Chương VII: Phật giáo Bình Dương nhiệm kỳ V (1997-2002)

Chương VII tải file pdf

      Trước tiên phải công nhận rằng tinh thần Nghị định 26 của Chính phủ và các chỉ thị về chính sách tôn giáo đề ra trong thời gian qua đã khẳng định đường lối đúng đắn của Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, điều này đã mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng.

      Từ việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ IV, Phật giáo Bình Dương tiếp tục khẳng định thế đứng và sự phát triển trên tinh thần hòa hợp đoàn kết, trưởng dưỡng đạo tâm trang nghiêm Giáo hội. Đây là những điều thuận duyên cho mọi hoạt động Phật sự và đã làm cho Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà luôn khẳng định vai trò trách nhiệm của mình vì sự nghiệp xương minh đạo pháp trong lòng dân tộc.

      Như chúng tôi đã trình bày ở chương trên thì vào khoảng cuối Nhiệm kỳ IV (1994-1997) tức từ tháng 01 năm 1997 đến tháng 04 năm 1997, Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Trị sự lâm thời Phật giáo Bình Dương tổ chức Đại hội Đại biểu lần V khai mạc vào ngày 16 tháng 04 năm 1997 tại Tổ đình chùa Hội Khánh dưới sự chứng minh của chư tôn đức Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Hòa thượng Thích Đồng Huy, Hòa thượng Thích Đạt Pháp, Hòa thượng Thích Huệ Hải, Thượng tọa Thích Thiện Nhơn, Thượng tọa Thích Minh Thiện, Thượng tọa Thích Minh Thành, Thượng tọa Thích Huệ Thông (chùa Núi Châu Thới), Đại hội có 200 đại biểu chính thức và 50 đại biểu dự thính, cùng với sự tham dự của quý quan chức chính quyền tỉnh, Đại hội đã bầu Ban Trị sự gồm 21 thành viên do Thượng tọa Thích Minh Thiện làm Trưởng Ban và Thượng tọa Thích Huệ Thông làm Phó Ban Thường trực.

      * THƯỜNG TRỰC BAN TRỊ SỰ NHIỆM KỲ V (1997 – 2002)

  1. Thượng tọa Thích Minh Thiện: Trưởng Ban kiêm Tăng sự, kiêm Giáo dục Tăng Ni
  2. Thượng tọa Thích Huệ Thông: Phó Trưởng Ban Thường trực
  3. Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa: Phó Trưởng ban kiêm Tài chánh:
  4. Đại đức Thích Minh Thuấn: Chánh Thư ký
  5. Đại đức Thích Minh Nghĩa: Phó Thư ký kiêm Hoằng pháp
  6. Thượng tọa Thích Nhuận Thanh: Ủy viên Kiểm soát
  7. Đại đức Thích Thiện Duyên: Ủy viên Nghi lễ
  8. Đại đức Thích Đạt Phẩm: Ủy viên Từ thiện xã hội
  9. Đại đức Thích Chơn Phát: Ủy viên Hướng dẫn nam nữ Phật tử
  10. Sư cô Thích nữ Tập Liên: Ủy viên Thủ quỹ
  11. Cư sĩ Nguyên Tạo: Ủy viên Văn hóa

      * ỦY VIÊN BAN TRỊ SỰ

  1. Đại đức Thích Giác Sự
  2. Đại đức Thích Thiện Châu
  3. Đại đức. Thích Đồng Thành
  4. Đại đức. Thích Thiện Tốt
  5. Đại đức Thích Hồng Long
  6. Sư cô Thích nữ Pháp Như
  7. Ni sư Thích nữ Như Huy
  8. Ni sư Thích nữ Tắc Nhẫn
  9. Cư sĩ Tuệ Bát
  10. Cư sĩ Diệu Hương

      Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương Nhiệm kỳ V (1997- 2002) có 21 vị đảm nhiệm chức vụ được Hội đồng Trị sự Trug ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận tại Quyết định số 925/QĐ-HĐTS ngày 05/05/1997 do Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự ấn ký. Và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương công nhận tại Quyết định số 1534/QĐ-UB ngày 27/05/1997 do ông Nguyễn Quốc Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ấn ký.

      Trong giai đoạn này Phật giáo nước nhà có một sự kiện trọng đại, đó là Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 1997-2002, chính thức diễn ra vào các ngày 22 – 23 tháng 11 năm 1997, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội với 300 đại biểu. Tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần 4, Đoàn Đại biểu của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương có 05 vị (trong đó có 01 vị nữ) do Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương làm Trưởng đoàn; Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Trưởng Ban Thường Trực; Đại đức Thích Minh Thuấn – Chánh Thư ký; Đại đức Thích Minh Nghĩa – Phó Thư ký; Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa, Phó Ban kiêm Ủy viên Tài chánh.

      Trong Nhiệm kỳ V (1997 – 2002), Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã thành lập và bổ sung, bổ nhiệm nhân sự vào các Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện thị của tỉnh, sau khi tách tỉnh có một số thay đổi đơn vị hành chánh, qua đó công tác tổ chức và Tăng sự đã đạt được những kết quả như sau:

      – Ngày 02 tháng 07 năm 1998, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Bình Long tại chùa Phước Lâm nhân sự có 07 vị:

  1. Thượng tọa Thích Thiện Duyên, Chánh Đại diện
  2. Đại đức Thích Giác Sự, Phó Đại diện
  3. Đại đức Thích Thiện Tốt, Phó Đại diện
  4. Đại đức Thích Thiện Trang, Thư ký kiêm Từ thiện
  5. Đại đức Thích Nhuận Thiền, Ủy viên Nghi lễ
  6. Đại đức Đại đức Thích Huệ Phát, Ủy viên Kiểm soát
  7. Đại đức Thích Đức Minh, Ủy viên văn thư

      Từ năm 2000 trở đi, do tình hình thay đổi địa lý hành chánh của một số huyện trong tỉnh Bình Dương và một số huyện được tách ra như Thuận An – Dĩ An, Bến Cát – Dầu Tiếng, Tân Uyên – Phú Giáo, theo đó các Ban Đại diện Phật giáo hyện thị mới cũng đã được thành lập như sau:

      – Ngày 07 tháng 01 năm 2000, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Thuận An ra mắt tại chùa Giác Nguyên, nhân sự có 05 vị:

  1. Thượng tọa Thích Tâm Từ, Chánh Đại diện
  2. Thượng tọa Thích Giác Nguyên, Phó Đại diện
  3. .Đại đức Thích Chúc Minh, Thư ký
  4. Đại đức Thích Nhuận Kiên, Ủy viên Nghi lễ
  5. Sư cô Thích nữ An Liên, Ủy viên Từ thiện

      – Ngày 15 tháng 01 năm 2000, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Phú Giáo ra mắt tại chùa Ngọc Hòa, nhân sự có 04 vị:

  1. Đại đức Thích Chiếu Hội, Chánh Đại diện
  2. Đại đức Thích Thiện Đạo, Phó Đại diện
  3. Đại đức Thích Bửu Minh, Thư ký
  4. Đại đức Thích Huệ Trí, Ủy viên Nghi lễ

      – Ngày 28 tháng 01 năm 2000, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Dĩ An ra mắt tại chùa Bùi Bửu, nhân sự có 04 vị:

  1. Thượng tọa Thích Minh Thiện, Chánh Đại diện
  2. Ni sư Thích nữ Tắc Nhẫn, Phó Đại diện
  3. Đại đức Thích Đồng Thành, Thư ký
  4. Sư cô Thích nữ Pháp Như, Ủy viên

      – Ngày 24 tháng 02 năm 2000, lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo huyện Dầu Tiếng ra mắt tại chùa Liên Trì, nhân sự có 04 vị:

  1. Đại đức Thích Tâm Thanh, Chánh Đại diện
  2. Ni sư Thích nữ Thành Liên, Phó Đại diện
  3. Sư cô Thích nữ Như Thanh, Thư ký
  4. Đại đức Thích Thiện Hòa, Ủy viên Nghi lễ

      Ngoài ra trong cuối Nhiệm kỳ V (1997-2002) tại Thủ Dầu Một, bắt đầu từ năm 2001, căn cứ Quyết định số 05/QĐ/BTS, ngày 18/01/2002, về việc bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo Thị xã Thủ Dầu Một cho Nhiệm kỳ 2001-2006 (của Phật giáo Thị xã Thủ Dầu Một), Ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã làm lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo Thị xã Thủ Dầu Một, nhân sự có 07 vị:

  1. Đại đức Thích Thiện Châu, Chánh Đại diện
  2. Thích Nhuận Châu, Phó Đại diện
  3. Thích Minh Vũ: Thư ký kiêm Ủy viên Hoằng pháp
  4. Đại đức Thích Thiện Hảo: Ủy viên Kiểm soát
  5. Ni sư Thích nữ Tập Liên: Ủy viên Thủ quỹ
  6. Sư cô Thích nữ An Liên: Ủy viên Từ thiện
  7. Cư sĩ Huệ Thiên: Ủy viên đặc trách người Hoa

      Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Nhiệm kỳ V (1997-2002) của Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương là đề nghị Trung ương Giáo hội tấn phong giáo phẩm cho chư tôn đức, thể theo văn bản đề nghị, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chuẩn y tấn phong giáo phẩm Thượng tọa cho 06 vị:

  1. Đại đức Thích Giác Sự lên Thượng tọa
  2. Đại đức Thích Pháp Tảo lên Thượng tọa
  3. Đại đức Thích Minh Thuấn lên Thượng tọa
  4. Đại đức Thích Hồng Long lên Thượng tọa
  5. Đại đức Thích Chơn Tâm lên Thượng tọa
  6. Đại đức Thích Tắc Chơn lên Thượng tọa

      Về bên Ni, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y tấn phong giáo phẩm Ni trưởng cho 02 vị:

  1. Ni sư Thích nữ Như Huy lên Ni trưởng
  2. Ni sư Thích nữ Như Thái lên Ni trưởng

      Và tấn phong giáo phẩm cho 01 vị là Sư cô Thích nữ Pháp Như lên Ni sư

      Như vậy về công tác tổ chức thành lập Ban Đại diện và bổ nhiệm nhân sự cấp huyện thị, thì trong Nhiệm kỳ V (1997-2002), Ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã tiến hành hiệp thương nhân sự, đồng thời bổ nhiệm nhân sự Ban Đại diện thành công cho 07 huyện, thị, sau khi bổ nhiệm Ban Đại diện đã tích cực hoạt động một cách hiệu quả, gắn bó với Ban Trị sự Tỉnh hội, đáp ứng tốt nhu cầu công tác Phật sự thành tựu khả quan. Song song với việc củng cố điều hành nhân sự trong Ban Thường trực, thực hiện các quy chế hoạt động của Giáo hội, Ban Thường trực đã tiến hành bổ nhiệm các tiểu ban chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Nghi lễ, Tài chính, Từ thiện xã hội và Hướng dẫn Gia đình Phật tử, các tiểu ban hoạt động tương đối hiệu quả, đã giúp cho hoạt động của Ban Thường trực Tỉnh hội được chặt chẽ hơn.

      Cũng cần nói thêm ở đây, vào ngày 23 tháng 11 năm 1998, Ban Trị sự Phật giáo lâm thời Bình Phước tiến hành đại hội tại cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đại hội đã bầu ra 16 thành viên trong Ban Trị sự, lúc này do không có nhân sự lãnh đạo điều hành Phật sự tại tỉnh Bình Phước, do đó qua sự thống nhất giữa cơ quan Mặt trận Tổ quốc, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Phước lúc bấy giờ và Trung ương Giáo hội đã đề cử Thượng tọa Thích Nhuận Thanh, Ủy viên Kiểm soát Tỉnh hội Bình Dương về làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Phước.

      Ban Trị sự Tỉnh hội Bình Phước gồm Thượng tọa Nhuận Thanh làm Trưởng ban, Đại đức Thiện Chơn làm Phó Ban Thường trực, Sư cô Thích nữ Cẩn Liên làm Phó Ban kiêm Chánh thư ký, Đại đức Huệ Quang làm Phó Ban, Đại đức Tĩnh Cường làm Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng, cư sĩ Lý An làm Phó Thư ký, Sư cô Thích nữ Như Hiền làm thủ quỹ và Sư cô Thích nữ Như Minh phụ trách Hướng dẫn nam nữ Phật tử…

      Trong Nhiệm kỳ V (1997-2002) Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương thêm một sự mất mát lớn nữa, đó là Hòa thượng Thích Thiện An, Chứng minh Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, Viện chủ chùa Bửu Phước (Phú Giáo) viên tịch vào lúc 16 giờ, ngày 11 tháng 10 năm Mậu Dần (1998), trụ thế 80 năm, Hạ lạp 60 năm, có thể nói đây là sự mất mát lớn không chỉ của lãnh đạo Phật giáo tỉnh, mà còn đối với chính quyền, mặt trận cũng như toàn thể Phật giáo đồ tại Bình Dương.

      Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện An, thế danh Trần Văn Mạnh; bí danh Trần Tấn Thinh (tên trong kháng chiến) sanh năm Mậu Ngọ (1918) tại làng Phước Vĩnh (nay thuộc Thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Thân phụ là cụ ông Trần Quới, một nhà Nho yêu nước, một lương y; thân mẫu là cụ bà Hà Thị Tiếng, Hoà thượng là người con thứ 05 trong gia đình có 06 anh chị em.

      Đại lão Hòa thượng Thích Thiện An là một nhà sư yêu nước, một bậc chân tu thạc đức đã có quá trình tu học, dấn thân phụng sự cho đạo pháp, Ngài tham gia vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong tổ chức Giáo hội này.

