vị hành chính cấp huyện cùng với đó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương còn lại bốn ban đại diện Phật giáo cấp huyện như thời kỳ 1983-1991. Năm 1999, Chính phủ ra Nghị định số 58, điều chỉnh địa giới hành chính, tái lập các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An, đến năm 2000 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo ở các huyện này được thành lập, nâng đầu mối trực thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh lên 7 đầu mối. Năm 2013 theo Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ thành lập huyện Bắc Tân Uyên và huyện Bàu Bàng. Sau sự kiện trên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương có thêm 2 đơn vị đầu mối trực thuộc. Từ năm 2013 đến năm 2023, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị đầu mối trực thuộc.
Từ những năm cuối của thế kỉ XX, Bình Dương bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, bắt đầu tăng tốc bức phá về kinh tế. Sau 1/4 thế kỉ, Bình Dương lần lượt vượt qua nhiều địa phương có kinh tế mạnh và vươn lên nhóm 5 tỉnh thành thu nộp ngân sách đứng đầu trong cả nước. Kinh tế càng phát triển, xã hội càng bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm như: sự phân hóa giàu nghèo; việc làm và thu nhập; các phúc lợi và an sinh xã hội; sự biến đổi về tôn giáo và tín ngưỡng,… Đòi hỏi của thực tiễn là, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời khuynh hướng phát triển của các vấn đề văn hóa xã hội, trong đó có tôn giáo, sẽ dẫn đến tình trạng văn hóa xã hội phát triển không ngang bằng kinh tế. Nếu để kéo dài tình trạng phát triển không đồng đều, sẽ gây nhiều hệ lụy làm cản trở sự phát triển của kinh tế.
Hòa nhịp với sự phát triển chung của kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh nói riêng và Phật giáo ở địa phương nói chung với những nổ lực to lớn, cố gắng tạo ra sự phát triển lớn mạnh của Giáo hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
2. Sự lớn mạnh về tổ chức, cơ sở thờ tự và đội ngũ tăng, ni Phật tử
Thời kỳ từ năm 1983 đến năm 1997, Giáo hội Phật giáo Bình Dương trải qua 4 nhiệm kỳ (1983-1987; 1987-1991; 1991-1994 và 1994-1997). Trong 2 nhiệm kỳ đầu, hoạt động của Ban Trị sự chủ yếu tập trung ở phía nam của tỉnh với 4 ban trị sự cấp huyện, mối quan hệ với các hoạt động Phật sự phía bắc của tỉnh còn lỏng lẻo. Chúng tôi chưa có số thống kê chính xác về số lượng Phật tử, còn cơ sở tôn giáo, tu sĩ Phật giáo toàn tỉnh có 132 tự viện, tịnh xá và 183 tăng, ni. Trong 2 nhiệm kỳ tiếp theo, số lượng đầu mối cấp huyện tăng lên 9 đầu mối, các huyện phía bắc đã có ban trị sự. Nhiệm kỳ III và IV cũng chưa có số liệu về phật tử tỉnh Sông Bé, tuy nhiên năm 1992, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh thống kê toàn tỉnh Sông Bé có 194 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường và 330 tăng, ni17.
Thời điểm tái lập tỉnh Bình Dương trên cơ sở chia tách tỉnh Sông Bé (thành tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước), năm 1997 dân số toàn tỉnh Bình Dương là 679.000 người, Phật giáo có 37.000 tín đồ trong tổng số 91.000 tín đồ của các tôn giáo. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh có 175 cơ sở tự viện, tổng số chức sắc và tu sĩ Phật giáo là 338 vị. Năm 2003, dân số tỉnh Bình Dương tăng lên 853.807 người, Phật giáo có 50.000 tín đồ trong tổng số 105.639 tín đồ của các tôn giáo. Thời điểm ấy, tổng số tự viện trên địa bàn tỉnh giữ nguyên 175 cơ sở, tổng số chức sắc và tu sĩ là 320 vị18. Năm 2011, dân số toàn tỉnh tăng lên 1.691.400 người, tín đồ Phật giáo tăng lên xấp xỉ 60.000 người; tổng số tự viện trên địa bàn vẫn giữ 175 cơ sở, tổng số chức sắc và tu sĩ là 337 vị19.
