I. Dẫn nhập
Nhìn lại quá trình Phật giáo đồng hành cùng dân tộc suốt 2.000 năm lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận ra những ảnh hưởng tích cực và quan trọng của nền giáo dục Phật giáo, thể hiện trong muôn mặt đời sống lẫn tư tưởng đạo đức người Việt. Giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Vì vậy, một chính sách giáo dục tốt sẽ dẫn đến xã hội phát triển và ngược lại. Nền giáo dục tiên tiến của một quốc gia chính là chìa khóa vàng mở ra cánh cửa tiềm năng phát triển đất nước. Dù là cường quốc hay nước chậm phát triển, ngành giáo dục luôn quan tâm đến lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, nhằm đào tạo con người toàn diện, bao gồm sự hiểu biết và nền tảng đạo đức. Nền giáo dục Phật giáo cũng rất quan tâm đến hai yếu tố cơ bản này. Giáo dục là công việc không chỉ dành cho khối óc mà cả con tim, không chỉ bằng trí tuệ sáng suốt mà còn từ tâm vị tha nhân ái. Một nhà giáo dục chuẩn mực, có trách nhiệm với sứ mạng giáo dục đào tạo, không phải thường trực trên bục giảng là đủ mà phải biết dấn thân vào các hoạt động của người học, cùng người học chia sẻ khó khăn, chan hòa niềm vui trên đường thăng tiến. Nhân kĩ niệm 40 năm thành lập giáo hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương xin được tri ân chư tôn đức tiền nhân, đã vun vén ươm mầm cho nền giáo dục tỉnh nhà với đề tài: “Khái quát quá trình hình thành và phát triển trường trung cấp Phật học Bình Dương”. Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
II. KHÁI QUÁT HỆ THỐNG VÀ MỤC ĐÍCH GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của nhân loại, bắt nguồn từ Ấn Độ. Theo thống kê hiện có khoảng trên bảy trăm triệu Phật tử khắp toàn thế giới và Phật giáo đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều giới học thuật phương Tây bởi giá trị chân thật của Phật pháp về phương thức giải hóa mọi xung đột và lòng thù hận, cùng nhau yêu thương, nguyện sống hòa bình. Quả thật, Phật pháp là tập hợp những nguyên lý sống như nguyên lý: “Trung đạo”, “Duyên khởi”, “Vô Ngã”, “Vô Phân biệt”, “Như thật”, “Tương dung”, “Viên dung”, v.v. Đây là những nguyên lý có khả năng khai mở tuệ giác rộng lớn và tình thương không biên giới, để đạt tới hạnh phúc chân thật và tự do. Những nguyên lý này đã được một nhân vật lịch sử là Ngài Siddhartha Gautama tổng hợp từ sự chứng ngộ của chính mình. Sau khi chứng ngộ, Ngài được tôn xưng là Buddha (Đức Phật) và đã tích cực trao truyền những hiểu biết của mình cho loài người. Ngài nhận học trò, xây dựng nên một giáo đoàn gọi là Sangha (Tăng-già) và yêu cầu các đệ tử của mình sau khi chứng nghiệm chân lý giải thoát như mình, phải tích cực trao truyền giáo pháp ấy. Sau 45 năm tích cực dạy bảo loài người lối sống đạt tới chân hạnh phúc. Trước khi nhập Vô dư y Niết-bàn, Ngài dặn bảo đệ tử hãy lấy giáo pháp mà Ngài đã trao truyền làm người hướng dẫn và hãy nhiệt tình hướng dẫn lại cho hậu thế. Ngài được loài người hết lòng kính ngưỡng. Ngược dòng sử Việt mấy ngàn năm qua, Phật giáo luôn đồng hành cùng với Dân tộc. Thật là tự hào khi điểm lại hành trạng của những vị vua, học Phật trở thành thiền sư như Lý Thái Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông; những vị Thiền sư lại kiêm việc Triều chính như Vạn Hạnh Thiền sư, Mãn Giác Thiền sư…. Đây là những nhân cách sáng ngời của Tổ quốc, những bậc thầy tâm linh mô phạm, với tinh thần vô ngã, họ đã hòa quyện vào nhau để dựng xây tổ quốc, xiển dương Phật pháp, lợi lạc nhân dân. Quả thật, đã từ lâu, trong Phật giáo, hàng ngũ Tăng Ni là nhân tố chủ lực để làm nên những cống hiến to lớn vào gia tài văn hóa của dân tộc. Vì vậy, giáo dục đào tạo Tăng Ni, Phật tử tài đức là công tác vô cùng quan trọng của Giáo hội. Sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập, tháng 11/1981, vấn đề giáo dục, đào tạo Tăng Ni và Cư sĩ tại gia đã được đặt ra là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Hơn 40 năm phát triển và trưởng thành, GHPGVN đã có những bước tiến không ngừng về mọi mặt, trong đó công tác giáo dục đã có những thành tựu đáng kể, trường lớp đào tạo Phật học phát triển, tạo thành một hệ thống các cấp học khá hoàn thiện, đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni có trình độ Phật học và thế học, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển GHPGVN, xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh.
Được sự cho phép của Đảng và Chính quyền từ Trung ương đến tỉnh thành phố, hệ thống các trường Phật học được thành lập gồm bốn Học viện Phật giáo: Hà Nội, Huế thành phố Hồ Chí Minh, và Cần Thơ. Có 34 trường trung cấp Phật học thuộc các Ban Trị sự tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước và một số trường cao đẳng Phật học trực thuộc tỉnh và thành phố. Trong đó, trường Trung cấp Phật học Bình Dương là một trong những trường nêu trên. Hiện tại Trung ương Giáo hội đã kiện toàn được hệ thống tổ chức giáo dục Phật giáo, từ hệ sơ cấp, trung cấp, đến thạc sĩ, tiến sĩ dành cho đối tượng là người xuất gia và Phật tử tại gia. Các trường Phật giáo không chỉ nghiên cứu về Phật học mà còn nghiên cứu về các vấn đề thuộc xã hội học, các lĩnh vực về đời sống văn hóa. Các trường đã từng bước đổi mới về phương pháp và cách thức tiếp cận đối với đối tượng là Tăng Ni sinh cũng như Phật tử. Mục đích giáo dục của GHPGVN là định hướng cho thế hệ Tăng Ni trẻ và Cư sĩ tại gia không những tu học đúng theo Giới luật Phật dạy và Hiến chương Giáo hội, mà còn biết tuân thủ chính sách và pháp luật nhà nước theo đường hướng “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, để hoàn thiện tư cách một người tu sĩ của Giáo hội và công dân gương mẫu đối với Tổ quốc. Vì vậy, chương trình giáo dục và đào tạo cho các cấp học theo khung chương trình do Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương quy định, ngoài các bộ môn nội điển Phật học, Giáo hội còn quy định đưa vào chương trình giảng dạy các chủ đề liên quan đến pháp luật nhà nước, luật tín ngưỡng Tôn giáo, Giáo dục An ninh Quốc phòng, lịch sử Việt Nam, v.v..
Trong hệ thống tổ chức của GHPGVN, Ban giáo dục Phật giáo là một trong 13 ban, ngành viện Trung ương giáo hội, do Hòa Thượng Tiến sĩ Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa 13-14, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội làm Trưởng ban. Mọi hoạt động của cả hệ thống giáo dục Phật giáo các cấp học đều dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Nội quy của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN.
III. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG CẤP PHẬT HỌC BÌNH DƯƠNG
1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
Phật giáo du nhập vào Bình Dương từ rất sớm, khoảng thế kỷ cuối thế kỉ 17 đầu 18. Đồng thời, từ khi hình thành đã gắn liền với quá trình lịch sử của tỉnh Bình Dương, luôn đồng hành cùng với nhân dân thành phố trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và phát triển.Bình Dương là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý để Phật giáo phát triển. Năm 1741 ( Tân Dậu), Thiền sư Đại Ngạn trên bước đường vân du hành đạo, cho xây dựng một am thất lấy tên là Hội Khánh Tự, tọa lạc tại làng Bình An, huyện Phước Long, Dinh Trấn Biên ( nay là Phường Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chùa Hội Khánh được công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa tại quyết định số 43/ QĐ/BT ngày 7 tháng 1 năm 1993 ở số danh mục 1117 và ký Bằng công nhận di tích vào ngày 29 tháng 4 năm 1993 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Trần Hoàn ký. Năm 1995, Tỉnh hội xây dựng Trường Cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé ( nay là Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương). Năm 2008 Hòa thượng Thích Huệ Thông cho khởi công xây dựng Tượng Phật Niết Bàn dài 52m và kiến thiết tổng thể khuôn viên chùa Hội Khánh (13829,8 m2) thành một chốn thiền môn trang nghiêm. Phía trên là tượng Phật Niết bàn, phía dưới là Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương để đào tạo Tăng tài.
2. QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN
2.1. Mục tiêu
Y cứ vào Quy chế hoạt động của Ban giáo dục Phật giáo Trung ương, trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương có mục tiêu đào tạo các vị Tăng Ni trẻ trở thành những tu sĩ Phật giáo chân chính, chuyên cần học để tu, để hoằng pháp và để giúp đời; học để trao dồi đạo đức và trí tuệ, để thuận lợi hơn trên con đường tiến đến giải thoát. Bên cạnh việc trang bị kiến thức nền tảng về Phật học lẫn thế học, các Tăng Ni trẻ còn được dạy kỹ về nếp sống thiền môn nâng cao phẩm hạnh của người tu để sau này có đủ khả năng gánh vác trách vụ của một trụ trì cơ sở Phật giáo và thực hiện các Phật sự lợi đạo ích đời.
2.2. Nhiệm vụ
Nhiệm vụ giáo dục của trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương là định hướng cho thế hệ Tăng Ni trẻ không những nâng cao kiến thức và phẩm hạnh của người tu sĩ mà còn hoàn thiện tư cách công dân đối với đất nước, để đáp ứng sự phát triển chung của GHPGVN, theo đúng đường hướng “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, chương trình đào tạo hệ TCPH theo khung chương trình do Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương quy định, ngoài các bộ môn nội điển Phật học, nhà trường còn quy định đưa vào chương trình giảng dạy các chủ đề liên quan đến pháp luật nhà nước, luật tín ngưỡng Tôn giáo, Giáo dục An ninh Quốc phòng, v.v..
2.3. Tên trường, loại hình trường và địa điểm
a. Tên trường: Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương.
b. Loại hình trường: Trường đào tạo tôn giáo (tu sĩ Phật giáo)
c. Trụ sở của trường: Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương, số 29, đường chùa Hội Khánh. P. Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
2.4. Nhân sự Ban giám hiệu qua các giai đoạn
2.4.1 Danh Sách BGH Trường Cơ Bản Phật Học Tỉnh Bình Dương
Ban giám hiệu:
- Hòa thượng Thích Minh Thiện – Hiệu trưởng 2. Thượng tọa Thích Huệ Thông – Phó Hiệu trưởng học vụ
- Cu sĩ Phan Thanh Đào – Phó Hiệu trưởng
- Đại đức Thích Minh Thuấn – Chánh Thư ký
- Đại đức Thích Thiện Châu – Phó Thư ký
- Đại đức Thích Đồng Thành – Chánh Văn phòng
- Đại đức Thích Minh Chí – Phó Văn phòng
- Sư cô Thích nữ Pháp Như – Phó Văn phòng
- Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa – Ủy viên Tài chánh
2.4.2 Nhân sự giai đoạn tái khai giảng
Khóa II năm (2010 – 2013) với thành phần nhân sự Ban Giám Hiệu:
- Hòa thượng Thích Minh Thiện – Hiệu trưởng
- Thượng tọa Thích Huệ Thông – Phó Hiệu trưởng Học vụ
- GS. Phan Thanh Đào – Phó Hiệu trưởng
- Thượng tọa Thích Minh Thuấn – Chánh Thư ký
- Đại đức Thích Minh Lực – Chánh Văn phòng
- Thượng tọa Thích Minh Nghĩa – Tổng giám thị
- Đại đức Thích Bửu Minh – Phó Văn phòng
- Đại đức Thích Minh Chí – Giám thị
Học đến giữa khóa II, Hòa thượng Thích Minh Thiện – Hiệu trưởng viên tịch (tháng 11 năm 2011), TT. Thích Huệ Thông tiếp nối sự nghiệp giáo dục đảm trách vai trò Hiệu trưởng.
- Thượng tọa Thích Huệ Thông – Hiệu trưởng
- Đại đức Thích Chơn Phát – Phó hiệu trưởng học vụ
- Đại đức Thích Minh Lực – Phó hiệu trưởng
- Đại đức Thích Bửu Minh – Chánh Văn phòng
- Đại đức Thích Minh Chí – Phó Văn phòng kiêm Tổng giám thị.
Văn phòng: ĐĐ. Thích Chúc Lạc và SC. Thích nữ An Hương.
Khóa III, năm học (2014 – 2016):
- Thượng tọa Thích Huệ Thông – Hiệu trưởng
- Đại đức Thích Chơn Phát – Phó Hiệu trưởng học vụ
- Đại đức Thích Minh Lực – Phó Hiệu trưởng
- Đại đức Thích Bửu Minh – Chánh Văn phòng
- Đại đức Thích Minh Chí – Phó Văn phòng kiêm Tổng giám thị
Văn phòng: ĐĐ. Thích Chúc Lạc, Sư cô Từ Thảo, Sư cô An Hương.
Năm 2014:
Thượng tọa Thích Huệ Thông giao quyền Hiệu trưởng Đại đức Thích Chơn Phát và cơ cấu thành phần Ban Giám Hiệu:
- Đại đức Thích Chơn Phát – Hiệu trưởng
- Đại đức Thích Bửu Minh – Phó Hiệu trưởng học vụ
- Đại đức Thích Thiện Hưng – Phó Hiệu trưởng
- Đại đức Thích Minh Chí – Chánh Văn phòng kiêm Tổng giám thị
- Đại đức Thích Chúc Lạc – Phó Văn phòng
- Sư cô Thích nữ An Hương – Phó Văn phòng kiêm Thủ quỷ
- Sư cô Thích nữ Từ Thảo – Tài chính.
– Ban Giám hiệu khóa IV (2016 – 2019):
- Hiệu trưởng: TT. Thích Chơn Phát
- Phó Hiệu trưởng Học vụ: ĐĐ. Thích Bửu Minh kiêm Thủ quỹ
- Phó Hiệu trưởng: ĐĐ. Thích Thiện Hưng
- Chánh Văn phòng: ĐĐ. Thích Minh Chí kiêm Tổng Giám thị
- Phó Văn phòng: ĐĐ. Thích Chúc Lạc
- Phó Văn phòng: SC. Thích nữ An Hương kiêm Thư ký
- Tài chánh: Ni sư Thích nữ Từ Thảo
– Ban Giám hiệu khóa V (2019 – 2022):
- Hiệu trưởng: TT. Thích Chơn Phát
- Phó Hiệu trưởng Học vụ: ĐĐ. Thích Bửu Minh kiêm Thủ quỹ
- Phó Hiệu trưởng: ĐĐ. Thích Thiện Hưng
- Chánh Văn phòng: ĐĐ. Thích Minh Chí kiêm Tổng Giám thị
- Phó Văn phòng: ĐĐ. Thích Chúc Lạc
- Phó Văn phòng: SC. Thích nữ An Hương kiêm Thư ký
- Tài chánh: Ni sư Thích nữ Từ Thảo
– Ban Giám hiệu khóa VI (2022 – 2025):
- Hiệu trưởng: Thượng tọa Tiến sĩ Thích Chơn Phát
- Phó Hiệu trưởng Học vụ kiêm Tài chánh: Đại đức Thích Huệ Minh
- Phó Hiệu trưởng: Đại đức Thích Thiện Hưng
- Phó Hiệu trưởng: Đại đức Thích Bửu Minh
- Chánh Văn phòng kiêm Tổng Giám thị: Đại đức Thích Chúc Lạc
- Phó Văn phòng: Đại đức Thích Thiện Đạt
- Phó Văn phòng kiêmThư ký: Ni sư Thạc sĩ Thích nữ An Hương
- Thủ quỹ: Sư cô Thích nữ Chúc Nghĩa
2.5. Đội ngũ giáo viên
Chư vị giảng viên nội điển và ngoại điển là đều có thâm niên giảng dạy, có trình độ am hiểu sâu sắc về chuyên môn. Đội ngũ giảng viên của nhà trường hiện đang tu học và sinh hoạt tại các chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các vị giảng viên được thỉnh giảng đều tùy thuộc vào kiến thức chuyên môn và sự phát tâm giảng dạy hoàn toàn phi lợi nhuận.
