Vùng đất Bình Dương xưa và nay không chỉ được biết đến với kinh tế phát triển, năng động mà còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa phát triển rất phong phú, đa dạng, có nhiều nét chung hòa quyện vào lịch sử – văn hóa phương Nam nhưng vẫn giữ được những nét riêng rất độc đáo, tạo ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người dân. Hiện nay, Phật giáo ở tỉnh Bình Dương có 210 cơ sở tự viện, về tín ngưỡng, Bình Dương hiện có 423 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 127 ngôi đình, hơn 200 ngôi miếu và nhiều đền, điện, phủ, am, từ, nhà thờ họ…
Cho đến giữa thế kỉ XIX, Phật giáo Bình Dương, với trung tâm là Thủ Dầu Một, đã có những khởi sắc về tổ chức và sinh hoạt Phật giáo. Khá nhiều bộ kinh đã được in ấn và phát hành tại Tổ đình chùa Hội Khánh, do Hoà thượng Ấn Long chủ trương, như kinh A Di Đà, Hồng Danh, Địa Tạng, Phổ Môn, Vu Lan, Bát Dương… Bên cạnh việc in ấn kinh sách, việc đúc chuông, tô tượng cũng được đẩy mạnh. Liên tiếp qua các năm, nhiều đại hồng chung ở các chùa sắc tứ Thiên Tôn (1888), chùa Phước Long (1893) chùa Phước Tường (1894), chùa Long Minh (1895), chùa Long Thọ (1898)… đã được hoàn thành. Cũng từ Tổ đình Hội Khánh, nhiều lớp giảng dạy giáo lí và khoá luật đã được khai mở trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo cả nước còn chưa được phổ biến rộng rãi như vào những thập niên 20 – 30 của thế kỉ XX. Ngoài ra, Phật giáo Thủ Dầu Một trong giai đoạn này còn trang bị cho tu sĩ kiến thức về phương minh, qua các lớp tập huấn về kinh mạch, bốc thuốc, nghiên cứu về y học, địa lí [9 Tr 49-50].
Từ những hoạt động Phật giáo nổi bật, vừa mang tính dân gian vừa được hệ thống thành văn bản, Phật giáo Bình Dương giai đoạn này còn cho thấy mức độ ảnh hưởng của hình thức nghi lễ Phật giáo ứng phú đạo tràng, đặc biệt là tại Thủ Dầu Một, với hoạt động của các hoà thượng Thới Thiền, Thới Đạt… đã tạo được ảnh hưởng khắp miền Đông và Tây Nam Bộ. Bên cạnh sự phát triển của khoa ứng phú, còn có các ban Nhạc lễ và các kinh sư nổi tiếng như Sáu Thiệt, Bảy Ngọt, Huệ Viên, Ba Tăng…[7]. Từ sự ra đời của các hội mang tính chất yêu nước đầu thế kỉ XX, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Phật giáo Bình Dương, trong đó có cả tăng ni và Phật tử đã hưởng ứng, tham gia vào Hội Phật giáo Cứu Quốc (1947) ở Thủ Dầu Một với hơn 40 ngôi chùa trong tỉnh do thiền sư Minh Tịnh làm chủ tịch. Nhiều hoà thượng tham gia kháng chiến đã trở thành liệt sĩ như Hòa thượng Minh Trứ (chùa Thiên Ân ở Thuận Giao); Yết ma Chơn Thiện chùa Thiên Thắng (phường Chánh Nghĩa); Hòa thượng Thiện Tràng (chùa Long Minh); sư cô Bùi Thị Được; Phật tử Nguyễn Thị Mười…[7]
Tổ đình chùa Hội Khánh là một ngôi chùa cổ Phật giáo được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741) ở thành phố Thủ Dầu Một, [7] tỉnh Bình Dương, là minh chứng rõ ràng cho sự thăng hoa của Phật giáo Đàng Trong thời kì đỉnh cao.
Từ khi thành lập đến nay Tổ đình chùa Hội Khánh đã trải qua 10 vị trụ trì (9 vị đã viên tịch) trong đó không ít vị cao tăng, đạo đức tài năng nổi danh cả Nam Bộ. Ngoài Đại Ngạn thiền sư là người khai sơn sáng lập chùa, có công hoằng pháp khá sớm ở địa phương này, còn phải kể đến hoà thượng Từ Văn (1877 -1931). Ngài đã đào tạo nhiều đệ tử tài đức có công đức với đạo pháp cũng như với dân tộc. Đặc biệt không thể không nhắc đến nhà sư yêu nước Hoà thượng Từ Tâm đã bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo năm Hoà thượng Từ Văn có nhiều công đức và uy tín hàng đầu trong các danh tăng ở Nam Bộ, được đương thời phong tặng cho Ngài là Hòa thượng cả. Năm 1920 người Pháp đã mời ngài qua phương Tây làm chủ lễ cầu siêu cho binh sĩ người Việt chết trận cho nước Pháp trong thế chiến thứ nhất (1914 -1918). Cũng có tư liệu cho rằng Ngài được mời tham dự cuộc đấu xảo của các xứ thuộc địa Pháp tại Mairseille cùng với một số mô hình kiến trúc phiên bản đình chùa, ảnh tượng điêu khắc (đặc biệt là bộ tượng thập bát La Hán) của tỉnh Thủ Dầu Một được tuyển chọn [9 Tr 64].
Trong những năm 1923 -1926, Tổ đình chùa Hội Khánh Thủ Dầu Một còn là nơi ẩn náu qui tụ các nhân sĩ nhà nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra “Hội danh dự” với sự tham gia của Hoà thượng Từ Văn, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh), cụ Tú Cúc… mục đích của Hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước. Dù Hội chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng đã gây dược ảnh hưởng đáng kể như nhận định của một nhà nghiên cứu: “Những lời nói và việc làm của các cụ trực tiếp hay gián tiếp đã để lại cho dân chúng địa phương một ấn tượng tốt đẹp, ảnh hưởng sâu sắc lòng yêu nước của họ.
Sau này chùa Hội Khánh thành một nơi mà nhiều lớp học sinh, thanh niên đến trọ học. Nhiều người trong số họ đã tham gia các phong trào yêu nước” [9 Tr 64]. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tổ đình chùa Hội Khánh là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, đã góp nhiều công sức, tâm huyết kể cả xương máu của các nhà tu hành, Phật tử nhà chùa. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân địa phương từ năm 1953, chùa là trụ sở của Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương và đến năm 1983 chùa Hội Khánh là trụ sở của Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương. Năm 1995, nơi đây Tỉnh hội xây dựng Trường cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé (Bình Dương). Hiện Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự – Trưởng ban Pháp chế Trung ương – Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương và là Trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh.
Nhờ vào uy tín cũng như tinh thần dân tộc của Hòa thượng Từ Văn trong những năm 1923-1926, chùa Hội khánh là nơi ẩn náu quy tụ các nhân sĩ, nhà nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra hội danh dự với sự tham gia của chính Hòa thượng Từ Văn, Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ Tịch), là một nhà nho yêu nước thương dân, là người có công sinh thành nuôi dạy cho dân tộc Việt Nam một vị lãnh tụ kiệt xuất, cho Thế giới một danh nhân văn hóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc khi sống ở Bình Dương chỉ trong một thời gian khá ngắn, nhưng đã góp phần quan trọng trong phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Thủ Dầu Một. Cụ Tú Cúc. Mục đích của Hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước [9Tr 64]. Chùa Hội Khánh cũng đã lưu giữ câu nói với ý nghĩa hàm súc thiền học của Cụ Nguyễn Sinh Sắc: “Đại đạo quảng khai thố giác khêu đàm để nguyệt, thiền môn giáo dưỡng qui mao thần thụ đầu phong” (tạm dịch: mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước, nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây).
Sau Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1981, tháng 1 năm 1983, đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn tỉnh lần thứ nhất được tổ chức tại tổ đình chùa Hội Khánh. Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé cũng chính thức được thành lập trong đại hội này. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động tôn giáo của tín đồ Phật giáo trong tỉnh. Các vị trong tổ chức Lục Hoà Tăng tham gia vào Ban Trị sự của Tỉnh Hội. Trưởng ban là Hòa thượng Thích Trí Tấn. Lúc bấy giờ Bình Dương và Bình Phước còn thuộc chung tỉnh Sông Bé. Buổi đầu nhiệm kỳ I chỉ thành lập được 4 Ban Đại diện Phật giáo: Thị xã Thủ Dầu Một (1983), Huyện Thuận An (1984); Tân Uyên (1985), Bến Cát (1986). Từ năm 1983 đến nay (2022) BTS. GHPGVN tỉnh Bình Dương đã trải qua 9 nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ I (1983-1987) và nhiệm kỳ IX (2017-2022), mỗi nhiệm kỳ là 5 năm. Trong đó, đặc biệt là ở nhiệm kỳ II (1987) và nhiệm kỳ III (1991) thành lập thêm 4 Ban Đại diện ở Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Đồng Phú.
