Long Thọ là một vị luận sư vĩ đại và có công lao lớn trong Phật giáo. Những bộ luận của ông đã làm sáng tỏ các giáo nghĩa mà Phật đã dạy. Đối với Phật pháp, Long Thọ có sự nhận thức rất đặc biệt, có kiến giải cao thâm. Những kiến giải của ông được xem như kiến giải của Phật, đặc biệt là về Tánh Không trong tác phẩm Trung luận.
TRUNG QUÁN LUẬN
Trung luận hay Trung Quán luận được xem là một tác phẩm thậm thâm trong Phật pháp vì những nghĩa lý thâm sâu, khó hiểu; là một bộ luận quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Trung luận được Long Thọ sáng tác dựa trên chính lời Phật dạy về “Chánh Kiến” đó là không rơi vào chấp có lẫn chấp không qua bản kinh Ca Chiên Diên (Kaccayanagotta).
Tánh Không (śūnyatā) ở đây không có nghĩa là “không có” cũng không phải nghĩa là “rỗng không”, mà theo Trung Luận, Long Thọ khẳng định: “Chúng nhân duyên sanh pháp, ngã thuyết tức thị Không” nghĩa là “Pháp do các duyên sanh, ta nói tức là Không” [1]. Như vậy nếu muốn hiểu được chữ “Không” này, cần phải dựa vào nguyên lý Duyên khởi để quán. Duyên khởi, nghĩa là sự sanh khởi của các pháp, hay sự có mặt của các pháp đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều mối quan hệ hợp lại với nhau. Chúng ta thấy tất cả các pháp đều do duyên sanh, không có pháp nào nằm ngoài nguyên lý duyên khởi. Như vậy, tánh Không ở đây cần phải hiểu, đó là sự mô tả về một bản chất chân thật của các pháp. Và bản chất đó là do duyên khởi mà thành. Chúng giống như một dòng nước chảy, được cấu tạo từ vô số các giọt nước nhỏ, hay một cái nhà được tạo nên từ vố số điều kiện như là đất nền, kèo cột, gạch, ngói,… Nhưng trong thời kỳ Phật giáo Bộ phái (Phật giáo có ba thời kỳ chính: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái, Phật giáo Đại thừa), lại có phái có quan điểm dựa trên hiện tượng luận (thấy thực tế) để cho rằng Không ở đây là không – vô sở hữu, vô thể, không có.
Vì thế mà trong khi Long Thọ tạo luận này, các bộ phái Phật giáo (nhất là phái Hữu bộ) đã đưa ra những lập luận như:
“Nếu tất cả đều không
Không sanh cũng không diệt
Như vậy thì không có
Ngay cả Tứ Thánh Đế” [2].
Vì vậy cho rằng Long Thọ phá hoại pháp Tứ đế, tức là không thể thành lập được quá trình thấy Khổ, đoạn Tập, chứng Diệt và tu Đạo; cuối cùng cho rằng Long Thọ phá hoại luôn Tam Bảo:
“Vì không Pháp Tăng bảo
Nên không có Phật Bảo
Như vậy người thuyết không
Là phá hoại Tam Bảo” [3].
Thật ra thuyết về Tánh Không của Trung luận rất thậm thâm, khó hiểu, cho nên thường dễ bị hiểu lầm là một sự phủ định “Không”. Nhưng Long Thọ đã giải thích một cách chuẩn xác và dễ hiểu dựa trên bài kệ:
“Chúng nhân duyên sanh pháp
Ngã thuyết tức thị Không
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị trung đạo nghĩa”.
Dịch nghĩa:
“Pháp do các duyên sanh
Ta nói tức là Không
Cũng chính là giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo” [4].
Như vậy, dựa vào pháp Duyên khởi mà hiển bày, căn cứ vào Duyên khởi để nói Không thì sự và lý đều không ngại. Nguyên lý Duyên khởi cũng chính là chân lý, là trọng tâm trong Đạo Phật, là một trong Ba pháp ấn quan trọng (Duyên khởi – Vô thường – Vô ngã). Và Đức Phật khẳng định Duyên khởi chính là chân lý, là pháp thường trụ ở thế gian, nếu ai hiểu được thì cũng đồng nghĩa với việc thấy được Phật, thấy được Tứ đế:
“Thế nên trong kinh nói
Nếu thấy pháp nhân duyên
Tức được thấy Phật
Thấy Khổ, Tập, Diệt, Đạo” [5].
Hay “Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy pháp. Ai thấy pháp, người ấy thấy Duyên khởi” [6].
HIỆN TƯỢNG LUẬN VÀ BẢN THẾ LUẬN PHẬT GIÁO
Trong Phật giáo có rất nhiều luồng tư tưởng, có những tư tưởng giống nhau, khác nhau, cũng có những tư tưởng tương đồng nhau. Tuy nhiên, phân loại ra có hai trường phái chính, đó là Hiện tượng luận và Bản thể luận. Trong đó, các nhà Thượng tọa bộ được xem là đại diện cho “Hiện tượng luận” và các nhà Đại thừa thì lại đứng trên quan điểm lập luận của “Bản thể luận”. Đại thừa y cứ vào nguyên lý Duyên khởi, cho rằng các pháp vốn là “Không”. Không ở đây không phải là không có, mà là Không được hiểu dựa trên Trung đạo, dựa trên nguyên lý Duyên khởi mà nói. Còn Bộ phái Phật giáo, cụ thể là phái Hữu bộ thì lại dựa trên sự hiện hữu của Uẩn, Xứ, Giới (tức Hiện tượng luận) mà cho rằng các pháp là thật có.
Vậy thế nào là “Hiện tượng luận”? “Hiện tượng luận” chính là các pháp được nhìn thấy bằng chính nhãn quan của chúng ta, tức là đứng trên mặt hình thức, hiện tượng mà nói. Tuy nhiên, khi chúng ta nói về một hiện tượng nào đó, cần phải dựa trên hai yếu tố chính, đó là thời gian và không gian. Nếu chúng ta không nói rõ về hai yếu tố này thì sẽ không xác định được điều đang nói hoặc sẽ hiểu không đúng. Ví dụ như, người A nói chuyện với người B, “Tôi thấy trong đó có cái chậu hoa đẹp lắm”, nhưng người B lại nói: “Tôi chỉ thấy trong đó có cái chậu nuôi cá kiểng, chứ có chậu hoa nào đâu!” từ đó hai người xảy ra xung đột. Nhưng sự thật, thì chậu hoa hay chậu cá cũng chỉ có một, hôm trước người A vào trong phòng đó, thì cái chậu ấy được dùng vào việc cắm hoa. Ba hôm sau, người B vào phòng ấy thì thấy cái chậu được dùng để nuôi cá. Như vậy rõ ràng rằng, nếu chúng ta nhìn nhận và đánh giá một sự vật, hiện tượng nào đó chỉ dựa trên mặt hình thức, hiện tượng của nó mà không nêu rõ thời gian và không gian thì sẽ khiến người nghe mù mờ, chỉ biết trên khái niệm, trên sự mô tả, trên mặt hiện tượng mà không thể hiểu đúng được sự vật như bản chất thật của nó đó. Hoặc câu hỏi “cái trứng có trước, hay con gà có trước?” Đây là câu hỏi khiến nhiều người phải tranh cãi và dù nói như thế nào cũng đều thấy không hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu chúng ta thêm thời gian và không gian vào câu trả lời thì vấn đề sẽ được làm sáng tỏ. Ví dụ nói: “Con gà này mới nở sáng nay”, như vậy có nghĩa là cái trứng có trước, vì có trứng mới nở thành gà. Còn nếu trả lời: “Quả trứng này mới được đẻ sáng nay” thì như vậy là con gà có trước cái trứng, bởi có gà mới đẻ ra trứng. Vì thế mà nguyên lý của “Hiện tượng luận” là cần phải căn cứ vào thời gian và không gian để sự vật, hiện tượng được xác định một cách rõ ràng và chính xác. Nếu tách rời không gian và thời gian thì vấn đề sẽ trở nên mù mờ, khó có thể xác định được.
Ngược lại với “Hiện tượng luận” là “Bản thể luận”. “Bản thể luận” là nói đến bản chất chân thật của tất cả các pháp, và bản chất đó là “Không” (Tất cả các pháp vốn không). Ví dụ khi chúng ta nói: “Đây là cuốn tập của tôi”. Cụm từ “Cuốn tập của tôi” là nói theo quan điểm của “Hiện tượng luận” dựa trên hình dáng và công năng của nó mà có tên là “cuốn tập”. Khi nhìn nhận sâu hơn, kỹ hơn về bản chất của nó, thì cái gì là cuốn tập? Bìa nhựa chăng? Hay Bìa cứng? Cái nhãn dán? Hay từng tờ giấy này là cuốn tập? Rồi do đâu mà có những thứ này?… Rõ ràng, nếu chúng ta đề cập đến vấn đề “Bản thể luận” của cuốn tập ấy thì thấy rằng, bản chất của nó là do duyên sanh. Vì do duyên sanh nên nó cũng là “Không”. Cho nên, về tánh mà nói, chẳng có cái gì gọi là cuốn tập cả.
Với bài kệ:
“Chúng nhân duyên sanh pháp
Ngã thuyết tức thị Không
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị trung đạo nghĩa”.
Có thể thấy, bài kệ này của ngài Long Thọ đã dựa trên nguyên lý Duyên khởi mà nói. Tất cả các pháp vốn do nhân duyên sanh, vì do nhân duyên sanh cho nên chúng không có thực tánh, vì vậy mà gọi là Không. Không tức là Không tánh. Và nếu có một tên gọi nào đi chăng nữa cũng chỉ là đứng trên mặt hiện tượng luận mà gọi, mà đặt tên nên cái tên gọi đó cũng chỉ là một sự giả danh, chẳng có cái tên gọi nào là thật, là đúng cả. Thông thường mọi người đều hiểu “Không” là không có, chẳng có, nhưng Đức Phật lại dùng từ “Không” này để chỉ cho đệ nhất nghĩa đế, là chân lý, là nguyên lý Y tánh Duyên khởi pháp và cũng chính là nghĩa của trung đạo, tức là lìa cả hai tướng có và không. Như vậy, “Không” ở đây nghĩa là trung đạo, là Duyên khởi. Trung luận lại dựa vào trung đạo làm tôn chỉ, mà muốn hiểu trung đạo thì phải rõ nghĩa Không, mà Tánh Không trong Trung luận lại căn cứ vào lý Duyên khởi làm nền tảng. Vì thế, lập luận của Long Thọ chính chính là dựa trên “Bản thể luận” mà thành.
Tóm lại, “Hiện tượng luận” là quan điểm của phái Hữu bộ dựa trên thuyết “Tam thế thật hữu, pháp thể hằng tồn” cho rằng “Ba thời (quá khứ – hiện tại – vị lai) là thật có, bản thể các pháp tồn tại vĩnh viễn”. Thật ra, cái thật có này chỉ là đứng trên mặt hiện tượng, thấy chúng có hiện hữu mà cho là có. Hiện tại, chúng ta sống trong thế giới của hiện tượng, và để xác định một cách chính xác, rõ ràng hiện tượng, sự việc, sự vật mình đề cập, tránh hiểu nhầm, thì nhất định phải có hai yếu tố chính: không gian và thời gian. Tuy chúng ta sống trong thế giới của hiện tượng luận, nhưng nếu chúng ta biết quán chiếu để trở về với bản thể luận của tất cả các pháp, nhìn nhận, quan sát các pháp ở mặt bản thể luận thì chúng ta sẽ có được cái nhìn đúng đắn, làm giảm đi phiền não trong đời sống hàng ngày của chính mình.
Chú thích:
[1] Ấn Thuận (2014), Lược giảng Luận Trung Quán, Thích Hạnh Bình-Quán Như dịch, Nxb. Phương Đông, tr.10.
[2] Sđd, tr.6.
[3] Sđd, tr.7.
[4] Sđd, tr.10.
[5] Sđd, tr.12.
[6] Kinh Trung Bộ, 2021, HT. Thích Minh Châu dịch, Đại Kinh Dụ dấu chân voi, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.