Trong xu thế hội nhập đổi mới, đất nước phát triển cùng với sự đi lên của Phật giáo Bình Dương, nhận thức sâu sắc vấn đề nhân sự là yếu tố cơ bản để đưa hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ tới đạt hiệu quả, nên trước Đại hội Nhiệm kỳ VI, Ban Thường trực đã triệu tập phiên họp toàn ban để bàn thảo một cách nghiêm túc về việc cơ cấu thành phần nhân sự.
Vào ngày 14 và 15 tháng 04 năm 2002, Ban trù bị Đại hội đã tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo Bình Dương lần VI, Nhiệm kỳ 2002 – 2007, khai mạc tại trụ sở Ban Trị sự Tỉnh hội Tổ đình chùa Hội Khánh. Tham gia đoàn chủ tịch, chứng minh có Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Thượng tọa Thích Nhật Quang, Thượng tọa Thích Minh Thiện, Thượng tọa Thích Huệ Thông. Đại hội lần này có 250 đại biểu chính thức và 50 đại biểu dự thính, đại diện lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền tỉnh, địa phương đều quan lâm tham dự đại hội.
Đại hội lần thứ 6 đã bầu Ban Trị sự Nhiệm kỳ 2002 – 2007, có 21 vị gồm: Thượng tọa Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự kiêm Tăng sự, kiêm Giáo dục; Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Ban Thường trực kiêm Hoằng pháp; Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa (Tịnh xá Ngọc Định – Thị xã Thủ Dầu Một) Phó Ban kiêm Tài chánh kiêm Từ thiện; Đại đức Thích Minh Thuấn (Tịnh xá Ngọc Thịnh, Lái Thiêu, Thuận An) Chánh Thư ký; Đại đức Thích Minh Nghĩa (Chùa Linh Sơn, Chánh Mỹ, Thị xã Thủ Dầu Một) Phó Thư ký; Đại đức Thích Thiện Châu (Chùa Phước An, Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một) Phó Thư ký; Thượng tọa Thích Thiện Duyên (Chùa Hưng Long, xã Thanh Trúc, Tân Uyên) Ủy viên Nghi Lễ kiêm Ủy viên Hướng dẫn gia đình Phật tử; Thượng tọa Thích Tâm Từ (Chùa Thiên Ngọc, An Thạnh, Thuận An) Ủy viên Kiểm soát; Đại đức Thích Giác Sự (Tịnh xá Liên Hoa, xã Bạch Đằng, Tân Uyên) Ủy viên Kiểm soát; Ni sư Thích nữ Tập Liên (Tịnh xá Ngọc Thịnh, Chánh Nghĩa,Thị xã Thủ Dầu Một) Ủy viên Thủ Quỹ; Cư sĩ Nguyên Tạo (Thị trấn An Thạnh, Thuận An) Ủy viên Văn Hóa; cùng các vị Đại đức Thích Chiếu Hội (Chùa Thiên Ân, Phước Vĩnh, Phú Giáo), Đại đức Thích Đồng Thành (Chùa Kim Thiền, Dĩ An, huyện Dĩ An), Đại đức Thích Hồng Long (Chùa Long Hưng, Tân Định, Bến Cát), Thượng tọa Thích Pháp Tảo (Chùa Nam Bình, Tân Đông Hiệp, Dĩ An, huyện Dĩ An), Đại đức Thích Chơn Tâm (Chùa Phước Thạnh, Thị trấn Dầu Tiếng), Sư cô Thích nữ Pháp Như (Chùa Tây Thiên, Đông Hòa, Dĩ An), Ni sư Thích nữ Như Huy (Chùa Thiên Hòa, An Thạnh, Thuận An), Ni sư Thích nữ Tắc Nhẫn (Chùa Bùi Bửu, Thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An), Cư sĩ Diệu Hương (Chùa Hưng Đức, Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một), Cư sĩ Huệ Thiên (Chùa Linh Không Đàn, Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một)…
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương Nhiệm kỳ VI (2002-2007) có 21 thành viên Ban Trị sự đảm nhiệm 17 chức vụ được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận và ban hành Quyết định số 237/QĐ/HĐT ngày 18/5/2002 do Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự ấn ký.
Đại hội thành công tốt đẹp, ngay sau đó Ban Thường trực Tỉnh hội nhiệm kỳ mới đã tập trung vào việc kiện toàn hệ thống tổ chức, cụ thể là nhân sự các tiểu ban Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Nghi lễ, Từ thiện xã hội… đã được cơ cấu trở lại để điều hành công tác Phật sự. Việc cơ cấu nhân sự các tiểu ban trong Nhiệm kỳ IV căn cứ vào giới hạnh, năng lực chuyên môn của từng vị nên đã chỉ định đúng người, đúng việc.
Trong năm đầu Nhiệm kỳ VI (2002-2007) của Phật giáo Bình Dương, thì Phật giáo cả nước diễn ra Đai hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 5 được tổ chức trong hai ngày từ 04 đến ngày 05 tháng 12 năm 2002, tại thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ gần 772 đại biểu của 49 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước. Đoàn Đại biểu của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương có 05 vị (trong đó có 01 vị nữ) do Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương làm Trưởng đoàn; Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Trưởng Ban Thường Trực; Đại đức Thích Minh Thuấn – Chánh Thư ký; Đại đức Thích Minh Nghĩa – Phó Thư ký; Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa, Phó Ban kiêm Ủy viên Tài chánh, như vậy, thành phần nhân sự tham dự Đai hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 5 so với thành phần nhân sự tham dự Đai hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 4 diễn ra vào ngày 22 – 23 tháng 11 năm 1997 là không có sự thay đổi.
