Tóm tắt: Kể từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến nay, Phật giáo từng bước chuyển từ hình thức chức năng sang nhập thế với tinh thần hộ quốc an dân, tốt đạo đẹp đời. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Phật giáo Việt Nam đã gắn kết thành một khối đoàn kết và hoà hợp, hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngay sau đó, chư Tôn đức và nam nữ cư sĩ, trí thức tỉnh Bình Dương đã tổ chức Đại hội thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé-Bình Dương góp phần xây dựng, ổn định và phát triển Phật giáo tỉnh nhà nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, Tỉnh hội triển khai thực hiện các chương trình hoằng pháp, giáo dục, từ thiện xã hội,… góp phần xây dựng đạo đức con người trong gia đình và xã hội, phát triển tỉnh Bình Dương và đất nước Việt Nam ngày một thịnh vượng hơn.
Từ khóa: Bình Dương, Phật giáo Sông Bé, Tỉnh hội Phật giáo, Việt Nam.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vào đầu năm 1964 tại chùa Phật Học Xá Lợi114 đã có Hội Phật học Nam Việt xin rút ra và không tham gia chung do vì không chung đường lối; vậy khi Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé-Bình Dương ra đời sau tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam khoảng hai năm (tức năm 1983) có gặp nhiều khó khăn gì từ trong nội bộ cho đến bên ngoài hay không? Trong suốt 40 năm qua (1983-2023), Tỉnh hội đã có những đóng góp thiết thực gì cho đạo pháp và dân tộc trong bối cảnh hội nhập và phát triển của thời đại công nghệ tiên tiến? Bằng phương pháp văn bản học, lịch sử và logic học góp phần hoàn thiện bài tham luận về hội thảo nhân ngày kỷ niệm thành lập và phát triển Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé-Bình Dương trong suốt 40 năm qua?
2. MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG DẪN ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TỈNH HỘI PHẬT GIÁO SÔNG BÉ VÀO NĂM 1983
Thứ nhất là công cuộc vận động thành lập Ban Liên lạc Phật giáo tại Bình Dương sau năm 1975, trải qua hơn 100 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, miền Nam Việt Nam giải phóng thắng lợi, đất nước tiến đến kỷ nguyên hoà bình thống nhất. Lúc bấy giờ, Đảng và Nhà nước vận động toàn dân tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước trên mọi phương diện. Hưởng ứng tinh thần đó, ngoài thời khoá công phu bái sám và sinh hoạt chốn thiền môn, có rất nhiều Tăng Ni và Phật tử tỉnh Bình Dương tích cực tham gia sản xuất và hưởng ứng một số phong trào công ích do chính quyền và đoàn thể địa phương sở tại phát động. Sau cuộc họp nội bộ lần thứ nhất vào ngày 23/12/1975, Ban vận động Phật giáo tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi hội nghị tại Tổ đình Hội Khánh vào ngày 02/02/1976 để thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước tỉnh Bình-Thủ (tức Sông Bé – Bình Dương)115.
Chủ trì hội nghị là Hoà thượng Minh Nguyệt, Chủ tịch Uỷ ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM cùng với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Thư ký của Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bình Thủ; Thượng toạ Quảng Viên (chùa Hội Khánh), Tổng Thư ký Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng tỉnh Bình Dương; Hoà thượng Tịch Chiếu (chùa Tây Tạng), đại diện Giáo hội Phật giáo Thống nhất tại tỉnh Bình Dương; cùng chư Tăng Ni và Phật tử ở các tổ chức và tự viện Phật giáo trong tỉnh Bình Dương trong không khí vô cùng hân hoan. Kết quả hội nghị đã quyết định bầu nhân sự cho Ban Liên lạc gồm có 15 thành viên, trong đó Cố vấn cho Ban là Hoà thượng chùa Thiên Bửu và Trưởng ban là Hoà thượng Thiện Tràng. Đây là bước đầu tạo sự kết nối giữa các tổ chức và tự viện Phật giáo tại Bình Dương với nhau, tạo sự gắn bó giữa Phật giáo và chính quyền Bình Dương; đồng thời cũng là nền tảng để thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương sau này116.
