Nhìn nhận về Ngũ triền cái trong đời sống Thiền môn (NCS. Trình Thanh Huy)

DẪN NHẬP

Tham dục, sân hận, si mê và các pháp bất thiện là những chướng ngại lớn trên con đường tu tập. Những pháp bất thiện này ngăn che, làm mê mờ tâm thức. Chúng ngăn cản không cho tuệ giác phát triển. Khi tâm thức bị mê mờ thì các pháp hữu lậu phát sinh. Đó là những nguyên nhân gây ra các tội lỗi, muôn vàn khổ đau. Nếu không vượt qua được những chướng ngại này, vị Tỳ kheo sẽ thiếu sức mạnh và năng lực để nhận dạng cũng như chuyển hóa phiền não. Khi đã không có sự an lạc, giải thoát hiện tại thì sẽ bị trở ngại trên con đường tự tha, lợi ích trời, người. Sự mê mờ tâm trí sẽ làm cho vị ấy không thể có được những tri kiến đúng đắn, thành tựu được con đường Thánh quả trong hiện tại và tương lai. “Này Vàsettha, có năm triền cái được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược trong giới luật của bậc thánh. Thế nào là năm? Dục cái, sân cái, hôn trầm thụy miên cái, trạo hối cái, nghi cái” (貪 欲 , 瞋, 昬沉 – 睡 眠, 掉 舉, 疑) [1].

“Người học đạo như khúc gỗ trôi sông, không tấp vào bờ, không bị nước xoáy, không bị mục nát, không bị người cướp đoạt, không bị ai uy hiếp, Ta bảo khúc gỗ sẽ trôi đến biển. Người học đạo không bị tình dục mê hoặc, không bị đời xoay chiều, tinh tấn trên đường đạo, Ta bảo kẻ ấy sẽ thành đạo”.

“Khi tâm bị tham dục chi phối do thèm muốn các đối tượng sai khác, thì không thể tập trung vào một đối tượng duy nhất. Khi tâm bị nhiễm độc bởi sân thì không thể sinh khởi hỷ lạc. Khi tâm bị hôn trầm, thùy miên chi phối, thì rất khó điều phục. Khi bị trạo hối quấy nhiễu, thì tâm trở nên bất an, lăng xăng. Khi hoài nghi nổi lên thì tâm không thể bước lên đạo lộ để đắc Thiền” [2]. Vì vậy, để có được những kết quả thù thắng, chúng ta phải có được những nhìn nhận đúng đắn, sự hành trì đúng đắn, những nỗ lực đúng đắn. Như vậy mới hy vọng có khả năng vượt qua các chướng ngại, thong dong trên con đường giải thoát tu tập để trở về bảo sở. “Tham dục được ví như một tô nước có trộn lẫn các màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Sân được ví như một nồi nước đang đun sôi sùng sục. Hôn trầm được ví như một hồ nước bị rong rêu che phủ. Trạo hối được ví như một hồ nước bị gió chao làm cho nổi sóng. Nghi được ví như một hồ nước bị khuấy bùn đục ngầu” [3]. 

Một trong những điều kiện để thành tựu các mục tiêu này là phải vượt qua được năm triền cái. Không những thế, vị Tỳ kheo còn phải ly dục, xa lìa các pháp bất thiện để an trú trong các tầng thiền định. Khi có sự nỗ lực để vượt qua, vị Tỳ kheo sẽ có được sự chuyên nhất và an định nội tâm: “Và này Ānanda, như thế nào Tỳ kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm? Ở đây, này Ānanda, Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm… chứng và trú Tam thiền… chứng và trú Tứ thiền. Như vậy, này Ānanda, Tỳ kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm” [4]. Để hiểu rõ hơn về các pháp bất thiện, đặc biệt là năm triền cái, chúng ta sẽ lần lượt đi vào chi tiết từng chi pháp phần.

TRIỀN CÁI THAM DỤC (kāmacchanda – 貪 欲)

Định nghĩa về tham dục

Tham dục (kāmacchanda – 貪 欲) là biểu hiện của sự khát khao, ham muốn, mong cầu, chiếm đoạt. Đó cũng là sự mong cầu đối với 5 thứ dục lạc – sắc, thanh, hương, vị, xúc – 色, 聲, 香, 味, 觸. Tham dục là khởi lòng ham muốn về những thứ bản thân mình không có hoặc chưa sở hữu. Ở đây, ái dục cũng được xem là một phần nhỏ của tham dục nhưng tác động lại vô cùng lớn lao. Nó có nội dung, ý nghĩa và tác động gần như tham dục. Bài viết sẽ phân tích sâu vào ái dục.

– Ái (zh. 愛, sa. tṛṣṇā, pi. taṇhā):  nghĩa là ham muốn, thèm khát. Ái được nhìn nhận theo các phương diện:

– Dục ái (skr: Kama, pā: tanhā; zh: 欲 爱): sự tham ái về nhục dục, sự tham ái của cõi Dục, nên Dục giới lấy ái dục làm gốc.

– Hữu ái (pā: Bhavatanhā; zh: 有 爱): Sự tham ái nơi cõi Sắc. Tuy nhẹ hơn cõi Dục nhưng là sự tham ái về sắc chất. Sự tham ái liên hệ đến tư tưởng thường tồn, thường kiến tham ái về hữu tình.

