Dẫn nhập
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc và từ thiện luôn được coi là một trong những hoạt động giữ vị trí quan trọng, phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo. Hoạt động này là sự thực hành hạnh bố thí, là phương cách truyền bá thông điệp từ bi, bác ái của giáo đồ đạo Phật nói chung và chư tôn đức Tăng, Ni và phật tử Bình Dương nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Ban Trị sự GHPG tỉnh Bình Dương, các Tăng, Ni, phật tử và người dân địa phương đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động từ thiện, chung vai cùng chính quyền giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Thành tựu mà Phật giáo Bình Dương đạt được trên hành trình nhập thế đã xoa dịu nỗi đau của nhiều cảnh đời bất hạnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Từ khóa: GHPG tỉnh Bình Dương, Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm, Từ thiện.
1. Quan điểm về hoạt động từ thiện của GHPGVN tỉnh Bình Dương
Ngay từ khi mới ra đời, Phật giáo đã thể hiện tinh thần cứu khổ, cứu nạn chúng sinh. Trong Lục độ30, độ đầu tiên là thực hành bố thí. Từ, bi, hỉ, xả (Tứ vô lượng tâm) là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, đưa đến việc định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo là vì chúng sinh, đặc biệt là vì con người. Đức Thế tôn khuyên các đệ tử của mình cần có tinh thần vô ngã, vị tha, hành thiện và biết yêu thương đồng loại. Theo đó, hành thiện là bước đầu để đưa con người đến giải thoát. Đây cũng chính là tư tưởng trung tâm của đạo Phật – mà bất cứ nhà tu hành nào ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung đều nhận thức được. Giữa đạo Phật và triết lý sống của dân tộc ta có nhiều điểm tương đồng. Trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ và ca dao của người Việt sẽ thấy rất rõ điều này. Thậm chí, bóng dáng của tôn giáo này còn đi vào ca dao Việt:
“Dù xây chín bậc phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người”
Sự đồng điệu đó chính là cơ duyên để Phật giáo tồn tại, phát triển, đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam từ khi du nhập đến nay. Hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn, đồng thời còn biểu hiện quan trọng chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Thông qua hoạt động hành đạo, tôn giáo này không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng những liệu pháp tinh thần, mà còn cả sự hỗ trợ vật chất thông qua việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Về mặt lý luận, điểm đặc biệt đáng lưu ý nhất của Phật giáo Việt Nam là đã đưa ra được một con đường mới đi đến giác ngộ bằng hành động thực tiễn trong cuộc sống thường nhật của các nhà tu hành. Theo đó, Chân Như, Niết Bàn, Bồ đề, Chân tâm, Phật không phải tìm kiếm đâu xa mà ngay trước mắt (“xúc mục”), mà chúng ngự trị trong tâm mỗi người. Có một lần, chúng tôi may mắn được cùng hòa thượng Thích Huệ Thông mạn đàm về thế giới siêu thực mà giáo lý đạo Phật đề cập đến. Nhà sư Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương bày tỏ: “Niết bàn nằm trong thế giới trần tục. Con người muốn đạt đến đích đó (Niết Bàn – TG), tốt nhất nên bằng con đường trần tục như nó vốn thế!”31. Nội dung cuộc trao đổi đã dẫn dắt tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Là người thuộc thế hệ 6x, nhưng suy nghĩ của nhà sư thật mới mẻ, hiện đại. Điều này khiến tôi nhớ đến tư tưởng trung đạo trong giáo lý nhà Phật. Khi sinh thời, Đệ Tam Pháp chủ Phổ Tuệ đã vận dụng rất tốt tư tưởng này trong đời sống hàng ngày32. Theo đó, Trung đạo không chỉ là quan điểm sống của Phật giáo, biểu thị tinh thần trung dung cởi mở không cố chấp, mà còn là một hệ thống triết học thâm sâu của Phật giáo Đại thừa, cụ thể là trường phái Trung quán (Mādhyamaka, Mādhyamika).
“Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm” – Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình. Nội dung cuộc trao đổi với hòa thượng Huệ Thông đã khiến chúng tôi hiểu sâu sắc về quan niệm sống của các giáo đồ đạo Phật trong bối cảnh mới của xã hội đương đại. Theo đó, trong cuộc sống, ai hướng thiện, hướng tới cái tâm bao la bát ngát như biển cả thì người đó tiến dần đến giải thoát. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn chúng ta lại thấy, quan điểm này cũng là sự kế thừa tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vị Quốc sư Trúc Lâm đã từng khuyên vua Trần Thái Tông (cũng đồng thời là một vị phật tử):
以 天 下 之 欲 為 欲
以 天 下 之 心 為 心“
Dĩ thiên hạ chi dục vi dục,
Dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm”33
Dịch nghĩa: “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”. Đây là một quan điểm tư tưởng ý thức hệ mới của nhà cầm quyền để an dân. Và đó cũng chính là gốc rễ của tư tưởng “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật” của Phật giáo. “Một khi chúng ta muốn trở về chân tâm, Phật tính cần phải tu vô ngã, dẹp trừ sự chấp ngã chừng nào thì tiến dần về chân tâm chừng nấy”34. Trong ánh chiều vàng rực của tiết Xuân ấm áp tại Bình Dương, hòa thượng Thích Huệ Thông say sưa giảng pháp cho chúng tôi nghe. Lại thêm một điều lý thú mà tôi nhận ra, mặc dù vốn hiểu biết khá sâu rộng, nhưng những vấn đề phức tạp nhất đã được ngài giải thích một cách đơn giản, ngắn gọn và vô cùng súc tích, thể hiện đủ hết mọi ý nghĩa mà nó hàm chứa.
2. Thực hành hạnh tu bố thí với tinh thần “Tự lợi và lợi tha”35
* Các loại hình hoạt động từ thiện không cố định
Đối với các hoạt động từ thiện không cố định hàng năm, GHPGVN tỉnh Bình Dương tham gia rất nhiệt tình và có những đóng góp khá nổi bật. “(GHPGVN tỉnh Bình Dương – TG) Đã hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ gây ra và nhiều công tác phúc lợi cho cộng đồng”36. Khi dịch bệnh bùng phát ở địa phương nào trong nước, GHPGVN tỉnh Bình Dương đều có sự giúp đỡ kịp thời về nhân lực, vật lực. Từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhà nước về việc “chống dịch như chống giặc” và thông bạch của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Bình Dương đã cùng cả nước chung tay, góp sức vào công cuộc phòng/chống dịch bệnh. Chư tôn đức Tăng, Ni và các phật tử Bình Dương đã cùng nhau chung tay chia sẻ những khó khăn trong công tác an sinh xã hội, hỗ trợ những người dân nghèo bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cũng như tăng cường công tác phòng, chống đại dịch, bảo vệ an toàn cho bản thân và mọi người.
