Như chúng ta đã biết, Phật giáo tỉnh Sông Bé ra đời bắt nguồn từ sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nói một cách khác nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ra đời thì cũng sẽ không có sự hiện diện của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương. Sau khi ra đời, Phật giáo Sông Bé – Bình Dương là một bộ phận không thể tách rời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do đó trước khi đề cập đến sự ra đời của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé vào năm 1983, thiết nghĩ chúng ta không thể không nhắc đến sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì vậy, trong phần đầu của chương này chúng tôi sẽ trình bày phần nào diễn tiến quá trình thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năn 1981.
I. Sự kiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981
Từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, quy tụ 165 đại biểu của 09 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước[1], hình thành nên ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Khởi đầu sự kiện lịch sử hy hữu trọng đại này, chư tôn đức giáo phẩm của các tổ chức, hệ phái Phật giáo đã thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1975, tiếp đến là Ban Vận động thống nhất Phật giáo vào năm 1980, bằng bản lĩnh, trí tuệ, nhiệt tâm, dày công và kiên nhẫn trong nhiều năm liền, các ngài đã gắn kết thành công giữa các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước lại với nhau, tạo nên tinh thần đoàn kết hòa hợp, cảm thông và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự nghiệp thống nhất, xây dựng nên tiếng nói chung của Phật giáo nước nhà trong bối cảnh đất nước vừa hòa bình, thống nhất.
Ngay trong Lời nói đầu của Hiến chương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định quan điểm thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng, duy trì. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng được nêu rõ mục đích ra đời, đó là giác ngộ chân lý, phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh, đặc biệt, mọi hành động của Giáo hội luôn nhất quán với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất có tổng cộng 165 vị đại biểu về tham dự, trong đó đại biểu thuộc thành phần Ban Vận động có 33 vị, đại biểu các Giáo hội, Hệ phái, tổ chức Phật giáo có 98 vị, đại biểu thuộc thành phần tiêu biểu trong Tăng, Ni, cư sĩ có 34 vị, đại biểu dự thính có 4 vị. Cụ Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách Chủ tọa danh dự. Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã đọc diễn văn khai mạc, sau đó là phát biểu của cụ Hoàng Quốc Việt; Thượng tọa Thích Minh Châu, Chánh Thư ký Ban Vận động thống nhất Phật giáo đọc báo cáo về quá trình hoạt động của các cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam từ trước cho đến ngày đại hội. Quý Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thượng tọa Thích Minh Châu, Thích Từ Hạnh thuyết trình dự thảo Hiến chương và dự thảo chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại hội đã vinh dự đón chào Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước Xuân Thủy đến thăm và phát biểu.
Về nhân sự Nhiệm kỳ 1981 – 1987, Đại hội suy tôn 50 vị Hòa thượng, Trưởng lão tiêu biểu của các Giáo hội, hệ phái vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận được Đại hội cung thỉnh suy tôn làm Pháp chủ đầu tiên và Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Phó Pháp chủ kiêm Giám luật. Quý Hòa thượng cùng đảm trách ngôi vị Phó Pháp chủ đó là Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Ấn Lâm, Hòa thượng Maha Saray, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Nguyên Sinh.
Về Hội Đồng Trị Sự, Đại hội suy cử 49 vị tiêu biểu của 9 tổ chức, giáo hội, hệ phái vào Hội Đồng Trị Sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Trí Thủ được Đại hội cung thỉnh suy cử làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự đầu tiên. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có 23 vị, đứng đầu là Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự; Phó Chủ tịch thường trực là Hòa thượng Thích Thế Long và Hòa thượng Thích Trí Tịnh, cùng 6 vị Phó Chủ tịch: Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Giác Nhu, Thượng tọa Thích Châu Mum và Thượng tọa Thích Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự kiêm Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký là Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thượng tọa Thích Thanh Tứ.
Trong nhiệm kỳ đầu, Trung ương Giáo hội có 6 ban chuyên ngành hoạt động: Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Tăng – Ni, Ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa.
