Kinh lá Buông – Dấu ấn văn hoá tâm linh đặc sắc của đồng bào Khmer ở An Giang (TS. Nguyễn Thị Quế Hương, ThS. Nguyễn Thị Hoa Nâu)

Tóm tắt: An Giang là tỉnh có sự đa dạng về văn hóa, tộc người và tôn giáo. An Giang có khoảng 29 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, toàn tỉnh An Giang có 11 tôn giáo được nhà nước công nhận (trong khi cả nước có 16 tôn giáo), có 523 cơ sở thờ tự, với hơn 80% dân số của tỉnh là tín đồ các tôn giáo. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 5% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 4% dân số, gắn với hệ phái Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Nam tông của người Khmer ở An Giang đã có những đặc trưng riêng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, tôn giáo của cộng đồng người Khmer. Đặc biệt, việc ghi chép những nội dung khoa học về giáo lý Phật giáo Nam tông, kiến trúc, thiên văn học, văn học, tri thức dân gian, nghệ thuật, nông nghiệp, khoa học môi trường… trên lá Buông đã góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa tâm linh đặc sắc của đồng bào Khmer An Giang. Bài viết tập trung phân tích những giá trị tri thức bản địa, giá trị văn hóa Phật giáo, lịch sử của Kinh lá Buông, từ đó đưa ra một số điều cần chú ý trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.