Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích và làm sáng tỏ những vấn đề phân loại và nội dung tư tưởng, triết lý của Phật giáo Nam tông Khmer trên kinh lá buông – một di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của dân tộc, được lưu giữ phổ biến tại các chùa Nam tông vùng Nam Bộ. Kinh lá buông là hệ thống kinh điển được người dân Khmer sáng tạo và lưu giữ tại các chùa theo hai ngôn ngữ chính là ngôn ngữ Pali gắn với nguồn gốc của Phật giáo Theravada và ngôn ngữ Khmer là sự bản địa hóa Phật giáo trong đời sống cộng đồng. Tại vùng đất Nam Bộ, những bản kinh khắc trên lá buông được xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX, được các nhà sư sử dụng trong học tập, nghiên cứu và giảng giải kinh điển. Căn cứ vào nội dung và ý nghĩa, tính chất của kinh lá buông, người ta phân loại chúng thành bốn nhóm: Satra Rương (Satra truyện), Satra Lơ beng (Satra giải trí), Satra Chơ bắp (Satra luật giáo huấn) và Satra Tes (Satra kinh, kệ). Tại nhiều chùa Khmer vùng Nam Bộ, Satra kinh kệ hiện vẫn còn bảo lưu và gìn giữ như là linh hồn của ngôi chùa.