Dẫn nhập: “Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm170” – Đó chính là tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong hành trình nhập thế. Tìm hiểu Lục độ của hàng Bồ- tát và pháp Tứ nhiếp có thể thấy, bố thí là một hạnh tu rất được coi trọng trong Phật pháp. Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tham gia tích cực vào công tác từ thiện, đồng hành cùng Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Trên hành trình nhập thế này của Phật giáo Việt Nam, có sự đóng góp khá ấn tượng của GHPGVN tỉnh Bình Dương.
Từ khóa: GHPGVN tỉnh Bình Dương, Tự lợi lợi tha, Hạnh bố thí, Từ thiện.
1. Hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Trong Tăng Chi bộ, Đức Phật dạy các môn đệ của mình: “Này các Tỳ-kheo, có tám sự bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch; cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận; cho luôn luôn; khi cho tâm tịnh tín; sau khi cho tâm luôn hoan hỷ”. “Có năm lợi ích của bố thí: được nhiều người ưa thích mến mộ; được thiên nhân và các bậc chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi lành thiên giới”171. Điều này cho thấy, bố thí bao hàm cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha – Có nghĩa là: Làm việc gì cũng cần phải vừa tốt cho mình, vừa lợi cho người. Những hành động trong cuộc sống làm tổn hại cho người lợi mình hay ngược lại (lợi người tổn hại mình bàn thân) đều không được khuyến khích.
Phật giáo Việt Nam đã tham gia tích cực nhập thế trên mọi phương diện. Trong hoạt động từ thiện, các bậc tu hành không chỉ chữa bệnh về tinh thần, mà còn chữa bệnh về thể xác. Các nhà sư ở nhiều chùa thường tổ chức khám chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí; Tham gia làm đường, sửa cầu, dạy học; giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa; tham gia chống thiên tai như hạn hán, lũ lụt. Trước những thử thách của lịch sử hoặc khi vận mệnh quốc gia dân tộc bị đe dọa, họ đã tham gia một cách quyết liệt “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, cùng toàn dân tộc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ non sông đất nước. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, GHPGVN đã thực hiện hoạt động từ thiện với hơn 12.346 tỷ đồng172. Những hoạt động ý nghĩa này đã tạo hiệu ứng dư luận tốt và đã tạo thành phong trào, thu hút nhiều người tham gia.
Có hai loại hình từ thiện phổ biến của GHPGVN là hoạt động hỗ trợ đột xuất (không cố định) và hoạt động hỗ trợ thường xuyên (cố định). Những khi thiên tai, lũ lụt – đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, GHPGVN đã kịp thời cứu trợ bằng hoạt động thiện nguyện, quyên góp, ủng hộ để chia sẻ, giúp đỡ đồng bào chịu thiệt hại. Các đoàn cứu trợ của GHPGVN lần lượt đến thăm hỏi, động viên và trao tặng quà với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Trong thời kỳ diễn ra đại dịch COVID-19, hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GHPGVN đã tập trung nguồn lực ủng hộ trong cuộc chiến chống dịch bệnh Corona từ năm 2020 – 2022 tới hàng trăm tỷ đồng. Đã có nhiều Tăng, Ni, phật tử tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch với vai trò phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung173 tại TP Hồ Chí Minh174 và các tỉnh phía Nam. Các Tăng, Ni ở nhiều ngôi thiền tự đã được tình nguyện cho chính quyền sử dụng tạm thời làm nơi cách ly cho bệnh nhân COVID-19, làm nơi trú chân cho các tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch. Cùng với cộng đồng chung tay chiến thắng đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình an, họ và các phật tử nhiệt tình tham gia phong trào “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch”. Các siêu thị 0 đồng, ATM gạo, lương thực, thực phẩm, hàng hóa nhu yếu phẩm… đã được chuyển đến các khu cách ly, vùng tâm dịch… Nhờ đó, những người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh đã được cứu trợ kịp thời. Khẩu trang, nước sát khuẩn, kít thử COVID-19, máy thở, máy tạo ô-xy, phòng áp lực âm và nhiều trang thiết bị y tế … cũng được GHPGVN mua để ủng hộ các cơ sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC các tỉnh/TP: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Long An, Bình Dương… Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, GHPGVN đã trao và ủng hộ chuyển 2 tỷ đồng vào tài khoản Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, Ban Trị sự GHPGVN tại nhiều tỉnh/thành phố trao cho Mặt trận Tổ quốc hàng hóa nhu yếu phẩm dược (trị giá hàng trăm tỷ đồng) để cứu trợ cho đồng bào khó khăn, đối tượng yếu thế, cũng như ủng hộ các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch. Giáo hội đã trao và ủng hộ chuyển vào tài khoản Quỹ Vắc xin của Chính phủ 3,5 tỷ đồng. Ủng hộ 10 máy thở đa năng cho TP Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương, ủng hộ cho tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Bệnh viện K… trị giá hàng chục tỷ đồng175.