Ngoài các vị giảng viên ở tại Bình Dương, còn có những giảng viên từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ…theo lời mời của Ban Giám hiệu đã hoan hỷ đứng lớp để truyền trao kiến thức, những triết lý sống cao đẹp, nếp sống thiền môn, nghệ thuật ứng xử nhà Thiền, rất hữu ích cho thế hệ Tăng Ni trẻ.
Trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đảm bảo sự cân bằng giữa học và tu. Đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng sư và cán bộ quản lý văn phòng… Tận dụng tối đa cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, hệ thống tài liệu học tập; đồng thời rút ra những bài học thực tiễn, nắm bắt, ứng dụng kịp thời với những khoa học mới của thời đại mới, thời đại 4.0.
2.6. Chương trình giảng dạy
a. Yêu cầu tổng quát
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giáo dục Phật giáo trung ương về chương trình cải cách Trung cấp Phật học, bắt đầu từ khóa VII (2016-2019), trường TCPH Bình Dương đã đào tạo theo hệ 3 năm. Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã bám sát theo khung chương trình giảng dạy cải cách Trung cấp do BGDPG Trung ương đề ra. Cụ thể: Chương trình học chính quy là 3 năm, gồm 6 học kỳ. Mỗi học kỳ học trung bình 8 môn; mỗi tuần học 7 buổi. Trong đó, 6 buổi dành cho Tăng Ni sinh hệ TCPH. Mỗi môn học 45 tiết hoặc 60 tiết và hoàn tất trong một học kỳ, ngoại trừ các môn Việt Văn, Hán Văn, Phật pháp và Anh văn Phật pháp.
Theo khung chương trình, các môn được giữ theo trình tự từ học kỳ này sang học kỳ khác để đảm bảo tính tiếp nối kiến thức từ thấp lên cao và thuận lợi cho việc tổ chức thi học kỳ và thi tốt nghiệp.
Một học kỳ, mỗi TNS phải có đủ 4 cột điểm bao gồm: Điểm miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết và thi học kỳ. Nếu thiếu 1 cột điểm trong một học kỳ, TNS không được dự thi tốt nghiệp.
b. Chương trình giảng dạy
Năm thứ I: Lược sử Phật giáo Ấn Độ (HKI), Lược Sử Phật giáo Trung Quốc (HK 2), Phật Học Căn Bản, Luận Duy Thức, Kinh Pháp Cú, Tỳ-ni (HKI), Sa-di (HKII), Hán văn, Phật và Thánh chúng, Danh tăng Việt Nam, Kinh Trường A-hàm, Cổ ngữ Pali, Việt văn, Anh văn Phật pháp, Anh văn đàm thoại.
Năm thứ II: Phật học căn bản, Thiền – Tịnh – Mật tông, Hán văn, Kinh Trung bộ, Kinh Trung A-hàm, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Oai nghi (HKI), Quy Sơn Cảnh Sách (HKII), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Duy thức tam thập tụng, Anh văn Phật học, Việt văn, Tiếng Việt thực hành.
Năm thứ III: Đại cương văn điển Phật giáo, Tăng Chi bộ, Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Duy Ma, Đại cương Giới Luật, Luận Phật thừa tôn yếu, Hán văn, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Văn học Phật giáo, Anh văn Phật học, Việt văn, Cổ ngữ Pali, Pháp luật Việt Nam, Hiến chương GHPGVN, Lịch sử Việt Nam.
Trước đây, GHPGVN chú trọng đến việc đào tào Tăng Ni nên có tên gọi là “Ban Giáo Dục Tăng Ni”. Tuy nhiên, trước nhu cầu học hỏi Phật Pháp của hàng Cư sĩ tại gia, Trung ương Giáo hội đổi danh xưng Ban Giáo dục Tăng Ni thành “Ban Giáo Dục Phật giáo” tại Đại hội lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022 của GHPGVN. Có nghĩa là – giáo dục Phật giáo tại các trường Phật học không chỉ dành riêng cho người xuất gia mà Cư sĩ tại gia có thể được đào tạo chính quy. Có thể nói rằng Trường TCPH Bình Dương đã tổ chức giảng dạy hệ TCPH có sự tham gia học của người Cư sĩ tại gia từ khóa II, sau khi tốt nghiệp Trung cấp các vị ấy thi và học tại Học viện Phật giáo TP. HCM các lớp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Phật học. Điều đáng khen ngợi là hàng Cư sĩ tại gia học tập rất chăm chỉ và tận tâm phụng sự đạo.
2.7. Các khóa tốt nghiệp và đang theo học
Nhìn lại chặng đường giáo dục gần 30 năm, Trường TCPH Bình Dương vượt qua nhiều biến cố thăng trầm, đã đào tạo được V khóa và khóa thứ VI đang học năm nhất gần 1000 Tăng Ni sinh hệ TCPH đã tốt nghiệp. Cụ thể như sau:
Khóa I (1995 – 2000) : 147 Tăng Ni sinh tốt nghiệp
Khóa II (2010- 2013) : 192 Tăng Ni sinh tốt nghiệp
Khóa III (2013-2016) : 210 Tăng Ni sinh tốt nghiệp
Khóa IV (2016-2019) : 137 Tăng Ni sinh tốt nghiệp
Khóa V (2019-2022) : 86 Tăng Ni sinh tốt nghiệp
Khóa VI (2022-2025) : 100 Tăng Ni sinh đang học
2.8. Quy chế học tập và Nội quy
Xếp loại học tập và tuân thủ phẩm hạnh đạt loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu trên cơ sở Quy chế học tập và Nội quy nhà trường.
Quy chế học tập: Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học Bình Dương ban hành quy chế học tập áp dụng cho hệ đào tạo tại trường như sau:
a. Học lực:
-Xuất sắc: Tất cả các môn đạt điểm từ 9.0 trở lên
-Giỏi: Điểm trung bình các môn từ 8.0 trở lên, cho phép 3 môn từ 6.5 đến 7.9
-Khá: Điểm trung bình các môn từ 6.5 trở lên, cho phép 3 môn từ 5.0 đến 6.4
-Trung bình: Điểm trung bình các môn từ 5.0 trở lên, cho phép 3 môn từ 3.5 đến 4.9
-Yếu: Điểm trung bình các môn từ 3.5 trở lên, cho phép 3 môn từ 2.0 đến 3.4
-Kém: Điểm trung bình các môn dưới 3.5.
b. Phẩm hạnh:
*Yêu cầu chung:
– Tuân thủ nghiêm túc nội quy nhà trường
– Học tập chuyên cần
– Có oai nghi
– Tham gia đầy đủ, nhiệt tình các hoạt động ngoại khoá
– Tham gia các hoạt động Phật sự chung của Giáo hội do BGH điều động.
