DẪN NHẬP
Giấy là một trong bốn phát minh lớn của Trung Quốc cổ đại. Trước khi giấy được làm ra, người ta đã sử dụng nhiều vật liệu để ghi chép văn tự như mai rùa, đồng, tre, phiến gỗ và các sản phẩm dệt lụa quý, nhưng không có vật liệu nào là lý tưởng. Trước thời nhà Đường, hầu hết các bức tranh Trung Quốc đều được vẽ trên lụa, mãi sau này khi giấy Tuyên ra đời mới dần dần được thay thế.
Theo nghiên cứu khảo cổ học, loại giấy sớm nhất hiện nay phát hiện được là “Bá Kiều chỉ” 灞橋紙 xuất hiện khoảng thời Tây Hán. Sở dĩ gọi “Bá Kiều chỉ” là vì vào năm 1957 đội khảo cổ của Tây An đã khai quật khu cổ mộ Bá Kiều, phát hiện được mẫu vật giấy sợi thực vật, ngoài ra còn có các loại giấy khác như “La Bố Náo Nhĩ chỉ” 羅布淖爾紙, “Cư Diên Kim Quan chỉ” 居延金關紙 và “Phù Phong Trung Nhan chỉ” 扶風中顏紙… Sau khi phân tích thành phần của nó, người ta thấy rằng nguyên liệu thô của loại giấy này chủ yếu là “Đại ma” (大麻-sợi gai dầu Cannabis sativa) và “Trữ ma” (苎麻-sợi gai Boehmeria nivea). Dựa vào nguyên liệu làm giấy mà người ta phân loại giấy thành: Ma chỉ, Miên chỉ, Trúc chỉ, Chử chỉ (Cốc chỉ, Cấu chỉ), Hải đài chỉ, Sơn đằng chỉ…
THỜI KỲ CỦA “TI MIÊN CHỈ” 丝 绵 紙.
Vào thời cổ đại, giấy được làm ra dựa vào việc mô phỏng phương pháp lấy tơ từ kén tằm, phương pháp này được gọi là “Phiêu nhứ pháp” 漂絮法. Đó là luộc chín kén tằm, đặt lên mành tre, ngâm nước sông, rửa sạch, vò, đập liên tục, tơ sẽ dần dần bung ra và trở thành tơ tằm. Sau khi lấy chỉ tơ ra, trên chiếu trúc thường còn sót lại một lớp chỉ tơ mỏng. Khi chiếu khô, lớp mỏng có thể bóc ra để viết lên đó, được gọi là “Ti miên chỉ” 絲綿紙 hay còn gọi là giấy lụa. Cho nên trong chữ “Chỉ” (紙-giấy) có bộ “Mịch” (糸-tơ) làm thiên bàng là như vậy. Tuy nhiên, giá thành của loại “Ti miên chỉ” này khá đắt vì vậy không thể sản xuất hàng loạt được, phương pháp này đã truyền cảm hứng cho ý tưởng sử dụng sợi tơ thực vật giàu chất xơ để làm giấy. Dù “Ti Miên chỉ” có được ghi chép lại, nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng tìm được mẫu vật của loại giấy đặc biệt này.
CUỘC CÁCH MẠNG LÀM GIẤY CỦA THÁI LUÂN.
Đến thời Đông Hán, việc tiêu thụ “Bá Kiều chỉ” tăng lên đáng kể so với thời Tây Hán. Sự xuất hiện của nghề làm giấy từ vỏ cây là một dấu hiệu đáng chú ý về sự tiến bộ đáng kể trong công nghệ làm giấy vào thời Đông Hán. “Hậu Hán thư – Hoạn giả liệt truyện” ghi lại rằng Thái Luân 蔡伦 đã nhân lúc đang đảm nhận chức “Thượng Phương Lệnh” 尚方令 để đổi mới nghề làm giấy, dùng vỏ cây, sợi gai dầu 麻头, vải vụn và lưới đánh cá để làm nguyên liệu. Giấy làm theo phương pháp này của Thái Luân được gọi là “Thái Hầu chỉ” 蔡侯紙 [1].
Tại Trung Quốc, có một truyền thuyết như sau: Người ta nói rằng vào năm 121 Thái Luân qua đời. Ông có một đệ tử tên là Khổng Đán 孔丹. Khổng Đán rất muốn làm một loại giấy trắng tinh vẽ chân dung ông để bày tỏ nỗi nhớ thầy. Vì vậy, Khổng Đán bắt đầu làm giấy ở miền nam An Huy. Anh tình cờ bắt gặp một cây đàn hương cổ thụ xanh tươi bên dòng suối trong một hẻm núi. Cây này khác với những cây còn lại, nó đã già và nằm vắt ngang qua suối. Sau nhiều năm bị dòng suối rửa trôi, vỏ cây đã mục nát và chuyển sang màu trắng, lộ ra những sợi dài và trắng. Ông nhìn nó một lúc, và đột nhiên ngây ngất. Ông vội vàng dùng vỏ cây làm nguyên liệu để tạo giấy. Sau khi thất bại nhiều lần, cuối cùng ông đã thành công. Đây cũng là kỹ thuật và nguyên liệu tạo giấy mà sau này người ta hay dùng nhất.
THỜI KỲ CỦA “MA CHỈ” 麻 紙.
Chất liệu viết thời Hán vẫn là lụa và phên tre, giấy vừa xuất hiện như một chất liệu mới, chưa đủ sức thay thế phên tre. Nhưng đến thời Tấn, tình hình này căn bản đã thay đổi. Trong các triều đại Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, các khu vực sản xuất giấy tập trung ở Hà Nam, Lạc Dương và dần dần lan sang đất Việt, Thục, Thiều Dương, An Huy, Giang Tây và những nơi khác khiến cho sản lượng và chất lượng đều tăng. Vào thời nhà Tấn, việc sản xuất giấy đã trở nên thành thục hơn, chất lượng giấy đã đều đặn, trắng, mịn, mọi người không còn sử dụng lụa đắt tiền và thẻ tre nặng nề nữa, dần dần quen với việc dùng giấy để ghi chép, giấy cuối cùng đã trở thành vật liệu viết chủ đạo, và thẻ tre đã được loại bỏ hoàn toàn.
Các thợ thủ công thời này dựa theo nguyên tắc của phương pháp keo tụ, một quy trình sản xuất giấy mới sử dụng sợi gai dầu làm nguyên liệu chính đã được tạo ra, loại giấy này gọi là “Ma chỉ” 麻紙. Trong các triều đại Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, ma chỉ chiếm vị trí chính. Ma chỉ là loại giấy đầu tiên được sử dụng trong thư pháp và hội họa, các nhà thư pháp nổi tiếng như Vương Hi Chi 王羲之 và Lục Cơ 陸機 cũng sử dụng ma chỉ để viết. Ngoài ma chỉ, các nguyên liệu thô từ sợi thực vật khác cũng được sử dụng để làm giấy trong thời kỳ này như “Chử bì chỉ” 楮皮紙, “Tang bì chỉ”桑皮紙, “Đằng bì chỉ” 藤皮紙 …, nhưng giấy gai vẫn là sản phẩm chủ lực ở miền Nam.
BÌ CHỈ THỊNH HÀNH VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THƯ TÍCH VIẾT TRÊN GIẤY.