– Vô hữu ái (pā: Vibhavatanhā; zh: 無  有 爱): Sự tham ái của cái không sắc chất. Sự tham ái liên hệ đến đoạn kiến, cho rằng khi chết là hết. Đây là sự tham ái ở cảnh giới vô hình. [5]  

– Pháp ái (pā: Dhammatanhā; zh: 法 爱): Sự tham muốn, khát ái giữa các tín đồ, các tôn giáo với nhau về tư tưởng, về giáo chủ, về niềm tin… mà tạo nên các cuộc chiến tranh tôn giáo. [6]

Đó là một số khái niệm quan trọng của Đạo Phật. Ái chỉ mọi ham muốn xuất phát từ sự tiếp xúc của giác quan với đối tượng của giác quan đó. Cần hiểu là con người gồm có năm giác quan thông thường và ý (khả năng suy nghĩ, ý nghĩ, lục căn) là sáu. Các từ ngữ trên diễn đạt những sắc thái khác nhau của Ái, nhưng không có chữ nào nói lên một cách trọn vẹn ý nghĩa của phạn ngữ Tānha. Tānha luôn luôn bao hàm một ý niệm vị kỷ, tự mong cầu lợi lạc cho bản thân…

Theo ngôn ngữ Pali, Dục (pā: Chandā; zh: 欲) nghĩa là ao ước, ham muốn. Dục cũng có ba ý nghĩa như sau:

– Kāmachandā: tham dục, nhục dục, đam mê vật chất, hoàn toàn bất thiện.

– Kattuvimyatachandā: Ao ước muốn làm tự nhiên, như tai muốn nghe, mắt muốn thấy… không thiện, không ác.

– Dhamachandā: Ham thích chân lý, hoàn toàn thiện, pháp dục. Sự ham muốn này thúc đẩy ta tìm tới sự giải thoát [7].

Một số các khái niệm và phân loại về Ái và Dục được nhắc đến trong các bài Kinh thuộc hệ thống Kinh A-hàm và các bộ luận trong tạng Vi Diệu Pháp (pā: Abhidhamma, zh: 微 妙 法) cho thấy tiền nhân rất quan tâm phân tích về Ái Dục.

Sự chìm đắm vào tham dục trong đời sống

Trong phẩm Sắc thuộc Kinh Tăng chi bộ, Đức Phật đã nêu rõ cho các đệ tử sức ảnh hưởng của sắc dục – chi phần của tham ái: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỳ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỳ kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông…. (tương tự với thanh, hương, vị xúc)” [8].

Tham luyến và ái dục là bản năng của đời sống con người. Nó ảnh hưởng trực tiếp và chi phối đời sống con người. Bất kể mọi hành động, lời nói, suy nghĩ gần như đều có bóng dáng của tham ái. Tham ái là nguồn cội của khổ đau, là nguyên nhân dẫn đến tái sanh trong vòng luân hồi sinh tử, là nhân duyên đưa đến sự hiện hữu của ngũ uẩn. Từ đó, khổ đau xuất hiện khi những hành động trong vô minh được dẫn dắt bởi tham, sân, si tạo nghiệp và cứ thế chìm đắm mãi trong bể khổ sanh tử luân hồi. Như vậy, đời này hết, đời sau nối tiếp, nhân quả biến chuyển như vòng dây xích, nhân sinh cứ quanh quẩn trong đó chịu lấy vô lượng khổ đau. Điều này đã được Đức Phật nói rõ trong kinh điển: “Này các Tỳ kheo, thế nào là Khổ tập Thánh đế? Sự tham ái đứa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái”. [9]

Sự lôi kéo của tham dục khi tu tập thiền

Trong thiền tập, những hành giả sơ cơ rất dễ bị tham dục làm cho phiền nhiễu, bởi họ đã sống quá quen thuộc với dục lạc, giống như con ngựa thả rông lâu ngày, để thuần phục và kéo nó về thì thật khó. Tâm thức con người cũng vậy. Trước khi thực tập, họ đã sống quá nhiều với tham dục, liên tục tiếp xúc với các loại dục trần khác nhau. Họ thỏa mãn, thích thú và tham đắm đối với những thứ đam mê này. Bây giờ, khi không thể thỏa mãn các giác quan của mình qua âm nhạc, hình ảnh, mùi vị… cũng giống như một con chim đang bay lượn mà bị ép bắt vào lồng. Nó thèm khát và ham muốn được quay trở lại bầu trời tự do, nơi đã quá quen thuộc. 

“Này Vàsettha, có năm triền cái được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược trong giới luật của bậc thánh. Thế nào là năm? Dục cái, sân cái, hôn trầm thụy miên cái, trạo hối cái, nghi cái.”

Khi ngồi thiền, những phương pháp thực tập như: quán sổ tức, niệm thân hành, quán bất tịnh… dễ khiến cho hành giả sơ cơ thoái lui tâm chí và cảm thấy khô khan khi thực tập. Nếu tham dục được bồi dưỡng, huân tập quá nhiều ở quá khứ thì những hạt giống này sẽ khởi động rất mạnh khi hành giả ngồi yên. Cho nên, khi ngồi thiền, hành giả dễ dàng bị lôi kéo, phóng tâm và sống với những hình ảnh tham dục trong quá khứ, bỏ mất thực tại. Hoặc họ sẽ mong cầu, tưởng tượng và chờ đợi những điều này sẽ đến trong tương lai. Như vậy sẽ uổng phí thời gian thiền tập và không thể đạt được sự định tâm, an lạc nhất định.

Ly tham để hóa giải tham dục

Một trong những biện pháp tối ưu để đề phòng là tránh các duyên – nguyên nhân phát sinh và tu tập để đoạn giảm cũng như loại trừ tham dục. Hơn nữa, các thiện pháp cần được sinh khởi và phát triển mạnh mẽ để tâm thức ngày càng trong sạch hơn. Họ cần nhìn thấy sự vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã đối với tất cả cá pháp. Từ đó hướng tâm thiện – như lý tác ý – đối với những thiện pháp, mang lại lợi ích an vui. “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, do pháp ấy, các giác chi chưa sanh không sanh khởi, và các giác chi đã sanh không đi đến tu tập viên mãn, này các Tỳ kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Tỳ kheo, các giác chi chưa sanh không được sanh khởi, và các giác chi đã sanh không đi đến tu tập viên mãn.Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, do pháp ấy, các giác chi chưa sanh được sanh khởi và các giác chi đã sanh đi đến tu tập viên mãn, này các Tỳ kheo, như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này các Tỳ kheo, các giác chi chưa sanh được sanh khởi, và các giác chi đã sanh đi đến tu tập viên mãn”. [10] 

Trong các bài kinh cũng có nói đến các phương pháp để đoạn trừ sự tham dục: 

– Thực hành quán bất tịnh

– Phòng hộ các căn

– Tiết độ trong ăn uống

– Thân cận thiện trí thức

– Nói chuyện thích hợp

– Niệm căn thanh tịnh…

Hơn nữa, các phương pháp hóa giải tối ưu được Đức Phật chỉ dạy trong các kinh điển là tuệ tri sự sanh khởi và diệt tận của tâm hành. Nhờ sự tu tập chánh niệm mà hành giả có thể nhận biết rõ các tâm hành một cách rõ ràng như người chủ nhà nhìn khách đi qua lại. Ta hãy nhìn, quan sát tham dục sanh khởi, kéo dài bao lâu và biến mất ra sao. “Này các Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo nội tâm có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi có ái dục”; hay nội tâm không có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có ái dục”. Và với ái dục chưa sanh nay đã được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy” [11]. 

TRIỀN CÁI SÂN HẬN (vyāpāda – 嗔)

Những nhìn nhận về sân hận

Sân hận (vyāpāda – 瞋 恨) là biểu hiện của sự không vừa ý, biểu thị sự ghét bỏ, chống đối… đối với người, vật hay là sự việc. Mức ảnh hưởng của nó thay đổi từ sự bực mình, giận dỗi nhẹ nhàng cho đến lòng oán hận thâm sâu. Nó sanh ra sự chán ghét, oán hận. Đây là một hình thức biểu hiện của căn bản phiền não sân. “Này các Tỳ kheo, ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy khiến cho sân chưa sanh, sanh khởi, hay sân đã sanh khiến cho mãnh liệt, tăng trưởng như nét đáng chán” [12].

Sân hận mở ra vô vàn khổ đau trong đời sống

“Tham dục được ví như một tô nước có trộn lẫn các màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Sân được ví như một nồi nước đang đun sôi sùng sục. Hôn trầm được ví như một hồ nước bị rong rêu che phủ. Trạo hối được ví như một hồ nước bị gió chao làm cho nổi sóng. Nghi được ví như một hồ nước bị khuấy bùn đục ngầu”.

Sân hận có thể khiến chúng ta đánh mất sự tự chủ đối với bản thân và hoàn cảnh. Từ hình thức ngủ ngầm, hoạt động một cách âm thầm trong tâm thức cho đến những biểu hiện ra các hành vi, cử chỉ bên ngoài: nói năng, bực tức, gắt gảu, quát mắng, vội vã… Tuy chỉ là những biểu hiện nhỏ nhưng sự ảnh hưởng đến đời sống rất khác biệt. Khi khởi lên, nó có thể khiến chúng ta mất đi sự bình tĩnh đối với ba nghiệp. Hơn thế nữa, sân hận có thể gây ra sự tranh chấp, bạo động… tạo thành các sự khổ đau trong cuộc sống. Nó hoạt động rất mạnh mẽ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn nên được xem là một trong những chi phần gốc của phiền não. Một niệm sân hận có thể mở ra vô vàn cánh cửa khổ đau, ngăn cản cuộc sống thanh tịnh của tất cả chúng ta: Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai – 一 念 瞋 心 起,百 萬 障 門 開 (Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn muôn cửa nghiệp chướng đều mở ra). [13]  

Hay Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn – 一 瞋 之 火 能 燒 萬 頃 工 德 之 山 (Nghĩa là: Một đốm lửa sân, có thể đốt tan muôn mẫu rừng công đức) [14].

Sân hận chi phối hành giả trong tu tập thiền

Trong thiền tập, sự bình an của tâm thức là một vấn đề trọng yếu. Tâm thức bình an thì sự hoạt động của chánh niệm và sự chiếu soi của tâm mới được hoàn toàn phát huy. Nếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày mà hành giả gặp phải những điều bất như ý, khi thiền tập sẽ phải chịu sự trầm uất, phẫn nộ của tâm thức. Khi sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử… chắc chắn sẽ gặp những điều bất toại nguyện. Việc nóng nảy trong sinh hoạt hàng ngày vô tình huân tập các chủng tử vào trong tâm thức. Nó sẽ dần lớn lên và tạo thành một sức mạnh vô cùng đáng sợ. Chúng ta chắc chắn sẽ gặp các bất lợi, nếu để cho sân hận lấn át và chủ động. Hơn thế nữa, trong khi tọa thiền, sân hận nó sẽ tạo ra các rung động, khiến cho thân mệt mỏi và tâm không thể an định. Nếu sự tác động mạnh mẽ sẽ khiến thiền giả không thể tập trung và dễ dàng bị chi phối khi ngồi thực tập. Họ sẽ luôn có cảm giác bồn chồn, bất an, hao tổn… và có thể từ bỏ sự tu tập ngay thời khắc đó, cũng như lâu dài trong tương lai.

Thực tập từ bi để hóa giải sân hận

Để tu tập và chế ngự sân hận thì tu tập từ tâm là pháp môn tốt nhất. Bởi từ bi và sân hận là hai trạng thái tâm hành đối nghịch, không thể cùng hiện diện một lúc. Trong một Sát-na tâm (殺 那 心), chỉ một tâm hành có thể được khởi lên mà thôi. Cho nên, khi đã có từ bi thì sân hận không thể có mặt và ngược lại. Nếu chúng ta thường xuyên trau dồi những hạt giống từ bi, chắc chắn lòng từ mẫn, tình yêu thương sẽ ngày càng lớn mạnh. Như thế, chúng ta sẽ không dễ dàng bị sân hận chi phối và làm chủ như trước – lúc chưa tu tập. “Này các Tỳ kheo, ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy ngăn được sự sanh khởi của sân. Nếu chưa sanh, hay sân đã sanh khiến cho được đoạn trừ, như từ tâm giải thoát”. [15]

Lại nữa, có rất nhiều các phương pháp, cách thức để vượt qua sự sân hận mà Đức Phật đã giảng dạy cho các đệ tử: “Này các Tỳ kheo, có năm cách vượt qua sân hận. Bất luận khi nào sân hận khởi lên nơi một vị Tỳ kheo, nó cần phải được vượt qua một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?

Nếu lúc nào sân hận khởi sanh nơi một người, trong người ấy, từ phải được tu tập, trong người ấy, bi phải được tu tập, trong người ấy xả phải được tu tập, trong người ấy trạng thái không nhớ (vô niệm) không tác ý đến đối tượng tạo ra sân hận cần phải được tu tập, trong người ấy ý thức về sự kiện nghiệp (kamma) của một người là tài sản riêng của người ấy phải được tu tập… Như vậy sân sẽ được vượt qua nơi người ấy. Quả thực, đây là năm cách vượt qua sân hận. Ở đâu sân hận khởi lên nơi một vị Tỳ kheo, ở đó nó sẽ được vượt qua một cách hoàn toàn. [16]

Chú giải Tứ niệm xứ còn đưa ra sáu phương pháp lợi ích cho việc chế ngự sân hận:

– Học phương pháp thiền tâm từ

– Dành sự quan tâm, nỗ lực thực hành thiền tâm từ

– Suy xét rằng ta là chủ nhân, là kẻ thừa tự những nghiệp này

– Thường xuyên tác ý đến nó

– Thân cận thiện hữu

– Nói chuyện thích hợp.

Vì vậy, hãy cẩn thận và hạn chế giao tiếp, cư xử khi sân hận đang hiện hữu. Tâm sân hận sẽ làm tổn thương cơ thể, cũng như tâm thức của chính chúng ta; dù đối tượng có bị ảnh hưởng hay còn ở trong tranh luận. Cách tốt nhất để hóa giải là hãy quan sát sự sinh khởi, thay đổi, kéo dài bao lâu và sự biến mất của sân hận.

若 犯 無 邪 者,

清 淨 無 染 著,

罪 惡 向 愚 人,

如 逆 風 揚 塵.

Hại người không ác tâm,

Người thanh tịnh, không uế,

Tội ác đến kẻ ngu,

Như ngược gió tung bụi. [17]

TRIỀN CÁI HÔN TRẦM – THUỴ MIÊN (styāna, middha – 昬沉 – 睡 眠)

Tìm hiểu về hôn trầm và thụy miên

Pháp nào là sự không nhạy bén của tâm, không thích nghi, sự chần chừ, đình trệ, lười biếng, sự lười biếng, cách lười biếng, thái độ lười biếng, rã rượi, cách rã rượi, thái độ rã rượi của tâm. Đây là những biểu hiện của hôn trầm – 昬 沉。Pháp nào là sự không nhạy bén của thân, không thích nghi, sự che lấp, đậy khuất, bịt ngăn bên trong, hôn mê, bần thần, buồn ngủ. Đây là những biểu hiện của trạng thái thụy miên – 睡 眠。

Hôn trầm, thụy miên làm che mờ đời sống

Trong cuộc sống hàng ngày, hôn trầm – thụy miên có ảnh hưởng rất lớn. Chúng khiến tinh thần cảm thấy mệt mỏi. Nguyên nhân xuất phát từ sự ăn uống không hợp lý, quá dư thừa dẫn đến tình trạng ứ đọng. Hoặc cũng có thể do tinh thần gặp những tình huống chán nản mà không thể có hướng giải quyết, sanh ra mệt mỏi. Cách điều tiết sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến cơ thể, làm phát sinh ra triệu chứng hôn trầm. Hôn trầm – thụy miên khiến chúng ta bị lu mờ, tối tăm đối với hiện tại. Công việc, học tập, sinh hoạt… sẽ không hoàn thành tốt nếu tâm trạng bị hôn trầm đeo bám. Nó cũng khiến chúng ta mất đi sự hăng hái; mà thay vào đó là các cảm giác biếng nhác, bất an, lơ đễnh và thụ động. “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sanh đưọc sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỳ kheo, như không hân hoan, biếng nhác, chán nản, ăn quá no, tâm thụ động. Với người có tâm thụ động, này các Tỳ kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại” [18].

Sự mờ nhạt của tâm thức trong tu tập thiền

Trong tu tập, hôn trầm – thụy miên là một chướng ngại lớn. Hôn trầm sẽ sinh ra cảm giác rã rượi, khiến hành giả bị lôi kéo, chìm vào mờ nhạt, không sáng suốt. Các nhạy bén hay cảm giác về thực tại không còn rõ ràng nữa. Hành giả bị thụ động trước sự mê muội này. Hôn trầm cũng khiến hành giả mất đi sự tập trung, chìm sâu vào giấc ngủ – thụy miên mà không hề hay biết. Thụy miên phát sinh một thứ lôi kéo đưa chúng ta ra khỏi hoàn toàn thực tại, dù đang tọa thiền hay ngồi vắng lặng. Nếu nặng hơn, thụy miên có thể khiến thời gian tu tập trở nên vô ích. Bởi tất cả thời gian đều bị quên lãng, đánh mất đi. Hành giả có thể cảm thấy một, hai tiếng đồng hồ trôi qua không hề có sự tỉnh táo rõ ràng. Điều này thật không tốt cho những ai muốn quay trở về sự vắng lặng, tỉnh thức và sáng suốt trong hiện tại.

Như lý tác ý để hóa giải hôn trầm, thụy miên

Để hóa giải, vượt qua được hôn trầm – thụy miên, cần có sự tỉnh táo và sáng suốt. Hãy luôn biết cách chọn ánh sáng thích hợp cho nơi ở, tu học, làm việc. Bản thân chúng ta khi có sức khỏe ổn định cũng là một cách giúp cơ thể không thụ động, chán nản. Cách tác động tâm lý – như lý tác ý – đến sự tỉnh táo hoặc chủ động nói ra lời khuyến khích cho bản thân cũng là một phương pháp hữu hiệu. “Này các Tỳ kheo, ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy ngăn hôn trầm và thụy miên. Nếu chưa sanh không cho sanh khởi, nếu đã sanh khiến cho đoạn trừ, như yếu tố khơi dậy nghị lực của một người, yếu tố khơi dậy sự nỗ lực, yếu tố khơi dậy sự nỗ lực liên tục của một người” [19].

Khi ngồi thiền, để hóa giải cơn buồn ngủ, chúng ta cũng cần làm một số thao tác như: tác ý đến nó, nghĩ tưởng về pháp, xoa lỗ tai và lòng bàn tay, đứng dậy đi lại, rửa mặt… Tuy nhiên, đó cũng các phương pháp tạm thời, không triệt để. Trong tu tập, khi hành giả có được sự chánh niệm, tỉnh giác hoàn toàn đối với sự sanh diệt của trạng thái này là cách tốt nhất để phòng ngừa và đoạn trừ hôn trầm – thụy miên. Chánh niệm có khả năng nhận biết nó khởi sanh, kéo dài bao lâu và khi nào biến mất. “…Hay nội tâm có hôn trầm thuỵ miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi có hôn trầm thuỳ miên”; hay nội tâm không có hôn trầm thuỳ miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có hôn trầm thuỵ miên”. Và với hôn trầm thuỵ miên chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trần thuỵ miên đã sanh nay được đoạn diệt vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thuỵ miên đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy… Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp”. [20]

Một số các phương pháp cũng được đưa ra để hóa giải hôn trầm – thụy miên; được chú giả, ghi chép rất nhiều từ các bộ kinh sách:

– Tiết độ trong ăn uống

– Thay đổi oai nghi

– Nghĩ về tướng sáng

– Ở nơi thoáng mát

– Nghĩ đến sự chết

– Nghĩ đến khổ trong vô thường

– Khởi tâm hoan hỷ trong tu tập

 

TRIỀN CÁI TRẠO CỬ (uddhacca kukkucca –  掉 舉)

Tìm hiểu về trạo cử

Trạo cử (Skr: Auddhatya; Pl: Uddhacca; zh: 掉 舉): Tâm hiếu động, tâm trạng không ổn định, tính bông lông. Một trong các đại phiền não địa pháp theo A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận và là một trong 20 tuỳ phiền não theo giáo lý Duy thức. Là tình trạng tâm bất an do phóng vọt suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Tính bông lông của tâm. Sự bất lực trong việc tập trung tâm ý qua thiền định [21].  Trạo cử cũng được xem như sự kích động, không bình tĩnh, sự không vắng lặng và phóng dật của tâm. Tâm không thể an trụ vào một đối tượng nào mà luôn là những trạng thái bất an, tán loạn và mất tập trung.

Trạo cử gây xao lãng đời sống

Công việc muốn đạt hiệu quả tốt thì sự tập trung rất quan trọng. Nó giúp ta chú tâm, tập trung tinh thần vào công việc đó. Khi có sự chú tâm, những chi tiết nhỏ sẽ được quan tâm và xử lý hiệu quả. Để thành công lớn thì các chi tiết nhỏ cũng góp phần không kém. Sự xao nhãng sẽ khiến các công việc nhỏ dễ bị mất tập trung. Việc xử lý không được để ý thì chắc chắn sẽ gặp những bất lợi. Những người lăng xăng thường không đạt được hiệu quả cao. Họ không biết cách sắp xếp công việc. Tâm thức họ không thể tập trung lại một chỗ nên không thể có được năng lực mạnh nhất. Họ không thể ghi nhớ các chi tiết nên khó để xử lý, vì thế mà năng lực không đảm bảo. Đây cũng là một chướng ngại lớn trong cuộc sống hàng ngày. “Này các Tỳ kheo, ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy khiến cho trạo cử và hối hận chưa sanh, sẽ sanh khởi, hoặc nếu đã sanh có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng như sự bất an của tâm. Nơi người nào nào nội tâm phiền não thời trạo cử và hối hận nếu chưa sanh, sẽ sanh khởi; hoặc nếu đã sanh có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng” [22].

Trạo cử ngăn ngại sự tập trung trong tu tập

Những trạng thái bất an và lo lắng là biểu hiện của sự kích động về tinh thần. Tâm bạn cứ bồn chồn, phóng dật và không có khả năng an trụ lại một điểm, một đối tượng. Tâm không thể tập trung mà luôn suy nghĩ lan man, thậm chí cả vài phút. Đây là một thói quen từ lâu và hoạt động rất mạnh. Nó khiến bạn luôn nghĩ ngợi quanh quẩn về những vấn đề có liên quan với nhau. Chúng ta luôn có một cảm giác không yên ổn ngự trị trong tâm. Tâm không thể yên trụ vào đâu cả, nó luôn luôn nhảy nhót. Như một con khỉ, tâm luôn chuyển hướng từ đối tượng này sang các đối tượng khác. Nó cũng khiến hành giả không thể tập trung vào một đối tượng nhất quán: hơi thở, phồng xẹp, niệm sanh diệt… Một sự vọng niệm lớn mạnh có thể dẫn dắt, khiến hành giả đi đó đây rất lâu mà khó có thể quay trở lại với phương pháp thực tập hay hiện tại. Nó cũng có thể dẫn dắt, lôi kéo chúng ta hành động, nói năng, suy nghĩ không tự chủ. Trong đời sống hàng ngày, nếu không thể an trụ trên thân hành niệm hoặc các phương pháp thực tập thì mỗi bước chân hay một hành động đều mỏi mệt, thờ ơ và không có được lợi ích. Nó cũng dễ dàng tạo ra các thân bệnh tác động, ảnh hưởng đến đời sống, làm ngăn ngại lối sống an lạc của hành giả tu tập. Vì thế, hóa giải trạo cử là điều rất quan trọng trong công phu tu tập. 

An tịnh tâm hồn để hóa giải trạo cử

Để hóa giải hay đối trị trạng thái bất an, trạo cử của tâm thức cần có một năng lực tập trung. Chúng ta cần có phương pháp chế ngự và làm cho tâm lắng xuống. Phải để qua bên cạnh các suy nghĩ miên man và tập trung nhất quán vào một đối tượng: Tập trung trên đề mục thiền của mình. Từ sự tập trung đó, hành giả có thể cột tâm lại một chỗ, khiến nó ít di chuyển hơn. Lâu dần sẽ tạo thành năng lượng tập trung và có thể chế ngự sự phóng dật của tâm thức. Tâm an tịnh là phương pháp hay nhất để loại bỏ và chế ngự buông lung. “Này các Tỳ kheo, ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn cản  trạo cử và hối hận chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc nếu đã sanh khiến cho được đoạn trừ như sự an tịnh của tâm. Nơi người nào tâm được an tịnh, trạo cử hối hận chưa sanh, không sanh, hoặc nếu đã sanh, sẽ được đoạn trừ”. [23]

Việc đối trị trạo cử cũng giống như huấn luyện một con trâu hoang. Muốn thuần hóa nó, ta cần dùng một sợi dây bền chắc buộc trâu vào một cọc trụ bền chắc. Nó sẽ không khuất phục trong thời gian đầu và nhảy sang bên này bên nọ. Nhưng với sự chắc dẻo của dây và cọc trụ nên cuối cùng nó phải bị khuất phục, nằm yên và ngoan ngoãn nghe theo. Tu tập, huấn luyện tâm cũng như vậy. Cái cọc là hơi thở ra vào; các đề mục chánh niệm. Sợi dây là sự tập trung, chánh niệm. Dù bất kham nhưng nó sẽ dần quen thuộc và ổn định trên hơi thở, nếu được cột chặt bởi sự sáng suốt và tỉnh giác của chánh niệm.

“Khi nội tâm có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi có trạo hối”; hay nội tâm không có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có trạo hối”. Và với trạo hối chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã được diệt, tương lai không sanh khởi nữa vị ấy tuệ tri như vậy… Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.” [24]

TRIỀN CÁI NGHI NGỜ (vicikicchā, vicikitsā – 疑)

Tìm hiểu về nghi ngờ

Nghi ngờ (skr: vicikitsā, pl: vicikicchā, zh: 疑 ): tên gọi của một tâm sở; đối với lý mê ngộ, nhân quả còn nghi ngờ, do dự không thể quyết định. Tức là tâm lý đối với chánh pháp còn do dự không quyết đoán. Phật giáo Nguyên thủy cho rằng từ quả vị Dự lưu mới đoạn trừ được tâm này. Phật giáo phát triển cho rằng từ quả vị Bồ tát Sơ địa trở lên mới đoạn trừ được nó.

Nghi là tên gọi của 1 trong 6 căn bản phiền não, 1 trong 5 triền cái. Đây cũng là tính hoài nghi, che lấp tâm thức của người tu hành khiến cho mờ tối, không thấy được chân lý. Có hai loại nghi ngờ căn bản:

Lý nghi: Đối với chân lý Tứ đế còn nghi ngờ, do dự, chỉ khi nào đến quả vị A-la-hán mới có thể đoạn trừ.

Sự nghi: Đối với sự còn do dự, không quyết đoán, giống như ban đêm thấy cái cây nửa cho là người, chẳng phải người. Có quan điểm cho rằng vị A-la-hán chưa đoạn được, nhưng Độc giác thì đã dứt trừ. [25]

Một niệm sân hận có thể mở ra vô vàn cánh cửa khổ đau, ngăn cản cuộc sống thanh tịnh của tất cả chúng ta: Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.

Hoài nghi được giải thích chủ yếu là sự nghi ngờ hay phân vân đối với Đức Phật, giáo pháp, chư Tăng và điều học. Nghĩa là nghi ngờ đối với sự hiện hữu những phẩm chất cao quý của một bậc giác ngộ. Nghi pháp là sự nghi ngờ về con đường thực tập đưa đến giải thoát, các đạo quả, Niết bàn… Nghi Tăng là không tin tưởng về sự hiện hữu của các bậc thánh, hay nghi ngờ về lợi ích của việc cúng dường đến chư Tăng. Nghi giới điều là không chắc chắn về hiệu quả của Giới – Định – Tuệ trong việc dẫn đến đoạn tận khổ đau [26].

Nghi ngờ khiến cho đời sống bị hạn chế

Nghi ngờ tạo ra một sự bấp bênh trong tâm thức. Nhiều người vì lòng nghi ngờ sâu nặng mà làm mất đi sự tự tin đối với bản thân. Họ không có được khả năng quyết đoán thật sự tốt nhất nên dễ dàng bỏ lỡ các cơ hội thành công. Sự nghi ngờ về năng lực của bản thân, nghi ngờ người thân, môi trường, xã hội… sẽ khiến cá nhân đó tự ngăn cách bản thân đối với xã hội. Họ khó bắt cặp được với nhịp độ cuộc sống. Cho nên, họ luôn có cảm giác cuộc sống quay lưng lại với mình. Nhiều khi sự nghi ngờ khiến họ không cho phép bản thân bộc lộ hết những điểm mạnh và năng lực của mình. Đây là một thiệt thòi lớn đối với những ai luôn mang theo tâm trạng hoài nghi. 

