LỜI TỰA
Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất và sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào năm 1981, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ nhất chính thức tổ chức vào hai ngày 08 và 09 tháng 01 năm 1983 tại Tổ đình chùa Hội Khánh đã mở ra một trang sử mới cho Phật giáo tỉnh nhà bằng sự hình thành tổ chức Giáo hội Phật giáo đầu tiên tại tỉnh Sông Bé thời đó và nay là tỉnh Bình Dương.
Tính từ ngày đầu hình thành và hoàn thiện tổ chức, Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé ngay từ Nhiệm kỳ I đã triển khai thực hiện hoạt động Phật sự theo chương trình hoạch định trong bối cảnh thời bấy giờ, từ đó đến nay thời gian thắm thoát đã 40 năm, Phật giáo tỉnh nhà không ngừng ổn định và phát triển về mặt tổ chức, cũng như khởi sắc thăng hoa trên nhiều phương diện, nhất là đối với sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
Xuyên suốt chặng đường 40 năm hình thành, ổn định và không ngừng phát triển của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, nhìn lại những thành tựu khả quan trong công tác Phật sự trên mọi lĩnh vực trải dài qua 10 nhiệm kỳ, đặc biệt là diện mạo huy hoàng xán lạn của Phật giáo Bình Dương ngày nay đã nói lên tinh thần hòa hợp đoàn kết kỷ cương và nhất là ý thức trách nhiệm cao cả của chư tôn đức Giáo phẩm cùng toàn thể Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà đối với đạo pháp và dân tộc.
Nhìn lại một chặng đường 40 năm cũng là dịp để toàn thể Tăng, Ni, Phật tử tỉnh nhà bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân các bậc tiền nhân và chư tôn đức Giáo phẩm qua các thời kỳ đã dày công vun đắp, cống hiến trí tuệ công sức góp phần to lớn vào sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển Phật giáo tỉnh nhà, nhờ đó mà ngôi nhà Phật giáo Bình Dương mới đạt được những thành tựu vượt bậc như ngày hôm nay.
Cách đây 23 năm tôi đã biên soạn cuốn “Sơ thảo Phật giáo Bình Dương”, đến năm 2015 tôi tiếp tục biên soạn cuốn “Lịch sử Phật giáo Bình Dương” với mục đích ghi nhận phần nào về sự kiện và con người lịch sử của Phật giáo Bình Dương, qua đó tri ân công đức cao thâm không dấu tích của các bậc cao tăng vô ngã đã đi vào quá khứ. Tuy nhiên, theo quy luật tự nhiên, dòng chảy thời gian vẫn cứ tuần tự trôi qua, trong khi đó những hoạt động và các sự kiện trọng đại của Phật giáo Bình Dương vẫn cứ nối tiếp và sẽ có nguy cơ đi vào quên lãng nếu chúng ta không quan tâm lưu giữ, chính vì vậy nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, cùng với Hội thảo khoa học “Phật giáo Sông Bé Bình Dương, 40 năm một chặng đường”, chúng tôi cố gắng bổ sung những nội dung cần thiết trong các hoạt động Phật sự.
Theo đó, cuốn “Phật giáo Sông Bé Bình Dương, 40 năm một chặng đường” là sự nối tiếp các hoạt động Phật sự trong các nhiệm kỳ sau này và được hình thành trên nền tảng của cuốn “Lịch sử Phật giáo Bình Dương”. Trong Chương I, tôi trình bày khái quát bối cảnh xã hội và Phật giáo tại Bình Dương cận trước và sau năm 1975, tình hình Phật giáo tại Bình Dương từ năm 1975 đến năm 1981 và đặc biệt chú trọng sự kiện thành lập GHPGVN vào năm 1981 đã tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo Bình Dương ra đời và đi vào hoạt động; từ Chương II đến Chương XII là phần trọng tâm, bao gồm các nội dung hoạt động Phật sự một cách chi tiết của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương xuyên suốt 40 năm; phần cuối sách chúng tôi liệt kê những cột mốc lịch sử thời gian và dấu ấn các sự kiện trọng đại của Phật giáo Bình Dương, cũng có thể xem đây là phần tóm lược biên niên sử 40 năm một chặng đường của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương.
Kể từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương đến nay đã trải qua 10 nhiệm kỳ, trong cuốn sách khiêm tốn này, chúng tôi tóm gọn thành 03 giai đoạn lịch sử. Theo đó, giai đoạn I, được tính từ ngày Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé ra đời từ Nhiệm kỳ I (1983-1987) đến Nhiệm kỳ IV (1994-1997) do Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội, ngài đã góp phần to lớn trong việc hình thành cơ cấu nhân sự tạo thế ổn định cho sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử trong tỉnh, có thể nói đây là nền tảng rất cơ bản và vô cùng quý giá để thế hệ kế thừa tiếp tục phát huy, đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Bình Dương sau này. Giai đoạn II, được tính từ giữa nhiệm Nhiệm kỳ IV (1994-1997) đến gần cuối Nhiệm kỳ VII (2007-2012) do Hòa thượng Thích Minh Thiện làm Trưởng Ban Trị sự, đây là thời kỳ kế thừa sự ổn định, nhờ đó phát huy được những điều kiện thuận lợi để đưa Phật giáo Bình Dương từng bước phát triển. Giai đoạn III, được tính từ Nhiệm kỳ VIII (2012-2017) cho đến hiện nay do tác giả đảm trách vai trò Trưởng ban, công tâm nhìn nhận thì đây được xem là giai đoạn Phật giáo Bình Dương phát triển vững mạnh với những thành tựu rất khả quan trên mọi phương diện, từ tổ chức điều hành cho đến sự gặt hái kết quả mỹ mãn trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh…
Chúng tôi xem việc tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, cũng như việc biên soạn cuốn “Phật giáo Sông Bé Bình Dương, 40 năm một chặng đường” là một trong những Phật sự quan trọng trong Nhiệm kỳ X (2022- 2027), bởi nó bao hàm ý nghĩa vừa bổ sung nguồn tư liệu để lưu giữ, vừa phân tích đánh giá những mặt ưu điểm cũng như những hạn chế để góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Bình Dương ngày càng huy hoàng xán lạn. Chúng tôi thiết nghĩ, công việc biên soạn này sẽ giúp cho các thế hệ đi sau có được thông tin đầy đủ nhất về sự phát triển của Phật giáo tại địa phương tính đến thời điểm ấn hành tác phẩm này, đồng thời cũng giúp cho Tăng Ni Phật tử khi tìm hiểu, tra cứu về các sự kiện lịch sử Phật giáo tỉnh nhà sẽ được thuận lợi, vì vậy, theo nhận định chủ quan của tôi thì đây sẽ là nguồn tư liệu cụ thể và tổng hợp đầy đủ nhất những gì cần biết về Phật giáo Bình Dương trong 40 năm qua.
Dòng chảy thời gian là vô tận, thế hệ sau sẽ nối tiếp thế hệ trước, hy vọng với những gì đang có, thế hệ sau sẽ làm rạng rỡ thêm những trang sử Phật giáo Bình Dương trên cả hai phương diện tu tập giải thoát và hoằng pháp độ sanh, nên đây cũng là cơ sở để thế hệ sau tham khảo và nối tiếp nguồn tư liệu cho những chặng đường nối tiếp.
Trên tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và trên nền tảng kế thừa, Tăng, Ni, Phật tử tỉnh nhà sẽ nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa trong công tác Phật sự, góp phần phát triển Phật giáo Bình Dương ngày càng hưng thịnh, trang nghiêm thanh tịnh.
Ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão – 2023
Thích Huệ Thông
Cẩn bút