Tinh thần lục hòa & dung hợp của Phật giáo Bình Dương (SC.TS Thích Nữ Viên Giác)

TẢI FILE PDF
—————–

          Tóm tắt: Phật giáo Bình Dương có nhiều hệ phái khác nhau, kế thừa và phát huy các đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Hiện ba hệ phái chính là: Nguyên thủy, Khất sĩ Minh Đăng Quang, Đại thừa phát triển, cùng chung sống lục hòa. Tinh thần tu tập của Phật giáo tại nơi đây là dung hợp, chuyên tu và phụng sự trên tinh thần Pháp và Luật của lời Phật. Nghiên cứu về “Tinh thần lục hòa và dung hợp của Phật giáo Bình Dương” từ quá khứ đến hiện đại, tham luận triển khai trên bốn nội dung chính: Thứ nhất, triển khai tinh thần lục hòa của Phật giáo và dung hợp của văn hóa Việt Nam một cách khái quát để thấy các đặc điểm kế thừa và riêng biệt của Phật giáo tại Bình Dương; thứ hai, bước đầu chỉ ra tinh thần dung hợp trong văn hóa lịch sử Bình Dương; thứ ba, khai thác tinh thần lục hòa của các tông phái Phật giáo tại Bình Dương; thứ tư, đề cập đến tinh thần dung hợp của các thế hệ chư Tăng tại Bình Dương. Qua đó cho thấy sự phong phú đa dạng nhưng thống nhất giữa vấn đề tu tập giải thoát và phụng sự nhân sinh linh động trong từng giai đoạn lịch sử để mục đích “tốt đời đẹp đạo”.

          Từ khóa: Phật giáo Bình Dương, lục hòa, dung hợp, thiền sư, chùa.

Mở đầu

          Bình Dương được coi như vùng đất mới, gắn liền với sự phát triển của Nam Bộ; hiện tỉnh đang phát triển nhiều khu công nghiệp bên cạnh các hoạt động văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội…; lãnh đạo tỉnh cùng các ban ngành hết sức quan tâm đời sống tôn giáo tín ngưỡng nơi đây. Phật giáo cùng các tôn giáo bạn và đồng bào các dân tộc ít người cùng chung sống hài hòa, tôn trọng, bình đẳng tại Bình Dương trong quá khứ cũng như hiện đại. Phật giáo nơi đây có nhiều tông phái khác nhau, như: Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tịnh độ tông Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Phật giáo Cổ Truyền, Liên tông Tịnh độ Non bồng, Thiên Thai giáo quán tông, Thiên thai thiền giáo tông… nhưng đều thống nhất hòa hợp trong đa dạng. Có thể nói, các hệ phái Bình Dương vô cùng phong phú; đầy đủ ba hệ phái: Nguyên thủy, Khất sĩ Minh Đăng Quang, Đại thừa phát triển; đầy đủ các pháp tu Thiền-Tịnh-Mật.

          BTS tỉnh Bình Dương qua nhiều năm luôn lấy phương tâm cùng chung sống an vui, tu tập tỉnh thức theo lời đức Phật chỉ dạy. Vì vậy, thế hệ các thiền sư, từ chư Tổ cho đến quý Hòa thượng Trưởng lão tỉnh nhà luôn giương cao lục hòa, giới-định-tuệ; hướng theo phương châm “đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội”, để vừa chuyên tu vừa phụng sự quốc gia dân tộc theo tinh thần an dân hộ quốc, thực hiện tốt đời đẹp đạo, khuyến khích hoằng pháp rộng. Vì vậy, BTS tỉnh bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn, trùng  tu các trú xứ và mộc bản kinh điển, hoằng pháp sâu rộng còn tích cực tham gia các phong trào phúc lợi nhân sinh, công tác từ thiện, góp phần làm giảm bớt gánh nặng xã hội, giữ gìn văn hóa truyền thống của tỉnh nhà và sẵn sàng hội nhập.

Nội dung

          1.Tinh thần lục hòa của Phật giáo và dung hợp của văn hóa Việt Nam

          Văn hóa Việt Nam vốn đậm tinh thần dung hợp. Đó là “tư tưởng đặc biệt, sáng suốt của dân tộc Việt Nam trong điều kiện sống riêng của mình”130. Phật giáo đã được “bản địa hóa” ngay từ khi du nhập vào nước ta. Văn hóa còn thì đất nước còn. Văn hóa Phật giáo mang đậm tính dung hợp ở nhiều phương diện rất đa dạng. Đó là sự dung hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, dung hợp giữa Phật giáo với tâm thức quần chúng. Điều này thể hiện ở sự truyền đạo thời kì đầu của các nhà sư Ấn Độ và Trung Á (như Ma Ha Kỳ Vực, Khưu Đa La, Khương Tăng Hội…).

