Vai trò và sự đóng góp của người cư sĩ – Phật tử trong lịch sử văn hóa dân tộc và trong giai đoạn hội nhập phát triển bền vững tại tỉnh Bình Dương (NCS. ĐĐ. Thích Tâm Thông)

TẢI FILE PDF
—————-

          A. DẪN NHẬP

          Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, trong quá trình tồn tại và phát triển thì nhiệm vụ của người Phật tử đóng một vai trò tối quan trọng có tính chất quyết định. Vì sao lại nói như vậy? Bởi vì từ những ngày đầu tiên sau khi Đức Phật Thành Đạo dưới cội Bồ Đề thì Ngài đã thu nhận hai người lái buôn đầu tiên đến quy y với Ngài64, làm người Cư Sĩ Phật tử trước khi Ngài đến chuyển Pháp Luân tại vườn Lộc Uyển để độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như và đối với Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển nó bao gồm nội dung lẫn hình thức, cả chiều rộng lẫn chiều sâu, mà muốn đạt được những yêu cầu đó thì không thiếu đi sự đóng góp của người Phật tử, cho nên nói người Phật tử cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước Việt Nam nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng. Trong phạm vi bài này, người viết muôn trình bày đề tài: “Vai trò và sự đóng góp của người Cư sĩ -Phật tử trong lịch sử văn hóa dân tộc và trong giai đoạn hội nhập và phát triển bền vững tại tỉnh Bình Dương”. Nhằm chào mừng 40 năm thành lập GHPGVN tỉnh Bình Dương, khẩn định vai trò và sự đóng góp của cư sĩ- Phật tử trong quá trình phát triển của GHPGVN tỉnh Bình Dương, chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

          B. NỘI DUNG

          1. Vai trò và những đóng góp của Phật giáo nói chung và tín đồ Phật tử trong Lịch sử, văn hóa dân tộc và trong sự phát triển bền vững đất nước

          Trước hết, chúng ta hãy điểm qua sơ lược về những đóng góp của Phật giáo nói chung và Người Phật tử nói riêng trong lịch sử, văn hóa dân tộc và trong sự phát triển bền vững đất nước. Phật giáo là một tôn giáo có bề dài lịch sử gắn liền với lịch sử dân tộc hơn 2000 năm, và cũng một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất hiện nay. Mang trong mình niềm tin về Phật giáo, người Phật tử Việt Nam có quyền tự hào về tôn giáo mình ở các đặc điểm như: Về lịch sử, Phật giáo du nhập, tồn tại và phát triển ở nước ta lâu đời nhất so với các tôn giáo khác nên đã ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều mặt đời sống xã hội. Đồng thời, đây cũng là tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Về giáo lý, cốt tủy tinh thần của Phật giáo là dân chủ và rộng mở, từ bi và hỷ xả, vô ngã và vị tha nên dễ dàng ăn sâu vào tâm thức người Việt.

          Sau khi du nhập vào đất nước Việt Nam, với sứ mạng phổ độ chúng sinh, đạo Phật dễ dàng hòa nhập và thích nghi với văn hóa truyền thống dân tộc. Cũng từ đó, trong suốt quá trình đồng hành, tồn tại và phát triển cùng dân tộc, đạo Phật đã để lại ấn tượng sâu sắc bởi nền tảng giáo dục, thể hiện trong đời sống văn hóa xã hội, trong tư tưởng lý luận, biểu hiện trong việc xây dựng nhân cách đạo đức, trong đời sống tâm linh và trong muôn vàn lĩnh vực đời sống khác.

          Phật giáo Việt Nam vừa là một học thuyết giải thoát về thuật sống lương thiện tốt đẹp cho con ngườiViệt Nam, vừa là một học thuyết qua tinh thần Tứ ân có ơn với tổ quốc là trọng đại – đã thực sự góp phần trong việc hình thành nền tư tưởng Việt Nam, văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó tư tưởng yêu nước là chủ yếu65.

