Kinh lá Buông – Di sản văn hoá, lịch sử, tôn giáo của người Khmer Nam Bộ cần được bảo tồn và phát huy (ThS. Nguyễn Thị Kiều Thu)

Tóm tắt: Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển, các giá trị tôn giáo cũng từng ngày thay đổi. Phật giáo du nhập và tồn tại ở Việt Nam trên 2000 năm đã không ngừng tiếp biến, hội nhập cùng văn hóa, lịch sử dân tộc. Văn hóa Phật giáo cũng từng bước góp phần không nhỏ vào nền văn hóa chung của cả dân tộc qua những giai đoạn thăng trầm lịch sử. “Kinh lá buông” – một trong những loại di sản không chỉ của Phật giáo Nam Tông mà còn của toàn thể người dân tộc Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên, trải qua rất nhiều năm tháng, thời gian và những tác động của môi trường, khí hậu, con người là cho những bản Kinh lá buông có từ xa xưa đang dần bị hư hoại. Đồng thời, những nghệ nhân chế tác kinh lá buông không còn nhiều, những kỹ thuật xử lý nguyên vật liệu và khắc chữ trên lá buông đã dần mai một nên các bản Kinh lá buông không còn nhiều. Chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu về các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy kỹ thuật chế tác, khắc chữ trên lá buông cũng như giữ gìn các bản Kinh lá buông đã có là điều rất cần thiết hiện nay. Chúng tôi cũng muốn đóng góp ý kiến nhỏ vào công trình, dự án bảo tồn Kinh lá buông mà người dân đang quan tâm.