I. Sông Bé – Bình Dương: Đất và Người
“Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, 40 năm một chặng đường” là cuốn sách viết về một chặng đường hình thành và phát triển của Phật giáo tại Sông Bé cũ và Bình Dương ngày nay, tất nhiên trong đó sẽ bao hàm những tư liệu lịch sử cụ thể về Đất và Người nơi Phật giáo hiện hữu, từng ngày lớn mạnh và phát triển huy hoàng xán lạn, vì vậy phần đầu cuốn sách khiêm tốn này, chúng ta thiết nghĩ cũng cần đôi nét khái quát về toàn cảnh xã hội Sông Bé – Bình Dương trong một giai đoạn lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của Phật giáo tỉnh nhà.
Sông Bé – Bình Dương có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với vùng đất Đông Nam Bộ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, cùng với người dân bản địa, bao thế hệ người Việt trên mọi miền đất nước và một số dân tộc khác đã về đây khai hoang, lập ấp dựng làng sinh sống lao động sản xuất, nhiều phong tục tập quán được hình thành tạo nên nền văn hóa đa dạng và mang một giá trị thiêng liêng không chỉ đối với Phật giáo Sông Bé – Bình Dương mà còn là của cả Phật giáo dải đất Đàng Trong. Đặc biệt, nhờ đặc điểm đất đai màu mở, thuận lợi giao thông thủy bộ và những điều kiện thuận lợi khác nên chỉ sau một thời gian không lâu, các chúa Nguyễn đã biến vùng đất phương Nam, trong đó địa bàn Sông Bé trở thành vùng đất trù phú.
Thuở sơ khai, vùng đất Sông Bé là nơi tập trung cư dân các vùng miền hội tụ nên từ đầu đã hàm chứa sắc màu đa văn hóa, chính vì vậy mà địa văn hóa cộng cư tại Sông Bé từ thuở sơ khai đã trở nên phong phú, đa dạng; nó vừa biểu hiện nét đặc trưng của văn hóa bản địa, vừa thể hiện sự mạnh mẽ tính thích nghi hòa nhập từ các nền văn hóa vùng miền, điều này khiến cho văn hóa Sông Bé xưa và Bình Dương ngày nay mang nét đặc thù của cộng đồng cư dân xứ sở Đàng Trong .
Về lịch sử hình thành, tỉnh Sông Bé được thành lập ngày 02 tháng 07 năm 1976 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Bình Dương (chính quyền cách mạng trước ngày giải phóng gọi là tỉnh Thủ Dầu Một) và tỉnh Bình Phước (do chính quyền cách mạng sáp nhập hai tỉnh Bình Long, Phước Long tồn tại trước đó) cùng với 3 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa của huyện Thủ Đức. Trước năm 1975, tỉnh có tên là tỉnh Bình Thủ (tên do Chánh quyền cách mạng gọi), nhưng tên gọi này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Khi mới thành lập, tỉnh Sông Bé có 14 huyện, gồm: Thị xã Thủ Dầu Một, Châu Thành, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, Bù Đăng, Bù Đốp, Chơn Thành, Dầu Tiếng, Đồng Xoài, Hớn Quản, Lái Thiêu, Lộc Ninh, Phú Giáo, Phước Bình khi đó tỉnh lỵ đặt tại Thị xã Thủ Dầu Một.
Về vị trí địa lý, thời chưa tách tỉnh, phía Bắc tỉnh Sông Bé có biên giới với nước bạn Campuchia, phía Đông Bắc và Đông giáp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng, phía Đông Nam giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam và Tây Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh. Căn cứ theo bảng thống kê diện tích và dân số tỉnh Sông Bé qua các thời kỳ, tính đến năm 1995, diện tích Sông Bé là 8.519,4 km², dân số với khoảng 1.081.700, theo số liệu này thì Sông Bé là tỉnh có diện tích lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ.
Theo dòng thời gian, địa lý hành chánh tỉnh Sông Bé đã có một số sự thay đổi như sau:
– Năm 1977, căn cứ vào Quyết định 55-CP, đã hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Sông Bé, theo đó hợp nhất 03 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành thành huyện Bình Long; hợp nhất ba huyện Bù Đốp, Phước Bình, Bù Đăng thành huyện Phước Long; hợp nhất hai huyện Đồng Xoài và Phú Giáo thành huyện Đồng Phú; sáp nhập huyện Dầu Tiếng vào huyện Bến Cát; sáp nhập bốn xã của huyện Phú Giáo: Bình Mỹ, Tân Bình, Phước Hòa, Tân Hưng và ba xã của huyện Châu Thành: Tân Phước Khánh, Tân Phú Hiệp (nay là các phường Phú Chánh, Vĩnh Tân) và Tân Vĩnh Hiệp vào huyện Tân Uyên; sáp nhập năm xã của huyện Châu Thành: Phú Hòa (nay là phường Phú Hòa và phường Phú Lợi), Phú Mỹ, Định Hòa, Tương Bình Hiệp và Tân An (nay là các phường Tân An và phường Hiệp An) vào Thị xã Thủ Dầu Một; hợp nhất hai huyện Lái Thiêu và Dĩ An thành huyện Thuận An.
– Năm 1978, căn cứ theo Quyết định 34-CP, tái lập huyện Lộc Ninh từ một số xã của hai huyện Bình Long và Phước Long.
– Năm 1988, căn cứ theo Quyết định 112-HĐBT, tái lập huyện Bù Đăng từ một số xã của huyện Phước Long.
– Năm 1996, tỉnh Sông Bé có 09 đơn vị hành chính gồm Thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh lỵ) và 08 huyện là Bến Cát, Bình Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Phước Long, Tân Uyên, Thuận An.