Năm 2020, dân số toàn tỉnh tăng lên 2.426.561 người, Phật giáo có 278.347 tín đồ trong tổng số 393.115 tín đồ của 7 tôn giáo. Tổng số cơ sở tôn giáo của Phật giáo trên địa bàn là 202 tự viện, 483 chức sắc, tu sĩ, 205 chức việc. Đến cuối năm 2022, dân số tỉnh Bình Dương là 2.685.513 người, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 207 cơ sở tự viện, khoảng 800 chức sắc, tu sĩ và 278.347 Phật tử (chiếm 10,368% dân số)20.
Qua số liệu trên cho thấy tín đồ đạo Phật tăng hơn 7,5 lần (từ 37.000 tín đồ của năm 1997 tăng lên 278.347 tín đồ của năm 2022); tu sĩ Phật giáo tăng gần 2,5 lần (từ 338 chức sắc, tu sĩ của năm 1997 tăng lên 800 chức sắc, tu sĩ của năm 2022); riêng tự viện tăng không đáng kể, trong 15 năm sau khi tái lập tỉnh Bình Dương tự viện không tăng (1997-2011). Trong 10 năm liền kề sau đó, tỉnh Bình Dương có thêm 33 tự viện (208 tự viện năm 2023), và 4 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung21.
Trong 40 năm qua, các vị cao tăng đứng đầu Giáo hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự phát triển đồng điệu theo nhịp độ phát triển chung của kinh tế – xã hội địa phương. Điều này được thể hiện một cách sinh động và tích cực trong nhiều mặt hoạt động của Phật giáo tỉnh qua các hoạt động như: xây dựng và phát triển tổ chức; giáo dục lối sống đạo đức; xây dựng đời sống văn hóa, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; ứng phó với dịch bệnh covid-19,… Những việc làm đầy ý nghĩa của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, chức sắc, tu sĩ và Phật tử nói chung, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương trong điều kiện lịch sử mới.
3. Những đóng góp chủ yếu của Phật giáo địa phương đối với kinh tế – xã hội tỉnh nhà
3.1. Giai đoạn 1983-1997, vượt qua những khó khăn ban đầu của tỉnh Sông Bé
Giai đoạn này có 1/3 thời gian đất nước ta còn trong thời kỳ bao cấp, tình hình kinh tế – xã hội khủng hoảng trầm trọng, điều này có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến Phật giáo tỉnh Sông Bé. Thêm vào đó, tổ chức Giáo hội mới được thành lập, kinh nghiệm tổ chức hoạt động của các thành viên Ban Trị sự cấp tỉnh còn thiếu, trong khi đó sự quản lý, chỉ đạo hướng dẫn của chính quyền địa phương còn những hạn chế nhất định. Thời kì từ 1983 đến cuối 1992, trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh đặt dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh. Từ 12-1992, sau khi Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh Sông Bé ra đời, trực tiếp quản lý hoạt động tôn giáo trên toàn địa bàn, từ đó mọi hoạt động của Giáo hội Phật giáo địa phương bước vào thời kỳ ổn định và khá quy củ.
Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo từng bước được kiện toàn và thống nhất phát triển hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Trong hơn 3 năm (1992-1995), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp huyện lần lượt ra đời ở 5 huyện phía bắc tỉnh (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Sự chỉ đạo điều hành của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé đi vào chiều sâu về tổ chức và có những cố gắng đóng góp cho địa phương. Sự thống nhất các hệ phái trong Giáo hội ở một số tỉnh, thành gặp một số khó khăn còn ở tỉnh Sông Bé khá thuận lợi, tuy nhiên vẫn cần sự hỗ trợ rất nhiều từ Trung ương Giáo hội và chính quyền địa phương. Dù còn nhiều khó khăn do tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé chủ động tháo gỡ từng bước, tích cực tham gia đóng góp cho địa phương, cử nhiều tăng, ni tham gia vào Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Nhân dân các cấp và một số tổ chức khác. Hoạt động nhân đạo từ thiện chưa như mong đợi nhưng thể hiện tư tưởng của Ban Trị sự qua việc chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh bằng thuốc nam miễn phí cho đồng bào nghèo (chùa Hưng Đức, chùa Hưng Mỹ, chùa Hưng Khánh), vận động quyên góp ủng hộ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai, lũ lụt. Chỉ tính nhiệm kỳ I, Phật giáo tỉnh đã quyên góp được hơn 50 triệu đồng để làm từ thiện22. Những năm tiếp theo từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ IV Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé, kinh tế – xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực, cùng với đó mọi hoạt động của Phật giáo tỉnh có bước khởi sắc. Chính quyền quyết định giao đất một số tự viện theo đề nghị của Giáo hội như chùa Phước Lâm (Tân Uyên, 1992), Hưng Long (Bình Long, 1992),… Năm 1993, Ban Trị sự cấp tỉnh tổ chức thành công Hội thảo khoa học quan trọng về chủ đề Bác Hồ với đạo Phật, nhân dịp chùa Hội Khánh (Phú Cường, Thủ Dầu Một) tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Cũng vào thời điểm ấy, Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức tưởng niệm các bậc thiền đức tiền bối có công lao lớn trong lịch sử Phật giáo tại địa phương, trong đó có cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Các điểm bốc thuốc chữa bệnh bằng thuốc nam tiếp tục được duy trì và có thêm một số điểm mới. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện thu được kết quả cao hơn. Trong nhiệm kỳ IV, chưa kể hiện vật, số tiền Giáo hội Phật giáo địa phương quyên góp được 500 triệu đồng, gấp 10 lần nhiệm kỳ I. Các điểm nuôi dưỡng người già cô đơn, người tàn tật ở Niệm Phật đường Phước Thiện (Chánh Phú Hòa), Niệm Phật đường Phước Hội (Lai Uyên) hoạt động hiệu quả. Nhiều tăng, ni có đóng góp lớn cho công tác nhân đạo từ thiện như Thượng tọa Thích Minh Thiện, Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa và một số vị khác23. Năm 1995, Trường Trung cấp Phật học được thành lập tại Tổ đình chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) khẳng định tầm nhìn chiến lược và quyết tâm nâng tầm trình độ của đội ngũ tăng, ni thời gian sau đó. Hoạt động đối ngoại trong tôn giáo và có liên quan đến tôn giáo cũng khởi sắc với một số cuộc viếng thăm, làm việc và làm từ thiện của các đoàn đến từ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Ấn Độ, New Zealand,… giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về Phật giáo Việt Nam cũng như chủ trương, chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
3.2. Giai đoạn 1997-2023, Phật giáo Bình Dương góp phần thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng đến “Thành phố thông minh”
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng – an ninh trong thời kỳ mới, ngày 6-11-1996, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 10 ra Nghị quyết chia tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Theo đó tỉnh Bình Dương có bốn đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thị xã Thủ Dầu Một và ba huyện: Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát với diện tích 2718,50 km2, dân số 646.317 người; tỉnh lỵ là thị xã Thủ Dầu Một24.
Từ những ngày đầu tái lập tỉnh, những người đứng đầu lãnh đạo địa phương xác định tầm quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa với khẩu hiệu rõ ràng: “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” tỉnh có những chính sách và đãi ngộ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, những người có học hàm, học vị trong và ngoài nước; vận động, thu hút các nguồn vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Với quan điểm đúng đắn ấy, chính quyền tỉnh Bình Dương có nhiều chế độ, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế. Chỉ trong một thập niên, từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp chủ yếu, Bình Dương vươn lên thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và đạt sự tăng trưởng nhanh với chất lượng cao của hầu hết các ngành kinh tế, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh và ngân sách quốc gia. Tổng thu ngân sách trên địa bàn liên tục tăng (bình quân giai đoạn 1997-2020 tăng 26,1%/năm), trở thành một trong những địa phương có mức thu ngân sách cao và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương. Đến năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 61.200 tỷ đồng, tăng gấp 74 lần so với năm 199725.
Bình Dương cũng là tỉnh có tốc độ tăng dân số cơ học đứng đầu cả nước. Khi tái lập tỉnh Bình Dương từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, dân số toàn tỉnh có 646.317 người. Trong giai đoạn 2000-2010, tỷ lệ tăng dân số là 7,62%/ năm, đến năm 2019, dân số Bình Dương đạt 2.456.216, trong đó có 1.240.520 nhân khẩu tạm trú (công nhân trong các khu công nghiệp chiếm khoảng 85%). Cuối năm 2022, dân số tỉnh Bình Dương là 2.685.513 người, Bình Dương trở thành địa phương có tỷ lệ dân nhập cư cao nhất cả nước, đứng thứ 6/63 tỉnh thành trong danh sách các địa phương có nhiều người muốn di cư đến nhất26.
Về văn hóa, xã hội và đời sống người dân, từ khi tái lập tỉnh đến năm 2023, tỉnh Bình Dương có trên 10 lần xây dựng chuẩn nghèo áp dụng riêng cho địa phương cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 1,7 đến 3 lần (giai đoạn từ 2009-2010 cao hơn 3 lần; giai đoạn 2011-2013 cao hơn 2 lần; giai đoạn 2014- 2015 cao hơn 2,5 lần và giai đoạn 2016-2020 cao hơn 1,7 lần). Năm 2022, Bình Dương tiếp tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh về thu nhập cao hơn của cả nước 1,5 lần. Từ năm 2016, Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương và không có hộ tái nghèo.
Kết quả thống kê năm 2019 cho thấy, thu nhập bình quân một người trên một tháng từ 2.698.000 đồng/người/tháng năm 2010 tăng lên 6.823.000 đồng/người/tháng năm 2018 và đến năm 2019 tiếp tục tăng lên 7.433.000 đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Dương cao nhất cả nước (cao hơn cả Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội). Trong đó, thu nhập từ tiền công, tiền lương là 4.613.000 đồng, từ phi nông nghiệp là 2.108.000 đồng, còn lại là từ nguồn thu khác27.
Có thể nói, yếu tố năng động trong tư duy lãnh đạo có vai trò quyết định cho sự phát triển. Điều này giúp Bình Dương có bước đột phát, vươn lên thành công trong thời gian khá ngắn so với các địa phương khác. Một điều may mắn cho tỉnh Bình Dương là trong guồng máy vận động với tốc độ cao, nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội cũng chuyển mình bắt kịp xu thế phát triển chung, trong đó phải kể đến tôn giáo mà tiêu biểu là Phật giáo. Các vị cao tăng có uy tín lớn đứng đầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh thể hiện sự nhạy bén, năng động trong phát huy lợi thế của địa phương để vừa hoàn thành tốt mọi Phật sự, vừa đóng góp tích cực cho địa phương.
Từ năm 1997 đến 2023, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương có 6 nhiệm kỳ – từ nhiệm kỳ V đến nhiệm kỳ X và hiện tại đang trong nhiệm kỳ X (1997-2002; 2002- 2007; 2007-2012, 2012-2017; 2017-2022 và 2022-2027). Trước tiên nói đến sự phát triển hệ thống tự viện của giáo hội với hoạt động trùng tu, xây dựng nhiều tự viện tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Ban Trị sự tỉnh hội lưu ý các cơ sở tự viện khi thi công cần giữ lại những nét văn hóa cổ truyền nhằm bảo tồn nét mỹ quan cho tự viện nói riêng và văn hóa Phật giáo nói chung. Các công trình mới cần tạo điểm nhấn vừa bề thế, hoành tráng nhưng vẫn giữ được nét riêng trong kiến trúc Phật giáo. Ở nhiệm kì V, đáng kể là công trình trùng tu chùa Núi Châu Thới và Tổ đình chùa Hội Khánh được giữ nguyên kiến trúc nguyên thủy và những nét đặc trưng cơ bản của một di tích văn hóa lịch sử đã được Nhà nước công nhận. Từ nhiệm kỳ VI trở đi, việc trùng tu, xây dựng cơ sở tự viện có sự khởi sắc. Nhiệm kỳ VII, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng với nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ từ nhiều phía, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã xin phép Ủy ban Nhân dân tỉnh (qua Ban Tôn giáo Sở Nội vụ và Sở Xây dựng) giải quyết cho trên 100 cơ sở tự viện được trùng tu và xây dựng. Tiêu biểu là công trình văn hóa tượng Phật nhập Niết Bàn chùa Hội Khánh28; công trình Bảo tháp chùa Hội Khánh; tượng Phật Quan Âm Thế Chí chùa Núi Châu Thới; tượng Phật Di Đà chùa Đức Hòa; chùa Hội An và nhiều công trình khác. Tất cả những công trình mới xây dựng, trùng tu đều mang đậm nét kiến trúc văn hóa đặc thù Phật giáo Việt Nam thời hiện đại29. Đến đầu năm 2023, hầu hết các tự viện trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, trùng tu, chỉnh trang sạch đẹp làm hài lòng Phật tử và du khách thập phương.