Trong nhiệm kỳ III mối quan hệ giữa Phật giáo Tỉnh và chính quyền được đẩy mạnh. Cũng trong giai đoạn này, năm 1992, với sự thành lập Ban Tôn giáo Chính quyền Tỉnh, Phật giáo Tỉnh có điều kiện hoạt động tốt hơn, nắm rõ đường lối, chính sách của nhà nước, và tạo được sự nhịp nhàng trong công tác của ban Tôn giáo. Nhiệm kỳ IV được tổ chức (1994- 1996), giai đoạn này có thay đổi nhân sự quan trọng, trẻ hoá đội ngũ tu sĩ lãnh đạo. Trường Trung cấp Phật học Tỉnh được thành lập vào năm 1995. Việc tách Tỉnh vào năm 1997 cũng tạo ra sự thay đổi lớn trong hoạt động. Đến nhiệm kỳ V (1997- 2002), Phật giáo Tỉnh tiến hành đẩy mạnh hoạt động trên nhiều mặt: Văn hoá, giáo dục, đào tạo tu sĩ…Từ những đặc thù về cơ cấu các giáo phái và có sự đa dạng của 3 hệ phái: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ, Phật giáo Bình Dương sau ngày tách Tỉnh (1996) đã dần ổn định được về nhân sự.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO BÌNH DƯƠNG
Với sự hình thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau năm 1981, Giáo hội tiếp tục đón nhận những đóng góp của tăng, ni Bình Dương có nhiều cống hiến sức người và của cải cho công cuộc đấu tranh trường kỳ bảo vệ tổ quốc, để cùng tham gia vào một thời kỳ xây dựng mới của đất nước. Có thể nói tinh thần “Hộ quốc an dân” của tăng ni Phật giáo Việt Nam và cả ở Bình Dương đã trở thành bất diệt, liên tiếp qua các giai đọan đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử.
Trong 40 năm qua, là bộ phận tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương đã không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đã có nhiều vị chức sắc, nhà tu hành trong Ban Trị sự đã được Nhân dân tin tưởng giới thiệu và được trúng cử là Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Với phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và truyền thống “Hộ quốc an dân”, “tốt đời, đẹp đạo”. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã có các chương trình hoạt động từng thời kỳ, kế hoạch hoạt động cụ thể trong từng năm, phù hợp với xã hội, phù hợp với sự phát triển của Giáo hội, của đất nước và các địa phương. Đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động.
Đóng góp cho đạo pháp, thiết thực hơn chính là đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo tại Bình Dương nói chung và tại Tổ đình chùa Hội Khánh nói riêng. Sự phát triển không ngừng về các mặt của Phật giáo chính là bằng chứng thiết thực nhất về những đóng góp của các bậc tiền bối trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo tại đây. Là Văn Phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh Bình Dương, trung tâm văn hóa, sinh hoạt Phật sự của Tăng ni và đồng bào Phật tử tỉnh Bình Dương, Tổ đình chùa Hội Khánh cũng là nơi hội họp, sinh hoạt, của Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà, nơi diễn ra các lễ hội lớn, các hoạt động Phật sự, như lễ Phật Đản, Lễ Vu lan, nơi an cư kiết hạ chư Tăng tỉnh Bình Dương.
Với phương châm Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, vì lợi lạc của quần sinh mà, Tổ đình Hội Khánh nói riêng cũng như Phật giáo Bình Dương nói chung dưới sự điều hành, dẫn dắt của Hòa thượng Thích Huệ Thông đã nhập thế thực hiện theo phương châm đề ra! Tổ đình Hội Khánh cùng với Phật giáo tỉnh ngày càng lớn mạnh với những công trình Phật giáo, cơ sở Phật tự trang nghiêm, thanh tịnh đạo tràng… Những đóng góp của Tổ đình Hội Khánh mà trong đó có một phần công lao của Hòa thượng Thích Huệ Thông thật đáng trân trọng cho sự phát triển của Phật giáo, cho sự ổn định an sinh xã hội của tỉnh nhà.
Trong bối cảnh đất nước nói chung Bình Dương nói riêng đang Hội nhập và phát triển thì Phật giáo Bình Dương nói riêng cũng có chiều hướng phát triển với số lượng hàng trăm tăng, ni và hàng ngàn phật tử sinh hoạt, do đó không gian Tổ đình chùa Hội Khánh không đáp ứng được. Với tâm nguyện mở rộng không gian cho chùa, Hòa thượng Huệ Thông đã xin phép Giáo hội và Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Dương để xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh. Vào ngày mãn hạ năm 2008 lễ động thổ khởi công xây dựng tượng Phật nhập niết bàn trên phần đất có diện tích 13.829,8 m2. Công trình văn hóa Phật Giáo bao gồm Trường trung cấp Phật Học, phòng họp, hội trường và đặc biệt tượng Phật nhập Niết Bàn dài 52m, nặng 600 tấn, cao 22m. Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 12 năm Canh Dần (tức ngày 22 tháng 01 năm 2010). Buổi lể có sự tham dự chứng minh của Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Thích Thiện Pháp cùng chư Tôn đức Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận cùng hàng trăm tăng ni và hàng ngàn Phật tử. Buổi lễ có sự tham dự của các vị lãnh đạo của Trung ương và địa phương. Buổi lễ được danh dự đón nhận cặp liễn đối chúc mừng của ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước [7]:
“Phật tích Tây Thiên rạng ngời khắp cõi
Đem từ bi hỷ xả phổ độ chúng sinh cho đạo cho đời.
Chùa thiêng đất Việt tỏa sáng muôn phương
Lấy độc lập tự do bảo vệ non sông đất nước vì dân vì nước”.
Tượng Phật nhập niết bàn đã được trung tâm xác lập kỷ lục công nhận là tượng
Phật nằm trên mái chùa dài nhất Châu Á, buổi lễ được tổ chức long trọng vào ngày 17/5/2013 [7].
Vào năm 2010, Tổ đình chùa Hội Khánh đã thành phòng khám chữa bệnh từ thiện tương đối quy mô tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bình Dương. Đảm trách khâu khám chữa bệnh là đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương và các bệnh viện khác đến từ TP.HCM. Phòng khám hoạt động vào các ngày Chủ nhật, mỗi đợt có từ 300 dếm 400 bệnh nhân tại Bình Dương và các vùng phụ cận đến khám chữa bệnh tại đây [7]. Ngoài việc khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, phòng khám còn tổ chức phát quà từ thiện cho người nghèo. Đây là một hoạt động từ thiện xã hội mang ý nghĩa nhân văn được chính quyền, quần chúng hoan nghênh, đánh giá cao.
Có thể nói rằng Tổ đình chùa Hội khánh không chỉ là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất của tỉnh Bình Dương mà còn là một công trình mỹ thuật tôn giáo (Phật giáo) hàng đầu của miền Đông Nam Bộ về quy mô cũng như niên đại hình thành, nơi đây cũng là một di tích văn hóa còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật giá trị về nhiều mặt của địa phương và quốc gia. Với chiều dày về lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật và truyền thống yêu nước gắn bó với đạo pháp và dân tộc, chùa Hội khánh Bình Dương đã được Bộ trưởng Văn hóa- thông tin nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 7/1/1993.
Là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo tỉnh, Hòa thượng Thích Huệ Thông luôn thể hiện tấm gương của người đứng đầu có trách nhiệm được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III (tháng 12/2006), Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (tháng 11/2012), bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung ương Giáo hội và các Bộ ngành Trung ương tặng thưởng nhiều bằng khen qua các năm.
III. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH, ĐỀ XUẤT VỀ VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA TỔ ĐÌNH CHÙA HỘI KHÁNH ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC XÂY DỰNG, ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO TỈNH NHÀ.
3.1. Một số nhận định
Ở Việt Nam, khi bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có những đổi mới căn bản về quan điểm, chính sách đối với tôn giáo nhằm phù hợp với tình hình xã hội. Ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị khoá VI ban hành Nghị quyết số 24 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình phát triển mới. Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khoá IX ngày 12/3/2003, Đảng một lần nữa ra Nghị quyết về công tác Tôn giáo. Trong các nghị quyết này, Đảng nhấn mạnh: “…tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào tôn giáo cũng là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Trong hoạt động hành đạo, các chức sắc tôn giáo là người đại diện chăm lo phần hồn các tín đồ; trong hoạt động quản đạo, họ là người điều hành nền hành chính đạo; trong hoạt động truyền đạo, họ là trụ cột để phát triển tín đồ. Không những vậy, họ là người đại diện cho tổ chức tôn giáo ở các cấp, nên thường xuyên có mối quan hệ chặt chẽ với Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội khác của nhân dân. Trong đó, trên một số nội dung quan hệ cụ thể, họ vừa có tư cách pháp nhân đồng thời gắn vớ__________i trách nhiệm pháp lý.