      Đặc biệt, Hòa thượng Thiện An còn là một trong các vị tôn túc của vùng đất Sông Bé – Bình Dương am tường về Nghi lễ thiền môn và Thập khoa Ứng phú đạo tràng ở Nam Bộ, Hoà thượng đã vận dụng những nghi thức hành trì cùng từng lời huấn thị, cảnh văn vào ngay trong cuộc sống tu tập hằng ngày, qua đó ngài luôn răn dạy đồ chúng tu tập theo hành trạng và tư tưởng thiền học của các bậc Tổ sư.

      Việc đạo không rời việc đời, một khi xã tắc lâm nguy thì đạo nghiệp cũng không an. Vào năm 1941, thời kỳ tiền Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho đến năm 1947, thì giặc Pháp đốt ngôi chùa Bửu Phước do chùa nuôi giấu cán bộ cách mạng, từ đây thầy trò cùng nhau vào vùng kháng chiến trực tiếp tham gia kháng chiến. Sau khi thành lập Ban Đại diện Phật giáo Huyện Tân Uyên, Ngài được cung thỉnh chứng minh Ban Đại diện và sau đó được cung thỉnh vào chứng minh Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Sông Bé và Bình Dương.

      Để ghi nhận sự đóng góp cao quý của ngôi chùa Bửu Phước trong 02 thời kỳ kháng chiến, chùa Bửu Phước được danh dự công nhận là Di tích lịch sử cấp Tỉnh.

      Với công đức cống hiến của Hoà thượng vào sự nghiệp đạo pháp và xây dựng bảo vệ Tổ quốc qua nhiều giai đoạn, ngài vinh dự được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: 02 Huân chương Kháng chiến, cũng như công nhận gia đình người có công với cách mạng và nhiều tặng thưởng danh dự cao quý khác cũng như nhiều bằng Tuyên dương công đức của các cấp Giáo hội.

***

      Quay lại các nội dung về Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, trong Nhiệm kỳ V, Phật sự của Ban Trị sự và các Tiểu ban tiến triển một cách đồng bộ, tiếp tục sự nghiệp phát triển Giáo hội theo chiều hướng được đề ra trong nhiệm kỳ trước, đồng thời nhằm truyền trì chánh pháp, đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni…

      Về công tác Tăng sự, trong Nhiệm kỳ V (1997-2002) được sự cho phép của Ban Tăng sự Trung ương, sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã tổ chức Đại giới đàn Từ Văn vào hai ngày 15 và 16 tháng 08 năm 1998 (Mậu Dần) tại Tổ đình chùa Hội Khánh, Đại giới đàn Từ Văn vinh dự được Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ Thường trực kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự làm Hòa thượng đàn đầu.

       * THÀNH PHẦN GIỚI SƯ

      – Hòa thượng Thích Trí Tịnh: Hòa thượng Đàn đầu

      – Hòa thượng Thích Huệ Hải: Yết ma A Xà Lê

      – Hòa thượng Thích Diệu Tâm: Giáo thọ A Xà Lê

      * TÔN CHỨNG TĂNG GIÀ

      – Đệ nhất: Thượng tọa Thích Minh Thiện

      – Đệ nhị: Thượng tọa Thích Huệ Thông

      – Đệ tam: Thượng tọa Thích Tâm Từ

      – Đệ tứ: Thượng tọa Thích Thiện Duyên

      – Đệ ngũ: Đại đức Thích Minh Thuấn

      – Đệ lục: Đại đức Thích Minh Nghĩa

      – Đệ thất: Đại đức Thích Giác Sự

      * THẬP SƯ NI

      – Ni sư Thích nữ Đạt Lý: Hòa thượng Đàn đầu

      – Ni sư Thích nữ Như Huy: Yết ma A Xà Lê

      – Ni sư Thích nữ Tắc Nhẫn: Giáo thọ A Xà Lê

      – Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa

      – Ni sư Thích nữ Tắc Hiền

      – Ni sư Thích nữ Như Thái

      – Ni sư Thích nữ Tập Liên

      – Ni sư Thích nữ Thuận Liên

      – Ni sư Thích nữ Nhã Liên

      – Ni sư Thích nữ Như Quang

       Đại Giới đàn Từ Văn lần thứ 5 đã truyền cho 470 giới tử chính thức, 238 giới tử phương trượng và 275 giới tử Bồ tát giới.

      Cũng trong lĩnh vực hoạt động của Ban Tăng sự Tỉnh hội, kể từ ngày Phật giáo Bình Dương tổ chức khóa cấm túc an cư đầu tiên vào năm 1991, thì đến thời điểm này, sinh hoạt cấm túc an cư gần như đã trở thành truyền thống tu hành của chư Tăng Ni Phật giáo Bình Dương.

      Trong Nhiệm kỳ V (1997-2002), về công tác Tăng sự, năm 1998 Ban Thường trực Tỉnh hội đã tổ chức an cư cấm túc cho Tăng, Ni tại 3 điểm, theo đó chư Tăng có 80 vị an cư cấm túc tại Tổ đình chùa Hội Khánh; bên Ni có 75 vị an cư cấm túc tại chùa Thới Hưng, thị trấn Lái Thiêu; còn lại Ni sinh có 101 vị an cư cấm túc tại Tổ đình chùa Tây Thiên, xã Đông Hòa, Thuận An. Đối với số Tăng Ni không đủ điều kiện an cư cấm túc thì mỗi tháng về bố tác 02 kỳ vào ngày rằm và này 30 tại chùa Hội Khánh, Văn phòng Tỉnh hội lập thủ tục xin, Ban Tăng sự Trung ương và Văn phòng II cấp 14 chứng điệp an cư cho Tăng Ni hoàn thành mùa an cư cấm túc.

      Chư tôn đức trong Ban Trị sự Tỉnh hội và 02 giảng viên Trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Dương đã đảm nhiệm giảng dạy tại 03 Hạ trường, gồm các vị Thượng tọa Thích Huệ Thông, Thượng tọa Thích Thiến Duyên, Đại đức Thích Minh Thuấn, Đại đức Thích Minh Nghĩa, Đại đức Thích Thiện Ý (giảng viên Trường Cơ bản Phật học), Đại đức Thích Hoằng Dự (giảng viên Trường Cơ bản Phật học). Giảng viên được Trung ương Giáo hội phân công thuyết giảng trong những ngày bố tát như sau: Ngày 29-05 AL: UBMTTQVN tỉnh Bình Dương, ngày 15 -05 nhuần: Hòa thượng Thích Trí Quảng, ngày 29 -05 nhuần: Hòa thượng Thích Hiển Pháp, ngày 15-06-AL: Hòa thượng Thích Trí Quảng, ngày 30-06 AL: Thượng tọa Thích Thiện Nhơn, Thượng tọa Thích Đạt Đạo.

      Năm 1999, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hướng dẫn An cư kiết hạ, Thường trực Tỉnh hội đã tổ chức an cư cấm túc cho Tăng, Ni tại 03 điểm, đảm trách công tác giảng huấn cho 03 Hạ trường nói trên gồm các vị Thượng tọa Thích Huệ Thông, Thượng tọa Thích Thiện Duyên, Đại đức Thích Minh Thuấn, Đại đức Thích Minh Nghĩa, Đại đức Thích Thiện Ý, Đại đức Thích Hoằng Dự. Chư tôn đức được Trung ương Giáo hội phân công thuyết giảng trong những ngày bố tác như sau: Ngày 30-04 AL: Hòa thượng Thích Trí Quảng, ngày 15-05 AL: Hòa thượng Thích Hiển Pháp, ngày 29-05 AL: Thượng tọa Thích Giác Toàn, ngày 15-06 AL: Thượng tọa Thích Thiện Nhơn, ngày 30-06 AL: Hòa thượng Thích Từ Thông. Sau khi mãn hạ chư Tăng Ni an cư cấm túc tiến bộ trong tu tập, nghiêm túc giới luật, từ đó làm hành trang cho cuộc đời hoằng hóa của mình, được kết quả tốt này là nhờ sự quan tâm thương tưởng của Trung ương Giáo hội và chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ về mọi thủ tục hành chánh và an ninh.

      Năm 2000, Ban Thường trực Tỉnh hội đã tổ chức an cư cấm túc cho Tăng, Ni tại 03 điểm: Bên Tăng có 63 vị an cư cấm túc tại Tổ đình chùa Hội Khánh, bên Ni có 52 vị an cư cấm túc tại chùa Bùi Bửu huyện Dĩ An và Ni sinh có 101 vị an cư cấm túc tại chùa Tây Thiên.

      Bước sang năm 2001, Ban Thường trực Tỉnh hội chỉ tổ chức an cư cấm túc cho Tăng Ni tại 02 điểm, trong đó bên Tăng có 57 vị an cư cấm túc tại Tổ đình Hội Khánh; bên Ni có 50 vị an cư cấm túc tại chùa Bùi Bửu, Dĩ An, Ni sinh và chư Tăng Ni không đủ điều kiện an cư cấm túc thì mỗi tháng về bố tát 02 kỳ vào ngày rằm và ngày 30AL tại chùa Hội Khánh, mùa an cư năm 2001 Ban Tăng sự Trung ương đã cấp chứng điệp an cư cho 05 vị Tăng và 08 vị Ni, cấp giấy chứng nhận tăng ni cho 05 vị Tăng và 13 vị Ni… Do mùa an cư cấm túc năm 2002 thuộc về Nhiệm kỳ V nên chúng tôi không trình bày ở đây

      Như vậy, trong suốt 04 mùa hạ của Nhiệm kỳ V (1997-2002) Ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đều có tổ chức an cư kiết hạ khởi sự vào mùa Phật đản hằng năm. Trường hạ bên Tăng được tổ chức tại chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) và trường hạ bên Ni tổ chức tại chùa Bùi Bửu (Dĩ An), mỗi năm đều có trên 50 vị tăng và 50 vị Ni quy tụ về hai trường hạ nói trên để an cư cấm túc, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của chư Tăng và Ni, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã cung thỉnh chư tôn đức và các giảng sư trong Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội về thuyết giảng cho cả hai trường Hạ trong những kỳ Bố Tát.

      Đồng thời nhằm tạo điều kiện cho Tăng Ni nắm vững chức năng và nhiệm vụ của trụ trì, đặc biệt trong mùa an cư cấm túc năm 2001, Tỉnh hội đã tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì ngắn hạn từ ngày 20 tháng 06 đến ngày 27 tháng 06 cho các vị đang trụ trì các tự viện, các vị giám tự và đại chúng Tỳ kheo. Về tham dự khóa học có 170 học viên, trong đó chính thức có 114 vị, bán chính thức có 48, dự thính có 08 học viên, trong khóa học, Tỉnh hội cũng đã cung thỉnh chư tôn đức giáo phẩm Trung ương Giáo hội và Ban Hoằng pháp Trung ương về giảng dạy cho các học viên về công tác trụ trì.

      Song song với công tác bồi dưỡng trụ trì, vào cuối nhiệm kỳ này, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã thực hiện tinh thần nội qui Ban Tăng sự Trung ương, được sự thống nhất hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và Ủy ban Nhân dân tỉnh, Tỉnh hội đã tiến hành bổ nhiệm cho 24 vị trụ trì, 4 Ban Hộ tự và Ban Tăng sự Tỉnh hội đã chấp thuận 27 đơn của Phật tử xin chính thức xuất gia tu học. Một Phật sự liên quan đến quyền lợi chánh đáng của Tăng Ni Phật giáo Bình Dương trong nhiệm kỳ này, đó là Ban Trị Sự tỉnh hội đã lập thủ tục xin Trung ương Giáo Hội cấp 116 giấy chứng nhận cho Tăng Ni, đổi lại 93 giấy Chứng nhận Tăng Ni mới, giúp cho Tăng Ni có đủ tư cách pháp lý để an tâm tu học và làm Phật sự. Bên cạnh việc Trung ương Giáo hội đã cấp 106 sổ chứng điệp cho Tăng Ni đã hoàn thành các khóa an cư kiết hạ thì Tỉnh Hội cũng đã cấp 374 giấy chứng nhận an cư cho các vị tập sư an cư. Thông qua đó, nhằm củng cố và nắm rõ cơ sở tự viện, Tăng Ni trong địa bàn Tỉnh một cách chính xác, Văn phòng Tỉnh hội đã cùng Ban Tăng sự Tỉnh hội đã phối hợp với các Ban Đại diện Phật giáo huyện thĩ , qua một thời gian thống kê toàn bộ Tăng Ni tự viện trong toàn tỉnh, đã có những ghi nhận tổng quát: Phật giáo Bình Dương vào thời điểm này có tổng cộng 170 tự viện (bao gồm Chùa, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường) và 413 Tăng Ni: gồm 80% Bắc Tông, 15% Khất Sĩ và 5% Nam Tông.

      Cụ thể công tác bổ nhiệm trụ trì như sau: Năm 1997, Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội đã ban hành bổ nhiệm trụ trì và các Ban hộ tự cho Đại đức Thích Tỉnh Tại làm trụ trì chùa Phúc Lâm thị trấn Tân Uyên, Sư cô Thích nữ Pháp Nguyện làm trụ trì chùa Long Sơn (ông Mõ) Tân Uyên, Sư cô Thích nữ Hương Quang đảm nhiệm quản lý Niệm phật đường Lai Uyên (Bến Cát); Ban hộ tự chùa Thuận Thiên, phường Phú Cường Thị xã Thủ Dầu Một, Ban hộ tự chùa Thiên Thắng phường Chánh Nghĩa, Thị xã Thủ Dầu Một, Ðại đức Thích Chúc Minh làm trụ trì chùa Bửu Sanh, Lái Thiêu, Thuận An, Sư cô Thích nữ Chúc Trang làm trụ trì chùa Bình Khánh xã Bình Nhâm huyện Thuận An. Đến năm 1998, Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội đã ban hành bổ nhiệm trụ trì cho Đại đức Thích Minh Phú trụ trì chùa Long Minh, Tân An, Thị xã Thủ Dầu Một; Ðại đức Thích Bửu Minh trụ trì chùa Ngọc Hòa, Phước Vĩnh, Phú Giáo; Đại đức Thích Chiếu Hội trụ trì chùa Thiên Ân, Phú Giáo; Ban hộ tự chùa Linh Không Đàn, Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một… Năm 2001, nhằm ổn định sinh hoạt Phật sự của các tự viện theo nhu cầu tại địa phương và là gạch nối tham mưu cho Tỉnh hội, Ban Đại diện đã hiệp thương nhân sự, đồng thời Ban Thường trực Tỉnh hội đã ban hành quyết định bổ nhiệm trụ trì cho 07 chùa: Đại đức Thích Minh Vũ trụ trì chùa Phổ Thiện Hòa, Thị xã Thủ Dầu Một; Đại đức Thích Trí Tâm trụ trì chùa An Linh, huyện Phú Giáo; các vị Tăng Ni khác làm trụ trì tại các cơ sở tự viện như chùa Long Sơn, Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một; Tịnh xá Liên Hoa, Bạch Đằng, Tân Uyên; chùa Long Ân, Phú Chánh, Tân Uyên; Tịnh thất Kỳ Hoàn, Bạch Đằng, Tân Uyên; chùa Hưng Mỹ, Mỹ Phước, Bến Cát. Trong chuổi hoạt động về cơ sở tự viện trong thời điểm này, vào ngày 18/5/1999, đúng 08 năm, từ ngày khởi công xây dựng chùa Tây Tạng, đại lễ Khánh thành chùa Tây Tạng được tổ chức trong không khí trang nghiêm đầy niềm hoan hỷ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịch Chiếu, Viện chủ và Sơn môn hệ phái chùa Tây Tạng và dưới sự chứng minh Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn, chư tôn đức trong Ban Trị sự Tỉnh, thị xã Thủ Dầu Một, lãnh đạo các cấp, chính quyền mặt trận, Tăng Ni và hàng ngàn tín đồ Phật tử. Trong thời điểm này, việc khánh thành một ngôi chùa lịch sử của Thiền sư Minh Tịnh với công trình quy mô, xem như một bước đột phá về xay dựng trong Phật giáo tỉnh nhà lúc bấy giờ. Chùa Tây Tạng hiện nay do Thượng tọa Thích Chơn Hạnh làm trụ trì, chùa là một trong những điểm hành hương, chiêm bái cho Phật tử tại vùng đất Thủ Dầu Một.

      Trong nhiệm kỳ này, đáp lời mời của Thượng tọa Thích Huyền Diệu là Chủ tịch Hội đồng Phật Quốc Tự tại Ấn Độ, được sự cho phép của Trung ương Giáo hội và các ngành chức năng, vào ngày tháng 11 năm 2000 (nhằm 23 tháng 10 năm Canh Thìn) Thượng tọa Thích Minh Thiện – Trưởng Ban Trị sự; Thượng tọa Thích Huệ Thông – Phó Ban Thường trực; Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa – Phó Ban kiêm Tài chánh Tỉnh hội cùng quý Phật tử đã hành hương chiêm bái, tham quan Thánh địa xứ Phật tại các nơi như: Đức Phật Đản sanh (Nepal), xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn và các thánh tích khác tại Ấn Độ. Thời gian chuyến đi này là 20 ngày, lúc bấy giờ 03 vị đi máy bay sang Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, trước khi hành hương, Trưởng và Phó Ban Thường trực đã triệu tập phiên họp thường trực lâm thời giao quyền hạn cho Đại đức Thích Minh Thuấn, Chánh Thư ký; Đại đức Thích Minh Nghĩa, Phó Thư ký; Đại đức Thích Thiện Châu, Ủy viên kiểm soát, ba vị này tạm thời điều hành Phật sự khi Trưởng và Phó ban Thường trực vắng mặt cho đến khi Trưởng và Phó Ban Thường trực trở về lại Việt Nam.

      Một Phật sự vô cùng quan trọng trong Nhiệm kỳ V (1997-2002) nữa, đó là Ban Thường trực Tỉnh hội đã đề xuất lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cấp Quyền Sử Dụng Đất cho các cơ sở tự viện, kết quả ban đầu là có đến 85% cơ sở tự viện được UBND tỉnh cấp chứng nhận Quyền Sử Dụng Đất (do bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký) có thể thấy rằng, trong giai đoạn này, việc cấp quyền sử dụng đất cho cở sở tôn giáo cho cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng còn khó khăn trong vướn mắt các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Ban Thường trực Tỉnh hội, sự tận tình giúp đỡ của lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Địa chính (Sở tài nguyên và Môi trường) do đó tất cả cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều đã được chính quyền cấp Quyền Sử Dụng Đất đạt tỷ lệ giai đoạn đầu 80% và sau đó đã hoàn thành 100% việc cấp Quyền sử dụng đất cho cơ sở Phật giáo, vượt ngoài khả năng mong đợi của Tăng Ni trụ trì tại các cơ sở tự viện, qua đó có thể nói rằng, Phật giáo tỉnh Bình Dương là đơn vị đi đầu trong cả nước thực hiện rất sớm và thành công trong việc xin cấp Quyền Sử Dụng Đất cho các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

      Về mặt trùng tu và xây dựng tự viện, trong nhiệm kỳ này, Tỉnh hội đã quan tâm lên kế hoạch cho các tự viện có nhu cầu trùng tu, cũng như hướng dẫn lập thủ tục và đã được Nhà nước các cấp chấp thuận cho phép Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật Đường được trùng tu, sửa chữa khang trang. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, chùa núi Châu Thới và Tổ Đình Hội Khánh là những công trình mang đậm màu sắc văn hóa nghệ thuật và di tích lịch sử, đã được trụ trì hai ngôi chùa cổ nhất Bình Dương trùng tu gia cố trên cơ sở giữ nguyên kết cấu nguyên thủy và những nét đặc trưng cơ bản của một di tích văn hóa lịch sử đã được Nhà nước công nhận.