Một tập thể nếu không có được sự đoàn kết chắc chắn sẽ bị tan rã, sớm hay muộn mà thôi. Trong đó, nghi ngờ là một điều cần tránh phải. Nó khiến nội bộ mất đi khả năng liên lạc. Các cá nhân sẽ không hòa hợp với nhau. Hơn nữa, họ có thể thay đổi, loại trừ và mưu hại lẫn nhau, nếu sự tin tưởng không còn được giữ vững. Từ đó dần mất đi tính đoàn kết và bị đổ vỡ, tan rã.

Nghi ngờ làm đánh mất phương hướng tu tập

Kinh điển Pāli diễn tả tâm trạng nghi ngờ như cảm giác của một người đi lạc vào sa mạc và gặp ngay ngã tư đường mà không có bảng chỉ dẫn. Chẳng có một manh mối hay sự hướng dẫn nào để vị ấy nhận biết nên đi theo đường nào. Người ấy chỉ biết đứng đó, do dự vì hướng nào cũng không chắc chắn. Thiền tập cũng vậy, luôn có những nghi ngờ xảy ra. Một trong những trạng thái nghi hiện ra là sự đối thoại, thì thầm trong tâm. Kiểu như: “Mình ngồi đây để làm gì? Ngồi như vậy có được lợi ích gì không? À, chắc chắn là sẽ được rồi! Không, việc làm này thật vô ích, tốn thời gian! Không, mình sẽ không từ bỏ đâu. Mình đã quyết tâm sẽ làm được mà. Hay là mình quá vô minh? Tôi không biết sao nữa! ….”. Đây là một trong các chướng ngại ngăn che, khiến chúng ta không có được sự tỉnh thức. Sự tỉnh thức trong tu tập là một điều rất quan trọng. Trong khi đó, nghi ngờ luôn ngăn cản sự tỉnh thức của chúng ta. Ta không thể tập trung tối đa vào giây phút hiện tại. Điều này là một thiệt thòi rất lớn cho các hành giả phát tâm tu tập để trở về với chánh niệm tỉnh thức, an định thân tâm ngay trong hiện tại cuộc sống. [27]

“Này các Tỳ kheo, ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy ngăn được sự sanh khởi của hoài nghi nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc hoài nghi nghi nếu đã sanh có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng như phi lý tác ý. Nơi người nào không có như lý tác ý, hoài nghi chưa sanh sẽ sanh khởi, không sanh, hoặc nếu đã sanh, có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng” [28].

Chánh tín để hóa giải nghi ngờ

Trong sinh hoạt đời sống, lòng tin tưởng lẫn nhau là điều kiện để duy trì các mối quan hệ. Nhờ đó, các vấn đề nghi ngại sẽ hạn chế xảy ra. Tin bản thân, tin bạn bè, tin người thân, tin công việc… là động lực rất lớn cho mỗi cá nhân trên bước đường trang trải và hoàn thiện cuộc sống. Trong đời sống tu tập, chúng ta cần quyết đoán để loại bỏ và hóa giải nghi ngờ. Đức Phật, giáo pháp của Ngài chỉ dạy đã được các vị thánh đệ tử thực tập và lợi ích đến nay. Nếu nghi ngờ thì chắc chắn sinh ra các chướng ngại. Điều này ngăn cản chúng ta tìm hiểu sâu về giáo pháp. Vì vậy, tín căn – tín lực cần nên phát triển và thực tập mạnh mẽ, thường xuyên.

Trong thiền tập, nghi ngờ cần triệt để hóa giải để không ngăn ngại các hành giả đi đến các quả vị an lạc, các bậc thiền chứng. Một trong những biện pháp hóa giải nghi ngờ là hãy chú tâm, tỉnh giác nhận biết những gì đang xảy ra trong tâm thức. Đơn giản là hãy chú tâm vào nó như một đối tượng để dò xét. Hãy quay lại và xem mức độ hoạt động của nó ra sao, nó mạnh đến mức nào. Hãy nhìn xem nó xuất hiện và kéo dài trong bao lâu. Và tiếp tục theo dõi cho đến khi nó biến mất. “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được đoạn tận, này các Tỳ kheo, như lý tác ý. Nếu như lý tác ý, này các Tỳ kheo, nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được đoạn tận. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp” [29].

ĐỪNG DỪNG LẠI KHI CHƯA ĐẾN ĐỊCH

Trải nghiệm sự giải thoát các buộc ràng

Năm triền cái là một chướng ngại lớn trên con đường thành tựu các bậc thiền định, hướng đến tuệ giải thoát. Việc hóa giải, vượt qua các chướng ngại này giống như một kẻ nô lệ thoát ra khỏi thân phận của đầy tớ. Hắn không còn lo âu mà sinh bệnh này kia. Hắn không còn bị nợ nần chủ nhân mà phải bị giam cầm nữa. Tên tù nhân này đã hết hạn lao tù mà trở về môi trường tự do. Hắn có thể tự do thưởng thức mọi vẻ đẹp của tự nhiên mà không bị ai ràng buộc. Kẻ tù tội thấy được con đường đi ra khỏi chốn rừng hoang vắng, sau một thời gian không quay trở lại. Điều đó thật là một cảm giác hạnh phúc biết bao sau bao lần bị giam giữ, hạn chế quyền nhân.

Việc hóa giải, thoát khỏi năm triền cái cũng giống như vậy. Thoát khỏi tham dục cũng giống như thoát ra được cảnh nợ nần, lo âu. Hóa giải sân hận cũng như người đã chữa được căn bệnh đang hoành hành mà có sức khỏe tốt vậy. Chiến thắng được hôn trầm – thụy miên cũng như tên nô lệ thoát khỏi lao ngục, không còn bị giam hãm. Khi đã tự do, không còn phải làm nô lệ giống như hóa giải, đoạn trừ được trạo cử và hối hận. Và khi thấy con đường về nhà, trải nghiệm sự tự do cũng giống như hóa giải được các hoài nghi vậy. Sự tự do là điều kiện hạnh phúc của con người, không còn bị các trói buộc. Cũng như vậy, hành giả thoát khỏi năm triền cái sẽ đạt được tự do, an lạc và hạnh phúc.