          Phật giáo đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho nền tảng tư tưởng văn hóa Việt Nam. Trước hết Phật giáo đã đóng vai trò tích cực trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn, đạo đức, hành vi cư xử của người Việt, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. Trước sự đòi hỏi của dân tộc, của tín đồ Phật giáo, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp tích cực cho nền văn hóa nước nhà.

          Dân tộc Việt Nam có cái duyên là đã được tiếp nhận đạo Phật, đạo Phật có cái duyên là tìm được chỗ đứng cho mình trong cộng đồng người Việt Nam. Cái cộng đồng dựa trên nền tảng kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, với quan niệm làng xã cổ truyền, với tín ngưỡng đa thần đã tiếp nhận đạo Phật và cải biến nó cho ít nhiều phù hợp với cộng đồng ấy.

          Cộng đồng người Việt tiếp nhận Phật giáo, đồng thời tiếp nhận những tư tưởng bình đẳng, bác ái, vô ngã, vô thường…ở đạo Phật, những tư tưởng này cùng với những tư tưởng cộng đồng cổ truyền đã làm cản trở cho quá trình phân hóa giai cấp, làm dịu những xung đột giai cấp trong xã hội. Trong thời gian tới, Phật giáo tồn tại và thậm chí tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Phật giáo đóng góp phần tích cực của nó bằng cách tự làm trong sạch bản thân, xóa bỏ những yếu tố mê tín lỗi thời. Phật giáo góp phần cân bằng cuộc sống ngày càng quay cuồng với nhịp độ cao và Phật giáo góp phần hướng thiện cho con người.

          Từ các vị thiền sư Việt Nam đến không ít các vị vua, các anh hùng dân tộc Phật tử đã thấm nhuần tư tưởng yêu nước, trở thành mối quan hệ khăng khít giữa Phật giáo Việt Nam với lịch sử tư tưởng Việt Nam66. Hơn nữa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhiều chùa chiền Phật giáo Việt Nam là cơ sở bao che nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ cách mạng, những Tăng, Ni, Phật tử nằm trong các đoàn thể cứu quốc, đoàn thể Phật giáo yêu nước, hòa mình vào các sinh hoạt cách mạng67.

          Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của Phật giáo. Qua nhiều triều đại phong kiến ở nước ta, nhiều vị vua quan là Phật tử với sự hiểu biết Phật pháp nên đã vận dụng những tinh hoa trong tư tưởng, triết lý của đạo Phật phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước cường thịnh.

          Vị thế văn hoá-chính trị như một nhà lãnh đạo Phật giáo của Sĩ Nhiếp đã trở thành vị thế văn hoá-chính trị của những vị minh quân-anh hùng dân tộc đã khai sáng những thời đại độc lập và vinh quang cho đất nước Việt Nam, từ Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đến Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, và các chúa Nguyễn trong buổi đầu lập quốc và dựng nước ở Đàng Trong, như Nguyễn Hoàng (chúa Tiên), Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi), Nguyễn Phúc Lan (chúa Hiền), Nguyễn Phúc Tần (chúa Nghĩa), Nguyễn Phúc Chu (xứng đáng để được tôn vinh là chúa Phật). Nguyễn Phúc Chu là người đã đúc đại hồng chung nặng 3.285 ký ở chùa Linh Mụ.

          Phát huy truyền thống quý báu đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kì anh dũng gần đây của nhân dân ta, Phật giáo đồng bào Phật tử đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc; nhiều gia đình Phật tử là cơ sở cách mạng, nuôi dấu cán bộ; nhiều Phật tử đã tham gia xuống đường tuyệt thực, tư thiêu để phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm tham gia góp phần giành độc lập, tự do cho dân tộc68.

          Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam thì đồng bào Phật tử cũng đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

          Hiện nay trên cả nước có hàng chục triệu tín đồ Phật giáo, đa số người dân có tín ngưỡng kính ngưỡng Phật giáo nên vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội hết sức quan trọng. Nhiều vị doanh nhân thời đại mới thấm đẫm tinh thần Phật giáo, thì việc làm giàu không còn đơn thuần chỉ chăm chăm cho bản thân mà trước hết còn nghĩ đến trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; chú trọng hoạt động xã hội, thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Người Việt Nam có truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần đó của người Việt được nâng lên khi tiếp ứng tinh thần Từ – Bi – Hỷ – Xả của đạo Phật.

