Định hướng phát triển Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới (Ban Giáo dục Phật giáo)

TẢI FILE PDF
—————–

          Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương kể từ khi thành lập đến nay đã tròn 40 năm (1983 – 2023), đây là tổ chức Giáo Hội Phật Giáo duy nhất đại diện và kế thừa cho Phật Giáo Tỉnh Bình Dương. Trong suốt thời gian tồn tại và phát triển, GHPGVN Tỉnh Bình Dương đã kế thừa di sản Phật giáo Việt Nam hơn 2000 năm và từng bước hình thành được vị thế và tầm vóc của mình.

          Từ ngày thành lập GHPGVN Tỉnh Bình Dương cho đến nay, bên cạnh những thành tưu về Tăng Sự, Văn Hóa, Từ thiện…phải kể đến những thành tựu về công tác Giáo dục Phật giáo của Tỉnh nhà, mà cụ thể là công tác đào tạo Tăng Ni có đức và tài để phục vụ Giáo hội. Từ khi Trường Cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé được khởi công xây dựng vào ngày 27 tháng 04 năm 1995 trong khuôn viên chùa Hội Khánh và chính thức khai giảng vào ngày 23 tháng 09 năm 1995 do Thượng tọa Thích Minh Thiện làm Hiệu trưởng và Thượng tọa Thích Huệ Thông làm Phó Hiệu trưởng Học vụ. Đến ngày 03 tháng 07 năm 2010, Trường Cơ bản Phật học Tỉnh Sông Bé được Trung Ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đổi tên thành Trường Trung cấp Phật học Bình Dương. Sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động, đến khi Hoà thượng Thích Huệ Thông đã xây dựng hoàn thành trung tâm Văn hoá Phật Nhập Niết-bàn để làm cơ sở cho trường. Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương đến nay đã trải qua 06 khoá đào tạo, trên 700 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp, các Tăng Ni sinh tốt nghiệp từ Trường TCPH Bình Dương có nhiều vị đến nay đã là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, nhiều vị đã có đóng góp vào công tác Phật sự ở các ngành các cấp Giáo hội112. Cho đến nay, Trường Trung Cấp Phật Học Tỉnh Bình Dương là thu hút Tăng Ni sinh từ trong và ngoài tỉnh đến học tập.

          Tuy nhiên, công tác giáo dục của GHPGVN tỉnh Bình Dương vẫn chưa thực sự hoàn hảo, chúng ta vẫn đang liên tục ở trong quá trình hoàn thiện từ phương diện cá nhân cho đến tổ chức. Do vậy, nhân dịp Kỷ Niệm 40 năm ngày thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, chúng ta có dịp nhìn nhận lại một cách khách quan những ưu điểm để phát huy, những khuyết điểm để khắc phục, tránh việc sa đà, tự mãn. GHPGVN tỉnh Bình Dương cần có những thay đổi và bổ sung để phát triển tốt hơn nữa, nhất là trong thời đại giao lưu văn hóa toàn cầu. Về ưu điểm và các thành tựu của Tỉnh hội, thì vừa qua “Hội Nghị Tổng Kết Công Tác Phật Sự Năm 2022” đã nêu rõ. Nên nơi đây, người viết chỉ chú trọng đến những khuyết điểm còn tồn tại trong công tác giáo dục và đào tạo Tăng Ni của Tỉnh nhà, với những kiến nghị về sự thay đổi khả quan hơn.

          Nhắc đến Giáo dục là nói đến việc đào tạo con người. Các nước trên thế giới đã và đang phát triển về nhiều mặt trong đó có thể kể đến: kinh tế, chính trị, văn hoá…điều kiện tiên quyết vẫn là yếu tố giáo dục. Đạo Phật xem như một con đường hoàn thiện đạo đức. Toàn bộ con đường này bao gồm từng bước thanh lọc đạo đức. Mục đích của đạo Phật là thay đổi tư duy nhận thức và tư cách đạo đức, kết quả của sự thay đổi này là con người có thể khắc phục được những nỗi khổ đau đang hiện hữu và hóa giải những nỗi khổ đau của người khác. Mục đích của đạo Phật là thay đổi nhận thức hành vi của con người từ xấu thành tốt. Đạo Phật ảnh hưởng đến xã hội hiện đại chính là sự cống hiến một nền triết lý Trung đạo, là từ bỏ hai cực đoan tham đắm những vật chất của thế giới và khổ hạnh ép xác theo truyền thống tôn giáo. Đối với Giáo dục Phật giáo việc đào tạo Tăng Ni không phải để có kiến thức làm nên của cải vật chất, mà làm nên con người đạo đức mẫu mực, có trí tuệ vượt qua sự cám dỗ của danh vọng, địa vị tầm thường của xã hội; và đích đến cuối cùng của giáo dục Phật giáo là sự Giác ngộ.

          Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại, giáo dục phật giáo có những vai trò sau:

         – Đáp ứng nhu cầu hành chính về bằng cấp;

         – Truyền trao kiến thức Phật học căn bản;

         – Rèn luyện nếp sống đạo đức của người xuất gia.

          Vai trò hành chính về bằng cấp không phải là vai trò chính trong công tác giáo dục và đào tạo Tăng Ni. Hai vai trò lớn: kiến thức Phật học và đạo đức của người xuất gia là vai trò là trọng tâm của giáo dục Phật giáo.