Ngay từ đầu Nhiệm kỳ VI, Tỉnh hội đã chỉnh đốn hệ thống văn phòng để điều hành công tác Phật sự có hiệu quả hơn, Ban Trị sự cử đoàn đi đến từng huyện để hiệp thương nhân sự chọn người có khả năng và tâm huyết để cơ cấu vào các Ban Đại diện huyện thị, phường xã. Đây là sự chủ động trong khâu bố trí nhân sự Phật giáo các cấp cơ sở của Ban Thường trực Tỉnh hội Nhiệm kỳ VI, thực tế sâu sát này được xem là sự quyết tâm cải tổ hành chánh của Tỉnh hội, giúp cho việc triển khai các văn kiện của Trung ương Giáo hội đến các Ban Đại diện để hướng dẫn về việc chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ 5 vào thượng tuần tháng 11 năm 2002 tại thủ đô Hà Nội và giới thiệu đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc.
Theo đó, về công tác tổ chức hệ thống Giáo hội cấp cơ sở của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương trong Nhiệm kỳ VI (2002-2007), Ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã tiến hành bổ nhiệm, bổ sung nhân sự vào các Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện thị của tỉnh trong nhiệm kỳ mới với kết quả cụ thể như:
– Căn cứ quyết định số: 05/QĐ. BTS, ngày 18/01/2002, V/v bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo Thị xã Thủ Dầu Một, với thành phần nhân sự như sau:
- Đại đức Thích Thiện Châu: Chánh Đại diện
- Đại đức Thích Nhuận Châu: Phó Đại diện
- Đại đức Thích Minh Vũ: Thư ký kiêm UV. Hoằng pháp
- Đại đức Thích Thiện Hảo: Ủy viên Kiểm soát
- Ni sư Thích nữ Tập Liên: Ủy viên Thủ quỹ
- Sư cô Thích nữ An Liên: Ủy viên Từ thiện
- Cư sĩ Huệ Thiên: Ủy viên đặc trách người Hoa.
– Căn cứ Quyết định số 71/QĐ.BTS, ngày 09/6/2002 V/v bổ nhiệm Ban Đại Diện Phật giáo huyện Dĩ An, với thành phần nhân sự như sau:
- Đại đức Thích Pháp Tảo: Chánh đại diện
- Đại đức Thích Đồng Thành: Phó đại diện
- Ni sư Thích nữ Pháp Như: Thư ký kiêm Thủ quỹ
- Đại đức Thích Minh Lực: Ủy viên Hoằng pháp
- Sư cô Thích nữ An Hoa: Ủy viên Kiểm soát
- Sư cô Thích nữ An Lượng: Ủy viên Từ thiện
– Căn cứ Quyết định 85/QĐ.BTS, ngày 10/11/2006 V/v bổ nhiệm Ban đại diện Phật giáo huyện Dầu Tiếng, với thành phần nhân sự như sau:
- Thượng tọa Thích Chơn Tâm: Chánh đại diện
- Ni sư Thích nữ Thành Liên: Phó đại diện
- Đại đức Thích Thiện Hòa: Phó đại diện
- Sư cô Thích nữ Như Thanh: Thư ký
- Đại đức Thích Thiện Minh: Ủy viên
- Sư cô Thích nữ Cam Liên: Ủy viên
- Sư cô Thích nữ Quảng Thanh: Ủy viên
- Đại đức Thích Pháp Hạnh: Ủy viên
– Căn cứ Quyết định số 20/QĐ- BTS, ngày 26/01/2007 V/v bổ nhiệm Ban Đại Diện Phật giáo huyện Phú Giáo, với thành phần nhân sự như sau:
- Đại đức Thích Chiếu Hội: Chánh đại diện
- Đại đức Thích Thiện Đạo: Phó đại diện
- Đại đức Thích Huệ Trí: Phó đại diện
- Đại đức Thích Bửu Minh: Thư ký
- Đại đức Thích Tâm Ngộ: Ủy viên Thủ quỹ
- Đại đức Thích Đắc Huệ: Ủy viên Kiểm soát
- Sư cô Thích nữ Diệu Quang: Ủy viên Từ thiện
- Cư sĩ Nhuận Thành: Ủy viên Hướng dẫn nam nữ Phật tử
– Bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo Thị xã Thuận An, nhân sự có 13 vị:
- Hòa thượng Thích Tâm Từ: Chánh đại diện
- Hòa thượng Thích Giác Nguyện: Phó đại diện
- Đại đức Thích Chúc Minh: Phó đại diện
- Đại đức Thích Nhật Nghiêm: Thư ký
- Đại đức Thích Thiện Hỷ: Ủy viên Kiểm soát
- Sư cô Thích nữ Từ Thảo: Ủy viên Hoằng pháp
- Đại đức Thích Thiện Thành: Ủy viên Văn hóa phụ trách Văn phòng
- Đại đức Thích Nhuận Kiên: Ủy viên Nghi lễ
- Sư cô Thích nữ Chúc Mỹ: Ủy viên Từ thiện
- Đại đức Thích Minh Phú: Ủy viên Hướng dẫn nam nữ Phật tử
- Sư cô Thích nữ Pháp Hạnh: Ủy viên Thủ quỹ
- Sư cô Thích nữ Huệ Phúc: Ủy viên
- Sư cô Thích nữ An Liên: Ủy viên
– Bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo Thị xã Tân Uyên, nhân sự có 05 vị:
- Thượng tọa Thích Thiện Duyên: Chánh đại diện
- Thượng tọa Thích Giác Sự: Phó đại diện
- Đại đức Thích Thiện Trang: Thư ký Ban Đại Diện
- Đại đức Thích Huệ Phát: Ủy viên Kiểm soát
- Đại đức Thích Nhuận Thiền: Ủy viên Nghi lễ
Trong nhiệm kỳ này, việc thành lập và tái cơ cấu nhân sự Ban Đại diện các Huyện, Thị trên địa bàn tỉnh đã giúp cho công tác quản lý Tăng Ni tại cấp cơ sở được sâu sát thuận lợi, đồng thời qua đó Tỉnh hội phối hợp với các Ban Đại diện tiến hành lập thủ tục thống kê lại toàn bộ cơ sở tự viện Tăng Ni của tỉnh tính đến thời điểm hiện tại.
