Quý độc giả thân mến,
Trong Kinh Bát Đại Niết Bàn, Đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo tụ hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc tăng trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”. Đoàn kết phải xuất phát từ nội tâm, từ lòng chân thật. Nếu không xuất phát từ nội tâm, đoàn kết không tồn tại được lâu. Khi tụ hợp, giải tán và làm việc trong niệm đoàn kết thì chúng Tăng trở nên cực thịnh. Bởi đã chung một tấm lòng, cùng hoan hỷ và tôn trọng những quyết định chung, Tăng đoàn sẽ phát triển, tồn tại theo đúng tinh thần pháp và luật của Đức Phật, mà không một thế lực nào từ bên ngoài phá hủy được.
Tinh thần đoàn kết là rường cột, giúp chèo lái con thuyền Giáo hội Phật giáo Việt Nam vượt qua bao thử thách, là chất keo sơn giúp chư Tôn đức Tăng Ni đồng sức đồng lòng. Đoàn kết cũng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên nền tảng vững chắc của “Lục Hòa” trong trưởng dưỡng đạo pháp, lợi lạc chúng sinh và phục vụ dân tộc. Không chỉ vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn luôn gắn kết chặt chẽ với các đoàn thể, nhân dân trong đại gia đình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động tích cực trong khuôn khổ Hiến pháp, xứng đáng là thành viên tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Có thể nói, tinh thần đoàn kết là bài học lớn trong cuộc đời tu hành của mỗi hành giả. Khi có những việc không như ý muốn, hãy bình tâm soi xét để tìm ra ưu – khuyết điểm, rồi từ đó chọn cho mình một hướng đi đúng. Còn nếu sự tranh cãi và mâu thuẫn thường nổ ra, cuộc sống sẽ mất đi yếu tố tình thương giữa những người đồng tu. Để cùng bàn luận sâu hơn về nội dung này, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 408 với chủ đề “Niệm đoàn kết” – yếu tố tạo nên sức mạnh của hội chúng Tỳ kheo, những người có sứ mệnh truyền bá chánh pháp.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo