Đặc tính Giáo dục Phật giáo Bình Dương (ĐĐ. Thích Trung Huệ)

TẢI FILE PDF
——————

          1. Khái Quát

          Trong đời sống xã hội, giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc, và cá nhân ở mọi thời đại. Giáo dục vừa là nhân tố để phát triển đất nước vừa góp phần xây dựng đạo đức cá nhân như như Bác Hồ đã từng nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền/ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên. Phật giáo chủ trương Văn – Tư – Tu và Duy tuệ thị nghiệp thì cũng là một cách nói đề cao vai trò của giáo dục trong quá trình tu học vậy.

          Giáo dục có nhiều mục đích khác thùy theo thời đại và chế độ xã hội khác nhau. Đối với Phật giáo thì mục tiêu tối hậu của giáo dục chính là đưa con người đến giác ngộ và giải thoát, bên cạnh những phẩm chất tinh thần và tâm linh khác. Giác ngộ và giải thoát là sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam mà mỗi hành giả Phật giáo không được xa rời trên con đường tu học. Bởi vì xa rời mục tiêu này thì Phật giáo không còn là Phật giáo và người tu không còn là người tu đúng nghĩa nữa. Tất cả hàng hệ tử Phật đều phải thấm nhuần tư tưởng này.

          Nói riêng về Ban giáo dục Phật giáo, với tính chất và vai trò đặt thù về giáo dụccủa mình, Ban giáo dục Phật giáo cần có sự định hướng mục tiêu cho tăng ni ngay trên ghế nhà trường, thông qua chương trình giảng dạy ở các trường Phật học. Các trường Phật học cần chú trọng vào những môn học nào có nội dung hướng người học đến mục tiêu tối hậu của Phật Pháp. Tất nhiên, ở mỗi cấp độ Phật học sẽ có những môn học thích hợp với trình độ của các tăng – ni sinh.

          Ban giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương thành lập cho đến nay đã được 40 năm. Trong suốt quá trình đó hình thành và phát triển đó, chư tôn đức lãnh đạo và tăng – ni trong cả tỉnh nói chung và trong Ban giáo dục nói riêng luôn trung thành với mục tiêu tối thượng nói trên của Phật Pháp, tức là giác ngộ và giải thoát cũng như những giá trị tinh thần và tâm linh khác. Điều này được thể hiện qua đời sống và sinh hoạt của Giáo hội và mỗi cá nhân tăng – ni. Nó cũng được thể hiện rõ ràng và cụ thể qua chương trình giảng dạy ở các khóa Trung cấp Phật học của tỉnh nhà. Trường Trung cấp Phật học Bình Dương đã trải qua 6 khóa và đã đào tạo được nhiều thế hệ tăng ni có phẩm chất tốt và lý tưởng tu học rõ ràng, phù hợp với mục tiêu chân chính của Phật Pháp.

          Để đạt được giác ngộ và giải thoát thì hành giả cần phải có những yếu tố, phẩm chất tương ứng cũng như phải trải qua thời gian lâu xa hành Bồ tát đạo. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi xin mạo muội nêu ra một số đặc tính mà Ban giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương luôn trung thành và phấn đấu thực hiện trong suốt thời gian qua. Những phẩm chất đó là: Có lý tưởng đúng, có oai nghi, có phương pháp để tự tu tập, có đạo hạnh, Tri ân và báo ân.

          2. Những Đặc Tính Của Giáo Dục Phật Giáo Tỉnh Bình Dương

          2.1. Có lý tưởng đúng

          Lý tưởng đúng là lý tưởng phù hợp với Phật Pháp, với con đường của người xuất gia. Ai sống cũng có mục tiêu, có lý tưởng của cuộc đời mình. Mỗi người đều có lý tưởng riêng, không ai giống ai.

          Đối với người thế gian bình thường thì cuộc sống lý tưởng là cuộc sống có được đầy đủ tiện nghi vật chất như nhà cửa, đất đai, tiền bạc, địa vị, danh vọng, vợ con v.v… Nhưng lý tưởng của người tu thì cao hơn, vượt lên trên các giá trị ấy. Lý tưởng của người tu là các giá trị tâm linh, như chính bản thân đức Phật đã thể hiện, tức là từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tu và giác ngộ thành một vị Phật. Tự giác giác tha giác hạnh viên mãn chính lý tưởng chân chính của người tu vậy.

          Lý tưởng thể hiện giá trị của con người. Chính vì người tu có lý tưởng cao thượng như thế cho nên mới được mọi người trong xã hội tôn kính vậy.