Về công tác an cư kiết hạ, cũng như các nhiệm kỳ trước, theo thông lệ hằng năm là thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội về hoạt động an cư kiết hạ, suốt 4 mùa Hạ trong nhiệm kỳ này Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã tổ chức 02 điểm an cư cho Tăng và Ni trong tỉnh về cấm túc tu học, theo đó, bên Tăng thường có khoảng 60 vị an cư tại Tổ đình chùa Hội Khánh, thị xã Thủ Dầu Một; bên Ni cũng giao động qua mỗi năm, nhưng vẫn luôn có khoảng trên dưới 100 vị Ni an cư tại chùa Tây Thiên, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An.
Thành thông lệ như các nhiệm kỳ trước, chư Tăng Ni không đủ điều kiện cấm túc an cư, mỗi tháng 02 ngày 15 và 30 âm lịch về Văn phòng Tỉnh hội chùa Hội Khánh để bồ tát, Tỉnh hội sẽ lập thủ tục xin cấp Chứng điệp an cư cho Tăng Ni cấm túc. Trong nhiệm kỳ này, qua 04 mùa an cư kiết hạ, chư tôn giáo phẩm trong Ban Trị sự Tỉnh hội cùng quý vị giảng sự trong Ban Hoằng pháp của Tỉnh hội như quý Thượng tọa Thích Huệ Thông, Thượng tọa Thích Minh Thuấn, Thượng tọa Thích Thiện Duyên, Đại đức Thích Minh Nghĩa, Đại đức Thích Minh Vũ, Đại đức Thích Chiếu Hội luân phiên thuyết giảng. Ngoài ra chư tôn đức Ban Hoằng pháp Trung ương cũng quang lâm đến tịnh nghiệp đạo tràng tại chùa Hội Khánh (Tăng) và chùa Tây Thiên (Ni) trong các mùa an cư trong nhiệm kỳ này để thuyết giảng theo lịch thuyết giảng của chư Tôn đức Hội đồng Trị sự Trung ương như sau: Ngày 30/04 âm lịch, Hòa thượng Thích Hiển Pháp; ngày 15/05 âm lịch, Hòa thượng Thích Trí Quảng; ngày 29/05 âm lịch, Hòa thượng Thích Giác Toàn; ngày 15/06 âm lịch, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn; ngày 30/06 âm lịch, Hòa thượng Thích Từ Thông… Và thường thì sau khi mãn hạ, chư Tăng Ni an cư kiết hạ đều đạt được kết quả rất đáng phấn khởi về nhận thức chấp Hiến chương cũng như Nội quy Ban Tăng sự và cũng trong các mùa an cư ban Tổ chức Trường hạ cũng quan tâm trong việc tổ chức thi thuyết giảng giáo lý để tìm nhân tố trong việc đào tạo giảng sư hoằng pháp cho tỉnh nhà, đặc biệt nhờ giới luật nghiêm túc trong mùa an cư đã giúp cho Tăng Ni có hành trang thanh tịnh phụng sự cho sự nhiệp tu hành và hoằng pháp lợi sanh…
Trong Nhiệm kỳ VI này Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương tổ chức thành công Đại giới đàn Thiện Hương vào hai ngày 30-31 tháng 12 năm 2003 tại Tổ đình Hội Khánh, Đại giới đàn Thiện Hương lần thứ 6 đã truyền giới cho 290 giới tử; đây là Đại giới đàn lần thứ 6 của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương.