Loại hình từ thiện thường xuyên được tiến hành theo đối tượng nhận từ thiện. Việc triển khai hoạt động sẽ cố định vào những dịp nào đó có ý nghĩa gắn với người thụ hưởng giá trị từ thiện. Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ hằng năm, GHPGVN tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp thương binh, gia đình liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng; tổ chức các chương trình tri ân các anh hùng liệt sỹ, hoạt động về nguồn, giúp đỡ đồng đội… Với các chiến sĩ nơi biên cương bảo vệ tổ quốc – Đặc biệt là ở vùng hải đảo, GHPGVN thường tổ chức những chuyến thăm hỏi tận nơi và trao những phần quà đầy ý nghĩa. Đã có nhiều chuyến vượt biển đây gian nan của các nhà sư đến hỏi thăm, động viên các chiến sỹ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc…
Dưới sự chỉ đạo của GHPGVN, các Tăng, Ni của 63 tỉnh thành trong cả nước đã nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội. Điểm nổi trội là hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật. Hiện nay, GHPGVN đã tạo lập được 50 cơ sở dành cho hoạt động này. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở khám chữa bệnh được thành lập. GHPGVN hiện quản lý trên 150 Tuệ Tĩnh đường, hơn 655 phòng chẩn trị y học cổ truyền dân tộc, 1 trung tâm khám đa khoa Tây y hoạt động có hiệu quả. Hàng năm khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục vạn lượt bệnh nhân. Trung tâm Tư vấn người nhiễm HIV/AIDS… trong hệ thống GHPGVN đều hoạt động ổn định, có kết quả176.
Tại các tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN đã tổ chức trong cả nước 12 lớp học tình thương; 49 cơ sở trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, phục hồi chức năng, nuôi trẻ em ảnh hưởng chất độc màu da cam; 15 trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn; 2 trường dạy nghề đào tạo các nghề phổ thông cho hàng nghìn học viên mỗi năm. Nhiều trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em, trường nuôi dạy trẻ em bất hạnh, khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam đã được xây dựng với sự chung tay của các Tăng, Ni. Điều này góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em và cho xã hội và nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội.
Một hoạt động mang tính thường xuyên hơn là việc phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học. Hình ảnh các nhà sư gần gũi và giản dị hiện hữu trong cuộc sống thường nhật cùng người dân, đồng hành với họ thật quen thuộc. Theo giáo lý đạo Phật, Lục độ Ba-la-mật là pháp tu của hàng Bồ-tát. Đây được hiểu một cách khái quát là sáu phương tiện đưa người qua bờ bên kia, tức từ bờ mê qua bờ giác. Trong lục độ, độ đầu tiên là thực hành bố thí. Khi tìm hiểu về Phật giáo, mọi vấn đề xoay quanh tôn giáo này đều là vì “chúng sinh”. Sự tham gia trong các hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn, đồng thời còn biểu hiện quan trọng chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Thông qua hành đạo, tôn giáo này không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng những liệu pháp tinh thần, mà còn cả sự hỗ trợ vật chất thông qua việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Những hoạt động của GHPGVN trong việc chung vai cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội có ý nghĩa lớn lao, thực hiện an sinh và đảm bảo công bằng xã hội. Điều này góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khắc sâu hình ảnh đẹp của các vị sư trong đời sống người dân Việt. Có thể thấy, trong tinh thần hòa hợp đoàn kết-phụng đạo-yêu nước, GHPGVN đã đề ra chương trình hoạt động phù hợp tâm tư, nguyện vọng của Tăng, Ni, phật tử Việt Nam.