Trong hai năm 2020-2022, sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Dù có những thách thức, khó khăn trong bối cảnh chung của đại dịch, nhưng với tinh thần đoàn kết nhất quán dưới sự chỉ đạo của GHPGVN, Ban Trị sự GHPG tỉnh Bình Dương, Tăng, Ni và phật tử trong tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện những mục tiêu đề ra và đã hoàn thành nhiều chương trình Phật sự ở hầu hết các lĩnh vực. Đây là thành tựu lớn của Phật giáo Bình Dương trong nhiệm kỳ 2016-2021. “Trong công tác phòng chống dịch, Phật giáo Bình Dương đã phát động phong trào công tác từ thiện xã hội, nhằm góp phần cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà đem lại đời sống ổn định cho đồng bào. Thành quả cụ thể là trên 100 tỷ đồng đã được quyên góp ủng hộ cho các công tác liên quan tới phòng chống dịch COVID-19”37. Riêng trong năm 2020, Phật giáo Bình Dương đã huy động nguồn lực dành cho mùa dịch là 2.280.000.000 đồng (bằng những hiện vật như: tiền mặt, gạo, mì gói..), 15.000 khẩu trang y tế, 2.000 chai dung dịch sát khuẩn38 cho người dân nhằm góp phần phòng tránh dịch bệnh, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID- 19 đang diễn biến phức tạp. Riêng ở TP. Thủ Dầu Một, phật tử và nhân dân địa phương luôn khắc ghi hình ảnh nhà sư Thích Huệ Thông và các Tăng Ni Bình Dương đã trực tiếp đi tặng từng phần quà cho người nghèo, đưa ATM gạo về chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một) phát cho người khó khăn trong suốt một tuần lễ trong đợt phòng chống dịch bệnh COVID-19 đầu năm 2020. Tổng giá trị đợt từ thiện này gồm 3 tỷ đồng, hàng chục tấn gạo và mấy vạn quả trứng dành cho cây ATM từ thiện của chùa Hội Khánh. Ni sư Thích nữ An Liên (Trưởng ban Từ thiện xã hội – Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương cho chúng tôi biết: “HT. Thích Huệ Thông đã vận động các chùa và quý mạnh thường quân đóng góp hơn 40 tấn gạo, 35.000 quả trứng cho chương trình ATM gạo được phát tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật nhập Niết bàn – chùa Hội Khánh từ ngày 22-26/4/2020”39. Với vai trò Trưởng Ban Trị sự, hòa thượng đến từng cơ sở tự viện, các nhà doanh nghiệp, người hảo tâm để vận động, kêu gọi đóng góp cho các chương trình từ thiện. Dưới sự chỉ đạo của hòa thượng, Ban Thường trực Ban Trị sự, Ban Từ thiện – Xã hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã xây dựng được kế hoạch có tính bền vững và lâu dài cho công tác từ thiện, xã hội của toàn Giáo hội Phật giáo tỉnh. Có thể thấy, những hoạt động từ thiện của Phật giáo tỉnh Bình Dương đã đóng góp rất thiết thực và ý nghĩa, đã lan tỏa tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia yêu thương rộng khắp trong cộng đồng.
* Các loại hình hoạt động từ thiện mang tính cố định
Với vai trò đại biểu HĐND tỉnh (nhiệm kỳ 2016-2021; 2022-2027), ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (nhiệm kỳ 2019 – 2024), HT. Thích Huệ Thông đã có những ý kiến đóng góp trực tiếp cho nhiều chương trình do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, Đề cương chính trị văn kiện Đại hội Đảng. Ngài hoạt động trong Hội đồng tư vấn dân tộc, tôn giáo; tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các Luật Hình sự, Đất đai, Tôn giáo. Với kiến thức uyên thâm của mình, hòa thượng đã viết nhiều bài tham luận, như: Bác Hồ với đạo Phật; Tham gia hội thảo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Trong nhiều hội nghị của Phật giáo Bình Dương tổ chức cũng như những lần đến thăm các tự viện ở tỉnh, hòa thượng đều giảng giải để Tăng, Ni và phật tử hiểu sâu sắc và duy trì nếp sống đạo nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành trách nhiệm xã hội. Do đó, hầu hết các cơ sở tự viện và gia đình phật tử Bình Dương đã thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và được UBND tỉnh Bình Dương tặng thưởng nhiều bằng khen40.
Hàng năm, các cơ sở tự viện trong tỉnh Bình Dương thường xuyên tiến hành những chuyến từ thiện, khám chữa bệnh, tặng quà. Hoạt động này không chỉ diễn ra trong tỉnh Bình Dương mà còn được tổ chức ở một số tỉnh ngoài. Đây là hoạt động từ thiện tạo hiệu ứng vô cùng tích cực trong nhân dân. Hầu như những người lao động thu nhập thấp là đối tượng ít có điều kiện để chăm lo sức khỏe cho bản thân. Do đó, họ đều rất mong chờ những dịp được các nhà tu hành bắt mạch, khám bệnh và bốc thuốc miễn phí. Mỗi năm, chi phí cho hoạt động nhân đạo này lên tới hàng tỷ đồng. Nhà báo Quỳnh Như (Báo Bình Dương) – Người có nhiều phóng sự về hoạt động từ thiện của Phật giáo Bình Dương cho biết: “Các chùa thường xuyên tổ chức những chuyến từ thiện, khám chữa bệnh, tặng quà trong và ngoài tỉnh với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm”41.
Trong các tự viện ở Bình Dương, chùa Hội Khánh là một trong những địa chỉ tổ chức nhiều hoạt động khám chữa bệnh. Từ năm 2016 đến nay (2023), HT. Thích Huệ Thông – trụ trì ngôi cổ tự, trực tiếp chỉ đạo phòng khám từ thiện đặt tại Văn phòng Phật giáo tỉnh. Hàng tháng, phòng khám này tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí. Ở nhiều bệnh viện trong tỉnh, Ban Trị sự GHPG Bình Dương tổ chức chương trình “Nồi súp tình thương”, “Bếp ăn từ thiện” (tại: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, …). Nổi bật trong các hoạt động này là Nhóm phật tử “Câu lạc bộ phật tử nhân ái từ thiện Hương Sen”, “Quỹ Từ thiện Thiên Quang”42 …
Nhiều chương trình phối hợp với các nhóm từ thiện để tặng xe lăn cho những người khuyết tật tại địa phương được thực hiện. Bên cạnh đó, các Tăng, Ni và phật tử Bình Dương đã tham gia hiến máu tình nguyện tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Nhiều hoạt động thiện nguyện khác được tổ chức thường xuyên, liên tục, nhất là sự phối hợp rất hiệu quả với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên… Đầu tháng 02/2023, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo TP. Thủ Dầu Một và tổ đình chùa Hội Khánh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương tổ chức chương trình “Xuân từ bi” tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật Niết bàn – Tổ đình Hội Khánh (TP. Thủ Dầu Một). Tại sự kiện này, với sự tài trợ chính của Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương, bà con được tư vấn khám chữa bệnh và tặng phiếu khám bệnh cùng khám và tặng mắt kính miễn phí.
Sự quan tâm của các nhà tu hành Phật giáo Bình Dương luôn khắc ghi trong tâm thức của người dân địa phương. Đã có nhiều bệnh nhân thoát khỏi nghịch cảnh từ cuộc đời đem đến. Họ dường như được tái sinh một lần nữa, được chạm Niết bàn giữa đời thực bởi tình thương yêu bao la của các giáo đồ đạo Phật thân thiết. Một phật tử kể lại cho chúng tôi nghe với ánh mắt đầy xúc động: “Tôi vẫn nhớ mãi những bệnh nhân được HT. Thích Huệ Thông ủng hộ viện phí để mổ tim, sau đó đã lành lặn, khỏe mạnh và có thể tự làm việc nuôi sống bản thân. Đối với họ, HT. Thích Huệ Thông là một ân nhân, một người mẹ thứ hai bởi họ không còn phải vật vã khổ sở bởi những cơn đau hành hạ hay phải lo sợ cái chết đến bất cứ lúc nào nữa…”43
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương có nhiều hoạt động thiết thực đồng hành cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc quan tâm, chăm lo, góp phần đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là đối với đối tượng chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vào những dịp Tết đến xuân về, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tích cực vận động phật tử chia sẻ các phần quà yêu thương gửi đến phật tử và nhân dân dịa phương – những người mà cuộc sống đang còn nhiều gặp khó khăn, vất vả. Điều này thể hiện sự quan tâm chung của xã hội đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp họ đón một mùa xuân vui tươi, ấm áp, hạnh phúc, bình an. Trong dịp Tết Nguyên Đán 2020, Phật giáo tỉnh Bình Dương trao tặng hơn 17.000 phần quà (trị giá gần 6 tỷ đồng) cho các hộ nghèo với tinh thần hoan hỷ và mong muốn tất cả mọi người đều đón tết ấm cúng, đoàn viên. Dịp Tết 2021, thay mặt BTS Phật giáo tỉnh, hòa thượng Thích Huệ Thông trao tặng 15.425 phần quà (tương đương số tiền gần 05 tỷ đồng) ủng hộ chương trình “Tết Vì Người Nghèo” năm 2021 cho Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương. Sáng 30/12/2022, tại Hội nghị tổng kết công tác Phật sự năm 2022, triển khai phương hướng hoạt động năm 2023 và trao giáo chỉ tấn phong giáo phẩm của GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức, thay mặt Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, hòa thượng Thích Huệ Thông đã trao 16.000 phần quà (tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng), ủng hộ chương trình quà Tết “Vì người nghèo” năm 2023 cho Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương44.