Đặc biệt, tại Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc lần đầu, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 11 Chương và 46 điều, do 9 vị Trưởng đoàn của 9 tổ chức, giáo hội, hệ phái tham dự Đại hội cùng ký tên, ấn dấu công nhận đã được thông qua. Trong “Lời nói đầu” của Hiến Chương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có ghi rõ: “Trong gần hai ngàn năm hoằng pháp độ sinh trên đất nước Việt Nam và hòa mình trong dân tộc, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên được tin cậy trong khối đoàn kết toàn dân, suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa…”. Theo đó, lập trường và mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Lý tưởng giác ngộ chân lý hòa hợp chúng sanh, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh” tức “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, nguyên tắc thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động, tuy nhiên, các truyền thống, các pháp môn tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng và duy trì”. Giữ vững tinh thần từ bi bình đẳng của đạo Phật phụng sự hòa bình nhân loại, tôn trọng pháp luật Nhà nước, được Nhà nước công nhận và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Giáo hội liên hệ trong và ngoài nước.
Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra trên tinh thần hài hòa trong tình đồng đạo, thắm tình ruột thịt và đã thu hoạch được những kết quả vô cùng lớn lao, đó là hoàn thành xây dựng và biểu quyết thông qua một bản Hiến chương cho Giáo hội có nội dung đoàn kết và thống nhất thực sự, thể hiện tinh thần dân chủ, vô ngã, vị tha và lục hòa của Phật giáo. Thảo luận và biểu quyết thông qua bản Đại cương chương trình của Giáo hội, gồm sáu điểm:
- Thực hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần hòa hợp chung giữa các giáo phái và tăng tín đồ.
- Hoằng dương chính pháp, chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực của giáo lý Đức Phật.
- Đào tạo Tăng, Ni và hướng dẫn việc tu hành của Tăng, Ni.
- Phát huy truyền thống yêu nước và gắn bó với dân tộc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Xây dựng kinh tế nhà chùa, nhằm giải quyết đời sống của Tăng, Ni và góp phần lợi ích cho xã hội.
- Phát triển quan hệ hữu nghị với Phật tử trên thế giới, góp phần vào việc xây dựng hòa bình và an lạc cho nhân loại.
Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I (1981 – 1987) đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và củng cố cơ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam với 50 thành viên Hội Đồng Chứng Minh, 49 thành viên Hội Đồng Trị Sự, có 6 Ban ngành được thành lập đi vào hoạt động, thành lập 28 Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh, thành,
Một điều cần lưu ý là vào năm 1975, trong khi chư tôn đức giáo phẩm của các tổ chức, hệ phái Phật giáo tham gia thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, thì Phật giáo Sông Bé vào ngày 02 tháng 02 năm 1976, tại Tổ đình chùa Hội Khánh, một hội nghị của Ban vận động cũng được tổ chức để thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước tỉnh Bình – Thủ (Sông Bé – Bình Dương), cần nói thêm ở đây, hội nghị lần thứ 2 này là hội nghị thay cho cuộc họp lần thứ 1 vào ngày 23 tháng 12 năm 1975 (cuộc họp mang tính nội bộ của Ban vận động).