– THÀNH PHẦN GIỚI SƯ
*Thập Sư Tăng
Hòa thượng Đàn đầu: Hòa thượng Thích Hiển Pháp
Yết ma A Xà Lê: Thượng tọa Thích Minh Thiện
Giáo thọ A Xà Lê: Thượng tọa Thích Tâm Từ
*Tôn Chứng Tăng Già
Đệ nhất: Thượng tọa Thích Huệ Thông
Đệ nhị: Thượng tọa Thích Thiện Duyên
Đệ tam: Thượng tọa Thích Giác Nguyện
Đệ tứ: Thượng tọa Thích Minh Thuấn
Đệ ngũ: Thượng tọa Thích Giác Sự
Đệ Lục: Thượng tọa Thích Hồng Long
Đệ Thất: Đại đức Thích Thiện Châu
* Thập Sư Ni
Hòa thượng Đàn đầu: Ni trưởng TN Như Huy
Yết ma A Xà Lê: Ni trưởng TN Như Thái
Giáo thọ A Xà Lê: Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa
Đệ nhất: Ni sư Thích nữ Nhã Liên
Đệ nhị: Ni sư Thích nữ Tập Liên
Đệ tam: Ni sư Thích nữ Thuận Liên
Đệ tứ: Ni sư Thích nữ Thông Liên
Đệ ngũ: Ni sư Thích nữ Thành Liên
Đệ lục: Ni sư Thích nữ Pháp Như
Đệ thất: Sư cô Thích nữ Như Thanh
Trong Nhiệm kỳ VI (2002-2007, Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã đề nghị Trung ương Giáo hội tấn phong giáo phẩm cho chư tôn đức và đã được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y tấn phong giáo phẩm Hòa thượng cho 02 vị:
- Thượng tọa Thích Minh Thiện lên Hòa thượng
- Thượng tọa Thích Chân Lý lên Hòa thượng
Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y tấn phong giáo phẩm Thượng tọa cho 14 vị:
- Đại đức Thích Huệ Thông lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Minh Nghĩa lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Nhuận Châu lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Nhuận Kiên lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Thiện Hảo lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Nhất Chí lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Thiện Thông lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Chí Thiện lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Thiện Tài lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Niệm Tài lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Thường Quang lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Chơn Bửu lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Thiện Trung lên Thượng tọa
- Đại đức Thích Thiện Bửu lên Thượng tọa
Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y tấn phong giáo phẩm Ni trưởng cho 03 vị Ni sư:
- Ni sư Thích nữ Nhã Liên lên Ni trưởng
- Ni sư Thích nữ Tắc Nhẫn lên Ni trưởng
- Ni sư Thích nữ Tắc Hiền lên Ni trưởng
Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y tấn phong giáo phẩm Ni sư cho 08 vị Sư cô:
- Sư cô Thích nữ Như Tín lên Ni sư
- Sư cô Thích nữ Tịnh Diệu lên Ni sư
- Sư cô Thích nữ Diệu Hoa lên Ni sư
- Sư cô Thích nữ Diệu Minh lên Ni sư
- Sư cô Thích nữ Thành Liên lên Ni sư
- Sư cô Thích nữ Như Định lên Ni sư
- Sư cô Thích nữ Như Thanh lên Ni sư
- Sư cô Thích nữ Diệu Thường lên Ni sư
Về các công tác khác của ngành Tăng sự, trong những năm đầu của nhiệm kỳ VI, ngành Tăng sự tiếp tục tổ chức triển khai cho Tăng Ni Phật tử trong tỉnh nghiên cứu học tập và thực hiện Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Nghị định 26 và các chỉ thị có liên quan đến chính sách Tôn giáo mà Chính phủ đã ban hành.
Về bổ nhiệm trụ trì, nhằm để ổn định sinh hoạt Phật sự của các tự viện theo nhu cầu tại địa phương và là gạch nối tham mưu cho Tỉnh hội. Ban Đại diện đã hiệp thương nhân sự được Tỉnh hội ban hành quyết định bổ nhiệm trụ trì cho các đơn vị như chùa Thới Hưng (Thuận An), chùa Di Đà – chùa Long Sơn – chùa Quan Âm (Tân Uyên), chùa Bình Khánh – chùa Bồ Đề Đạo Tràng (Thuận An), và hợp thức hóa cho Tịnh thất Huỳnh Mai và Tịnh thất Thiên Trúc ở Dĩ An.
Song song đó Ban Trị sự Tỉnh hội đã cử nhân sự về từng Ban Đại diện Huyện, Thị nhằm thống kê lại tình trạng Tăng Ni, tự viện, động viên hướng dẫn các tự viện chưa gia nhập Giáo hội thì lập thủ tục trình lên Tỉnh hội giúp đỡ. Điều này đã giúp cho chư Tăng Ni ổn định về mặt pháp lý trong tu học và hoạt động Phật sự, đồng thời giúp cho ngành Tăng sự thuận lợi trong việc thống kê số lượng Tăng Ni và tự viện một cách chính xác, qua đó kết hợp với Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương trong năm 2003 đã thống kê trong toàn tỉnh có 175 cơ sở thờ tự, 320 vị chức sắc và trên 50.000 tín đồ, trong đó có 40.000 người đã quy y thọ giới. Trong nhiệm kỳ này, tính đến năm 2006, qua công tác kiểm tra thống kê chi tiết, bước đầu xác định toàn Tỉnh hội về giáo phẩm có 03 vị Hòa thượng, 10 vị Thượng tọa và 2 vị Ni trưởng; về giới phẩm có tổng cộng 153 vị Tỳ kheo Tăng, 121 vị Tỳ kheo Ni, 52 Sa di Tăng, 41 vị Sa di Ni, 9 vị Thức xoa và 60 chúng điệu; trong đó số lượng Tăng Ni của hệ phái Bắc Tông có 265 vị Tăng và 170 vị Ni, hệ phái Khất sĩ có 10 vị Tăng và 31 vị Ni.
Trên cơ sở này, cuối Nhiệm kỳ VI, đã thống kê được số Tăng Ni và tự viện thuộc Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương tính đến thời điểm năm 2007, có 176 tự viện, số Tăng Ni là 495 vị, cụ thể như: Thị xã Thủ Dầu Một 36 tự viện và 144 Tăng Ni, huyện Thuận An 38 tự viện và 84 Tăng Ni, huyện Dĩ An 35 tự viện và 60 Tăng Ni, huyện Tân Uyên 28 tự viện và 65 Tăng Ni, huyện Phú Giáo 06 tự viện và 14 Tăng Ni, huyện Bến Cát 14 tự viện và 32 Tăng Ni, huyện Dầu Tiếng 13 tự viện và 21 Tăng Ni. Trong đó, về tự viện tại Bình Dương, qua công tác phân loại tự viện trong nhiệm kỳ này cho thấy có 146 chùa Bắc Tông, 02 chùa Nam Tông, 16 tịnh xá hệ phái Khất sĩ và 06 tịnh thất, ngoài ra trong nhiệm kỳ này trên địa bàn tỉnh Phật giáo tỉnh nhà cũng đã xây mới thêm 06 cơ sở. Riêng về tín đồ Phật tử nếu chỉ dựa theo lá phái quy y để xác định là 600 ngàn người, tuy nhiên con số này chưa thật sự xác thực vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác
Từ Nhiệm kỳ VI trở đi, việc trùng tu xây dựng tự viện tại Bình Dương cũng đã có dấu hiệu khởi sắc, chỉ tính riêng tại huyện Dĩ An đã có hàng chục ngôi chùa được trùng tu, xây mới thêm các hạng mục, đặc biệt là hàng chục tượng Phật và Bồ tát Quan Âm lộ thiên có quy mô lớn đã được xây dựng trong giai đoạn này. Chùa núi Châu Thới xây dựng tượng đài Quán Thế Âm lộ thiên cao 20m; chùa Đức Hòa hoàn thành tượng A Di Đà cao 25,5m; chùa Thiên Trúc xây lại cổng tam quan; chùa Phước Sơn trùng tu chánh điện, hậu Tổ, trai đường; chùa An Linh dựng tượng Quan Âm lộ thiên bằng đá trắng cao 6m; chùa Pháp An và Kim Thiền xây mới Vãng Sanh Đường, riêng chùa Linh Thông đã xây mới lại toàn bộ ngôi chùa vào năm 2007. Tại Thị xã Thủ Dầu Một, Tổ đình chùa Hội Khánh đã gia cố trùng tu một số hạng mục, trong đó tôn tạo 01 tượng Phật Thích Ca bằng đá hoa cương cao 04 mét nằm trên khu đồi trong khuôn viên chùa vào ngày 02 tháng 12 âm lịch (2007), đặc biệt xây mới một ngôi tháp 07 tầng trong khuôn viên chùa. Tháp được xây hình lục giác với chiều cao hơn 25 mét, mỗi tầng đều có những bức phù điêu đắp nổi xung quanh tháp rất sinh động. Đây là một công trình có tính mỹ thuật cao, hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể của chùa Hội Khánh tạo thêm sự uy nghi, hoành tráng và làm tăng thêm nét trang nghiêm cổ kính trầm mặc của một ngôi Tổ đình có trên 300 năm tuổi. Nhìn chung việc sửa chữa trùng tu cơ sở tự viện trong nhiệm kỳ này gặp nhiều thuận lợi từ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp trong tỉnh, nhờ đó đã có rất nhiều cơ sở tự viện được tôn tạo khang trang như chùa Bửu Sơn (Tân Uyên), chùa Long Thọ và hai chùa Phước Hưng, chùa Long Thọ (Thị xã Thủ Dầu Một), chùa Long Hưng (Bến Cát), các chùa Pháp Ấn, Tân Hòa, Mai Long ở Dĩ An, chùa Phước Tường (An Thạnh), các chùa Bửu Phước, chùa Thiên Ân, chùa Ngọc Hòa ở Phú Giáo…
Về công tác Hướng dẫn nam nữ Phật tử, trong Nhiệm kỳ VI, được sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Tỉnh hội, Ban Hướng dẫn nam nữ Phật tử Bình Dương đã lập thành 02 phân ban, đó là Phân ban Nam nữ Phật tử và Phân ban Gia đình Phật tử.
Về mặt tổ chức, Phân ban Gia đình Phật tử của 07 Huyện, Thị gồm có 04 Gia đình Phật tử với 22 Huynh trưởng và 320 đoàn sinh; trong đó huyện Bến Cát có 01 Gia đình Phật tử và 08 Huynh trưởng – 130 đoàn sinh, sinh hoạt tại Niệm Phật đường Lai Uyên; huyện Thuận An có 01 Gia đình Phật tử và 07 Huynh trưởng – 40 đoàn sinh, sinh hoạt tại chùa Thiên Chơn; huyện Phú Giáo có 01 Gia đình Phật tử và 07 Huynh trưởng – 40 đoàn sinh, sinh hoạt tại chùa Ngọc Hòa và chùa Phước Huệ… Các Gia đình Phật tử sinh hoạt rất đều đặn theo sự hướng dẫn của Tỉnh hội, và Ban Đại diện các Huyện Thị, nên Phật tử luôn tích cực sốt sắng và linh động tham gia mọi công tác Phật sự như thiết lập Lễ đài Phật Đản, Lễ Vu Lan, Đức Phật thành đạo, vía Di Đà, tưởng niệm chư tôn đức viên tịch, tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ Phật giáo lành mạnh, vận động ủng hộ các công tác ích nước, lợi dân như từ thiện xã hội, ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiên tai bão lụt… Trong nhiệm kỳ này, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương tiếp tục củng cố và hỗ trợ các Gia đình Phật tử đang sinh hoạt tại chùa Thiên Chơn (đơn vị Thuận An), Gia đình Phật tử tại Niệm Phật đường Lai Uyên (Bến Cát), Gia đình Phật tử chùa Ngọc Hòa, chùa Phước Huệ (Phú Giáo), Gia đình Phật tử tại chùa Hội Khánh (Thị xã Thủ Dầu Một), Gia đình Phật tử tại chùa Liên Trì (Dầu Tiếng), đồng thời tiếp tục mở khóa huấn luyện huynh trưởng cho các đoàn sinh.
