Phật giáo Nam tông Kinh tại Bình Dương: Sự hình thành, phát triển và những đóng góp (ĐĐ.TS Thích Minh Tấn)

TẢI FILE PDF
——————

          1. DẪN NHẬP

          Phật giáo Nam tông Kinh được du nhập vào Việt Nam từ sau năm 1930 cho đến nay đã hơn 80 năm hình thành và phát triển. Gia nhập vào ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981, hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh vẫn luôn song hành và sinh hoạt chung trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam suốt 40 năm qua để đem ánh sáng Phật pháp vào cuộc đời. Riêng tại tỉnh Bình Dương (trước đây là tỉnh Sông Bé), Phật giáo Nam tông Kinh được hình thành và đánh dấu sự có mặt tại tỉnh này từ năm 1969. Chùa Thanh Long trở thành ngôi tổ đình đầu tiên của Phật giáo Nam tông Kinh tại Bình Dương. Trong suốt 40 năm qua, 5 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh được hình thành và sinh hoạt trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, đây là một thành tựu chung của toàn hệ thống lãnh đạo Giáo hội các cấp và đặc biệt là của Tăng Ni, cư sĩ Phật giáo Nam tông Kinh tại Bình Dương.

          2. QUÁ TRÌNH PHẬT GIÁO NAM TÔNG KINH DU NHẬP VÀO VIỆT NAM

          Phật giáo Nam tông Kinh được du nhập vào Việt Nam từ đất nước Campuchia, do những vị trí thức người Việt sinh sống tại Campuchia lúc bấy giờ. Vào những năm cuối của thập niên 30, mầm mống hình thành hệ phái Nam tông Kinh dần dần được hình thành. Khi ấy, ba vị trí thức người Việt đầu tiên xuất gia theo Phật giáo Nam tông tại Campuchia là ông Ngô Bảo Hộ (HT. Thiện Luật – 1937), ông Hồ Văn Viên (HT. Huệ Nghiêm – 1938), ông Lê Văn Giảng (HT. Hộ Tông – 1940). Đây là ba vị Tỳ-khưu người Việt đầu tiên có công lao truyền bá Phật giáo Nam tông tại vùng đất Sài Gòn cho người Kinh thời bấy giờ.

          Khi ấy, ông Đốc công Nguyễn Văn Hiểu và Bác sĩ thú y Lê Văn Giảng có cùng chung một tâm nguyện phát triển Phật giáo Nam tông tại Việt Nam. Năm 1938, cả hai ông đến gặp bà Cả, thân mẫu ông Bùi Ngươn Hứa xin mướn khu đất rừng rậm rạp độ 2 mẫu tại Thủ Đức xây chùa nhưng bà Cả xin hiến cúng với danh nghĩa bán 1 đồng tiền. Ngày Rằm tháng 10 năm 1938, lễ an vị Phật được tổ chức tại chùa Bửu Quang (Ratanaraṅsyārāma) như là một mốc lịch sử đánh dấu ngày thành lập chùa, ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Nam tông Kinh do Tỳ-khưu Thiện Luật trụ trì đầu tiên từ năm 1939. Ngày nay, chùa Bửu Quang trở thành ngôi Tổ đình của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh. Chính cột mốc năm 1939 đánh dấu sự hiện diện của Phật giáo Nam tông Kinh trên đất nước Việt Nam này.

          3. GIÁO NAM TÔNG KINH PHÁT TRIỂN TẠI BÌNH DƯƠNG

          Năm 1969, HT. Thiện Căn – Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam (GHTGNTVN) muốn đẩy mạnh chiến dịch lan rộng Phật giáo Nam tông trong khắp các tỉnh thành; Hòa thượng phát tâm trở về quê hương của mình, tỉnh Bình Dương (sau năm 1975 là tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước), kiến tạo một ngôi tự viện, hoằng dương chánh pháp theo truyền thống Theravāda (Nam tông, Nam truyền). Thế là năm 1969, tỉnh Sông Bé có thêm một ngôi chùa của Phật giáo Nam tông, đó là chùa Thanh Long, trở thành ngôi Tổ đình Phật giáo Nam tông Kinh ở tỉnh Bình Dương. Từ Tổ đình chùa Thanh Long, ở đây, lần lượt có thêm 7 ngôi chùa thuộc Phật giáo Nam tông nữa, đó là Kim Quang, Phước Minh, Hội Quang, Giác Hoàng, Tam Bảo Thiền Đường, Tứ Phương Tăng, Thanh Phước. Theo đà phát triển của đất nước Việt Nam, ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh Sông Bé tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Lúc đó, Phật giáo thành lập hai Ban Trị sự GHPGVN để quản lý và điều hành Tăng Ni tu học theo nội quy Ban tăng sự Trung ương và phù hợp với pháp luật của nhà nước. Thế nên tỉnh Bình Dương hiện nay có 5 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh (Chùa Thanh Long, Chùa Kim Quang, Thiền Viện Phước Minh, Chùa Hội Quang, và Chùa Giác Hoàng) trong tổng số 208 ngôi chùa Phật giáo ở tỉnh Bình Dương; tỉnh Bình Phước có 3 ngôi chùa Nam Tông Kinh (Tam Bảo Thiền Đường, Chùa Tứ Phương Tăng và Chùa Thanh Phước). Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của 5 ngôi chùa tại Bình Dương như sau:

          3.1. Chùa Thanh Long

          Chùa Thanh Long thành lập năm 1969 với diện tích 8216m2. Người sáng lập là Ht. Thích Thiện Căn – Nguyên Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam. Xưa kia, chùa tọa lạc trên một quả đồi trồng điều. Nay, chùa có địa chỉ là 42 đường Ngô Gia Tự, P.Chánh Nghĩa, Tp Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là ngôi chùa duy nhất của tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương.

          Ngày 27/3/1998, HT. Thích Thiện Căn viên tịch. Gia đình Hòa thượng thỉnh ĐĐ. Minh Tịnh về quản lý chùa được hơn 5 năm thì không quản lý tiếp nữa. Ngày 26/12/2006, GHPGVN tỉnh Bình Dương có công văn số 115/CV-BTS, chấp thuận TT. Bửu Chánh được quyền hướng dẫn điều hành phật sự tại chùa Thanh Long cho đến khi thường trực tỉnh hội Phật giáo chính thức bổ nhiệm trụ trì.

          Ngày 29/12/2012, bà Trần Lệ Hoa, con gái thứ 10 của HT. Thiện Căn cung thỉnh ĐĐ. Thiện Minh về chùa Thanh Long để quản lý điều hành Phật sự tại bổn tự. Ngày 11/1/2013, GHPGVN tỉnh Bình Dương ban hành công văn số 018/CV-BTS Thường trực tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương chấp thuận cho ĐĐ. Thiện Minh hướng dẫn Phật tử tu hành đúng chánh pháp theo truyền thống PGNT và điều hành các sinh hoạt Phật sự theo nội dung thư mời của TT. Bửu Chánh cho đến khi tỉnh hội có quyết định bổ nhiệm trụ trì. Ngày 18/2/2013, TT. Bửu Chánh ủy quyền ĐĐ. Thiện Minh được toàn quyền sinh hoạt và điều hành Phật sự tại chùa Thanh Long. Đến năm 2018, TT. Thiện Minh viên tịch, công việc điều hành Phật sự tại bổn tự được bàn giao lại cho HT. Bửu Chánh cho đến hiện tại. Vào năm 2019, GHPGVN tỉnh Bình Dương quyết định bổ nhiệm trụ trì HT. Thích Bửu Chánh làm trụ trì để hướng dẫn tăng, ni và phật tử tu tập đúng theo nội dung ban Tăng sự Trung ương, đúng hiến chương của GHPGVN.

          3.2. Chùa Kim Quang

          Chùa Kim Quang – ngôi cổ tự hơn 100 năm tuổi tọa lạc ở 38/13/54 đường Trường Học, KP Đông Tân, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương. Kim Quang tự ngày xưa chỉ là ngôi chùa làng, căn cứ cách mạng của quý cụ ngày xưa, chính thức sinh hoạt theo Phật giáo Nam tông Kinh vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ XX.