Các triều đại nhà Tùy và nhà Đường là thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp giấy, cần phải nói rằng để đạt đến trình độ kĩ thuật tương đối hoàn thiện như vậy thì phải trải qua quá trình nghiên cứu miệt mài trong thời gian dài của vô số thợ thủ công, chứ không thể thành công trong một sớm một chiều, chỉ là “Bì chỉ” 皮紙 (giấy làm từ vỏ cây) thịnh hành hơn vào thời Đường vì thế giấy sản xuất vào thời này còn có tên là “Đường chỉ” 唐紙 và Tuyên Châu thuộc tỉnh An Huy là một trong những trung tâm sản xuất giấy vào thời nhà Đường nên cũng gọi là “Tuyên chỉ” 宣紙. Việc phát minh ra mộc bản (bản in khắc gỗ) cũng là nguyên nhân khiến nghề giấy được chú trọng và phát triển hơn. Trong giai đoạn này, số lượng và loại hình sách vở không ngừng được nâng cao. Căn cứ vào số liệu thống kê đến năm 618, Trung Quốc có tất cả 11.754 trước tác khác nhau với hơn 73.200 quyển. Việc phiên dịch kinh Phật trong thời kỳ này cũng rất phồn vinh, từ năm 220 đến năm 618, tổng cộng số kinh Phật được phiên dịch khoảng hơn 1.500 bộ với hơn 4000 quyển. Thiết nghĩ, nếu không có sự xuất hiện của giấy và kỹ thuật in ấn thì số lượng phên tre hoặc lụa sẽ nặng nề và đắt đỏ như thế nào?
Công nghệ xử lý giấy giai đoạn này đã vượt xa thế hệ trước rất nhiều, chất lượng được cải thiện chưa từng thấy. Về kích thước thì giấy thời Đường cũng lớn hơn trước (Việc sản xuất những tờ giấy khổ lớn là tương đối khó vào thời đó). Về chất liệu thì giấy thư pháp của Tùy, Đường và Ngũ Đại vẫn bị chi phối bởi chất liệu gai dầu, nhưng đã có những cải tiến mới trong việc sử dụng chất liệu khác phong phú hơn như: Tang bì桑皮 (Vỏ cây dâu tằm), Thụy hương bì瑞香皮 (Vỏ cây Thụy Hương), Chử bì楮皮 (Vỏ cây Dướng). Về sau Chử bì được thay thế hoàn toàn bằng vỏ cây Thanh đàn青檀 để sản xuất giấy, từ đó nó cũng trở thành nguyên liệu chính trong sản xuất Tuyên chỉ. Tuyên chỉ thời Đường (Đường chỉ) được làm hoàn toàn từ vỏ cây Thanh đàn, đến thời nhà Thanh người ta mới trộn thêm rơm, rạ (nguyên văn: Sa điền đạo thảo沙田稻草) vào. Về tính chất, Đường chỉ thuần khiết, tinh tế, đều, mịn, mềm dẻo, kết cấu chặt chẽ, xoắn trăm vòng không đứt, vò không nát, lâu ngày không đổi màu, không mục nát, dễ bảo quản và nổi tiếng là có “Tuổi thọ ngàn năm” (Chỉ thọ thiên niên-紙壽千年). Để đáp ứng nhu cầu viết và vẽ, giấy đời Đường được phân chia rõ ràng thành giấy sống, hay giấy thô gọi là sinh chỉ生紙, giấy chín hay giấy có gia công chống loang gọi là thục chỉ熟紙. Với việc phổ biến công nghệ sản xuất giấy, diện tích sản xuất đã được mở rộng, chỉ tính riêng vùng làm giấy để cống cho triều đình đã có tới 11 châu như: Thường Châu, Hàng Châu, Nhạc Châu, Ngô Châu, Khúc Châu, Tuyên Châu, Vụ Châu, Hấp Châu, Giang Châu, Cù Châu, Trì Châu. Sau thời nhà Đường, Tuyên chỉ luôn là chất liệu không thể thiếu trong thư pháp và hội họa.