– Về công tác Giáo dục Tăng Ni, từ ngày 25 tháng 08 đến ngày 01 tháng 09 năm 2006, ngành Giáo dục thuộc Ban Trị sự tỉnh Bình Dương đã giới thiệu 03 vị (trong ngành Giáo dục của Tỉnh hội) tham dự khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục Phật giáo được tổ chức tại Văn phòng 2 do Ban Giáo dục Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thành viên của Ban Giáo dục tỉnh có cơ hội gặp gỡ và trao đổi chuyên môn sư phạm với giới trí thức tại Trung ương và các tỉnh thành khác, bổ khuyết và nâng cao kỹ năng sư phạm cho các tu sĩ trong lĩnh vực chuyên môn nhằm phục vụ tốt cho Phật giáo trong tỉnh. Mặt khác do nhận thức sự nghiệp đào tạo nhân sự kế thừa cho Giáo hội là rất quan trọng, Tỉnh hội đã chú trọng công tác đào tạo nhiều hơn đối với hàng ngũ Tăng, Ni sinh, trong Nhiệm kỳ 2002 – 2007, Tỉnh hội đã gởi và giới thiệu đang theo học tại các trường Phật học như: 01 Tăng sinh du học cao học ở Ấn Độ; 05 Tăng Ni sinh theo học hệ Đại học, trong đó có 04 vị ở theo học tại tại Phật Học viện Việt Nam (TP.HCM) và 01 Ni sinh vào Phật Học viện (Huế); 09 Tăng Ni sinh học ở Trường Cao đẳng chuyên ngành tại TP. Hồ Chí Minh. Trong nhiệm kỳ này, Trường Trung cấp Phật học Bình Dương tiếp tục chiêu sinh khóa 2 và ổn định nhân sự để nhà trường tiếp tục công tác giáo dục đào tạo Tăng tài cho Giáo hội.
Về hoằng pháp, trong giai đoạn này Tỉnh hội đã điều động các vị giảng sư trong ngành hoằng pháp của Tỉnh hội thường xuyên đến các Ban Đại diện và cơ sở tự viện trong tỉnh để thuyết giảng giáo lý, đặc biệt là trong những thời điểm các tự viện có tổ chức Bát quan trai hay các kỳ lễ lớn theo truyền thống của Phật giáo như Đại lễ Phật đản, trong các kỳ an cư kiết hạ, lễ Vu Lan.
Nhiệm vụ cơ bản của người xuất gia học Phật luôn luôn thực hiện sứ mạng “Hoằng pháp vi gia vụ – Lợi sanh vi sự nghiệp” và cũng là hoài bão của các bậc tôn đức, Tỉnh hội đã quan tâm hỗ trợ giảng sinh bằng cách gởi và giới thiệu các giảng sinh có năng lực và tâm huyết về Ban hoằng pháp Trung ương theo học các chương trình dài hạn, sau khi tốt nghiệp sẽ cơ cấu vào tiểu ban Hoằng pháp của Tỉnh hội để phục vụ công tác hoằng pháp cho Phật giáo tỉnh nhà. Sau một quá trình theo học, những giảng sư tốt nghiệp đã được Thường trực Tỉnh hội thành lập Ban Hoằng pháp của tỉnh gồm có Thượng tọa Thích Huệ Thông, Thượng tọa Thích Minh Thuấn, Thượng tọa Thích Thiện Duyên, Đại đức Thích Minh Nghĩa, Đại đức Thích Minh Vũ,.. các vị này đã đáp ứng tốt nhu cầu thuyết pháp khi được các tự viện và Phật tử thỉnh nguyện trong các ngày lễ lớn, an cư kiết hạ, húy kỵ và các đạo tràng bát quan trai trên địa bàn tỉnh
Sau năm 2002, Ban Thường trực đã hệ thống và củng cố nhân sự của các ban ngành và tiểu ban chuyên ngành, nhờ đó mà hoạt động ngành văn hóa có điều kiện đi vào nề nếp và phát triển. Nói về Lễ hội văn hóa Phật giáo, thì Đại lễ Phật Đản năm 2007 được tổ chức rất quy mô, quy tụ hàng ngàn Tăng Ni Phật tử và người dân, với đoàn xe hoa diễu hành được trang trí công phu bắt mắt, xuất phát từ chùa Hội Khánh diễu hành qua các đoạn đường trong Thị xã Thủ Dầu Một đi đến vòng xoay ngã sáu trước cổng Ủy ban Nhân dân tỉnh, từ đây rước kiệu Đản sinh đi bộ về chùa Hội Khánh, cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc phong phú, đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng Phật tử và công chúng về một lễ hội văn hóa của Phật giáo Bình Dương. Có thể nói đây là Đại lễ Phật Đản được tổ chức quy mô hoành tráng nhất trong lịch sử Phật giáo Bình Dương từ trước đến thời điểm này và cũng là sự thể hiện niềm hân hoan của Phật giáo Bình Dương chào mừng Đại lễ Phật đản được tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục của Liên Hiệp Quốc công nhận là Lễ Hội Tôn Giáo lớn nhất và duy nhất của nhân loại trên toàn thế giới. Trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ, một Đại lễ Phật đản quy tụ hàng ngàn Tăng Ni Phật tử và người dân trước cổng Ủy ban Nhân dân tỉnh (ngã Sáu), điều này nói lên niềm tin tưởng tuyệt đối của chính quyền với Phật giáo Bình Dương, đồng thời nói lên sự thực về quyền tự do tín ngưỡng đã được thực thi một cách rốt ráo tại Bình Dương, tạo niềm phấn khởi và niềm tin tuyệt đối của Tăng Ni Phật tử Bình Dương với chính quyền sở tại.
