Nêu cao tinh thần Hộ quốc – An dân, Phật giáo đã du nhập và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong suốt những thăng trầm mấy nghìn năm lịch sử qua. Kế thừa trọn vẹn những giá trị truyền thống ấy, từ khi thành lập đến nay, chặng đường hơn 40 năm Phật giáo Việt Nam, dưới ngọn cờ lãnh đạo của GHPGVN đã minh chứng cho sức ảnh hưởng, những đóng góp tích cực, và trách nhiệm xã hội của Phật giáo trong tiến trình phát triển và đồng hành cùng dân tộc. Hòa hợp và thống nhất từ trung ương đến địa phương, GHPGVN các cấp đã trở thành bộ phận nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Tỉnh Hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, đại diện GHPGVN huyện Dầu Tiếng, chúng tôi xin đóng góp bài tham luận với đề tài: “Phật giáo Huyện Dầu Tiếng: Từ Góc Nhìn Lịch Sử Dân Tộc, Văn Hóa Và Đạo Pháp”.
Gần 30 năm tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Sông Bé (1997), từ một tỉnh nghèo với kinh tế chính là nông nghiệp, Bình Dương vươn lên thành một trung tâm công nghiệp của cả nước. Bên cạnh những bước nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế, Bình Dương vẫn giữ được những giá trị văn hóa đậm chất Nam Bộ. Phật giáo Bình Dương dưới sự lãnh đạo của GHPGVN, với 9 BTS từ 9 đơn vị hành chính đã phát huy những giá trị nhân văn, từ bi và bác ái. Trong đó, vùng đất Dầu Tiếng ngày nay cũng đã chứng kiến và ghi dấu lại quá trình vận động của lịch sử của đất và người nơi đây. Trên chặng đường ấy, Phật giáo và GHPGVN huyện Dầu Tiếng luôn đồng hành và tạo nên những giá trị bản sắc và nhân văn, tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa – xã hội của tỉnh nhà và cả nước thêm phong phú, sinh động.
1. Bức tranh toàn cảnh về lịch sử vùng đất Sông Bé – Bình Dương và Phật giáo nơi đây
Là một phần của vùng Sông Bé Bình Dương, Dầu Tiếng ngày nay tuy là một đơn vị hành chính mới; song, nơi đây vẫn mang những dấu ấn lịch sử đặc trưng từ quá trình di dân của người Việt vào vùng đất phía Nam. Từ sau năm 1698, với sự thiết lập cơ cấu hành chính của Nguyễn Hữu Cảnh, vùng đất Đàng Trong, mà Đồng Nai, Gia Định là hai khu vực lớn, đón nhận những đoàn di dân từ miền Trung vào Nam khai phá. Dọc theo hai bờ sông Đồng Nai và lan sang các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh ngày nay… Với vị trí thuận lợi có các con sông chảy qua, khu vực Đông Nam Bộ bấy giờ trở thành miền đất hứa cho di dân đến khai khẩn, dựng làng, lập ấp.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, cùng với người dân bản địa, bao thế hệ người Việt trên mọi miền đất nước và một số dân tộc khác đã về đây sinh sống, lao động, sản xuất, nhiều phong tục tập quán được hình thành tạo nên nền văn hóa đa dạng. Trong tiến trình ấy, những người Việt này cũng mang theo đạo Phật, làm hành trang cho mình trên hành trình di dân này. Chính vì vậy, Phật giáo ở xứ Đàng Trong này mang những màu sắc đặc trưng, gắn liền với con người, gắn liền với mảnh đất nơi đây. Điều này góp phần hình thành nên một nền văn hóa đa sắc cho vùng Sông Bé xưa và Bình Dương ngày nay.
Về lịch sử hình thành, tỉnh Sông Bé được thành lập ngày 02 tháng 07 năm 1976 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Bình Dương (chính quyền cách mạng trước ngày giải phóng gọi là tỉnh Thủ Dầu Một) và tỉnh Bình Phước (do chính quyền cách mạng sáp nhập hai tỉnh Bình Long, Phước Long tồn tại trước đó) cùng với 3 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa của huyện Thủ Đức. Trước năm 1975, tỉnh có tên là Bình Thủ (tên do Chính quyền cách mạng gọi), nhưng tên gọi này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Khi mới thành lập, tỉnh Sông Bé có 14 huyện, gồm: Thị xã Thủ Dầu Một, Châu Thành, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, Bù Đăng, Bù Đốp, Chơn Thành, Dầu Tiếng, Đồng Xoài, Hớn Quản, Lái Thiêu, Lộc Ninh, Phú Giáo, Phước Bình; khi đó tỉnh lỵ đặt tại Thị xã Thủ Dầu Một.
Về vị trí địa lý, thời chưa tách tỉnh, phía Bắc tỉnh Sông Bé có biên giới với nước bạn Campuchia, phía Đông Bắc và Đông giáp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng, phía Đông Nam giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam và Tây Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh. Căn cứ theo bảng thống kê diện tích và dân số tỉnh Sông Bé qua các thời kỳ, tính đến năm 1995, diện tích Sông Bé là 8.519,4 km², dân số với khoảng 1.081.700, theo số liệu này thì Sông Bé là tỉnh có diện tích lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ. Theo dòng thời gian, địa lý hành chính tỉnh Sông Bé đã có một số sự thay đổi như sau:
– Năm 1977, căn cứ vào Quyết định 55-CP của Chính Phủ, đã hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Sông Bé, theo đó hợp nhất 03 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành thành huyện Bình Long; hợp nhất ba huyện Bù Đốp, Phước Bình, Bù Đăng thành huyện Phước Long; hợp nhất hai huyện Đồng Xoài và Phú Giáo thành huyện Đồng Phú; sáp nhập huyện Dầu Tiếng vào huyện Bến Cát; sáp nhập bốn xã của huyện Phú Giáo: Bình Mỹ, Tân Bình, Phước Hòa, Tân Hưng và ba xã của huyện Châu Thành: Tân Phước Khánh, Tân Phú Hiệp (nay là các phường Phú Chánh, Vĩnh Tân) và Tân Vĩnh Hiệp vào huyện Tân Uyên; sáp nhập năm xã của huyện Châu Thành: Phú Hòa (nay là phường Phú Hòa và phường Phú Lợi), Phú Mỹ, Định Hòa, Tương Bình Hiệp và Tân An (nay là các phường Tân An và phường Hiệp An) vào Thị xã Thủ Dầu Một; hợp nhất hai huyện Lái Thiêu và Dĩ An thành huyện Thuận An.
– Năm 1978, căn cứ theo Quyết định 34-CP, tái lập huyện Lộc Ninh từ một số xã của hai huyện Bình Long và Phước Long.
– Năm 1988, căn cứ theo Quyết định 112-HĐBT, tái lập huyện Bù Đăng từ một số xã của huyện Phước Long.
– Năm 1996, tỉnh Sông Bé có 09 đơn vị hành chính gồm Thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh lỵ) và 08 huyện là Bến Cát, Bình Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Phước Long, Tân Uyên, Thuận An.
Đặc biệt mốc thời gian đáng nhớ là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết vào ngày 06 tháng 11 năm 1996 và chánh thức công bố quyết định vào ngày 01/01/1997 về việc chia tỉnh Sông Bé, để tái lập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Theo đó, tỉnh Bình Dương gồm Thị xã Thủ Dầu Một và 3 huyện Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An (ngày nay bao gồm 04 Thành phố Thủ Dầu Một, Thành phố Dĩ An, Thành phố Thuận An, Tân Uyên và 01 Thị xã là Bến Cát, và 04 huyện gồm Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, tỉnh lỵ đặt tại Thành phố Thủ Dầu Một. Cũng theo đó, tỉnh Bình Phước mới được thành lập thời bấy giờ gồm có 05 huyện Bình Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Phước Long …
Sau khi chia tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước vào năm 1997, thì tỉnh Bình Dương ngày nay có sự thay đổi đáng kể, trước hết về vị trí địa lý, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc miền Đông Nam Bộ, theo thống kê của Tổng cục Địa Chính vào năm 2008 thì tỉnh Bình Dương có diện tích 2.695,54 km2 và dân số 1.663.411 người. Phía Bắc tỉnh Bình Dương giáp tỉnh Bình Phước, Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh, Đông giáp tỉnh Đồng Nai và Tây giáp tỉnh Tây Ninh.
Trong nhiều năm trở lại đây, Bình Dương được biết đến như một vùng đất mới, với điểm nổi bật là tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (bình quân tăng 14%/năm) và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khá nhanh, theo đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng tương ứng là công nghiệp 63%, dịch vụ 32,6% và nông nghiệp 4,4%… Các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề… đều được chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đã làm cho đời sống của nhân dân nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng được cải thiện, nâng cao rõ rệt.
Trở lại hành trình tiếp biến của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, được du nhập khá sớm, ngay từ buổi dầu khai phá vào cuối thế kỉ XVII, đây là tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất trong tỉnh. Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông (Chùa Hội Khánh) thì chùa núi Châu Thới của Bình Dương thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An là ngôi chùa xưa nhất trong tỉnh, hoà thượng khai sơn là ai chưa rõ, sau đó có thiền sư Thành Nhạc ẩn Sơn đến đây sống tu vào cuối thế kỉ XVII (1681). Ba ngôi chùa có niên đại cao nhất trong tỉnh là: Chùa Núi Châu Thới, Hưng Long và Hội Khánh là minh chứng cho nền móng đầu tiên của Phật giáo vùng Sông Bé – Bình Dương.
Theo dòng phát triển ấy, nhiều ngôi chùa khác cũng lần lượt được xây dựng như chùa Long Thọ (Thủ Dầu Một) được thành lập vào năm 1756; chùa Thiên Tôn (Thuận An) vào năm 1773; chùa Đức Sơn vào năm 1775; chùa An Ninh vào năm 1779; chùa Tân Hưng vào năm 1847…113 là những ngôi chùa cổ còn tồn tại đến ngày nay, đã ra đời trong thế kỉ XVIII và XIX đã cho thấy vị trí quan trọng của Phật giáo trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây.
Đồng trải qua những thăng trầm của đất nước đến đầu thế kỉ XX, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ đất nước, đấu tranh vì chủ quyền và tự do dân tộc.
Vận hành theo vận mệnh đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được hình thành là kết quả tất yếu quan trọng để thống nhất Phật giáo, đưa Phật giáo về một mối, tạo nên sức mạnh đoàn kết, từ năm 1976, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước ở Bình Dương được hình thành, làm cầu nối tiến đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Bình Dương bắt đầu thành lập ban Trị sự Phật giáo tỉnh vào tháng 1/1983. Lúc ấy Bình Dương và tỉnh Bình Phước còn nằm chung trong tỉnh Sông Bé. Buổi đầu nhiệm kì 1 chỉ thành lập được 4 ban Đại diện Phật giáo: Thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát. Qua các nhiệm kì 2 (1987); nhiệm kì 3 (1991) thành lập thêm 4 Ban đại diện ở Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Bình Phú; tiếp sau đó là các nhiệm kì 4 (1994) nhiệm kì 5 ((1997) và nhiệm kì 6 (2002).
Trải qua 40 năm thành lập, từ những đặc thù về cơ cấu tổ chức và sự đa dạng của các hệ phái: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ, Phật giáo Bình Dương sau ngày tách Tỉnh (1996) đã dần ổn định được về cơ cấu nhân sự và định hướng hoạt động. Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh cùng các Ban trị sự cơ sở đã và đang tiếp tục tích cực hoàn thiện và phát triển sứ mệnh hoằng pháp của mình.
Hiện nay Phật giáo Bình Dương ngày càng khẳng định vị thế dân tộc của mình khi kết hợp chặt chẽ với các ban ngành, tạo nên sự ổn định và đưa hoạt động Phật sự được nhịp nhàng thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động tôn giáo và nhân đạo, từ thiện, trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa xã hội cho nhân dân. Trong đó, Phật giáo dưới sự hướng dẫn của GHPGVN huyện Dầu Tiếng đã thể hiện được tinh thần cống hiến, chí nguyện phụng sự lớn lao của mình trong suốt chặng đường vừa qua.
2. Dầu Tiếng – Bức tranh Văn hóa, Lịch sử sinh động
Tìm hiểu sơ lược về lịch sử của đất và người nơi đây, để chúng ta thấy được những biến chuyển thăng trầm đã qua chính là chất xúc tác cho các thế hệ người dân huyện Dầu Tiếng luôn kiên cường, không ngừng phấn đấu đi lên.
Dầu Tiếng ngày nay là một huyện của tỉnh Bình Dương. Về tên gọi, Dầu Tiếng là một địa danh thuần Việt, trong đó có yếu tố “dầu” tức là cây dầu rái (dầu lông), “tiếng” tức là danh tiếng, có tiếng; như vậy, “Dầu Tiếng là vùng đất có cây dầu nổi tiếng”.
Theo tài liệu từ Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, quá trình diễn tiến lịch sử địa lý ấy của vùng đất Dầu Tiếng từ khi những đơn vị hành chính đầu tiên của người Việt được thiết lập ở vùng đất mới phía Nam (1698) cho đến ngày nay đã trải qua nhiều lần biến đổi.
Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu mở mang vùng đất Đồng Nai – Gia định (chính thức từ 1698) cho đến triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn, vùng đất này là huyện Dầu Tiếng xưa có tên là tổng Dương Hòa Hạ, dưới triều Thiệu Trị đổi thành tổng Bình Thạnh Thượng (BTT) đều thuộc tỉnh Gia Định. Đến khi người Pháp xâm chiếm xứ Nam kỳ lục tỉnh, đất Dầu Tiếng được sáp nhập vào tỉnh Thủ Dầu Một. Sau khi trở thành một tổng hay một huyện (quận) của tỉnh Thủ Dầu Một (sau đó là tỉnh Bình Dương, Sông Bé rồi tỉnh Bình Dương tái lập).
Huyện Dầu Tiếng trở thành một tên gọi đơn vị hành chính của tỉnh Sông Bé vào năm 1976. Đây là lần đầu tiên vùng đất này được chính thức gọi là đơn vị hành chính cấp huyện. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Sông Bé được thành lập từ việc sáp nhập hai tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước. Dầu Tiếng là một trong 14 huyện thị trực thuộc tỉnh Sông Bé.
Tiếp đó, huyện Dầu Tiếng được sáp nhập vào huyện Bến Cát (1977) thuộc tỉnh Sông Bé. Ngày 11-3-1977 Hội đồng chính phủ ra quyết định số 55/1977/QĐKD : hai huyện Dầu Tiếng và Bến Cát hợp thành huyện Bến Cát, huyện lỵ ở Bến Cát. Đến ngày 29-8-1994 theo nghị định số 101/1994/QĐ-CP, tại huyện Bến Cát, chuyển xã Định Thành thành thị trấn Dầu Tiếng.
Sau đó, Ngày 6-11-1996, theo nghị quyết của quốc hội khóa IX, tỉnh Sông Bé được chia thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Tháng 1 năm 1997, chuyển 4 xã: Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh và Trừ Văn Thố thuộc huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước về huyện Bến Cát quản lý.
Ngày 23 tháng 7 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 58/1999/NĐ-CP[8]. Theo đó: Điều chỉnh 1.800 ha diện tích tự nhiên và 1.007 nhân khẩu của thị trấn Dầu Tiếng sáp nhập vào xã Định Hiệp. Thành lập xã Định An trên cơ sở 11.570 ha diện tích tự nhiên và 5.377 nhân khẩu của xã Định Hiệp. Tái lập huyện Dầu Tiếng trên cơ sở 72.010 ha diện tích tự nhiên và 82.787 nhân khẩu của huyện Bến Cát. Huyện Dầu Tiếng có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Định An, Định Hiệp, Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh, Long Tân, An Lập, Thanh An, Thanh Tuyền, Long Hòa và thị trấn Dầu Tiếng. Qua nhiều làn chia tách, sát nhập, hiện nay, huyện Dầu Tiếng có 1 thị trấn và 11 xã.
3. Phật giáo huyện Dầu Tiếng đồng hành cùng Đạo pháp, Dân tộc
Phật giáo có mặt tại vùng đất Dầu Tiếng từ rất sớm và trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân nơi đây. Về Ban trị sự GHPGVN nơi đây, từ năm 2000 trở đi, do tình hình thay đổi địa lý hành chính của một số huyện trong tỉnh Bình Dương như đã trình bày ở trên và một số huyện được tách ra như Thuận An – Dĩ An, Bến Cát – Dầu Tiếng, Tân Uyên – Phú Giáo, theo đó các Ban Đại diện Phật giáo huyện thị mới cũng đã được thành lập.
Nhiệm kỳ đầu tiên, Ngày 24 tháng 02 năm 2000, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Dầu Tiếng ra mắt tại chùa Liên Trì, nhân sự có 04 vị:
1. Đại đức Thích Tâm Thanh, Chánh Đại diện
2. Ni sư Thích nữ Thành Liên, Phó Đại diện
3. Sư cô Thích nữ Như Thanh, Thư ký
4. Đại đức Thích Thiện Hòa, Ủy viên Nghi lễ
Nhiệm kì thứ II, Căn cứ Quyết định 85/QĐ.BTS, ngày 10/11/2006 V/v Bổ nhiệm Ban đại diện Phật giáo huyện Dầu Tiếng, với thành phần nhân sự như sau:
1. Thượng tọa Thích Chơn Tâm: Chánh đại diện
2. Ni sư Thích nữ Thành Liên: Phó đại diện
3. Đại đức Thích Thiện Hòa: Phó đại diện
4. Sư cô Thích nữ Như Thanh: Thư ký
5. Đại đức Thích Thiện Minh: Ủy viên
6. Sư cô Thích nữ Cam Liên: Ủy viên
7. Sư cô Thích nữ Quảng Thanh: Ủy viên
8. Đại đức Thích Pháp Hạnh: Ủy viên
– Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Dầu Tiếng nhiệm kỳ IV (2016- 2021) được tổ chức vào ngày 12/4/2016 (mùng 06 tháng 03 năm Bính Thân) tại Văn phòng Tịnh xá Ngọc Thọ, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tân Ban Trị sự gồm 15 vị do Đại đức Thích Thiện Hòa làm Trưởng ban.
– Ngày 09/4/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Dầu Tiếng tổ chức đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2021-2026 tại hội trường Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN huyện – Tịnh xá Ngọc Thọ (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Đại hội đã thống nhất suy cử 13 đại biểu vào Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Dầu Tiếng nhiệm kỳ 2021-2026, Đại đức Thích Tắc An, Trụ trì chùa Thái Sơn – Núi cậu được suy cử làm Trưởng Ban trị sự Phật giáo Việt Nam huyện Dầu Tiếng.
Toàn huyện hiện nay có 55 vị Tăng Ni, 21 cơ sở thờ tự trong đó gồm có 16 chùa và 05 tịnh xá.
Dưới ngọn cờ lãnh đạo của BTS GHPGVN huyện Dầu Tiếng, trong mỗi nhiệm kỳ qua, Phật giáo huyện nhà đã từng bước phát triển, khắc phục những khó khăn, những rào cản khách quan để có những bước tiến nổi bật, thiết thực đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc. Ban trị sự thường xuyên vận động tăng ni, phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn dân cư. Ngoài ra, các tự viện trong Giáo hội Phật giáo huyện còn tổ chức nhiều khóa tu cho thanh thiếu niên Phật tử và các buổi thuyết pháp cho Phật tử. Đặc biệt trong công tác từ thiện xã hội, Ban trị sự cùng với Ban từ thiện phối hợp cùng Chư tôn đức tăng ni trong toàn huyện đã vận động và trao tặng hàng ngàn phần quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, bị bệnh hiểm nghèo, xây dựng nhà tình thương, tổ chức cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, thiên tai.
Trong nhiệm kỳ gần nhất, 2016-2021, Ban trị sự Phật giáo huyện cùng tăng ni, Phật tử huyện Dầu Tiếng đã tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, rõ nét nhất trong giai đoạn khủng hoảng của đại dịch Covid 19 vừa qua. Trong đại dịch, tỉnh Bình Dương là một điểm nóng bệnh dịch, chung tay phòng chống đại dịch COVID-19, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng diễn ra nhiều hoạt động ấm áp tình thương hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, bà con trong khu cách ly tập trung và các khu phong tỏa. BTS GHPGVN huyện đã tổ chức, vận động và trực tiếp hỗ trợ các gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng.
Cũng trong tinh thần chung tay vượt qua đại dịch, Thượng tọa Thích Tắc An – Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Dầu Tiếng, trụ trì chùa Thái Sơn núi Cậu (ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), đã chung tay, góp sức cùng Ủy ban MTTQ và Công an huyện Dầu Tiếng hỗ trợ 1.000 suất quà đến nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh tại địa phương, để họ yên tâm thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng kinh phí 200 triệu đồng. Những con số trên đây, tuy chưa phải là quá vượt trội về giá trị vật chất song chứa đựng nhiều tình cảm của Thượng tọa trưởng ban trị sự, của BTS huyện nhà và của toàn thể quý Phật tử, quý đạo hữu, quý nhà hảo tâm đã góp phần làm đẹp thêm truyền thống tương thân, tương ái, đồng thời là nguồn động viên tinh thần sâu sắc, mỗi người đang đồng tâm, dồn sức, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch toàn cầu.
Bên cạnh những hoạt động Phật sự tích cực, dưới sự hướng dẫn, lảnh đạo của GHPGVN tỉnh và huyện cơ sở, các cơ sở tự viện trên địa bàn huyện không ngừng phát huy vai trò là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân, trong đó, có thể thấy nổi bật là Chùa Hoa Nghiêm là một trong những ngôi chùa hình thành từ rất sớm trên vùng đất Định Thành, Dầu Tiếng xưa. Có mặt từ những ngày đầu khai phá vùng đất này, chùa là nơi để bà con phật tử và nhân dân quanh vùng nương náu, sinh hoạt tín ngưỡng. Trong phong trào kháng chiến, cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Hoa Nghiêm trở thành nơi hoạt động liên lạc bí mật của tổ chức cơ sở Đảng huyện Dầu Tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều Phật tử của chùa tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Hiện nay, chùa vẫn là nơi để phật tử và bà con trong vùng đến lễ Phật, sinh hoạt tâm linh. Ngày 25-11- 2012, UBND tỉnh xếp hạng chùa Hoa Nghiêm là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Đây là một dấu ấn tiêu biểu của Phật giáo huyện nhà trên hành trình làm đẹp cho đạo, tô điểm cho đời.
Trên hành trình tiếp nối ấy, với 40 năm từ khi GHPGVN tỉnh Sông Bé -Bình Dương và hơn 20 năm từ khi Ban Trị sự GHPGVN huyện Dầu Tiếng chính thức ra đời, nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội trên địa bàn huyện Dầu Tiếng luôn nhận được sự chú trọng, nổi bật với các phong trào từ thiện xã hội, chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo, vận động hiến máu tình nguyện…luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực của BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, các cấp lãnh đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể.
Trong nhiệm kì này, với phương châm: Ở đâu có tâm từ bi, yêu thương chia sẻ thì nơi đó có sự bình an và hạnh phúc, hướng các Phật tử đến lối sống tốt đời, đẹp đạo, BTS GHPG Việt Nam huyện Dầu Tiếng đã tích cực vận động các cơ sở tự viện, các tổ chức, cá nhân giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong cộng đồng. Từ đó, các hoạt động đã kết nối được nhiều tấm lòng nhân ái cùng chia sẻ với người khó khăn.
Ngoài thực hiện tốt công tác phật sự, một trong những nội dung mà BTS GHPG Việt Nam huyện Dầu Tiếng tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới đó là tích cực tham gia vào các hoạt động nhân đạo. Đây cũng chính là phương châm sống “Tốt đời – đẹp đạo”, “Đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội” của đạo Phật, góp phần làm cho giá trị nhân đạo lan tỏa, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
4. Lời kết
Hòa cùng Phật giáo cả nước, Phật giáo Bình Dương dưới ngọn cờ lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang không ngừng cống hiến cho sự nghiệp hoằng dương đạo pháp và tích cực xây dựng xã hội văn minh.Là một bộ phận trong khối thống nhất, Ban trị sự GHPGVN huyện Dầu Tiếng đã cho thấy một tinh thần năng động của Phật giáo, không ngừng cầu thị trong đường lối hoạt động, đồng thời vẫn chắt lọc những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống để bảo tồn, làm cơ sở, tiền đề cho mọi hoạt động, tư tưởng.
Trong không khí chào mừng kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương (1983 – 2023), có thể nói đây là một dịp để tất cả chúng ta cùng ôn lại những thăng trầm trên hành trình hoằng dương chánh pháp của Phật giáo tỉnh nhà, trong đó có Ban trị sự GHPGVN huyện Dầu Tiếng – Một đơn vị mới được thành lập. Với đặc thù nhiều lần chia tách, sáp nhập, tái lập như vừa trình bày, đã tạo ra một số thử thách trong quá trình cơ cấu, tổ chức hoạt động; song đây cũng là cơ hội để huyện Dầu Tiếng, cũng như Ban Trị sự GHPGVN huyện nhà không ngừng phấn đấu, không ngừng đổi mới để hội nhập và bắt nhịp cùng sự phát triển chung, đưa Dầu Tiếng từng bước trở thành một điểm đến giàu tiềm năng, sôi động và tiến bộ nhưng vẫn dung hòa, phát huy được những trầm tích của văn hóa, lịch sử truyền thống.
_Chú thích:
113 Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương. Những ngôi chùa ở Bình Dương. Nxb. Tôn giáo 2002, tr. 13 – 14.