Đặc biệt mốc thời gian đáng nhớ là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết vào ngày 06 tháng 11 năm 1996 và chánh thức công bố quyết định vào ngày 01/01/1997 về việc chia tỉnh Sông Bé, để tái lập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Theo đó, tỉnh Bình Dương gồm Thị xã Thủ Dầu Một và 03 huyện Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An (ngày nay bao gồm 04 Thành phố Thủ Dầu Một, Thành phố Dĩ An, Thành phố Thuận An, Tân Uyên và 01 Thị xã là Bến Cát, và 04 huyện gồm Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, tỉnh lỵ đặt tại Thành phố Thủ Dầu Một. Cũng theo đó, tỉnh Bình Phước mới được thành lập thời bấy giờ gồm có 05 huyện Bình Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Phước Long …
Sau khi chia tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước vào năm 1996, thì tỉnh Bình Dương ngày nay có sự thay đổi đáng kể, trước hết về vị trí địa lý, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc miền Đông Nam Bộ, theo thống kê của Tổng cục Địa Chính vào năm 2008 thì tỉnh Bình Dương có diện tích 2.695,54 km2 và dân số 1.663.411 người. Phía Bắc tỉnh Bình Dương giáp tỉnh Bình Phước, Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh, Đông giáp tỉnh Đồng Nai và Tây giáp tỉnh Tây Ninh.
Trong nhiều năm trở lại đây, Bình Dương được biết đến như một vùng đất mới, với điểm nổi bật là tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (bình quân tăng 14%/năm) và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khá nhanh, theo đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng tương ứng là công nghiệp 63%, dịch vụ 32,6% và nông nghiệp 4,4%… Các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề… đều được chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đã làm cho đời sống của nhân dân nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng được cải thiện, nâng cao rõ rệt.
Tỉnh Bình Dương nổi tiếng với nhà tù Phú Lợi, nhà máy xe lửa Dĩ An, là vùng đất chiến trường xưa với những địa danh lịch sử như chiến khu Thuận An Hòa, di tích lịch sử rừng Kiến An, di tích Cù lao Rùa (Cù lao Thạch Hội), di tích dốc Chùa, di tích Mỹ Lộc (gò Đá, gò Chùa), di tích Phú Chánh, di tích Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với các địa danh Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ…, trải qua hai cuộc kháng chiến, một số địa phương thuộc vùng đất Sông Bé – Bình Dương luôn bị tác động tàn phá bởi các trận chiến diễn ra liên tục và dữ dội trong suốt 30 năm ròng rã, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những căn cứ cách mạng quan trọng của miền Đông Nam Bộ, trong đó có Chiến khu D anh hùng ở Tân Uyên trở thành di tích lịch sử cách mạng của tỉnh nhà. Những địa danh đi vào lịch sử này đã hình thành nên mảng văn hóa giáo dục ý thức về nguồn sâu sắc đối với người dân Bình Dương…
Bình Dương còn có những cảnh quan đô thị và cảnh quan sông núi mang dấu ấn văn hóa rất đặc trưng, chẳng hạn như chợ Thủ Dầu Một, chợ Búng, hay núi Cậu và hồ Dầu Tiếng, Địa đạo Tam Giác Sắt Tây Nam Bến Cát … Về kiến trúc nghệ thuật thẩm mỹ nổi bật của tôn giáo có chùa cổ Hội Khánh với công trình tượng Phật nhập Niết bàn dài 52 mét được xác lập kỷ lục châu Á về tượng Phật dài nhất nằm trên mái chùa. Ngoài ra Bình Dương còn có các địa điểm tham quan, giải trí, thể thao, du lịch như sân golf Sông Bé, sân golf Phú Mỹ, khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, công viên nước Bình Dương, khu du lịch Phương Nam…
Mặt khác, Bình Dương là địa phương có đông người Hoa đến làm ăn sinh sống, chính vì vậy trong kiến trúc đã có sự đan xen giao hòa giữa văn hóa truyền thống cổ kính lẫn hiện đại của hai cộng đồng cư dân người Hoa và người Việt, điều này thể hiện qua kiến trúc xây dựng đình miếu, nhà cổ, tiêu biểu như ngôi nhà cổ của hai ông Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) và Trần Công Vàng… Bình Dương còn có các loại hình nghệ thuật đặc sắc như múa bóng rỗi, cải lương Hồ Quảng, múa Lân – Sư – Rồng của Hoa và người Việt tạo nên sự đa dạng phong phú trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt Bình Dương là một trong 21 tỉnh thành trong cả nước có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có một số tôn giáo được phép hoạt động như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo…, từ đó đã hình thành các loại hình văn hóa đặc thù mang sắc thái riêng của từng tôn giáo, thể hiện qua nghi lễ, kiến trúc, điêu khắc, hội họa và nhiều công trình văn học, nghệ thuật của từng tôn giáo; riêng đối với Phật giáo, với vai trò hộ quốc an dân trên bước đường đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã góp phần đáng kể không ngừng làm thăng hoa đời sống tinh thần và tâm linh của người dân Bình Dương, tích cực trong hoạt động an sinh xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại Bình Dương.
Bình Dương nổi tiếng với các làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài, từ xưa đến nay các sản phẩm gốm thủ công mỹ nghệ, sơn mài và điêu khắc của Bình Dương từng tham gia, thu hút nhiều đối tác tại các hội chợ quốc tế, đồng thời xuất khẩu sang các nước châu Âu và nhiều nước trong khu vực…
Về lễ hội tín ngưỡng dân gian, lễ hội chùa Bà (miếu Bà Thiên Hậu) được tổ chức hằng năm vào rằm tháng Giêng, thu hút hàng ngàn khách thập phương mọi miền trong cả nước tụ hội về cúng lễ, sự kiện lễ hội chùa Bà (miếu Bà Thiên Hậu) mang tính truyền thống của cộng đồng người Hoa và người Việt, cho thấy quá trình cư trú lâu dài đã dẫn đến sự hội nhập và hòa hợp giữa các nhóm cư dân chung sống tại Bình Dương. Nhìn từ các lễ hội của người Hoa, chúng ta nhận thấy sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trong hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa và người Việt và nó đã hình thành nét văn hóa đặc trưng mang tính tích cực trong đời sống tín ngưỡng tại Bình Dương.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trên 2 triệu 600 ngàn người, (bao gồm dân địa phương và dân nhập cư), mật độ dân số khoảng trên 600 người/km², trong đó dân số sống tại thành thị ước khoảng gần 2 triệu người, dân số sống tại nông thôn khoảng gần 600 ngàn người; cùng chung sống trên địa bàn Bình Dương có khoảng 15 dân tộc, trong đó đa phần là người Kinh, sau đó là người Hoa, người Khmer chiếm tỷ lệ thấp… Bình Dương là tỉnh có dân số đông thứ 06 trong 63 tỉnh thành và là tỉnh có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao, ước khoảng trên 50% dân số Bình Dương là dân nhập cư.
