Giáo dục truyền thống và đạo đức trong một số hoạt động của Phật giáo tỉnh Bình Dương (Nguyễn Thị Thu Thúy)

TẢI FILE PDF
—————–

          Tóm tắt: Qua 40 năm hình thành, ổn định và phát triển kể từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương (1983-2023), một trong những đóng góp quan trọng của Phật giáo tỉnh Bình Dương đó là hoạt động giáo dục đạo đức theo tinh thần Phật giáo, giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam cho Phật tử, Nhân dân nhất là thế hệ trẻ, góp phần hình thành nhân cách công dân sống trong “Thành phố thông minh” theo mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Dựa vào một số tài liệu về Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương và qua thực tiễn hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, bài viết xin nêu và phân tích vài khía cạnh về giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức trong một số hoạt động của Phật giáo tỉnh Bình Dương.

          Từ khóa: đạo đức, giáo dục, giáo hội, truyền thống

          1. Đặt vấn đề

          Thuộc miền Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương hiện nay có diện tích 2.694,42km2, dân số 2.599.253 người (trong đó 52% là dân từ các tỉnh đến làm ăn sinh sống) phân bố ở 91 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Về tôn giáo, toàn tỉnh có 8 tôn giáo đang hoạt động (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo, Phật giáo Hòa hảo và Giáo hội Mặc môn). Đối với Phật giáo, từ năm 1997 đến nay số lượng tín đồ và chức sắc, tu sĩ đều tăng mạnh (năm 1997 có 37.000 tín đồ, 338 chức sắc, tu sĩ; năm 2022 có 278.347 tín đồ và trên 500 chức sắc, tu sĩ)164, là tôn giáo có đông tín đồ nhất và phát triển nhanh nhất ở tỉnh Bình Dương.

          Từ sau thời kỳ bao cấp (năm 1986), với tư duy đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo. Quá trình ấy đánh dấu khởi đầu bởi Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VI) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới: “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của bộ phận Nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”165. Tiếp theo đó, Chỉ thị số 37- CT/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII) khẳng định: những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)chỉ rõ: khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện… trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục, khắc phục mê tín dị đoan; chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu. Hơn hai thập niên đầu thế kỉ XXI, có thể kể đến Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ IX (năm 2001), Đại hội lần thứ XI (năm 2011), Đại hội lần thứ XII (năm 2016) tái khẳng định giá trị của tôn giáo: phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo. Năm 2018, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới, nâng lên một bước nhận thức của Đảng về giá trị của tôn giáo: phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước. Gần đây nhất, Báo cáo chính trị của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) khẳng định toàn diện hơn về giá trị, vai trò của tôn giáo: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”166. Như vậy, nhận thức về vai trò của tôn giáo cũng có sự phát triển theo thời gian, từ nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo đến việc giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo cuối cùng coi tôn giáo là nguồn lực trong quá trình phát triển.

          Nắm vững quan điểm đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, dựa trên tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương khi xây dựng chương trình Phật sự trong từng nhiệm kỳ đều chú ý mối quan hệ gắn bó giữa “đạo” với “đời”, giữa Phật sự của Giáo hội với kế hoạch phát triển của địa phương, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Qua hơn 5 nhiệm kỳ hoạt động kể từ khi tái lập tỉnh Bình Dương (1997-2023), Phật giáo trên địa bàn tỉnh có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Trong đó đáng kể là kết quả hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện với những con số biết nói và những đóng góp khó thể hiện bằng con số là hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho tăng, ni, Phật tử đặc biệt là thế hệ trẻ trong và ngoài tôn giáo. 165Bộ

          2. Sự cần thiết của việc giáo dục truyền thống, đạo đức cho công dân Bình Dương

          Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo có những đóng góp trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật là các giá trị văn hóa, đạo đức. Giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng góp phần tạo lập sự đồng thuận xã hội, niềm tin tôn giáo. Ở một mức độ nào đó nó có tác động đến ý thức xã hội của con người, giúp củng cố và hình thành nên ý thức đạo đức, ý thức pháp luật. Trải qua hơn 1/4 thế kỉ kể từ khi tái lập tỉnh Bình Dương, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh theo đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng, Bình Dương đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên bên cạnh đó, Bình Dương cũng đối mặt với nhiều vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển và hội nhập. Đó là hiện tượng đạo đức, văn hóa xã hội trong gia đình, học đường và xã hội đáng báo động. Sự du nhập và chạy theo các trào lưu văn hóa mới đặc biệt trong các khu công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguy cơ làm cho các giá trị đạo đức bị pha tạp, xuống cấp. Trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều hiện tượng xã hội lệch chuẩn bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc, xa rời các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là trong bộ phận thanh thiếu niên. Không loại trừ sự xuống cấp về đạo đức lối sống còn do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực chống phá từ bên ngoài. Lợi dụng không gian mạng và công nghệ thông tin hiện đại, không ít tổ chức, cá nhân dùng tiền tài, vật chất đầu độc thanh thiếu niên, làm băng hoại đạo đức xã hội, cổ vũ lối sống thực dụng, hưởng lạc trong lớp trẻ.

          Nhận thức văn hóa, xã hội trong đó có vấn đề giáo dục truyền thống dân tộc, đạo đức lối sống nếu không phát triển ngang bằng kinh tế sẽ dẫn đến hệ lụy làm cản trở sự phát triển của kinh tế. Do vậy, trong nhiều năm qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương có những chính sách cụ thể cải thiện căn bản văn hóa xã hội, trong đó chú ý giáo dục truyền thống dân tộc, xây dựng đạo đức lối sống nhất là cho thế hệ trẻ. Trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện chủ trương nêu trên, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

          Nắm bắt tinh thần ấy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã có nhiều hoạt động khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo xem việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa con người Bình Dương và dân tộc Việt Nam là nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

          3. Một số hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức cho Phật tử, người dân, thanh thiếu niên trong và ngoài đạo

          – Đại Trai đàn Chẩn tế Cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 hàng năm:Đại lễ cầu siêu, thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh được tổ chức đều đặn để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập tự do và tương lai của dân tộc. Đến ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm, Ban Nghi lễ thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh có kế hoạch phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương dưới sự chứng minh của chư tôn đức BanThường trực Ban Trị sự tỉnh và các Ban Trị sự huyện, thị xã, thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Thanhniên…đều có mặt tham dự. Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi năm mà số lượng tăng, ni phật tử, đoàn viên thanh niên và các đối tượng khác dao động từ 500-2.000 người.

          – Hỗ trợ nghi thức cúng Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 23-11 hàng năm: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sau khi từ bỏ chốn quan trường chuyển sang dạy học và bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người. Theo một số tài liệu lịch sử địa phương, trên hành trình vào Nam Bộ, Cụ có thời gian lưu lại chùa Hội Khánh (làng Phú Cường, tỉnh Thủ Dầu Một) để hoạt động yêu nước và làm nghề bốc thuốc nam. Cùng với Hòa thượng Từ Văn và một số nhà sư yêu nước, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thành lập “Hội Danh dự yêu nước” (năm 1923). Dấu ấn của Cụ Phó bảng trên đất Thủ Dầu Một là điểm nhấn trong lịch sử ngôi chùa Hội Khánh và lịch sử Phật giáo Bình Dương. Hàng năm, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và chùa Hội Khánh tổ chức khoảng 500-1500 người.

          – Đại Trai Đàn chẩn tế để cầu siêu bạt độ cho chư vong linh tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương vào dịp Tiết Thanh Minh hàng năm: Sự kiện này còn được gọi là Tết Thanh minh là một trong số 24 tiết khí theo lịch Âm, diễn ra đầu tháng 4 âm lịch khi tiết xuân phân kết thúc đến khi tiết cốc vũ bắt đầu. Theo phong tục, vào những ngày sáng sủa quang đãng nhất, mọi người cùng nhau sửa sang dọn dẹp phần mộ của ông bà tổ tiên và người thân đã khuất. Tết Thanh minh là một phong tục truyền thống có tính nhân văn, nhắc nhở chúng ta sống hướng về cội nguồn, niệm tâm tri ân, tỏ lòng thành kính của mình đối với những người đi trước. Ở tỉnh Bình Dương, sự kiện này diễn ra vào Tiết Thanh minh Hoa viên nghĩa trang Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát) thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.

          – Khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên học sinh sau khi kết thúc một năm học. Khóa tu mùa hè tạo cơ hội quý báu để xây dựng nét đẹp đạo đức, lễ nghĩa trong tâm hồn tuổi thơ, góp phần hình thành kỹ năng sống đồng thời giúp các em có sự an toàn, tránh được những trò chơi, những hoạt động không có ích hoặc gặp nguy hiểm trong dịp hè. Nhiều đạo tràng tại các tự viện tổ chức được khóa tu với những chủ đề khác nhau như: “Sen thanh mùa hạ”, “Hạt giống từ tâm”, “Tuổi trẻ hướng Phật”,“Về lại __________Quan Âm”…Mỗi khóa tu tùy nơi có thể dao động từ 100-1000 em, gộp lại trên toàn tỉnh con số này rất đáng kể.

          – Đại lễ Phật đản được cử hành từ mùng 5 đến 14 tháng 4 âm lịch hàng năm với một chuỗi chương trình: thắp hương tưởng niệm trước Đài Liệt sĩ tỉnh; Đêm văn nghệ chào mừng Phật Khánh đản; Lễ rước kiệu Phật đản sinh; Đại lễ Chào mừng Phật Khánh đản vào ngày rằm tháng 4; Chương trình thả chim bồ câu, bong bóng và cầu nguyện hòa bình; phát quà tình thương cho đồng bào nghèo… Đây là sự kiện lớn không chỉ của Phật giáo mà của toàn dân, thu hút hàng triệu người tham gia.

          – Một số hoạt động theo chủ đề, không thường xuyên cũng được Ban Trị sự Tỉnh hội quan tâm tổ chức như:

          + Ban trị sự Tỉnh hội tổ chức lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc, chào mừng sự kiện Đại lễ Vesak lần thứ nhất do Việt Nam đăng cai tại Khu du lịch Đại Nam (năm 2008) với sự tham dự của hơn 30.000 người, lần thứ hai tại chùa Hội An (2014) với hơn 30.000 người tham dự, lập kỉ lục về số lượng người tham dự.

          + Ngày 28-5-2014, thực hiện tinh thần thông bạch của Trung ương Giáo hội số: 133/TB/HĐTS, phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh long trọng tổ chức lễ “Cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông”, “Chương trình góp đá xây Trường Sa” thu hút hang ngàn người dự.

          + Đại lễ Cầu siêu các hương linh bị tử vong vì tai nạn giao thông. Ngày 11-11- 2017, Đại lễ Cầu siêu các hương linh bị tử vong vì tai nạn giao thông do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia giao Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức tại chùa Hội Anthu hút hàng nghìn gia đình nạn nhân bị tai nạngiao thông, bà con Phật tử trong và ngoài tỉnh đồng về tham dự.

          + Ngày 19-11-2021, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp tổ chức Lễ cầu siêu tưởng niệm đồng bào tử vong và các chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 tại chùa Hội An167 với hàng vạn người tham gia.

          + Làm lễ Hằng thuận tại một số chùa (Hội Khánh, Hội An, Hương Nghiêm, Phổ Thiện Hòa, Long Thắng…) cho nhiều cặp vợ chồng là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc có cô dâu, chú rể là người nước ngoài. Lễ là sự kiện tạo dấu ấn sâu đậm, nhắc nhở đôi vợ chồng sống hòa thuận, tương kính nhường nhịn lẫn nhau, cùng làm tròn trách nhiệm bổn phận của người vợ, người chồng trong đời sống gia đình, đối với ông bà cha mẹ và con cái đồng thời hướng đến con đường tu tập giác ngộ.

          + Hưởng ứng phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tăng ni Phật tử trong toàn tỉnh tham gia đông đảo và được lãnh đạo địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Riêng nhiệm kỳ VIII có 6 vị tăng, ni thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh được nhận được Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh về những tấm gương cá nhân tiêu biểu trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. +

          Tổ chức các hội thảo khoa học, xuất bản sách báo tuyên truyền như: ngày 1- 11-2011 Ban Trị sự Tỉnh hội tổ chức hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam 30 năm phát triển và đồng hành cùng dân tộc”; ngày 29-11-2015, tại Trung tâm văn hóa Tượng Phật Niết Bàn chùa Hội Khánh, Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo “Tiểu sử, thân thế và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”; ngày 16-6-2020, Ban Trị sự Tỉnh hội phối hợp với Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức hội thảo “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc”; xuất bản nhiều ấn phẩm như: Sơ thảo Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Những ngôi chùa Bình Dương quá khứ và hiện tại, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Lưu Hương Diễn Nghĩa bảo quyển ghi chú, Lịch sử Phật giáo Bình Dương và nhiều ấn phẩm khác. Bản tin Hương Sen ra mắt đều đặn 1.000 bản mỗi kỳ, số đặc biệt xuất bản đến 2.000 bản. Trang thông tin điện tử của Giáo hội hoạt động thường xuyên, đề tài phong phú, cập nhật có hiệu quả trong công tác Phật sự và hữu ích cho người quan tâm.

          + Phong trào Hiến máu nhân đạo hàng năm cũng thu được kết quả khả quan, góp phần chia sẻ những khó khăn của các bệnh viện và bệnh nhân gặp số phận không may cần phải truyền máu. Ngoài ra còn nhiều hoạt động khác cũng thể hiện tinh thần giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lòng nhân ái giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

          4. Kết luận

          Từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra quan điểm, nhìn nhận mới về tôn giáo, xác định Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của bộ phận Nhân dân, còn tồn tại lâu dài và có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Gần đây, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu quan điểm cần phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước luôn xem trọng giá trị của nguồn lực tôn giáo,khẳng định vai trò và đóng góp to lớn của tôn giáo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triểnđất nước.

          Trên phạm vi tỉnh Bình Dương, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh chú trọng phát triển kinh tế nhưng không xem nhẹ sự phát triển bền vững về xã hội. Trong đó luôn quan tâm tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có môi trường hoạt động bình thường nhằm đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của địa phương.

          Năng động và nhạy bén trước những chuyển biến nhanh chóng về kinh tế – xã hội địa phương, nhiều năm qua Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương xây dựng chiến lược Phật sự bảo đảm những yêu cầu phát triển về tôn giáo đồng thời phù hợp với sự phát triển của kinh tế – xã hội địa phương, đồng hành và tích cực chia sẻ trách nhiệm với xã hội trong mọi hoạt động, vì lợi ích và vì mục tiêu phấn đấu của tỉnh nhà.

          Có thể nói, đóng góp lớn nhất của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương cho sự phát triển của tỉnh là lĩnh vực hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện tăng nhanh qua mỗi năm và mỗi nhiệm kỳ. Cùng với đó, Giáo hội Phật giáo địa phương cũng rất chú trọng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho Tăng Ni, Phật tử và người dân đặc biệt là thanh thiếu nhi. Bằng những hoạt động đầy ý nghĩa, với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả, những hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức của Giáo hội Phật giáo tỉnh có sức lan tỏa đáng kể trong cộng đồng và tin tưởng sẽ góp phần tạo nền tảng ổn định, bền vững nhằm xây dựng thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai./.    

 

 

 

_Chú thích:

 *Ban Tôn giáo(Sở Nội vụ) tỉnh Bình Dương, email: nguyenthuthuybtg@gmail.com

164. Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương (2022), Tài liệu thống kê Tôn giáo tỉnh Bình Dương (lưu hành nội bộ)

165. Bộ Chính trị (1990), Nghị quyết 24/NQ-TW, ngày 16-10-1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới.

166. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập 1. Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, tr.171.

167. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương (2022), Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X (2022-2027), tr.39   Tài liệu tham khảo Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương (2022), Tài liệu thống kê Tôn giáo tỉnh Bình Dương (lưu hành nội bộ) Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương (2022), Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X (2022-2027). Bộ Chính trị (1990), Nghị quyết 24/NQ-TW, ngày 16-10-1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập 1. Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội