Chương V: Hoạt động Phật sự của Phật giáo Sông Bé nhiệm kỳ III (1991-1994)

Chương V tải file pdf

      Vào ngày 19 tháng 8 năm 1991, Đại hội đại biểu Tỉnh hội Phật giáo Nhiệm kỳ III được tổ chức tại Tổ đình chùa Hội Khánh có 130 đại biểu tham dự, chứng minh Đại hội có Hòa thượng Thích Bửu Ý, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự và ông Phan Văn Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh đến tham dự. Đại hội đã bầu một Ban Trị sự gồm 19 vị và 8 vị trong Ban Thường trực như sau:

      *Thường trực Ban Trị sự Nhiệm kỳ II (1991 – 1994)

  1. Hòa thượng Thích Trí Tấn: Trưởng Ban kiêm Trưởng ban Tăng sự
  2. Thượng tọa Thích Nguyên Thành: Phó Ban kiêm Ủy viên Hoằng Pháp.
  3. Ni sư Chơn Định Phó Ban Thường trực kiêm Tài chánh
  4. Thượng tọa Thích Minh Thiện Phó Ban kiêm Giáo dục Tăng Ni
  5. Đại đức Thích Huệ Thông, Chánh Thư ký kiêm Văn hóa
  6. Đại đức Thích Minh Thuấn, Phó Thư ký
  7. Đại đức Thích Thiện Duyên, Ủy viên Nghi lễ
  8. Sư cô Diệu Nghĩa, Ủy viên thủ quỹ

      Nhiệm kỳ III được đặt ra trong tình hình đổi mới đi lên của đất nước và của Giáo hội, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiện kỳ này Thường trực Ban Trị sự chủ yếu tập trung vào công tác bổ nhiệm các Ban Đại diện Phật giáo các Huyện Thị còn lại phía Bắc của tỉnh, đồng thời cũng nhằm củng cố hệ thống tổ chức văn phòng, tạo mối quan hệ đến các Ban Đại diện và cơ sở tự viện. Cũng cần nói thêm ở đây, trong khoảng thời gian dài từ Hội nghị Phật giáo toàn quốc lần thứ I cho đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV thì trong hệ thống tổ chức hành chánh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ mới có hai cấp là Hội đồng Trị sự Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh thành, còn Ban đại diện Phật giáo cấp Huyện Thị lúc bấy giờ đều do Ban Trị sự Giáo hội cấp tỉnh thành bổ nhiệm trên tinh thần ổn định sinh hoạt tu hành và công tác Phật sự của Phật giáo cấp cơ sở, nhờ đó mà Tăng Ni Phật tử thuận lợi trong công tác của Giáo hội khi được cấp trên giao phó. Trong nhiệm kỳ này việc điều hành hệ thống văn phòng Ban Trị sư Tỉnh hôi Phật giáo Sông Bé đều do Đại đức Huệ Thông, Chánh thư ký của Ban Trị sự đảm trách, phụ tá cho Đại đức Huệ Thông lúc bấy giờ là Đại đức Minh Thuấn, Phó thư ký và Đại đức Minh Nghĩa.

      – Về công tác tổ chức và Tăng sự, trong nhiệm kỳ này Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé đã hiệp thương thành lập các Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện thị ở phía Bắc của tỉnh và bổ sung, bổ nhiệm lại Ban Đại diện các huyện, thị đã đạt được những kết quả  như sau:

      – Ngày 14 tháng 12 năm 1991, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo Thị xã Thủ Dầu Một, nhân sự  Ban Đại diện có ba vị:

  1. Đại đức Thích Thiện Nghĩa, Chánh Đại diện
  2. Sư cô Thích nữ Diệu Nghĩa, Phó Đại diện
  3. Đại đức Thích Thiện Châu, Thư ký

      – Ngày 22 tháng 01 năm 1992, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Thuận An, nhân sự Ban Đại diện có ba vị:

  1. Thượng tọa Thích Minh Thiện, Chánh Đại diện
  2. Sư cô Thích nữ Tắc Vạn, Phó Đại diện
  3. Sư cô Thích nữ Pháp Như, Thư ký

      – Ngày 22 tháng 04 năm 1992, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Bình Long, văn phòng đặt tại chùa Tân Minh thị trấn An Lộc, nhân sự  Ban Đại diện có ba vị:

  1. Sư cô Thích Nữ Cẩn Liên, Chánh Đại diện
  2. Sư cô Như Hóa Phó Đại diện
  3. Cư sĩ Lý An, Thư ký

      – Ngày 09 tháng 06 năm 1992, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Lộc Ninh, văn phòng đặt tại chùa Quan Âm, nhân sự Ban Đại diện có ba vị:

  1. Đại đức Thích Huệ Quang, Chánh Đại diện
  2. Sư cô Như Minh, Phó Đại diện
  3. Cư sĩ Minh Luận, Thư ký

      – Ngày 17 tháng 10 năm 1992, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Phước Long, văn phòng đặt tại chùa Phước Huệ thị trấn Phước Bình, nhân sự Ban Đại diện có ba vị:

  1. Sư cô Như Hồng, Chánh Đại diện
  2. Cư sĩ Phan Quang Anh, Phó Đại diện
  3. Cư sĩ Nguyễn Thùy Dương, Thư ký

      – Ngày 28 tháng 04 năm 1994, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Đồng Phú, văn phòng đặt tại chùa Ngọc Hòa, nhân sự Ban Đại diện có ba vị:

  1. Đại đức Thích Thiện Tốt, Chánh Đại diện
  2. Đại đức Thích Thiện Chơn, Phó Đại diện
  3. Đạo hữu Đoàn Văn Hoa, Thư ký

      Sau nỗ lực hoàn thành việc thành lập Ban Đại Diện trên địa bàn tỉnh, Văn phòng Tỉnh hội phối hợp với các Ban đại diện tiến hành lập thủ tục thống kê lại toàn bộ cơ sở tự viện Tăng Ni của tỉnh. Đợt thống kê này có 194 cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường và 330 Tăng Ni. Thị xã Thủ Dầu Một có 36 Tự viện, Thuận An 65 Tự viện, Bến Cát có 21, Tân Uyên 29, Bình Long 8, Phước Long 19, Lộc Ninh 11, Đồng Phú 4… có thể nói rằng, đây là nhiệm kỳ mà Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé thành công mỹ mãn trong việc thành lập các Ban Đại diện cấp Huyện Thị trên địa bàn tỉnh.

      Điều đáng ghi nhận là trong giai đoạn đổi mới chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, với tinh thần vì đạo của người Phật tử, Tỉnh hội Phật giáo nỗ lực can thiệp xin lại hai ngôi chùa mà sau ngày giải phóng (1975) chính quyền địa phương trưng dụng, đó là chùa Phước Lâm (Tân Uyên) và chùa Hưng Long (Chơn Thành – Bình Long) sau khi được Nhà nước tỉnh Sông Bé quyết định trả lại hai ngôi chùa trên, Tỉnh hội Phật giáo ban hành quyết định bổ nhiệm Thượng tọa Thích Nhuận Thanh chánh đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên về làm trụ trì chùa Phước Lâm vào tháng 09/1992 và đặt làm văn phòng của Ban đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên. Hiện nay chùa do Thượng toạ Thích Tĩnh Tại trụ trì. Cũng trong 1992, Tỉnh hội ban hành quyết định bổ nhiệm Ban hộ tự chùa Hưng Long để điều hành Phật sự tạm thời tại nơi đây, mãi đến tháng 7 năm 1996, Tỉnh hội bổ nhiệm Đại đức Tĩnh Cường ở chùa Hội Khánh về làm trụ trì chùa Hưng Long, mặt khác trong nhiệm kỳ này, Tỉnh hội cũng đã bổ nhiệm trụ trì, Ban Hộ Tự cho nhiều chùa có nhu cầu.

      Một Phật sự quan trọng cũng đã được thực hiện thành công mỹ mãn trong Nhiệm kỳ III, đó là tổ chức thành công Đại giới đàn lần thứ 3 của Tỉnh hội vào hai ngày 08 và 09 tháng 08 năm 1992 tại Tổ đình chùa Hội Khánh đã truyền giới cho 250 giới tử..

      Đại giới đàn lần thứ 3 của Tỉnh hội với thành phần giới sư như sau:

      * THẬP SƯ TĂNG

      – Hòa thượng Đàn đầu: Hòa thượng Thích Trí Tấn

      – Yết ma A Xà Lê: Hòa thượng Thích Huệ Hải

      – Giáo thọ A Xà Lê: Hòa thượng Thích Diệu Tâm

      – Đệ nhứt Tôn chứng: Thượng tọa Thích Nguyên Thành

      – Đệ nhị Tôn chứng: Đại đức Thích Minh Thiện

      – Đệ tam Tôn chứng: Đại đức Thích Huệ Thông

      – Đệ tứ Tôn chứng: Đại đức Thích Minh Thuấn

      – Đệ ngũ Tôn chứng: Đại đức Thích Giác Sự

      – Đệ lục Tôn chứng: Đại đức Thích Thiện Nghĩa

      – Đệ thất Tôn chứng: Đại đức Thích Giác Nguyện

      * THẬP SƯ NI

      – Sư bà Thích nữ Đạt Lý

      – Sư bà Thích nữ Đạt Cung

      – Ni sư Thích nữ Như Huy

      – Ni sư Thích nữ Chơn Định

      – Ni sư Thích nữ Tắc Nhẫn

      – Ni sư Thích nữ Diệu Trụ

      – Ni sư Thích nữ Như Liên

      – Sư cô Thích nữ Tập Liên

      – Sư cô Thích nữ Tắc Vạn

      – Sư cô Thích nữ Diệu Nghĩa

      – Về công tác giáo dục, Tỉnh hội đã giới thiệu 16 Tăng Ni sinh tham dự Trường Cơ bản Phật học Vĩnh Nghiêm và Thiên Minh. Vào tháng 2 năm 1993 Tỉnh hội giới thiệu 3 Tăng Ni sinh vào Trường Cao cấp Phật học, trong đó có Đại đức Chơn Phát (sau này du học Ấn Độ), trong nhiệm kỳ này Tỉnh hội tổ chức Đại giới đàn vào hai ngày 8 và 9 tháng 8 năm 1992.

      – Về công tác từ thiện, một công tác Phật sự quan trọng về lãnh vực từ thiện mang tính chất đối ngoại đó là sự giới thiệu của Văn phòng 2 Trung ương vào ngày 26 tháng 08 năm 1993, giới thiệu ba sinh viên người Pháp đến Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé liên hệ xây một phòng học cho học sinh. Từ nguyện vọng của nhóm mày, Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé lúc bấy giờ đã thống nhất với các ngành của tỉnh chọn huyện Bình Long để xây dựng phòng học, theo đó phòng học được xây dựng tại chùa Tân Minh, Thị trấn An Lộc (văn phòng Ban Đại diện), Đoàn Văn phòng 2 gồm có: Đại đức Thích Quảng Hòa, Đạo hữu Bùi Đức Hải, Bà Huỳnh Giao và ba sinh viên người Pháp Plorent, Marron, Arncind, Cas Tilie, Gwenola, Proide. Tiếp đoàn có Thượng tọa Minh Thiện, Thượng tọa Huệ Thông, cô Mai Dung (Ban Tôn Giáo), ông Võ Văn Sinh (PA.16), hiện nay ông Võ Văn Sinh là Trưởng phòng PA 88 CA Bình Dương. Đây là việc từ thiện mang tính ngoại giao đã được Thường trực Tỉnh hội hoàn thành một cách khá thuận lợi, nhiệm vụ này tạo niềm tin lớn đối với địa phương cũng như Giáo hội Trung ương, trong giai đoạn mà chưa phải hoàn toàn thuận lợi mấy về mặt ngoại giao quốc tế.

      – Về công tác xã hội, trong bối cảnh đất nước đang đổi mới để phát triển; thì tôn giáo không thể thiếu trong các tổ chức xã hội, tôn giáo cũng được cơ cấu vào các tổ chức xã hội với mục đích là đại diện cho tổ chức của mình để kêu gọi tín đồ tham gia vào nhiệm vụ chung xây dựng đất nước. Vào ngày 13 tháng 04 năm 1992, Thượng tọa Huệ Thông được mời tham gia vào tổ chức hội Chữ Thập Đỏ tỉnh làm Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh hội: Tháng 07-1993, Thượng tọa Huệ Thông được mời tham gia vào Ủy viên Bảo vệ Trẻ em tỉnh Sông Bé. Nhằm tăng cường phát triển từ thiện trong khối đại đoàn kết của tỉnh, Ban Chấp hành Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh ban hành quy chế cho phép thành lập hai chi hội Chữ thập đỏ cho hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Tỉnh hội Chữ thập đỏ Phật giáo được thành lập vào tháng 06 năm 1993, do Ni sư Thích Diệu Nghĩa làm Chủ tịch, Sư cô Diệu Liên làm Phó, Đại đức Minh Vũ làm Thư ký; quý Đại đức Minh Nghĩa, Đại đức Thiện Châu, Ni sư Tập Liên làm ủy viên. Trong nhiệm vụ này Ni sư Diệu Nghĩa đóng vai trò quan trọng trong việc tập họp, kêu gọi giới đồng bào Phật tử tham gia vào công tác từ thiện, cũng từ sự kiện này, giới Phật giáo Sông Bé trở thành thành viên đắc lực trong nhiện vụ từ thiện của Hội Chữ Thập Đỏ. Và sau này Câu Lạc bộ tán trợ Chữ Thập Đỏ tỉnh được thành lập do Thượng tọa Thích Minh Thiện làm Chủ nhiệm, nhiệm vụ chính của Cân Lạc Bộ này chủ yếu vận động công tác từ thiện, đặc biệt là đỡ đầu nuôi các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

      Giai đoạn này, mối quan hệ giữa Tỉnh hội và các Tăng Ni tự viện đối với các cấp, chánh quyền mặt trận trong giai đoạn này có phần cởi mở hơn, đặc biệt vào ngày 19 tháng 05 năm 1993, Tỉnh hội Phật giáo và chùa Hội Khánh đã long trọng tổ chức cuộc hội thảo về đề tài Bác Hồ với đạo Phật nhân dịp chùa Hội Khánh đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa và làm lễ tưởng niệm các bậc thiền đức và cụ Nguyễn Sinh Sắc. Buổi lễ có sự tham dự của ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sông Bé và ông Hồ Minh Phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và nhiều quan chức của tỉnh Sông Bé đến tham dự, nhiều bài tham luận được đọc trong buổi lễ đã nói lên tính chất quan trọng giữa sự gắn bó hòa hợp của đạo Phật và dân tộc, như bài viết của GS. Phan Thanh Đào, Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Đức. Đặc biệt là bài viết “Bác Hồ với đạo Phật” của Thượng tọa Thích Huệ Thông đã tạo được uy tín đối với chánh quyền tỉnh trong lĩnh vực tư tưởng, bài viết này đã được đăng nhiều bài viết trên Báo Sông Bé và Tạp chí Văn nghệ cũng như Đài Phát thanh sau này, trong năm 1993, một sự kiện đáng ghi nhớ đó là Tổ đình chùa Hội Khánh (Phú Cường, Thủ Dầu Một) được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

      Công tâm nhìn nhận rằng Phật giáo Sông Bé trong giai đoạn này có phần thuận lợi hơn, thành tựu được nhiều Phật sự như tổ chức Đại giới đàn, mở khóa An cư cấm túc, bổ nhiệm trụ trì, trùng tu cơ sở tự viện. Đặc biệt là xây dựng mới hai Niệm Phật đường: Niệm Phật đường Phước Thiện được xây dựng trong khu nuôi dưỡng người già tàn tật số 4 ở Chánh Phú Hòa nhằm phục vụ về mặt tâm linh cho những người già tàn tật cô đơn và Niệm Phật đường Phước Hội xã Lai Uyên – Bến Cát đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng cho đa số đồng bào Phật tử di cư lập nghiệp từ miền Trung vào (sau này Niệm Phật đường Phước Thiện được đổi thành chùa Phước Thiện) và nhiều Phật sự quan trọng khác.

      Một sự kiện trọng đại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn tra trong khoảng thời gian này, đó là vào ngày 03 và 04 tháng 11 năm 1992, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 3 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 3 vào năm 1992, Đoàn Đại biểu Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé lúc bấy giờ có Hòa thượng Thích Trí Tấn, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé làm Trưởng đoàn; Thượng tọa Thích Minh Thiện, Phó Ban Trị sự; Đại đức Thích Huệ Thông, Chánh Thư ký và Sư cô Thích Nữ Diệu Nghĩa, Ủy viên Thủ quỹ. Tại Đại hội, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Tăng sự.

      Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 3 tiến hành trong bối cảnh đất nước tiếp tục công cuộc đổi mới, đất nước từng bước ổn định và phát triển trên các lĩnh vực, nổi bật nhất là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và ngoại giao mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng dân giàu nước mạnh, hòa hợp và hữu nghị với cộng đồng các nước trên thế giới. Trong giai đoạn này, Việt Nam chính thức gia nhập khối ASEAN, cơ hội này mang triển vọng giúp Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa 10 đã thành công tốt đẹp với kết quả đáng nhờ là tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng nhằm tiếp tục sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

      Hòa vào dòng chảy của sự phát triển của đất nước, các vị giáo phẩm tiêu biểu của Giáo hội cũng được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 10, điều này nói lên sự hòa nhập tích cực giữa Phật giáo với cộng đồng dân tộc. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp và xây dựng đất nước như quý cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận – Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Giác Nhu – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Trí Thủ – Chủ tịch đầu tiên Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Siêu Việt – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Từ Hạnh – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội… một cách trang nghiêm trọng thể, có hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử tham dự, thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật.

      Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 3 đã tiến hành công tác tu chỉnh nội quy hoạt động của Ban Thường trực, quy chế hoạt động của các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, chỉ đạo các Ban Trung ương soạn mới hoặc tu chỉnh Nội quy các Ban để trình thông qua và được phép thực hiện. Đồng thời, tại các địa phương, thực thi Thông tri của Trung ương Giáo hội, các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã triển khai thực hiện nội dung quy chế. Nội quy hoạt động của mình và của các Ban, Ngành, Viện Trung ương, góp phần tăng cường công tác xây dựng, củng cố và phát triển Phật sự tại địa phương, đề ra phương hướng hoạt động chung của các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, thực hiện có hiệu quả chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội và Tỉnh, Thành hội, giúp cho bộ máy làm việc của các Ban Trị sự sinh động và phong phú hơn.

      Trên tinh thần hòa hợp đoàn kết phụng sự đạo pháp và dân tộc, Trung ương Giáo hội đã đề ra chương trình hoạt động của Giáo hội phù hợp với tâm tư nguyện vọng của Tăng, Ni Phật tử Việt Nam, tạo thành một sức sống mãnh liệt và là nguồn cổ vũ lớn lao cho Tăng, Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước tin tưởng vào chủ trương và đường lối lãnh đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng trang nghiêm, phát triển. Đáng nói là trong giai đoạn này vẫn còn một số ít người lợi dụng hình thức Phật giáo gây ảnh hưởng không tốt đối với sự thống nhất Phật giáo, tuy nhiên với tinh thần hòa hợp, gắn bó với đất nước độc lập, Tăng, Ni, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vững bước đi lên trong lòng dân tộc, lớn mạnh theo uy tín và niềm tin của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, có ảnh hưởng tốt với cộng đồng Phật giáo quốc tế.