Về tôn giáo, theo số liệu của Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương toàn tỉnh có 08 tôn giáo đang hoạt động (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Giáo hội Mặc môn) với 335 cơ sở, trong đó Phật giáo có 210 cơ sở, khoảng 800 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 278.347 tín đồ (chiếm 10,368% so với 2.685.513 dân số toàn tỉnh)
Về yếu tố con người, ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, vùng đất Sông Bé – Bình Dương đã tiếp nhận cộng đồng người Việt và người Hoa, bên cạnh đó còn có đồng bào thiểu số người bản địa và một bộ phận cư dân bao gồm nhiều tộc người khác nhau như người Khmer, người Chân Lạp… Do mục đích chính của cộng đồng cư dân trên vùng đất mới là chí thú làm ăn, an cư lạc nghiệp, tiến đến phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là nhờ những chính sách hỗ trợ cho người dân trong công cuộc khai hoang vỡ ấp của triều đình nhà Nguyễn, nên các cộng đồng cư dân, dù có khác biệt về văn hóa cũng nhanh chóng dung hòa để cùng tồn tại và phát triển.
Thuở sơ khai do chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian và một phần của Phật giáo thời sơ khai còn sót lại, chính vì vậy mà xu hướng tâm linh của cộng đồng cư dân tại Sông Bé – Bình Dương chủ yếu là tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ các Bà Chúa để cầu lộc cầu tài, trong đó cũng có một bộ phận theo đạo Phật và đạo Bà La Môn; riêng những người theo đạo Bà La Môn và đạo Hồi đa phần thuộc nhóm những người Chân Lạp đã hòa nhập vào đời sống cộng đồng trên vùng đất mới. Dù có sự phức hợp trên phạm trù tư tưởng như vậy, nhưng cuộc sống trên vùng đất mới diễn ra rất hòa bình, đoàn kết hòa hợp, bởi trong suốt chiều dài lịch sử mở cõi ở Đàng Trong trên mấy trăm năm qua chưa từng xảy ra một sự xung đột nào, điều này cho thấy cộng đồng cư dân trên vùng đất mới đã ý thức được tính cộng sinh rất cao, đây là yếu tố quan trọng để họ đối phó những thách thức khó khăn trong cuộc sống và cùng nhau phát triển trở thành một khối gắn kết cộng đồng cư dân mới. Đáng nói là qua dòng thời gian, theo đà văn minh tiến bộ cùng với sự mở mang dân trí và nhất là từ hiệu quả hoạt động của ngành hoằng pháp Phật giáo tỉnh nhà được phổ cập đại trà, nhờ đó trong tín ngưỡng người dân Bình Dương cũng đã có những thay đổi tích cực, đời sống tâm linh mang nhãn quan chánh kiến Phật giáo rất đáng trân trọng…
Người xưa nói khí chất của con người được hun đúc từ khí thiêng sông núi, điều này thật đúng với những người dân vùng đất Sông Bé buổi đầu đi mở cõi. Thật vậy, vùng đất Bình Dương màu mỡ, trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, nhưng cũng trong buổi đầu khai hoang khẩn ấp ấy, người dân đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ, nào là rừng thiêng nước độc, thú dữ muỗi mòng, thời tiết dịch bệnh, trong hoàn cảnh đó buộc người dân phải tìm cách hợp đoàn, đương đầu với mọi khó khăn thử thách, ngoài ra còn phải đùm bọc lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi, cần cù chịu khó, chính môi trường sống này đã dần hình thành nơi mỗi con người trong cộng đồng cư dân vùng đất mới tính dũng cảm gan dạ, kính chuộng hiền lương, nể trọng nghĩa khí, cởi mở, hòa hiếu, thân thiện, nhất là lòng yêu nước thể hiện qua việc bảo vệ xóm làng và bảo vệ những thành quả lao động, đây chính là những yếu tố quan trọng hình thành nên bản sắc văn hóa đặc thù của Bình Dương, truyền thống này đã được bao thế hệ con người Bình Dương bảo lưu, không ngừng phát huy cho đến thời đại ngày nay…
Trong nội dung nói về yếu tố con người, nhân đây thiết nghĩ chúng ta cũng cần ngược dòng thời gian để điểm qua vài nét về sự hiện diện của những nhân vật lịch sử rất quan trọng trên vùng đất Sông Bé – Bình Dương… Trước hết, vào những năm 1922, cụ Tú cúc Phan Đình Viện, nhà cách mạng yêu nước tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị Nhà cầm quyền Pháp theo dõi, (ông là cha của nhà cách mạng Phan Trọng Bình, người đồng chí của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) cụ vào Nam đến chùa Hội Khánh lánh nạn và hoạt động cách mạng. Đến năm, 1923, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là thân sinh Hồ Chủ tịch từng đến chùa Hội Khánh hoạt động yêu nước cùng với Hoà thượng Từ Văn và Tú cúc Phan Đình Viện thành lập Hội Danh Dự Yêu Nước góp phần vào công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp tại Thủ Dầu Một; vào thời kỳ chống Pháp, vùng đất Tân Uyên – Sông Bé có nhà cách mạng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Thời nay Bình Dương vinh dự có một công dân từng làm Chủ tịch nước đó là ông Nguyễn Minh Triết (Sáu Phong); ngoài ra, tại Bình Dương còn có rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác xuất hiện trong hai cuộc kháng chiến từng hiện hữu trên mãnh đất này, và điều này khẳng định Bình Dương là một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, hàm chứa những giá trị văn hóa lịch sử rất đặc trưng mà ít địa phương nào có được, có thể nói đây là một trong những thành tố quan trọng tạo nên tổng thể văn hóa Bình Dương thời đại ngày nay.
II. Bối cảnh xã hội và Phật giáo Việt Nam cận trước và sau năm 1975
Nói về bối cảnh xã hội khoảng thời gian cận trước năm 1975, trong phạm vi cuốn sách này chúng tôi mạn phép chỉ khát quát tình hình thời cuộc và tình hình Phật giáo bằng cột mốc thời gian là từ năm 1954 đến năm 1983.
Như chúng ta đã biết, bối cảnh xã hội từ năm 1954 đến cận trước năm 1975, trong khoảng thời gian này, miền Bắc là vùng giải phóng được sống trong cảnh tự do độc lập, đặc biệt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt những thành tựu to lớn, xây dựng được những cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, miền Bắc cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ hai cuộc chiến tranh phá hoại, đồng thời còn phải gồng mình chi viện cho chiến trường miền Nam trong suốt những năm tháng chiến tranh, từ đó khiến cho nền kinh tế công nông nghiệp không theo kịp sản xuất quy mô tiên tiến; trong khi đó, miền Nam chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
Thời cận trước năm 1975, nói về tình hình an ninh chính trị và an ninh tôn giáo tại miền Nam, thì Sài Gòn lúc bấy giờ là nơi tập trung bộ máy thống trị của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đồng thời cũng là nơi hội tụ hầu hết các tổ chức tín ngưỡng tôn giáo, đảng phái, điều này càng làm cho tình hình an ninh chính trị tại Sài Gòn và khu vực lân cận càng trở nên phức tạp. Riêng về hoạt động tôn giáo, theo tài liệu lưu trữ tại Tổ đình Giác Lâm thì tại Sài Gòn thời bấy giờ có đến hàng chục hệ phái tôn giáo có văn phòng trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Trong đó có Giáo hội Tăng già Nguyên thủy của Hòa thượng Thích Giới Nghiêm; Giáo hội Tăng già Nam Việt của Hòa thượng Trí Tịnh, Thiện Hòa; Giáo hội Lục Hòa Phật Tử của Hòa thượng Minh Thành, Thiện Hào; Giáo hội Lục Hòa Tăng của Hòa thượng Thiện Tòng và Thành Đạo; Giáo hội Thiền Tịnh Đạo Tràng của Hòa thượng Pháp Triều và Minh Trực; Thiên Thai Thiền Tông Giáo Thiên Hữu Hội của Tổ Huệ Đăng; Hội Phật học Nam Việt của cư sĩ Chánh trí – Mai Thọ Truyền; Phật giáo Nguyên Thủy của Hòa thượng Bửu Chơn và cư sĩ Nguyễn Văn Điêu; Hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam do Minh Đăng Quang sáng lập; Từ Hội Tăng già khất sĩ Việt Nam đã phát sinh thêm: Hệ phái Khất sĩ chùa Lộc Uyển Quận 6; Hệ phái Khất sĩ Giác Nhiên tịnh xá Trung Tâm – Bình Thạnh; Hệ phái Ni giới Khất sĩ của Ni sư Huỳnh Liên ở tịnh xá Ngọc Phương; Giáo hội Cổ Sơn Môn của Sư Trí Hưng; Thiên Thai Giáo Quán Tông của Hòa thượng Đạt Pháp; Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam của cư sĩ Đoàn Trung Còn ở số 145 đường Đề Thám; Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội của Sư cụ Minh Trí; Giáo hội Hồng Môn Minh Đạo của bà Hồng Tâm Trúc Lâm Nương và Thanh Quang; Giáo hội Phật giáo Hoa Tông của Hòa thượng Siêu Trần và Phước Quang; Giáo hội Tăng già Trung Việt của Hòa thượng Trí Thủ chùa Quảng Hương Già Lam; Giáo hội Tăng già Bắc Việt của Hòa thượng Tâm Giác chùa Vĩnh Nghiêm; Giáo hội Phật giáo Xã hội của Hòa thượng Trí Dũng chùa Nam Thiên Nhất Trụ (Thủ Đức); Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trung phần của Thượng tọa Đức Tân; Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt của cư sĩ Vũ Bảo Ninh; Ủy ban Liên hiệp thuần túy Phật giáo của Hòa thượng Nhựt Minh; Phật giáo Nam Tông của bà con Campuchia ở miền Nam có 500 ngôi chùa và trên 3 triệu tín đồ gồm các hệ phái: phái Maranikay của Thạch In, chùa Bồ Đề (288/34A Dương Bá Trạc); phái Thérévada của Kim Cang, trụ sở Trung ương đặt tại chùa Thérévada Trương Minh Giảng; phái Khemaranykay của Lâm Em, trụ sở Trung ương đặt tại chùa Chantaranikay số 164/235; Giáo phái Thérévada của Sơn Thái Nguyên; Môn đồ Phật Thầy Tây An thành lập các hệ phái: Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Nguyễn Long Châu và Nguyễn Long Giao (Núi Tượng); Giáo hội Bửu Sơn Kỳ Hương của Nguyễn Tất Đắc; Phật giáo Hòa Hảo của Huỳnh Phú Sổ; Đạo Cao Đài cũng phân thành các phái: Mười hai phái của cụ Cao Triều Phát; phái Tây Ninh của Phạm công Tắc; phái ông Ca ở Mỹ Tho; phái ông Tương ở Bến tre; Phái ông Trung ở Tân An; Phái ông Chiêu ở Cần Thơ; Tôn giáo Hoàn Cầu của Lê Lộc Ba; Giáo hội Tin Lành Việt Nam, Giáo hội Thiên Chúa giáo; giáo phái người Ấn Độ ở Việt Nam; Ấn giáo chùa Ô Đê đường Tôn Thất Hiệp; Hồi giáo đường Thái Lập Thành; Phật giáo chùa Bà Đen đường Trương Định, đó là chưa đến các mối đạo phát sinh đặc biệt lạ thường như đạo Khoai, đạo Nằm, đạo Dừa… Ngoài những Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo được liệt kê trên đây, thời bấy giờ còn có các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái khác cần phải kể đến, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán Tông, Hội Phật học Nam Việt… Ở đây, người viết lược kê những hệ phái mối đạo khá đầy đủ như vậy nhằm cho thấy tình hình tôn giáo hoạt động trong thời kỳ này đan xen dày đặt. Trước tình hình này, ngay sau ngày giải phóng 30 tháng 04 năm 1975, nhằm mục đích cùng với chính quyền, nhân dân ổn định trật tự kỷ cương để chung tay xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, chư tôn đức giáo phẩm nặng lòng vì đạo pháp và dân tộc trong hệ thống Tăng già đã hướng đến việc thống nhất các Giáo hội, các tổ chức Hội và hệ phái thành một Giáo hội duy nhất mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đến năm 1975 thì đất nước hòa bình thống nhất, tuy nhiên hậu quả của 30 năm chiến tranh (1945 – 1975) cũng hết sức nặng nề về chính trị, văn hoá, kinh tế, tôn giáo, xã hội. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội toàn diện ở cả hai miền Nam – Bắc.
Theo đó, trong giai đoạn này, thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước là mong sớm có một nhà nước chung, một cơ quan quyền lực chung để lèo lái con thuyền dân tộc trong giai đoạn lịch sử thời đại. Từ thực tế này, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khai mạc vào trung tuần tháng 09 năm 1975, nhằm đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ này, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa hai đoàn đại biểu hai miền Nam, Bắc họp tại Sài Gòn đã cùng nhất trí về chủ trương, biện pháp thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Vào ngày 25 tháng 04 năm 1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung (Quốc hội Khóa VI) được tiến hành trong cả nước với hơn 23 triệu cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 492 đại biểu, đây được xem là sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước diễn ra sau ngày đất nước Việt Nam hòa bình thống nhất. Tiếp đến, từ ngày 24 tháng 06 đến ngày 03 tháng 07 năm 1976, Quốc hội Khóa VI, kỳ họp thứ nhất đã chính thức đặt tên nước là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quốc huy mang dòng chữ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca; Thủ đô Hà Nội, thành phố Sài Gòn – Gia Định được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Tại kỳ họp quan trọng này đã bầu ra các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của đất nước, bầu Ban dự thảo Hiến pháp và thông qua chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước Việt Nam thống nhất.
Đồng thời vào ngày 31 tháng 07 năm 1977, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến ngày 18 tháng 12 năm 1980, Hiến pháp mới đã được Quốc hội Khóa VI thông qua, đây là Hiến pháp thứ ba của nước Việt Nam mới, bản Hiến pháp đầu tiên hình thành trong thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, tại miền Nam sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, đời sống xã hội đã có những chuyển biến tích cực, tại khu vực miền Nam, Nhà nước đã thực hiện thành công nhiệm vụ ổn định tình hình ở vùng mới giải phóng, ổn định đời sống nhân dân và bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong những ngày đầu giải phóng, chính quyền và nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã tổ chức thành công ngày hội mừng chiến thắng lịch sử vào sáng 15/5/1975 tại Quảng trường Dinh Độc Lập dưới sự lãnh đạo, chứng minh của Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng nhiều vị lãnh đạo cao cấp tham gia Đoàn Chủ tịch như các ngài Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh, Trần Nam Trung, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà… với hơn 55 vạn đồng bào thành phố Sài Gòn – Gia Định đến tham gia buổi lễ mít tinh diễu binh, diễu hành. Song, bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị xã hội tại miền Nam sau ngày giải phóng vẫn còn một số mặt giới hạn, chính quyền và nhân dân tại nhiều địa phương, nhất là khu vực Sài Gòn – Gia Định phải đối diện với tình hình xã hội cực kỳ căng thẳng và phức tạp. Tuy nhiên, nhờ tiên liệu trước và chủ động tiến công, nên chính quyền đã nhanh chóng lập lại trật tự trị an, truy quét tệ nạn xã hội, điều tra làm rõ nhiều vụ hình sự, triệt xóa nhiều băng, ổ, nhóm trộm cướp chuyên nghiệp khét tiếng, lập hồ sơ tập trung các thành phần bất hảo đưa đi giáo dưỡng. Sự ra quân kịp thời của các lực lượng an ninh khu Sài Gòn – Gia Định đã thể hiện thái độ chuyên chính, cương quyết của chính quyền cách mạng đối với các loại đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội, bước đầu tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân vào chế độ mới.
Nói về bối cảnh Phật giáo trong giai đoạn này thì sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, giang sơn nối liền một dải, toàn dân tộc tập trung nguồn lực vào công cuộc tái thiết đất nước, hòa theo nhịp sống chung trong thời đại mới, chư Tăng, Ni và quần chúng Phật từ tham gia lao động sản xuất, cải thiện môi trường, trồng cây gây rừng và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, trong giai đoạn này, các bậc tôn đức Tăng, Ni tiếp tục đóng góp cho sự ổn định và duy trì các hoạt động Phật sự tại cơ sở tự viện trên cơ sở luân thủ theo những quy định pháp luật hiện hành.
Mặt khác, như chúng tôi đã trình bày, tại miền Nam thời bấy giờ có rất nhiều Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái sinh hoạt một cách rời rạc, riêng lẻ, đồng thời một số ít cá nhân trong các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái từng tham gia tổ chức, đảng phái của chế độ cũ, chẳng hạn như tham gia đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu hay như tổ chức Nha Tuyên Úy, nhất là vẫn chưa nhận thức sâu sắc về giá trị lớn lao của sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc tái thiết xây dựng đất nước sau ngày giải phóng, nên vẫn còn mang tâm lý co cụm, lẩn tránh, nguy hiểm hơn đó là sự ẩn chứa trong đó thái độ bất mãn, bất hợp tác, dù thành phần này không đáng kể nhưng cũng là vật cản nhất định trên bước đường Phật giáo Việt Nam tiến đến công cuộc thống nhất thành một mối.
Dù sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhìn chung tình hình Phật giáo trong nước dần dần trở lại ổn định. Tuy nhiên trước những tồn tại như đã nêu, nếu mong muốn Phật giáo có được sự ổn định và phát triển bền vững, cũng như góp phần hiệu quả vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, thì điều kiện đầu tiên là cần phải thống nhất các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước lại thành một mối duy nhất trên tinh thần lục hòa cộng trụ, thượng tôn pháp luật và nhất là được sự đồng thuận nhất trí cao của chư tôn đức lãnh đạo các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước, từ những yêu cầu thực tế này, chư tôn đức nặng lòng vì đạo pháp và dân tộc đã gấp rút tiến hành các hoạt động thiết thực để thống nhất các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước, hình thành nên một Giáo hội duy nhất của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
III. Phật giáo Sông Bé – Bình Dương trước năm 1975
Từ năm 1885, Phật giáo ở tỉnh Thủ Dầu Một (tên ngày xưa của tỉnh Bình Dương) bắt đầu khởi sắc về mặt phát triển tổ chức, sự ra đời của các bộ kinh được in và phát hành tại chùa Hội Khánh do Hòa thượng Ấn Long – Thiện Quới chủ trương đã tập hợp được nhiều cao Tăng và giới Tăng sĩ qui tụ về chùa Hội Khánh và vai trò Tổ đình chùa Hội Khánh lúc bấy giờ phải nói là trung tâm Phật giáo Thủ Dầu Một. Đến năm 1906 từ khi Hòa thượng Từ Văn làm trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh thỉ Phật giáo Thủ Dầu Một nói chung và chùa Hội Khánh nói riêng thêm nhiều khởi sắc, nhất là có mối liên hệ mật thiết với các bậc cao Tăng ngoài tỉnh.
Từ buổi ban đầu sự nhen nhúm cho phong trào chấn hưng Phật giáo, từ năm 1907 trở đi thì chùa Hội Khánh do Hòa thượng Từ Văn đứng ra mở giáo lý Phật học và mở khóa luật, nhân đây Hòa thượng Từ Văn đã làm dấy khởi lên ý thức cải cách theo trào lưu tiến bộ cho giới tăng sĩ Thủ Dầu Một, gieo trồng một tư duy mới trong công cuộc xây dựng tổ chức giáo hội mang tính dân tộc. Từ năm 1911 Hòa thượng Từ Văn có nhiều uy tín trong cũng như ngoài tỉnh nên chính quyền Pháp ở Thủ Dầu Một phong ngài là Hòa thượng cả (tức là vị điều hành mọi Phật sự tại bản Tỉnh). Do ảnh hưởng uy tín của Hòa thượng Từ Văn đã làm cho các cao Tăng Sài Gòn – Gia Định và miền Tây Nam bộ chú ý tới hoạt động Phật giáo ở Thủ Dầu Một. Sự gắn bó của Hòa thượng Từ Văn với các cao Tăng lúc bấy giờ như Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải) Hòa thượng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên), Hòa thượng chùa Giác Lâm, chùa Long Thanh, chùa Kim Cang (Đồng Nai), Hòa thượng Như Bằng (chùa Sắc Tứ Thiên Ân) . Đặc biệt là sự bắt gặp tinh thần yêu nước giữa nhà Phật học Từ Văn và nhà sĩ phu yêu nước Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1923, từ đó hình thành nên Hội Danh Dự Yêu Nước vang tiếng một thời, đây là sự kiện quan trọng trong giới Phật giáo và nhân dân Thủ Dầu Một đã tạo ý thức mới cho cuộc cách mạng đấu tranh của đồng bào tại Thủ Dầu Một lúc bấy giờ. Có thể nói do ảnh hưởng uy tín của Hòa thượng Từ Văn đã tạo cho Phật giáo ở Thủ Dầu Một có một vai trò thuận lợi trên lãnh vực đạo pháp, cũng như tinh thần yêu nước và hoạt động cứu quốc từ Thủ Dầu Một được lan tỏa…
Đến năm 1935, khi phong trào chấn hưng Phật giáo được phát động rộng và các tổ chức Phật giáo được thành lập, thì ở Thủ Dầu Một có Thiền sư Minh Tịnh, dù ngài không tham gia vào các phong trào này, nhưng ý chí, tư tưởng của ngài là muốn chấn hưng Phật giáo ta phải có quá trình chuyên nghiệm nghiên cứu một cách cụ thể, chính xác về giáo lý Phật Đà. Qua tư tưởng này, nên vào năm 1935 ngài một thân, một mình đơn độc cuộc hành trình về đất Phật. Chuyến đi Ấn Độ và Tây Tạng của Thiền sư Minh Tịnh là sự kiện quan trọng trong giai đoạn Phật giáo Thủ Dầu Một lúc bấy giờ, đây là cuộc xuất ngoại lần thứ hai của chư tôn đức Phật giáo Bình Dương sau chuyến sang Pháp của Tổ Từ Văn.