Từ nhiệm kỳ V, Phật giáo tỉnh tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tham gia nghiên cứu khoa học, xuất bản nhiều tài liệu, sách báo, tạp chí. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: cuốn sách Sơ thảo Lịch sử Phật giáo Bình Dương; Những ngôi chùa Bình Dương quá khứ và hiện tại; đề tài khoa học, công nghệ cấp tỉnh Phật giáo ở Bình Dương thực trạng và giải pháp; cuốn sách chữ Nôm “Lưu Hương Diễn Nghĩa bảo quyển ghi chú” và nhiều ấn phẩm khác. Đặc biệt 2015, tỉnh hội Phật giáo Bình Dương hoàn thành công trình biên soạn công phu và hiệu đính cho in ấn phát hành bộ sách Lịch sử Phật giáo Bình Dương. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh sớm tiếp cận và đưa vào sử dụng các công cụ công nghệ thông tin thời đại 4.0 để phục vụ cho hoạt động. Trang thông tin điện tử của Giáo hội hoạt động thường xuyên, đề tài phong phú, cập nhật có hiệu quả trong công tác Phật sự và hữu ích cho người quan tâm. Trong đại dịch covid-19, do tình hình hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, Phật giáo vẫn hoạt động hiệu quả nhờ các kênh trên nền tảng công nghệ thông tin, mạng internet và các phần mềm ứng dụng phổ thông như zoom, facebook, zalo,…
Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xã hội nhân đạo, từ thiện là một trong những thành tích đáng kể và nổi bật của Phật giáo Bình Dương đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh nhà và chia sẻ những khó khăn cho đồng bào các tỉnh thành trong cả nước. Lĩnh vực này có hình thức rất phong phú, đa dạng như: “Bếp ăn tình thương”, “nồi súp tình thương” tại Bệnh viện đa khoa Tỉnh; hoạt động của các Tuệ Tĩnh đường khám điều trị miễn phí; tặng “nhà tình nghĩa”, “nhà tình thương”, tham gia “Câu lạc bộ nuôi Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Lớp học tình thương để dạy văn hóa cho trẻ nhập cư, trẻ lang thang, bán vé số; phòng khám đa khoa từ thiện; trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già cô đơn. Tổng hợp số tiền vận động quyên góp cho hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Bình Dương thể hiện trong bảng sau:
Nhiệm kỳ | V1997-2002 | VI2002-2007 | VII2007-2012 | VIII2012-2017 | IX2017-2022 |
Số tiền (VNĐ) | 8.000.000. 000 | 8.000.000. 000 | 52.660.000 .000 | 101.419.34 2.000 | 334.804.36 5.000 |
Nguồn: [7], [3], [4]
Một số hoạt động khác của Phật giáo tỉnh Bình Dương có tiếng vang lớn trong và ngoài nước như: Ban trị sự Tỉnh hội tổ chức lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc, chào mừng sự kiện Đại lễ Vesak lần thứ nhất do Việt Nam đăng cai tại Khu du lịch Đại Nam (năm 2008) với sự tham dự của hơn 30.000 người, lần thứ hai tại chùa Hội An (2014) với hơn 30.000 người tham dự, lập kỉ lục về số lượng người tham dự. Hoạt động hợp tác quốc tế về Phật giáo cũng được đẩy mạnh. Ban Văn hóa và Ban Lễ nghi Tỉnh hội đã làm lễ Hằng thuận cho nhiều chú rể người Ấn Độ, người Anh, người Pháp cưới cô dâu người Việt; làm lễ Hằng thuận cho 50 cặp vợ chồng đến từ Vương quốc Campuchia, Lào, Cộng hòa Ấn Độ, New Zealand; tổ chức Đại Trai Đàn Chẩn Tế tại nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương thắp nến tri ân thu hút trên 5.000 người tham dự và cúng tế tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại Trai Đàn chẩn tế để cầu siêu chư vong linh tại Nghĩa trang Chánh Phú Hòa dịp thanh minh hàng năm; tổ chức húy kỵ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc,…
Với những thành tích quan trọng mà Phật giáo tỉnh Bình Dương đã làm được, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và một số tập thể, cá nhân được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; nhiều huy chương, bằng khen của các cơ quan, tổ chức Trung ương và của tỉnh Bình Dương.
4. Kết luận
Lịch sử dân tộc Việt Nam từng ghi nhận sự đồng điệu giữa đức tin tôn giáo và lòng yêu nước. Sự hưng thịnh của Phật giáo gắn với thế đứng vững vàng của quốc Đại Việt (thế kỉ X-XIII) là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, nhiều tự viện Phật giáo là cơ sở bí mật của cách mạng, nhiều tăng, ni tham gia hoạt động cách mạng và nuôi giấu cán bộ cách mạng đóng góp một phần cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự đồng điệu ấy góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó cũng chính là cội nguồn của tinh thần nhập thế được tập trung cao độ trong con người Phật Hoàng Trần Nhân Tông: khi có giặc xâm phạm bờ cõi thì cầm vũ khí đánh đuổi xâm lược, khi đất nước thanh bình thì trở về với đời sống đạo và góp phần dựng xây đất nước. Con đường và nhịp điệu phát triển của quốc gia, dân tộc cần tương đồng với mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của tôn giáo trong đó có Phật giáo để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả của quốc gia, dân tộc.