          2.2. Có Oai Nghi

          Người xuất gia là người đại diện cho hình ảnh thoát tục, cao quý, cho nên cần phải có oai nghi tế hạnh cho thật trang nghiêm, đứng đắn, mẫu mực. Ngoài ra, nếu một tu sĩ mà có hành vi không đẹp, thái độ không tốt thì sẽ gây mất thiện cảm, mất tín tâm của người khác đối với Tăng đoàn. Chính vì lẽ đó, việc học tập và thực hiện oai nghi là vô cùng quan trọng. Oai nghi được thể hiện ở những hình thức bên ngoài như đi, đứng, nằm, ngồi, cử chi, ăn mặc, ngôn từ và thái độ trong giao tiếp. Tất cả đều nên thể hiện sự trang nghiêm, chuẩn mực, khiêm cung và lễ độ. Người tu không thể ăn mặc xốc xếch, không thể gặp người lớn hơn mà không chào, không thể nói chuyện chửi thề, không thể “bất kính thượng trung hạ tọa”.

          Người có oai nghi thì chẳng những tự thân mình được trang nghiêm mà còn làmcho người khác cảm mến và kính trọng. Cho nên trong Sa Di Sớ có chép rằng: “Có uy đáng sợ, có nghi đáng kính, trong chứa cái đức uy hùng như sư tử, ngoài bày cái dáng chững chạc như tượng vương” vậy.

          2.3. Có Phương Pháp Để Có Thể Tự Tu Tập

          Phương pháp tu tập là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người tu. Phương pháp đúng thì thực hành có kết quả đúng, phương pháp sai sẽ dẫn đến kết quả sai. Vai trò của giáo dục nói chung và giáo dục trong các trường Phật học nói riêng là làm sao để cung cấp cho tăng – ni những phương pháp tu học đúng. Quan trọng hơn nữa là làm sao để cho mỗi người tu đều có một phương pháp tu tập của riêng mình để mình có thể tự thực hành suốt đời vậy.

          2.4. Có Đạo Hạnh

          Đạo hạnh còn là những phẩm chất và tư cách tốt đẹp của con người. Đối vớingười tu, đạo hạnh không chỉ là những phép tắc đạo đức hay lễ nghi thông thường màđó còn là những phẩm chất nội tâm sâu xa do tu dưỡng mà hình thành. Nếu như oai nghi là sự thể hiện vẻ trang nghiêm và đẹp đẽ bên ngoài thì đạo hạnh là phẩm chất cao thượng bên trong của con người. Người tu cần rèn luyện cho mình những phẩm chất như như là từ bi hỷ xả, nhẫn nhục, tàm quý, thiểu dục tri túc, lễ độ, khiêm cung, bao dung, độ lượng, v.v…

          2.5. Tri Ân Và Báo Ân

          Tri ân và báo ân là đặt tính cao đẹp của con người, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Trong kinh Đức Phật cũng dạy rằng có 2 hạng người khó thấy trên đời, đó là người biết ơn và người báo ơn vậy. Đối với người tu thì có 4 ơn cơ bản, đó là ơn Tam bảo, ơn thầy tổ, ơn đất nước và ơn đàn na thí chủ.

          3. Kết Luận

          Trên đây là những đặt tính trong giáo dục Phật giáo Bình Dương. Chương trình giảng dạy ở Trường trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương qua các khóa đều thể hiện được những đặt tính nêu trên thông qua các môn học. Có những môn dạy về kiến thức cơ bản như lịch sử Phật giáo, lịch sử tỉnh Bình Dương, Phật học giáo khóa thư, Phật học danh số; có những môn đi sâu vào sự thực tập như Tỳ ni nhật dụng thiết yếu, Thiền Tịnh Mật. Đặc biệt là ở khóa 5 vừa rồi, nhà trường đã yêu cầu tăng ni sinh làm tiểu luận ra trường với đề tài về công ơn thầy tổ như là một cách giáo dục Tăng Ni sinh về tinh thần tri ân và báo ân. Điều đáng quý mà chúng tôi thấy được chính là các tăng ni sinh đã phần nào thấm nhuần những đặt tính được giáo dục trên. Nó được thể hiện qua đời sống tu học của các em sau khi ra trường. Nhiều tăng ni sinh sau khi ra trường nhiều năm vẫn nhớ đến các giáo thọ sư và thỉnh thoảng ghé thăm. Đây là điều rất đáng quý vậy.