          Tỉnh hội Phật giáo Bình dương ngày nay, song hành với đà phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từng bước ổn định đi vào nề nếp, cơ quan hành chánh của Giáo hội tỉnh được kiện toàn vững mạnh từ cấp tỉnh cho đến huyện, thị xã. Với những thành tựu như thế thật đáng vui mừng, nhưng về tương lai lâu dài thì cần phải có quyết sách và định hướng rõ ràng để duy trì và phát triển công lao của người tiền bối.

          Để đóng góp một số ý cho công tác Giáo dục Phật giáo của Tỉnh nhà trong tương lai, xin được trình bày một số ý kiến như sau:

          Giáo trình: Mặc dù đã có giáo trình của Ban giáo dục Tăng Ni Trung Ương nhưng việc đem vào giảng dạy còn mang tính riêng lẻ, chưa mang đồng bộ nên chưa đem lại hiệu quả cao. Vì hiện nay, Tam tạng Thánh điển Phật giáo có rất nhiều người dịch, nhiều người viết nên có nhiều tư tưởng khác nhau cần phải có sự nghiên cứu trước khi đưa vào giảng dạy để Tăng Ni trẻ có khả năng minh định đâu là tư tưởng chính thống và đâu là tư tưởng do người sau thêm vào. Có như vậy, mới hi vọng việc truyền bá tư tương của Tăng Ni thế hệ sau là đúng chánh pháp.

          Giảng viên: cần có đào tạo sư phạm chuyên môn một cách bài bản, thông qua các lần sát hạch, cấp bằng sư phạm để về đứng lớp tại tỉnh nhà cũng như có thể tham gia giảng dạy các trường trên cả nước.

          Khen thưởng và kỷ luật: Trường chưa có chế tài nghiêm và những yếu tố khích lệ khác, chẳng hạn như cấp học bổng hằng tháng cho học sinh khá giỏi để có động lực cho Tăng Ni sinh phấn đấu trong học tập.

          Kinh phí: Kinh phí đầu tư cho công tác giáo dục của Phật giáo tỉnh nhà chúng ta dường như không ai nhắc đến. Ban giám hiệu tự vận động cân đối chi phí để tồn tại, không có các khoảng ưu tiên nào khác từ nguồn của Ban trị sự. Giảng viên đứng lớp chủ yếu xuất phát từ tâm nguyện “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

          Mô hình giáo dục: giáo dục Sơ cấp, Trung cấp và cử nhân đòi hỏi thời gian khá dài – 10 năm cho một Tăng Ni Sinh tốt nghiệp cử nhân Phật Học. Vậy có phải là dài quá hay không và còn được bao nhiêu thời gian cho họ tiếp tục theo học thêm những cấp học cao hơn như Thạc sỹ, Tiến Sỹ. Hơn nữa, giữa chương trình Trung cấp, cao đẳng và Cử nhân Phật Học có một số bộ môn trùng lặp nhau, điều này gây cho Tăng Ni sinh cảm giác chồng chéo, nhàm chán, không có hứng thú học tập. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Phật Giáo, tránh tình trạng từ chương, tẻ nhạt, hời hợt cho có người phụ trách, cho đủ giờ, cho có bằng cấp. Trong cách dạy có cách để kích thích sự tìm tòi, học hỏi, phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều tương tác trong lớp học, nhiều chiều, phát triển khả năng tư duy, phân tích và làm việc của Tăng Ni sinh, bồi dưỡng họ để phát triển toàn diện về lâu về dài.

          Học trên lớp chỉ là một phần nhưng họ cần được hướng dẫn phương pháp để học ngoài lớp và học, nghiên cứu làm việc cả cuộc đời. Cần có nhiều tu sỹ hơn nữa học và nắm bắt áp dụng ngành Sư Phạm, Tâm Lý Giáo Dục và hãy chia sẻ kinh nghiệm nâng cấp cho nhau. Hãy tạo không gian và không khí lớp học đầy cởi mở, dân chủ, sáng tạo, trao đổi và bổ sung cho nhau kiến thức thiết thực và mang đến niềm an lạc và trưởng thành từng giờ phút cho Tăng Ni sinh.

          Tóm lại, để nền giáo dục phật giáo tỉnh nhà ngày càng phát triển, cần có những cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm quản lý giữa các trường Phật học với nhau. Trong khuôn khổ cho phép, không thể trình bày hết mọi vấn đề cần thiết cho tương lai của nghành giáo dục Phật giáo tỉnh nhà, người viết chỉ mong làm sao tất cả những các ban ngành trực thuộc Tỉnh hội đều đồng lòng quan tâm ngành Giáo dục, để tương lai nghành giáo dục và đào tạo Tăng Ni ngày càng phát triển đáp ứng với sự phát triển của thời đại. Chúng tôi, những người trực thuộc Ban giáo dục Phật giáo Tỉnh nhà, chỉ mong sao chúng ta phấn đấu để văn bằng tốt nghiệp của Tăng Ni có giá trị thực của nó, chứ không phải chỉ là văn bản đáp ứng nhu cầu hành chính. Để những Tăng Ni ra trường thực sự có đủ Tài – Đức cống hiến được nhiều hơn cho Đạo pháp và Dân tộc.

 

 

 

_Chú thích:

 112 Văn phòng BTSPG Bình Dương (2023), Sự nghiệp giáo dục. Truy xuất từ: https://phatgiaobinhduong.com/su-nghiep-giao-duc/.