Là Văn Phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh Bình Dương, trung tâm văn hóa, sinh hoạt phật sự của tăng ni và đồng bào Phật tử Tỉnh Bình Dương. Tổ đình chùa Hội Khánh không chỉ là nơi để Tăng, Ni, Phật tử về tu tập và thuyết pháp, chùa còn là nơi sinh hoạt của gia đình Phật tử, nơi tham quan nghiên cứu, học tập của các nhà nghiên cứu, tăng ni, phật tử, học sinh, sinh viên và du khách đến chiêm bái .v.v… Chùa có tổ chức Thọ bát quan trai cho Phật tử hàng tháng, các khóa tu phật thất, khóa tu niệm Phật v.v… Ngoài ra, sinh hoạt ở Tổ đình chùa Hội Khánh hiện nay tổ chức nhiều khóa tu như: “Bách Nhật trì danh”; ‘’Khóa tu niệm Phật”; “Khóa tu Bát Quan trai”; Mục đích của các khóa tu này là tạo điều kiện cho Phật tử học tập theo lối sống của người tu hành, thể hiện hạnh lành của người Phật tử, sinh hoạt thường xuyên hàng tuần vào mỗi sáng chủ nhật, có từ 300 đến 600 Phật tử tham dự.
Đến nay, có trên 95% Tăng, Ni đã tham gia và được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng, phát động phong trào trong Tăng, Ni, Phật tử hưởng ứng tích cực, có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền đánh giá cao, khẳng định Phật giáo Bình Dương là một trong những tôn giáo có đóng góp tích cực nhất đối với địa phương. Trong những năm qua, Phật giáo tỉnh Bình Dương nói chung và Tổ đình chùa Hội Khánh đã thực hiện tốt chính sách về quản lý tôn giáo, góp phần giữ gìn và phát huy những thành quả tốt đẹp của đời sống tôn giáo trong cộng đồng dân cư, đẩy mạnh phong trào sống tốt đời, đẹp đạo… Nhìn chung, việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại Tổ đình chùa Hội Khánh ổn định, đi đầu trong công tác truyền bá, giáo dục Phật giáo của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo truyền thống dân tộc và nghi thức tôn giáo. Nhờ đó, sự huy động tiềm năng và lực lượng của đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng cao hơn và có hiệu quả thiết thực hơn.
3.2. Một số hoạt động xã hội, từ thiện tại Tổ đình chùa Hội Khánh
Nhờ thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, đoàn kết dân tộc, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, đồng bào các tôn giáo, các hoạt động từ thiện xã hội ở Bình Dương nói chung, tại Tổ đình chùa Hội Khánh nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Bình Dương ngày càng giàu đẹp.
Các hoạt động tôn giáo xuất phát ở Tổ đình chùa Hội Khánh không nằm ngoài đường hướng hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, theo phương châm sống tốt đời, đẹp đạo. Đồng bào Phật giáo đã tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình hành động ở địa phương do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động.
Không chỉ hành đạo, Tổ đình chùa Hội Khánh đã xây dựng được thành công mô hình hoạt động thiết thực và hiệu quả trong việc tham gia các phong trào, các cuộc vận động, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là một điển hình. Cộng đồng các tăng ni, phật tử trong đồng bào Phật giáo đã cụ thể hóa bằng phong trào “Xây dựng cảnh chùa tinh tiến, văn hóa”. Các chức sắc, chức việc tín đồ thực hiện phong trào đạt hiệu quả thiết thực.
Sự đóng góp đó không chỉ về vật chất mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nhờ có chính sách quản lý đúng đắn của các cấp, các ngành và các địa phương đã giúp cho các tôn giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định. Phần lớn các vị chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ tôn giáo đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo đó, đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực trong lao động sản xuất, thực hiện nghĩa vụ công dân và tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong rất nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Nổi bật là đồng bào Phật giáo tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, các phong trào từ thiện xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn xã hội…
Không chỉ thành phố Thủ Dầu Một, phong trào từ thiện xã hội ngày càng được các Phật tử chùa Hội Khánh nhân rộng khắp nơi trong tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Các hoạt động từ thiện khác được tổ chức thường xuyên liên tục, nhất là phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Chữ Thập đỏ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo Trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh
3.3.Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Đối với việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể Phật giáo hiện đang là yêu cầu cần thiết và với ý nghĩa đó, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa Phật giáo, các nhà tu hành… cần có sự hợp tác, cùng nhau đánh giá lại thực trạng tình hình quản lý văn hóa Phật giáo dưới các góc độ văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, địa lý… Từ đó đặt ra những nhiệm vụ trong thời gian tới phải làm gì để nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, góp phần chấn hưng nền văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển văn hóa đất nước.
Số lượng Tăng Ni, Phật tử lên đến hàng triệu người không chỉ đòi hỏi ngoài việc nắm vững giáo lý đạo Phật, biết cách hướng dẫn tu tập cho Phật tử mà còn phải được đào tạo bài bản hơn nữa để đủ năng lực làm lành mạnh hóa các sinh hoạt Phật giáo, có tri thức về bảo tồn và các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể Phật giáo. Trong thực tế vẫn hiện tồn hai hiện tượng trái ngược nhau trong cách ứng xử với ngôi chùa thờ Phật. Đó là hiện tượng một số người dân tăng ni, chưa chủ động tham gia bảo vệ di sản Phật giáo, còn trong chờ vào ngân sách Nhà nước và ngược lại một số ngôi chùa được tu sửa do sự hảo tâm của Phật tử, nhân dâ nhưng lại trùng tu quá mức, dẫn đến hiện tượng làm sai lệch, biến dạng và thậm chí vứt bỏ hẳn những yếu tố gốc, yếu tố cơ bản làm nên giá trị ngôi chùa.
Tại chùa Hội Khánh hiện nay còn lưu giữ được nguyên trạng hệ thống tượng thờ, bao gồm ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét (được xây dựng năm 2007) và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật thành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn) có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp.
Tuy đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Không chỉ nổi tiếng về niên đại thành lập, giá trị kiến trúc nghệ thuật. Cho đến nay chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị cao về lịch sử văn hoá, tôn giáo, mỹ thuật, kể cả nhiều tự khí mộc bản (khắc in), kinh sách, liển đối, tài liệu, văn thơ, địa lý, y học cổ. Chùa Hội Khánh còn là một công trình điêu khắc chạm trổ tinh vi, khéo léo từng bộ phận, chi tiết trong nội thất như cột kèo, đầu dư, cửu võng, câu đối,…Về phần nghệ thuật trang trí nội thất, tranh tượng tự khí thờ phượng qua các công trình điêu khắc, chạm trổ qua các hoa văn họa tiết các bộ bao lam, tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung… đều rất công phu, sắc sảo. Đặc biệt phải kể đến bộ bao lam “thập bát La Hán” (được tạo tác vào năm 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước chính điện; các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925).
Tổ đình chùa Hội Khánh còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm; vào năm Ất Dậu (1885) hoà thượng Ấn Long cho khắc bộ tam bản (mộc bản) và đây có thể là bộ mộc bản sớm nhất ở Thủ Dầu Một -Bình Dương. Hiện chùa lưu giữ các bộ kinh A Di đà, Hồng danh, Vu lan, Bát dương, Phổ môn vốn đã được ấn tống cho các chùa trong tỉnh và đây cũng là các bộ kinh sách được khắc in sớm ở Nam Bộ. Sau đó, Hoà thượng Từ Văn tiếp tục thực hiện một số bộ mộc bản in kinh 1930. Ngoài ra, hiện nay chùa còn giữ được đại hồng chung, được đúc vào năm Quí Mùi (1883) do Bổn đạo Dương Văn Lúa hiến cúng.
Những hiện vật lịch sử nêu trên, xét về mặt lịch sử, văn hóa hay tôn giáo đều đóng góp một ý nghĩa không hề nhỏ cho Phật giáo Nam Bộ nói chung, Phật giáo tỉnh Bình Dương nói riêng. Vì vậy, ngoài việc cần được bảo lưu, chăm sóc một cách cẩn thận theo đúng quy trình của việ_______c bảo lưu di sản văn hóa, các hiện vật này còn cần nhận được sự quan tâm đúng mức của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôn giáo cùng các cấp chính quyền, nhằm bảo lưu, giữ gìn và phát huy giá trị di tích.
IV. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ BẢN SẮC, VĂN HÓA, TRUYỀN THỐNG ĐẠO ĐỨC VÀ AN SINH XÃ HỘI
4.1. Đối với các hoạt động tại Tổ đình Hội Khánh
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thì Tổ đình chùa Hội Khánh điều là Trung tâm của Phật giáo tỉnh, hoạt động của Tổ đình chùa Hội Khánh gắn liền với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương. Với nhiệm vụ được giao Hòa thượng Thích Huệ Thông đã vận động các Tăng, Ni, Phật tử trong tỉnh thực hiện tốt tinh thần hòa hợp, đoàn kết các tổ chức hệ phái; thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tăng, Ni, Phật tử trong tỉnh cần tiếp tục tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương do Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể phát động.
Trên tinh thần “Tri hành hợp nhất” toàn thể hành giả an cư đã nỗ lực tịnh tu tam nghiệp, lấy kinh văn làm tôn chỉ hành trì, mượn ý Tổ để nghiêm tầm diệu lý. Ba tháng chuyên tu không phải là dài trong đời sống phạm hạnh, nhưng mỗi hạ đi qua sẽ là một thành quả to lớn góp phần đưa hành giả tiến gần đến bến bờ giải thoát. Nhân các buổi sinh hoạt tại Tổ đình chùa Hội Khánh, các chức sắc cần lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật để Phật tử chấp hành pháp luật, đóng góp tích cực cho các phong trào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Tổ đình chùa Hội Khánh đã đóng góp tích cực cho công tác từ thiện của Giáo hội. Chương trình từ thiện – xã hội là những hoạt động đạo đức mang tính tích cực. Hiện nay, các chương trình từ thiện đang phát triển. Hòa thượng Thích Huệ Thông Trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh đã thường xuyên động viên, nỗ lực vận động Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ tài chính, phẩm vật cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt tàn phá các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… Ngoài ra Tổ đình chùa Hội Khánh còn nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ nhân dân xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, trợ cấp học bổng, các phong trào tình nghĩa khác của các cấp chính quyền phát động, phát huy tinh thần tương thân tương ái thực hiện tốt các hoạt động từ thiện xã hội.
Cần tiếp tục vận động Tăng, Ni, Phật tử thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa ở mỗi cơ sở Tự viện, thực hiện nếp sống văn minh trong quan hệ ứng xử, giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan đô thị, khu phố, ấp, văn minh – sạch – đẹp, hưởng ứng chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Chấp hành tốt chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện trách nhiệm, quyền lợi của công dân, tích cực tham gia hoạt động trong đoàn thể quần chúng, đoàn kết xây dựng đồi sống văn hóa khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong các việc tang ma, cưới giỗ.
Cùng chung tay với chính quyền địa phương quan tâm đến những người nghèo, đối tượng là gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt, người tàn tật, khó khăn, neo đơn, trẻ em mồ côi, cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, vận động Ni, Phật tử hiến máu nhân đạo và nhiều chương trình từ thiện khác…
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức triển khai, học tập và thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cho Tăng, Ni, Phật tử trong tỉnh, động viên, đôn đốc các Tăng, Ni trong tỉnh tham gia dự các lớp bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng- an ninh do Hội đồng giáo dục quốc phòng – an ninh của tỉnh tổ chức.
4.2. Đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Phật giáo nói chung trong đó có di tích Tổ đình chùa Hội Khánh
Trong những năm qua, công tác bảo tồn di tích Phật giáo trên cả nước nói chung và trên các địa phương có nhiều di tích nói riêng đã được quan tâm rất nhiều, từ việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp qui đến củng cố, bổ sung bộ máy, đầu tư ngân sách và tổ chức các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử – văn hóa. Có thể nói, công tác quản lý di tích được cụ thể hoá qua các mặt: một là nghiên cứu, phát hiện tư liệu, xếp hạng di tích; hai là tổ chức bảo vệ; ba là tu sửa, tôn tạo; và bốn là khai thác phát huy tác dụng của di tích.Cho đến nay, vấn đề bảo vệ và trùng tu các di tích ở nước ta đang trên đà phát triển theo một qui chuẩn của quốc gia, đồng nhất từ Trung ương đến địa phương theo một hệ thống văn bản qui phạm pháp luật đã ban hành về công tác bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh. Cùng với việc ban hành pháp luật đó là các đội ngũ quản lý di tích cũng được tăng cường về số lượng cũng như chất lượng. Song, trong thời gian qua, vấn đề bảo vệ các di tích bị xâm lấn và trùng tu các di tích bị xuống cấp vẫn còn nhiều việc đáng phải quan tâm. Nhà nước cần có những chính sách cụ thể không chỉ giữ gìn, tôn tạo những di sản tôn giáo mà còn quảng bá di sản văn hóa tôn giáo ở trong nước và nước ngoài phục vụ cho ngành du lịch ở trong và ngoài nước. Ở một số nước như Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Myanma,… du lịch tôn giáo, tâm linh hằng năm thu về cho ngân sách quốc gia nguồn tài chính đáng kể. Tất nhiên phải gắn du lịch (khai thác) với bảo tồn, giữ gìn và bảo quản di tích. Đối với chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương, cần tiếp tục quán triệt tinh thần của Nghị quyết 24-NQ/TW và Nghị quyết 25-NQ/TW xác định vai trò đạo đức tôn giáo trong tình hình mới. Chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Đảng ta khẳng định: Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tự do không theo tôn giáo của nhân dân; phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáoDi tích tôn giáo trong đó có di tích Phật giáo là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc. Nó là nguồn sử liệu trực tiếp cho ta những thông tin quan trọng về những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nó là bức thông điệp mà ông cha ta đã để lại cho thế hệ mai sau. Trải qua năm tháng chiến tranh, thiên tai đã làm di tích lịch sử – văn hóa ngày càng bị xuống cấp. Cùng với sự phá hoại của chính con người đã làm biết bao di tích bị biến dạng không còn nguyên gốc tích.
Vì vậy, để bảo vệ những giá trị lịch sử – văn hóa, những tri thức văn hóa mà ông cha ta để lại, mỗi chúng ta cần phải ý thức tự giác để bảo vệ nó, cùng với các cơ quan chức năng trùng tu đúng khoa học để sao cho các di tích mãi trường tồn. Với phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, nhiều vị chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ tỉnh Bình Dương nói chung, Tổ đình chùa Hội Khánh nói riêng còn tham gia Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành các đoàn thể, hội quần chúng, các tổ chức từ thiện xã hội, tự nguyện, nhiệt tình đóng góp thiết thực và hiệu quả cho các hoạt động này.
V. ĐỊNH HƯỚNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO BÌNH DƯƠNGTRONG THỜI GIAN TỚI
Từ sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập (7-11-1981), Tăng ni các tỉnh, thành phố trong cả nước không ngừng phấn đấu theo tôn chỉ mới mà Giáo hội đã đề ra để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong một giai đoạn mới. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa sự phát triển của Phật giáo với lợi ích của dân tộc. Với ý thức trách nhiệm đó nên các hoạt động Phật sự ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả hơn.
Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương đã cùng với tăng ni, phật tử luôn gắn bó trong mọi hoạt động xã hội, hoàn thành tốt các phong trào bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn, tham gia các tổ chức chính trị – xã hội. Tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến địa phương. Phật giáo Bình Dương đã luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể trong hệ thống chính trị chung tay xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các phong trào ích nước lợi dân, thực hiện tốt chủ trương, chính sách, Pháp luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội của Phật giáo Bình Dương tiếp tục được phát triển và mở rộng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chăm lo cho người nghèo, tham gia vận động quần chúng cùng tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện khác.
Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự – Trưởng ban Pháp chế Trung ương – Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương và là Trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh cho biết, để đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực các hoạt động an sinh xã hội, Phật giáo Bình Dương luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và giúp đỡ của lãnh đạo, các ngành chức năng tỉnh cũng như của địa phương. Chính sự quan tâm hỗ trợ đó, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp toàn thể tăng ni, tín đồ Phật giáo tỉnh nhà an tâm hành đạo, phụng sự nhân sinh và thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Truyền thống quý báu này sẽ là nền tảng để Phật giáo Bình Dương tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu và trọng trách đem đạo vào đời, thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; thực hiện thật tốt chủ trương, chính sách, Pháp luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Đảng và Nhà nước, góp phần giúp Phật giáo Bình Dương ngày càng ổn định và phát triển để xây dựng Giáo hội vững mạnh trong lòng dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bình Dương danh lam cổ tự, Hội khoa học lịch sử Bình Dương, 2008
- Bước đầu tìm hiểu di sản văn hóa Hán Nôm Bình Dương (2007), Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Dương thực hiện, nhà xuất bản khoa học xã hội.
- Địa chí Bình Dương (2011), Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, nhà xuất bản chính trị Quốc gia.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002), Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, Những ngôi chùa ở Bình Dương, NXB Tôn giáo.
- Nguyễn Hiếu Học (2009), Dấu xưa đất Thủ, NXB Trẻ Tp. HCM.
- Nhiều tác giả (2009), Bình Dương miền đất anh hùng, NXB Trẻ Tp. HCM.
- Phỏng vấn Hòa thượng Thích Huệ Thông, Trưởng Ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh, người phỏng vấn Nguyễn Thị Nghĩa Hương.
- Sơ khảo về Tín ngưỡng (1998), lễ hội dân gian và truyền thống tỉnh Bình Dương, Sở VHTT tỉnh Bình Dương lưu hành nội bộ.
- Thích Hụê Thông (2000), Sơ thảo Phật giáo Bình Dương, NXB Mũi Cà Mau, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương.
- Thượng tọa Thích Huệ Thông (2002), Những ngôi chùa ở Bình Dương quá khứ và hiện tại, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
- Thượng tọa Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, NXB Văn hóa văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
- Luật tín ngưỡng, tôn giáo (ban hành 2016 và có hiệu lực từ tháng 1/2018).
- Nghị định 162/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng,tôn giáo.