      Quan tâm đến sự nghiệp đào tạo thế hệ kế thừa cho Phật giáo tương lai là việc cần thiết của Giáo hội, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương xin phép tổ chức kỳ thi tốt nghiệp vào năm 2000 và được Phòng Giáo dục thị xã Thủ Dầu Một cho Ban Giám Hiệu mượn trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (phường Phú Cường) để trường tổ chức thi tốt nghiệp cho Tăng, Ni sinh. Kỳ thi tốt nghiệp này đã thể hiện sự quyết tâm của Ban Thường trực Tỉnh hội và Ban Giám hiệu trường một cách nghiêm túc trong kỳ thi. Kết quả này, ngoài sự nỗ lực của tập thể Ban Giám hiệu, thì vai trò của Thượng tọa Thích Huệ Thông được xem là vai trò chủ đạo trong việc đào tạo và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp này. Lễ trao văn bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học Bình Dương cho 115 Tăng Ni sinh diễn ra vào ngày 08 tháng 09 năm 2000, dưới sự chứng minh của Trung ương Giáo hội, ngành Giáo dục Trung ương Giáo hội và chánh quyền các cấp. Đặc biệt vào cuối Nhiệm kỳ V, Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã cử 4 vị: Thượng tọa Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự kiêm Hiệu trưởng Trung cấp Phật học; Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Ban Thường trực kiêm Hiệu Phó học vụ; Thượng tọa Thích Thiện Duyên, Giảng viên trường Trung cấp Phật học; Đại đức Thích Minh Nghĩa, Phó Thư ký kiêm giảng viên Trung cấp Phật học về tại Thiền viện Quảng Đức để tham dự khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương kết hợp với Văn phòng 2 tổ chức khóa 3 tuần từ ngày 12 tháng 11 đến ngày 01 tháng 12 năm 2001, nhằm nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho ngành giáo dục. Cũng nằm trong chương trình giáo dục đào tạo, trong nhiệm kỳ này, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương cũng đã giới thiệu 01 Tăng sinh du học cấp Cao học tại Ấn Độ, 05 Tăng, Ni sinh vào Học viện Phật giáo Việt Nam (cấp Đại học), 04 Tăng Ni sinh vào Học viện TP. HCM, 01 Ni sinh vào Học viện Huế và có 9 vị theo học khóa 3 tại trường Cao đẳng chuyên khoa TP. HCM.

      Cũng nằm trong khuôn khổ lĩnh vực giáo dục của Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, trong Nhiệm kỳ V (1997-2002), cụ thể vào ngày 29 tháng 02 năm 2000, Ban Tôn giáo của Chính phủ đã ra Quyết định số 14/QĐ-TGCP về việc cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi tên Trường Cơ bản Phật học thành Trường Trung cấp Phật học các Tỉnh, Thành phố trong cả nước[1], do ông Lê Quang Vịnh, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ ấn ký, theo đó, Trường Cơ bản Phật học Sông Bé kể từ ngày 29 tháng 02 năm 2000 trở đi được đổi tên thành Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương.

      Phật giáo Bình Dương đến giai đoạn này phải nói là rất khởi sắc, không chỉ sôi nổi bề mặt, mà được hoạch định bài bản nhằm tiến tới sự phát triền bền vững lâu dài, điều này thể hiện rõ nét ở khâu hoằng pháp. Do nhận thức sâu sắc nhiệm vụ cơ bản của người xuất gia học Phật: “Hoằng pháp vị gia vu – Lợi sanh vi sự nghiệp”, nên Thường trực Tỉnh hội đã nhạy bén tổ chức thực tập diễn giảng, phát hiện tài năng thuyết giảng ngay tại các kỳ nhập hạ an cư cấm túc và linh động đề cử những Tăng Ni sinh có giới hạnh sau khi tốt nghiệp đạt kết quả cao để bổ sung vào ngành Hoằng pháp của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thuyết pháp của các tự viện trong các ngày lễ lớn, an cư kiết hạ, húy kỵ và các đạo tràng thọ Bát quan trai cũng như khi Phật tử thỉnh nguyện khi hữu sự. Trong nhiệm kỳ này, Phật giáo Bình Dương đã có 01 Tăng sinh vào trường Cao cấp giảng sư và 03 Tăng sinh vào trường Trung cấp giảng sư.

      Về hoạt động văn hóa, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương trong thời kỳ này, với những hoạt động tích cực của Thượng tọa Thích Huệ Thông, cùng với sự nhiệt tình đóng góp của các thành viên tiểu ban đã đem lại những thành quả khả quan cho ngành văn hóa Phật giáo tỉnh nhà. Đặc biệt, sự đóng góp bài vở, tham gia cộng tác gần như thường xuyên với các Báo Giác Ngộ, Báo Bình Dương, Báo Văn Nghệ, Báo Xuân, Đài Phát thanh Truyền hình Tỉnh bằng ngòi bút có nội lực, có chánh kiến, nhất là những phát biểu hùng biện và sắc bén của Thượng tọa Thích Huệ Thông, ngoài việc cung cấp tin tức Phật sự, đã nói lên quan điểm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc một cách sâu sắc, khẳng định vị thế của ngành văn hóa Phật giáo Bình Dương…

      Trong chuỗi các sự kiện văn hóa của Phật giáo Bình Dương, thì việc tổ chức ngày Đại lễ Phật Đản hàng năm của Phật giáo tỉnh nhà có sự tham gia của ngành Hướng dẫn Nam nữ Phật tử, đã trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật thu hút sự quan tâm và thưởng lãm nghệ thuật của quần chúng. Một sự kiện văn hóa mang tính đặc trưng có thể nói là chỉ có tại tỉnh Bình Dương, đó là hàng năm Tỉnh hội và Ban Văn hóa thuộc Tỉnh hội đã đứng ra tổ chức những ngày lễ lịch sử của dân tộc, đáng kể nhất là các ngày lễ văn hóa như Hội thảo khoa học về Phật hoàng Trần Nhân Tông, chào mừng ngày sinh của Hồ Chủ tịch, ngày húy kỵ tưởng nhớ cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Hồ Chủ tịch.

      Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, ngành văn hóa Phật giáo Bình Dương đã cho ra mắt quí độc giả hai quyển sách rất có giá trị về nguồn tư liệu Phật giáo Bình Dương: Cuốn “Sơ khảo lịch sử Phật giáo Bình Dương” (Nhà xuất bản Mũi Cà Mau – 2000) của Thượng tọa Thích Huệ Thông và cuốn “Những ngôi chùa Bình Dương – Quá khứ và hiện tại” do Thượng tọa Thích Huệ Thông làm chủ biên và nhiều tác giả khác. Hai đầu sách ra đời trong giai đoạn này là bước đột phá trong công tác nghiên cứu lịch sử Phật giáo của Tỉnh hội mà Thượng tọa Thích Huệ Thông, một vị Tăng ở Bình Dương, được xem là người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Trong quá trình biên soạn cuốn “Sơ khảo lịch sử Phật giáo Bình Dương”, đã có những chi tiết thú vị nhưng cũng mang tính mầu nhiệm, chẳng hạn như khi Thượng tọa Huệ Thông đang nghỉ trưa, chợt trong đầu khởi lên ý nghĩ là phải đến chùa Sắc Tứ Thiên Tôn để tìm hiểu lai lịch của thiền sư Gia Tiền và Gia Linh, thế là Thượng tọa cấp tốc chạy đến chùa trong lúc trời đang đứng bóng, khi đến chùa Thượng tọa chạy ngay đến ngôi tháp của hai vị Thiền sư này, khi vừa ghi chép xong những tư liệu quý hiếm trên tấm bia của ngôi mộ cổ, cũng là lúc những dòng chữ trên tấm bia (bằng vôi) bị vữa ra và rơi xuống đất. Qua đó có thể nói rằng, nếu như Thượng tọa Huệ Thông không đi ngay vào buổi trưa nóng bức đó, thì những chi tiết quý giá hiếm hoi về hai vị thiền sư này làm sao lịch sử có thể xác định được, có thể nói đây chỉ là một trong vô số những điều hy hữu xảy ra trong quá trình Thượng tọa Thích Huệ Thông biên soạn cuốn “Sơ thảo lịch sử Phật giáo Bình Dương”. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, vì vừa đảm nhận cùng lúc nhiều Phật sự quan trọng mà Ban Thường trực Tỉnh hội giao phó, vừa phải chuyên tâm công phu tu tập và điều hành sinh hoạt của một ngôi Tổ đình, đó là chưa kể những khó khăn về mặt chuyên môn và nguồn tư liệu ít ỏi, dù đơn thân độc mã, vậy mà Thượng tọa đã tạo nên một công trình nghiên cứu nghiêm túc mang tính chuyên môn cao, trở thành nguồn tư liệu quý giá mà giới học giả một khi nghiên cứu về Phật giáo Bình Dương phải tham khảo, trích dẫn các nguồn tài liệu được thể hiện trong quyển “Sơ thảo Lịch sử Phật giáo Bình Dương”, có thể nói đây là vinh dự cho Phật giáo Bình Dương và là một Phật sự mà lịch sử Phật giáo Bình Dương phải hết sức trân trọng.