Lịch sử 40 năm Phật giáo Sông Bé – Bình Dương cho thấy, Phật giáo chỉ có thể khẳng định được mình, phát triển ổn định và bền vững khi có được sự phát triển đồng điệu cùng kinh tế – xã hội địa phương. Mặt khác, trên con đường phát triển của mình, Phật giáo tỉnh Bình Dương cần phát huy cao nhất những giá trị tích cực của Phật giáo, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển chung của địa phương cũng như của quốc gia, dân tộc.
Một vấn đề có ý nghĩa quyết định đó là tầm nhìn, tài năng và đức độ của những người đứng đầu, chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền trong lĩnh vực quản lý, chỉ đạo của mình để đạt hiệu quả cao nhất và nhanh nhất. Trong phát triển kinh tế – xã hội lãnh đạo tỉnh Bình Dương có mục tiêu, khẩu hiệu rõ ràng đó là “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”, hướng tới “thành phố thông minh”,…trong khi đó tăng, ni đứng đầu Giáo hội Phật giáo tỉnh luôn giữ đúng phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, “Từ bi, cứu khổ”, “sống tốt đời đẹp đạo” giúp người, giúp đời, hòa mình trong sự phát triển chung của tỉnh nhà. Xu hướng của sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương nói chung cũng như sự phát triển của Phật giáo địa phương nói riêng rất cần sự đồng điệu, tương đồng như lịch sử 40 năm đã qua để tiếp tục vươn lên xây dựng thành công “Thành phố thông minh Bình Dương” trong tương lai không xa./.
_Chú thích:
* Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, email: canlt@tdmu.edu.vn
16. Theo Chỉ thị 08/CT ngày 30-8-1972 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập và đi vào hoạt động từ tháng 10-1972. Ở phía bắc vẫn là tỉnh Bình Phước theo phân chia của Cách mạng. Sau 30-4-1975 Trung ương Cục miền Nam sáp nhập 2 tỉnh trên thành tỉnh Bình Thủ (ghép chữ đầu của 2 tỉnh)
17. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.468; 485
18. Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh Bình Dương (2003), Báo cáo tình hình tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, Bình Dương.
19. Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương (2011), Báo cáo khảo sát cộng đoàn, dòng tu Công giáo và tu sĩ Phật giáo tu tại gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2011, Bình Dương
20. Lương Thy Cân (2021), Tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện ở Bình Dương: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số N.o7-2022.
21. Theo số liệu mới nhất của Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương là 207 cơ sở.
22. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.468
23. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.486, 487, 502.
24. Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 (ngày 6/11/1996), Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, tr.2-3.
25. Gia Cư (2021), Bình Dương đứng thứ tư trong top 10 thu ngân sách cả nước, tại: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/binh-duong-dung-thu-tu-trong-top-10-thu-ngan-sach-ca-nuoc-40055.html, cập nhật 12/07/2021, truy cập 30/3/2023.
26. https://www.binhduong.gov.vn, trang thông tin điện từ của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, cập nhật ngày 12/07/2021, truy cập 30/3/2023.
27. Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê năm 2019. Nxb. Thống kê, trang 847
28. Năm 2013, công trình được xếp kỷ lục “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á”
29. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.540
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh Bình Dương (2003), Báo cáo tình hình tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, Bình Dương.
- Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương (2011), Báo cáo khảo sát cộng đoàn, dòng tu Công giáo và tu sĩ Phật giáo tu tại gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2011, Bình Dương.
- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương (2017), Báo cáo tổng kết công tác phật sự nhiệm kỳ VIII (2012-2017), phương hướng hoạt động phật sự nhiệm kỳ IX (2017-2022).
- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương (2022), Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X (2022-2027).
- Lương Thy Cân (2021), Tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện ở Bình Dương: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số N.o7- 2022.
- Gia Cư (2021), Bình Dương đứng thứ tư trong top 10 thu ngân sách cả nước, tại: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/binh-duong-dung-thu-tu-trong-top-10-thungan-sach-ca-nuoc-40055.html, cập nhật 12/07/2021, truy cập 30/3/2023.
- Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê năm 2019. Nxb. Thống kê 2019. Thông tin tác giả: TS. Lương Thy Cân, Trường Đại học Thủ Dầu Một, email: canlt@tdmu.edu.vn, ĐT: 0983051869