Đến cuối năm 1944, khi Hội truyền bá quốc ngữ Thủ Dầu Một ra đời tại làng Phú Cường cùng với phong trào của Hội ở Nam bộ (tháng 8 năm 1944 – tháng 8 năm 1945). Hội được nhà cầm quyền Pháp cấp giấy phép hoạt động nhằm muốn giữ dân không cho theo Nhật. Khi đó, tổ chức Việt Minh tại Thủ Dầu Một biết được kế mị dân của Pháp nên các vị lãnh đạo của Việt Minh lúc bấy giờ lợi dụng tình thế xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của mình nằm trong Ban Trị sự của Hội để truyền bá quốc ngữ theo mục đích của cách mạng, địa điểm học ban đêm được tổ chức học nhiều nơi như Trường nữ Châu Thành, trường Tân Ánh Mai, trường Trước, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, Hội được nhiều người ủng hộ, có hàng trăm học viên đến học, phong trào này được giới Phật giáo Thủ Dầu Một hưởng ứng cho sử dụng chùa làm nơi học tập… Ngoài ra, một khi nói đến các phong trào tổ chức yêu nước của Phật giáo Bình Dương qua các thời kỳ, thì trước tiên phải nói đến sự ra đời của Hội Lục Hòa Liên Xã do Hòa thượng Từ Văn khởi xướng và cùng chư tôn đức lãnh đạo điều hành vào năm 1920 trở đi là; tiếp đến là
Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một vốn là một bộ phận của Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ, theo lịch sử ghi nhận, điều đáng lưu ý là khi Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chưa được thành lập thì trước đó giới tăng sĩ yêu nước ở Thủ Dầu Một đã tập hợp được 40 ngôi chùa trong tỉnh để làm hậu thuẩn và chuẩn bị cho sự kiện thành lập Hội. Cho đến ngày 23 tháng 03 năm 1945, Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một do Mặt Trận Việt Minh hướng dẫn đã được thành lập tại chùa Hội Khánh. Hội do Hòa thượng thiền sư Minh Tịnh làm Chủ tịch, Hòa thượng Thiện Hương trụ trì chùa Hội Khánh làm Phó Chủ tịch, Thượng tọa Quảng Viên làm Thư ký, từ khi Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một ra đời đã tác động mạnh lòng yêu nước trong đại đa số tăng, tín đồ Phật giáo trong tỉnh, đặc biệt các thanh niên Tăng lần lượt tình nguyện thoát ly ra bưng biền kháng chiến…
Từ 1945 đến 1954, các phong trào tổ chức yêu nước của Phật giáo Bình Dương đã tác động mạnh lòng yêu nước trong đại đa số tăng, tín đồ Phật giáo ở đây và đã phát triển rộng khắp được chư Tăng tích cực tham gia hưởng ứng phong trào, thanh niên Tăng lần lượt tình nguyện thoát ly ra bưng biền kháng chiến như quý Hòa thượng Thiện Tràng (chùa Long Minh – Thị xã), Hòa thượng Thiện An, Thầy Thiện Linh (chùa Bửu Phước – Phú Giáo), Hòa thượng Quảng Viên (chùa Hội Khánh – Thị xã Thủ Dầu Một), sư Thiện Căn (chùa Thanh Long) và nhiều vị khác. Còn lại các vị tôn túc ở lại tổ chức vận động đồng bào Phật giáo ủng hộ cho cách mạng, như chùa Hội Khánh, Hòa thượng Thiên Hương đã nhường quyền canh tác 28 mẫu ruộng ở xã An Tây để làm kinh tế nuôi quân cách mạng do ông Nguyễn Minh Chương, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Thủ Dầu Một yêu cầu và nhiều chùa khác.
Sau thời kỳ chống Pháp chuyển sang thời kỳ chống Mỹ, giới Phật giáo ở Bình Dương vẫn giữ truyền thống đấu tranh bảo vệ quyền tự do dân chủ, quyền tự do tôn giáo, nhất là giai đoạn nhà Ngô đàn áp Phật giáo, nhiều chùa tiếp tục làm cơ sở hoạt động cho cách mạng, trong giai đoạn này, sinh hoạt Phật sự ở các chùa hầu như đều bị mật thám của Ngô Đình Diệm theo dõi. Tổ chức Giáo hội lúc này ở Bình Dương phần đông là tổ chức Giáo hội Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, còn lại một vài tổ chức hệ phái khác cũng rời rạc. Chùa Hội Khánh lúc này là trung tâm sinh hoạt Phật sự duy nhất trên địa bàn bản Bình Dương, cho mãi đến khi chế độ nhà Ngô sụp đổ, thì nhiều tổ chức Phật giáo mới được phát triển, trong giai đoạn này, nhằm có vị trí của Phật giáo trong quân đội Sài Gòn y như Công giáo, thì Nha Tuyên úy Phật giáo cũng đã được thành lập. Các thành phần tăng sĩ tham gia vào Nha Tuyên úy phần lớn là do không chạy được giấy hoãn quân dịch. Đặc biệt ở Bình Dương, các vị Đại đức tham gia Nha Tuyên úy đều được phong hàm sĩ quan thuộc Sư đoàn 5 đóng ở Lai Khê, chẳng hạn như Tuyên úy Sư đoàn 5 là Đại đức Quảng Thông được phong cấp bậc Thiếu tá (sau này Đại đức Quảng Thông chuyển sang phụ trách Nha Tuyên úy Hải quân Vùng 3 sông ngòi). Trung đoàn 7 có Đại đức Minh Thuận là đại úy (sau thay thế Đại đức Quảng Thông ở Sư đoàn 5); Trung đoàn 8 có Đại đức Huệ Chiếu là Trung úy; Trung đoàn 9 có Đại đức Giác Trí là Đại úy…. Tiểu khu Bình Dương có Đại đức Nhật Ký là Đại úy, Nha Tuyên úy ở Bình Dương mượn chùa Thiện Đức và chùa Phú Hòa ở Phú Lợi làm văn phòng liên hệ công tác.