Hội nghị lần 2 này có sự tham dự chủ trì của Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM và các vị: Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bình Thủ; Thượng tọa Thích Quảng Viên (trụ trì chùa Hội Khánh), Tổng Thư ký tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương; Hòa thượng Thích Tịch Chiếu (chùa Tây Tạng), đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Dương (khối Ấn Quang); Thượng tọa Thích Thiện Căn (chùa Thanh Long) đại diện Phật giáo Nguyên Thủy; trụ trì Tịnh xá Ngọc Dương, đại diện Phật giáo Tăng già Khất sĩ; Đại đức Tịnh xá Ngọc Châu thuộc Khất sĩ du Tăng; Sư cô Tịnh xá Ngọc Bình đại diện Ni bộ Khất sĩ; Sư cô Diệu Hảo (Chơn Định) chùa Hưng Đức đại diện cư sĩ Phật Hội; Sư cô chùa Phổ Thiện Hòa, đại diện Tịnh Độ Tông; cư sĩ Nguyễn Ngọc Cho đại diện Hội Phật học Nam Việt và đại diện các chùa: Chùa Long Quang, Long Thọ, Long Sơn, Phước An, Phước Hưng, Hội Sơn, Thiện Đức, Bửu Phước, Vân Sơn, Phước Hòa, Hiệp Hòa, Tịnh xá Ngọc Chánh, Tịnh xá Ngọc Thành, cư sĩ Đổng Văn Mùi (Phật tử chùa Hưng Đức), cư sĩ Nguyễn Văn Mến (Phật tử chùa Phước An).
Hội nghị bầu một Ban Vận động gồm 15 thành viên: Cố vấn Hòa thượng chùa Thiên Bửu, Trưởng Ban Hòa thượng Thích Thiện Tràng, Phó Ban Hòa thượng Thích Tịch Chiếu, Phó Ban kiêm Thư ký Thượng tọa Thích Quảng Viên. Các Phó Ban khác: Sư cô Diệu Hảo, Sư cô Tập Liên, Tịnh xá Ngọc Bình, cư sĩ Nguyễn Ngọc Cho. Các Ủy viên là trụ trì các chùa và tịnh xá, như chùa Thanh Long, chùa Long Sơn, chùa Bình Long, chùa Long Hưng, tịnh xá Ngọc Dương, chùa Phước An, tịnh xá Ngọc Châu, tịnh xá Ngọc Thọ.
Hội nghị là bước mở màn cho sự liên kết của các tổ chức Phật giáo trong địa bàn tỉnh, trên cơ sở này, làm gạch nối cho sự cảm thông và gắn bó giữa chánh quyền, Mặt trận với Phật giáo ngày càng hòa hợp và hiểu nhau hơn. Ban vận động làm nhiệm vụ tư tưởng đến các tổ chức hệ phái và Tăng Ni Phật tử để mọi người ý thức đồng tình nhằm chuẩn bị cho một tổ chức thống nhất Phật giáo toàn quốc và Phật giáo Sông Bé sau này.
Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, Hòa thượng Thích Trí Tấn (chùa Hưng Long, Tân Uyên, Sông Bé) lúc bấy giờ vẫn đang giữ chức Tổng Thư ký Viện Tăng Thống thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Trưởng đoàn, thuộc Đoàn Đại biểu Phật giáo Cổ truyền tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc, ngoài cương vị Trưởng đoàn, ngài còn đóng vai trò quan trọng cho Phật giáo tỉnh Sông Bé sau này.
Toàn tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ duy nhất chỉ có Hòa thượng Thích Trí Tấn tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, nhưng lúc đó ngài là đại diện cho hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, chứ không phải đại diện cho Phật giáo tỉnh Sông Bé, sở dĩ như vậy vì vào thời điểm này, các tỉnh thành vẫn chưa có Ban Trị sự hay Ban Đại diện chính thức.
Quay lại sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, thì vào những năm đầu sau ngày giải phóng, bối cảnh xã hội còn nhiều biến động do ảnh hưởng tiêu cực bởi tàn dư của chế độ Sài Gòn và tình hình nội bộ Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ vẫn còn rời rạc, khuynh hướng bảo thủ và hoạt động riêng lẻ của từng hệ phái Phật giáo đã khiến cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam trở nên bừa bộn, suy yếu, thậm chí điều này còn tạo ra mảnh đất màu mở khiến các thế lực thù địch chia rẽ phân hóa nội bộ và lợi dụng để chống đối Nhà nước Việt Nam, chống đối Phật giáo Việt Nam. Trong hoàn cảnh xã hội và nội tình Phật giáo diễn biến phức tạp như vậy, thì công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tiến hành một cách hòa hợp êm đẹp và thành công mỹ mãn. Chính sự hợp nhất của các hệ phái Phật giáo trên tinh thần nhất quán vì lợi ích đạo pháp và dân tộc, dưới sự lãnh đạo và điều hành của Hội đồng Trị sự Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực sự trở thành chiếc la bàn dẫn đường đưa con thuyền Phật giáo Việt Nam vượt qua những gập ghềnh khó khăn trắc trở, thực sự trở thành kim chỉ nam giúp cho toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam tiến bước trên con đường tu hành giác ngộ giải thoát và đóng góp công sức vì lợi ích tha nhân.