2. Những con số ấn tượng trong hoạt động từ thiện của GHPGVN tỉnh Bình Dương
Tỉnh Bình Dương có 09 huyện, thị, thành phố và hoạt động Phật sự ở đây thuộc sự quản lý của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương177. Với vai trò, trách nhiệm của một người đứng đầu Ban Trị sự GHPGVN tại Bình Dương, hòa thượng Thích Huệ Thông đã vận động các cơ sở tự viện, Tăng, Ni, phật tử hòa hợp, đoàn kết, sống và làm việc theo Hiến chương GHPGVN; chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Tu sĩ Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tham gia tích cực trong những hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, thực hiện lối sống văn hóa khu dân cư. Do đó, những phần tử xấu đã khó có cơ hội tiếp cận giáo đồ đạo Phật để có thể tuyên truyền, phá vỡ khối đoàn kết cộng đồng cũng như gây khó khăn cho các hoạt động của Giáo hội.
Dưới sự dẫn dắt của Ban trị sự GHPGVN tại Bình Dương, các giáo đồ đạo Phật một lòng tin tưởng vào trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết của chư tôn đức Tăng, Ni, phật tử. Chính điều này đã tạo nên sự gắn kết thành một khối nhất quán, vững mạnh. Nhờ đó, Phật giáo tại Bình Dương từng bước ổn định, phát triển; tham gia nhiệt tình, hiệu quả cao và đã đóng góp rất lớn cho công tác an sinh xã hội.
Để có thể triển khai những hoạt động từ thiện mang tính sâu-rộng, GHPGVN tại tỉnh Bình Dương đã huy động được nguồn lực khá lớn từ công tác “xã hội hóa”. Khi Ban trị sự GHPG tỉnh kêu gọi các tự viện chung vai cùng chính quyền các cấp, đẩy mạnh việc tham gia giải quyết những vấn đề xã hội, chư tôn đức Tăng, Ni và phật tử trên địa bàn tỉnh đã rất nhiệt tình trong hoạt động từ thiện xã hội. Khi được hỏi về quan điểm của GHPG tỉnh Bình Dương về vấn đề từ thiện, HT Thích Huệ Thông nhẹ nhàng giải thích cho chúng tôi: “Người đệ tử Phật tùy duyên bố thí mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày. Tự lợi và lợi tha178. Bố thí ngoài mục đích cho người còn có ý nghĩa quan trọng là cho mình”179. Ngoài nguồn tài chính dành dụm được của tu sĩ, những ngôi tự viện còn huy động nguồn lực từ tín đồ và sự đóng góp của các mạnh thường quân, của nhiều đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, GHPGVN tỉnh Bình Dương đã huy động được hàng chục tỷ đồng phục vụ cho hoạt động từ thiện và trong đó, có công lao đáng kể của người lãnh đạo Phật giáo ở địa phương. “Tính riêng trong 5 năm trở lại đây (2010 đến 2015-TG), TT Thích Huệ Thông đã vận động khoảng 8 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội. Trong đó có 70 căn nhà đại đoàn kết, mổ tim bẩm sinh và các hoạt động khác”180.
Năm 2019, GHPGVN tỉnh Bình Dương đã huy động được hơn 45 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động từ thiện. Trong số này, riêng Ban Từ thiện PGVN tỉnh Bình Dương vận động hơn 7,6 tỷ đồng. Trong dịp lễ Phật đản năm 2019, hòa thượng Huệ Thông trực tiếp ủng hộ và kêu gọi đóng góp xây dựng nhà tình thương và trao quà cho học sinh nghèo. Sự hưởng ứng của Tăng, Ni, phật tử và nhân dân Binh Dương đã khiến cho cuộc vận động đạt kết quả mong đợi: 12 căn nhà tình thương; 100 chiếc xe đạp trao tặng trẻ em nghèo; trao tặng 100 học bổng cho học sinh nghèo và 500 phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn… tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng181.
Từ năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Phật giáo Bình Dương đã tăng cường đẩy mạnh nhiều hoạt động từ thiện. Với sự chung tay của phật tử, các nhà hảo tâm, GHPGVN tại Bình Dương đã quyên góp và ủng hộ cho người dân trong tỉnh số tiền 2.280.000.000 đồng, 15.000 khẩu trang y tế, 2.000 chai dung dịch sát khuẩn phục vụ các hoạt động phòng/chống dịch. Đồng thời, Ban trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã huy động được nguồn lực trong cộng đồng hơn 40 tấn gạo, 35.000 quả trứng để đóng góp vào Chương trình ATM gạo được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật nhập Niết bàn – chùa Hội Khánh (ngày 22-26/4/2020).
Các hoạt động hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ gây ra và nhiều chương trình phúc lợi cho cộng đồng được triển khai thường xuyên và kịp thời. Chư tôn đức Tăng, Ni và phật tử Bình Dương đã không quản khó khăn, vất vả để đến tận vùng bão lũ, trao quà cho bà con gặp nạn. Hoạt động xây dựng mái ấm tình thương vẫn được duy trì. Đây là quà tặng của GHPG Bình Dương trao gửi những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tổng giá trị nguồn lực cho các hoạt động từ thiện của GHPGVN tỉnh Bình Dương năm 2020 gần 60 tỷ đồng. Trong dịp Tết 2021, hòa thượng Thích Huệ Thông thay mặt BTS Phật giáo tỉnh dành tặng 15.425 phần quà (tương đương 05 tỷ đồng) nhân dịp chương trình “Tết Vì Người Nghèo” năm 2021 do Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương tổ chức. Riêng chương trình từ thiện của hòa thượng Huệ Thông và tổ đình Hội Khánh ước tổng trị giá là 5 tỷ đồng. Dự Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự năm 2020 của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức, ông Trần Đức Thịnh – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương có lời tán dương công đức của chư tôn đức Tăng, Ni với những thành tựu Phật sự mà GHPGVN tỉnh Bình Dương đã đạt được. “Trong năm 2020, Phật giáo Bình Dương đạt được một số hoạt động Phật sự nổi bật, để lại dấu ấn trong Tăng, Ni, phật tử và nhân dân tỉnh nhà. Đặc biệt là, lãnh đạo Giáo hội các cấp và Tăng, Ni trụ trì các cơ sở tự viện đã chung tay với địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt của các tự viện, nhưng các Tăng Ni và Phật tử tỉnh Bình Dương luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội, đặc biệt là vận động, ủng hộ các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; ủng hộ đồng bào miền Tây bị xâm nhập mặn; ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt… Tổng giá trị công tác từ thiện xã hội mà Phật giáo tỉnh nhà đã thực hiện trong năm qua đạt gần 60 tỷ đồng; nhất là 15.425 phần quà “Tết cho người nghèo” trị giá gần 05 tỷ đồng là một con số vô cùng ý nghĩa”182. Lời phát biểu của vị Trưởng ban Tôn giáo tỉnh đã ghi nhận về những đóng góp của GHPGVN tỉnh Bình Dương trong việc chung tay với chính quyền giải quyết các vấn đề xã hội.
Trong 5 năm: 2016- 2020, GHPG Bình Dương có nhiều hoạt động từ thiện, cứu trợ đồng bào thiên tai lũ lụt, thăm tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình neo đơn, người khuyết tật, tết vì người nghèo… với kết quả rất đáng phấn khởi. Do đó, ngài đã được lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh và Ban trị sự TW GHPGVN ghi nhận và đánh giá cao trong việc phối hợp cùng Nhà nước, các cấp chính quyền giải quyết nhiều vấn đề xã hội.
Bước sang năm 2021, GHPGVN tại Bình Dương đã đạt được thành tựu đáng kể trong các hoạt động nhập thế. Con số 100 tỷ được GHPG Bình Dương huy động riêng cho phòng chống dịch COVID-19 tính đến năm 2021, thực sự là một đóng góp không hề nhỏ. Tác giả bài viết “Phật giáo Bình Dương phát triển trên nền tảng kế thừa đoàn kết và hòa hợp” cho biết: “Trên 100 tỷ đồng đã được quyên góp ủng hộ cho các công tác liên quan tới phòng chống dịch COVID-19”183.
Năm 2022, GHPG tại Bình Dương huy động nguồn lực cho hoạt động từ thiện xã hội khá lớn. Trong Báo cáo tổng kết Phật sự năm 2022 đọc tại Hội nghị tổng kết công tác Phật sự năm 2022, triển khai phương hướng hoạt động năm 2023, thượng tọa Thích Huệ Tín (Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương) cho biết: “Năm qua (2022-TG), Phật giáo tỉnh Bình Dương đã hoạt động đạt được nhiều thành quả. Đặc biệt, công tác từ thiện xã hội thực hiện được gần 54 tỷ đồng”184.
Tổng kết chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ IX (2016-2021), GHPGVN tại Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu rất đáng trân trọng. Trong các kết quả đó, đáng kể nhất phải kể đến hoạt động từ thiện với tổng trị giá hơn ba trăm tỷ đồng. Trong văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 (03/01/2022), ghi rõ: “Về công tác từ thiện xã hội, trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo Bình Dương đã thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa, với tổng trị giá gần 335 tỷ đồng…”185. Trong số này, nguồn lực được huy động cho hoạt động phòng/chống dịch COVID-19 trong nhiệm kỳ IX của GHPG ở Bình Dương lên tới 112 tỷ đồng186.
Có một điều đáng lưu ý là, ngoài số tiền đóng góp cho hoạt động từ thiện trong nhiệm kỳ VIII (2016-2021) là 335 tỷ đồng, trong năm 2022, GHPG Bình Dương lại góp thêm 54 tỷ đồng187 phục vụ hoạt động nhân văn này. Như vậy, số tiền mà GHPGVN tỉnh Bình Dương huy động dành cho từ thiện từ năm 2016 đến năm 2022 là 409 tỷ đồng. Điều đặc biệt hơn khi mà 3 năm cuối của hành trình này, đại dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành dữ dội, khiến sức khỏe và tính mạng con người bị đe dọa nghiêm trọng – nhất là đối tượng trẻ em và thanh-thiếu niên188. Đại dịch COVID-19 đã làm cho nền kinh tế của đất nước bị suy thoái nghiêm trọng, khiến an sinh xã hội bị giảm sút189. Do đó, 409 tỷ đồng được huy động trong 5 năm quả là một con số vô cùng ấn tượng. Đi sâu vào tìm hiểu chúng ta thấy, cùng với thời gian, ngân quỹ của GHPG Bình Dương dành cho hoạt động từ thiện dường như được nâng lên theo cấp số cộng. Đây không phải là điều dễ dàng tìm thấy khi chúng ta tìm hiểu về hoạt động từ thiện ở các địa phương khác. Hơn nữa, đặt 409 tỷ đồng đóng góp cho từ thiện của GHPGVN tại Bình Dương trong tương quan chung của nguồn lực mà GHPGVN ở 63 tỉnh thành huy động được (12.346 tỷ đồng) mới thấy sự nhiệt tình của Tăng, Ni, phật tử và nhân dân địa phương dành cho các hoạt động nhân đạo là rất lớn. Nhìn vào hành trình, nhìn vào nỗ lực và sự nhiệt tâm của Ban Trị sự GHPGVN tại Bình Dương cùng chư tôn đức Tăng, Ni, phật tử Bình Dương cho thấy, 409 tỷ đồng là kết quả hiển nhiên. Thành tựu nói trên thể hiện tính nhân văn sâu sắc của các giáo đồ đạo Phật và nhân dân trong tỉnh đã cùng chung vai với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương trong công tác từ thiện, từ đó tăng cường khối đoàn kết toàn dân.
Có thể thấy, chư tôn đức Tăng Ni tỉnh Bình Dương đã hoàn thành xuất sắc những hoạt động Phật sự, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân địa phương giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Điều này có ý nghĩa gắn kết Phật giáo với nhân dân Bình Dương, gắn kết Phật giáo với chính quyền địa phương và góp phần vào việc xây dựng GHPGVN tỉnh Bình Dương ngày một vững mạnh.
“Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm”190 (Tâm của muôn loài tức Phật tâm). Đi đến giác ngộ bằng phương cách như vậy cho thấy, Phật giáo Việt Nam đã mang trong mình tinh thần yêu nước. Điều hiển nhiên, vì thương dân mà bậc quân vương hay nhà tu hành chân chính đều phải lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Đến đây, chúng tôi đã hiểu căn nguyên sâu sa để dẫn Phật giáo Việt Nam đến chủ nghĩa yêu nước chân chính. Các hoạt động nhập thế tích cực của Tăng, Ni và phật tử Bình Dương ở trên cho thấy, họ là những môn đệ vô cùng xuất sắc của Đức Thế tôn. Với các thành tựu đạt được, hòa thượng Thích Huệ Thông đã vinh dự thay mặt cho GHPGVN tỉnh Bình Dương đón nhận Kỷ niệm chương về thành tích trong công tác Phật sự, từ thiện xã hội của Thủ tướng Chính phủ191.
Kết luận
Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc với những hoạt động nhập thế tích cực. Việc tham gia hoạt động từ thiện của các giáo đồ đạo Phật có thể hiểu là họ đang thực hành hạnh tu bố thí trong tôn giáo của mình. Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban Trị sự GHPG tỉnh Bình Dương, nhà tu hành, phật tử và người dân địa phương đã chung vai cùng chính quyền trong hoạt động từ thiện, giải quyết được nhiều vấn đề xã hội. Những hành động đẹp đó của Phật giáo Bình Dương khiến cho mọi người suy nghĩ về các đề trong cuộc sống một cách bao dung hơn, sâu sắc hơn và nhận thấy cuộc sống thực tại thật đẹp – đúng như lời chia sẻ của nhà sư Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương Thích Huệ Thông : “Niết bàn nằm ngày trong thế giới trần tục. Con người muốn đạt đến đích đó (Niết Bàn – TG), tốt nhất nên bằng con đường trần tục như nó vốn thế!”192.
_Chú thích:
168. NNC. Nguyễn Tùng Thảo Chi, Phường Xuân Đỉnh, Quận: Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
169. TS. Bùi Thị Ánh Vân – Trường Đại học KHXH và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
170. Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm nghĩa là: Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình.
171. Kinh Tăng Chi bộ (Anguttara Nikaya), Người dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu,
https://thuvienhoasen.org/images/file/IsHYhp1G0QgQAHB1/tang-chi-bo-kinh.pdf, ngày truy cập: 18/3/2023.
172. Ban Từ thiện – Xã hội Trung ương thực hiện công tác từ thiện hơn 12.346 tỷ đồng trong nhiệm kỳ VIII, https://giacngo.vn/ban-tu-thien-xa-hoi-trung-uong-thuc-hien-cong-tac-tu-thien-hon-12346-ty-dong-trong-nhiem-ky-viii-post63870.html, 14/9/2022, ngày truy cập: 30/3/2023.
173 Ngày 16/10/2021, Ủy ban nhân dân Quận 11 tổ chức Lễ khánh thành, đưa vào hoạt động Bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 Quận 11 tại địa chỉ số 278 – 284 Lãnh Binh Thăng, Phường 11, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh
174 Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (2021), Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 quận 11 chính thức ra mắt, https://medinet.gov.vn/tin-tuc-su-kien/benh-vien-thu-dung-dieu-tri-covid-19-quan-11-chinhthuc- ra-mat-so-y-te-hcm-c1780-50669.aspx, 18/10/2021, ngày truy cập: 25/3/2023.
175 Kim Thanh (2021), Từ thiện là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/tu-thien-la-mot-trong-nhung-cong-tac-trong-tam-cuagiao-hoi-phat-giao-viet-nam-190198.html, 02/11/2021, ngày truy cập: 30/3/2023.
176 Kim Thanh (2021), Từ thiện là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài liệu đã dẫn.
177 Xem: Trang Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, Tổng biên tập: HT Thích Huệ Thông, https://phatgiaobinhduong.com/, ngày truy cập: 02/4/2023.
178 Tự lợi với lợi tha là làm cho chính mình và tha nhân đạt được lợi ích an lạc.
179 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn HT.TS. Thích Huệ Thông (Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa Khánh Hội, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), 03/4/2023, tài liệu cá nhân.
180 Quỳnh Như (2015), Thượng tọa Thích Huệ Thông: Người luôn đề cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết…, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/thuong-toa-thich-hue-thong-nguoi-luon-de-cao-tinh-than-hoa-hopdoan-ket–a128557.html, 08/10/2015, ngày truy cập: 16/3/2023.
181 Xem:
– Quỳnh Như (2020), Lan tỏa tình thương từ đạo đến đời, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/lan-toa-tinhthuong-tu-dao-den-doi-a232022.html, 02/10/2020, ngày truy cập: 26/3/2023.
– Quỳnh Như (2019), Phật giáo tỉnh với hoạt động từ thiện, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/en/phatgiao-tinh-voi-hoat-dong-tu-thien-a214388.html, 24/12/2019, ngày truy cập: 19/3/2023.
182 Dẫn theo: Ban TTTT PG tỉnh Bình Dương (2021), Bình Dương: Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự năm 2020 của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, https://phatsuonline.com/binh-duong-hoi-nghitong-ket-cong-tac-phat-su-nam-2020-cua-ban-tri-su-phat-giao-tinh/, 23/01/2021, ngày truy cập: 14/3/2023.
183 HT. Thích Huệ Thông (2022), Phật giáo Bình Dương phát triển trên nền tảng kế thừa đoàn kết và hòa hợp, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/13368, 01/01/2022, ngày truy cập: 03/4/2023.
184 Dẫn theo: Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương (2023), Phật giáo Bình Dương thực hiện công tác từ thiện gần 54 tỷ đồng, https://giacngo.vn/phat-giao-binh-duong-thuc-hien-cong-tac-tu-thien-gan-54-ty-dong-post65201.html, 01/01/2023, ngày truy cập: 07/4/2023
185 Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027, Trang Điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2022/01/834-dai-hoi-daibieu-phat-giao-tinh-binh-duong-lan-thu-x-nhiem-ky-2022-202, 04/01/2022, ngày truy cập:26/3/2023.
186 Bình Dương: Hòa thượng Thích Huệ Thông tiếp tục làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh (2022-2027), https://giacngo.vn/binh-duong-hoa-thuong-thich-hue-thong-tiep-tuc-lam-truong-bantri-su-ghpgvn-tinh-2022-2027-post60223.html, 03/01/2022, ngày truy cập: 05/4/2023.
187 Dẫn theo: Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương (2023), Phật giáo Bình Dương thực hiện công tác từ thiện gần 54 tỷ đồng, tài liệu đã dẫn.
188 UNICEF (2021), Tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình trạng sức khỏe tâm thần kém ở trẻ em và thanh thiếu niên, “bề nổi của tảng băng chìm”, Trang Điện tử của UNICEF tại Việt Nam, https://www.unicef.org/vietnam/vi/th%, 05/10/2021, ngày truy cập: 31/3/2023.
189 Nguyễn Quang Thuấn (2020), Tác động của đại dịch COVID-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/819611/tac-dong-cua-dai-dich-covid-19%C2%A0va-mot-so-giai-phap-chinh-sach-cho-vietnam-trong-giai-doan-toi.aspx, 23/9/2020, ngày truy cập: 05/4/2023.
190 “Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm” là câu nói của Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230 – 1291) – ngôi sao sáng chói trên nền trời Thiền học Việt Nam. Ông tên thật là Trần Tung (hay Trần Quốc Tung), là một tôn thất hoàng gia, nhà quân sự, một thiền sư Phật giáo Đại thừa đời Trần. Ông có tước hiệu Hưng Ninh Vương, từng cầm quân 2 lần đánh bại Mông-Nguyên xâm lược (năm 1285 và 1287).
191 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn TT. Thích Huệ Tín (Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương), ngày: 24/3/2023, tài liệu cá nhân.
192 Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn HT.TS. Thích Huệ Thông (Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa Khánh Hội, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), ngày 28/3/2023.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Từ thiện – Xã hội Trung ương thực hiện công tác từ thiện hơn 12.346 tỷ đồng trong nhiệm kỳ VIII, https://giacngo.vn/ban-tu-thien-xa-hoi-trung-uong-thuchien- cong-tac-tu-thien-hon-12346-ty-dong-trong-nhiem-ky-viii-post63870.html,14/9/2022, ngày truy cập: 30/3/2023.
- Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương (2023), Phật giáo Bình Dương thực hiện công tác từ thiện gần 54 tỷ đồng, https://giacngo.vn/phat-giao-binh-duong-thuc-hiencong-tac-tu-thien-gan-54-ty-dong-post65201.html, 01/01/2023, ngày truy cập:07/4/2023.
- Ban TTTT PG tỉnh Bình Dương (2021), Bình Dương: Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự năm 2020 của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, https://phatsuonline.com/binhduong- hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-phat-su-nam-2020-cua-ban-tri-su-phat-giao-tinh/, 23/01/2021, ngày truy cập: 14/3/2023.
- Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (2021), Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 quận11 chính thức ra mắt, https://medinet.gov.vn/tin-tuc-su-kien/benh-vien-thu-dung-dieutri-covid-19-quan-11-chinh-thuc-ra-mat-so-y-te-hcm-c1780-50669.aspx, 18/10/2021,ngày truy cập: 25/3/2023.
- Bình Dương: Hòa thượng Thích Huệ Thông tiếp tục làm Trưởng ban Trị sựGHPGVN tỉnh (2022-2027), https://giacngo.vn/binh-duong-hoa-thuong-thich-huethong-tiep-tuc-lam-truong-ban-tri-su-ghpgvn-tinh-2022-2027-post60223.html,03/01/2022, ngày truy cập: 05/4/2023.
- Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027,Trang Điện tử của UBND tỉnh Bình Dương, https://www.binhduong.gov.vn/tintuc/2022/01/834-dai-hoi-dai-bieu-phat-giao-tinh-binh-duong-lan-thu-x-nhiem-ky-2022-2027, 04/01/2022, ngày truy cập: 26/3/2023.
- Kinh Tăng Chi bộ (Anguttara Nikaya), Người dịch: Hòa Thượng Thích MinhChâu, https://thuvienhoasen.org/images/file/IsHYhp1G0QgQAHB1/tang-chi-bokinh.pdf, ngày truy cập: 18/3/2023.
- Quỳnh Như (2015), Thượng tọa Thích Huệ Thông: Người luôn đề cao tinhthần hòa hợp, đoàn kết…, Trang Điện tử của Báo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộĐảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương, https://baobinhduong.vn/thuong-toa-thichhue-thong-nguoi-luon-de-cao-tinh-than-hoa-hop-doan-ket–a128557.html,08/10/2015, ngày truy cập: 16/3/2023.
- Quỳnh Như (2019), Phật giáo tỉnh với hoạt động từ thiện, Trang Điện tử củaBáo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương,https://baobinhduong.vn/en/phat-giao-tinh-voi-hoat-dong-tu-thien-a214388.html,24/12/2019, ngày truy cập: 19/3/2023.
- Quỳnh Như (2020), Lan tỏa tình thương từ đạo đến đời, Trang Điện tử củaBáo Bình Dương – Cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Dương,https://baobinhduong.vn/lan-toa-tinh-thuong-tu-dao-den-doi-a232022.html,02/10/2020, ngày truy cập: 26/3/2023.
- Kim Thanh (2021), Từ thiện là một trong những công tác trọng tâm của Giáohội Phật giáo Việt Nam, https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/tu-thien-la-mottrong-nhung-cong-tac-trong-tam-cua-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-190198.html,02/11/2021, ngày truy cập: 30/3/2023.
- HT. Thích Huệ Thông (2022), Phật giáo Bình Dương phát triển trên nềntảng kế thừa đoàn kết và hòa hợp, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/13368,01/01/2022, ngày truy cập: 03/4/2023.
- Nguyễn Quang Thuấn (2020), Tác động của đại dịch COVID-19 và một sốgiải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, Trang Điện tử của Tạp chíCộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/819611/tacdong-cua-dai-dich-covid-19%C2%A0va-mot-so-giai-phap-chinh-sach-cho-viet-namtrong-giai-doan-toi.aspx, 23/9/2020, ngày truy cập: 05/4/2023.
- Trang Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, Tổngbiên tập: HT. Thích Huệ Thông, https://phatgiaobinhduong.com/, ngày truy cập:02/4/2023.
- UNICEF (2021), Tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình trạng sứckhỏe tâm thần kém ở trẻ em và thanh thiếu niên, “bề nổi của tảng băng chìm”, TrangĐiện tử của UNICEF tại Việt Nam, https://www.unicef.org/vietnam/vi/th%C3%B4ngc%C3%A1o-b%C3%A1o-ch%C3%AD/t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ngc%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ngs%E1%BB%A9c-kh%E1%BB%8Fe-t%C3%A2m-th%E1%BA%A7n-k%C3%A9m-%E1%BB%9F-tr%E1%BA%BB-em, 05/10/2021, ngày truy cập: 31/3/2023.
- Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn HT.TS. Thích Huệ Thông(Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa KhánhHội, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), các ngày: 28/3/2023, 03/4/2023, tài liệu cánhân.
- Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn TT. Thích Huệ Tín(Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương), ngày: 24/3/2023, tài liệu cánhân.
- Bùi Thị Ánh Vân (2023), Nội dung cuộc phỏng vấn Quỳnh Như (Nhà báođồng thời là phật tử chùa Hội Khánh, TP. Thủ Dầu Một – Bình Dương), ngày:03/4/2023, tài liệu cá nhân.
- Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (2021), Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19quận 11 chính thức ra mắt, https://medinet.gov.vn/tin-tuc-su-kien/benh-vien-thu- dung-dieu-tri-covid-19-quan-11-chinh-thuc-ra-mat-so-y-te-hcm-c1780-50669.aspx,18/10/2021, ngày truy cập: 25/3/2023.