*Xếp loại: được xếp thành 03 loại: Tốt, Khá, Trung bình.
-Tốt: Thực hiện đầy đủ các yêu cầu chung
-Khá, Trung bình: Được xét theo mức độ thực hiện các yêu cầu chung.
c. Xếp loại cuối năm:
– Xuất sắc: Học lực Xuất sắc và phẩm hạnh Tốt
– Giỏi: Học lực Giỏi và phẩm hạnh Tốt
– Khá: Học lực Khá và phẩm hạnh Khá trở lên
– Trung bình: Học lực Trung bình và phẩm hạnh Khá trở lên
– Yếu: Học lực Yếu và phẩm hạnh Trung bình trở lên
– Kém: Học lực Kém và phẩm hạnh Trung bình trở lên.
2.9. Chất lượng đào tạo
Hiện nay, trường TCPH Bình Dương là một trong 34 trường TCPH trên cả nước, được Trung ương giáo hội và Ban giáo dục Phật giáo Trung ương đánh giá cao về chất lượng đào tạo và hướng dẫn cho Tăng Ni sinh viên tu học đúng với hiến chương giáo hội và pháp luật nhà nước. Rất nhiều Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp đã thi đỗ vị thứ cao vào các Học viện Phật giáo. Nhiều vị ở các khoá trước, sau khi tốt nghiệp đã tiếp tục theo học Cử nhân, Cao học, Tiến sĩ tại các trường Phật học trong và ngoài nước. Nhiều thế hệ Tăng Ni xuất thân từ ngôi trường này đang từng bước trưởng thành trong đời sống phạm hạnh, luôn nhiệt tâm phụng sự Chánh pháp trên mọi lĩnh vực, tham gia gánh vác nhiều Phật sự lợi đạo ích đời.
2.10. Những đóng góp của nhà trường cho Giáo hội và xã hội
Với chương trình giảng dạy như trên, Tăng Ni sinh và học viên Cư sĩ đã được trang bị nền tảng kiến thức quan trọng của Phật học, thế học cũng như rèn luyện phẩm hạnh đạo đức của người xuất gia, đặc biệt là được rèn luyện ý thức biết tu học và hành đạo theo đúng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, tuân thủ Pháp luật của nhà nước để làm tốt tư cách công dân và biết ứng dụng lòng từ bi để cùng sẻ chia những khó khăn về đời sống của người dân. Với nền tảng trí đức đó, nhà trường đã và đang đóng góp rất nhiều cho giáo hội và xã hội, cụ thể như:
a. Những đóng góp cho Giáo hội
Nhiều Tăng Ni, sau khi tốt nghiệp tại trường TCPH Bình Dương và tốt nghiệp tại các Học viện Phật giáo đã được bổ nhiệm trụ trì và đang là thành viên của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương và Ban Trị sự Phật giáo các quận huyện, có nhiều vị đảm nhiệm vai trò chủ chốt để điều hành Phật sự giúp cho Giáo hội Phật giáo tỉnh, huyện ngày một phát triển.
Hòa nhịp chung với các Phật sự tại tỉnh, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường, Tăng Ni và học viên Cư sĩ các khóa khi còn đang học tại trường đã tham gia nhiệt tình các hoạt động của Phật giáo thành phố như các kỳ Đại Giới Đàn, Đại Lễ Phật Đản, Lễ Thành Đạo, Lễ tang chư Tôn túc, Đại hội Phật giáo tỉnh, v.v…Với tinh thần sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, BGH và các Tăng Ni sinh đã tham gia vào việc kiến thiết góp phần cho sự trang nghiêm và thành tựu của các Phật sự, tạo thêm năng lượng tâm linh góp phần cầu nguyện cho sự bình an của tỉnh Bình Dương.
b. Những đóng góp cho xã hội
Những vị đã tốt nghiệp tại trường, được Chính quyền và Giáo hội tin tưởng nên nhiều vị được bổ nhiệm trú trì tại các tự viện trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Tích cực hưởng ứng tham gia mọi chủ trương, chỉ thị, tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Đặc biệt trong công tác tuyên truyền nếp sống văn hóa văn minh đô thị, tham gia nhiệt thành vào công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hiến máu nhân đạo, ngày Chủ Nhật xanh, thường xuyên thăm hỏi và tặng quà cho những hoàn cảnh neo đơn và trung tâm giáo dưỡng .v.v. Tại các tự viện, thường mở các khóa tu dạy đạo đức lối sống cho con em Phật tử biết tránh xa những tệ nạn, siêng năng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng ứng xử.
