Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé sau 04 năm hoạt động tích cực, nhiệm kỳ I (1983 – 1987) khởi sự vào ngày 07/02/1983 cũng đã kết thúc ngay sau Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ II (1987 – 1991).
Vào ngày 25 tháng 05 năm 1987, tại Tổ đình chùa Hội Khánh, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ II được tổ chức. Tham dự Đại hội có 120 đại biểu, đại diện của quan chức chánh quyền tỉnh, Tăng Ni Phật tử tiêu biểu và các đoàn Phật giáo các tỉnh thành bạn đến tham dự, Đại hội vinh dự được quý Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Bửu Ý quang lâm đến chứng minh.
Tại Đại hội nhiệm kỳ II (1987 – 1991), chư tôn đức đã suy cử 08 vị vào Ban Thường trực và 22 vị thành viên làm Ủy viên Ban Trị sự, thành phần nhân sự Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ II đã được Trung ương Giáo hội công nhận bằng một quyết định của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự ấn ký.
Theo đó, thành phần nhân sự Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé (Nhiệm kỳ 1987 – 1991) gồm 22 thành viên đã được Trung ương Giáo hội phê chuẩn như sau:
*Thường trực Ban Trị sự Nhiệm kỳ II (1987 – 1991)
- Hòa thượng Thích Trí Tấn: Trưởng Ban kiêm Trưởng ban Tăng sự
- Thượng tọa Thích Nguyên Thành: Phó Ban kiêm Ủy viên Hoằng Pháp.
- Thượng tọa Thích Quảng Viên: Phó Ban Trị sự kiêm Ủy viên Kiểm soát.
- Ni sư Thích nữ Chơn Định: Phó Ban Trị sự kiêm Ủy viên Tài chánh.
- Đại đức Thích Minh Thiện: Chánh Thư ký kiêm Ủy viên Văn hóa.
- Đại đức Thích Huệ Thông: Phó Thư ký Thường trực kiêm Ủy viên Hướng dẫn cư sĩ Phật tử.
*Các Ủy viên Ban Trị sự:
- Sư cô Thích nữ Diệu Nghĩa: Ủy viên Thủ quỹ
- Đại đức Thích Thiện Nghĩa: Ủy viên Nghi lễ
- Đại đức Thích Nhuận Thanh: Ủy viên
- Đại đức Thích Giác Nguyện: Ủy viên
- Đại đức Thích Minh Thuấn: Ủy viên
- Đại đức Thích Thiện Quang: Ủy viên
- Đại đức Thích Chơn Tâm: Ủy viên
- Đại đức Thích Giác Sự: Ủy viên
- Sư cô Thích nữ Như Huy: Ủy viên
- Sư cô Thích nữ Tắc Nhẫn: Ủy viên
- Sư cô Thích nữ Tắc Vạn: Ủy viên
- Sư cô Thích nữ Diệu Tâm: Ủy viên
- Cư sĩ Minh Tâm: Ủy viên
- Cư sĩ Tuệ Bát: Ủy viên
- Cư sĩ Minh Tâm: Ủy viên
- Cư sĩ Trao Ngộ (Phạm Đình Phùng): Ủy viên
Trong nhiệm kỳ II (1987 – 1991) của Phật giáo Sông Bé có một sự kiện rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của Phật giáo tỉnh nhà lúc bấy giờ, đó là Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Thủ đô Hà Nội vào hai ngày 28 và 29 tháng 10 năm 1987.
Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 Nhiệm kỳ 1987 – 1992 đã suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại hội đã bầu ra Ban Thường trực Hội đồng Trị sự gồm 25 vị, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch; Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni; Hòa thượng Kim Cương Tử, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban Nghi lễ; Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Phó Chủ tịch: Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Siêu Việt, Hòa thượng Châu Mun; Thượng toạ Thích Từ Hạnh, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2; Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 1. Hội đồng Trị sự có 7 Ban: Ban Tăng sự (Trưởng ban: Hòa thượng Thích Huệ Hưng), Giáo dục Tăng Ni, Nghi lễ, Hướng dẫn nam nữ Phật tử (Trưởng ban: Hòa thượng Thích Thanh Viên), Hoằng pháp (Trưởng ban: Thượng tọa Thích Trí Quảng), Văn hóa (Trưởng ban: cư sĩ Võ Đình Cường), Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội (Trưởng ban: Sư cô Thích nữ Huệ Từ).
Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 đúc kết công tác sau 5 năm Nhiệm kỳ I của Hội đồng Trị sự, tu chỉnh một số điều trong Hiến chương Phật giáo Việt Nam, điểm nổi bật trong Đại hội kỳ này là điều chỉnh, bổ sung về mặt tổ chức, nhân sự với một chương trình hoạt động phong phú cho nhiệm kỳ kế tiếp của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có thể nói nhiệm kỳ II của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động theo chương trình nội dung 06 điểm của Giáo hội trong thời kỳ đổi mới của xã hội và đất nước.
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần 2 nhiệm kỳ 1987 – 1992 có 200 đại biểu Phật giáo các tỉnh thành trong cả nước về tham dự. Đoàn Đại biểu của Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé có 6 vị (trong đó có 2 vị nữ) do Hòa thượng Thích Trí Tấn, thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Sông Bé làm Trưởng đoàn Phật giáo Sông Bé; Ni sư Chơn Định, Phó Trưởng ban kiêm Ủy viên Tài chính; Đại đức Thích Minh Thiện, Chánh Thư ký; Đại đức Thích Huệ Thông, Phó Thư ký; Sư cô Thích nữ Diệu Nghĩa, Ủy viên Thủ quỹ và Đại đức Thích Thiện Duyên làm thị giả cho Hòa thượng Thích Trí Tấn.
Về công tác Tăng sự, trong Nhiệm kỳ II (1987 – 1991), Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé đã đề nghị Trung ương Giáo hội tấn phong giáo phẩm Hòa thượng cho Thượng tọa Nguyên Thành, tấn phong giáo phẩm Thượng tọa cho Đại đức Minh Thiện và tấn phong giáo phẩm Ni sư cho Sư cô Thích nữ Chơn Định, những đề nghị này đã được Hội dồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chấp thuận.
Trong Nhiệm kỳ II (1987 – 1991), nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Hội đồng Trị sự, nên hoạt động của Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé trong nhiệm kỳ này có khởi sắc và phát triển hơn trước, cụ thể là tổ chức được hai giới đàn, Giới đàn lần thứ 1 được tổ chức vào ngày 12 tháng 07 âm lịch (tức ngày 23 tháng 08 năm 1988) tại Tổ đình chùa Hội Khánh.
Thành phần giới sư, về Tam sư Tăng có Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Hòa thượng Đàn đầu; Thượng tọa Thích Nguyên Thành làm Yết ma A Xà Lê; Đại đức Thích Nhuận Thanh làm Giáo thọ A Xà Lê; Về Thất chứng: Đại đức Thích Thiện Nghĩa, Thích Pháp Tảo, Thích Minh Thiện, Thích Giác Sự, Thích Mỹ Tánh, Thích Mỹ Phước, Thích Thiện Quang; Đại đức Thích Huệ Thông làm Dẫn thỉnh sư. Về Thập sư Ni có Ni sư Thích nữ Như Huy làm Hòa thượng Đàn đầu, Ni sư Thích nữ Tắc Nhẫn làm Yết ma A Xà Lê và Ni sư Thích nữ Tắc Hiền làm Giáo thọ A Xà Lê. Giới đàn này chỉ truyền giới Sa di cho 40 giới tử Tăng và Ni. Cũng tại giới đàn này, chư tôn đức phương tiện truyền giới phương trượng cho Sư cô Diệu Hảo (sau này là Ni sư Chơn Định). Sư cô Diệu Hảo (Chơn Định) thuộc Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, người có uy tín đối với chánh quyền tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ, nên tỉnh hội cơ cấu vào vai trò Phó Ban Trị sự từ ngày đầu thành lập, để phù hợp về mặt giới luật trong sinh hoạt Phật sự, nên phương tiện truyền giới Tỳ kheo ni vào năm 1988. Giới đàn lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng 07 âm lịch (1990) tại Tổ đình Hội Khánh. Thành phần giới sư: Giới sư Tăng có Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Hòa thượng đàn đầu, Hòa thượng Thích Huệ Hải làm Yết ma A Xà Lê, Hòa thượng Thích Diệu Tâm làm Giáo thọ A Xà Lê, Đại đức Thích Huệ Thông làm Điển lễ; Giới sư Ni có Sư bà Như Trí làm Hòa thượng Đàn đầu, Sư bà Như Trạng làm Yết ma A Xà Lê, Ni sư Như Chiếu làm Giáo thọ A Xà Lê. Giới đàn này truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di và Sa di Ni cho 80 giới tử thọ chính thức và trên 100 giới tử thọ phương trượng. Giới đàn lần thứ hai, tất cả giới tử phải trải qua kỳ thi khảo hạch về kinh, luật, luận do Ban giám khảo đề ra. Chánh giám khảo của giới đàn này do Đại đức Thích Huệ Thông đảm trách, đặc biệt trong lễ khai mạc Đại giới đàn có sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Hội đồng Tri sự Trung ương và các quan chức của tỉnh cùng tham dự.
Có thể nói rằng, hai giới đàn được tổ chức trong Nhiệm kỳ II là kết quả lớn của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé, bên cạnh đó, sinh hoạt Phật sự lúc này vẫn tiếp tục thực hiện một số chủ trương chung của Giáo hội và theo chương trình hoạt động Phật sự mà Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé trong nhiệm kỳ đã đề ra như sau:
– Về mặt đào tạo thế hệ kế thừa cho Phật giáo tỉnh, Tỉnh hội giới thiệu Đại đức Huệ Thông và Sư cô Liên Hòa tham dự kỳ thi tuyển sinh vào khóa 2 (1989) của Trường Cao cấp Phật học tại TP. HCM và 02 vị đã trúng tuyển kỳ thi này và Tỉnh hội còn giới thiệu 07 Tăng Ni sinh vào học Trường Cơ bản Phật học TP. Hồ Chí Minh
– Về hành đạo thì việc tu tập đối với Tăng Ni chủ yếu vào 3 tháng an cư kiết hạ, nhưng vẫn với hình thức an cư mở rộng, số lượng tham dự cho mỗi khóa trên 200 vị. Mỗi kỳ an cư đều có các vị giảng sư của Ban Hoằng pháp và chư tôn giáo phẩm Văn phòng Trung ương về thuyết giảng, như Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Hiển Pháp, Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Từ Thông, Thượng tọa Nguyên Ngôn, Thượng tọa Minh Thành, Thượng tọa Thiện Nhơn, Thượng tọa Giác Toàn… Đặc biệt cũng trong nhiệm kỳ này đã có sự chuyển biến tích cực trong sinh hoạt tu hành của Tăng Ni trong tỉnh Sông Bé. Có thể nói, từ năm 1983 -1990 Tăng Ni Sông Bé chỉ kiết giới an cư tại chỗ ở tự viện, mỗi tháng hai ngày về trụ sở Tỉnh hội (chùa Hội Khánh) để Bố tát và nghe giảng. Trước khi vào mùa an cư kiết hạ năm 1991, Đại đức Thích Huệ Thông đã tác bạch đề xuất với Hòa thượng Thích Trí Tấn là nên mở khóa an cư cấm túc trong mùa an cư kiết hạ năm này, do xét thấy hoàn cảnh kinh tế xã hội và đời sống Phật tử còn rất nhiều khó khăn, nên Hòa thượng đã do dự, ngài cho rằng mở trường hạ cấm túc trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như vậy sẽ không thể thực hiện được, Tăng sĩ quy tập về thì lấy gạo đâu mà nấu, lấy thực phẩm ở đâu mà duy trì trường hạ, chẳng lẽ nhập hạ nửa chừng rồi giải tán sao? Lúc bấy giờ Đại đức Thích Huệ Thông rất quyết tâm với chủ trương này nên đã phát biểu với Hòa thượng Trưởng Ban rằng: “Con chỉ sợ chư Tăng không lo tu tập chứ không sợ thiếu gạo nấu, nếu chư Tăng giữ gìn giới luật, chấp hành thanh quy trường hạ, tinh tấn tu hành trong ba tháng an cư, con nghĩ Hộ pháp long thần phù trợ thì sẽ không thiếu gạo ăn”. Thấy Đại đức Huệ Thông tâm huyết như vậy, nên Hòa thượng Trưởng Ban đã đồng ý cho mở trường hạ an cư cấm túc. Với sự nỗ lực của Tỉnh hội và sự chỉ đạo của Hòa thượng Trí Tấn, nên Ban Thường trực Tỉnh hội đã mở được khóa an cư cấm túc tại Tổ đình Hội Khánh, trong mùa an cư này đã có 18 vị Tăng tham gia nhập hạ cấm túc tại Tổ đình Hội Khánh, và chư Ni có 20 vị an cư cấm túc tại chùa Giác Nguyên. Điều rất đáng phấn khởi, đúng như Đại đức Thích Huệ Thông tiên liệu trước đó là sau