Đường còn dài, ta hãy bước tiếp tục bước đến.

Mặc dù đã được nhận diện, tìm hiểu và đè nén nhưng các triền cái vẫn âm thầm hoạt động. Nó sẽ còn tiếp tục ẩn nấp, chờ đợi cơ hội để bùng phát trở lại. Nếu không cẩn thận có sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước rất nhiều. Khi ta kìm hãm chúng bằng các bậc thiền, đoạn trừ tạm thời bằng tuệ Minh Sát (vipassanā), chúng đã tạm thời lắng yên song vẫn chưa thể đoạn tận được gốc này. Nếu chưa đoạn tận, bứng gốc bằng trí tuệ thì trong tương lai chắc chắn chúng sẽ sanh khởi lại, nhanh chậm tùy mỗi cá nhân thực tập. Khi mất đi thiền tâm và tuệ Minh sát thì các điều bất thiện vẫn sẽ xảy ra. Điều này đòi hỏi sự tinh cần, chú tâm thực tập liên tục cho đến khi chứng thánh đạo – đạo quả giải thoát mới thôi. Đức Thế Tôn đã ví rằng: “Người học đạo như khúc gỗ trôi sông, không tấp vào bờ, không bị nước xoáy, không bị mục nát, không bị người cướp đoạt, không bị ai uy hiếp, Ta bảo khúc gỗ sẽ trôi đến biển. Người học đạo không bị tình dục mê hoặc, không bị đời xoay chiều, tinh tấn trên đường đạo, Ta bảo kẻ ấy sẽ thành đạo” [30].

KẾT LUẬN

Giá trị bất hủ của đạo Phật là vạch ra con đường cụ thể, giúp chúng ta trở thành con người hoàn thiện. Từ đó xây dựng hạnh phúc và tự do, một thế giới với những con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng lớn. Đó cũng chính là thông điệp mà Đức Phật để lại cho chúng ta. Nó kêu gọi mọi người phải tự biết hoàn thiện bản thân, giải thoát khỏi ba độc tham, sân, si. Hãy trở thành những con người với tâm giải thoát, xứng đáng là người học trò, người con của Đức Phật.

Mục tiêu luôn hướng đến và ấp ủ của mỗi hành giả là sự tự do, thoát khỏi các buộc ràng phiền não. Từ đó mà có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc; chứ không hề dựa trên số lượng hay tài sản hiện sở hữu. Tham ái và si mê là đầu mối của mọi sự vướng mắc. Để đạt được những lợi ích chân thật từ việc tu tập cần có sự đầu tư. Việc vun trồng văn tuệ, phát triển các hạt giống thiện lành là những điều cơ bản nhưng rất quan trọng. Xa hơn nữa, chúng ta phải nỗ lực hành trì Thiền tập, chứng được các bậc tuệ giải thoát mới xứng đáng với hy vọng của một tu sĩ chân chính. Hãy nhìn nhận nếp sống của mỗi chúng ta có thật sự sống với đạo và lối tư duy của Phật giáo hay không. Được như vậy, dù Đức Phật đã nhập Niết bàn cách đây gần 2.500 năm; nhưng pháp thân của Ngài vẫn luôn ở bên cạnh theo dõi, hướng dẫn và khích lệ chúng ta.

 

 

 

Chú thích:

* Nghiên cứu sinh Trình Thanh Huy.

[1] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, 13. Kinh Tevijja, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.420.

[2] HT. Thích Phước Sơn (2010), Thanh tịnh đạo luận toản yếu, Chương 8: Định – các vô sắc sứ, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.125.

[3] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng Bộ 1, Chương II, phẩm VI, mục 55, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.126-129.

[4] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 122. Kinh Đại Không, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.441.

[5] HT. Thích Thiện Siêu (2000), Vô ngã là Niết bàn, Nxb. Tôn giáo, tr.49.

[6] W. Rahula (Ns. Trí Hải dịch, 2000), Đức Phật đã dạy những gì, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.76.

[7] HT. Thích Thiện Siêu (2000), Vô ngã là Niết bàn, Nxb. Tôn giáo, tr.52.

[8] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương I Một Pháp I. Phẩm Sắc, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.9.

[9] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 2, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.206.

[10] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương I Một Pháp VIII. Phẩm Làm Bạn Với Thiện, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.31.

[11] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 2, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.206.

[12] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tăng chi, Eka – Nipāta, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.206.

[13] HT. Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông 1, Khóa IV Bài Thứ Bảy: Lục Độ (Nhẫn Nhục Ba-La-Mật), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.597.

[14] Sđd.

[15] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tăng chi, Eka – Nipāta, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[16] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tăng chi. Vượt qua sân hận, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[17] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Pháp Cú, Dhp. 125, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.56.

[18] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tăng chi. Chương 1: Một pháp – Phẩm 02: Đoạn triền cái, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[19] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tăng chi, Eka – Nipāta, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[20] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 2, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.206.

[21] HT. Thích Quảng Độ (2014), Phật Quang đại từ điển, Tập 6, Nxb. Phương Đông, tr.7030.

[22] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tăng chi. Kinh Eka – Nipāta, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[23] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tăng chi, Eka – Nipāta, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[24] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 2, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.206.

[25] HT. Thích Quảng Độ (2014), Phật Quang đại từ điển, Tập 6, Nxb. Phương Đông, tr.3668 – 3669.

[26] Henepola Gunaratana, Lê Kim Kha (dịch, 2015), Chánh niệm, Nxb. Hồng Đức, tr.228 – 229.

[27] Henepola Gunaratana, Lê Kim Kha (dịch, 2015), Chánh niệm, Nxb. Hồng Đức, tr.229.

[28] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tăng chi, Eka – Nipāta, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[29] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 2, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.207.

[30] HT. Thích Thiện Siêu, Thức biến, Kinh – Bốn Mươi Hai Chương, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.110.