          Biểu hiện của lòng Từ là sự cho đi mà không mong đợi được đền đáp, hay còn gọi là Pháp Bố thí. Trong Phật Pháp, Pháp Bố thí luôn là Pháp đứng đầu của ba Pháp tu căn bản của phật tử, như Tứ nhiếp Pháp ( Bố thí – ái ngữ – Lợi hành – Đồng sự), Lục Độ Ba La Mật (Bố thí – trì giới – tinh tấn – nhẫn nhục – thiền định- trí tuệ). Phật tử đã và đang làm lợi ích cho Phật Pháp. Đó là ý nghĩa của lời Phật dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Pháp Bố thí là nhân lành của quả phúc ở thế gian. Trong một xã hội, có được nhiều người giàu lòng từ bi bác ái, luôn tìm cách giúp người, xã hội ấy chắc chắn được an vui thịnh đạt.

          Biết bao chương trình từ thiện mang áo ấm, lương thực, vật dụng thiết yếu do các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử tại các chùa trong cả nước đã nhận được nhiều sự ủng hộ quyên góp của người dân, để dành cho đồng bào miền Trung và bà con dân tộc thiểu số, bà con ở vùng sâu, vùng xa và vủng hải đảo trên mọi miền đất nước.

          2. Quá trình hoạt động của tín đồ Phật tử Bình Dương trong lịch sử và hiện tại đối với sự phát triển bền vững đất nước

          Bình Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang trên đà phát triển toàn diện và cũng là một trong những Trung tâm Phật giáo lớn của miền Đông Nam bộ. Lịch sử đã chứng minh những đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Phật giáo Bình Dương đã hòa nhập trong cộng đồng, trở thành một bộ phận văn hóa tinh thần, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc phong phú. Đạo từ đời mà có, và đạo lại đi vào đời, luôn không tách rời cuộc sống con người nên giữ đạo để làm đẹp cho đời là hạnh nguyện của người con Phật.

          Mặt khác, từ thuở ban sơ, cư dân trên vùng đất Bình Dương phần đông theo đạo ông bà và tín ngưỡng dân gian, tâm hồn họ dạt dáo tình cảm và thấm đẫm truyền thống đạo đức dân tộc, đến khi Phật giáo có mặt tại Bình Dương thì nền giáo dục đa văn hóa của Phật giáo nhanh chóng hòa hợp dung thông với các nền văn hóa của cộng đồng cư dân, bám rễ sâu chắc vào đời sống tinh thần của người dân vùng đất mới, nhờ đó mà Phật giáo đã dễ dàng phát triển sâu rộng trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Cũng chính đạo Phật đã tạo nên ý thức trách nhiệm cao cả của cộng đồng dân cư đối với sự nghiệp phát triển, hung thịnh ở đất Bình Dương này.

          Do đặc điểm tình hình như vậy nên có thể nói Phật giáo là tôn giáo sớm có mặt và là tôn giáo phát triển đầu tiên ở Bình Dương, ít nhất là vào cuối thế kỷ 17, vào lúc bấy giờ Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất trong tỉnh69.

          Ngày nay để tiếp tục phát huy những giá trị tích cực của mình, Phật giáo phải biết tự giữ gìn, bồi đắp và đổi mới cho phù hợp với thời đại nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” như trước đây đã từng đóng góp cho “quốc thái dân an”.