          Người Việt vốn nặng về nền nông nghiệp lúa nước, nên hình ảnh mẹ Quan Âm của Đại thừa luôn xuất hiện trong tâm thức cầu nguyện của nhân dân lao động. Vì vậy, Man Nương còn được gọi là Phật Mẫu, Phật Bà Quan Âm còn được mọi là Mẹ Quan Âm, nghìn mắt nghìn tay cứu độ, Phật Bà Chùa Hương (Quan Âm Diệu Thiện)… Ngay cả nghệ thuật tạc tượng Quan Âm cũng thường mang hình tướng người nữ, phúc hậu.

          Tín ngưỡng dân gian Việt Nam vốn thờ đa thần Thần, cả anh hùng dân tộc. Chùa thờ theo kiểu “tiền Phật, hậu Thần” hay “tiền Phật, hậu Mẫu”. Ngoài thờ Phật còn thờ Thánh Thần… Chùa Việt Nam xưa mang tính văn hóa cộng đồng làng xã, các thể loại nghệ thuật như hát chèo, kịch nói, múa rối nước, văn hóa dân gian.

          Đặc tính của Phật giáo Việt Nam mang tính dung hợp Tam giáo (Nho – Phật – Đạo), dung hợp giữa các pháp tu (thiền-tịnh-mật) cũng như dung hợp giữa các tông phái là để Phật giáo được tồn tại và phát triển trên tinh thần “tùy duyên bất biến”. Ví dụ: Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã thống nhất để hình thành Phật giáo Nhất tông thời Trần mang bản sắc Đại Việt đã có từ thời Lý-Trần. Theo Nguyễn Duy Hinh, Thiền phái Trúc Lâm ra đời nhằm: “Thứ nhất: Tự mình phân biệt với Thiền tông ở Trung Quốc biểu lộ tính độc lập; thứ hai: Thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại; thứ ba: Mục đích thống nhất ý thức hệ để tạo nên Phật giáo nhất tông; thứ tư: Khoác cho mình chiếc áo của một tôn giáo mới”131. Thiền phái Trúc Lâm đời Trần “là nền Phật giáo độc lập, phục vụ cho dân tộc Việt Nam, duy trì bồi đắp phẩm chất Việt, phát huy nội lực của dân tộc Việt”132.

          Bên cạnh đó, rất nhiều các Thiền sư Trung Hoa theo hoàn cảnh lịch sử đã có mặt tại Việt Nam truyền giáo, như: Thiền Phong người Trung Hoa đem Thiền Lâm Tế truyền vào Đại Việt khoảng TK XIII. Thiền phái Tào Động nhà Đường, Trung Quốc. Hầu hết các chư Tăng nước ta thời xưa đều thông Phật, Nho, Lão, như các thiền sư Khuông Việt, Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Viên Giác, Mãn Giác… Nhiều chùa ngoài thờ Phật còn thờ Lão Tử và Khổng Tử.

          Nhờ tinh thần dung hợp Phật giáo đã tồn tại được trong lòng dân tộc, tự nhiên xâm nhập vào văn hóa của nhân dân, tồn tại và cùng phát triển với nhiều hình thức phương tiện để chuyển tải giáo lý trên tinh thần vô ngã-từ bi. Tinh thần dung hợp và lục hòa của Phật giáo Bình Dương bắt nguồn từ tinh thần đó của Phật giáo Việt Nam trong buổi đầu du nhập và tiếp biến.

          Trong tinh thần lục hòa: Thân hòa cùng ở (Thân hòa đồng trú), nói lời hòa hợp, không tranh cãi (khẩu hòa vô tránh), ý hòa cùng vui (Ý hòa đồng duyệt), giới hòa cùng tu (Giới hòa đồng tu), thấy biết chia sẻ cho nhau dể cùng hiểu đúng (Kiến hòa đồng giải), Lợi về vật thực, tài vật, cùng hòa chia đều (Lợi hòa đồng quân). Tất cả đều nhằm đảm bảo cho đời sống Tăng đoàn được đi vào một mối, hòa hợp như sữa với nước. Hay đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí, sự thống nhất tuyệt đối từ trong ra ngoài. Mô hình lục hòa này rất nhiều các tổ chức xã hội đã học hỏi và tiếp thu từ Phật giáo. Nhưng Phật pháp là bất định Pháp, chư Phật và chư Tổ đắc pháp tùy theo thời điểm, căn cơ, phương vị, đối tượng mà chỉ bày sự thật chân lý cho người hữu duyên; mục đích là giúp họ thấy ra sự thật. Vì đạo Phật không chủ trương sở hữu ngã ta và của ta, không có giáo quyền, như đức Phật di chúc trước lúc nhập niết-bàn. Phật dạy: “sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các Ngươi”133, “Pháp và Luật mà Ta giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là bậc Đạo sư của các Ông”134.

          Trong 12 năm đầu Phật chưa chế giới khi Tăng đoàn con thanh tịnh. Vì mục đích tốt đẹp cho Tăng đoàn, sau đó đức Phật chế giới: “1) Vì sự an lành của chúng Tăng (Sangha, Giáo Hội Tăng Già); 2) Vì sự an toàn của chúng Tăng; 3) Để kiểm soát những người chưa vững chắc (còn sơ cơ); 4) Vì sự an toàn của những vị tỳ khưu có giới hạnh trang nghiêm; 5) Để đè nén những hoặc lậu (āsava) trong kiếp sống hiện tại; 6) Để ngăn chặn không cho những hoặc lậu phát sanh trong một kiếp sống tương lai; 7) Để làm cho người chưa hoan hỉ (với Giáo Pháp) trở nên hoan hỉ; 8) Để cho người hoan hỉ càng thêm hoan hỉ; 9) Để thiết lập Chánh Pháp; 10) Vì lợi ích của Giới Luật”135. Trong kinh Tăng Nhứt A Hàm (Anguttara) ghi rằng vì thiện cảm của người cư sĩ và để ngăn chặn những mối chia rẽ do các Tỳ-kheo chưa có tâm tu tập rốt ráo. Vì vậy, giáo pháp của Ngài nói ra có tác dụng chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, thiết thực hiện tại, giành cho người trí, đến để mà thấy: “Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích”136. Đức Phật tuyên thuyết “xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”137. Các thế hệ thiền sư, chư Tăng khai sơn tại Bình Dương cũng không đi ngoài đạo lộ tu tập của giới-định-tuệ, văn-tư-tu, 37 phẩm trợ đạo và giương cao tinh thần bồ-tát hạnh “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường mười phương chư Phật”, như đức Phật khuyến khích Tỳ-kheo: “Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”138.

          2.Tinh thần dung hợp trong văn hóa lịch sử Bình Dương

          Bình Dương có nền văn hóa lịch sử cũng mang tính mở, dung hợp và đoàn kết.  Vì vậy, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tinh thần lục hòa, dung hợp của các chùa, chư Tăng và các hệ phái nơi đây.

          Bình Dương có “diện tích tự nhiên 2.695,54 km2, chiếm 0,83% diện tích cả nước, có tọa độ địa lý từ 100 51’ 46’’ đến 110 30’00’’ vĩ độ Bắc và 1060 20’00’’-1060 58’00’’ kinh độ Đông. Dân số Tỉnh vào năm 2005 là 1.030.722 người”139; thuộc miền Đông Nam Bộ. Với địa thế tỉnh giáp Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, đều là các tỉnh phát triển, nhất là cạnh Thành phố Hồ Chí Minh – TP năng động bậc nhất cả nước; Bình Dương hiện tại và trong tương lai vẫn còn nhiều tiềm năng, Phật giáo luôn đồng hành.

          Bình Dương còn có có địa thế liên đới với sông Đồng Nai, Sông Bé, sông Sài Gòn; thời tiết khí hậu quanh năm nóng và ẩm, phân biệt hai mùa mùa nắng. Người dân trước chủ yếu sống bằng “trồng cây lương thực, các loại cây họ đậu, cây công nghiệp ngắn ngày”140 và nhiều loại cây ăn trái. Ngày nay, công nghiệp dịch vụ phát triển, Bình Dương cũng đang năng động chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp ra đời. Con người và thiên nhiên hài hòa. Bản đồ Bình Dương theo hoàn cảnh lịch sử đất nước cũng có nhiều sự thay đổi hành chính nhưng tinh thần văn hóa, tâm thức người dân vẫn hướng đến đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế. Nơi đây “sơ khởi là một huyện trùm lên cả nội thành, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”141. Với đặc điểm gắn bó mật thiết Sài Gòn nên tính cách con người Bình Dương xưa nay cũng cởi mở, ưa trí tuệ, thương người, không ngừng học hỏi,…

          Thành phần dân cư tại Bình Dương rất phong phú. Trong quá khứ đã ghi dấu nhiều đoàn di dân từ miền Trung đến lập nghiệp; theo đó các nhà sư cũng theo đoàn di cư đến vùng đất mới. Nơi đơi còn có “dân thuộc dân tộc Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ, Mnông, Khmer sinh sống”142; và bao gồm lưu dân từ Đồng Bằng Sông Hồng, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam cùng “triều Nguyễn, nhiều đợt mộ dân lập ấp, nơi miền bấy giờ gọi là Thiên Trấn”143. Ngoài ra, có nguồn dân cư vào cửa Cần Giờ, ngược sông Bình Phước lên vùng Bến Nghé “nay là huyện Thuận An và huyện Bến Cát”144. Chúa Nguyễn mở cửa cho dân xứ Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn… vào đất Gia Định. “Chính lớp thượng lưu giàu có này đã thổi một luồng gió mới vào việc làm đa dạng hóa thành phần cư dân ở Bình An trong suốt thế kỷ XVIII”145. Từ sau năm 1698, người Việt bắt đầu đến Bình Dương, chọn ven các con sông Sài Gòn, Đồng Nai và Thị Tính để định cư; và cũng có người Hoa chống Thanh được chúa Nguyễn chấp nhận vào lãnh thổ.

          Tinh thần Phật giáo Bình Dương trải qua các thời kì lịch sử luôn vận dụng tinh thần lời Phật: “Pháp Tứ Vô Lượng Tâm được đức Phật nhắc đến rất nhiều và đó cũng là pháp hành của tất cả các vị Đại Bồ-tát sử dụng để cảm hóa chúng sinh, là hạt nhân tất yếu mà Bồ tát cần thành tựu để tiến đến quả vị Phật”146. Thế hệ Tăng Ni Bình Dương nhận thức rõ tinh thần Bồ-tát luôn sẵn sàng giúp đỡ, không phân biệt khi thấy rõ các hữu vi như “mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như điện chớp, nên quán tưởng như thế”147. Bởi các thiền sư đi trước luôn khuyến khích Tăng Ni hậu thế bên cạnh việc lập chùa không thể quên pháp học để có chánh kiến thực hành cho được đúng đắn. “Trên tất cả sự cứu giúp bằng lợi hành, là dẫn người ra khỏi đường ác, để không sa đọa vào cảnh khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh”148.

          3.Tinh thần lục hòa của các tông phái Phật giáo tại Bình Dương

          Theo Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh Bình Dương năm 2017, tự viện trong toàn tỉnh có khoảng 200149; Tăng ni thống kê năm 2019 có khoảng hơn 700, Bắc Tông chiếm gầm một nửa, chư Ni đông hơn nửa. Tăng Ni hệ phái Khất Sĩ có tất cả khoảng 50, Tăng Nam tông chưa được 10. Ban hướng dẫn Phật tử của Tỉnh năm 2016 cho biết, số Phật tử quy y chính thức có khoảng “30.000 và chưa qui y là 582.000 người, chiếm tỷ lệ 1/3 dân số tỉnh Bình Dương”150.

          Trước kia, khi lưu dân đến Bình Dương lập nghiệp từ nhiều nơi, đồng nghĩa với họ mang theo tôn giáo. Vì vậy, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa Bình Dương rất đa dạng và phong phú; mang nhiều nét đặc sắc riêng của vùng. Khi lưu dân đến Đồng Nai – Gia Định cũng xuất hiện các nhà sư đến hoằng pháp và từ đó am cốc được thành lập. Ở đâu có Tăng chúng, ở đó có tín đồ. Và dần trải qua thời gian, Phật giáo không ngừng phát triển. Trước đó, dân bản địa đã tồn tại và sinh sống. Tôn giáo Phật và cư dân bản địa cùng tác động qua lại lẫn nhau.

          Lịch sử cho thấy, Phật giáo đến với Bình Dương bằng con đường thương mại. Đường biển giữ vị trí giao thông đặc biệt. Chúa Nguyễn hết sức ủng hộ Phật giáo. Do vậy, các thiền sư ở các hệ phái có thể phát triển tối đa nghi lễ, pháp khí, pháp tượng, ngôn ngữ, kiến trúc Phật giáo… để phát triển Phật giáo Đàng Trong.

          Phật giáo đến Bình Dương có hệ phái Bắc tông (đường bộ); từ Campuchia vào bằng đường và đường thủy từ Ấn độ, theo hệ phái Nam tông. Sau này có hệ phái Khất sĩ của Tổ sư Đăng Minh Quang. Tức là Phật giáo Bình Dương trải qua quá trình du nhập và phát triển có đầy đủ các hệ phái Nguyên thủy, Đại thừa, Khất sĩ; rất đầy đủ so với các tỉnh khác. Tất cả các hệ phái cùng sống lục hòa, thống nhất trong một giáo hội từ năm 1981.

          “Chủ trương của Phật giáo là khích lệ con người vận dụng tuệ giác và ý chí của mình để đoạn diệt nghiệp, để thoát ly hoàn toàn vòng ràng buộc của nhân quả. Các hành động thoát ly nghiệp là các hành động vô tham, vô sân, vô si”151. Tinh thần Phật giáo Bình Dương từ quá khứ đến hiện đại nhìn chung đã làm rất tốt vấn đề vừa chuyên tu vừa hộ trì Tam bảo vừa cứu độ chúng sanh. Hiện nay càng thể hiện rõ sự gắn kết cùng tu tập và hoằng truyền lời Phật. Trong tất cả tôn giáo tại Bình Dương, Phật giáo có tín đồ đông nhất.

          Chùa Núi Châu Thới là chùa đầu tiên của Phật giáo có mặt Bình Dương. Chùa Hưng Long, chùa Hội Khánh, đều là những trú xứ nổi tiếng của Phật giáo cả quá khứ và hiện tại. Và đây là ba trú xứ sớm nhất được hình thành. Ngoài ra, Thủ Dầu Một, có chùa Long Thọ, Đức Sơn, Hội Sơn, Long Sơn, Long Quang, Phước An, Phước Long, Bửu Nghiêm; huyện Bến Cát có chùa Long Hưng; Thuận An có chùa Thiên Tôn; Phước Tường; Bình Đông; huyện Dĩ An có chùa Bửu Sơn; Phước Đồng; Tân Hưng; Tân Uyên có chùa Di Đà; Long Thắng; Huê Lâm. Nhìn chung, đây là những trú xứ lâu đời vẫn còn đến nay.

          Từ ngôi chùa đầu tiên được khai sơn, đến năm 1861 đã có 21 ngôi. Chùa theo hệ phái Bắc tông ở Bình Dương ngoài thờ Phật còn “thờ cả các vị thần linh thuộc tín ngưỡng dân gian”152. Có thể nói, tại Bình Dương, Thủ Dầu Một; Bến Cát; Tân Uyên; Thuận An; là những nơi Phật giáo đặt chân đến sớm nhất.

          4.Tinh thần dung hợp của các thế hệ chư Tăng tại Bình Dương

          Hầu hết các chùa tại Bình Dương đều ghi lại công lao của chư Tăng đặt chân đến khai sơn, gắn liền với sinh hoạt của các tông phái, chi phái, hệ phái mà chư Tăng có duyên xuất gia tu học và truyền thừa. Xét trong quá khứ đến hiện tại, đáng chú ý các chùa cổ của tỉnh, như:

          Chùa Núi Châu Thới ở núi Châu Thới, huyện Dĩ An. Chùa được Nhà nước phong là Di tích Danh lam – Thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 1612, sư Khánh Long là người mở đầu khai sơn, đặt tên chùa là Hội Sơn. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí có ghi: “chùa Hội sơn là chỗ thiền sư Long Khánh sáng tạo để tu hành” [15, tr.14]; chùa có cảnh quan rất đẹp. Sau này là nơi thăm quan và hướng tâm cầu nguyện của dân trong tỉnh và dân chúng lân cận vào những dịp lễ.

          Chùa Hưng Long lúc đầu có tên là bà Khai, do nhân dân tự đứng ra lập vào năm 1695 ở Tân Uyên. Chùa tu theo hệ phái Đại thừa. Nơi đây còn lưu pho tượng đồng A Di Đà cổ nhất, được đúc năm 1802, thiền sư Minh Lý Quảng Cơ và Minh Tịnh Bảo Châu có công gây tạo.

          Tổ đình Hội Khánh lưu lại công lao của Thiền sư Đại Ngạn, lập chùa vào năm 1741. Từ đó phái Liễu Quán cũng xuất hiện. Vì Ngài thuộc đời thứ 37. Tổ đình Hội Khánh theo chi phái Lâm Tế Chúc Thánh. Hòa thượng Từ Văn có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam. Năm 1920, ngài được mời qua Pháp để cầu siêu người Việt đi lính Pháp. Tổ đình trải qua 10 thế hệ trụ trì với 3 dòng phái khác nhau; chùa để lại di tích in kinh trên Mộc bản, được Bộ VHTT-DL công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Chùa Hội Khánh thuộc hệ phái Bắc tông thiết kế theo kiểu nhà 3 gian 2 chái liền nhau. Chánh điện, giảng đường, được theo lối “sắp đọi”, hình thức “trùng thiềm, điệp ốc”. Tức là kiến trúc này ảnh hưởng bởi việc xây dựng các ngôi đình, “chùa” ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII.

          Chi phái Lâm Tế của Hòa thượng Liễu Quán (1667 – 1742), người Phú Yên. Ngài và các thế hệ đệ tử có mối quan hệ mật thiết với đất Huế. Vì sự khai sơn các chùa tại Huế từ việc hoằng pháp của Ngài. Ngài có rất nhiều đệ tử đắc pháp, trí tuệ và từ bi xuất chúng, hạnh nguyện bồ-tát đạo lớn lao. Đệ tử của Ngài là Thiền Sư Đại Ngạn – Từ Tấn đã có công hình thành nên ngôi tổ đình Hội Khánh năm 1741 tại Thủ Dầu Một. Hòa thượng Đạo Trung – Thiện Hiếu khai sơn chùa Hưng Long năm 1768; rồi dần dần phát triển rộng thiền môn. Đặc biệt, thiền sư Thiện Hiếu (Tổ Sư, Tổ Đĩa) có tầm ảnh hưởng rất lớn tại miền Tây; có công khai sơn chùa Hội Lâm (Hóc Môn – Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Núi Bà Đen – Tây Ninh), trùng tu tổ đình Hội Khánh, chùa Bửu An (Bến Gỗ), chùa Núi Châu Thới. Trong đó, chùa Long Hưng là chùa Tổ Đĩa dựng tại Bến Cát. Năm 1774, Thiền Sư Tánh Khánh có công lập chùa Đức Sơn ở Thị xã Thủ Dầu Một.

          Phái Lâm Tế chánh tông tại Bình Dương nổi tiếng có Thiền sư Thiệt Thoại – Tánh Tường (1741 – 1817), ngài có công dựng chùa Long Thọ ở TP Thủ Dầu Một.

          Năm 1847, Hòa thượng Hải Tịnh (Tế Giác Quảng Châu), đệ tử Ngài Thiệt Thoại có công lập chùa Tân Hưng ở Thuận An. Ngài “ứng phú đạo tràng” rất tinh thông, am hiểu nhiều nền văn hóa và văn hóa Phật giáo tại miền Trung và Nam.

          Thời Pháp thuộc, Phật giáo Bình Dương chịu chung của hoàn cảnh đất nước. Đến năm 1931 “phong trào Chấn Hưng Phật giáo”, Bình Dương cũng tích cực tham gia các Hội, Đoàn của phong trào chấn hưng cả ba miền, nhất là miền Nam và miền Trung. Và Bình Dương xuất hiện thêm nhiều chùa.

          Các thiền sư qua các thế hệ ở tổ đình Hội Khánh từ năm 1741 đến thế kỷ XX gồm: (1) ngài Đại Ngạn. (2) Ngài Chân Kính – Minh Huệ (thuộc chi phái Lâm Tế, thứ 36). (3) ngài Toàn Tánh – Chánh Đắc, thuộc “đời 37, phái Lâm Tế, thế hệ thứ tư phái Chúc Thánh”153; đệ tử nối pháp có ngài “Chương Đắc – Trí Tập, trụ trì tổ đình Hội Khánh; Chương Nhân – Thiện Đức, trụ trì chùa Hội Sơn; Chương Lành – Nguyên Từ, trùng kiến chùa Bửu Nghiêm; Chương Tâm–Phước Thường, trụ trì chùa Tập Phước” v.v… 154. (4) Ngài Chương Đắc – Trí Tập, “đời 38 tông Lâm Tế, thế hệ thứ năm pháp phái Chúc Thánh”155. (5) Ngài Ấn Long – Thiện Qưới, ngài rất thông kinh luật, năm 1885 ngài cho khắc kinh Tam Bảo. Bộ Diệu Pháp Liên Hoa kinh Tri Âm (Pháp Hoa Tri Âm) là di sản của chùa Hội Khánh. (6) Ngài Chơn Thanh – Từ Văn, “đời 40 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ bảy của pháp phái Chúc Thánh”156; ngài có duyên tu học với tổ Huệ Lưu chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức) và nhiều vị khác. Năm 1920, chính quyền Pháp mời sang làm lễ cầu siêu. “ở cương vị Tăng thống, Ngài đóng một vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo nước nhà”157. Đáng chú ý, năm 1923, ngài cùng “cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cụ Tú Cúc Phan Đình Viện thành lập Hội Danh dự yêu nước tại tổ đình Hội Khánh”158. Ngài có nhân duyên lớn với nhiều chùa tại TP Hồ Chí Minh như: Giác Lâm, Giác Viên, Sắc Tứ Từ Ân, Trường Thạnh,…. Ngài có tầm ảnh hưởng lớn đối với Tăng Ni, Phật tử và giới lãnh đạo lúc bấy giờ. (7) Ngài Ấn Bửu – Thiện Quới. (8) Ngài Thị Huê – Thiện Hương, “HT Từ Văn cho Ngài đi thọ Cụ túc tại giới đàn chùa Giác Lâm, Chợ Lớn do HT Như Phòng– Hoằng Nghĩa làm Đàn đầu. Năm 1930, Ngài cầu pháp HT Từ Văn, với pháp hiệu Chơn Duyên, tự Từ Giác, được cử làm Thủ tọa”159, năm 1941, là trụ trì tổ đình Hội Khánh”. Ngài giữ nhiều chức vu quan trọng trong Tăng đoàn, làm “Đệ nhất Phó tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng”160. (9) Ngài Đồng Bửu – Quảng Viên, chuyên kinh luật. Ngài nổi tiếng dịch bộ kinh Lăng Nghiêm mang tính thiền học, nay không còn đầy đủ. Ngài tham gia nhiều chức vụ trong Tăng đoàn và tích cực tham gia các thiện pháp cho xã hội, ngài có đông đệ tử truyền thừa. (10) Ngài Nhựt Minh – Huệ Thông, là đệ tử cầu pháp của Hòa thượng Hồng Tín – Huệ Thành (Nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam), truyền thừa theo dòng kệ Lâm Tế Gia Phổ “Đạo Bổn Nguyên…”, thế hệ thứ 41.

          Nhiều đệ tử xuất thân từ Hội Khánh đi trụ trì tại các chùa khác như: “Chùa Phước Long” – Tp Thủ Dầu Một; Chùa Bửu Phước, ở Phúc Giáo, Chùa Phước Huệ, ở Phú Giáo; Chùa Phước Linh cũng ở huyện Phú Giáo; Chùa Hội An, ở Hòa Phú, Tp. Thủ Dầu Một… Tất cả đều trong tinh thần hành bồ-tát đạo, vô ngã vị tha, đặt lợi ích của Phật pháp chúng sanh lên trên. Nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh của trụ trì trong việc hoằng pháp, như Kinh Pháp Hoa nói: “Phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn với tất cả chúng sinh; Y Như Lai chính là lòng nhu hòa, nhẫn nhục; Tòa Như Lai chính là nhất thiết pháp không”161.

Kết luận

          Nhìn chung, Bình Dương hiện đang trên đà phát triển và vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Tôn giáo nơi đây khá đa dạng và phong phú. Trong đó Phật giáo đã và đang thể hiện tính chuyên tu, an dân hộ quốc. Điều này thể hiện qua việc định hướng lục hòa, giữ gìn giới luật thiền môn và sẵn sàng tùy phương tiện phúc lợi xã hội qua tứ nhiếp pháp, tứ vô lượng tâm trên tinh thần từ bi vô ngã để hành bồ-tát hạnh viên mãn các ba-la-mật.

          Tại Bình Dương, tất cả các hệ phái Phật giáo cùng chúng sống lục hòa, thích ứng với sự dung hợp tôn trọng lẫn nhau của các tông phái Phật giáo và tín những nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của văn hóa Phật giáo vùng miền trên tinh thần chung của Pháp và Luật Phật chế.

          Trên tinh thần lời dạy của đức Phật, “Tỳ kheo, cần phải học tập như sau: Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong hiện tại và đời sau. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm và tránh xa các tội”162. BTS tỉnh luôn phối hợp với các cấp ngành liên quan tạo điều kiệ tối đa cho Tăng Ni được chuyên tu và phụng sự.

          Chư Tăng Ni các thế hệ tại Bình Dương đều đã và đang hướng đến hoàn thiện các phẩm chất, đạo hạnh của người tu hướng đến đời sống giải thoát giác ngộ, an vui mình lợi người. Tăng Ni trong tỉnh luôn đề cao nếp sống phạm hạnh, thiểu dục tri túc, ham học hỏi, tinh tấn lục hòa, chung tay làm thiện pháp trong tinh thần xả ly, hướng đến mục tiêu giác ngộ giải thoát.

 

 

 

_Chú thích:

130. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý Trần, Nxb KHXH Hà Nội, tr.4.

131. Nguyễn Duy Hinh, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb KHXH, Hà Nội (649 – 650).

132. Hà Văn Tấn (2008), Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. ĐHQGHN, tr.2.

133. Kinh Trường Bộ (1991), Sđd, t.1, tr.662-663: (Kinh Trường Bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh).

134 Dẫn theo Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb Phương Đông, tr.31.

135 Bhikkhu Khantipālo, Giới Luật của hàng xuất gia (The Wheel Publication No 130/131 The Buddhist Monk’s Discipline), “Giải thích vài điểm cho người cư sĩ”, Người dịch: Phạm Kim Khánh, rằm tháng bảy năm Canh Tuất, 2514 —– http://phatgiaonguyenthuy.com/article/n/gioi-luatcua- hang-xuat-gia.html.

136 Thích Minh Châu (dịch) (2012), Trung bộ kinh III, Tiểu Kinh nghiệp phân biệt, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr.740.

137 Nārada Mahā Thera (2013), Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (dịch), Nxb Tổng Hợp Tp HCM, tr.285.

138 Thích Minh Châu (Dịch), Kinh Tương Ưng (2014), Tập 1, “Tương Ưng Ác Ma- Bẫy Sập”, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo, tr. 178.

139 Trần Quốc Vượng (cb) (1996), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.309.

140 Nhiều tác giả (2002), Miền Đông Nam bộ, lịch sử và Phát triển, bán nguyệt san Xưa & Nay, Nxb Thành Phố Hồ chí Minh, tr.52,53.

141 Trần Bạch Đằng (1999), Bình Dương 300 năm tiếp cận một vùng đất năng động, in trong sách Thủ Dầu Một – Bình Dương đất lành chim đậu, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bình Dương. Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr. tr.11.

142 Nhiều tác giả (1999), Đất lành chim đậu, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM, tr.51.

143 Trần Bạch Đằng (1999), Bình Dương 300 năm tiếp cận một vùng đất năng động, in trong sách Thủ Dầu Một – Bình Dương đất lành chim đậu, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bình Dương. Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.14.

144 Nhiều tác giả (1999), Đất lành chim đậu, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM, tr.52.

145 Trần Quốc Vượng (cb) (1996), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.154,155.

146 Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 279.

147 Tuyên Hóa (2006), Kinh Kim Cang (trọn bộ), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.39.

148 Tuệ Sỹ, (2010), Du Già Bồ-tát giới (Bodhisattvabhūmāv adhāre yogasthāne daśamaṁ Śīlapaṭalam), Nxb. Phương Đông, tr.30.

149 Giáo Hội “ Phật giáo Việt Nam” tỉnh Bình Dương (2017), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2017 – 2022, tr.51

150 Giáo Hội “ Phật giáo Việt Nam” tỉnh Bình Dương (2017), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2017 – 2022, tr.61.

151 Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb Phương Đông, tr.291.

152 Trần Hồng Liên chủ biên (2016). Phật giáo ở Bình Dương hiện trạng và lịch sử, Nxb Phương Đông, tr.19.

153 Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, tr.113.

154 Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử “ Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, tr.113.

155 nt, tr.113.

156 nt, tr.114.

157 nt, tr.114.

158 nt, tr.115.

159 nt, tr.118.

160 nt, tr.119.

161 Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập (Hán Dịch), Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (Việt Dịch), (2012), Kinh Pháp Hoa, Quyển 4: Phẩm “Pháp Sư” Thứ Mười, tr. 246.

162 ĐTKVN (1996), Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt, phần Hai loại tội, VNCPHVN, tr.94.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Trung bộ kinh III, Tiểu Kinh nghiệp phân biệt, Nxb Tôn giáo Hà Nội.
  2. Thích Minh Châu (Dịch), Kinh Tương Ưng (2014), Tập 1, “Tương Ưng Ác Ma- Bẫy Sập”, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo.
  3. Trần Bạch Đằng (1999), Bình Dương 300 năm tiếp cận một vùng đất năng động, in trong sách Thủ Dầu Một – Bình Dương đất lành chim đậu, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bình Dương. Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Trần Bạch Đằng (1999), Bình Dương 300 năm tiếp cận một vùng đất năng động, in trong sách Thủ Dầu Một – Bình Dương đất lành chim đậu, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bình Dương. Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Giáo Hội “ Phật giáo Việt Nam” tỉnh Bình Dương (2017), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2017 – 2022.
  6. Giáo Hội “ Phật giáo Việt Nam” tỉnh Bình Dương (2017), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2017 – 2022.
  7. Tuyên Hóa (2006), Kinh Kim Cang (trọn bộ), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  8. Nguyễn Duy Hinh, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb KHXH, Hà Nội, (tr.649 – 650).
  9. Kinh Trường Bộ (1991), Sđd, t.1, tr.662-663: (Kinh Trường Bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh).
  10. Trần Hồng Liên chủ biên (2016). Phật giáo ở Bình Dương hiện trạng và lịch sử, Nxb Phương Đông.
  11. Nārada Mahā Thera (2013), Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (dịch), Nxb Tổng Hợp Tp HCM.
  12. Nhiều tác giả (2002), Miền Đông Nam bộ, lịch sử và Phát triển, bán nguyệt san Xưa & Nay, Nxb Thành Phố Hồ chí Minh.
  13. Nhiều tác giả (1999), Đất lành chim đậu, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
  14. Nhiều tác giả (1999), Đất lành chim đậu, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
  15. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  16. Tuệ Sỹ, (2010), Du Già Bồ-tát giới (Bodhisattvabhūmāv adhāre yogasthāne daśamaṁ Śīlapaṭalam), Nxb. Phương Đông.
  17. Hà Văn Tấn (2008), Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. ĐHQGHN.
  18. Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb Phương Đông.
  19. Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb Phương Đông.
  20. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử “ Phật giáo Bình Dương”, Nxb Văn hóa văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
  21. Trần Quốc Vượng (cb) (1996), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  22. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý Trần, Nxb KHXH Hà Nội.
  23. Trần Quốc Vượng (cb) (1996), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  24. Bhikkhu Khantipālo, Giới Luật của hàng xuất gia (The Wheel Publication No 130/131 The Buddhist Monk’s Discipline), “Giải thích vài điểm cho người cư sĩ”, Người dịch: Phạm Kim Khánh, rằm tháng bảy năm Canh Tuất, 2514 —– http://phatgiaonguyenthuy.com/article/n/gioi-luat-cua-hang-xuat-gia.html.