Ngay sau khi các hệ phái Phật giáo được thống nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư tôn đức lãnh đạo trong Hội đồng Trị sự đã tập trung triển khai các chủ trương trọng tâm của Giáo hội, định hướng cho sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam một cách bền vững, bắt nhịp hòa cùng sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, lãnh đạo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã rất chú trọng vai trò đồng hành cùng dân tộc với phương châm và định hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, tích cực đưa ánh sáng giác ngộ của Phật Đà đi vào đời sống, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tích cực đóng góp trí tuệ công sức vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Nhất là kịp thời chỉ đạo Phật giáo các địa phương nhanh chóng tiến hành đại hội nhằm ổn định nhân sự, nắm vững và triển khai chủ trương của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, điều hành Phật giáo cấp cơ sở đi vào hoạt động nề nếp.
II. Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé ra đời vào năm 1983
Lịch sử Phật giáo Việt Nam kể từ sau 1975 được đánh dấu bằng những mốc thời gian là những lần Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, cụ thể từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hiến chương Giáo hội nêu rõ chủ trương đường lối, chương trình hoạt động cho Nhiệm kỳ I của Hội đồng Trị sự, đã ghi đậm nét son vàng trên trang sử Phật giáo nước nhà thời đại.
Sau Hội nghị Phật giáo Toàn quốc lần I trở về địa phương, Hòa thượng Trí Tấn là một nhân vật quan trọng, có đủ uy tín và tiếng nói để đứng ra tiến hành Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo tỉnh Sông Bé. Trong giai đoạn này, tổ chức Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò tham mưu trọng yếu giúp Phật giáo hiệp thương, chọn nhân sự để thành lập ban trù bị và nhân sự cho Đại hội, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc lúc bấy giờ là ông Võ Minh Đức làm Chủ tịch và vị chịu trách nhiệm trực tiếp là ông Huỳnh Văn Cường, Cao Anh Kiệt, Trần Khắc Minh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sông Bé.
Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhân sự là yếu tố quan trọng, đòi hỏi họ phải có tư tưởng yêu nước và nhiệt tâm với xu thế trong việc thống nhất Phật giáo… Khởi đầu, Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội đến làm việc với Mặt trận Tổ quốc tỉnh về cơ cấu và tổ chức để tiến tới thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé. Vào ngày 26 tháng 12 năm 1982, một cuộc họp được tổ chức để thành lập Ban trù bị gồm: Hòa thượng Trí Tấn làm Trưởng Ban, Hòa thượng Thiện Tràng, Hòa thượng Nguyên Thành và Sư cô Chơn Định làm Phó Ban, Thượng tọa Quảng Viên làm Chánh Thư ký và các Ủy viên: Đại đức Thới Thông, Sư cô Diệu Nghĩa, cư sĩ Minh Tâm, cư sĩ Tuệ Bát. Vào ngày 06 tháng 01 năm 1983, tổ chức cuộc họp của Ban trù bị để bàn kế hoạch cụ thể tiến tới Đại hội ra mắt Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé dưới sự chứng minh chủ trì của Hòa thượng Thích Trí Tấn, Ủy viên Hội đồng Chứng minh – Hội đồng Trị sự Trung ương, Trưởng Ban trù bị Đại hội.
Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ I chính thức tổ chức trong hai ngày 08 và 09 tháng 01 năm 1983 tại Tổ đình chùa Hội Khánh (Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một).
Đại hội có 80 đại biểu đại diện các tổ chức hệ phái và Tăng Ni, cư sĩ tiêu biểu; tham dự chứng minh của Trung ương Giáo hội có Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Bửu Ý, Thượng tọa Thích Từ Hạnh (Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2, Hòa thượng Thích Trí Tấn (thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Trưởng ban trù bị Đại hội). Về phía chính quyền đoàn thể có bà Nguyễn Thị Liên, Thường vụ Tỉnh ủy; ông Nguyễn Như Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; ông Huỳnh Văn Cường, ông Cao Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ông Trần Khắc Minh, ông Lê Hoàng Long, Ủy viên thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh và lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc huyện Thuận An, Lộc Ninh, Phước Long, Đồng Phú, Thị xã Thủ Dầu Một và phóng viên báo Giác Ngộ, Đài phát thanh tỉnh. Ngoài ra còn có đại diện Phật giáo Cổ truyền, Phật giáo Thống Nhất, Hội Phật học Việt Nam, Phật giáo Nguyên Thủy, Tăng già Khất sĩ đã đọc tham luận bày tỏ niềm hân hoan trước sự thống nhất của Phật giáo tỉnh Sông Bé.
Đại hội bầu một Ban Trị sự gồm 15 vị, và sau đó thành phần nhân sự Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ I đã được Trung ương Giáo hội công nhận bằng quyết định của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Quyết định số 219/QĐ/VP2/HĐTS ngày 07/02/1983, về việc công nhận Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé, do Hòa thượng Thích Trí Thủ – Chủ tịch ấn ký. Theo đó, Quyết định này gồm có 03 điều:
– Điều 1: Công nhận Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé là đơn vị trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ Hiến chương Giáo hội.
– Điều 2: Phê chuẩn thành phần nhân sự Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé
– Điều 3: Tổng Thư ký Ban Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé chiếu nhiệm vụ thi hành quyết định này.
Theo đó, thành phần nhân sự Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé đã được phê chuẩn gồm có:
*Thường trực Ban Trị sự (Nhiệm kỳ 1983 – 1987)
- Hòa thượng Thích Trí Tấn: Trưởng Ban kiêm Ủy viên Tăng sự
- Hòa thượng Thích Thiện Tràng: Phó Ban kiêm Ủy viên Kiểm soát
- Hòa thượng Thích Nguyên Thành: Phó Ban kiêm Ủy viên Hoằng pháp
- Ni sư Thích nữ Chơn Định: Phó Ban kiêm Ủy viên Tài chính
- Thượng tọa Thích Quảng Viên: Chánh Thư ký kiêm Ủy viên Nghi lễ
- Đại đức Thích Minh Thiện: Phó Thư ký kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng Ni, Ủy viên Văn hóa
- Sư cô Thích nữ Diệu Nghĩa: Ủy viên Thủ quỹ kiêm Hướng dẫn Nam nữ cư sĩ Phật tử
*Các Ủy viên Ban Trị sự
- Thượng tọa Thích Thiện Căn: Ủy viên
- Đại đức Thích Nhuận Thanh: Ủy viên
- Ủy viên: Đại đức Thích Pháp Tảo: Ủy viên
- Đại đức Thích Thới Thông: Ủy viên
- Cư sĩ Minh Tâm: Ủy viên
- Cư sĩ Tuệ Bát: Ủy viên
- Cư sĩ Lê Văn Mậu: Ủy viên
- Cư sĩ Phạm Đình Phùng: Ủy viên
Về mặt chính quyền thì Ủy ban Nhân dân tỉnh Sông Bé cũng đã ra Quyết định số 246/QĐ/UB ngày 13 tháng 4 năm 1983 về việc công nhận Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn địa phương do ông nguyễn Như Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sông Bé ấn ký.
_CT:
[1] 09 tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước bao gồm Giáo hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông và Hội Phật học Nam Việt.