          Trong điều kiện xã hội hiện nay, những di sản văn hóa của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân các doanh nhân Phật tử đã quyên góp, công đức tiền của để khôi phục, tôn tạo chùa chiền, xây cất tịnh xá, niệm Phật đường, đúc chuông, đắp tượng, dựng tháp… Ngoài ý nghĩa tâm linh, nhiều ngôi chùa đã trở thành những danh thắng nổi tiếng để du khách đến chiêm ngưỡng. Những giá trị văn hóa Phật giáo không chỉ tồn tại trong tư tưởng, mà còn đang hiện diện thông qua sự nỗ lực của hàng triệu tín đồ nhằm vươn tới một lẽ sống vì Tổ quốc giàu mạnh, nhân sinh hạnh phúc. Điều đó càng khẳng định được vị trí, vai trò của Phật giáo trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc.

          Tiếp nối truyền thống của người Phật tử Phật giáo Việt Nam trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển từ khi Đạo Phật mới vừa du nhập cho đến ngày nay. Người Phật tử Bình Dương cũng đã thể hiện tốt vai trò và vị trí của mình trong việc hội nhập và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

          Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Bình Dương đã đồng hành cùng con người và quan tâm hướng dẫn tín đồ Phật tử sinh hoạt theo đúng chánh pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh của người dân, và có những hoạt động đáp ứng nhu cầu cuộc sống tinh thần và vật chất của con người, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử tạo thành sức sống mãnh liệt, góp phần giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; trong đó, chùa Hội Khánh và một số chùa cổ tại Bình Dương là một điển hình.

          Hiện ở Bình Dương có gần 300 ngôi Tự Viện lớn nhỏ, trong đó có những ngôi Tổ Đình, Cổ Tự nổi tiếng từ hàng trăm năm như Tổ đình chùa Hội khánh, Chùa Núi Châu Thới, Hưng Long, Long Thọ, Long Sơn Cổ Tự, Long Thắng … Mỗi ngôi chùa ở Bình Dương không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc. Nhiều ngôi chùa đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong đời sống văn hóa tâm linh của Bình Dương. Vẻ đẹp cổ kính cùng với chiều dày lịch sử của chùa Hội Khánh như một minh chứng về sự đóng góp của Phật giáo Bình Dương vào sự bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.

          “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của Tổ tông”, Chính vì vậy, chùa trên đất nước ta nói chung và chùa ở Bình Dương phải trở thành nơi tu học, mang lại lợi ích cho nhiều người và mỗi ngôi chùa thật sự là tổ ấm tâm linh, hình thành nên bản sắc văn hóa trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

          Tăng Ni và người Phật tử Bình Dương có lòng yêu nước nồng nàn, và ý thức dân tộc sâu đậm, sống nặng nghĩa tình, đoàn kết gắn bó với người dân tạo mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo vào những thập niên 1930 – 1940, ở Bình Dương có rất nhiều Phật tử trí thức trong đó có Y sĩ Đông dược Võ Văn Vân, một nhà danh y nổi tiếng khắp cả nước (1884 – 1945) ông đã ủng hộ cho các phong trào học tập giáo lý và xây dựng chùa như chùa Hội Khánh, chùa Linh Sơn ….., ngoài ra còn có Luật sư Trần Văn Trai, ông đã có nhiều công đức trong việc ủng hộ xây dựng chùa chiền và nhiều Phật sự khác tại Thủ dầu Một. Ông và gia đình là Phật tử sùng kính Tam Bảo đồng thời cũng là một Luật sư có tinh thần yêu nước. Có nhiều đồng bào bị bắt được ông trực tiếp cab thiệp với nhà cầm quyền Pháp để trả tự do cho đồng bào. Ông đã ủng hộ xây dựng trường học, xây dựng nhiều ngôi chùa và nhiều Phật sự khác trên đất Bình Dương70. Trong khoảng thời gian này ở Bình Dương còn có họa sĩ Lê Văn Kiệu, Giáo sư Minh Kính, y sĩ Nguyễn Văn Tạo là những người trí thức hộ đạo và rất nhiều tầng lớp nhân dân có tinh thần gắn bó và thiện cảm với Phật giáo.

          Vào cuối năm 1944, ông Huỳnh Kim Trương, một Phật tử là nhân sĩ trí thức yêu nước đất Thủ đã đứng ra thành lập Hội truyền bá quốc ngữ Thủ Dầu Một tại làng Phú Cường. Theo đó từ năm 1944 đến 1945, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ lan rộng ra khắp các tỉnh thành Nam bộ. Bấy giờ, các lãnh đạo Việt Minh tại Thủ Dầu Một đã tranh thủ thời cơ này xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của tổ chức Việt Minh nằm trong Hội để truyền bá tinh thần cách mạng. Đặc biệt, ngoài các lớp học tổ chức tại các trường thì các lớp học ban đêm còn lại hầu hết đều được tổ chức tại các chùa như: Chùa Hội Khánh, Chùa Tây Tạng, chùa Phổ Thiện Hòa, chùa Thiên Tôn, chùa Phật Học có hàng trăm học viên đến học…. Hội truyền bá quốc ngữ Thủ Dầu Một được giới Phật giáo đặc biệt là đồng bào Phật tử hưởng ứng với nhiều mục đích, trong đó có mục đích phục vụ cho kháng chiến. Qua đó chúng ta có thể nhận thấy quá trình chuẩn bị phục vụ kháng chiến lâu dài tại Thủ Dầu Một mang tính tính chiến lược, góp phần tạo nên sự thành công qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh của dân tộc….

          Có thể nói, tinh thần và cương lĩnh của Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một bắt nguồn từ Lục Hòa Liên Xã và “Hội danh dự yêu nước”. Nhờ đó mà sau Cách mạng tháng 8, hòa cùng khí thế Nam Kỳ khởi nghĩa sôi sục trong toàn dân, đồng bào Phật tử Thủ Dầu Một đã hăng hái tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thể hiện được vai trò vị trí của giới Phật tử Bình Dương trong sự nghiệp chiến đấu của toàn dân giành lại độc lập tự do cho đất nước Việt Nam.

          Trong giao đoạn xây dựng và phát triển bền vững đất nước hiện nay, Tăng Ni, Phật tử Bình Dương đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi hiến pháp, bầu cử đại biểu quốc hội, bầu và ứng cử hội đồng nhân dân, tham gia mặt trận các cấp; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, và xây dựng nông thôn mới; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Các lễ hội truyền thống như Phật đản, Vu lan, Thành đạo, lễ cầu quốc thái dân an, lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ, Nạn nhân tử vong vì Covid 19…. cùng nhiều hoạt động mang tính xã hội khác như diễu hành xe hoa, kiệu hoa rước Phật đản sinh, phóng sanh đăng, triển lãm thư pháp, hội chợ ẩm thực chay… hàng năm đều được tổ chức trang trọng, thu hút hàng vạn tín đồ, nhân sĩ, trí thức, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia, đều có phần đóng góp rất lớn lao từ những người Phật tử. Chính những hoạt động lễ hội ấy góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và duy trì nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt thường ngày, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày càng biết đến bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như nếp sống muôn đời của tổ tông.

          Các chùa ở Bình Dương mở rộng lòng từ bi, làm nhiều việc thiện góp phần tốt đời, đẹp đạo. Bên cạnh các Sư cô của chùa Bồ Đề Đạo Tràng, xã Bình Chuẩn, thị xã Thuận An thu nhận và chăm lo cho gần 100 đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, ăn học thành người, các Phật tử ở Bình Dương còn thành lập 2 bếp ăn từ thiện: một ở Bệnh Viện Đa Khoa thị xã Thuận An và một ở tại Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Bình Dương. Trên 20 năm qua, hàng ngày các Phật tử thành phố Thủ Dầu Một đã phát hàng trăm suất cơm, cháo, sữa và nước sôi miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo với tinh thần tự nguyện.

          Phật tử Huỳnh Thị Kim Cúc, doanh nghiệp Cty TNHH Thanh Lễ – Khách Sạn The Mira đã thành lập điểm phát cơm chay miễn phí với hàng trăm suất cơm chay, thực đơn đa dạng, phong phú, giàu chất dinh dưỡng phục vụ hàng ngày cho học sinh, sinh viên và dân lao động nghèo. 