      Về hoạt động hướng dẫn nam nữ Phật tử, trong nhiệm kỳ này Tỉnh hội đã tổ chức thành lập Phân ban nam nữ Phật tử và Phân ban Gia đình Phật tử; Phân ban Gia đình Phật tử của 07 Huyện, Thị tại Bình Dương có 05 Gia đình Phật tử gồm 58 Huynh trưởng (kể cả tập sự) và 358 đoàn sinh. Trong đó thị xã Thủ Dầu Một có 01 Gia đình Phật tử sinh hoạt tại Tổ đình chùa Hội Khánh gồm 03 Huynh trưởng và 36 đoàn sinh; huyện Bến Cát có 01 Gia đình Phật tử gồm 16 Huynh trưởng và 150 đoàn sinh, sinh hoạt tại Niệm Phật Đường Lai Uyên; huyện Thuận An có 1 Gia đình Phật tử gồm 06 Huynh trưởng và 29 đoàn sinh, sinh hoạt tại chùa Thiên Chơn; huyện Dầu Tiếng có 01 Gia đình Phật tử gồm 14 Huynh trưởng và 60 đoàn sinh sinh hoạt tại chùa Liên Trì; huyện Phú Giáo có 02 Gia đình Phật tử gồm 19 Huynh trưởng và 83 đoàn sinh, sinh hoạt tại chùa Ngọc Hòa và chùa Phước Huệ; Tỉnh hội và Phân ban Hướng dẫn nam nữ Phật tử tỉnh Bình Dương đã mở trại huấn luyện Huynh trưởng sơ cấp (Lộc Uyển) cho 31 trại sinh tại văn phòng Tỉnh hội chùa Hội Khánh; tổ chức mở các khóa bồi dưỡng chuyên môn chuyên trình Phật pháp cho các Huynh trưởng và đoàn sinh. Các Gia đình Phật tử luôn sốt sắng, linh động tham gia mọi công tác Phật sự như: thiết lập lễ đài Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Phật thành đạo, lễ vía đức Phật Di Đà, lễ kỵ tưởng niệm chư tôn đức viên tịch; tham gia các buổi trình diễn văn nghệ Phật giáo lành mạnh, vận động ủng hộ các công tác ích nước lợi dân như từ thiện xã hội, ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Tây bị thiên tai bão lụt…

      Tính đặc thù của Phật giáo là không có khoảng cách giữa giáo lý và truyền thống dân tộc, để tiếp tục kế thừa truyền thống ấy, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã tích cực động viên Tăng Ni Phật tử luôn sống “Tốt đời đẹp đạo” theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Với tư cách là người đại diện Phật giáo trong các cơ quan dân cử, Tăng Ni Phật tử tại các địa phương đã tích cực phát huy trách nhiệm của mình, góp phần tăng cường sự đoàn kết hòa hợp vào cộng đồng dân tộc, rất nhiều Tăng Ni Phật tử được sự tín nhiệm của nhân dân đã được bầu vào các ban ngành đoàn thể tại địa phương. Trong nhiệm kỳ này, Thượng tọa Thích Minh Thiện tham gia vào Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 7 và 8; Thượng tọa Thích Huệ Thông là Thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các thành viên khác trong Tỉnh hội cũng tham gia vào công tác xã hội như: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Nông dân tập thể, Hội Liên hiệp thanh niên, Ủy ban Bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ người tàn tật và trẻ em mồ côi… Ngoài ra các đại diện Phật giáo huyện thị, phường xã cũng đều có tham gia vào thành viên Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng Nhân dân tại địa phương…

      Về công tác từ thiện xã hội, đây có thể là điểm nổi bật và cũng có thể nói đó là thế mạnh của Phật giáo Bình Dương trong Nhiệm kỳ V (1997-2002), nhằm phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của người con Phật trên tinh thần “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, trong nhiệm kỳ này Tỉnh hội dưới sự lãnh đạo và khởi xướng của Thượng tọa Trưởng Ban Trị sự Thích Minh Thiện, Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa đã tích cực vận động Tăng Ni Phật tử tham gia công tác từ thiện tại địa phương, khởi đầu ấn tượng là sự ra đời bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương do Đại đức Thích Minh Vũ, trụ trì chùa Phổ Thiện Hòa thành lập từ ngày 21 tháng 08 năm 1999, hưởng ứng chương trình này, cô bảy Tường và quý Phật tử chùa Hội Khánh thời điểm đó, hằng ngày bếp ăn từ thiện này cung cấp hàng trăm xuất ăn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

      Trong nhiệm kỳ này, Tỉnh hội đã thành lập được Hội Chữ Thập Đỏ Phật giáo tỉnh, tổ chức nhiều chuyến cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai bão lụt, cứu trợ các vùng đồng bào dân tộc, gia đình chính sách và neo đơn, đỡ đầu các học sinh nghèo hiếu học, tặng 20 nhà tình nghĩa, 40 nhà tình thương, thăm và tặng quà cho Hội người mù, cùng các tổ chức từ thiện khác với tổng trị giá gần 8 tỷ đồng. Trong công tác đền ơn đáp nghĩa, Tỉnh hội đã tham gia câu lạc bộ nuôi bà mẹ Việt Nam anh hùng và nuôi dưỡng được 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

      Từ những đóng góp tích cực và hiệu quả đó, Ban Trị sự Tỉnh hội đã được Nhà nước và các ban ngành tặng thưởng 02 Huân chương Lao động hạng 2, 02 Huân chương Lao động hạng 3, 02 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 02 Huy chương Vì sự nghiệp thương binh liệt sĩ, 04 Huy chương vì sự nghiệp nhân đạo, 02 Huy chương Vì sự nghiệp chăm sóc trẻ em, 02 Huy chương Vì sự nghiệp giúp đỡ người mù, 02 Huy chương Vì sự nghiệp Bảo tồn văn hóa, 03 Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, 01 bằng Tuyên dương công đức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong đó một số cá nhân có thành tích được Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen như Thượng tọa Thích Minh Thiện, Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa, Thượng tọa Thích Huệ Thông.