      Mặt khác, trên cơ sở chương trình hành động 6 điểm của Trung ương Giáo hội cũng như các Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội, qua 5 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã củng cố sắp xếp được nhân sự các Ban, Viện trực thuộc Trung ương làm việc đồng bộ, thực hiện có hiệu quả đường lối hoạt động của Giáo hội, nhờ đó hoạt động Phật sự trên các lĩnh vực Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Phật giáo quốc tế… đều có những bước chuyển biến tích cực, mỗi Ban, Viện đều có chương trình hoạt động cụ thể, sinh động và đa dạng, tất nhiên là tất cả những hoạt động đó đều dựa trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hoạt động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đặc biệt là đã thể hiện nhuần nhuyễn tinh thần đoàn kết hòa hợp tăng trưởng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội. Trước những điều kiện thuận lợi này, sau khi tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 3 tại Hà Nội về, chư tôn đức trong Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sống Bé – Bình Dương liền bắt tay ngay vào việc tiếp tục điều hành các Phật sự quan trọng trong Tỉnh hội.

      Nhiệm kỳ III của Ban Trị sự Tỉnh hội làm được khá nhiều việc, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo Giáo hội còn có sự tác động của điều kiện khách quan trong bối cảnh đổi mới của đất nước. Đặc biệt là sự thành lập Ban Tôn giáo chánh quyền tỉnh Sông Bé vào tháng 12 năm 1992 đã tạo xu thế mới cho hoạt động tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có một cơ chế mới cho hoạt động tôn giáo mang tính pháp chế hơn.

      Từ nhiệm kỳ đầu của Tỉnh hội, vai trò của Mặt trận Tổ quốc được xem như chủ đạo trong mối quan hệ của Tỉnh hội, về sau, cụ thể là đến Nhiệm kỳ III này thì vai trò của Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tạo được mối quan hệ mật thiết với Tỉnh hội Phật giáo, từ sự quan tâm của cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Dân Vận đã tạo được nhiều mặt thuận lợi cho hoạt động Tỉnh hội và cũng từ đây hoạt động của Phật giáo được các ngành khác biết đến. Sau này ông Phan Văn Hiếu làm Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, kế đến là ông Trần Khắc Minh, thời gian này ông Nguyễn Văn Nhuần, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh phụ trách khối Tôn giáo (sau này tách tỉnh Sông Bé, ông làm Chủ tịch MTTQVN tỉnh Bình Phước) kế đến là ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch, ông Nguyễn Khải Hoàn làm Phó Chủ tịch phụ trách khối Tôn giáo. Ban Dân vận Tỉnh ủy (trong nhiệm kỳ đầu của Tỉnh hội) do ông Phan Văn Hiếu, ông Bùi Thanh Phong đảm trách. Đến 1997, bà Trần Thị Ánh làm Trưởng ban Dân vận. Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh được thành lập đầu tiên vào năm 1992 do ông Nguyễn Quốc Thái Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban Tôn giáo, ông Võ Xuân Truyện làm Phó Ban Thường trực. Ban Tôn giáo có hai chuyên viên là cô Mai Thị Dung và anh Nguyễn Văn Khánh, năm 1994, ông Nguyễn Hồng Minh Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh được điều về làm Trưởng ban Tôn giáo chính quyền. Phòng PA16 công an tỉnh, lãnh đạo của phòng lúc bấy giờ là Thượng tá Võ Văn Bằng làm Trưởng phòng, ông Nguyễn Minh Quang làm Phó phòng, phụ trách khối Phật giáo của phòng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Nhân, sau này phụ trách khối Phật giáo của Phòng là các anh Nguyễn Văn Chánh, ông Võ Văn Sinh và anh Nguyễn Văn Bê.

      Điểm nhấn trong Nhiệm kỳ III là mối quan hệ giữa Phật giáo tỉnh và chính quyền tỉnh đã được đẩy mạnh, trong giai đoạn này, vào năm 1992, với sự thành lập Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh, Phật giáo tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động tốt hơn, nắm rõ đường lối, chính sách của chính quyền, và tạo được sự nhịp nhàng trong sự phối hợp với Ban Tôn giáo, Tỉnh hội đã tổ chức Hội thảo tìm hiểu về Hồ Chủ tịch với đạo Phật, trong công tác đối ngoại, Phật giáo tỉnh đã phối hợp giúp ba sinh viên Pháp năm 1993 xây lớp học cho học sinh huyện Bình Long, hoạt động từ thiện được đẩy mạnh qua sự tham gia vào Hội Chữ Thập Đỏ của Tỉnh, Hội Bảo vệ Trẻ em của các thành viên Ban Trị sự.