Tiếp tục sự phát triển của Phật giáo Bình Dương trong giai đoạn này là sự hình thành của tổ chức Gia đình Phật tử, vào khoảng năm 1959, Gia đình Phật tử tại Bình Dương được thành lập lần đầu tiên là Gia đình Chánh Quang (chùa Phật Học), sau này khi xây dựng lại chùa Cô Hồn (Thiện Đức), Gia đình Phật tử Chánh Quang chuyển xuống chùa Thiện Đức sinh hoạt. Kế tiếp sau này các Gia đình Phật tử khác được thành lập như: Gia đình Phật tử Khánh Tâm (chùa Tây Tạng), Gia đình Phật tử Tường Vân (chùa Thiên Chơn), Gia đình Phật tử Khánh Minh (chùa Phổ Minh), Gia đình Phật tử Khánh Liên (chùa Thiên Hòa), Gia đình Phật tử Khánh Bình (chùa gần Trường Công binh tỉnh), Gia đình Phật tử Khánh Ân (chùa Thiên Ân), Gia đình Phật tử Khánh Trang (chùa Huyền Trang), Gia đình Phật tử Trúc Lâm (chùa Trúc Lâm)…
Nói về các tổ chức Giáo hội Phật giáo ở Bình Dương trước năm 1975, phải kể đến Giáo hội Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 1953 (tức ngày 25 tháng 11 năm Quý Tỵ, do sự ủy quyền của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ngày 27 tháng 11 năm 1953 và giấy phép chấp nhận của chính quyền tỉnh Bình Dương ngày 01 tháng 02 năm 1954, lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một thời bấy giờ do Hòa thượng Thích Thiện Hương làm Tăng trưởng (trụ trì đời thứ 8 Tổ đình chùa Hội Khánh), Hòa thượng Thích Quảng Nhu (chùa Long Thọ) làm Tăng Giám, Hòa thượng Thiện Khoa (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám, Giáo thọ Thích Tịch Chiếu (chùa Tây Tạng) làm Tổng thư ký. Có thể nói rằng, Giáo hội Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một là là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã ra đời từ năm 1920 và cũng là hậu thân của tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời vào năm 1947. Tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng ở Bình Dương lúc bấy giờ có trên 60 tự viện chiếm 70% các cơ sở tổ chức Giáo hội Phật giáo ở Bình Dương và trên 10.000 tín đồ Phật tử, phải nói rằng tổ chức này phát triển cực thịnh ở Thủ Dầu Một và tại Bình Dương một thời gian dài cho đến ngày thánh lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, vai trò của tổ chức Lục Hòa Tăng và Tổ đình Hội Khánh ở Bình Dương lúc bấy giờ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực điều hành Phật sự nơi đây, hầu hết các tổ chức sau này ở Bình Dương đều phải xin ý kiến để được sự ủng hộ của tổ chức này, chẳng hạn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Tăng già Khất sĩ, Tịnh độ cư sĩ…
Cùng với sự có mặt của các tổ chức Phật giáo tại Bình Dương từ trước năm 1975, như Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội ở Bình Dương, Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội, Thiên Thai Giáo Quán Tông, Hội Phật học Nam Việt, Phật giáo Cổ Sơn Môn , Giáo hội Tịnh Độ Tông; Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất , Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, thì Giáo hội Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một với truyền thống sinh hoạt và phương châm hành động mang đậm dấu ấn đặc thù Phật giáo Bình Dương và điều này đã làm cho Phật giáo Bình Dương thêm phong phú đa dạng so với nhiều địa phương khác tại Nam Bộ. Đáng nói là sau năm 1975, từ khi lập Ban liên lạc Phật giáo yêu nước và lập Ban vận động thống nhất Phật Giáo, các vị lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng Sông Bé (Bình Dương) đều tham gia tích cực và đóng vai trò chủ đạo. Từ năm 1983, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Sông Bé (kỳ 1) các vị trong tổ chức Lục Hòa Tăng đều tham gia vào Ban trị sự của Tỉnh hội đứng đầu là Hòa thượng Trí Tấn và nhiều vị Tôn túc khác…
IV. Phật giáo Sông Bé – Bình Dương sau năm 1975
Mùa xuân 1975, đất nước Việt Nam hòa bình thống nhất, mở màn cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của một nước độc lập, Phật giáo Việt Nam cũng bước sang trang sử mới, trang sử của một thời kỳ thống nhất toàn thể các hệ phái để hình thành một tổ chức Phật giáo duy nhất, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo đó, Phật giáo Sông Bé – Bình Dương cũng chuyển mình hòa nhập cùng sự ổn định và phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo điều hành của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sau ngày miền Nam giải phóng, do tình hình xã hội cũng như Phật giáo trong bối cảnh thời bấy giờ nên Nhà nước phải nỗ lực củng cố guồng máy tổ chức để ổn định đất nước, theo đó các tổ chức Phật giáo ở Sông Bé (Bình Dương) lúc bấy giờ xem như ngừng hoạt động, các cơ sở tự viện chỉ sinh hoạt thuần túy tín ngưỡng tôn giáo tại cơ sở mình, thời đó một bộ phận chư tăng tại các tự viện còn có sự ngộ nhận giữa lãnh đạo chính quyền địa phương và vị trụ trì nên sinh hoạt Phật giáo ở một số địa phương đã gặp phải một số vướng mắc khó khăn, tuy nhiên đa số tự viện còn lại vẫn sinh hoạt bình thường. Trong giai đoạn này, xã hội đang trong thời kỳ lập lại trật tự và tất cả mọi công dân đều tập trung vào công cuộc tái thiết đất nước, chư Tăng Ni và Phật tử tại Bình Dương cũng vậy, ngoài việc công phu tụng niệm tại chùa theo truyền thống sinh hoạt thiền môn, ai nấy đều hăng hái tăng gia sản xuất và tham gia các phong trào công ích do chính quyền và đoàn thể tại địa phương phát động. Riêng các bậc chư tôn đức mang trọng trách lãnh đạo điều hành Phật giáo Bình Dương đều phải tất bật với công việc hội họp nhằm tiến đến thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương. Trên đây là bối cảnh chung tình hình của đất nước, của Phật giáo Việt Nam và của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương trong khoảng thời gian cận trước và sau năm 1975, cho đến ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào các ngày 04-07 tháng 11 năm 1981.
Trên đây là bối cảnh chung tình hình của đất nước, của Phật giáo Việt Nam và của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương trong khoảng thời gian cận trước và sau năm 1975, cho đến ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 04-07 tháng 11 năm 1981.