Đầu tháng 02/2023, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo TP. Thủ Dầu Một và tổ đình – chùa Hội Khánh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương tổ chức chương trình “Xuân từ bi” tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật Niết bàn – Tổ đình chùa Hội Khánh (TP. Thủ Dầu Một). Trên thần nhập thế “cứu khổ, ban vui” của đạo Phật, chương trình “Xuân từ bi” trao quà cho 1.200 gia đình khó khăn trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một. Trong sự kiện này, hòa thượng Thích Huệ Thông đã chia sẻ một thời pháp thoại về ý nghĩa của mùa Xuân Di Lặc; đồng thời, gửi lời chúc năm mới đến bà con phật tử và gia đình có một mùa xuân an lạc, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa để bà con thuận lợi hơn trong công việc làm ăn, phấn đấu vươn lên thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống. Tại chương trình, tất cả bà con phật tử dự họp đều được phát phiếu tham gia phiên chợ 0 đồng “Xuân từ bi” và nhận lộc lì- xì đầu xuân của HT. Thích Huệ Thông trị giá 200 ngàn đồng cùng món quà là những “Thẻ đi chợ” trị giá 400 ngàn đồng. Tổng trị giá chương trình “Xuân từ bi” hơn 700 triệu đồng. Từ các chương trình từ thiện của GHPG tỉnh Bình Dương, có rất nhiều mảnh đời bất hạnh đã được cứu giúp.
Dù rất bận rộn với các hoạt động Phật sự, hòa thượng Trưởng Ban Trị sự GHPG Bình Dương vẫn đầy nhiệt huyết khi đứng ra tổ chức/tham gia nhiều hoạt động phụng dưỡng, thăm viếng mẹ Việt Nam anh hùng, Tết Trung thu cho trẻ em, phát quà từ thiện (trong các dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, đại lễ Phật đản, đại lễ Vu lan…). Hưởng ứng lời vận động của nhà sư Trưởng Ban Trị sự GHPG Bình Dương, nhiều Tăng, Ni ở các địa phương trong tỉnh đã triển khai và đạt được kết quả tích cực trong nhiều hoạt động từ thiện. Tiêu biểu cho những tấm gương sáng làm công tác từ thiện là: Ni sư Thích nữ An Liên – Trưởng ban Từ thiện xã hội Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; Ni trưởng Thích nữ Pháp Như, Phó ban Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh cùng chư tôn đức Ni thuộc Phân ban Ni giới; Ni trưởng Thích nữ Như Tín, Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh; Ni sư Thích nữ Từ Thảo – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng… Các Ni sư là người đi đầu trong nhiều hoạt động từ thiện, trong đó có chương trình xây dựng và trao tặng cầu giao thông nông thôn ở miền Tây Nam bộ. Chương trình đã giúp cho các em học sinh, bà con giao thương buôn bán thuận lợi trong việc di chuyển. Từ năm 2016 đến năm 2019, tổng cộng Chương trình xây cầu giao thông đã dựng được 65 cây cầu ở những tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ. Các nhà hảo tâm cũng đã trao 35 căn nhà tình thương. Đồng thời, Ban Từ thiện xã hội vận động được nguồn kinh phí sửa chữa 14 căn nhà tình thương bị hư hỏng, xuống cấp45. Trong các gương mặt phật tử tích cực trong việc đóng góp để xây cầu ở miền Tây có thể kể đến: Phật tử Trần Thị Thúy Hiệp, Trương Thị Sang, Nguyễn Thị Tám… Họ là những người đi đầu trong công tác vận động gây quỹ, lập kế hoạch xây cầu và bàn giao rất cụ thể, rõ ràng. Chương trình nhận được sự đánh giá cao từ chính quyền và người dân ở các vùng nông thôn. Nói về hoạt động từ thiện của GHPGVN tỉnh Bình Dương, Ni sư Thích nữ An Liên – Trưởng ban Từ thiện xã hội Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương khẳng định, những chuyến cứu trợ trong và ngoài nước, đến với người dân gặp thiên tai được thực hiện tốt, tổ chức rất bài bản. Khi đi từ thiện, mới thấy nhiều trường hợp thật sự khó khăn, cần được hỗ trợ kịp thời để giúp họ vượt qua nghịch cảnh46.