IV. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Từ khi thành lập đến nay, Tăng Ni sinh và Học viên Cư sĩ học tập tại trường TCPH Bình Dương hoàn toàn miễn phí.
Bộ phận Ban Giám hiệu, Văn phòng, Giám thị và các vị giảng viên của nhà trường làm việc trên tinh thần tự nguyện, hoàn toàn phi lợi nhuận.
Mọi kinh phí để điều hành, hoạt động của nhà trường, cũng như tu sửa chỉnh trang cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy của nhà trường chủ yếu nhờ vào sự phát tâm hỗ trợ của chư tôn đức Tăng Ni Phật tử và các nhà hảo tâm.
V. NHỮNG THÀNH TỰU
Là một ngôi trường nằm khu vực Đông Nam bộ, nơi mà hành trạng của nhiều bậc cao Tăng đã ươm mầm bi trí và truyền thống Phật học vốn có bề dày của Tỉnh nhà. Trong suốt gần 30 năm qua, Trường TCPH Bình Dương tiếp nối chí nguyện đào tạo Tăng tài, bằng nỗ lực tự thân đã vươn lên trong thử thách, gian khó, để rồi đã đào tạo V khoá tốt nghiệp với số lượng gần 1000 TNS và đang đào tạo khoá VI. Trên toàn quốc hiện nay có 34 trường TCPH, tổng số Tăng Ni sinh tốt nghiệp hệ Trung Cấp cho đến thời điểm hiện nay là khoảng 10.000. Như vậy, trường TCPH Bình Dương đã góp phần đào tạo một số lượng không nhỏ Tăng Ni sinh hệ Trung Cấp Phật học.
Một trong những điểm nổi bật của trường là ngoài các vị xuất gia, tu học trong tỉnh, còn có rất nhiều Tăng Ni sinh từ nhiều tỉnh thành khác trên cả nước đến học tập, trong nhiều khóa trước trên 20 tỉnh thành đăng ký theo học như: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, ĐăkLăk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long. Với tâm huyết và chất lượng đào tạo có hiệu quả, nên có thể xem nhà trường như là một trong những điểm nối kết giữa Phật giáo tỉnh và Phật giáo các tỉnh thành lân cận.
Những thành tựu mà trường đã đạt được hơn một phần tư thế kỷ qua là một động lực tích cực để Giáo hội, Ban Giám hiệu nhà trường trao dồi niềm tin, vun bồi chí nguyện, tăng trưởng công hạnh, một lòng phụng sự cho sứ mạng đào tạo và tôi luyện những hạt giống Bồ-đề, từ đó mới có những thế hệ Tăng sĩ kế thừa Thầy Tổ, thực hiện trọng trách kế vãng khai lai, góp phần cho sự an bình chung cho Phật giáo tỉnh nhà.
Những thành tựu khả quan đạt được trong chặng đường vừa qua của trường TCPH Bình Dương, đó là nhờ sự cho phép và ủng hộ của Quý cấp Chính quyền, sự ủng hộ của Tăng Ni Phật tử trên địa bàn tỉnh và nhiều thuận duyên thù thắng khác, gần và xa, trực tiếp cùng gián tiếp, sôi nổi và âm thầm…tất cả đều hòa quyện trong bản giao hưởng nguyện lực vô biên, tạo nên một tấu khúc vô ngã để phụng sự cho sự nghiệp chung của Phật giáo Bình Dương.