mùa an cư cấm túc năm 1991, thì chùa Hội Khánh (bên Tăng) và chùa Giác Nguyên (bên Ni) đều dư thừa gạo và thực phẩm, điều này một lần nữa cho thấy tầm nhìn xa và niềm tin chánh kiến của Đại đức Huệ Thông vào chánh pháp là hoàn toàn có cơ sở. Với trách nhiệm của một vị Tăng trẻ tâm huyết lúc bấy giờ, Đại đức Huệ Thông luôn luôn canh cánh trong lòng về sự phát triển của Phật giáo Tỉnh nhà, dù trong hoàn cảnh lúc bấy giờ rất khó khăn về mọi mặt, nhưng Đại đức Huệ Thông vẫn cố gắng làm nhiều công tác Phật sự, góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển Phật giáo tỉnh Sông Bé – Bình Dương. Nhận thấy khả năng và tâm huyết của một Đại đức trẻ, sau khi Hòa thượng Thích Quảng Viên – vị trụ trì đời thứ 9 Tổ đình Hội Khánh viên tịch ngày 16/8/1988 (âm lịch), bước đầu Hòa thượng Thích Trí Tấn, Trưởng BTS và Ban Thường trực quyết dịnh công cử Đại đức Huệ Thông về tạm quản lý chùa Hội Khánh, đến tháng 01 năm 1989, Hòa thượng Thích Trí Tấn, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé, chính thức ký Quyết định Số 18/QĐ/BTS vào ngày 02/01/1989 về việc bổ nhiệm Đại đức Thích Huệ Thông làm trụ trì đời thứ 10 chùa Hội Khánh.
Tổ đình chùa Hội Khánh được xây dựng năm 1741, có thể nói một ngôi chùa có niên đại lâu nhất tại vùng đất Thủ Dầu Một nói riêng và Nam Bộ nói chung, chùa Hội Khánh trở thành một ngôi chùa lịch sử trải qua 09 đời trụ trì. Tổ đình Hội Khánh là niềm tự hào của Phật giáo đồ và người dân vùng đất Thủ Dầu Một – Sông Bé – Bình Dương. Sau khi Hòa thượng Quảng Viên viên tịch, không có người kế thừa, do Hòa thượng Quảng Viên không có đệ tử xuất gia, dù lúc bấy giờ Đại đức Huệ Thông chỉ mới 27 tuổi, nhưng Tỉnh Hội Phật giáo Sông Bé và Hòa thượng Trí Tấn nhận thấy Đại đức có khả năng trong sứ mệnh trụ trì Tổ đình để sùng hưng chốn Tổ sau này, nên quyết định cử Đại đức về trụ trì. Có thể nhìn nhận rằng, vào thời điểm trước và khi Đại đức Huệ Thông về làm trụ trì, chùa Hội Khánh bị xuống cấp trầm trọng, Đại đức quyết tâm vận động để từng bước phục hưng lại ngôi chùa khang trang, xứng đáng tầm vóc của một ngôi cổ tự trên vùng đất xưa và nay.
Kể từ ngày thành lập Giáo hội, thì đây là mùa kiết hạ cấm túc đầu tiên của Phật giáo Sông Bé (Bình Dương), nếu xét từ mùa an cư cấm túc lần đầu tiên vào năm 1991, số lượng chư Tăng nhập hạ chỉ có 18 vị Tăng, thì đến nay đã lên đến 150 vị. Mặt khác tính từ mùa an cư cấm túc năm 1991 đến mùa an cư cấm túc năm 2015, Phật giáo Bình Dương đã trải qua 24 mùa kiết hạ đúng với truyền thống an cư của Phật giáo Bắc Tông và trở thành truyền thống sinh hoạt tu hành hằng năm của chư Tăng Ni Phật giáo Sông Bé. Như vậy lịch sử hình thành truyền thống cấm túc an cư của Phật giáo Sông Bé là xuất phát từ ý tưởng tâm huyết của Đại đức Huệ Thông, bên cạnh đó là sự đồng thuận của Thường trực Ban và sự chỉ đạo sâu sát của Hòa thượng Trưởng Ban Thích Trí Tấn.