Cũng trên lĩnh vực văn hóa, công trình chuyên khảo về các di tích Phật giáo do Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương chủ trương là cuốn Những ngôi chùa ở Bình Dương – Quá khứ và hiện tại, do Thượng tọa Thích Huệ Thông chủ biên (KHXB: Số 02-1807/XB-QLXB, do Cục Xuất Bản ký ngày 27 tháng 12 năm 2001 – Nhà Xuất bản Tôn Giáo cấp Giấy phép xuất bản năm 2001) đã được lưu hành vào năm 2002 như chúng tôi đã trình bày ở nhiệm kỳ trước. Đến năm 2004, Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương thực hiện đề tài Tôn giáo ở Bình Dương với chủ đề “Thực trạng và giải pháp”. Kết quả nghiên cứu đề tài mang lại ý nghĩa khoa học và thực tiễn về vấn đề tôn giáo Bình Dương nói chung và đối với Phật giáo nói riêng, dù đề tài này chưa đi sâu vào những đóng góp cũng như các yếu tố tích cực trong các hoạt động của Phật giáo Bình Dương, nhưng nó cũng đã cung cấp một số thông tin cần thiết về Phật giáo Bình Dương trước năm 2005.
Nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát huy vốn văn hóa Phật giáo Bình Dương, vào năm 2006, Giáo sư Phan Thanh Đào (Cư sĩ Nguyên Tạo) ông vừa một học giả, vừa là Trưởng ban Văn hóa của Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, đã cho ra đời công trình dịch chữ Nôm quyển “Lưu Hương diễn nghĩa Bảo quyển ghi chú”, được Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương xuất bản vào năm 2006, đây là một tác phẩm mang tính giáo dục về nhân quả, luân hồi, nghiệp báo rất căn bản của Phật giáo. Tác phẩm chữ Nôm “Lưu Hương diễn nghĩa Bảo quyển ghi chú” được dịch ra Việt ngữ dưới dạng thơ lục bát và cho in ấn lưu hành tại Bình Dương trong thời gian này cho thấy ý nghĩa tinh thần Phật giáo ở Bình Dương đã đi vào đời sống dân gian một cách hòa quyện nhuần nhuyễn, giúp cho giới bình dân có điều kiện hiểu biết giáo lý căn bản của Phật giáo dễ dàng hơn. Đến năm 2007, một công trình có liên quan đến các ngôi chùa ở Bình Dương, đó là quyển “Bước đầu tìm hiểu di sản văn hóa Hán Nôm Bình Dương” do Bảo tàng Bình Dương thuộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Dương chủ trì, các học giả GS. Huỳnh Lứa, TS. Lê Sơn, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường… đã tham gia dịch, diễn nghĩa và hiệu đính, cuốn “Bước đầu tìm hiểu di sản văn hóa Hán Nôm Bình Dương” do Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2007, đáng nói là đa số di sản Hán Nôm ở Bình Dương có liên quan đến Phật giáo Bình Dương.
Ngành văn hóa trong Nhiệm kỳ VI đã thực hiện tốt việc củng cố và phát huy nền văn hóa Phật giáo, cụ thể là giữ gìn bảo quản các ngôi chùa đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, hoặc những ngôi chùa có truyền thống tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ chiến tranh; đồng thời khuyến khích các tự viện lên kế hoạch trùng tu sau khi được Nhà nước chấp thuận. Tỉnh hội cũng lưu ý các cơ sở tự viện khi thi công nên giữ lại những nét văn hóa cổ truyền hầu tạo nền mỹ quan cho tự viện nói riêng và văn hóa Phật giáo nói chung. Trong các sự kiện văn hóa ở Nhiệm kỳ VI, có sự kiện Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận chùa Bửu Phước (Phước Hòa – Phú Giáo) là Di tích Lịch sử cấp Tỉnh vào năm 2007.
Trong Nhiệm kỳ VI (2002 – 2007), một hoạt động nổi bật trong lĩnh vực từ thiện xã hội của Phật giáo Bình Dương, được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến là Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu thuộc thị xã Thuận An, do Tỳ kheo ni Thích nữ Liên Thanh (bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh) sáng lập và đưa vào hoạt động từ năm 2002, được xem là mô hình Y viện Phật giáo với chủ trương đưa Y Phương Minh của Phật giáo đến với cộng đồng xã hội.
Vào tháng 10 năm 2007, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương còn thành lập thêm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già cô đơn tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng (xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An) do Sư cô Thích nữ Từ Thảo làm Giám đốc, khởi đầu thành lập Trung tâm nuôi dưỡng 33 cháu, trong đó có 18 nam và 15 nữ. Báo Người Lao Động đã viết về nguyên nhân ra đời của trung tâm này: “Cho đến buổi sáng một ngày vào năm 2004, các Sư cô đang quét dọn sân chùa thì nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ chừng một tháng tuổi nằm bơ vơ trên mặt đất với bộ đồ mỏng manh và chiếc khăn quấn ngang người. Bằng tình thương vô bờ bến, các cô giữ em bé lại nuôi. Rồi từ đó, chùa lại tiếp tục nhận đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư bị bỏ rơi…”. Tính đến thời điểm năm 2015, Trung tâm nuôi 40 cháu. Sư cô Thích nữ Từ Thảo được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp Lớp Công tác Xã hội, do Ban Từ thiện Trung ương Giáo hội Phật giáoViệt Nam tổ chức. Trong giai đoạn này, chùa Phật Học (Thị xã Thủ Dầu Một) còn tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nhập cư, trẻ lang thang bán vé số học văn hóa, Tỉnh hội còn thực hiện tốt chủ trương xóa đói giảm nghèo và các chương trình giúp nhau làm kinh tế tại địa phương đạt kết quả cao, tất cả những điều này đã giải quyết một trong những yêu cầu cấp bách của xã hội, tạo uy tín rất lớn với chính quyền địa phương và xã hội.
Trên tinh thần từ bi của Phật giáo, luôn cứu giúp những mảnh đời khó khăn bất hạnh, trong khi cả nước vẫn còn phải đối phó với cái nghèo và thiên tai dịch bệnh, thì qua công tác từ thiện xã hội, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng rất cao của Phật giáo Bình Dương. Đáng kể nhất phải nói đến công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện một trong Tứ Trọng Ân như lời Đức Phật dạy, đó là hoạt động nuôi dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, trao tặng nhà tình thương, tình nghĩa được Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương thường xuyên quan tâm. Trong Nhiệm kỳ 2002 – 2007, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương nuôi dưỡng được 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bảo trợ và cấp học bỗng cho gần 100 trẻ em nghèo hiếu học toàn tỉnh, tặng 20 nhà tình nghĩa, 40 nhà tình thương, thăm và tặng quà cho Hội Người mù, cùng các tổ chức từ thiện khác với tổng trị giá trong nhiệm kỳ gần 8 tỷ đồng, công tác ủy lạo, hỗ trợ đồng bào vùng sâu vùng xa cũng được Tỉnh hội và các Huyện hội đặc biệt chú trọng.
Điều đáng nói là phạm vi hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Bình Dương không chỉ trong địa bàn tỉnh mà ngày càng được mở rộng, chỉ trong năm 2005, do trong nước xảy ra nhiều đợt thiên tai, lũ lụt ở cả ba miền, đặc biệt nghiêm trọng là trận sóng thần tàn phá dữ dội ở nước bạn, nên Tỉnh hội đã gia tăng công tác từ thiện. Đến năm 2007, Ban Hoằng pháp của Tỉnh hội Bình Dương đã thực hiện ba chuyến từ thiện thăm Trung tâm Nuôi dưỡng người già cô đơn và trẻ em mồ côi số 4 tại huyện Bến Cát; Thượng tọa Huệ Thông phối hợp với đoàn văn nghệ sĩ thăm vụ sập cầu Cần Thơ; thăm viếng và thuyết giảng phát quà tại các tỉnh Tây Nguyên với tổng trị giá trên 800 triệu đồng, chỉ riêng chuyến từ thiện của Ban Từ thiện Xã hội Tỉnh hội do Hòa Thượng Thích Minh Thiện dẫn đầu đến hỗ trợ đồng bào nghèo tại Gia Lai vào trung tuần tháng 9 năm 2007, tổng giá trị cứu trợ đã lên đến 300 triệu. Qua công tác tổng kết, kinh phí hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Bình Dương trong Nhiệm kỳ VI lên đến 8 tỷ đồng, trong đó năm 2005 trên 2 tỷ đồng, năm 2005 trên 2,5 tỷ đồng, năm 2006 trên 1,97 tỷ đồng và năm 2007 gần 2 tỷ đồng. Đây là những con số khá ấn tượng nói lên sự đóng góp to lớn và hiệu quả của ngành từ thiện xã hội của Phật giáo Bình Dương trong nhiệm kỳ này; hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Bình Dương từ năm 2002 đấn năm 2007 đã phát triển vượt bậc so với nhiệm kỳ trước. Tập thể Ban Trị sự Tỉnh hội và một số cá nhân đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động Hạng nhất cho Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự và Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa, Phó Ban Trị sự; tặng Huân chương Lao động Hạng ba cho tập thể Tỉnh hội và 1 cá nhân trong Ban Thường trực Tỉnh hội. Đồng thời, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương công đức cho tập thể Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương. Bên cạnh đó nhiều Tăng Ni, Phật tử trong Tỉnh hội cũng danh dự được Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương trao tặng nhiều Bằng khen, Huy chương, Kỷ niệm chương vì có nhiều thành tích đáng trân trọng trong công tác từ thiện xã hội.
Điểm nhấn Phật sự trong Nhiệm kỳ VI giai đoạn 2002 – 2007, ngoài việc tiếp tục thực hiện các hoạt động trong những nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này có hai điểm nổi bật, đó là việc đẩy mạnh hoạt động văn hóa và từ thiện xã hội. Về văn hóa, việc tổ chức thành công Đại lễ Phật đản quy mô hoành tráng bước đầu định hình và phát triển lĩnh vực văn hóa lễ hội Phật giáo tại Bình Dương, trong thời kỳ này cũng đã xuất hiện các đầu sách về Phật giáo và có liên quan đến Phật giáo, mở màn cho việc biên soạn những bộ sách nghiên cứu về Phật giáo rất quan trọng ở nhiệm kỳ sau do Thượng tọa Thích Huệ Thông trước tác và chủ biên.
Một điểm nhấn nổi bật nữa, đó là công tác từ thiện xã hội, có thể nói đây là một trong những thế mạnh của Phật giáo Bình Dương. Trong nhiệm kỳ này, dấu ấn của công tác từ thiện xã hội chính là sự ra đời hệ thống cơ sở phòng khám chữa bệnh tại các tự viện, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động ủng hộ và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh liệt sĩ, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trẻ em nghèo hiếu học, các phòng thuốc Nam từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, ấn tượng nhất là việc thực hiện nồi súp tình thương của nhóm Phật tử Thị xã Thủ Dầu Một do Đại đức Thích Huệ Minh chỉ đạo thực hiện mỗi tuần 02 lần, riêng giá trị tài chánh dành cho công tác từ thiện ngay từ những tháng đầu của nhiệm kỳ này đã lên đến hàng tỷ đồng, đặc biệt là tinh thần… Có thể nói rằng, những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa và từ thiện xã hội đã tạo nên một bức tranh xán lạn cho Phật giáo Bình Dương trong giai đoạn đất nước mở cửa, đổi mới và hội nhập.