Thứ hai là sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để chuẩn bị cho việc thành lập đó, Hoà thượng Trí Thủ kết hợp cùng với Hoà thượng Trí Tịnh, Hoà thượng Mật Hiển,… quyết định thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo vào tháng 02/1980. Ban đã nhanh chóng liên lạc và nhận được sự hưởng ứng tham gia từ phía các tổ chức, hệ phái Phật giáo khắp ba miền Việt Nam hướng đến chung tay thống nhất Phật giáo. Đồng thời, Ban cũng soạn thảo văn bản trình cơ quan Nhà nước xin phép tổ chức Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam. Kết quả, Đại hội thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) từ ngày 04 đến ngày 07/11/1981. Giáo hội bầu Hoà thượng Đức Nhuận làm pháp chủ, Hoà thượng Trí Thủ làm Chủ tịch. Sự ra đời của Giáo hội là kết quả của quá trình vận động bền bỉ của chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong Ban vận động thống nhất Phật giáo, tạo sự thống nhất lãnh đạo Phật giáo khắp ba miền Việt Nam với nhiều đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc từ năm 1981 cho đến nay. Đây là cơ sở vững chắc thúc đẩy cho quá trình thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé (Bình Dương) vào năm 1983117.
Thứ ba là sự đóng góp của Tăng Ni và Phật tử Bình Dương, đầu tiên phải kể đến Hoà thượng Trí Tấn tham dự Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 với cương vị là Tổng Thư ký Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng Việt Nam. Bằng uy tín và đạo hạnh tu tập, Ngài đã đứng ra tổ chức Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Sông Bé. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Hoà thượng Từ Hạnh, Phó Tổng Thư ký kiếm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có cuộc gặp mặt và xin phép Mặt trận Tổ quốc tỉnh xem xét về cơ cấu nhân sự và đường lối tổ chức của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé. Vào ngày 26/12/1982, Ban trù bị được thành lập do Hoà thượng Trí Tấn làm Trưởng ban; Hoà thượng Thiện Tràng, Thượng toạ Nguyên Thành và sư cô Chơn Định làm Phó ban; Thượng toạ Quảng Viên làm Chánh Thư ký; và một số vị Uỷ viên như Đại đức Thế Thông, sư cô Diệu Nghĩa, hai cư sĩ là Minh Tâm và Tuệ Bát. Mười ngày sau, Hoà thượng Trí Tấn triệu tập cuộc họp cho Ban trù bị để sắp xếp công việc một cách chu đáo cho Đại hội thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé.
3. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI VIỆC THÀNH LẬP TỈNH HỘI PHẬT GIÁO SÔNG BÉ
Về mặt thuận lợi, thứ nhất là thủ tục thành lập Tỉnh hội, ngoài tinh thần chung tay hoà hợp của số lượng lớn Tăng Ni và Phật tử tại các tự viện trong tỉnh, Tỉnh hội được thành lập nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo và ký duyệt từ phía Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua Quyết định số 219/QĐ/HĐTS do Hoà thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký vào ngày 07/02/1983. Đồng thời, Tỉnh hội còn nhận được sự chấp thuận từ phía lãnh đạo chính quyền với bản Quyết định số 246/QĐ-UB do Chủ tịch tỉnh Nguyễn Như Phong ký vào ngày 13/04/1983 cho phép thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé.
Thành phần nhân sự của Ban Trị sự gồm 15 thành viên như sau Trưởng ban kiêm Tăng sự là Hoà thượng Trí Tấn, Phó Ban kiêm Kiểm soát là Hoà thượng Thiện Tràng, Phó Ban kiêm Hoằng pháp là Thượng toạ Nguyên Thành, Phó Ban kiêm Tài chánh là Sư cô Chơn Định, Chánh Thư ký kiêm Nghi lễ là Thượng toạ Quảng Viên, Phó Thư ký kiêm Giáo dục Tăng Ni là Thượng toạ Minh Thiện, Uỷ viên Thủ quỹ kiêm Hướng dẫn nam nữ Phật tử là Sư cô Diệu Nghĩa, và sáu vị Uỷ viên như Thượng toạ Thiện Căn, Đại đức Thế Thông, Đại đức Nhuận Thanh, Đại đức Pháp Tảo, cư sĩ Lê Văn Mậu và cư sĩ Phạm Đình Phùng118. Việc ra đời Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé thực sự góp phần bắt nhịp và hoà vào dòng chảy của Phật giáo nước nhà lúc bấy giờ.
Kể từ khi đảm nhận chức vị Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam thay cho Hoà thượng Trí Thủ viên tịch ngày 02/4/1984, thừa lệnh chỉ đạo của Hoà thượng Trí Tịnh, Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé nhanh chóng triển khai tổ chức lễ ra mắt 04 ban Đại diện Phật giáo như Thủ Dầu Một tại Tổ đình Hội Khánh (do Thượng toạ Thiện Căn làm Chánh Đại diện), Thuận An tại chùa Bùi Bửu (do Thượng toạ Minh Thiện làm Chánh Đại diện), Tân Uyên tại chùa Long Ân (do Đại đức Nhuận Thanh làm Chánh Đại diện) và Bến Cát (do Thượng toạ Thiện Quang làm Chánh Đại diện).
Về mặt khó khăn trong buổi đầu thành lập, do hậu quả chiến tranh để lại sau hơn 100 năm (1858-1975) chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đô hộ khiến cho tình hình kinh tế và mọi hoạt động trong xã hội còn nhiều khó khăn nên việc cúng dường cho Tỉnh hội hoạt động các công tác giáo dục, hoằng pháp, từ thiện,… rất ít. Một số ít chư Tăng Ni tại Bình Dương chưa thật sự nắm rõ việc thống nhất Phật giáo nên nhất quyết không ủng hộ cho việc thành lập Tỉnh hội. Kể từ khi được thành lập, công tác hành chánh của Tỉnh hội chưa được thực thi chặt chẽ, đồng thời Tỉnh hội chỉ đóng vai trò trung gian cho Trung ương Giáo hội và Mặt trận Tổ quốc. Với hy vọng nhận được sự chỉ đạo từ phía Trung ương Giáo hội, đặc biệt là Hoà thượng Trí Thủ nhưng đau buồn thay khi nghe được tin Ngài viên tịch vào tháng 4/1984.
4. ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP SUỐT 40 NĂM HOẠT ĐỘNG (1983-2023)
Thứ nhất là phát triển cơ sở đại diện Phật giáo và số lượng tự viện, Tỉnh hội đã phát triển từ 04 Ban Đại diện Phật giáo huyện, thị xã tại phía Nam Bình Dương (thị xã Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Thuận An, huyện Tân Uyên) ngay sau khi thành lập lên 09 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện, thị xã và thành phố trực thuộc Phật giáo tỉnh Bình Dương (thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên). Số lượng cơ sở Phật giáo từ 132 (nhiệm kỳ I: 1983-1987) lên 208 tự viện, tịnh xá (nhiệm kỳ IX: 2017-2022), tăng 37%.
Đặc biệt trong năm 1992, Tỉnh hội đã xin phép chính quyền địa phương trả lại ngôi chùa Hưng Long (Chơn Thành – Bình Long) và chùa Phước Lâm (Tân Uyên) cho Tỉnh hội. Đối với chùa Phước Lâm, Tỉnh hội đã đặt văn phòng Ban Đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên tại đây và bổ nhiệm Thượng toạ Nhuận Thanh đảm nhiệm trụ trì. Đối với chùa Hưng Long, Tỉnh hội đã cử Ban hộ tự quản lý từ 1992-1996, nhưng đến năm 1997 thì cử Đại đức Tĩnh Cường về trụ trì. Chính nhờ sự đóng góp tích cực và kiện toàn công tác Phật sự qua các nhiệm kỳ của chư Tăng Ni và Phật tử trong các Ban ngành Phật giáo Bình Dương từ cấp tỉnh thành cho đến huyện hay thị xã đã từng bước ổn định nhân sự, kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục những yếu kém, đề ra phương hướng phát triển cho Phật giáo tỉnh nhà trong các nhiệm kỳ tiếp theo trên tinh thần gắn kết, thân ái và hoà hợp.
Thứ hai về đào tạo tăng tài, số lượng Tăng Ni tăng từ 183 vị của nhiệm kỳ đầu lên 759 vị vào cuối nhiệm kỳ IX, tăng 76%. Trong nhiệm kỳ 1983-1987, Tỉnh hội đã cử Đại đức Minh Thiện đăng ký theo học khoá Cao cấp Phật học tại TP. HCM và mở khoá an cư tại chùa Hội Khánh với 100 Tăng Ni vân tập về bố tát và tụng giới vào ngày 15 và 30 hàng tháng và nắm bắt những Nghị quyết, văn bản do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo triển khai. Kể từ năm 1991 (nhiệm kỳ II: 1987-1991), Hoà thượng Trí Tấn, Trưởng ban Tỉnh hội đồng ý với lời tác bạch và sự thiết tha cầu thỉnh về việc cho chư Tăng Ni tỉnh Bình Dương cấm túc an cư suốt ba tháng hạ của Hoà thượng Huệ Thông. Số lượng chư Tăng an cư kiết hạ tăng từ 18 vị (năm 1991) lên hơn 150 vị (năm 2022). Điểm an cư kiết hạ chư Tăng tại Tổ đình Hội Khánh (Thủ Dầu Một) và chùa Thiên Chơn (Thuận An); còn chư Ni tại chùa Tây Thiên (Dĩ An) và chùa Bồ Đề Đạo Tràng (Thuận An). Theo báo cáo tổng kết công tác Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương năm 2022, tổng số lượng Tăng Ni an cư tại bốn hạ trường là hơn 300 vị; còn lại khoảng 400 vị tùng hạ tại Tổ đình Hội Khánh.
Tổ đình Hội Khánh được chọn là nơi tổ chức Đại giới đàn truyền giới cho chư Tăng kể từ khi Tỉnh hội được thành lập119. Tiêu biểu như Đại giới đàn phương trượng lần thứ nhất tổ chức vào ngày 23/08/1988 (tức ngày 12/07/Đinh Mão) đã truyền giới cho 40 Sa di và Sa di ni. Kể từ năm 1990 đến 2022, Tỉnh hội đã tổ chức Đại giới đàn chính thức với việc khảo hạch giới tử từ Đại giới đàn năm 1990 (80 giới tử Tăng Ni chính thức và 100 giới tử phương trượng), Đại giới đàn năm 1992 với 250 giới tử, Đại giới đàn Trí Tấn (1995) với 350 giới tử,… cho đến Đại giới đàn Thiện An vào năm 2022 với 386 giới tử chính thức và 110 giới tử phương trượng. Với sự lãnh đạo và kiểm soát công tác tổ chức Đại giới đàn từ Hoà thượng Trí Tấn (nhiệm kỳ I) cho đến Hoà thượng Huệ Thông (nhiệm kỳ IX: 2017-2022) đã phát triển công tác tuyển Phật trường và truyền trao giới luật cho hàng xuất gia lẫn tại gia được thành tựu viên mãn.
Trong nhiệm kỳ IV (1994-1997), việc thành lập trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Dương của Tỉnh hội đã được Hoà thượng Thiện Siêu, Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký vào ngày 25/11/1994; và hơn ba tháng sau, Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng ký quyết định cho việc xây dựng và thành lập này. Đến nhiệm kỳ V (1997-2000), Tỉnh hội đã ký giấy “giới thiệu 1 Tăng sinh du học cấp Cao học tại Ấn Độ, 5 Tăng, Ni sinh vào Học viện Phật giáo Việt Nam (cấp Đại học), 4 vị Tăng Ni sinh vào Học viện TP. HCM, 1 Ni vào Học viện Huế, và có 9 vị theo học khoá 3 tại trường Cao đẳng Chuyên khoa TP. HCM… ; 01 Tăng sinh vào trường Cao cấp giảng sư và 3 Tăng sinh vào trường Trung cấp giảng sư”120. Số lượng này gia tăng nhanh chóng vào nhiệm kỳ VII (2012-2017) với số 100 Tăng Ni theo học Cao – Trung Phật học tại các tỉnh; 8 Tăng Ni sinh học cử nhân khoá VII, 12 Tăng Ni sinh học khoá VIII, và 3 Tăng Ni sinh học khoá IX của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM; ngoài ra Tỉnh hội còn ký một giấy giới thiệu cho một cư sĩ nữ theo học chương trình đào tạo cử nhân Phật học từ xa của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. Thứ ba về hướng dẫn Phật tử tu học, vào ngày 01/03/Ất Sửu (tức năm 1985), nhân lễ huý kỵ lần thứ nhất của Hoà thượng Trí Thủ, dưới sự chỉ đạo của Đại đức Huệ Thông (nay là Hoà thượng Huệ Thông, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương) đã cùng Đại đức Thiện Nghĩa, Đại đức Đạt Đạo và cư sĩ Tống Hồ Cầm vận động 21 đơn vị Gia đình Phật tử và 80 huynh trưởng về tham dự. Bên cạnh đó, bài pháp của Đại đức Huệ Thông (nay là Hoà thượng Huệ Thông) là tiếng chuông cảnh tỉnh tu tập, cẩn thận trước những tệ nạn xã hội và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển Phật giáo và dân tộc Việt Nam.
Từ năm 1990 đến 1995, Tỉnh hội đã thỉnh Hoà thượng Thanh Từ và sư cô Như Thuỷ giảng pháp tại Tổ đình Hội Khánh, qua đó hình thành và phát triển Thiền tông tại Bình Dương. Đồng thời, có nhiều vị Phật tử phát tâm xuất gia tu học theo Hoà thượng Thanh Từ như thầy Thông Luận, Thông Hạnh, Kiến Tinh, Kiến Đạo, Kiến Ngạn, Kiến Thành,… và Ni giới có sư cô Phúc Trường, Phúc Chơn,… Trước đó vào năm 1949, Tổ sư Minh Đăng Quang đã có buổi thuyết pháp tại chùa Thuận Thiên (Thủ Dầu Một). Nhận lời thỉnh của quý Phật tử, Tổ sư đã cử Sư cô Huỳnh Liên và Bạch Liên ở lại mượn tạm chùa Vạn Phước xây thất tu học và truyền bá giáo lý hệ phái khất sĩ. Từ ngôi Tịnh xá Ngọc Bình xây vào năm 1952, cho đến nay tại tỉnh Bình Dương có 23 tịnh xá thuộc giáo đoàn IV và VI và giáo đoàn Ni giới Khất sĩ, trong đó thành phố Thủ Dầu Một nhiều nhất với 6 tịnh xá121.
Vào nhiệm kỳ V (1997-2000), Tỉnh hội đã thành lập Phân ban nam nữ Phật tử và Phân ban Gia đình Phật tử. Theo thống kê trong Lịch sử Phật giáo Bình Dương của Hoà thượng Huệ Thông cho biết: Tỉnh hội và Phân ban Hướng dẫn nam nữ Phật tử đã mở trại huấn luyện Huynh trưởng sơ cấp (Lộc Uyển) cho 31 trại sinh ở Tổ đình Hội Khánh, khai giảng khoá bồi dưỡng kiến thức Phật pháp và công tác thiết lập lễ hội Phật giáo (Phật đản, Vu Lan, Phật thành đạo, vía Di Đà,…) cho cả huynh trưởng và đoàn sinh. Tỉnh Bình Dương bấy giờ có 05 tổ chức Gia đình Phật tử (thị xã Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát, huyện Thuận An, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo) với tổng số 58 huynh trưởng và 358 đoàn sinh. Trong 5 Gia đình Phật tử đó, số lượng ở huyện Bến Cát chiếm nhiều nhất với gần 30% huynh trưởng và 41% đoàn sinh. Trong năm 2014, Ban Hoằng pháp Trung ương đã kết hợp với Ban Trị sự Phật giáo Bình tổ chức khoá tập huấn hoằng pháp viên từ ngày 01-03/5/2014 tại chùa Hội An với sự tham dự của hơn 2.500 hoằng pháp viên đến từ 34 tỉnh thành phía Nam.
Thứ tư về văn hoá Phật giáo, tiêu biểu nhất là Hoà thượng Huệ Thông đã tích cực tham gia cộng tác viết bài trên một số báo trong và ngoài Phật giáo như báo Bình Dương, báo Xuân, báo Văn Nghệ, báo Giác Ngộ, tạp chí Văn hoá Phật giáo,… Hoà thượng tham dự buổi phát biểu tại Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bình Dương về những thông tin công tác Phật sự tỉnh nhà nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, một số quan điểm của Phật giáo Việt Nam đối với đất nước trong sự nghiệp hội nhập và phát triển như hiện nay. Ngoài ra, Hoà thượng còn xuất bản nhiều tác phẩm như Sơ khảo lịch sử Phật giáo Bình Dương (2000), Những ngôi chùa Bình Dương – Quá khứ và hiện tại (và nhiều tác giả khác, 2002), Chân hạnh phúc chỉ có từ chánh niệm (2007), Đức Phật và con đường tuệ giác (2010),… Bên cạnh đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đã kết hợp với ngành văn hoá tỉnh tổ chức những lễ hội dân tộc (lễ thanh minh, lễ cầu siêu tai nạn giao thông, lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong dịch bệnh,…), hội thảo khoa học về Sơ Tổ Trần Nhân Tông, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, huý kỵ của cụ Nguyễn Sinh Sắc,… Đặc biệt, hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011 tổ chức tại Bình Dương từ ngày 09-13/3/2011 với chủ đề “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” với sự tham dự của hơn 40.000 người. Trong năm 2023, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương triển khai tổ chức hội thảo với chủ đề: “Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, 40 năm một chặng đường hình thành, ổn định và phát triển (1983-2023)” vào tháng 04/2023 tại Tổ đình Hội Khánh.
5. ĐÓNG GÓP CHO DÂN TỘC VIỆT NAM
Về mặt từ thiện xã hội, theo Hoà thượng Thích Huệ Thông cho biết rằng Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương nhiệm kỳ 1983-1987 đã “tham gia đóng góp nhiều phong trào từ thiện trị giá trên 50 triệu đồng và động viên các tự viện mở phòng thuốc từ thiện để điều trị cho đồng bào nghèo như chùa Hưng Đức, Hưng Mỹ, Hưng Khánh”122. Hoạt động từ thiện xã hội từ năm 2007 trở về sau đã phát triển rất mạnh. Theo Văn kiện Đại hội của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ X cho biết rằng Tăng Ni và Phật tử tại Bình Dương đã tích cực tham gia rất nhiều công tác từ thiện xã hội như tặng quà cho đồng bào nghèo, cứu trợ nạn nhân bị thiên tai hay dịch bệnh, tặng nhà tình nghĩa, thăm viếng các gia đình khó khăn, tặng quà cho những gia đình thuộc diện chính sách, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây cầu ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ, ủng hộ thiết bị y tế phòng chống đại dịch Covid-19,… Đặc biệt trong năm 2021, Ban Trị sự Phật giáo tại Bình Dương đã thực hiện công tác vận động và trao tặng hơn 109 tỷ đồng, 200 tấn rau củ và hàng ngàn thiết bị vật tư y tế123.
Trong nhiệm kỳ III (1991-1994), Tỉnh hội đã triển khai xây dựng hai Niệm Phật đường gồm 1/ Niệm Phật đường Phước Thiện ở Chánh Phú Hoà để nuôi dưỡng và hướng dẫn đời sống tâm linh tu tập cho người già tàn tật; 2/ Niệm Phật đường Phước Hội ở Bến Cát là nơi tu học và cư trú cho nhiều tín đồ Phật tử miền Trung di cư vào miền Nam. Đến nhiệm kỳ V (1997-2002), Tỉnh hội thành lập 07 Tuệ Tĩnh đường gồm chùa Hưng Đức và chùa Bửu Nghiêm (Thủ Dầu Một), chùa Thiên Đức và chùa Long Bửu (Thuận An), chùa Hưng Khánh (Tân Uyên), chùa Hưng Mỹ (Bến Cát) và chùa Pháp Hoa (Dầu Tiếng) đã điều trị cho trên 500.000 bệnh nhân. Đặc biệt là công tác đền ơn đáp nghĩa bằng việc Tỉnh hội tham gia câu lạc bộ nuôi bà mẹ Việt Nam anh hùng, được Nhà nước Việt Nam và ban ngành tỉnh nhà trao tặng rất nhiều huân chương, huy chương và bằng khen; tiêu biểu nhất bấy giờ là Thượng toạ Minh Thiện, Thượng toạ Huệ Thông và Ni sư Diệu Nghĩa.
Tổng kinh phí từ thiện xã hội của Phật giáo Bình Dương trong năm 2022 là 54 tỷ đồng124. Đồng thời, nhân dịp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phật sự trong năm 2022 vừa qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương đã trao 16.600 phần quà Tết cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương nhằm góp phần chăm lo đời sống của những bà con nghèo khó tỉnh nhà với tổng kinh phí trị giá 6,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương cũng đã trao 1.000 phần quà Tết với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng cho tổ chức Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương125.
Về việc tham gia vào lãnh đạo chính quyền và quan hệ quốc tế, ngay say khi thành lập, theo ghi nhận của Hoà thượng Huệ Thông cho biết rằng: “Tỉnh hội đã giới thiệu sư cô Diệu Nghĩa ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; và Hoà thượng Thích Trí Tấn, Hoà thượng Thích Thiện Tràng, sư cô Chơn Định tham gia vào thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh và hiệp thương Chánh Đại diện, các Ban Đại diện tham gia vào thành viên Mặt trận Tổ quốc huyện, thị và nhiều công tác Phật sự khác”126. Trải qua hơn 35 năm (1987-2022), Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã từng cử một số chư Tôn đức Tăng Ni tham gia vào bộ máy chính quyền như Hoà thượng Trí Tấn, Hoà thượng Minh Thiện, Ni sư Diệu Nghĩa,… Đặc biệt là từ năm 1992 với sự thành lập Ban Tôn giáo tỉnh Sông Bé (Bình Dương), Tỉnh hội Phật giáo sẽ thuận lợi hơn trong việc nắm bắt những đường lối, chính sách của chính quyền để hoạt động Phật giáo tỉnh nhà luôn tốt đạo – đẹp đời, hộ quốc an dân góp phần cho đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh hơn trong xu thế hội nhập và phát triển lúc bấy giờ.
Về việc bảo tồn cơ sở Phật giáo thuộc Di tích lịch sử, một số cơ sở Phật giáo tại tỉnh Bình Dương (tức tỉnh Sông Bé ngày xưa) được Bộ Văn hoá Thông tin công nhân Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia như chùa Núi Châu Thới vào năm 1989, Tổ đình Hội Khánh vào năm 1993,… Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương trùng tu một số hạng mục và vận động công tác bảo tồn Di tích lịch sử – văn hoá quốc gia ở những ngôi Tổ đình này để làm nơi tham quan cho khách du lịch trong và ngoài nước; đồng thời cũng là đối tượng khảo cứu thực địa của một số Tăng Ni sinh cũng như sinh viên thực hiện các luận văn, luận án liên quan đến Phật giáo tỉnh Bình Dương nói riêng và Phật giáo miền Nam nói chung.
V. TẠM KẾT
Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương nằm trên vùng đất “Địa linh nhân kiệt” nên đã phát triển Phật giáo một cách mạnh mẽ trong suốt 40 năm qua (1983-2023). Để đạt được một thành quả rực rỡ như ngày hôm nay, chư Tăng Ni, Phật tử đã cùng nhau vượt qua những khó khăn trong buổi đầu, tinh thần đoàn kết vững mạnh và nhất quán của các ban ngành trong các công tác Phật sự của tỉnh nhà và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các Tăng Ni trẻ đã tích cực tham gia vào công tác tổ chức và điều hành các hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo các cấp tại tỉnh Bình Dương nhằm đẩy mạnh công tác hoằng pháp lợi sanh, góp phần xây dựng vững mạnh hình ảnh Phật giáo Việt Nam đượm mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Phật giáo Bình Dương luôn thắt chặt mối quan hệ với Phật giáo các tỉnh khác và sự ủng hộ của các cấp chính quyền Nhà nước cho các hoạt động Phật sự, từ thiện xã hội và xây dựng đạo đức của người dân cư trú tại tỉnh Bình Dương, góp phần hoàn thiện nhân cách đạo đức bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc, đất nước phồn vinh và phát triển.
_Chú thích:
* Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM.
114 Chùa Phật Học Xá Lợi (hay còn gọi là chùa Xá Lợi): toạ lạc tại số 89, đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP. HCM. Chùa được khởi công xây cất từ năm 1956 và hoàn thành vào năm 1958, là trụ sở chính của Hội Phật học Nam Việt. Đồng thời, chùa còn là cơ sở giảng dạy của Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1964-1966; trụ sở văn phòng II của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981-1994.
115 Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb. Văn hoá văn nghệ TP. HCM, tr. 452-453.
116 Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr. 455. Ngày 01/01/1997, Quốc hội Việt Nam đã tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước.
117 Vũ Trọng Hùng (2022), “Tính tất yếu và giá trị lịch sử sự ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981”, Phật giáo. Nguồn: https://phatgiao.org.vn/tinh-tat-yeu-va-gia-tri-lich-su-su-ra-doi-giaohoi-phat-giao-viet-nam-nam-1981 d51852.html#:~:text=n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20%5B2%5D, đăng ngày 26/04/2022, truy cập ngày 24/03/2023.
118 Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr. 464.
119 Chùa Hội Khánh đã mở nhiều lớp giáo lý, khoá luật vào giai đoạn chấn hưng Phật giáo (Tham khảo Trần Hồng Liên (2006), “Phật giáo tỉnh Bình Dương”, Nghiên cứu tôn giáo, số 3, Hà Nội, tr. 50)
120 Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr. 510.
121 Thích Tâm Thông (2020), “Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương”, Đạo Phật Khất sĩ, đăng ngày 18/7/2020, truy cập ngày 26/3/2023. Nguồn: https://daophatkhatsi.vn/giao-phap-khat-si/nghien-cuu/qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-he-phaikhat-si-viet-nam-o-binh-duong.html
122 Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr. 468.
123 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương (2022), Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027), Bình Dương, tr. 24.
124 Đăng Huy (2022), “Bình Dương – Hội nghị tổng kết công tác Phật sự năm 2022”, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đăng ngày 30/12/2022, truy cập ngày 26/03/2023.
Nguồn: https://chutichghpgvn.vn/binh-duong-hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-phat-su-nam-2022.
125 Hồng Thuận (2023), “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương: Công tác Phật sự đạt những kết quả tốt đẹp”, Thư viện tỉnh Bình Dương, đăng ngày 03/01/2023, truy cập ngày 27/03/2023. Nguồn: https://www.thuvienbinhduong.org.vn/?ArticleId=c5f9d6c5-f70b-4c9d-8dc9- 205853ed76d0.
126 Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr. 469.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương (2022), Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027), Bình Dương.
– Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb. Văn hoá văn nghệ TP. HCM.
– Trần Hồng Liên (2006), “Phật giáo tỉnh Bình Dương”, Nghiên cứu tôn giáo, số 3, Hà Nội, tr. 48-52.
– https://chutichghpgvn.vn
– https://daophatkhatsi.vn
– https://phatgiao.org.vn
– https://www.thuvienbinhduong.org.vn