Nhìn lại lịch trình từng bước phát triển trong sinh hoạt tu học của chư Tăng Ni ở Bình Dương, từ công việc tổ chức giới đàn cho đến việc tổ chức điều hành giám sát trong các khóa an cư cấm túc từ năm 1991 trở đi tại chùa Hội Khánh, chủ yếu đều do Đại đức Thích Huệ Thông đảm nhận gánh vác.
Trong nhiệm kỳ 1987 – 1991, việc xây dựng hay trùng tu một cơ sở tự viện có nhiều khó khăn chủ quan và khách quan lúc bấy giờ, nhưng với tầm nhìn mang tính chiến lược và phát triển cho Tỉnh hội Phật giáo đã quyết định cho phép chùa Tây Tạng được khởi công Đại trùng tu vào ngày 18 tháng 5 năm 1991, do Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịch Chiếu, trụ trì chùa chủ xướng. Buổi lễ đặt đá xây dựng có sự chứng minh của quý tôn túc lãnh đạo Tỉnh hội và hàng ngàn đồng bào Phật tử cũng như chánh quyền địa phương tham dự. Đặc biệt, trong buổi lễ khởi công, Đại đức Huệ Thông đã có buổi nói chuyện về lịch sử chùa Tây Tạng và công hạnh cống hiến cho đạo pháp và dân tộc của Thiền sư Minh Tịnh, một thiền sư có nhiều giai thoại, huyền thoại về chuyến hành hương Tây Tạng vào năm 1935. Trong khoảng thời gian này có nhiều vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, tuy nhiên bài thuyết giảng của Đại đức Huệ Thông tại chùa Tây Tạng trong buổi lễ Đại trùng tu đã làm cho nhiều người trong đó có giới trí thức Phật tử chùa Tây Tạng trong và ngoài nước nhận thức tích cực về vai trò và sự lãnh đạo của Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé lúc bấy giờ.
Về mặt hướng dẫn tu học cho Phật tử, ngoài nỗ lực của Ban Thường trực Tỉnh hội, thì Tỉnh hội còn mời Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện chủ Thiền viện Thường Chiếu và Sư cô Như Thủy trụ trì Thiền viện Viên Chiếu về thuyết giảng tại Tổ đình chùa Hội Khánh cho hàng trăm nam nữ Phật tử. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 1995, phần lớn Phật tử ở Bình Dương đều qui y với Hòa thượng Thanh Từ, và vào khoảng thời gian này sự xuất hiện pháp môn Thiền tông của Hòa thượng Thanh Từ được hình thành tại vùng đất Bình Dương. Hiện nay chúng xuất gia của Hòa thượng như quý thầy: Thông Luận, Thông Hạnh, Kiến Đạo, Kiến Tinh, Kiến Ngạn, Kiến Phong, Kiến Thành… Về Ni giới có quý Sư cô như Sư cô Phúc Trường, Phúc Cửu, Phúc Chơn… và chúng đệ tử tại gia có pháp danh với chữ đứng đầu như: Trực, Chánh, Chơn, Tín… Thành quả tu học của Tăng Ni Phật tử trong nhiệm kỳ này có thể nói là tinh cần tinh tấn, điều đó được thể hiện qua việc Tăng Ni Phật tử phát tâm nghe pháp, tu bát quan trai, sám hối thường kỳ của Phật tử ở Bình Dương tại các tự viện, tịnh xá trở nên sôi nổi và khởi sắc.
Về tổ chức sinh hoạt Gia đình Phật tử ở Sông Bé từ nhiệm kỳ đầu của Tỉnh hội, tổ chức này chỉ duy trì mang tính nội bộ, hoạt động tại cơ sở tự viện của mình, phần lớn thuộc các tuyến Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, các huyện Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bình Long, Đồng Phú. Các đơn vị Gia Đình Phật tử này đa phần là người miền Trung do các huynh trưởng có quá trình sinh hoạt lâu năm (trước năm 1975) hướng dẫn và duy trì đến sau này. Vào ngày 01 tháng 03 (âm lịch) 1985 tại chùa Nam Thiên thuộc huyện Phước Long, các tổ chức Gia đình Phật tử tập họp tổ chức lễ Húy kỵ lần thứ 1 cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của Đại đức Thích Huệ Thông – Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng, kiêm Hướng dẫn Gia đình Phật tử tỉnh và Đại đức Thích Thiện Nghĩa – Ủy viên Nghi lễ tỉnh, cùng tham dự có Đại đức Thích Đạt Đạo (chùa Già Lam), đạo hữu Tống Hồ Cầm. Buổi lễ tập họp có 21 đơn vị Gia đình Phật tử và 80 huynh trưởng, dịp tổ chức Gia đình Phật tử Phước Long tạo mối giao lưu để từng bước hình thành chánh thức cho sinh hoạt này (dù lúc này Trung ương Giáo hội chưa có chủ trương thành lập Gia đình Phật tử). Tại buổi lễ, thay mặt cho Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé, Đại đức Huệ Thông đã có thời thuyết giảng đầu tiên cho buổi lễ và có thể nói là cho cả Phật giáo đồ vùng này kể từ sau năm 1975, nội dung thuyết của Đại đức Huệ Thông đề cao tinh thần hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, đoàn kết xây dựng ngôi nhà giáo hội vững mạnh trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều nguy cơ bị các thành phần xấu lợi dụng chia rẽ và phá hoại, bằng lối thuyết giảng biện chứng hùng hồn nhưng cũng tràn đầy tình cảm chân thật, thời pháp lúc đó Đại đức Huệ Thông đã làm cảm động hàng trăm người con Phật sau hơn 10 năm vắng bóng chư Tăng tại vùng đất biên địa này. Có thể nói, đây là cột mốc đáng ghi nhớ của các Gia đình Phật tử tham dự buổi lễ và cũng là luồng sinh khí quan trọng đề khơi dậy sức sống trong sinh hoạt cho các đơn vị Gia đình Phật tử khác như: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú. Lực lượng Gia đình Phật tử lúc này ở 4 huyện phía Bắc của tỉnh có khoảng trên 1.000 Đoàn sinh và 100 Huynh trưởng.
Về công tác tổ chức, do có sự thay đổi đại lý hành chính và nhân sự (Đại đức Huệ Thông được cử về làm Chánh Văn phòng Tỉnh hội) nên trong Nhiệm kỳ II (1987 – 1991) Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé đã chỉ đạo thành lập Ban Đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên ra mắt vào ngày 15 tháng 04 năm 1990 với thành phần nhân sự có 03 vị gồm: Đại đức Thích Nhuận Thanh – Chánh Đại diện, Đại đức Thích Giác Sự – Phó Đại diện, Đại đức Thích Thiện Duyên – Thư ký.
Trong Nhiệm kỳ II, Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé đã từng bước tạo được uy tín đối với Tăng Ni Phật tử cũng như chính quyền và mặt trận trong việc đối nội cũng như đối ngoại. Về nhiệm vụ ngoại giao, Tỉnh hội đã đón tiếp thành công chuyến viếng thăm của đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kartie (Campuchia) sang thăm Tỉnh hội Phật giáo tại chùa Hội Khánh. Tiếp đoàn có Hòa thượng Thích Trí Tấn, Hòa thượng Thiện Tràng, Thượng tọa Nguyên Thành, Thượng tọa Quảng Viên, Đại đức Minh Thiện, Đại đức Huệ Thông, Đại đức Minh Thuấn, sư cô Chơn Định, Sư cô Diệu Nghĩa. Vào tháng 8/1987, Tỉnh hội Phật giáo cử Đại đức Minh Thiện tham gia đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sông Bé do ông Phan Văn Hiếu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc làm trưởng đoàn sang tham dự Đại hội kỳ 3 Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kratie. Trong nhiệm kỳ này Tỉnh hội Phật giáo đã tham gia vào công tác xã hội như thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban chấp hành hội phụ nữ, Ban chấp hành hội y học dân tộc và ứng cử Hội đồng Nhân dân các cấp, trong đó Ni sư Diệu Nghĩa đắc cử vào Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 3. Sau này Thượng tọa Thích Minh Thiện tham gia vào Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 5 và 6 và nhiều tổ chức thành viên khác; có thể nói chính sự phát triển này đã tạo đà để Phật giáo tỉnh Sông Bé phát triển và tiến tới Đại hội Tỉnh hội Phật giáo nhiệm kỳ III; cũng trong nhiệm kỳ này, vào năm 1989, chùa Núi Châu Thới tại huyện Dĩ An được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.