Chương III: Hoạt động Phật sự của Phật giáo Sông Bé nhiệm kỳ I (1983-1987)

Chương III tải file pdf

      Hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé nhiệm kỳ I (1983 – 1987) chủ yếu là ở các huyện phía Nam của tỉnh, hệ thống tổ chức của Tỉnh hội lúc này chưa chặt chẽ về quản lý hành chánh, Giáo hội còn yếu kém, chủ yếu là dựa vào Trung ương và Mặt trận Tổ quốc, tuy nhiên phải nói là trong giai đoạn đầu này, Ban Trị sự đóng vai trò quan trọng làm cầu nối để giải quyết một số nhiệm vụ cấp thời đem lại nguyện vọng chánh đáng cho Tăng Ni và tự viện. Nhiệm vụ căn bản của Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội là thống kê sơ bộ cơ sở tự viện và Tăng Ni trong tỉnh, hiệp thương nhân sự để thành lập các Ban Đại diện Phật giáo huyện, thị chủ yếu là ở phía Nam của tỉnh.

      Trong lúc Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ I vẫn còn trong tình trạng non yếu, rất cần đến sự quan tâm sâu sát chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Trung ương và đang tranh thủ mọi thời gian để hoàn thành các thủ tục quan trọng nhằm tiến đến việc hiệp thương nhân sự và ra mắt các Ban Đại diện Phật giáo các cấp cơ sở huyện thị, thì vào ngày mồng 02 tháng 03 năm Giáp Tý, tức ngày 02 tháng 04 năm 1984, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam viên tịch. Sinh thời Hòa thượng có câu nói bất hủ: “Những gì tôi làm cho đạo pháp tức là làm cho dân tộc, những gì tôi làm cho dân tộc tức là làm cho đạo pháp”. Sự ra đi của Hòa thượng Thích Trí Thủ không chỉ là sự mất mát to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu Phật giáo nước nhà vừa thống nhất, mà còn là sự hụt hẫng, mất chỗ nương dựa trong sự trông chờ vào sự lãnh đạo điều hành của ngài đối với Phật giáo cả nước, trong đó có Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé.

      Sau khi Hòa thượng Thích Trí Thủ viên tịch, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được cử làm Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo. Dưới thời lãnh đạo của Hòa thượng Trí Tịnh, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé tiếp tục triển khai thực hiện các Phật sự quan trọng, cụ thể như sau:

      – Ngày 28 tháng 08 năm 1984, được sự chỉ đạo và chứng minh của chư tôn đức trong Ban Trị sự Tỉnh hội, Ban Đại diện Phật giáo Thị xã Thủ Dầu Một đã làm lễ ra mắt tại chùa Hội Khánh. Ban Đại diện có ba vị: Thượng tọa Thích Thiện Căn – Chánh Đại diện, Đại đức Thích Thiện Nghĩa – Phó Đại diện, Sư cô Diệu Nghĩa – Thư ký.

      – Ngày 21 tháng 11 năm 1984 Ban Đại diện Phật giáo huyện Thuận An làm lễ ra mắt tại chùa Bùi Bửu gồm có ba vị: Thượng tọa Minh Thiện – Chánh Đại diện, Sư cô Tắc Nhẫn – Phó Đại diện, Đại đức Minh Thuấn – Thư ký.

      – Ngày 03 tháng 04 năm 1985, Ban Đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên làm lễ ra mắt tại chùa Long Ân gồm hai vị: Đại đức Thích Nhuận Thanh – Chánh Đại diện, thầy Thiện Trường – Phó Đại diện; đến tháng 10 năm 1985, một hội nghị được tổ chức tại văn phòng Mặt trận Tổ quốc huyện Tân Uyên. Hội nghị này Tăng Ni trong huyện biểu quyết bổ sung Đại đức Thích Huệ Thông làm Thư ký trong Ban Đại diện.

      – Ngày 24 tháng 04 năm 1986, lễ ra mắt Ban Đại diện Phật giáo Bến Cát gồm ba vị: Thượng tọa Thiện Quang – Chánh Đại diện, Sư cô Diệu Tâm – Phó Đại diện, Sư cô Thành Liên – Thư ký.

      Ngoài nhiệm vụ quan trọng là thành lập Ban Đại diện Phật giáo tại 04 huyện, thị, thì Ban Trị sự Tỉnh hội cũng đã thống kê sơ bộ Tăng Ni, tự viện được 132 tự viện, tịnh xá và 183 Tăng Ni, chủ yếu thuộc 4 huyện phía Nam, trong đó hệ Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng 80%, hệ phái Phật giáo Thống Nhất 10%, hệ phái Khất Sĩ 5% và các hệ phái khác là 5%…

      Trong nhiệm kỳ này, về mặt đào tạo thế hệ Tăng tài, Tỉnh hội đã đề cử Đại đức Thích Minh Thiện tham dự khóa cao cấp Phật học tại TP. HCM; về lãnh vực tu học, Tỉnh hội Phật giáo đã tổ chức được một khóa an cư mở rộng vào 1986, tức một tháng hai ngày (ngày 30 và ngày rằm) về trụ sở chùa Hội Khánh để tụng luật và nghe triển khai một số nghị quyết, văn bản của Trung ương Giáo hội và Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai, khóa an cư này có khoảng 100 Tăng Ni đăng ký tham dự; về lãnh vực từ thiện, Tỉnh hội Phật giáo đã tham gia đóng góp nhiều phong trào từ thiện trị giá trên 50 triệu đồng và động viên các tự viện mở phòng thuốc từ thiện để điều trị cho đồng bào nghèo như chùa Hưng Đức, Hưng Mỹ, Hưng Khánh. Cũng trong nhiệm kỳ này Tỉnh hội đã giới thiệu Sư cô Diệu Nghĩa ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh và Hòa thượng Thích Trí Tấn, Hòa thượng Thích Thiện Tràng, Sư cô Chơn Định tham gia vào thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh và hiệp thương giới thiệu các Chánh Đại diện, các Ban Đại diện tham gia vào thành viên Mặt trận Tổ quốc huyện, thị và nhiều công tác Phật sự khác. Phải nói rằng trong giai đoạn khá mới này, mặc dù nguồn tài lực, vật lực và nhân lực còn yếu kém nhưng Ban Trị sự Tỉnh hội đã hoàn thành tốt một số hoạt động Phật sự đáng kể. Lãnh đạo và điều hành Phật sự ở nhiệm kỳ đầu ngoài sự lãnh đạo tối cao của Hòa thượng Trí Tấn, còn có sự tích cực hoạt động của Sư cô Chơn Định, Thượng tọa Thích Quảng Viên, Đại đức Minh Thiện, Sư cô Diệu Nghĩa; dù vạn sự khởi đầu nan nhưng có thể nói rằng hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ I (1983 – 1987) đã tạo nền tảng ổn định cho Phật giáo tỉnh nhà giai đoạn đầu và làm tiền đề cho sự phát triển của Giáo hội tỉnh Sông Bé (Bình Dương) ở các nhiệm kỳ sau.