          Nơi đây đã trải qua 3 đời trụ trì. Vị tổ khai sơn là thầy Sáu. Không còn ai biết chính xác thầy Sáu bắt đầu tu tập ở đây từ lúc nào. Chỉ biết rằng ngày đó đất đai hoang vắng, nơi đây vườn tiêu bạt ngàn rậm rạp. Lúc này diện tích chùa chỉ 400m2 và chùa vẫn chưa có tên. Những năm đầu thập niên 40, sau khi thầy Sáu viên tịch. Kế tục thầy, quản tự là thầy Thích Từ Thiện (Thế danh Trần Văn Còn, 1910-1979). Thầy Thích Từ Thiện trụ trì chùa được một vài năm thì chánh quyền Pháp yêu cầu thầy Từ Thiện phải đăng ký với chánh quyền Pháp để hợp danh cho cổ tự trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh hợp pháp. Thầy Từ Thiện lên làm việc với người Pháp nhưng diện tích đất chùa lúc này chỉ được 400m2. Người Pháp trả lời rằng diện tích như vậy không đủ tiêu chuẩn để lập chùa. Yêu cầu diện tích tối thiểu phải đạt 800m2. Trước yêu cầu của chánh quyền Pháp, một số người dân đã hiến thêm cho chùa để đủ được 800m2. Do đó, chùa đã được công chứng hợp lệ, nhận được sổ đỏ và được chứng nhận là đất thuộc sở hữu tôn giáo và được phép sinh hoạt tôn giáo. Lúc này, thầy Từ Thiện cũng bắt đầu cho sửa chữa và tôn tạo lại chùa. Tuy vẫn giữ lại kết cấu các cột gỗ trong chánh điện nhưng đã chuyển từ mái lá, liếp tranh sang mái ngói, tường gạch. Hoàn thành vào năm 1944.

          Năm 1979, thầy Từ Thiện viên tịch, hưởng thọ 69 tuổi. Chùa rơi vào khủng hoảng vì lúc bấy giờ không có ai đủ tiêu chuẩn tiếp nối việc quản chùa. Một số bên liên quan có gợi ý hủy bỏ danh nghĩa tôn giáo và chuyển lại mục đích – “cải tự vi gia” (chuyển chùa thành nhà). Tuy nhiên, gợi ý này đã không được đồng thuận.

          Năm 1992, chùa được 3 vị tỳ khưu: TK. Tâm Pháp (sư huynh), TK. Tuệ Pháp (sư đệ) và TK. Tịnh Pháp (sư út) tiếp quản và tiến hành kết giới Sīmā theo đúng giới luật truyền thống Phật Giáo Nam tông. TK. Tịnh Pháp là trụ trì. Cả 3 vị đều là đệ tử của thiền sư Pháp Minh (1918-1993). Sư huynh Tâm Pháp viên tịch, hiện tại chỉ còn hai vị Sư đệ lưu trú tại chùa.

          3.3. Thiền viện Phước Minh

          Chùa Phước Minh thành lập năm 1981 do cố Ht. Pháp Minh và Tt. Nhất Tâm chủ trương thực hiện. Về phía cư sĩ có acha Nguyễn Ngọc Minh và cố Tu nữ Diệu Nguyện, thế danh Phạm Thị Xuân cúng dường đất và tịnh tài xây dựng. Chùa có diện tích 825.4 m2. Chùa hiện nay tọa lạc tại địa chỉ 559, đường Trần Đại Nghĩa, Quốc Lộ 1K, khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

          Do Thiền viện Phước Minh thiếu nhân sự quản lý nên có một thời gian khá dài không có sinh hoạt với GHPGVN tỉnh Bình Dương. Nay, ĐĐ. Thiện Minh tiến hành thủ tục và liên hệ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương để đăng ký Thiền viện Phước Minh sinh hoạt hợp pháp với GHPGVN tỉnh Bình Dương. Sau khi TT. Thiện Minh viên tịch tháng 7 năm 2018, công việc điều hành Phật sự tại thiền viện được bàn giao lại cho ĐĐ. Thiện Sáng quản lý.

          3.4. Chùa Hội Quang

          Chùa Hội Quang là ngôi chùa thứ tư của PGNT tỉnh Bình Dương, là ngôi chùa duy nhất của huyện Bến Cát nay tách tỉnh gọi là huyện Bàu Bàng. Chùa được thành lập năm 1995, ĐĐ. Trung Thiện là người có công sáng lập và trụ trì từ lúc thành lập cho đến tận ngày hôm nay.

          Năm 1995, ĐĐ. Trung Thiện đến vùng đất huyện Bến Cát để mua một khu đất gần 8000 m2 với tác ý xây dựng một ngôi chùa Phật giáo ở vùng sâu vùng xa để hoằng dương chánh pháp đem lại lợi lạc cho chúng sanh.

          Năm 2010, căn cứ theo giấy quyết định bổ nhiệm trụ trì của Ủy ban tỉnh Bình Dương, GHPGVN tỉnh Bình Dương có quyết định bổ nhiệm trụ trì cho ĐĐ. Trung Thiện trụ trì chùa Hội Quang để hướng dẫn tăng, ni và phật tử tu tập đúng theo nội dung ban Tăng sự Trung ương, đúng hiến chương của GHPGVN.

          3.5. Chùa Giác Hoàng

          Chùa Giác Hoàng,Khu phố 3, đường số 9, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, được thành lập năm 2014 do Thiền sư Phước Nhân làm viện chủ và ĐĐ. Thiện Minh làm trụ trì. Năm 2016, GHPGVN tỉnh Bình Dương theo công văn số 188/QĐ-BTS quyết định bổ nhiệm ĐĐ. Thích Thiện Minh, thế danh Nguyễn Văn Sáu làm trụ trì chùa Giác Hoàng. Sau đó, đến năm 2018, TT. Thiện Minh viên tịch thì ĐĐ. Minh Tấn tiếp quản và điều hành công tác Phật sự tại đây.

          5 ngôi chùa ở tỉnh Bình Dương là một con số quá ít so với 195 ngôi chùa của toàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của các ngôi chùa tại tỉnh Bình Dương ngày nay đã góp phần trong sự nghiệp đem ánh sáng Phật pháp đến với thế gian “vì hạnh phúc và an lạc cho sống đông, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và nhân loại”.

          4. KẾT LUẬN

          Có thể nói, Phật giáo Nam tông đang trở thành một thực thể hòa điệu nhịp nhàng với phật giáo Bình Dương. Trong quá trình phát triển của mình tại GHPGVN tỉnh Bình Dương. Phật giáo Nam tông tại Bình Dương đã có sự đổi mới, linh hoạt, đa dạng trong sinh hoạt tôn giáo, các nghi lễ phù hợp với thời đại như kết hợp từ thiện, thiện nguyện trong các khóa tu, trong các buổi thiền định, sám hối….

          Với tinh thần hòa hợp Tăng-già, sự đoàn kết dân tộc, Phật giáo Nam tông kinh đã có những đóng góp chung cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lúc thành lập cho đến ngày nay. Với tinh thần “tốt đạo đẹp đời” và châm ngôn “Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa” chư Tăng, Tu nữ và tín đồ Phật giáo Nam tông Kinh luôn song hành cùng với các thời kỳ của dân tộc để cùng nhau hoằng dương Chánh pháp, đem ánh sáng Phật pháp vào cuộc đời để xây dựng nên một đất nước giàu mạnh vật chất, vững mạnh tinh thần. Từ đó, để giúp cho mỗi người, mỗi nhà, mỗi chúng sanh thấm nhuần giáo lý của bậc Giác ngộ từ chính cuộc đời này, ngõ hầu đem đến sự an lạc hiện tiền và an lạc về sau.

 

 

 

_Chú thích:

111 UVDK. HĐTS GHPGVN; UVDK. BTS. GHPGVN tỉnh Bình Dương