Từ năm 2019, ngoài việc tham gia cùng các cấp chính quyền giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, Ban Trị sự GHPG Bình Dương còn chỉ đạo và trực tiếp tổ chức các chuyến cứu trợ hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Điều này đã tạo được hình ảnh tốt đẹp cho Phật giáo Bình Dương. Năm 2020, GHPGVN tỉnh Bình Dương kết hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo tỉnh Champasak nước bạn Lào. Trị giá chuyến cứu trợ gần 1 tỷ đồng47.
Tổng kết chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ IX (2016-2021), GHPGVN tại Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu rất đáng trân trọng. Trong các kết quả đó, đáng kể nhất phải kể đến hoạt động từ thiện với tổng trị giá gần 335 tỷ đồng. Trong văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 (03/01/2022), ghi rõ: “Về công tác từ thiện xã hội, trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo Bình Dương đã thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa, với tổng trị giá gần 335 tỷ đồng…”48. Trong số này, nguồn lực được huy động cho hoạt động phòng/chống dịch COVID-19 trong nhiệm kỳ IX của GHPG ở Bình Dương lên tới 112 tỷ đồng49.
Kết luận
Trong quá khứ đến hiện tại, GHPGVN luôn thực hiện tôn chỉ “Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm” và có nhiều hoạt động nhập thế tích cực. Tổ chức tôn giáo này đã cung cấp một nguồn lực xã hội đáng kể, đồng hành cùng Nhà nước và các cấp chính quyền trong những hoạt động từ thiện nhằm hỗ trợ người dân, góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội. Trong bối cảnh chung đó, GHPGVN tỉnh Bình Dương đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện sự gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, tiếp bước các bậc tiền nhân, đưa giáo lý Phật Đà vào cuộc sống, vì an lạc và lợi ích của cộng đồng.
_Chú thích:
30. Lục độ là pháp môn tu đặc thù, pháp môn cao nhất trong sự hành trì của đạo Phật (pháp tu của hàng Bồ tát), đòi hỏi hành giả phải an trú tâm vào cái không tính của chân như, cái trạng thái mà kinh Kim Cang đã dạy “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Khi tu theo pháp môn này hành giả không còn khái niệm phân biệt “Nhân, ngã, bĩ, thử” mà hòa đồng vào cái lý mầu nhiệm, giải thoát của đạo Phật, cái thể tính chân không của vạn hữu.
31. Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn HT.TS. Thích Huệ Thông (Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa Khánh Hội, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), ngày 07/3/2023.
32. Bùi Thị Ánh Vân (2022), “Lối sống trung đạo trong tu tập Phật pháp của Đại lão hòa thượng chùa Giáng”, Kỷ yếu Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Đức Đệ Tam Pháp chủ GHPGVN – Gương sáng cửa thiền, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.248-255.
33, Viện văn học (1989), Thơ văn Lý-Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.27-29.
34, Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn HT.TS. Thích Huệ Thông (Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa Khánh Hội, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), ngày 22/3/2023.
35 Tự lợi với lợi tha nghĩa là làm cho chính mình và tha nhân (người khác) đạt được lợi ích an lạc.
36 Ban TTTT PG tỉnh Bình Dương (2021), Bình Dương: Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự năm 2020 của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, https://phatsuonline.com/binh-duong-hoi-nghi-tong-ket-congtac-phat-su-nam-2020-cua-ban-tri-su-phat-giao-tinh/, 23/01/2021, ngày truy cập: 14/3/2023.