TRỪNG TÂM ĐƯỜNG CHỈ 澄 心 堂 紙 VÀ TRÚC CHỈ 竹 紙
Công nghệ làm giấy thời Ngũ Đại được thừa kế trực tiếp từ thời Đường, từ nguyên liệu đến phương pháp chế biến, nhưng do sự chia cắt nam bắc và sự hỗn loạn lâu dài nên công nghệ làm giấy ở các nơi có phần sai biệt. Ở phía Nam xuất hiện “Trừng Tâm Đường chỉ” 澄心堂紙 – Loại giấy được các triều đại sau này ca tụng – giấy dày hơn do được tạo thành bởi hai lớp giấy mỏng. Ở phía Bắc xuất hiện “Giang Đông chỉ” 江東紙 cũng nổi tiếng không kém. Đến thời Tống, loại giấy được làm từ tre, trúc (Trúc chỉ 竹紙) cũng thịnh hành, được các thư họa gia dùng để vẽ tranh và viết chữ. Đây là một bước đột phá quan trọng khác trong quá trình phát triển của công nghệ làm giấy. “Trúc chỉ” thời Bắc Tống ban đầu có độ nén kém và không dai. Vào thời Nam Tống, Trúc chỉ được sản xuất ở Giang Tô và Chiết Giang đã được cải thiện chất lượng và trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Vào thời Tống và Nguyên, giấy tre không chỉ dùng để viết mà còn dùng để in ấn .Cũng trong giai đoạn này, người ta bắt đầu tái chế giấy, loại giấy tái chế này được gọi là “Hoàn hồn chỉ”還魂紙. Hiện nay, có một quyển kinh được lưu trữ tại Viện bảo tàng lịch sử Trung Quốc tại Bắc Kinh được làm từ loại “Hoàn hồn chỉ” này, đó là cuốn “Cứu chư chúng sinh nhất thiết khổ nạn kinh” (救諸眾生一切苦難經).
THỜI CỰC THỊNH CỦA TUYÊN CHỈ
Vào thời nhà Nguyên, ngành công nghiệp giấy hầu như không duy trì được trạng thái như trước đây, chỉ duy nhất có vùng Giang Nam là còn hưng thịnh. Đến thời Minh – Thanh, ngành công nghiệp giấy mới được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trở lại, các sản phẩm nổi tiếng chính là Tuyên chỉ, Trúc chỉ và Tùng Giang đàm tiên 松江潭箋. Chất lượng giấy trong triều đại nhà Thanh đã khá xuất sắc. Tuyên chỉ đã có một bước tiến vượt bậc về công nghệ và trở thành một loại giấy nổi tiếng được nhiều người biết đến. Vào thời nhà Thanh, hầu hết việc làm giấy ở nhiều nơi đều tận dụng nguyên liệu địa phương, sử dụng nhiều loại nguyên liệu thô khác nhau và giấy được sản xuất cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Quy trình sản xuất giấy đã được cải tiến hơn nữa. Về công nghệ xử lý giấy, thêm phèn, nhuộm màu, làm bóng, cán mỏng, rắc vàng, ám hoa và các quy trình khác đã được phát triển và đổi mới hơn nữa. Tất cả các loại giấy đều được ưa chuộng trở lại. Sự tiến bộ của nghề làm giấy đã giúp cho các thư họa gia có những lựa chọn ngày càng đa dạng hơn, tiêu biểu phải kể đến loại giấy đặc biệt “Phấn chá tiên” 粉蜡箋 hay “Khố chá tiên” 庫蜡箋 (một loại giấy sắc) thời Khang Hy, Càn Long. Năm 2009, Tuyên chỉ đã được UNESCO đánh giá cao và đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chú thích:
[1] Hậu Hán Thư- Quyển thứ 78- Hoạn giả liệt truyện 後 漢 書 – 卷 七 十 八 – 宦 者 列 傳.
Tài liệu tham khảo:
1. Thư pháp đại bách khoa. 書法大百科
2. Văn phòng tứ bảo thâu tàng phẩm giám. 文 房 四 寶 收 藏 品 鑒.
3. Trung Quốc thư pháp giám thưởng đại điển. 中 國 書 法 鑒 賞 大 典.