          Từ năm 2010 cho đến nay, Chùa Hội Khánh thành phố Thủ Dầu Một đã thành lập phòng khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bình Dương, với sự tài trợ chính của Phật tử Diệu Hạnh (còn gọi là Phượng – Tây Hồ ) và các mạnh thường quân là bạn bè đồng nghiệp của cô Phượng. Đảm trách khâu khám và chữa bệnh là đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương và các bệnh việc khác đến từ TP. HCM. Phòng khám hoạt động vào ngày chủ nhật hàng tuần. Mỗi đợt có từ 300 đến 400 bệnh nhân tại Bình Dương và các vùng phụ cận đến khám chữa bệnh tại đây.

          Giám đốc Hệ thống bệnh viện Medic Bình Dương Trần Ngọc Hiền là Phật tử thuần thành ưu tiên thăm khám và điều trị miễn phí cho Tăng – Ni. Và có nhiều chương trình từ thiện đến các địa phương trên đất nước.

          Bên cạnh việc khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí, phòng khám còn tổ chức phát quà từ thiện cho người nghèo. Đây là một hoạt động từ thiện xã hội của Phật tử Bình Dương mang ý nghĩa nhân văn được chính quyền, quần chúng hoan nghênh, đánh giá cao.

          Ngoài việc làm tốt các công tác từ thiện, an sinh xã hội, tham gia các phong trào đoàn thể ở địa phương, Giới Phật tử ở Bình Dương còn có nhiều quan tâm ủng hộ từ vật chất đến tinh thần cho các “Khóa Tu Mùa Hè” được tổ chức tại Bình Dương. Khóa tu mùa hè hàng năm là cơ hội quý báu để xây dựng lại những nét đẹp trong tâm hồn son trẻ, là nền tảng vững chắc cho các bạn trẻ trong tương lai khi phải đối diện với đời sống quá nhiều phức tạp bất an; tạo dựng niềm tin và sức mạnh về một lối sống lành mạnh, bảo tồn những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc, hướng đến đời sống chân thiện mỹ, xa rời các tệ đoan tiêu cực của xã hội.

          Được sự giúp đở của thường trực Ban Trị sự và các ngành chức năng, vào mùa hè hàng năm, Ban HDPT – GHPGVN tỉnh Bình Dương đều tổ chức khóa tu mùa hè cho thanh thiếu nhi Phật tử, với hàng ngàn Phật tử trẻ tham dự. Các Phật tử ở Bình Dương đã chung tay góp sức cùng với Ban HDPT và Chư Tôn Đức trụ trì tại các Tự Viện. Có thể nói sự thành công cho các khóa tu mùa hè phần lớn là công lao của các Phật tử, từ sự ổn định sinh hoạt, ẩm thực nấu nướng, tham gia tình nguyện viên, giảng dạy, chăm sóc sức khỏe …. Cho hàng ngàn các khóa sinh trẻ đủ mọi thành phần, lứa tuổi là việc không phải dễ dảng.

          Ngoài ra, hàng năm dưới sự vận động của Ban HDPT, Phật tử Bình Dương đã tham gia các chương trình hiến máu nhân đạo, chương trình Tết người nghèo, hủ gạo tình thương, chương trình tiếp sức mùa thi, … tặng hàng ngàn phần quà cho đồng bào nghèo, trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ mồ côi, các trại tâm thần, trại phong …. nhân dịp Tết Nguyên đán, Đại lễ Phật đản PL, đại lễ Vu Lan, Tết Trung thu, vv….Tổng số tiền cho công tác từ thiện hàng năm trên hàng tỷ đồng

          3. Phương hướng, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả từ hoạt động tín đồ Phật tử đối với sự phát triển bền vững đất nước

          Qua sự nhận định vai trò, vị trí, những đóng góp của Phật giáo nói chung, tín đồ Phật tử ở Bình Dương nói riêng trong lịch sử cũng như trong hiện tại. Chúng ta đều nhận thức sâu sắc rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải chỉ là của hàng tu sĩ, thậm chí việc chúng ta có được Giáo hội phát triển như ngày hôm nay cũng là vì mục đích phục vụ số đông Phật tử. Số lượng Phật tử chính là sự phản ánh sức sống của Giáo hội, sự tồn tại của Tăng già. Vì thế, con xin phép được đề xuất những phương hướng giải pháp nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả từ hoạt động tín đồ Phật tử với sự phát triển bền vững đất nước như sau:

          1. Các Ban ngành không ngừng truyền bá Phật pháp để ngày càng tăng trưởng số lượng Phật tử, ngày càng có nhiều người biết đến Phật pháp. Bên cạnh đó, phải làm sao cho người Phật tử không chỉ tin theo một cách đơn giản mà phải có kiến thức, có sự hiểu biết để đức tin cắm rễ chắc bền trong Phật tử. Chính đức tin đó đảm bảo cho Giáo hội, cho đạo Phật phát triển một cách bền vững hơn.

          2. Khuyến khích, chỉ đạo các vị trụ trì đưa người có niềm tin với Phật giáo trở thành người quy y Tam bảo thực thụ; mỗi vị trụ trì nên khuyến khích Phật giáo hóa gia đình và có hình thức khen thưởng thích đáng; xúc tiến thống kê, quản lý, quan tâm, giúp đỡ tín đồ một cách thường xuyên và có phương pháp cụ thể.

          3. Trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước và Giáo hội hiện nay, tiêu chí “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, “Đoàn kết hòa hợp nội bộ, đoàn kết giữa Tăng Ni và Tín đồ Phật tử” phải được xem là mục tiêu, là động lực hàng đầu, là nguyên nhân chính và giữ vai trò chủ đạo trong việc xương minh đạo pháp, hộ quốc an dân, phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

          4. Thế hệ Phật tử trẻ là lực lượng nòng cốt của Giáo Hội, là người hổ trợ đắc lực cho Chư Tăng Ni trong tương lai, nhưng đã xuất hiện một số hạn chế trong nhận thức dẫn đến tình trạng có nhiều chùa toàn là những Cụ ông, Cụ bà cao niên lớn tuổi. Từ đó hạn chế rất nhiều sinh hoạt Phật sự tại các Tự Viện. Kính mong BTS Tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho các Đạo tràng này cân bằng được lực lượng Phật tử nhằm giúp cho các Phật sự được tốt đep hơn.

          5. Khi tiếp độ Phật tử phát tâm Quy Y Tam Bảo, một số Tăng Ni Trụ trì thiếu sự quan tâm, chưa hướng dẫn về giáo lý cơ bản cho Phật tử, người Phật tử tự tìm hiểu học hỏi trên mạng, gặp những vị chưa thông hiểu về Phật pháp, chưa có kinh nghiệm tu tập mà vẫn đăng đàn thuyết pháp, có những lời lẽ công kích các bậc Cao Tăng. Từ đó sinh ra chán nản, thoái thất đạo tâm, mất phương hướng, tu tập sai pháp. Vì vậy, rất mong BTS Tỉnh thường xuyên quan tâm nhắc nhở vấn đề này.

          C. Kết Luận

          Như người viết đã trình bày một cách khái quát về: “Vai trò và sự đóng góp của người Cư sĩ -Phật tử trong lịch sử văn hóa dân tộc và trong giai đoạn hội nhập và phát triển bền vững tại tỉnh Bình Dương”. cũng như đề xuất một số ý kiến nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả từ hoạt động tín đồ Phật tử với sự phát triển bền vững của Giáo hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập và phát triển ngày nay.

          Chúng ta biết rằng, đạo Phật từ khi du nhập vào Việt Nam đã gặp nhiều thuận duyên và không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vị thế của mình đối với sự phát triển của dân tộc. Ở đây vấn đề tiếp tục phát huy vai trò và vị trí hoạt động cho sự phát triển bền vững đất nước của tín đồ Phật tử là sứ mệnh quan trọng của của mỗi tăng ni.

          Phát huy kinh nghiệm của các bậc tiền nhân, đáp ứng cho nhu cầu tu tập và phục vụ xã hội của tín đồ Phật giáo. Chúng ta cần đầu tư xây dựng và kiện toàn pháp nhân hóa những tổ chức của tín đồ như quỹ, hội từ thiện, bệnh viện, trường học, nhà xuất bản…Nhằm phục vụ đắc lực và hiệu quả cho công tác phúc lợi xã hội của Phật giáo.

          Xây dựng những bộ phận do cư sĩ đảm trách có trình độ và năng lực để hợp tác với các đoàn thể khác trong công tác phục vụ xã hội gọi là bộ phận hợp tác hay bộ phận chi viện để giúp đỡ các đoàn thể khác cùng phục vụ xã hội. Điều cần chú ý ở đây là cần sự quan tâm hổ trợ từ Giáo Hội và nhà nước để chúng ta có điều kiện đào tạo, xây dựng và sử dụng đội ngũ cư sĩ Phật tử có trình độ, có chuyên môn, có tâm huyết và có nguồn tài chính dồi dào để phục vụ và cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo và xã hội.

          Với nội dung tham luận vừa được trình bày, chắc không tránh khỏi những điều chưa thực sự phù hợp, nhưng vì trách nhiệm chung, chúng con mạn phép trình bày, rất mong được sự hoan hỷ của hội thảo. Người viết tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của Chư Tôn Đức thì Tăng, ni và Phật tử ở Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc hơn.

 

 

 

_Chú thích:

64 Thương gia Tapussa và bạn là Bhalluka (Bhalliya) ở Ukkalā. Trên đường đến Rājagaha, ông thấy Đức Phật dưới cội cây Rājāyatana. Bấy giờ Ngài vừa đắc quả Chánh Đẳng Giác được tám tuần. Được dẫn dắt bởi một vị trời, hai ông cúng dường Đức Phật cốm gạo và mật ong trong bình bát do Tứ Thiên Vương cung cấp. Hai ông trở thành hai vị cư sĩ đầu tiên của Phật; lời Quy y bấy giờ của hai ông không có “quy y Tăng” – quy y Nhị Bảo

65http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2334/Phat_giao_Viet_Nam_voi_tinh_than_yeu _nuoc_va_tu_hao_dan_toc. Truy cập ngày 12/12/2021

66 Lê Mạnh Thát , Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế 1999, trang. 70

67 “Trích theo Đạo Phật và Dân tộc”, Tạp chí Giác ngộ số 105 ngày 1-5-1995.

68 Võ Đình Cường, tham luận, Sự đóng góp của người cư sĩ Phật tử trong công cuộc phát triển Phật giáo, 1996.

69 PGS. TS. Trần Hồng Liên, Phật giáo ở Bình Dương Hiện Trạng và Lịch Sử, Nxb Phương Đông, trang 14.

70 Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa văn nghệ TPHCM, 2015.trang 131,132

 

Tài liệu tham khảo:

4. Giáo Hôi Phật Giáo Việt Nam Hội Đồng Trị Sự, Hiếu Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, tu chỉnh lần thứ VI. Nxb Tôn Giáo, 2018.

5. Lê Cung, Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Việt Nam (1964-1968) , Nxb Thuận Hóa, Huế 2014.

6. PGS. TS. Trần Hồng Liên, Phật giáo ở Bình Dương Hiện Trạng và Lịch Sử, Nxb Phương Đông.

7. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1,3, Nxb Thuận Hóa, Huế 1999

8. Mật Thể, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Tôn Giáo.

9. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, in lần thứ 3, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1992.

10.Sở Văn Hóa Thông Tin, Ban Quản Lý Di Tích và Danh Thắng, Di Tích & Danh Thắng tỉnh Bình Dương, năm 2008.

11.Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa văn nghệ TPHCM, 2015.

12.Trích theo Đạo Phật và Dân tộc”, Tạp chí Giác ngộ số 105 ngày 1-5-1995.

13.Võ Đình Cường, tham luận, Sự đóng góp của người cư sĩ Phật tử trong công cuộc phát triển Phật giáo, 1996.