37 HT. Thích Huệ Thông (2022), Phật giáo Bình Dương phát triển trên nền tảng kế thừa đoàn kết và hòa hợp, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/13368, 01/01/2022, ngày truy cập: 03/4/2023.
38 Xem:
– Ban TTTT PG tỉnh Bình Dương, Phật giáo Bình Dương trao quà giúp đỡ người nghèo trong dịch Covid-19, https://vuonhoaphatgiao.com/tin-tuc/su-kien/phat-giao-binh-duong-trao-qua-giup-donguoi-ngheo-trong-dich-covid-19/, ngày truy cập: 05/4/2023;
– Quỳnh Như (2020), Lan tỏa tình thương từ đạo đến đời, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/lan-toa-tinhthuong-tu-dao-den-doi-a232022.html, 02/10/2020, ngày truy cập: 26/3/2023.
39 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Ni sư Thích nữ An Liên (Trưởng ban Từ thiện xã hội – Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương), ngày: 24/3/2023
40 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Ni sư Thích nữ Từ Thảo (Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng), ngày: 19/3/2023.
41 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Quỳnh Như (Nhà báo đồng thời là phật tử chùa Hội Khánh, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), các ngày: 17/3/2023.
42 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Ni sư Thích nữ An Liên (Trưởng ban Từ thiện xã hội – Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương), các ngày: 01/4/2023, 24/3/2023, tài liệu cá nhân; Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Quỳnh Như (Nhà báo đồng thời là phật tử chùa Hội Khánh, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), các ngày: 17/3/2023, 03/4/2023.
43 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Quỳnh Như (Phật tử chùa Hội Khánh, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), ngày 03/4/2023.
44 Xem:
– Quỳnh Như (2019), Phật giáo tỉnh với hoạt động từ thiện, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/en/phatgiao-tinh-voi-hoat-dong-tu-thien-a214388.html, 24/12/2019, ngày truy cập: 19/3/2023.
– Ban TTTT PG tỉnh Bình Dương (2021). Bình Dương: Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự năm 2020 của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, tài liệu đã dẫn.
– Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương (2023), Phật giáo Bình Dương thực hiện công tác từ thiện gần 54 tỷ đồng, https://giacngo.vn/phat-giao-binh-duong-thuc-hien-cong-tac-tu-thien-gan-54-ty-dongpost65201.html, 01/01/2023, ngày truy cập: 07/4/2023.
45 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Quỳnh Như (Nhà báo đồng thời là phật tử chùa Hội Khánh, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), ngày: 17/3/2023.
46 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Ni sư Thích nữ An Liên (Trưởng ban Từ thiện xã hội Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương), ngày 01/4/2023.
47 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Ni sư Thích nữ An Liên (Trưởng ban Từ thiện xã hội – Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương), ngày: 03/4/2023.
48 Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027, Trang Điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2022/01/834-dai-hoi-daibieu-phat-giao-tinh-binh-duong-lan-thu-x-nhiem-ky-2022-202, 04/01/2022, ngày truy cập: 26/3/2023.
49 Bình Dương: Hòa thượng Thích Huệ Thông tiếp tục làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh (2022-2027), https://giacngo.vn/binh-duong-hoa-thuong-thich-hue-thong-tiep-tuc-lam-truong-bantri-su-ghpgvn-tinh-2022-2027-post60223.html, 03/01/2022, ngày truy cập: 05/4/2023.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương (2023), Phật giáo Bình Dương thực hiện công tác từ thiện gần 54 tỷ đồng, https://giacngo.vn/phat-giao-binh-duong-thuc-hien-congtac-tu-thien-gan-54-ty-dong-post65201.html,01/01/2023, ngày truy cập: 12/3/2023, ngày truy cập: 07/4/2023.
- Ban TTTT PG tỉnh Bình Dương (2021), Bình Dương: Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự năm 2020 của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, https://phatsuonline.com/binh-duonghoi-nghi-tong-ket-cong-tac-phat-su-nam-2020-cua-ban-tri-su-phat-giao-tinh/, 23/01/2021, ngày truy cập: 14/3/2023.
- Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương (2023), Phật giáo Bình Dương thực hiện công tác từ thiện gần 54 tỷ đồng, https://giacngo.vn/phat-giao-binh-duong-thuc-hien-congtac-tu-thien-gan-54-ty-dong-post65201.html, 01/01/2023, ngày truy cập: 07/4/2023
- Ban TTTT PG tỉnh Bình Dương, Phật giáo Bình Dương trao quà giúp đỡ người nghèo trong dịch Covid-19, https://vuonhoaphatgiao.com/tin-tuc/su-kien/phat-giaobinh-duong-trao-qua-giup-do-nguoi-ngheo-trong-dich-covid-19/, ngày truy cập: 05/4/2023;
- Thích Nữ Chúc Nghĩa (2023), Bình Dương: Quỹ Từ thiện Thiên Quang trao 1.000 phần quà Tết cho người khiếm thị và các hộ khó khăn tại địa phương, https://phatsuonline.com/binh-duong-quy-tu-thien-thien-quang-trao-1-000-phan-quatet-cho-nguoi-khiem-thi-va-cac-ho-kho-khan-tai-dia-phuong/, 17/01/2023, ngày truy cập: 05/4/2023.
- Quỳnh Như (2015), Thượng tọa Thích Huệ Thông: Người luôn đề cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết…, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/thuong-toa-thich-hue-thongnguoi-luon-de-cao-tinh-than-hoa-hop-doan-ket–a128557.html, 08/10/2015, ngày truy cập: 16/3/2023.
- Quỳnh Như (2019), Phật giáo tỉnh với hoạt động từ thiện, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/en/phat-giao-tinh-voi-hoat-dong-tu-thien-a214388.html, 24/12/2019, ngày truy cập: 19/3/2023.
- Quỳnh Như (2020), Lan tỏa tình thương từ đạo đến đời, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/lan-toa-tinh-thuong-tu-dao-den-doi-a232022.html, 02/10/2020, ngày truy cập: 26/3/2023.
- Trang Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, Tổng biên tập: HT. Thích Huệ Thông, https://phatgiaobinhduong.com/.
- Đình Tuyển (2015), Câu lạc bộ phật tử nhân ái từ thiện Hương Sen: Tặng quà cho người khuyết tật và học sinh nghèo ở xã Lạc An, https://baobinhduong.vn/cau-lac-bophat-tu-nhan-ai-tu-thien-huong-sen-tang-qua-cho-nguoi-khuyet-tat-va-hoc-sinhngheo-o-xa-lac-an-a110879.html, 03/02/2015, ngày truy cập: 05/4/2023.
- Từ Thiện Hương Sen, http://tuthienhuongsenlongan.blogspot.com/, ngày truy cập: 04/4/2023.
- Trang Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, Tổng biên tập: HT. Thích Huệ Thông, https://phatgiaobinhduong.com/.
- Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn HT.TS. Thích Huệ Thông (Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa Khánh Hội, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), các ngày: 07/3/2023, 22/3/2023, tài liệu cá nhân.
- Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Ni sư Thích nữ An Liên (Trưởng ban Từ thiện xã hội – Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương), các ngày: 01/4/2023, 03/4/2023, 24/3/2023, tài liệu cá nhân.
- Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Ni sư Thích nữ Từ Thảo (Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng), ngày: 19/3/2023, tài liệu cá nhân.
- Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Quỳnh Như (Nhà báo đồng thời là phật tử chùa Hội Khánh, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), các ngày: 17/3/2023, 03/4/2023, tài liệu cá nhân.
- Bùi Thị Ánh Vân (2022), “Lối sống trung đạo trong tu tập Phật pháp của Đại lão hòa thượng chùa Giáng”, Kỷ yếu Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Đức Đệ Tam Pháp chủ GHPGVN – Gương sáng cửa thiền, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
- Viện văn học (1989), Thơ văn Lý-Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.