      Song song công tác cứu trợ, Tỉnh hội còn chú trọng đến việc cứu chữa bệnh cho Tăng Ni Phật tử cũng như dân nghèo tại địa phương và vùng phụ cận, từ đó đã ra đời 07 Tuệ Tĩnh Đường tại các chùa như chùa Hưng Đức (Thị xã Thủ Dầu Một), chùa Bửu Nghiêm (thị xã Thủ Dầu Một), chùa Thiên Đức (huyện Thuận An), chùa Long Bửu (huyện Thuận An), chùa Hưng Khánh (huyện Tân Uyên), chùa Hưng Mỹ (huyện Bến Cát), chùa Pháp Hoa (huyện Dầu Tiếng) đã khám và điều trị trên 50 ngàn bệnh nhân, hốt trên 700 ngàn thang thuốc, chỉ trong năm 2005, các cơ sở này đã khám cho 77.923 người, hốt 82.289 thang thuốc, châm cứu 26.550 người và phát ra 20.120 gói cao đơn hoàn tán điều trị các chứng bệnh phổ thông. Tỉnh hội cũng đã xây dựng được 02 nồi súp tình thương do Phật tử tình nguyện phục vụ cho bệnh nhân nghèo nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi tuần 02 ngày. Tỉnh hội cũng đã động viên Phòng khám đa khoa từ thiện tại chùa Long Bửu (huyện Thuận An) phục vụ và điều trị miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân nghèo.

      Phật giáo Bình Dương từ thời kỳ du nhập đến nay đã không ngừng phát triển, thể hiện được tính hòa hợp, đa dạng mang nhiều màu sắc tổ chức hệ phái, Giáo hội, phổ hệ truyền thừa góp phần phong phú thêm nền tảng tín ngưỡng gắn liền bản sắc của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, chính vì vậy Phật giáo tại Bình Dương mang nhiều tổ chức hệ phái, có chùa tham gia nhiều tổ chức giáo hội trong nhiều thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, đặc thù của Phật giáo ở vùng đất này luôn luôn thể hiện được tính đoàn kết, hòa hợp tạo nên một bức tranh thuần mỹ trong giáo lý Phật đà, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chung xây dựng mảnh đất Bình Dương, có thể ảnh hưởng này của Phật giáo Bình Dương là phần nào do ảnh hưởng của vùng đất “Địa linh nhân kiệt” mà học sĩ Trịnh Hoài Đức cho đất phương Nam thuộc Ly – Hỏa có hiện điềm văn minh, phát thịnh… Và cũng theo Trịnh Hoài Đức thì vùng đất phương Nam có đạo Phật khá sớm, nhờ nền móng gốc rễ này mà đạo Phật nơi đây phát triển khá thuận lợi.

      Tóm lại, trong nhiệm kỳ V (1997-2002) Thường trực Tỉnh hội đã hệ thống và củng cố nhân sự trong Ban Thường trực cũng như các tiểu ban chuyên ngành, theo đó nhân sự được phân công đúng người đúng việc, hệ thống văn phòng được củng cố, chư Tăng được giao việc đúng chức năng của từng vị, văn phòng Tỉnh được đặt dưới sự điều hành tổng quát của Thượng tọa Thích Huệ Thông và hai vị Chánh, Phó Thư ký, điều này đã làm cho hoạt động và điều hành của văn phòng cũng như các ban ngành làm việc đạt nhiều hiệu quả. Công tâm nhìn nhận thì trong nhiệm kỳ này, tuy vẫn còn nhiều mặt hạn chế, song nhờ tinh thần đoàn kết nội bộ và sự quan tâm của Trung ương Giáo hội cũng như các ngành hữu quan của chính quyền, Tỉnh hội đã đạt thành tựu trên nhiều lĩnh vực như: Khai mở Đại giới đàn “Từ Văn” tại chùa Hội Khánh; tổ chức thi tốt nghiệp cho 115 Tăng, Ni sinh trường Trung cấp Phật học; khai hạ cho Tăng Ni tu học, giới thiệu hàng chục Tăng Ni tham dự nhiều khóa Phật học do Trung ương khai mở, mở khóa bồi dưỡng trụ trì và ổn định sinh hoạt Gia đình Phật tử, đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội và nhiều Phật sự khác cũng phát triển khá đồng bộ, đáng nói là việc Thượng tọa Thích Huệ Thông xuất bản cuốn “Sơ thảo Phật giáo Bình Dương” vào năm 2000 và cuốn “Những ngôi chùa ở Bình Dương” vào năm 2002 tạo tiếng vang và gây ấn tượng đối với hàng trí thức học giả.

      Những thành tựu đã đạt được và sự phát triển của Phật giáo Bình Dương trong nhiệm kỳ có nguyên nhân chính yếu là nhờ tinh thần hòa hợp đoàn kết và trách nhiệm cao của toàn toàn chư tôn đức trong Ban Trị sự, các Ban Đại diện huyện thị và toàn thể Tăng Ni Phật tử. Tuy nhiên bên cạnh đó Tỉnh hội vẫn còn các mặt hạn chế, đó là Ban Thường trực còn thiếu tính chủ động, có vài vụ việc vẫn còn lúng túng trong cách giải quyết các vấn đề Phật sự; vẫn còn có một ít Tăng Ni Phật tử chưa xóa hết được tính cục bộ, tính nhóm và hệ phái, chưa thể hiện hết tinh thần hòa hợp trong tổ chức giáo hội, bên cạnh đó các Phật sự nổi bật thường là xuất phát từ một vài nhân tố tích cực năng nỗ dấn thân chứ chưa phát huy tối đa năng lực của tập thể, có thể nói đây là các mặt hạn chế của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương trong nhiệm kỳ này.

 

 

_CT:

[2] Các Trường Cơ bản Phật học trong cả nước thời bấy giờ được đổi tên thành Trường Trung cấp Phật học gồm có: Trường Cơ bản Phật học Thành phố Hà Nội, Trường Cơ bản Phật học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cơ bản Phật học Thành phố Hải Phòng, Trường Cơ bản Phật học Thành phố Đà Nẵng, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Hà Tây, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Bắc Giang, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Hưng Yên, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Hải Dương, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Nam Định, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Quảng Nam, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Định, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Phú Yên, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Khánh Hòa, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Ninh Thuận, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Thuận, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Lâm Đồng, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Đồng Nai, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Dương, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Long An, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Tiền Giang, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Đồng Tháp, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Vĩnh Long, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Trà Vinh, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Sóc Trăng, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ… tất cả đều được đổi tên thành Trường Trường Trung cấp Phật học theo Quyết định số 14/QĐ-TGCP của Ban Tôn giáo Chính phủ do ông Lê Quang Vịnh, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ ký ngày 29 tháng 02 năm 2000.